Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

KỂ CHUYỆN PHỐ NAM ĐỊNH / Đặng Hữu Sinh

 


 

       PHỐ PAUL BERT

 

        Dưới thời Pháp thuộc và tạm chiếm (trước 1 – 7 – 1954)  phố Trần Hưng Đạo ngày nay được gọi là phố Paul Bert, tên một Toàn quyền Pháp ở Đông Dương. Sau giải phóng 1954, phố được đổi tên là phố Đinh Tiên Hoàng, rồi Trần Hưng Đạo.

        Phố Paul Bert bắt đầu từ bến Đò Quan (nay là cầu Nam Định bắc qua sông Đào) đến dốc Lò Trâu, tức là dốc ngã tư Trần Hưng Đạo – Trường Chinh ngày nay.

        Từ khi thành lập thành phố Nam Định, phố đã là trung tâm thương mại, văn hóa của Nam Định.

        Địa điểm lâu đời và nổi tiếng nhất của phố là chợ Rồng. Có tác giả cho rằng chợ được gọi là chợ Rồng vì xây dựng vào năm rồng (Bính thìn 1856) thời Tự Đức.

        Còn theo nhà văn Lê Hoài Nam, “chợ Rồng nằm trên địa thế long mạch, đầu rồng nghển cao về hướng bắc, đuôi quẫy xuống mạn sông Đào nên gọi là chợ Rồng”.

        Nam Định là trung tâm, là vựa thóc và sản phẩm nông nghiệp của đồng bằng sông Hồng. Vì thế, chợ Rồng đông vui, sầm uất không thua kém gì chợ Đông Ba của Huế, chợ Bến Thành của Sài Gòn.

        Pháp xây dựng lại chợ rộng rãi, khang trang, thoáng mát vào thập kỷ ba mươi của thế kỷ trước.  Nhân dịp tuần du Bắc Hà, Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu có đến dự lễ khánh thành chợ. Để nịnh Bảo Đại, quan lại Nam Định tổ chức cuộc thi hoa hậu ngay trong chợ. Nam Phương hoàng hậu được bình chọn là Hoa hậu. Á hậu 1 là cô Quỳnh nhà ở ngõ Trí Tân phố Cửa Trường Nam Định.

        Vào thời gian ấy, khu đất ở vị trí ngân hàng Hàng Hải trước cửa chợ ngày nay còn là bãi đất trống. Học sinh và một số người dân được điều đến dự lễ đón tiếp Bảo Đại đứng ở khu vực này. Bảo Đại đội khăn xếp vàng, mặc hoàng bào thêu thùa tinh xảo, quần trắng, giày uy ních đen, cao lớn hơn hẳn quần thần. Chéo từ vai phải Bảo Đại xuống eo trái là một đai thêu. Khi đó, công tác tổ chức và bảo vệ an ninh chưa được chu đáo và quy củ như bây giờ, nên sau khi trao giải thưởng cuộc thi hoa hậu, quần chúng đổ xô vào chợ xem mặt vua Bảo Đại.

       NHÀ THỜ ĐỨC BÀ

 

          Quá trình xây dựng:

          Cha Nguyễn Đình Nghiêm lên chức linh mục năm 1865 và được cử về làm cha xứ đầu tiên của thành phố Nam Định vào năm 1866. Khi đó Nam Định có một nhà thờ ở phố Năng Tĩnh. Nhà thờ này được xây dựng vào thời kỳ cấm đạo nên rất nhỏ bé, chỉ cao hơn các nhà trong phố. Do đó linh mục Nghiêm dốc công sức, động viên giáo dân xây nhà thờ mới.

          Nếu bạn đi đến ngõ 27 Phan Đình Phùng hiện nay, bạn sẽ thấy một cái cổng đơn giản, cao khoảng 2,5 mét. Trên cột tường bên phải có một tấm biển nhỏ kích thước 25 cm x 20 cm đề “Lối vào nhà thờ năm 1865”. Đi qua cái cổng đó, theo một ngõ rộng 3 mét, dài 100 mét là tới ngôi nhà thờ thứ nhất bằng gỗ mà cha Nghiêm xây dựng theo kiểu Á đông trên nền nhà thờ xứ, mặt quay về phía đường Lê Hồng Phong hiện nay.

          Cha Nghiêm nhận thấy ngôi nhà thờ đó quá bé nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu làm lễ cho giáo dân Nam Định, nên ông lại dành công sức xây lại nhà thờ này. Năm 1895 ngôi nhà thờ đó được dỡ bỏ. Cha Nghiêm rồi cha Đông (Gendreau) coi sóc giáo phận Hà Nội về làm phép, đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ, 5 năm sau ngôi nhà thờ mới được hoàn thành.

          Nhà thờ mới dài 65 mét, rộng 18 mét, tháp vuông cao 28 mét, kiến trúc theo kiểu Âu châu. Do kinh phí có hạn nên ngôi nhà thờ này ít gờ chỉ, cột xây vuông vắn, không trang trí hoa lá. Bên trong nhà thờ chứa được khoảng 800 người. Mặt nhà thờ hướng ra phố Hàng Đàn, chứ không phải phố Paul Bert vì phía trước nhà thờ, giáp với đường Paul Bert là một sở cẩm, tức là một đồn cảnh sát. Đấy là ngôi nhà thờ bạn nhìn thấy hiện nay – nhà thờ lớn Nam Định, hay còn gọi là nhà thờ Đức Bà (Nam Định).

          Cha già Nguyễn Đình Nghiêm quê ở làng Kim Lâm, xã Bối Khê, tổng Bối Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội, dòng dõi Nguyễn quận công triều Lê, cháu 6 đời một người Nhật Bản. Ông qua đời năm 1907, hưởng thọ 78 tuổi, thánh hiệu Phero. Ông được dựng bia tưởng niệm và thi hài được an táng tại nhà thờ.

          Năm 1932, cố A. Cao (Andre Vasquier) đã đề nghị công sứ Nam Định cho mua lại địa điểm của Sở Cẩm ở trước nhà thờ và được công sứ đồng ý. Thế là toàn bộ khu vực phía trước nhà thờ được mở thông ra phố Paul Bert thành một quảng trường rộng rãi, đẹp đẽ. Ở vị trí tượng đài Đức Mẹ Phatima hiện nay là một bồn hoa, hai bên là hai vườn hoa. Khu Sở Điện hiện nay ở trước nhà thờ chính là một vườn hoa đó. Quá trình xây dựng còn tiếp tục, ấy là việc xây dựng khu nhà thờ 4.212 mét vuông, khu nhà chung 936 mét vuông và khu trường Lê Bảo Tịnh 316,2 mét vuông.

          Nhìn nhà thờ uy nghiêm trên quảng trường rộng rãi, ai ai cũng mong mỏi có một tượng đài trên bồn hoa. Các quan chức tỉnh như ông tỉnh trưởng Nguyễn Duy Giá, phó tỉnh trưởng Phạm Quang Ngọc, trưởng ty kinh tế, trưởng ty thông tin... đều là người công giáo nên đều ủng hộ sáng kiến này.

          Mọi người thống nhất là đặt tượng Đức Mẹ. Trong điều kiện chiến tranh còn kéo dài liên miên, người công giáo mong muốn hòa bình, ngước mắt khẩn cầu Đức Mẹ Phatima, nữ vương hòa bình. Năm 1951, cha chính xứ đặt đúc tượng ở thành phố Tourcoing Pháp, tại nơi đã đúc tượng Đức Mẹ Lộ Đức hiện đang dựng tại nhà thờ. Nhà xứ gửi mẫu cho nhà đúc tượng. Năm 1952 nhà hàng gửi ảnh của tượng đã đúc xong, xem có sửa đổi gì không. Nhà xứ xin họ sửa lại nét mặt thêm tươi.

          Trong khi đó, đài đặt tượng bắt đầu được xây dựng. Toàn thể bệ tượng được đặt trên bồn hoa cũ, hình bầu dục dài 27,5 mét, rộng 12,2 mét. Tổng diện tích toàn bộ là 331 mét vuông. Chiều dài trong dậu là 21 mét, chiều rộng 6,6 mét. Diện tích trong dậu là 138 mét vuông. Tượng Đức Mẹ được làm cao 2,15 mét. Toàn bộ bệ tượng cao 2,85 mét.

          Hai bên trước đài là hai cây xanh xén thành hình hai cây nến. Chung quanh là một loạt cây cảnh, được bao bọc bởi một dậu sắt.

          Ngày 18 – 1 – 1953 làm phép tượng đài.

          Toàn quốc có nhiều nhà thờ có tượng đài. Nhưng tượng Đức Mẹ Phatima ở Nam Định là đẹp nhất và gần gũi với giáo dân hơn cả vì Đức Mẹ hơi mỉm cười. Như thế là trong quá trình xây dựng từ năm 1895 đến 18-1-1953, nhà thờ mới có quang cảnh như hiện.

 

       TRƯỜNG LÊ BẢO TỊNH

 

           Nam Định là nơi được truyền đạo đầu tiên và có các phong trào công giáo phát triển mạnh nhất toàn quốc. Đi đến đâu, các giá sĩ cũng xây dựng cơ sở hành lễ tức là các nhà thờ, các trường công giáo để đào tạo văn hóa và giáo lý cho lớp trẻ. Những năm từ 1930 đến 1945 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nhà xứ Nam Định. Cố A. Cao (Andre Vasquier), linh mục Pháp, chỉ làm cha chính xứ Nam Định có một năm – năm 1932 – đã để lại hai dấu ấn khó quên. Đó là việc mở rộng quảng trường trước nhà thờ Đức Bà đến phố Paul Bert và việc mở các trường công giáo. Trường đầu tiên được mở ra là trường E’Ange Gardieu (Các thiên thần Bản mệnh) sau đổi thành trường E’cole Servir (Trường Phụng sự). “Trường Phụng sự trung tâm” được đặt ở khu vực 16 Hàng Đàn, tiếp giáp với phố Hàng Đàn (Hai Bà Trưng). Tiếp theo, các trường Phụng sự Vườn Chay, Vạn Khoảnh, Văn Miếu, Phụ Long được mở ra, dân thời đó gọi tắt các trường đó là trường cố Cao. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, trường Phụng sự Trung tâm dược đổi sang tên Việt là trường Lê Bảo Tịnh.

          Trường là khu nhà 2 tầng, có diện tích 316,2 mét vuông, xây trên khu vực tây bắc nhà chung, tức là bên phải nhà thờ Đức Bà (Nam Định). Trước trường, khu vực phố Hàng Đàn và phố Paul Bert là một sân trống bằng phẳng. Do đó, trường nhìn thẳng sang Ngân hàng Đông Dương chi nhánh Nam Định ở phố Paul Bert.

          Tháng 3 – 1945, Nhật làm đảo chính Pháp. Họ đến chiếm một khu của trường Lê Bảo Tịnh. Bọn Pháp chỉ còn cố thủ trong nhà máy sợi, nhà máy tơ, ngân hàng. Trừ phố Hoa Kiều (Hoàng Văn Thụ) và các cơ sở tôn giáo, nhà của các phố khác bị phá sập, đốt cháy. Cả thành phố ngổn ngang những đống gạch ngói, các căn nhà đổ nát với những khung cửa cháy dang dở.

          Tháng 3 – 1947, khi được quân cứu viện giải vây, bọn Pháp chiếm nhiều cơ sở của nhà chung như đóng quân ở khu tế bần Phụ Long, trường Saint Thomas, Lý Đoán rồi lấn dần các nhà thờ Trương Phụ, Trình Xuyên, Bảo Long...

          Chỉ huy quân đội Pháp đóng ở Ngân hàng, trước cửa nhà thờ Đức Bà, ở phố Paul Bert. Các cơ quan hành chính của ngụy chưa có địa điểm mở trụ sở. Mà bấy giờ vấn đề an ninh rất phức tạp. Bất cứ lúc nào cũng có thể có một nòng súng nhô ra sau các đống gạch nhấp nhô hay một bức tường nham nhở. Nên bọn Pháp phải bố trí bọn tay sai ở gần Ngân hàng để dễ bảo vệ và sai khiến. Kho bạc cạnh ngân hàng (Mặt trận Tổ quốc tỉnh hiện nay) được lấy làm dinh tỉnh trưởng với tỉnh trưởng là Nguyễn Duy Giá. Trường Lê Bảo Tịnh bị chiếm. Tầng trên giành cho ông phó tỉnh trưởng Phạm Quang Ngọc. Bác sĩ Vũ Ngọc Phan trưởng ty Y tế, ông Vũ Văn Thiệu trưởng ty Kinh tế, ông bà giáo Cần mỗi người chiếm một buồng. Cầu thang từ tầng một lên tầng hai được bưng ván vì sợ Việt Minh vào bắt cóc. Tầng dưới là phòng thông tin của tỉnh. Có nhiều lần Việt Minh bắn bazoca vào khu trường nhưng chỉ bị hư hỏn nhẹ.

          Tháng 9 – 1949, dân hồi cư đông dần lên.Hơn hai trăm phụ huynh đến nhà thờ, xin học cho con cháu, nên trường Lê Bảo Tịnh được mở lại. Nhà trường được mở ở một khu vực trong nhà thờ, phía sau trường Lê Bảo Tịnh cũ. Đó là là khu nhà của Minh Minh Đức Hội khi xưa. Nhưng chủ nhà in Chấn Hưng “làm việc” cho Pháp, được Pháp đưa đến chiếm tầng trên ngôi nhà này. Các lớp 3, nhì được đặt ở tầng dưới xưởng in. Các lớp 4, 5 được đặt ở địa điểm khác cũng trong nhà thờ.

          Tháng 9  năm 1950, số học sinh học lại đông lên. Không còn phòng để bố trí lớp học nữa. Hàng ngày, cha mẹ học sinh đưa con, cháu đến chờ chực chật ních phòng thầy hiệu trưởng.  Linh mục Lê Đắc Trọng, hiệu trưởng nhà trường phải xin cha chính xứ nhà thờ - cố Catalube (tên Việt là cố Căn) nói giúp với nhà binh Pháp đòi lại địa điểm nhà in Chân Hưng lấn chiếm, nhưng không có kết quả. Ông phải đấu lý trực tiếp với chủ nhà in. Ngô Ngọc Long nêu ra nhiều lý do, nhưng lý do cơ bản là in báo cho quân đội Pháp nên cần phải có địa điểm an toàn, thuận lợi cho nhà binh Pháp giao thiệp, không tìm được địa điểm thích hợp. Là người quyết đoán, đã nói là làm, làm cho bằng được, sau nhiều lần tranh luận, cha Trọng đã nói một cách gay gắt: “Để cho có người đọc báo thì phải có người biết chữ. Vì thế, việc dạy cho người biết đọc cần phải làm trước việc in báo”. Nhà in Chấn Hưng đuối lý, nhưng cố tìm cách trì hoãn. Thợ in vẫn làm việc, nhưng chủ thì thỉnh thoảng đáo qua, rồi vội vã đi mất. Học sinh được nhận vào học cùng cha mẹ đứng chật lối vào nhà thờ, lối vào trụ sở Minh Minh Đức hội cũ, làm nhà trường cũng như xưởng in đều gặp khó khăn. Nhà in đành trả cho nửa tầng trên. Học sinh lớp nhất được đưa vào khu vừa đòi được. Vào giờ giải lao, học sinh tụm thành từng nhóm nô nghịch, sờ mó vào máy móc hoặc chạy nhảy bừa bãi vướng lối đi lại, làm thợ in không làm việc được. Chửi học trò mãi cũng mệt, mà đánh chúng thì không được, vợ chồng chủ nhà in đành trút tức giận đến nhà trường và thầy hiệu trưởng. Nhưng rồi họ cũng phải chuyển ra phố Bắc Ninh. Bà chủ Chấn Hưng là người công giáo. Đó là gia đình mà cha Trọng nói với những lời nặng nề: “Một lời cảnh cáo và cũng là một lời mời ra đi đầy khích lệ cho những ai nhờ thời cơ nhiễu nhương chiếm đất, lấn đất của nhà thờ, nhà xứ, rồi cứ ở lỳ đó. Vào thời chiến tranh, và lúc đó chiến tranh ác liệt, người chiến sĩ phải giành lại từng tấc đất, trong căn buồng chiến đấu ở từng ngôi nhà”.

           Việc đòi lại khu trường Lê Bảo Tịnh ở phố Hàng Đàn do các quan chức ngụy quyền Nam Định chiếm giữ cũng khó khăn và lâu dài. Đầu tiên cha Trọng dùng tình cảm đặt vấn đề xin các quan chuyển đi nơi khác cho các cháu có chỗ học. Vì là người công giáo, nên Phó tỉnh trưởng Phạm Quang Ngọc, Trưởng ty Kinh tế Vũ Văn Thiệu và ông bà giáo Cần lần lượt ra đi. Riêng ông Trưởng ty Y tế , bác sĩ Vũ Ngọc Phan đưa nhiều lý do từ chối. Như vậy ở tầng 2, nhà trường đã tiếp thu 3 phòng, còn để lại 2 phòng cho bác sĩ Phan. Nhân khi bác sĩ đi họp và bà giúp việc đi chợ chưa về, khóa cửa cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2, nhà trường cho học sinh cậy ván bưng của cầu thang lên tầng 2. Trước việc ấy, bác sĩ Phan rất tức giận, nhưng cũng rất sợ, lập tức tự dọn đi. Việc đòi lại tầng 1 do Phòng thông tin chiếm giữ mất rất nhiều thời gian và giấy tờ. Cha Trọng phải kiện lên Thủ hiến Bắc kì Nguyễn Hữu Trí, nhưng phải đến năm 1952, mới đòi được.

          Năm 1953 trường Lê Bảo Tịnh có khoảng 500 học sinh. Sau giải phóng 1954, trường Lê Bảo Tịnh thành Trường cấp I Hà Huy Tập do nhà nươc quản lý, rồi thành trụ sở Phòng Giáo dục thành phố Nam Định. Năm 2014 nhà nước trả khu vực này cho nhà thờ để xây dựng vườn hoa.

 

       TÔI CHỈ MUỐN LÀM CON DÊ CỤ!

 

          Sau khi chiếm được thành phố Nam Định đổ nát vào ngày 15 – 3 – 1947, Pháp cho tổ chức gần 30 đồn, bốt thành một hệ thống dày đặc bảo vệ cho nội thành. Rồi chúng bắt đầu điên cuồng đánh phá các vùng ven biển, các vùng nông thôn lân cận thành phố nhằm đảm bảo các đường giao thông huyết mạch.

          Chiếm được vùng nào, chúng lập tức phối hợp với bọn tay sai cũ lập nên các làng tề với bộ máy cai trị như thời kỳ đô hộ trước cách mạng tháng Tám. Chúng bắt đầu bắt lính một cách ráo riết, gấp rút đào tạo bọn hạ sĩ quan, phụ cho sĩ quan Pháp điều khiển các đồn, bốt. Hàng ngày, lính xuống làng lùa dân đi phu đào hào, đắp lũy, dựng chướng ngai vật. Tre làng bị chặt phá để đem lên đồn làm lũy. Lúc bấy giờ lực lượng của Pháp còn mạnh. Chỉ cần vài tên lính với dăm khẩu súng trường là chúng đã đi lùng sục khắp làng, quấy nhiễu, vơ vét. Dưới áp lực của lưỡi lê, roi gân bò quật vun vút trên lưng những người dân ốm yếu, các hàng lũy được dựng lên thấm đượm máu hận thù. Tối đến, lính đồn lùa thanh niên lên đồn ngủ tập trung cho dễ quản lý.

          Bà An vừa đi làm về thì thấy lù lù dưới gốc táo là tên đồn trưởng lực lưỡng, khẩu súng lục đeo trễ bên hông. Bên cạnh là một tên ngụy binh (patisan) đang đảo mắt ngắm khu nhà.

          - Lậy quan lớn ạ. Lậy thầy đội ạ.

          Tên Pháp sấn đến chỗ bà, nắm lấy hai bàn tay bà lắc mạnh:

          - Không! Tôi không phải là con lợn. Tôi chỉ muốn làm con dê cụ!

          Mẹ bố mày! Lợn mày bắt tuần trước ròi, còn đâu mà bắt. Mùi gây gây của tên Pháp phả hết với người bà. Cả mảng lông đen rậm rạp ở ngực của nó hình như cũng đang bò ra, leo dần vào người bà, làm bà ngột ngạt, khó chịu quá.

          Tên Pháp gào lên:

          - Tôi là con dê cụ! Tôi là con dê cụ!

          Nghe tiếng kêu, ông An hoảng hốt chạy về. Tên Pháp nhìn tên ngụy binh có ý hỏi. Tên này kêu lên:

          - Pa pa! (Cha)

          Tên Pháp càng nắm chặt tay bà, nhìn ông kêu lên:

          - Con dê cụ! Tôi là con dê cụ!

          Hai ông bà lo lắng nhìn nhau, chưa hiểu đầu đuôi ra sao, thì tên ngụy cười nham nhở:

          - Ông ấy bảo ông ấy không phải là con lợn, tức không phải là quan lớn. Ông ấy chỉ muốn làm con dê cụ tức là chỉ muốn làm con rể cụ.

                                                ***

          Thỉnh thoảng, từ thành phố, từ các đồn bốt, Pháp có tổ chức đi càn các vùng xung quanh trong ngày. Tham gia các cuộc càn, chủ yếu là lính Âu Phi. Sau hỏa lực đại bác bắn yểm trợ trước, lính mới cẩn thận tấn công. Nếu không gặp trở ngại, chúng bắt đầu cướp bóc gà, bò, tất cả đồ dùng cá nhân mà chúng nhìn thấy. Một bà nói với lính: “Các ông lấy cái váy của tôi làm gì?” Tên lính trả lời: “Bà đầm cũng cần đến”. Có anh lính da đen khuân cả cái cối, về không bán được, đem làm bệ xí. Rồi cả bọn đuổi bắt đàn bà, con gái.

          Trong các làng, xóm, bọn phản động, chỉ điểm len lỏi khắp đường ngang, ngõ hẻm nắm bắt tình hình, mật báo cho lính đồn các hoạt động của du kích hoặc cán bộ cách mạng về xây dựng phong trào. Làng xóm ngập chìm trong bầu không khí lo ấu, thấp thỏm với những nỗi sợ hãi bị bắt bớ không cần lý do, không cần chứng cứ, những tai bay vạ gió.

          Trong năm 1947, một xe nhà binh Pháp va phải mìn trên đường 10, giáp làng Dương Lai (nay thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) thuộc địa phận quản lý của đồn Trình Xuyên (Liên Bảo – Vụ Bản). Một tên mật thám vì có tư thù với một vài người làng Dương Lai, đã báo Pháp bắt hàng trăm người làng Dương Lai, phần lơn là dân có máu mặt giam cầm tra tấn tại trường công giáo Xanh Tô Ma và nhà tù nổi tiếng ác nhất lúc bấy giờ là nhà tù Máy Chai ở phố Paul Bert Nam Định, bắn chết hơn 20 người, gây đau xót cho bao gia đình.

          Tại các làng quê dọc sông Đào Nam Định, thỉnh thoảng dân lại vớt được xác người bị trói chân tay hoặc nhét vào bao tải thả trôi sông. Phần lớn họ là du kích hay tù Máy Chai bị Pháp sát hại, do không chịu khuất phục trước các đòn thù hiểm ác của quân thù.

          Chính sự cai trị tàn bạo của Pháp, khiến dân vùng tạm chiếm đoàn kết lại. Ngay từ cuối năm 1947, các đoàn thể quần chúng, các chi bộ Đảng đã được tổ chức lại. Và cán bộ quân sự đã được cử vào các làng tề để tổ chức phong trào du kích.

          Mỹ Tân là làng ở phía bắc thành phố Nam Định. Xã chỉ cách Nam Định có 5 km và bên kia sông Hồng là vùng tự do Thái Bình, Xã nằm trên trục đường 10 đi qua Thái Bình ra Hải Phòng, Quảng Ninh. Xã có bến phà Tân Đệ và có bốt Tân Đệ nằm ngay cạnh bến phà để bảo vệ cửa ngõ của thành phố, bảo vệ đường 10 quan trọng và là cửa ải giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do. Làng có tề ác Trung Trang và khu công giáo Hưng Phụ Long.

          Ngày 20 – 7 – 1947, tức là chỉ sau 4 tháng bị chiếm đóng, du kích đã bắt sống lý trưởng của làng tề ác Trung Trang. Trong khi lính Âu Phi ở bốt Tân Đệ còn đang hậm hực vì bị quan trên quở trách về chuyện này, thì 3 tháng sau, du kích lại bắt sống cả ban tề Phụ Long, Hữu Bị, thu 5 súng trường.

          Tức quá, bọn chỉ huy Pháp bắt dân phát quang cả hai bên đường từ vị trí khu tế bần Phụ Long (nay là vị trí xí nghiệp dược Nam Hà ở đường Hàn Thuyên, phường Hạ Long – Nam Định) ra đến bốt Tân Đệ, mỗi bên cách mép đường 50 mét cho dễ quan sát và quản lý. Nhưng khi vành đai trắng được làm xong, thì chỉ mấy ngày sau du kích lại bắt tiếp phó lý Tân Đệ, rồi vận động được lý trưởng Tân Đệ ra đầu thú tại công an quận 2. Cuộc bình định vùng đồng bằng Bắc bộ có nguy cơ phá sản. Các vùng nông thôn khác cũng sôi sục khí thế cách mạng, phá tề trừ gian nhưng chưa đủ lớn mạnh để tự giải phóng, mà phải chờ bộ đội chính quy trở về để phối hợp.

          Trước tình hình ấy, Pháp phải điều tướng Đờ Lát đờ Tát Xi Nhi, đang là tham mưu trưởng lục quân Tây Âu ở khối Na Tô, sang Đông Dương làm Tổng tư lệnh quân đội kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương để cứu vãn tình thế.

 

       VÀNH ĐAI TRẮNG

 

          Sau khi nhận chức Tổng chỉ huy quân đội kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương, tướng Đờ Lát (Jean dé Lattre de Tassigny)  đã cho xây dựng một vành đai trắng rộng khoảng 5 – 10 km bao quanh vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, cắt đứt vùng này với vùng tự do khu IV và chiến khu Việt Bắc. Bên trong vành đai trắng, Đờ Lát tổ chức nhiều cuộc càn quét, phá vỡ nhiều khu du kích, chiếm nhiều vùng đất mới.

          Ta chọc thủng vành đai này để nối thông tuyến liên lạc Bắc – Nam và đưa được quân vào trong. Quân ta đã phát hiện được ba điểm yếu của vành đai này là Vĩnh Yên, Mạo Khê và phòng tuyến sông Đáy Ninh Bình. Ninh Bình là điểm yếu nhất. Trong số 1.300 lô cốt bảo vệ vàng đai thì chỉ có 50 lô cốt ở Ninh Bình. Cũng chỉ có 9 lô cốt có quân số từ một đại đội trở lên. Phần lớn các cứ điểm này mới chỉ được xây bằng gạch đơn giản, chưa có các hệ thống hầm hào. Các hàng rào bảo vệ bằng tre hoặc ít vòng dây thép gai lòng vòng.

          Ngày 25 – 8 – 1951 chiến dịch Hà Nam Ninh (còn gọi là chiến dịch Quang Trung} đã được mở tại ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình do Bộ tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ huy. Trọng tâm của chiến dịch là Ninh Bình.

          Đêm 28 – 5 – 1951 các đại đoàn 304, 308 như vũ bão đồng loạt tấn công vào Phủ Lý và Ninh Bình. Đồng thời đại đoàn 320 từ Thanh Hóa đánh vào Ninh Bình rồi tập kích tiếp vào Phát Diệm. 5.000 quân du kích Việt Nam bao vậy chặt tuyến Ninh Bình – Phủ Lý, chờ quân tiếp viện từ Phủ Lý xuống. Hai trung đoàn 64 và 52 đánh vào các cứ điểm ở Nam Định và Thái Bình, nhằm kéo dãn quân Pháo ra.

          Trong hai đêm đầu tiên, Pháp đã mất nhiều cứ điểm quan trọng và bị tiêu diệt nhiều đại đội hung hãn. Có một cứ điểm sẽ luôn được lịch sử nói đến. Đó là đêm 29 – 5 – 1951 tiểu đoàn 29 đã tiêu diệt quân Pháp trên một mỏm núi ở Gối Hạc. Quân Pháp ở mỏm núi kia bỏ chạy. Trung úy Bác Na (Bernard de Lattre), con trai tướng Đờ Lát, chỉ huy một đội khinh binh người Việt trấn giữ ngọn núi, đã tử trận vào rạng sáng 30 – 5 – 1951. Hai hôm sau, khi quân Pháp phản công lại địa điểm, quân ta mới rút qua sông Đáy, lùi về phía núi. Khi quân Pháp tìm được Béc Na thì xác đã trương lên, bắt đầu thối rữa.

          Khi đó chiến sự còn đang diễn ra ác liệt ở nhiều nơi trên trận tuyến kéo dài hàng trăm ki lô mét. Tuyến đường Ninh Bình – Phủ Lý bị chia cắt bởi nhiều cuộc tập kích dai dẳng, đẫm máu. Tướng Đờ Lát đành đưa xác con về làm lễ tại nhà thờ Đức Bà (Nam Định) trước khi đưa đi Hà Nội.

          Chiều ngày 3 – 6 – 1951 một vài xe chở một số sỹ quan Pháp và viên chức Việt đến nhà thờ Đức Bà (Nam Định). Khoảng mười phút sau, một xe tải nhà binh Pháp đến. Một trung úy Pháp từ ca bin nhảy xuống, chỉ huy tốp lính trên xe khiêng vào nhà thờ một quan tài còn bê bết cát bụi. Lính khiêng quần áo nhầu nát, mặt mũi phờ phạc, thỉnh thoảng lại lúc lắc đầu, mệt nhọc leo các bậc đá, lên nhà thờ. Nắp quan tài đóng không kỹ, mùi thối nồng nặc bay ra xung quanh. Nước trong quan tài chảy ra, chạy dài trên đường đi. Tại chỗ hành lễ, nước đọng lại thành vũng.

          Buổi lễ diễn ra bí mật, trang trọng và u ám. 10 sỹ quan Pháp ở Nam Định, tỉnh trưởng Nguyễn Duy Giá, một số quan chức Việt, cùng tốp lính mới đến đứng yên, lặng lẽ chịu đựng mùi thối khi đó đã rất nặng nề. Các cháu ở hội hát đứng gần quan tài hơn, không dám bịt mũi, ho hắng, gần như không chịu nổi, nên gương mặt rất căng thẳng. Hai linh mục điều khiển buổi lễ, thỉnh thoảng giả cách đi lấy một thứ đồ lễ nào đó, thay nhau kín đáo đi ra xa để thở, rồi lại vào làm lễ tiếp.

          Buổi lễ này được giữ kín. Đến 55 năm sau, năm 2006, linh mục Lê Đắc Trọng người tham gia buổi lễ mới kể lại.

          Trong khi chiến dịch Hà Nam Ninh còn tiếp diễn rất dữ dội, rúng động báo chí Pa Ri, Đờ Lát đưa xác con về nước, tổ chức tang lễ rất trọng thể. Béc Na là người con duy nhất của ông, khi chết mới 23 tuổi và chưa lập gia đình, chưa có con cái. Trở lại Việt nam, Đờ Lát tổ chức các cuộc phản công mới, quyết chiếm lại Ninh Bình.

          Nhưng dẫu sao vành đai trắng mà Đờ Lát dùng các biện pháp tàn bạo để dựng lên, vành đai mà người Pháp ca tụng là “vành đai Tassigny” đã bị mở ở Ninh Bình. Nó đã chôn vùi tham vọng tái bình định của Đờ Lát. Và cũng chính ở đó, hạnh phúc gia đình của Đờ Lát sụp đổ.

 

       CHIẾN SĨ NGUYỄN THỊ VÂN

 

          Bà Nguyễn Thị Vân sinh năm 1929 tại Tân Đệ, Mỹ Tân (Nam Định) trong một gia đình gia giáo, nề nếp. Năm 1945 Nguyễn Thị Vân ở tuổi 16. Cô đã nhìn thấy thảm họa của trận đói ngay trên quê hương và vùng lân cận, thấy các đống xương dọc đường 10 cao lên từng ngày.

          Nguyễn Thị Vân cùng đội tự vệ ngày đêm luyện tập quân sự, hăng hái tham gia diễn kịch cổ động phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và được giữ chức Bí thư Phụ nữ cứu quốc ở địa phương. Những ngày đầu kháng chiến, cô tham gia lực lượng cứu thương thành phố Nam Định. Sự tận tụy chu đáo của cô được anh em rất quý mến. Gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ làm cô cảm phục và quyết đi theo cách mạng.

          Sau khi chiếm được Nam Định, lính Pháp cho xe đi húc đổ nhiều nhà dân, cả trụ cổng nhà thờ Phù Long để lấy gạch xây bốt. Ai cho vài chai rượu, chúng cho xe chở gạch đến tận nhà. Rồi Nhà máy Dệt Nam Định hoạt động trở lại vào năm 1948. Dân bắt đầu kéo về phố, sửa sang lại các nhà chưa xập đổ hoàn toàn để sống tạm bợ. Bấy giờ làm gì có ngói để lợp nhà. Khắp thành phố lô nhô các mái nhà lợp rạ, căng ly lông to nhỏ, cao thấp, mầu sắc loang lổ, vá víu, chồng chéo. Các cơ sở sản xuất than quả bàng chưa có nguyên liệu. Các cơ sở mộc lác đác, chỉ có ông chủ gầy gò đang sửa chữa, vá víu cái cửa. Thậm chí không có ai chữa giường, vì không có tiền mà sửa. Do đó, cũng chả có mạt cưa mà đun bếp. Mà các xà nhà, khung cửa thì nằm vạ vật khắp thành phố. Nên toàn thành phố đun củi.

          Sau khi lập bốt ở thành phố, lực lượng của Pháp lúc đó khá mạnh vì chúng có vũ khí và kinh nghiệm chiến đấu. Chúng quyết tâm đánh nhanh, thắng nhanh để bình định vùng nông thôn rộng lớn bằng cách đánh phá dữ dội vùng này, bắt bớ lượng lớn du kích và nông dân về giam ở nhà tù Máy Chai trên đường Paul Bert. Rồi chúng phải chiếm cả trường công giáo Xanh Thô Ma, trường dòng Lý Đoán, nhà ga Nam Định để giam giữ tù nhân. Thế là lại có thêm một lượng lớn dân quê lên mua bán lặt vặt ở thành phố để sống qua ngày, để dò hỏi tiếp tế cho thân nhân đang ở tù. Rồi dần dần, bốt ở các làng tề công giáo bị vỡ. Dân công giáo cùng bọn vệ sĩ bỏ chạy, lên tá túc ở các khu vực của nhà chung, hoặc gặp đâu ở đấy.

          Cũng năm 1947, Tỉnh ủy Nam Định rút kinh nghiệm về chủ trương “bật đất”: Không có dân thì không thể tổ chức được lực lượng vũ trang tức là không có phong trào cách mạng. Muốn thế phải vận động nhân dân hồi cư, phục hồi sản xuất.

          Từ giữa năm 1947 đến trước 1 – 10 – 1947 thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc được hợp nhất thành huyện Thành Mỹ. Đồng chí Nguyễn Văn Đăng trưởng chi điệp báo Nam Định về hoạt động ở Mỹ Tân. Mỹ Tân trở thành địa điểm để công an Nam Định xây dựng lực lượng điệp báo trong lòng địch. Nguyễn Thị Vân trở thành điệp báo viên của công an Nam Định.

          Đến tháng 12 – 1948, TW chủ trương biến hậu phương địch thành tiền phương của ta. Bốn tháng sau, huyện ủy Thành Mỹ cử nhiều cán bộ, đảng viên vào sống hợp pháp, nửa hợp pháp trong nội thành để xây dựng cơ sở. Nguyễn Thị Vân vừa hoạt động ở địa phương Mỹ Tân, vừa ở thành phố, trú tại 30 Bến Thóc, Nam Định. Nghề nghiệp là buôn bán nhỏ, làm sao đối tượng tiếp xúc phải nhiều, dễ đi lại, dễ tiếp cận các cơ sở của địch. Cô chọn nghề bán củi rong. Đúng là nghề mà cô dễ đi lại, quen rất nhiều người và thu được nhiều tin tức.

          Lúc đó, hàng từ vùng nông thôn theo các tuyến đường bộ, đường thủy đều đổ về các phố chính Paul Bert, Cửa Đông (Lê Hồng Phong), Phố Khách (Hoàng Văn Thụ). Hàng về vùng nông thôn, nhất là vùng tự do cũng từ các phố này ra đi. Các phòng ban tác chiến của Pháp đặt ở nhà Ngân hàng. Tính báo quân đội ở sau nhà Ngân hàng (vị trí Nhà Văn hóa Thiếu nhi hiện nay). Các trụ sở của chính quyền ngụy đặt ở Kho bạc cạnh Ngân hàng và trường Lê Bảo Tịnh cạnh nhà thờ Đức Bà Nam Định. Một vài tổ chức phản động đặt tại đường phố Paul Bert. Phố Paul Bert trở thành trung tâm tình báo mà ta và địch quan sát săn tin, ứng phó.

          Năm 2000, cụ Nguyễn Đức Nhuận ở 122 Paul Bert Nam Định, sau chuyển ra 18/27 Phù Long kể lại:

          - Cô Vân lúc ấy giỏi lắm! Lúc thì lọt vào nhà băng, thoắt đã ở trại lính Ca rô. Cô thường đưa tài liệu cho chúng tôi trong ống củi mà cô đội đi bán. Rồi lại dặn chúng tôi đến địa điểm đã định ở gần bến cảng Đò Quan để cắt tóc, nhằm theo dõi binh lính và vũ khí địch chuyển từ Hà Nội về Nam Định theo đường sông. Cô hướng dẫn tôi cách lấy tài liệu, tin tức của địch đến cắt tóc, cách viết báo cáo gửi đi.

          Cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn với đội củi trên đầu nhanh nhẹn trên đường phố Paul Bert. Nhưng đôi mắt cô không ngừng quan sát. Do đó, cô đã nắm được quy luật đổi gác của lực lượng cảnh binh, để báo cáo cho đồng chí Phùng Xuân Quảng và Nguyễn Thành Vụ ở công an tỉnh. 7h30 ngày 18-8-1948 đội Ký Con thuộc ban điệp báo Nam Định đã diệt tên cảnh binh, thu vũ khí, làm cho bọn Pháp ở Nam Định giật mình kinh hãi.

          Vào thời điểm ấy, Thái Bình còn là vùng tự do. Bến đò Muối ở Tân Đệ có nhiều lau sậy che khuất, nên được chọn làm địa điểm đón lực lượng kháng chiến từ Thái Bình (bên kia bến đò Muối) sang hoạt động. Cán bộ từ Thái Bình sang chỉ ở về đêm, sáng lại về Thái Bình. Sau được nhân dân và một số người ở bộ máy ngụy quyền bảo vệ, cán bộ đã có thể ở lại cả ngày mà không cần đến hầm bí mật. Vào đầu năm 1950 Pháp đánh sang Thái Bình, cán bộ ta phải chuyển vùng. Từ các đầu mối ở trong hàng ngũ địch, cô Vân được tin báo có tên Toàn con và tên Lương là công an của ta về hàng giặc, mà tổ chức chưa biết. Chúng đã hẹn đoàn cán bộ ta có 24 người từ Thái Bình sang vào 11 giờ đêm đó đến nhà bà Lý Tuất để dưa đi hoạt động. Bà Lý Tuất là cơ sở quần chúng, mà cán bộ ở Thái Bình sang hay đến, là mẹ cô Vân. Vì cô đi hoạt động ở thành phố, nên hai tên Toàn con, Lương không biết cô. Thời gian còn rất ít, không kịp báo cho tổ chức, cô phải mau chóng về báo cho mẹ. Xẩm tối, cụ Tuất ra bãi sậy bến Muối, báo cho đoàn cán bộ chuyển đi.

          Đến đêm, hai tên Toàn con, Lương dẫn lính đến bao vây nhà cụ Tuất đến 12h30 đêm. Không thấy có động tĩnh gì, chúng dùng mật hiệu như mọi khi gọi cụ Tuất, nhưng cụ khéo léo từ chối. Chúng đành bỏ cuộc.

         Trong lần đánh bốt Trung Trang lần thứ hai và bắt tổng Hân (Mỹ Tân), cô Vân bị bọn tay sai phát hiện, nên chúng tìm cách bắt được cô, đưa về nhà giam Nam Định.

Tên quản Đắc nổi tiếng gian ác với bộ mặt dữ dằn, mắt đỏ ngầu, sặc sụa mùi rượu, trực tiếp tra tấn cô. Phòng giam lủng củng các máy biến áp, các dụng cụ tra tấn. Trên tường, các roi gân bò, roi điện treo la liệt giữa các vết máu loang lổ. Hai tên tay sai, với bộ mặt độc ác dùng kìm rút lưỡi cô. Cô rú lên, nhưng không có gì để khai cả.  Chúng bắt đầu dùng kim đâm bừa bãi vào đầu mười ngón tay, rồi ấn hai bàn tay đẫm máu của cô vào nước đá lạnh thấu xương. Tiếp đến, chúng vật cô xuống nền nhà, kéo sợi dây từ trần nhà xuống buộc chặt tay cô, kéo lên trần nhà.  Quản Đắc tra hỏi không có kết quả, gào thét lên như thằng điên. Lập tức hai thằng tay sai thả sợi dây ra. Cô rơi xuống đất, đánh xầm một cái, mặt mũi sưng vù, đẫm máu. Xương khớp gẫy răng rắc, cô lịm đi.

Khi cô tỉnh dậy, quản Đắc đến gần dụ dỗ:

       - Cô Vân, cô còn trẻ lắm. Đời con gái chỉ có một thì. Nếu cô khai ra, cô sẽ được sung sướng. Chúng tôi bảo vệ, không sợ VẸM đâu (VẸM – VM – Việt Minh).

- Lần trước đánh tôi, các ông nói: “Dù có khai hay không, các ông biết cả rồi”. Vậy tôi còn gì khai nữa!

       Quản Đắc hất hàm. Hai tên tay sai xông vào đấm đá túi bụi. Mặt cô sưng lên. Người cô bầm tím, gục xuống. Chúng giở trò đi tàu thủy, tức là bơm nước vào người, trướng bụng lên. Rồi hai tên đi giầy đinh, giẫm lên bụng, làm cả phân và nước phọt ra miệng.

       Tên ba Xồm, người Pháp, phụ trách phòng nhì hét lên:

       - Khai ra mau, ai dẫn đường và chỉ huy đánh bốt Trung Trang, bốt Phụ Long? Mày hoạt động với ai? Thằng nào là chỉ huy? Mày không khai ra thì tàn phế đời con gái, thân tàn ma dại. Khai đi thì được khoan hồng.

Đôi mắt rực lửa của cô Vân vẫn bừng bừng căm thù. Cô nói:

       - Tôi không có tội gì mà khoan hồng. Một người dân yêu nước mà có tội sao? Các ông bắt nhầm rồi. Tôi là Trung chứ không phải là Vân.

Tra tấn đến gần sáng, không khuất phục được cô. Bọn giặc mệt rã rời. Ba Xồm hất hàm cho quản Đắc:

       - Tống con quý cái về buồng giam rồi hỏi tiếp.

       Chúng chưa đủ chứng cứ kết tội cô, nên đành cho cô về buồng giam chung với mọi người. Chị em tù vừa thương, vừa kính phục cô, tìm mọi cách cứu chữa.

       Nhân một hôm có tên lính tàu bò đi càn bị mìn chết, thân thể bầm nát, được Pháp đưa về. Một số bạn tù cùng quê với hắn chửi rủa tên gian ác. Cô Vân nhanh ý hỏi về quê quán, tình hình gia đình nó. Sau đó, cô nhận hắn là chồng mình, ôm chầm lấy xác hắn, khóc lóc thảm thiết, xin được đem về chịu tang. Khi đơn vị hắn đưa xác hắn và cô về quê làm tang, cô tìm cách trốn thoát. Bọn giặc treo thưởng 500 đồng Đông Dương cho ai bắt được cô, để đem đi xử tử.

       Bà Túy ở Mỹ Tân (mẹ đẻ ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội) kể:

       - Sau khi bị địch bắt, tra tấn dã man, chị Vân vẫn còn gan góc lắm. Ra tù, mặc dù sức khỏe còn rất yếu, chị vẫn lao vào hoạt động. Khi nào giặc đi càn ở Mỹ Tân, chị lại lẩn vào nhà tôi. Chị đã kêu gọi được vài chục ngụy binh ra hàng, cùng chị em tổ chức đoàn biểu tình vào tận dinh tỉnh trưởng đấu tranh đòi chồng, con không đi lính cho Pháp.

       Mẹ chị đã nuôi dấu nhiều cán bộ. Có lần giặc đi càn bắt được đồng chí Hiệt (tức Luận) và chồng chị Quy (nguyên Hội trưởng Phụ nữ Nam Định) vào sáng tinh mơ, trói nghiến, đưa về bốt Quán Chuột. Cụ đã kịp dấu tài liệu và nói với đồng chí Hiệt: “Anh cố chịu đòn. Tôi dù chết cũng cứu anh thoát khỏi tay giặc”. Rồi cụ khóc rất to, kể lể quan hệ họ hàng, quê quán để đồng chí Hiệt khai cho hợp lý. Suốt từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm, cụ ngồi ở cổng bốt, van xin quan lớn của bốt cho người cháu hiền lành của cụ được thả về gia đình. Cụ không chịu ăn uống, khóc lóc đến khản cả tiếng, đến mức tên đồn trưởng Viễn sốt ruột bàn với bọn chỉ huy gọi cụ vào làm giấy cam đoan bảo lãnh cho đồng chí Hiệt. Nếu sau này phát hiện được đồng chí Hiệt là Việt Minh thì cụ sẽ bị xử tử hình và tịch thu gia sản. Cụ can đảm đưa bàn tay ra điểm chỉ vì cụ không biết chữ. Bọn giặc phải thả đồng chí Hiệt. Bà con rất sợ hãi:

- Bà khờ dại đem thịt cho hùm nó xơi rồi.

Khi bà trở về nhà, thì các đồng chí ta chờ sẵn, quyết định chuyển đồng chí Hiệt sang địa bàn khác và đưa cụ Tuất ra vùng tự do để đảm bảo tính mạng cho cụ. Cụ hăng hái:

       - Các anh đừng lo cho tôi. Tôi phải ở lại để bà con vững tâm. Và khi các anh về bà con mới dám đón tiếp.

Rồi sáng hôm sau cụ chạy lên đồn báo tin:

- Cháu tôi về, sợ quá, tối qua chạy đi mất rồi.

Đồn trưởng Viễn tức quá, hô lính trói cụ lại, định đem bắn bỏ trôi sông. Sau chúng nghĩ lại, tạm tha cụ về để làm cạm bẫy bắt cán bộ ta.

Nhiều lần chúng lùa bắt cả đàn bà, con gái, trẻ em làng Tân Đệ đến nhà cụ tra hỏi. Cụ dũng cảm đứng ra đấu lý với giặc. Tức quá, chúng dùng lưỡi lê đâm cụ, dùng mọi nhục hình tra khảo, đốt đuốc dí sát vào mặt và định đốt nhà cụ. Suốt 8 năm kháng chiến, cụ đã kiên cường chịu đựng mọi sức ép của địch, hóa trang rất tốt hầm bí mật, che dấu nhiều cán bộ. Nhưng thời gian trôi đi, mắt cụ ngày càng kém, rồi gần như lòa.

Sau khi hòa bình lập lại, bà Vân trở thành cán bộ Công ty Thực phẩm Nam Hà. Năm 37 tuổi bà tiễn chồng là công an đi công tác miền Nam. Hai năm sau ông hy sinh. Một mình bà nuôi bà mẹ đẻ mù lòa, bà mẹ chồng lưng còng gần đất và 5 đứa con còn nhỏ dại. Không quản thời tiết khắc nghiệt nắng trưa cháy bỏng, đêm đông rét buốt, bà vẫn cùng chị em ra phục vụ các trận địa pháo. Năm đứa con bà dần lớn khôn. Có cháu được đi học nước ngoài, có cháu là giáo viên, có cháu là công an.

Bà được khen thưởng:

- Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cấp Bằng khen và Huy hiệu về thành tích xây dựng phong trào phụ nữ quê hương đứng đầu huyện Mỹ Lộc.

- Chiến sĩ giỏi 2 tốt của UBND tỉnh Nam Định.

- Huân chương kháng chiến.

- Kỷ niệm chương “Chiến sĩ bị bắt tù đày kiên cường bất khuất đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc”.

Cụ bà Nguyễn Thị Vân và cụ lý Tuất đều xứng đáng với tám chữ vàng mà Đảng vinh danh những phụ nữ ưu tú của dân tộc: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Về già, bà Vân luôn đau ê ẩm đến nhức nhối vì những đòn tra tấn của giặc khi xưa, tim bà thắt lại, có lúc như không thở được, tai ù, đầu luôn choáng vàng. Mà hai chân bà như gẫy gập, không đứng lên được. Bà vẫn vững vàng ý chí, vì từ tuổi 16 đi theo cách mạng, bà đã vượt qua bao gian nan lớn lao hơn nhiều.

Nhưng vì dám đấu tranh vạch trần sự thật của một bí thư chi bộ cầu an, hưởng thụ, nên bà bị ông ta trù úm, không cấp giấy chuyển sinh hoạt Đảng khi bà đến công tác tại Công ty thực phẩm Nam Hà. Sau nhiều lần bà gửi đơn lên tỉnh ủy Nam Hà, Ban kiểm tra trung ương Đảng, Ban tổ chức trung ương Đảng đã có văn bản chuyển về Công ty thực phẩm Nam Hà đề nghị xem xét giải quyết. Bà được chi bộ công nhận là đủ tư cách đảng viên, xứng đáng là đảng viên xuất sắc, đề nghị kết nạp lại. Bà kiến nghị: Cả cuộc đời bà không tiếc xương máu, công sức hoàn thành bằng được các nhiệm vụ được giao. Nếu đảng thấy bà xứng đáng thì công nhận danh hiệu đảng viên cho bà. Bà có mắc sai lầm, khuyết điểm nào đâu mà phải kết nạp lại. Rồi bà tự xác định, nếu chi bộ ngại việc đấu tranh để xác định ra sự thật thì thà là quần chúng tốt còn hơn là một đảng viên bình thường.

 

       NGÂN HÀNG ĐÔNG DƯƠNG CHI NHÁNH NAM ĐỊNH

 

          Sau khi Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp, nước ta vẫn chưa có ngân hàng và các tổ chức tín dụng quốc gia. Ngoài tiền giấy và tiền kim loại cổ truyền, chúng ta sử dụng đồng bạc Mexico đã được lưu hành trong buôn bán với thương nhân nước ngoài, trước khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược nước ta.

          Người Pháp choáng ngợp trước những cánh đồng mầu mỡ thẳng cánh cò bay, những vùng đất hoang hóa bao la, những vùng rừng ngập mặn nhiệt đới đối với những sản phẩm nông nghiệp đa dạng trong cả bốn mùa của năm cùng những tài nguyên còn nằm yên trong lòng đất.

          Nhưng thời đó, năng suất nông nghiệp quá thấp. Nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn làm đời sống nông dân khốn khổ, khiến tình hình sản xuất không thể cải thiện được.

          Ngày 22-2-1860, Pháp cho mở cảng Sài Gòn để thuyền bè các nước được ra vào buôn bán tự do. Ngay lập tức, lúa gạo Nam Kỳ tăng vọt. 40 lít lúa gạo có giá 1 quan tiền được bán ngay tăng gấp 2 lần, tương đương 1 frăng vàng. Nhờ vậy quân đội Pháp có một khoản tiền lớn đủ để chi tiêu.

       Theo ghi chép của Luro năm 1864, tiền thu nhập của Nam Kỳ năm 1864 đã là 6.291.000 frăng và đến năm 1874 đã lên 14 triệu frăng.

          Báo La Gazette de France số ra ngày 5-11-1864 đánh giá Nam Kỳ có vị trí quân sự và chính trị rất quan trọng. Tuy sản xuất còn kém, nhưng vẫn sản xuất được lượng lớn, mà những nước thiếu lương thực như Nhật Bản phải phụ thuộc.

          Nhưng tin tức này làm chấn động báo chí Pari và làm Bộ thuộc địa Pháp rất hân hoan vì họ đã có đủ tiền tiếp tục mua vũ khí cho quân đội Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam.

          Tư bản Pháp và châu Âu đổ xô vào Việt Nam mở các của hàng bách hóa, các cơ sở thương mại, dịch vụ, các nhà máy nhỏ, nhưng dần dần thiếu vốn kinh doanh vì gặp sự cạnh tranh ác liệt của tư bản Anh và Đức. Người Anh đã đi trước Pháp ở châu Á. Hai ngân hàng Anh ở châu Á rót vốn cho dân Anh ở Việt Nam. Tại Sài Gòn người Đức sở hữu các hãng buôn mạnh nhất và các dịch vụ đáng kể nhất. Người Pháp chủ yếu chỉ bán lẻ các mặt hàng nhập khẩu. Trong lĩnh vực kinh doanh, Nam Kỳ gần như là mảnh đất của Đức. Trước tình hình đó, nếu không có sự giúp đỡ của các tổ chức tài chính, nhiều hàng kinh doanh của Pháp ở Việt Nam có khả năng phá sản.

          Rồi để có thể khai thác được thuộc địa, có tiền cho đội quân xâm lược, phải xây dựng trụ sở, trả lương cho hệ thống chính quyền, xây dựng các thành phố và mở rộng sản xuất. Phải cải tạo các hệ thống sông ngòi, xây dựng đường sắt, cảng biển... Các công ty khai khoáng cũng đòi hỏi các khoản tín dụng lớn.

          Nhưng ở thời điểm ấy Pháp mất khả năng chi trả cũng như thành lập được ngân hàng đáp ứng được yêu cầu như thế. Sau chiến tranh Pháp – Phổ (1870-1871), nước Pháp thua trận, phải đền bù chiến phí 5 tỉ frăng và bị chiếm đóng cho đến khi đền bù đủ chiến phí. Trong khi đó tiền thuế mỗi năm chỉ thu được 1 – 5 tỉ frăng, không đủ chi tiêu, chứ chưa nói đến trả nợ. Đây là thời điểm mà các ngân hàng Pháp cứu nước Pháp. Chính phủ Pháp phải nhờ các ngân hàng bán trái phiếu chính phủ, và ngân hàng được khoản hoa hồng 5% lượng bán. Hai năm sau nước Pháp trả xong nợ và quân Đức rút khỏi nước Pháp. Nhưng cảnh nợ nần vẫn bám chặt chính phủ Pháp và họ phải thẳng thắn thừa nhận không đủ khả năng thành lập một ngân hàng trực thuộc chính phủ giành cho xứ thuộc địa để cứu tình hình kinh tế Đông Dương được. Trước tình hình ấy, tổng thống Pháp phải ký sắc lệnh thành lập ngân hàng Đông Dương tức Banque de l’Indochine viết tắt là BIC ngày 21-1-1875. Đây là một ngân hàng cổ phần và ngay trong tuần đầu tiên, cổ phiếu 8 triệu Frăng đã được bán hết.

          Ngân hàng có trụ sở chính ở Pari năm 1875, được quyền hoạt động như một ngân hàng trung ương, có quyền phát hành giấy bạc và tiền kim loại cho các xứ thuộc địa ở châu Á và điều hành kinh tế của Pháp ở Đông Dương. Chi nhánh đầu tiên đặt ở Sài Gòn. Năm 1885 ở Hải Phòng, 1886 ở Hà Nội, 1891 ở Đà Nẵng, 1926 ở Nam Định, Cần Thơ, 1928 ở Quy Nhơn, 1943 ở Đà Lạt. 1898 mở thêm các chi nhánh ở Trung Quốc, Thái Lan và ở các thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ.

          Năm 1940 nền Đệ tam cộng hòa của Pháp sụp đổ, chính quyền Vichy lên thay quy hàng Đức, chủ trương hợp tác với Nhật ở Đông Dương. Ngân hàng Đông Dương được phát hành loại tiền mới, thay thế dòng chữ Banque de l’Indochine bằng dòng chữ Phủ toàn quyền Đông Dương. Ngoài ra Nhật còn cho lưu hành loại tiền in từ Nhật, nhưng không đề chữ Nhật với giá quy đổi 1 yên = 0,976 đồng Đông Dương.

          Sau năm 1953 Ngân hàng Đông Dương bị giải thể. Việc phát hành giấy bạc được giao cho Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại.

          Từ năm 1946 “tiền Cụ Hồ” được phát hành và sử dụng đồng thời với tiền Đông Dương. Sau 7-1954 ta tiếp thu cơ sở của Ngân hàng Đông Dương để thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Nam Định).

          Ngân hàng Đông Dương tái hoạt động vào năm 1958 ở những nơi khác ở Á châu. Đến năm 1975 thì nhập vào ngân hàng khác với tên mới Banque Indosuez, và đến năm 2001 thì nhập vào Alliauce Banking Grup hoạt động chính thức ở Malaysia.

          Ngân hàng Đông Dương là một ngân hàng đặc quyền, có tầm hoạt động toàn châu Á, đã cho từng người nông dân vay nếu có yêu cầu và đủ điều kiện, cho các công ty vay vốn, thậm chí góp vốn cho các công ty lớn hoạt động, đã giúp ích đắc lực cho cuộc xâm lược của Pháp ở Đông Dương và chi phối nền kinh tế Đông Dương. Đây là một ngân hàng bất khả chiến bại. Từ số vốn ban đầu 8 triệu frăng năm 1875. đã tăng lên 24 triệu frăng năm 1900 và 157,5 triệu frăng năm 1945.

            Sau khi triều đình Huế ký Hiệp ước Pa-tơ-rốt (6-6-1884) chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, công cuộc xâm lược Việt Nam của Pháp hoàn thành. Pháp bắt đầu tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 – 1914).

            Cô Tư Hồng, một trong những phụ nữ lấy Tây đầu tiên của Hà Nội, là một người có thế lực. Cô đã nhận được hợp đồng phá rỡ thành cổ Hà Nội. Gạch của thành được cô đem về xây nhà 15 Hàng Da và 9 ngôi nhà hai tầng cùng một kiểu ở phố Quán Sứ Hà Nội. Sau đó, cô đem hàng ngàn người đến phá rỡ thành cổ Nam Định. Pháp cho nạo vét lòng sông Đào, đặt đường xe goòng chạy suốt từ Tân Đệ, qua các đường nay là Hàn Thuyên, Quang Trung để chở đất từ Mỹ Tân về san lấp hồ ao, ruộng đồng mở rộng thành phố. Toàn bộ khu ruộng ở phía nam đường Cửa Đông đến bờ hữu sông Đào Nam Định dần dần được san lấp trong thời kỳ đó. Đường Paul Bert được định hướng thành đường phố chính của một thành phố hiện đại.

          Khu đất đối diện với Nhà thờ Đức Bà (Nam Định) rộng 7.027 mét vuông được bán cho Ngân hàng Đông Dương, để từ năm 1923 xây dựng Chi nhánh Nam Định. Và năm 1926 ngân hàng này chính thức đi vào hoạt động. Khác với Chi nhánh Hà Nội và Sài Gòn, mặt tiền của Chi nhánh Nam Định là một hàng dậu sắt cao, uy nghi lấy mẫu từ hàng dậu sắt của Phủ toàn quyền Hà Nội. Phòng làm việc và giao dịch là một tòa nhà 5 tầng màu ghi đá đẹp lộng lẫy. Vẻ đẹp lạnh lùng và uy nghi của nó đã thể hiện sức mạnh to lớn trong thời gian tồn tại. Dân Nam Định rất ngạc nhiên là qua cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ khốc liệt cũng như sự tàn phá của thời gian mà ngân hàng gần như không phải sửa chữa, cơi nới như các công sở ngày nay thường làm.

            Bây giờ, chúng ta tìm hiểu sơ qua quá trình phát hành và sử dụng đồng tiền của Pháp ở Đông Dương và Nam Định.

            Thời Gia Long, 1 quan tiền cổ truyền bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 60 đồng kẽm hay đồng điếu. Như vậy, 1 quan tiền bằng 600 đồng tiền kẽm.

            Thương nhân nước ngoài dùng đồng peso Mexico, được dân Việt gọi là đồng hoa xòe, hay đồng con cò, đồng con ó. 1 đồng peso Mexico có giá bằng 1 quan tiền.

            Sau khi Ngân hàng Đông Dương hoạt động, thì tiền giấy được lưu hành đầu tiên ở Nam Kỳ. Tiền Đông Dương chia thành các đơn vị: Piastre, Centime và Sapèque.

          Đồng Piaster được gọi là đồng nếu là tiền giấy, gọi là đồng bạc hay bạc nếu là tiền kim loại sản xuất trước 5 – 1930 vì khi đó dùng bản vị bạc. Từ 5 – 1930 về sau, dùng bản vị vàng cho nên đồng này được gọi là đồng vàng.

          Đơn vị nhỏ hơn là Centime, hay Cent ta thường gọi là xu.

          1 đồng Đông Dương = 100 xu.

          10 xu là 1 hào hay 1 cắc.

          Đơn vị nhỏ nhất là Sapèque là đồng điếu, đồng kẽm, ta thường gọi là trinh.

          Ngay từ đầu, 1 đồng Đông Dương được định giá bằng 1 Peso Mexico. Như vậy:

          1 quan tiền cổ truyền = 10 tiền = 600 đồng điếu (Thời Gia Long).

          1 đồng Đông Dương = 1 đồng Peso Mexico = 1 quan cổ truyền = 100 xu = 200 đến 600 đồng kẽm tùy theo từng thời kỳ.

          Dần dần các đồng tiền cũ bị loại bỏ. Năm 1906 hủy bỏ giá trị lưu hành của đồng Peso Mexico.

          Ngày 21 – 1 – 1875 lưu hành tiền giấy có mệnh giá 5 đồng, 20 đồng, 100 đồng. Mãi đến năm 1893 mới bắt đầu in tờ 1 đồng. Vậy trong thời gian từ năm 1875 đến 1893 sử dụng 1 đồng là đồng bạc hoa xòe bằng bạc.

          Năm 1919 in tiền giấy 10 cents, 20 sents, 50 cents (1 hào, 2 hào, 5 hào). Sau khủng hoảng kinh tế in tờ 500 đồng.

          Từ năm 1942 đến 1944, Nhật dần dần chi phối kinh tế Đông Dương. Chính quyền Đờ Cu phải cung cấp tiền cho quân đội Nhật nên Pháp phải cho phát hành lượng tiền mặt in dòng chữ Phủ toàn quyền Đông Dương (Gduvernement General de l’Indochine) thay cho dòng chữ Banque de l’Indochine cho các loại tiền 5, 10, 20, 50 xu. Các loại tiền in từ Nhật đem sang Đông Dương tiêu, không in chữ Nhật.

          Các loại tiền kim loại được đúc rất nhiều lần, rất nhiều loại. Ngân hàng Đông Dương đúc tiền kim loại lần đầu tiên vào năm 1875. Đó là các đồng 1 xu bằng đồng có đục lỗ, và các đồng 10, 20, 50 xu và 1 đồng bằng bạc. Khi đó 1 xu = 5 đồng kẽm. Các đồng bạc đã bỏ hình ảnh của các triều và in hoàn toàn bằng chữ Pháp. Mặt sau có Marianne với các tia sáng trên đầu. Dân Việt gọi đồng tiền này là đồng hoa xòe. Sau đây là hình ảnh đồng tiền này in năm 1883 và đồng 100 bằng giấy.

          Nếu các bạn quan sát các nhân vật quần chúng thời trước trên phim hay trên sân khấu, bạn sẽ thấy các tiểu thư yểu điệu phe phẩy cái quạt trên tay, các nho sĩ hào hoa vắt trên vai cái túi vải lòng thòng như quả mướp lững thững đi những bước chậm rãi, thằng hầu hoặc dân lao động thì tất tả quang gánh chạy ngược, chạy xuôi. Trước khi Pháp đến Việt Nam, người ngoại quốc đến Trung Quốc thì tất cả quần áo của phụ nữ, nam giới Việt cũng như Hoa đều không có túi, nên không có chỗ chứa tiền bạc. Mà các quan tiền, đồng xu, đồng trinh đều nặng. Vì vậy các đồng tiền kim loại này phải đục lỗ, xuyên dây để vắt vai hoặc gánh đi.

          Chính vì vậy, vào năm 1879 khi Ngân hàng Đông Dương đúc loại xu mới bằng đồng lớn hơn cũng có giá trị bằng 5 đồng kẽm, nhưng không đục lỗ thì dân chúng kêu ầm lên, vì khó mang đi lại quá. Đến năm 1896, khi đúc lại loại xu này, thì lại phải đục lỗ.  

          Năm 1933, đúc đồng xu, trinh đầu tiên và duy nhất mang danh Bảo Đại gọi là đồng Bảo Đại Thông Bảo. Các đồng trinh có đường kính 1 cm, các đồng xu có đường kính 1,5 cm. Khi đó 1 xu Khải Định bằng 2 trinh Bảo Đại.

          Các loại tiền kim loại không phải bằng đồng ra đời lần đầu vào năm 1923. Đấy là các đồng 5 xu bằng hợp kim có đục lỗ. Năm 1939 đúc đồng nửa xu bằng kẽm, đồng 10 xu, đồng 20 xu (đồng góc tù) bằng ni-ken và đồng 50 xu (đồng rubi)  bằng hợp kim.

          Trong các loại tiền kim loại thì đồng bằng bạc không đục lỗ có hình Marianne là đồng tiền được quý nhất. Việc mua bán, thách cưới bằng đồng bạc hoa xòe rất phổ biến ở các vùng rừng núi. Còn đồng bạc miền xuôi nhà nào cũng lưu giữ vài đồng để đánh cảm. Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, một công ty xuất nhập khẩu Nam Định thu gom những đồng tiền này để cung cấp cho nước bạn Lào. Và có nhóm sản xuất giả những đồng bạc này, nhưng không thành công.

          Từ năm 1942 đến 1944, Nhật rất cần tiền để chi tiêu, nên ngoài đồng ¼ xu bằng kẽm, cho lưu hành một lượng lớn tiền nhôm 1 xu, 5 xu có đục lỗ và in chữ Estat Francais.

          Đến năm 1945 các đồng 10 xu, 20 xu rồi 5 xu, 1 đồng bằng nhôm không đục lỗ mang danh Liên bang Đông Dương, cùng các loại tiền giấy Phủ toàn quyền Đông Dương ồ ạt chạy ra thị trường nhằm tăng cường thu mua thóc gạo cho Nhật. Dù giá thu mua của Nhật cao hơn của Pháp, những việc phá lúa trồng đay, ép dân bán lượng lương thực quá lớn để tích lũy đã là những nguyên nhân gây nên nạn đói năm 1945...

          Chúng ta đã tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của Ngân hàng Đông Dương (NHĐD) 141 năm đã trôi qua, nhiều việc đã bị quên lãng. Chúng ta tái hiện lại một vài cảnh sinh hoạt và giá cả của thời Pháp thuộc xa ấy.

            Từ năm 1875 khi các đồng tiền của NHĐD lần lượt ra đời thì các đồng tiền cổ truyền của Việt Nam như bạc nén, quan tiền, tiền, đồng điếu chỉ còn được sử dụng hết đời vua Tự Đức, đến năm 1887.

            Các đồng trinh bằng đồng có đục lỗ được phát hành năm 1887. Nhưng giá sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nên các đồng tiền này dần dần không phù hợp với thực tế. Nhất là trong đại chiến thế giới lần thứ nhất và cuộc khủng hoảng sau đó (1918 – 1920), các đồng tiền này cũng dần vắng bóng.

            Năm 1937 tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố được đăng trên báo Việt Nữ và in thành sách năm 1939 đã làm cho người đọc bàng hoàng. Chuyện kể về gia đình anh Dậu, một nông dân khỏe mạnh 26 tuổi, bắt đầu đi làm ruộng từ năm 9 tuổi. Mẹ anh chết năm ngoái và em trai chết tháng 1 năm sau. Sau khi mua hai quan tài hết 8 đồng và làm ma cho mẹ và em trai hết 6 đồng, thì anh trở thành cùng đinh, bị sốt rét phải nằm liệt giường. Ba tháng nay ngoài việc chăm sóc chồng, chị Dậu phải lo toan việc chi tiêu cho cả gia đình năm miệng ăn. Cái Tí – con gái đầu lòng của anh phải thay mẹ đảm đương việc gia đình. Các cháu đi mót 2 mẫu khoai bán được 5 hào, không đủ tiền đong gạo, nên cả nhà phải ăn khoai trừ bữa.

            Đúng thời điểm ấy đến đợt nhà nước thu sưu. Lí trưởng cho mõ đi rao khắp làng, cho đày tớ đi thúc từng nhà. Tiếng mõ cá hiệu ốc, hiệu sừng được thổi inh ỏi hòa với tiếng trống thúc từng hồi ầm ĩ làm cho cả làng náo động suốt từ sáng sớm đến tối mịt. Mặc dù còn 5 ngày nữa mới đổ thuế, nhưng anh và một số người nữa chưa nộp thuế bị bắt trói ở đình làng, mười đầu ngón tay sưng bằng mười quả chuối mắn. Nhiều nhà phải đến vay tiền bà nghị Quế. Vay một đồng phải trả lãi 5 xu mỗi tháng, tức là lãi 5% tháng hay 60% năm. Vợ chồng anh đành bán cái Tí làm con nuôi cho con bà Nghị lấy 1 đồng. Đến nhà bà, cái Tí phải ăn hết cơm thừa của chó mới được ăn cơm mới. Bà mua tiếp chó mẹ và đàn chó con của chị với giá 1 đồng 2 hào. Nhưng muốn lấy được tiền phải viết giấy cầm cố. Ông đồ dạy con nghị Quế cũng là người chuyên viết các loại giấy tờ này cho gia đình. Ông viết vợ chồng chị “vay của bà Hoàng Thị Sẹo vợ cả ông nghị viên Trần Đức Quế một đôi hoa tai bằng vàng 3 đồng cân giá là hai chục đồng bạc. Hẹn trong 5 năm phải trả. Nếu không trả chúng tôi xin chịu tội bội tín”... Chị sợ quá, kêu ầm lên. Ông nghị gắt: “Nếu anh chị đòi lại con, tao sẽ chiểu giấy bỏ tù cả vợ lẫn chồng”.

            Phải biếu cụ đồ 2 hào tiền giấy bút. Còn lí trưởng thì vòi 1 đồng để cụ đóng cho cái dấu vào giấy cầm cố này. Sau khi kêu van, cụ đồng ý cho nợ và trả 1 đồng này bằng cách đến vụ tới cấy cho cụ 1,5 mẫu ruộng. Câu chuyện đau khổ này chưa dừng ở đây. Khi nộp tiền sưu thì thủ quỹ không nhận tiền xu mà chỉ nhận tiền giấy. Lại phải nói khó với cụ nhận hộ tiền xu bằng cách mỗi đồng tiền xu đổi sang tiền giấy biếu cụ 3 xu. Khi đếm tiền xu mới phát hiện mỗi đồng tiền xu bà nghị đưa thiếu 4 xu. Như vậy, bán cả con, cả chó được 2 đồng 2 thì nộp sưu được có 8 hào (0 đ 8). Lại phải chạy vạy tiếp. Nhưng khi nộp đủ 2 đồng 7 cho suất sưu của anh Dậu, chị phải đóng tiếp suất sưu cho chú em, dù rằng chú đã chết từ tháng Giêng.

            Anh Dậu yếu sức, không có ăn, lại bị hành hạ từ thể xác đến tinh thần, lo lắng quá mà ngất đi. Lí trưởng sợ anh chết, phải đem cái xác ấy trả lại nhà. Rồi đến chiều, khi anh tỉnh lại, chúng lại đến bắt anh và thúc suất sưu của chú em. Chị Dậu tức quá, đẩy ngã cai lệ, nên bị bắt giải ra đình.

            Đúng vào thời điểm cao trào ấy thì quan phủ xuất hiện. Ngài phát hiện lí trưởng thu tiền không đưa biên lai, quỹ dư tiền, nên ngài quát lên:

            - Đã thu được của những đứa ngoại canh mấy trăm đồng, còn chực thu lạm của bọn cùng đinh.

            Chúng ta hãy xem quan xử “vụ tham nhũng” thế nào.

            Quan dịu giọng:

            - Mai lên phủ hầu nghe không?

            Rồi ngài đổi giọng ngọt ngào:

            - Mai lên phủ hầu, giải cả vợ chồng thằng Dậu lên nghe không!

            Quan đi rồi, lí trưởng chửi chị Dậu:

            - Việc này chưa biết ông lo liệu thế nào cho xong. Có lẽ hơn trăm đồng bạc kiếm trong vụ thuế này ông phải đổ đi.

            Rồi hắn rít lên: Ông giết mày cũng không oan. Còn chị Dậu được mấy cậu lính lệ bố trí vào trại, bắt tắm rửa, mặc quần áo mới, trang điểm cho sạch sẽ, và đưa lên hầu quan. Nhưng chị không chịu và bỏ trốn. May chị được mụ Cửu Xung cho vay tiền và giới thiệu cho nghề mới, là đi làm vú em cho Cố. Cố là một vị quan đã về hưu trí, ngoài 80 tuổi, không còn răng để nhai. Ngày ấy không có hãng sữa bột En sua, cho nên các nhà quan lại thường phải lấy sữa của đàn bà để khỏe mạnh, không có bệnh tật cho các cố uống. Sau khi có giấy kiểm nghiệm xác định sữa của chị là tốt, chị được nhà Cố thuê làm vú em, lương tháng 5 đồng. Đấy là số tiền lớn.

            Được ăn uống đầy đủ, nhàn hạ, chị béo trẻ ra, nước da đen trở nên trắng mịn màng. Anh bếp đi ra đi vào tán tỉnh. Còn cậu lái xe thì hung hăng: “Bỏ cha thằng chồng quê mùa ấy đi. Lấy chồng lái xe sướng như tiên”.

            Còn Cố cũng có ý thương. Cố dặn về hỏi chồng có muốn làm lí trưởng thì cố cho làm. Nhưng rồi một đêm khi chị ở một mình, đang thiu thiu ngủ thì có ai sờ vào người.

            - Ai đấy?

            - Ta...ào đây! Cố đây!

            - Lậy cụ chúng con là phận tôi tớ.

            - Không cần! Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh.

            Chị vùng dậy chạy ra ngoài. Nhà văn Ngô Tất Tố thở dài: Trời tối đen như mực và như cái tiền đồ của chị.

            Nói đến trinh, xu, hào, đồng nghe nó xa xôi quá. Vào khoảng những năm 30 ở Nam Định bát bún riêu 2 xu và bát phở mà nay 25.000 đồng đến 40.000 đồng bát có giá từ 3 xu đến 5 xu. Ngày vua Bảo Đại về thăm Nam Định, nhà phở Quảng Nguyên thu được 2 thúng tiền xu bán phở. Công chức thấp nhất được 3 đồng/ tháng. Cụ Nguyễn Đạo Khang, thân sinh nhà văn Nguyễn Công Hoan làm huấn đạo (dạy học) lương 15 đồng / tháng nuôi được cả gia đình. Còn cụ Tri phủ của chúng ta được lương 140 đồng/ tháng.

            Năm 1942 đang chiến tranh thế giới thứ hai, sinh hoạt hết sức đắt đỏ, nhà văn Nguyễn Công Hoan xác định rằng mỗi người nông dân mỗi tháng tiêu hết 8 hào (0,8 đồng). Vậy thì những năm 30 phải tiêu ít hơn. Mỗi khi có dịp thu thuế, các vị chức sắc của làng tranh thủ ăn uống, hút sách, cãi vã, chửi rủa nhau. Một bọn hào lí làng khác vào một cửa hàng ăn ở phố Phủ thiếu nợ 2 hào rưỡi, phải gán 11 cái ô mà chủ nhà vẫn chưa vừa ý, bắt để thêm một cái áo the nữa. Nhưng vào hầu quan mà thiếu áo the coi sao được. Ông lí phải gán lại cái triện. Tức quá, ông đe nhà hàng:

            - Gần năm trăm đồng mới được cục đồng này đấy.

       XUNG QUANH CHUYỆN BẢO ĐẠI TUẦN DU BẮC HÀ

 

          Trong chuyến Bảo Đại tuần du Bắc Hà, có nhiều chuyện. Tôi xin kể hai chuyện:

 

          1 – Bảo Đại thăm lễ hội Hang:

 

          Ở một huyện miền núi phía tây Nghệ An, mà vào mùa xuân hàng năm, làng vẫn mở hội. Hội có từ lâu đời, từ ngày xửa ngày xưa. Làng có một cái hang ở xa khu dân cư đến nửa ngày đường. Hang rộng, khô ráo, luồng gió đi thông thoáng, mát mẻ. Vào đêm hội, thanh niên nam nữ lẩn vào hang, tìm hiểu nhau, rồi như các con thú, mỗi con đi một ngả. Người ta đồn rằng, ở đấy thần linh cho sinh khí để khỏe mạnh cả năm.

          Trên đường từ kinh đô Huế ra Hà Nội, chả hiểu quan lại Nghệ An dỗ dành thế nào, mà ông vua trẻ Bảo Đại, khi ấy mới ngoài 20 tuổi, cũng vi hành đến đấy một đêm.

          Không phải mùa lễ hội, nhưng quan chức sở tại cũng tổ chức lễ đón rước Bảo Đại ở hang và tổ chức lễ hội. Có vua đến thưởng thức lễ hội cơ à, có vua đến thưởng thức hang của ta cơ à? Thanh niên các bản nô nức kéo đến và lễ hội diễn ra náo nhiệt như thật. Nghe nói Bảo Đại có lời khen và ngài cũng vui chơi hết mình như các thần dân của ngài.

 

          2 – Húng quế

 

          Trước khi Bảo Đại đến Hà Nội hai tháng, Tổng đốc Hà Nội sức cho các làng giờ ấy, ngày ấy, tháng ấy, các làng X, Y... được chuẩn bị đặc sản để tiến vua. Láng là một làng ở ngoại thành Hà Nội, gần Cầu Giấy, vườn tược rộng rãi, kinh tế trù phú được giao nhiệm vụ tiến rau thơm, cụ thể là húng Láng. Trong làng có cô Quế đẹp người, có nết hay làm. Vườn nhà cô rộng, đất nhỏ mịn, tơi xốp, từng luống gọn gàng, từng hàng rau xanh ngắt, thoang thoảng hương thơm. Trai làng có nhiều người theo đuổi, nhưng cô chưa ưng ai. Người theo đuổi cô ráo riết nhất là ông lý trưởng. Khi ấy, cô khoảng gần 18 tuổi, còn ông lý đã trên 50, vào thời ấy là sắp lên cụ. Ông muốn lấy cô về làm vợ ba giúp ông cai quản tài sản, vườn tược, trong khi bà cả, bà hai còn đang ham hố cờ bạc. Chuyện tình duyên không xong làm lý trưởng rất tức tối. Nhân có tờ sức kể trên, ông giao cho gia đình cô phải lo một gánh rau thơm để tiến vua. “Rau phải ngon, sạch sẽ. Quan trên trông xuống, người ta trông vào. Nếu vua mà không ưng ý, nhà mày phải chịu trách nhiệm đấy! Ông đe trước cho biết”.

          Đến ngày giờ đã định, trương tuần cầm lá cờ đi trước. Một đoàn kèn trống tưng bừng kéo theo. Tiếp theo là lý trưởng rồi đến cô Quế. Cô Quế đội khăn đen mỏ quạ, mặc áo tứ thân tươi mới. Chiếc đòn gánh cong như đòn gánh các cô bán cốm làng Vòng nhún nhẩy theo bước chân cô. Dân làng, rồi dân phố đổ xô ra reo hò, chỉ trỏ làm cô ửng hồng đôi má, trông càng xinh đẹp.

          Đường đi trên mười cây số thì đến dinh quan. Đã có nhiều đoàn chờ đợi đến lượt nộp lễ vật. Đến lượt làng Láng được gọi vào. Lý trưởng sửa quần áo, bảo trương tuần cầm cờ đi trước, bảo cô Quế chuẩn bị bước theo, rồi trịnh trọng tiến đến “báo cáo”. Vào đến nơi chả thấy ông quan nào cả. Chỉ thấy một tên lính hướng dẫn mọi người đem lễ vật xếp vào một vị trí nhất định, kiểm tra hàng cẩn thận và một tên lính cầm bút đứng bên.

          Tên lính nhận hàng nhìn cô Quế chăm chú rồi hỏi:

          - Có lấy anh không?

          - Dạ, em đâu dám lấy quan lớn.

          Tên lính cả cười, bẹo má cô rồi bảo:

          - Thôi về kẻo nắng.

          Tên lính cầm bút ghi loằng nhoằng mấy chữ vào tờ sức mà lý trưởng đưa ra.

          - Được rồi, thôi về.

          Cả đoàn uống mấy ngụm nước rồi lếch thếch kéo nhau về.

          Tưởng mọi chuyện chỉ dừng ở đấy, ai ngờ câu chuyện trên lại kết thúc có hậu như chuyện cổ tích. Từ sau ngày ấy, có tin đồn rằng chỉ húng “nhà Quế” là ngon tuyệt đỉnh. Quan án cho anh xe (xe kéo tay) xuống tận nhà cô Quế chở rau húng về cho bữa giỗ. Bà phán nọ cũng cho cậu xe xuống lấy rau cho buổi liên hoan hội tam cúc. Mỗi khi có khách sang đến lấy hàng, hàng xóm, dân làng đổ xô đến chỉ trỏ, bàn tán. Rồi mười đồn trăm, trăm đồn nghìn, húng nhà cô phải để dành cho nhà nọ, nhà kia. Tiền đổ vào nhà cô như nước trời mưa. Lý trưởng gặp cô cũng phải chào hỏi tử tế.

          Năm 1966 tôi được người quen bố trí gặp bà Quế. Khi đó bà trên 40 tuổi, nhưng còn trẻ đẹp lắm, trông bà tươi tắn như các cô nghệ sĩ hát quan họ. Bà đang là chủ nhiệm hợp tác xã rau làng Láng, bận lắm. Kể lại chuyện trên, bà vẫn chưa hết buồn cười.

          - Trong cái rủi lại có cái may, anh ạ. – Bà bảo thế.

          Từ đó húng ngon nhất Hà Nội là húng Quế. Và bây giờ, húng ngon nhất Việt Nam cũng là húng Quế. Tôi và bạn, mỗi khi thưởng thức những cánh húng Quế thơm ngát, lại chợt mỉm cười khi nhớ chuyện xưa.

 

              Đặng Hữu Sinh

 ………………………

Tài liệu tham khảo:

       - Cổng thông tin điện tử Ninh Bình.

- Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám,

Hà Nam Ninh.

- Di tích đền Cây Quế.

- Hồi ký của linh mục Lê Đắc Trọng (Lưu hành  nội bộ).

- Hồi ký Trần Anh Tuấn.

- Kỷ yếu nhà xứ Nam Định (Lưu hành nội bộ), 1996.

- Lịch sử Đảng bộ tp, Nam Định

- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Nam Định.

- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Tân

- Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX

- Lời kể Hoàng Minh Viễn, Nguyễn Trung Nguyên, linh mục Lê Đắc Trọng, một số giáo dân     

 

.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét