Báo “Văn Nghệ Trẻ” số 29 (451) ngày 17-7-2005 đăng bài: ““Chuyện thật như đùa” nhưng chuyện thật là gì?” của GIÁO SƯ NGUYỄN ĐÌNH CHÚ (xin viết trong bài là GS.); mở đầu GS. viết: “Cũng xin nói thêm, đây là “Thư ngỏ cùng bạn đọc” chứ không phải bài “trao đổi lại” với ông Hảo”. Vậy, theo cách làm “tế nhị” của GS., Trần Mạnh Hảo cũng xin viết bài báo này, không nhằm “trao đổi lại” với GS. Nguyễn Đình Chú, mà chỉ như một lá thư ngỏ kính gửi bạn đọc báo “Văn Nghệ Trẻ”.
Bạn
đọc kính mến,
Nguyên
nhân của việc có lá “thư ngỏ” này của chúng tôi là để đáp lại lá “thư ngỏ” có
tên gọi vừa nêu trên của GS Nguyễn Đình Chú; là vì cách đây 4 năm, chúng tôi có
cho in bài: “Bài Nguyễn Đình Chiểu trong Văn 11, sách giáo khoa chỉnh lý hợp nhất-
hay chuyện thật như đùa” (Văn Nghệ trẻ số 52 (226) ngày 30-12-2001), do GS.
Nguyễn Đình Chú soạn, nhằm nêu lên nhiều điều sai sót, bất cập trong chương
trình học chính quy phổ thông trung học trong sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục
& Đào Tạo. Nay, GS sau bốn năm ngẫm nghĩ, viết bài trao đổi lại với chúng
tôi toàn là “ông Hảo nói sai thế này”, “ông Hảo hiểu sai thế nọ” mà lại bảo
không “trao đổi lại” với “ông Hảo”, chỉ trao đổi với bạn đọc thôi, thì kể cũng
là chuyện hi hữu. Trong bài này, chúng tôi xin viết ngắn, chỉ bằng hai phần
ba bài của GS “ không trao đổi với ông Hảo”
trên mà thôi.
GS.
lấy lý do này để “không trao đổi lại với ông Hảo”: “Nhưng xin quý vị thông cảm
cho vì tôi vốn không quen và càng không muốn tranh luận với một người đã tự nhận
là “nhà phê bình phải gió” cho dù cách nói có chút tự trào”. Thưa GS. và bạn đọc,
biết người ta nói về người ta “có chút tự trào”, thì sao lại cố chấp đến mức lấy
cái tự trào kia ra để biến thành bản chất thật của người ta? Khi anh Lê Lựu nói
tự trào trên báo bảo mình là “tên nhà quê”, là “gã ăn mày”, hay Trần Đăng Khoa
cũng tự trào tự nhận mình là “Cuội”, là “nhà quê” thì vin vào đó, khi viết về họ,
ai đó lại bảo “tôi không thèm tranh luận với tên “nhà quê” hay kẻ “ăn mày” kia
ư? Ví như Tú Xương tự trào: “Vị Xuyên có Tú Xương/ Giở giở lại ương ương /Cao
lâu thường ăn quỵt/ Thổ đĩ lại chơi lường” thì khi ai đó viết về Tú Xương, lại
bảo tuy ông này chuyên “chơi lường” và “ăn quỵt” mà thơ hay lắm ư?
Nhân
đây, tôi cũng xin nói rõ về chuyện “nhà phê bình phải gió Trần Mạnh Hảo”. Một nữ
phóng viên tập sự đến phỏng vấn tôi nhân một loạt bài phê bình các giáo sư soạn
sách giáo khoa sai, bảo ông phê bình như thế, các học trò của các GS có hàng vạn
người, sẽ ghét ông vô cùng. Tôi nói bằng một ví dụ: rằng lúc đầu họ ghét, sau rồi
khi nhận ra chân-giả, họ sẽ lại yêu tôi bây giờ. Giống như ngày xưa Xuân Quỳnh
chưa lấy Lưu Quang Vũ, Vũ kể tôi nghe Xuân Quỳnh toàn gọi Vũ là “Thằng phải
gió”. Nhưng sau này, Xuân Quỳnh phục tài Vũ, và yêu Vũ say mê vô cùng. Lấy ý
nghĩa chuyện này mà suy, thì xin các học trò của các GS cứ coi như bây giờ “ Trần
Mạnh Hảo là nhà phê bình phải gió” đi, có sao đâu! Thế rồi khi bài phỏng vấn
đem in đã lấy cái tít giật gân để bán báo, rằng: “Trần Mạnh Hảo – nhà phê bình
phải gió”. Tôi phải kể lại chuyện này để chống lại sự xuyên tạc văn bản, và chống
lại sự quy kết người khác ác ý bằng sự “tự trào” của người ta, mà có cả chục vị
lên các diễn đàn bảo tôi bản chất là “Nhà phê bình phải gió” cốt để nhục mạ tôi!
Kết
thúc “lá thư trao đổi với bạn đọc” GS. viết: “Bạn đọc kính mến! “Chuyện thật
như đùa” mà ông Trần Mạnh Hảo đã gán cho tôi là thế. Và chuyện thật là gì tôi
muốn ngỏ cùng bạn đọc là thế. Để kết thúc bức thư ngỏ này, tôi muốn cất lên một
lời kêu gọi: Xin ai đó đừng vẩy bùn lên người khác. Làm thế chẳng đẹp gì hơn
cho mình mà chỉ đáng buồn cho đất nước, cho cõi nhân gian mà thôi. Tôi còn muốn
nói thêm: Khi viết bức thư ngỏ này, trong tôi văng vẳng câu phương ngôn: Học
nói chỉ cần vài ba năm còn học im lặng thì phải suốt đời. Tôi tự buồn vì chưa học
được bao nhiêu lời dạy của phương ngôn đó để phải có bức thư ngỏ này”.
Thưa
GS. Nguyễn Đình Chú, GS. nói như thế, khác gì GS. bảo Trần Mạnh Hảo “vấy bùn
lên người khác” mà trong trường hợp này là “vấy bùn” lên GS. Thực là oan cho
chúng tôi lắm thay! Suốt 4 năm, kể từ khi chúng tôi viết bài phê bình SGK dạy về
Nguyễn Đình Chiểu trong văn 11 do GS. soạn, nếu chúng tôi làm chuyện hỗn láo là
“vấy bùn” lên GS. sao hàng vạn học trò của GS., và hàng triệu bạn đọc đâu có dễ
“tha thứ” cho chúng tôi mà im lặng suốt như thế? Trong khi, bài báo phê bình phần
SGK trên được chúng tôi cho in lại trên 3 tờ báo khác, chứ không chỉ in riêng
trên Văn Nghệ Trẻ!
“Chuyện thật như đùa” 1:
Trong
phần đầu “thư ngỏ” GS. Nguyễn Đình Chú viết: “Trong SGK Văn 11, bản in lần đầu
năm 1991, quả có chuyện như ông Hảo đã nêu: Câu thơ: “Bởi chưng hay ghét cũng
là hay thương” của Nguyễn Đình Chiểu lại nói là của Xuân Diệu. Tôi xin nhận
trách nhiệm sai sót không thể tha thứ này mà chính tôi cũng không hiểu tại sao
có sai sót đó”.
Thưa
quý độc giả và thưa GS, bài khái luận soạn cho SGK Văn 11 để học trò cả nước học
do chuyên gia hàng đầu về Nguyễn Đình Chiểu là GS, mà GS lại nhầm CÂU THƠ HAY
NHẤT CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU là CÂU THƠ CỦA XUÂN DIỆU như GS vừa nhận trên, lại
không hiểu vì sao có thể sai đến mức không thể tha thứ được, thì có phải là
“chuyện thật như đùa“ không ạ? Ví như GS chỉ có một sai sót lớn này do Trần Mạnh
Hảo chỉ ra, còn các sai sót khác TMH chỉ chưa đúng, thì GS cũng không vì thế mà
bảo TMH “vấy bùn lên người khác” được. Huống hồ, đạo lý thông thường, khi người
ta chỉ ra cái sai của mình, mình phải cám ơn người ta, chứ sao lại chửi người
ta?
“Chuyện thật như đùa” 2:
Trong
khi bảo vệ cho việc chú giải chữ: “TÀ” (mà GS chú giải sai thành: Tà = chính tà
) trong câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút
chẳng tà” của Nguyễn Đình Chiểu, GS viết như sau: “Vậy mà ông Hảo đã thay đi một
chữ. Tôi viết: “KHÔNG ĐỨNG THẲNG” ông chữa thành “KHÔNG NGANG THẲNG”…”. Ở đây,
chính là GS đang đùa với sự thật đó! Xin
GS. và quý độc giả mở SGK Văn 11 – sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000- NXB GD, mã
số: 3H101m0 (In xong và nộp lưu chiểu tháng 6-2000, trang 28, dòng thứ 4 kể từ
trên xuống); rõ ràng GS Nguyễn Đình Chú chú giải như sau: “(4) TÀ: XIÊN XẸO,
KHÔNG NGANG THẲNG” mà sao GS vẫn dám cãi: Tôi viết “ĐỨNG THẲNG”, rằng ông Hảo
gian sửa thành “NGANG THẲNG” thì có phải là chuyện thật như đùa hay không? (Chữ
in hoa và in hoa nghiêng trong bài do TMH nhấn mạnh)
“Chuyện thật như đùa” 3:
Điều
này, có trong bài phê bình SGK Văn 11 của Trần Mạnh Hảo (TMH) nhưng GS không nhắc
đến trong “thư ngỏ”. Ấy là việc GS gọi CON CHIÊN là CON DÊ. Chú giải chữ “CHIÊN
CẦU” trong câu thơ Nguyễn Đình Chiểu: “ Sáng chi theo thói chiên cầu/ Dọc ngang
chẳng đoái trên đầu có ai”, GS viết: “Chiên cầu: áo bằng da con chiên (dê). Ý
nói: ăn mặc trang sức theo lối nước ngoài một cách lai căng, mất gốc” (SGK Văn
11 đã dẫn, trang 39, dòng 17 từ trên xuống). GS gọi CON CHIÊN là CON DÊ há
không phải chuyện thật như đùa ư?
Cách
chú giải chữ “Chiên cầu” của GS như trên là chưa đúng. “Chiên cầu” là áo bằng
da dê mà rợ Hồ, dân du mục phương Bắc thường mặc để đánh chiếm Trung nguyên. Chữ
“chiên cầu” ở đây Nguyễn Đình Chiểu dùng để chỉ bọn xâm lược, tức thực dân
Pháp.
“Chuyện thật như đùa” 4:
Ấy
là việc GS chú giải sai từ: “Tầm phào” trong câu thơ: “Qúan rằng ghét việc tầm
phào/ Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm” như sau: “Tầm phào: vu vơ không có
nghĩa lý gì” (SGK Văn 11 đã dẫn, trang 30, dòng thứ 2 kể từ trên xuống). GS để
gần một cột báo lớn trong “thư ngỏ” để biện bác chúng tôi. Nay xin trích ra (không
sai một dấy phảy) những cách GS Nguyễn Đình Chú định nghĩa chữ “TẦM PHÀO”:
- TẦM
PHÀO: vu vơ không có nghĩa lý gì (đã dẫn trên)
-
“GHÉT VIỆC TẦM PHÀO”: (vu vơ); (Văn học 11-sách giáo viên (SGV) mã số:
3G101MO-NXB GD tháng 6-2000, trang 23, dòng thứ 14 kể từ trên xuống).
-
“GHÉT VIỆC TẦM PHÀO”: (bậy bạ). (Văn 11-SGV, số XB 365- NXB GD tháng 7-1991,
trang 24, dòng thứ 8 kể từ trên xuống)
Qua
đây, chỉ riêng từ “TẦM PHÀO” đã thấy GS lúng túng không hiểu nổi nghĩa, dẫn đến chú giải 3 cách khác nhau. Xin theo phép tam
đoạn luận mà suy ra:
- TẦM
PHÀO = vu vơ; TẦM PHÀO = bậy bạ, phép tam đoạn luận cho ta kết quả theo GS Nguyễn
Đình Chú: “TẦM PHÀO = VU VƠ = BẬY BẠ“! Chao ôi, khi từ VU VƠ cũng có nghĩa là BẬY
BẠ thì có phải là “chuyện thật như đùa” không thưa quý bạn đọc? Với việc đồng
nhất, từ “vu vơ” nghĩa là “bậy bạ” thì
câu thơ dưới của Huy Cận là bậy bạ
ư?
“Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nói lời vu vơ”
Hay
câu thơ dưới đây của Hữu Thỉnh cũng là câu thơ “bậy bạ” ư?
“ Em vừa gỡ gió ngoài sân
Anh vừa góp được một lần vu vơ…”
“Chuyện thật như đùa” 5:
Ấy
là chuyện GS chú giải sai từ “TÂM THẦN” trong câu thơ: “Thấy rồi muôn việc
trong trần/ Xin còn hai chữ tâm thần ở ta”; GS Nguyễn Đình Chú chú giải từ “tâm
thần” như sau: “Tâm thần: tinh thần chân chính trong cõi lòng” (SGK đã dẫn,
trang 39, dòng 21 kể từ trên xuống). Thưa bạn đọc và GS, “TINH THẦN” là tinh thần
chứ ạ, sao còn có 2 loại “TINH THẦN khác nhau:
“TINH THẦN CHÂN CHÍNH” và “TINH THẦN KHÔNG CHÂN CHÍNH” là sao ạ? Vậy học
trò cũng sẽ hỏi thầy từ: “CÕI LÒNG” và “CÕI LÒNG CHÂN CHÍNH” khác nhau làm sao
thì có phải là chuyện thật như đùa hay không? Cũng như thế nếu GS giảng từ CHÂN
LÝ, học trò sẽ hỏi thế CHÂN LÝ CHÂN CHÍNH VÀ CHÂN LÝ KHÔNG CHÂN CHÍNH khác nhau
thế nào thì GS trả lời ra sao ạ?
“Chuyện thật như đùa” 6:
Xin
quý bạn đọc đọc nguyên văn đoạn bình văn bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” xem
văn này của GS Nguyễn Đình Chú có phải là văn hài hay văn mô phạm nhà trường:
“Phải
làm cho HS thấy được đây là những dòng văn toàn bích viết về nỗi đau mất mát
trong chiến tranh vệ quốc xưa nay. Chú ý cách dùng từ rất giản dị nhưng có hàm
lượng tư tưởng thẩm mỹ tối ưu của Nguyễn Đình Chiểu trong lời văn này: mẹ đã mất
con thì dù còn trẻ cũng thành mẹ già hết (mẹ già). Con dù lớn đến mấy trong
tình thương của mẹ vẫn là trẻ cả (khóc trẻ). Vợ đã mất chồng thì có khỏe bao
nhiêu cũng là vợ yếu. Cách tạo hình, tạo cảnh để gợi cảm tối đa: mẹ khóc con
không phải vào lúc nào khác mà là lúc đêm khuya, không phải ở nơi nào khác mà
là trong lều. Vợ tìm chồng không phải lúc nào khác mà là bóng xế…” (Văn 11-SGV-
chỉnh lý hợp nhất – NXB GD 6-2000, trang 28, dòng 20 kể từ trên xuống)
Xin
quý độc giả đọc thêm một đoạn “văn hài” nữa của GS Nguyễn Đình Chú trong bài
khái luận : “Nguyễn Đình Chiểu”, như sau: “Văn chương Đồ Chiểu không óng mượt,
nõn nà mà chân chất, phác thực, có chỗ tưởng như thô kệch. Nó không phải là vẻ
đẹp của những cây lúa xanh uốn mình trong gió nhẹ. Nó đẹp vẻ đẹp của đống thóc
mẩy vàng. Nó không phải là quả vải thiều của Hải Dương ai ăn cũng thấy ngon miệng.
Nó là trái sầu riêng của Nam Bộ, với một số người không dễ gì quen, nhưng chính
là “bậc vương giả”trong thế giới trái cây ở đây…” (SGK Văn 11- NXB GD 2000,
trang 27, dòng thứ 10 kể từ trên xuống). GS viết như trên, vừa buồn cười, dung
tục, lại vừa sai. Đa số người miền Bắc, miền Trung không ăn được trái sầu riêng
Nam Bộ. Nói như GS, hoá ra chỉ có người Nam Bộ mới thưởng thức nổi văn Đồ Chiểu
hay sao? Viết như vậy là ca ngợi hay hạ thấp Nguyễn Đình Chiểu?
“Chuyện thật như đùa” 7:
Ấy
là chuyện GS giảng chưa đúng tinh thần bài thơ “Xúc cảnh”.
Xin
xem GS chú giải từ “Thánh đế” trong câu thơ: “Chừng nào Thánh đế soi ân thấu/ Một
trận mưa nhuần rửa núi sông” như sau: “Thánh đế: vị vua đáng tôn kính. Trong điều
kiện ý thức hệ phong kiến còn thống trị, Nguyễn Đình Chiểu không thể không nói
đến Thánh đế nhưng đó là vị vua lí tưởng mà ông ước mơ” (SGK Văn 11 đã dẫn,
trang 37, dòng thứ 15 kể từ trên xuống). Chúng tôi hiểu chữ “Thánh đế” trong
câu thơ trên là triều đình nhà Nguyễn, mà cụ thể là vua Tự Đức. Lúc đang bị giặc
Pháp cướp nước, giống như đang bị cháy nhà, người dân Nam kỳ qua thơ Đồ Chiểu
kêu cứu vua cụ thể đến cứu dân chứ đâu có kêu cứu “ông vua lý tưởng trong ước
mơ” xa xôi không có thực về cứu! Thời đó, phương thức lịch sử là trung quân ái
quốc, người dân Nam Kỳ và cả Nguyễn Đình Chiểu, dù đôi lúc có trách triều đình,
trách vua, nhưng vẫn hướng, vẫn dựa vào triều đình nhà Nguyễn và vua Tự Đức để
tìm cách cứu nước. Chính người của triều đình đã cử Nguyễn Đình Chiểu víết bài
“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” thì làm gì
có chuyện lòng dân Nam kỳ và Nguyễn Đình Chiểu tuyệt đối chống triều đình nhà
Nguyễn như GS viết!
Nay,
trong “ thư ngỏ”, GS để gần nửa bài báo để nói đại ý rằng lòng dân Nam kỳ mà cụ
thể là Nguyễn Đình Chiểu căm ghét nhà Nguyễn cùng vua Tự Đức bán nước; GS viết
như sau, ám chỉ Tự Đức là hôn quân: “Ở đây hoàn toàn không thể nói tư tưởng
trung quân một cách chung chung, không phân biệt minh quân với hôn quân, không
phân biệt minh trung và ngu trung. Đúng là nếu ông Hảo có hiểu biết về những điều
trên đây thì dễ thường ông sẽ không thể viết về bài Xúc cảnh của Nguyễn Đình
Chiểu như đã viết. Riêng với vua Tự Đức, dù là hôm nay đang cần có một sự nhìn
nhận sao cho khách quan công bằng hơn, nhưng gì thì gì, chuyện nhà vua không
kiên quyết chống Pháp chịu để mất nước do đó đã bị dư luận xưa nay chê trách,
lên án là một sự thật không thể chối cãi. Việc ông Hảo cho rằng Nguyễn Đình Chiểu
làm bài thơ Xúc cảnh là nhằm kêu cứu với vua Tự Đức vào cứu con dân Nam Bộ khỏi
họa xâm lăng là một điều khó có thể đồng tình với ông được. Chưa kể nói như thế
là vô tình hay hữu ý hạ thấp quá đáng tầm vóc tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu”
Chúng
tôi xin trích lời của chính GS. Nguyễn Đình Chú trong SGK VĂN 11 phần giới thiệu,
gọi là tiểu dẫn bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” để chống lại đoạn văn trên của
GS, như sau: “Theo yêu cầu của tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, Nguyễn Đình Chiểu
viết bài văn tế này. Vua Tự Đức đã ra lệnh phổ biến bài văn tế trong nhiều địa
phương khác. Nhà thơ Miên Thẩm Tùng Thiện vương và Mai Am nữ sĩ đã có thơ ca ngợi
bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (SGK Văn 11- đã dẫn, trang 31, dòng thứ 9 kể từ
trên xuống)
Kính thưa quý độc giả,
Chúng
tôi còn có thể kể ra rất nhiều “Chuyện thật như đùa” nơi các bài giảng về Nguyễn
Đình Chiểu, Tú Xương, Phan Bội Châu do GS Nguyễn Đình Chú soạn trong SGK Văn
11, nhưng vì khuôn khổ bài viết có hạn, hẹn một dịp khác vậy. Qua đây, quý bạn
đọc có thể biết ai là người đã “vẩy bùn lên người khác” và làm chuyện “đáng buồn
cho đất nước, cho cõi nhân gian…”.,.
Sài Gòn 19-7-2005
T.M.H.
Nguồn: báo “Văn Nghệ Trẻ” số
30 ( 452) ngày 21-7-2005
.
MỘT CHỮ "TÀ" TRONG CÂU THƠ
"ĐÂM MẤY THẰNG GIAN BÚT CHẲNG TÀ" MÀ GS. ĐẦU NGÀNH NGUYỄN ĐÌNH CHÚ
CÒN HIỂU SAI LÀ CHÍNH TÀ, SAO VỊ GS. NÀY VẪN VIẾT SÁCH GIÁO KHOA VỀ NGUYỄN ĐÌNH
CHIỂU VÀ HƯỚNG DẪN NHIỀU LUẬN ÁN TIẾN SĨ?
Chiều nay, 18-5-2005, vài người bạn văn đến nhà chúng tôi chơi, hết sức kinh ngạc về bài báo: “Bút chẳng “tà” là chẳng xấu”, in trên trang 11, báo “Người Lao Động” cùng ngày. Bài báo kể chuyện rằng trong kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 9, Sở GD & ĐT TP. HCM. ra đề thi về Nguyễn Đình Chiểu, bèn gửi tài liệu hướng dẫn chấm thi. Tài liệu cấp Sở ấy hướng dẫn hiểu hai câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” như sau: “TÀ”: “xấu”, “KHẲM”: “chìm”. Than ôi! Người phụ trách môn văn cấp Sở GD & ĐT của một thành phố lớn nhất nước, dứt khoát phải là một (thầy, cô) giỏi văn nhất nhì, sao lại có thể tỏ ra không chút hiểu biết sơ đẳng về văn học đến thế! Ở Nam Bộ này, một đứa con nít cũng thuộc hai câu thơ trên của cụ Đồ Chiểu, không cần học văn một ngày nào, cũng hiểu được “TÀ” trong câu thơ kia là: “cùn/ mòn/ vẹt/ tù/ tày” và ‘KHẲM” là “đầy”…
Nhân chuyện này, Trần Mạnh Hảo tôi bèn mở
sách giáo khoa trung học Văn 11, trang 30, NXB Gáo Dục 1991, do GS. Nguyễn Đình
Chú soạn, đã nhầm câu thơ hay nhất của Nguyễn Đ ình Chiểu: “Bởi chưng hay ghét
cũng là hay thương” thành ra câu thơ của Xuân Diệu ngay trong bài giảng về Nguyễn
Đ ình Chiểu. Lại mở sách giáo khoa Văn 11, in năm 2000, cũng của NXB Giáo Dục,
cũng bài giảng về Nguyễn Đình Chiểu, cũng do GS. Nguyễn Đình Chú soạn, giảng chữ
“TÀ” của câu thơ trên phải hiểu là CHÍNH – TÀ , rằng: “TÀ: xiên xẹo, không ngay
thẳng”…” Viết văn là đâm mấy kẻ gian tà, đâm mấy cũng không xiên xẹo”… Chúng
tôi lại mở sách giáo khoa Văn 11- dành cho giáo viên, đọc cho mọi nghe một đoạn
GS. Chú bình bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” mà tất cả cùng bò ra cười vì lời
bình quá ngô nghê, dung tục, tầm phào. Nếu có em học sinh nào viết bài luận như
thế, chắc chắn thầy cô sẽ cho điểm kém ngay; đằng này, lại là văn mẫu của vị GS.
đầu ngành soạn mẫu cho thầy cô giáo cả nước noi theo, thì than ôi, việc giảng
văn trong nhà trường xuống cấp tới mức không còn giới hạn nữa. (Xem thêm bài:
“Nhân chuyện em Nguyễn Phi Thanh phản ứng bài giảng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc:
NGHĨ VỀ VẤN NẠN CỦA MÔN VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY- báo Công An TP. HCM số
1343, thứ ba, ngày 17-5-2005).
Như vậy, một vị GS. đầu ngành soạn SGK về
Nguyễn Đ ình Chiểu còn hiểu sai đến thế, còn không hiểu nổi một từ của thơ Nguyễn
Đình Chiểu, còn bình tào lao đến thế về bài văn tế kiệt tác kia, thì thử hỏi, một
học sinh lớp 11 (dù là học sinh giỏi văn) làm sao có thể hiểu và thấy thơ Nguyễn
Đình Chiểu hay được? Nên, việc em Nguyên Phi
Thanh nói thật trong “bài văn lạ” kia chính là một cơ hội may mắn để
toàn xã hội cùng giật mình thấy sự khủng hoảng của việc dạy môn văn trong nhà
trường đã tới mức không còn chấp nhận được nữa. Việc soạn SGK về Nguyễn Đình
Chiểu sai lạc đến không ngờ như thế, tưởng khi các vị soạn SGK về các tác giả
khác sẽ khá hơn. Không, các tác giả và tác phẩm khác được học trong sách giáo
khoa văn đã soạn bởi các GS đầu ngành, vẫn để lộ hàng trăm sai lạc nghiêm trọng
khác, hơn cả sự sai lạc của vị GS soạn về Nguyễn Đình Chiểu trên. Từ năm 1994,
chúng tôi (TMH) đã viết hàng trăm bài báo chỉ ra rất nhiều sai trái của riêng
SGK Văn trung học. Bộ GD & ĐT đã tiếp thu phê bình, cho sửa lại “SGK chỉnh
lý hợp nhất” năm 2000 mà sai sót mới lại hiện ra không sao đếm xuể. Xin quý độc
giả tìm cuốn sách “Văn học- phê bình-tranh luận” của chúng tôi (TMH) do NXB Lao
Động ấn hành năm 2004 sẽ rõ; hoặc cuốn “Hầu chuyện các giáo sư” (TMH- NXB Văn Học-
1999)
Khâu quan trọng nhất của việc dạy văn trong
nhà trường là khâu sách giáo khoa. Mà sách giáo khoa thì KHỦNG HOẢNG trầm trọng
đến như thế, làm sao có thể giảng dạy tốt môn văn cho được? Chương trình dạy
văn bị nhồi nhét đến vô lý, xin dẫn lời của một em học sinh lớp 11: “Tại sao
các thầy cô lại cam chịu cách dạy như thế bay lâu? Học 2 tiết 3 bài thơ Đường,
2 tiết là xong chuyện Chí Phèo, 1 tiết là xong 3 trích đoạn Truyện Kiều! Trời đất!
Học mà không cảm được văn, học mà không hiểu về văn, học mà không có thời gian
sống với tác phẩm thì làm sao có hiệu quả đây?...” (trích bài “Hệ thống giáo dục
đừng làm uổng công học tập của chúng cháu” của Bùi Nghiêm Đắc Vinh lớp 11A1 trường
THPT Củ Chi TP.HCM.)
Khâu thứ 2 quan trọng không kém SGK là khâu
các thầy cô giảng văn trên lớp. Chúng tôi thiết nghĩ, trên đất nước này, chắc
chắn có hàng vạn thầy cô giỏi, nhưng với SGK ấy, với sự nhồi nhét chương trình ấy,
với thời gian ấy, lối giảng dạy khô khan hình thức bấy lâu giảng dạy theo “văn
mẫu” ấy, thì thầy cô có giỏi như trời cũng không sao làm cho trò mê văn chương
hay giỏi văn được. Mặt khác, dạy văn là phải dạy bằng rung cảm, bằng nhiệt lượng
tâm hồn, thầy có “lửa”, có rung động sâu xa thì mới truyền cho trò vẻ đẹp của
tâm hồn tác phẩm được. Dạy văn cũng phải “mê” như khi yêu vậy! Mà các thầy cô một
ngày, một tuần dạy nhiều giờ đến tối mặt tối mũi thế thì “mê” thế nào được, thì
riết rồi sẽ như cái máy dạy văn, giống với rất nhiều “cái máy dạy văn” trên
truyền hình. Và học trò sẽ thành những cái máy chép bài. Than ôi, khi dạy văn
trở thành thứ công nghệ như thế, thì làm sao truyền cảm, làm sao có “lửa” được?
Vì vậy, chất lượng dạy văn chắc chắn là không cao.
Khâu quan trọng thứ 3 quyết định thành bại
của việc dạy văn trong nhà trường là việc học của học sinh. Dạy văn, nói cho
cùng là dạy người, dạy phương pháp thẩm mỹ, tiếp cận tác phẩm văn học; khơi sự
sáng tạo cho học sinh, giúp chúng có cơ hội ngồi một mình trước tác phẩm để tự
mình tìm ra con đường riêng, để trái tim người đọc gặp được trái tim người viết
đang mã hoá dưới hình tượng và ngôn từ. Tâm hồn các em đang như tờ giấy trắng.
Các em rất nhạy cảm, rất ngây thơ tin tưởng và cũng rất dễ nghi ngờ, dễ tuyệt vọng.
Với những lời vàng ngọc, với lý tưởng tốt đẹp và những hình ảnh thiêng liêng
cao quý trong sách vở, các em bước ra cuộc đời ở ngay ngoài đường phố và dễ bị
choáng ngợp vì hàng loạt những vấn đề xã hội tiêu cực do những hành vi, những sự
việc diễn ra rất phũ phàng, giả dối, ngược lại những điều các em vừa học trong
nhà trường. Thầy giáo vừa dạy chỉ trong xã hội phong kiến của thời Thuý Kiều mới
có cảnh vu oan giá họa cho người lương thiện thế, mới có cảnh nhà thổ trác táng
như thế, cảnh bán người chuộc cha thế! Nhưng khi các em đọc báo thì than ôi, xã
hội chúng ta còn đầy ra những thứ tiêu cực hơn cả thời Thuý Kiều! Làm sao giải
thích?
Những vấn nạn của xã hội, những gương xấu
tràn ngập ngoài đời, những tiêu cực khắp nơi đang là những sức ép tâm lý, đè nặng
lên tâm hồn các em học sinh, chính là những trở ngại không nhỏ chắn ngang con
đường đến với môn văn, làm thương tổn thẩm mỹ văn chương, góp phần giải thiêng
thế giới lý tưởng của chân thiện mỹ trong nhà trường. Ngoài ra, căn bệnh thực dụng,
sự xâm chiếm toàn diện của công nghệ nghe nhìn… cũng chính là những yếu tố bất
lợi cho việc tiếp nhận thẩm mỹ văn chương của các em trong nhà trường. Sức quyến
rũ của đồng tiền, thói hào nhoáng của văn hoá hình thức, lối sống gấp chỉ biết
hưởng thụ không nghĩ đến ngày mai, ti vi, internet, truyện tranh, tiếng Anh…
choán hết thời gian… đang làm nghèo trí tưởng tượng của học sinh, khiến tâm hồn
các em chai đá, thiếu không gian lãng mạn và một tình yêu thiên nhiên… chính là
những yếu tố làm các em xa dần môn văn. Vì những nguyên nhân trên, chúng ta thấy
việc dạy và học văn trong nhà trường hiện nay thật khó thay! Vấn nạn này là hậu
quả của sự vô trách nhiệm lâu năm không chỉ của ngành giáo dục, mà còn của toàn
xã hội với các thế hệ tương lai, cần được báo động gấp để cùng nhau tìm ra lối
thoát cho nền giáo dục đang khủng hoảng toàn diện của đất nước ta hôm nay.,.
Sài Gòn 18-5-2005
T.M.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét