SÁNG THU VÀNG
Nhớ ngày gặp lại em
bên hồ gió
(Kỷ niệm Bích Đào)
Gặp lại em một sáng thu vàng
Nơi em đứng nắng tràn ngoài
phố
Với trời xanh, hồ xanh gió
Gió đưa làn tóc em
bay...
Sáng thu này trĩu cả hàng cây
Đô thành dịu mát
Ông lão ngồi bên gốc cây,
bán những cây sáo trúc thổi
vói lên trời
Bà xúc tép váy khều khào nước…
Một thời xa lắc
Em nghiêng chao về một thời
xa.
Người con gái đã thành chính
quả
(phảng phất trên đầu đôi nét
phôi pha)
Đôi mắt em bóng trúc bay
xoà...
Đường phúc hậu vầng trăng đầy
nở...
Nghe không gian, đổ vỡ cả mùa
thu!
Sáng thu vàng mông mênh, mênh
mông
Anh đứng trông em bên bờ sóng
vỗ
Hồn đã mất trong rừng hoang
thiếu nữ
Và trái tim cũng không còn
Sáng thu vàng xang xênh, xênh
xang
Những con đường xưa tắm hơi
em
Môi em cười, hoa lá nát đau
thêm
Thời gian trôi… cuộc sống buồn
tênh.
Một mùa thu lá lá
Nơi ấy giờ chỉ còn có cỏ
Bướm vàng hoa cũ vẫn bay
ngang
Người đàn bà! Em nuốt mùa thu
tan...
Phạm Ngọc Thái
Lời
bình của Tuyết Thúy:
MỘT THIÊN TÌNH CA MÙA THU
“Sáng thu vàng” được sáng tác trong
khoảng không gian thiên nhiên, bên câu chuyện tình như truyền thuyết. Đó là một
buổi sáng đô thành dịu mát, có:
Ông lão ngồi bên gốc cây,
bán những cây sáo trúc thổi vói lên trời
Chữ "vói" nghe như tiếng sáo
trúc réo rắt vút lên trong mùa thu. Ở bên hồ, bà xúc tép "váy khều khào nước...".
Đô Thành hôm nay đang ngày càng trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại,
thương mại hoá, thị trường kinh tế hoá. Song, tình thơ lại gợi cho ta nhớ về một
Hà Nội của ký ức đã xa xưa.
Sang đoạn thơ ba, câu chuyện tình mùa thu
thực sự mới được bắt đầu - Nhưng nó đươc nối với đoạn thơ hai, bằng hai
câu:
Một thời xa lắc
Em nghiêng chao về một thời xa
Cả một mùa thu nghiêng chao theo người con
gái, nhắc lại một thời đôi trai gái từng hạnh phúc yêu nhau. Hình ảnh của người
con gái hôm nay được hiện lên:
Người con gái đã thành chính quả!
Có nghĩa, giờ đây nàng đã thành một người
đàn bà trẻ. Như qui luật sinh nở của tạo hoá: Thiếu nữ năm xưa đã khai hoa, kết
trái. Hai chữ "chính quả" nghe như có cả tiếng kinh nguyện của chùa
chiền, báo về sự đắc đạo của nàng. Một sự chuyển hoá từ tiết trinh sang tiết hạnh.
Có lẽ lúc này khi gặp lại người tình xưa ấy, lòng nhà thơ đã vấn an nơi chốn cửa
thiền, nên ngôn ngữ thi ca mới chứa chất tính phật đài như thế. Cả đến câu sau
khi anh miêu tả:
Phảng
phất trên đầu đôi nét phôi pha
Năm tháng tất thảy đều không tránh khỏi
qui luật rêu phong. Nói đến khối tình trần tục mà thơ đượm màu sắc phật. Ta hãy
nghe tác giả tả về nàng:
Đôi mắt em bóng trúc bay xoà...
Đây là đôi mắt đẹp của mùa thu thăm thẳm,
mơ màng. Bóng trúc phủ trong đôi mắt, thơ trừu tượng. Hai chữ "bay
xoà" mang màu sắc ảo rợp lên. Hình tượng thơ từ trong cảm rung, thần xuất
mà thành. Còn:
Đường
phúc hậu vầng trăng đầy nở...
Để nói lên cả tấm thân, làn da, vóc dáng
đến tâm hồn nàng… toát ra một vẻ đẹp dịu dàng, mơ mộng như trăng. Tác giả hạ một
câu kết đoạn:
Nghe không gian, đổ vỡ cả mùa thu!
Những đoạn bốn-năm-sáu sau đó, phát triển
cùng với những kỉ niệm xưa và nỗi lòng tan nát của nhà thơ. Mùa thu vàng trống
vắng, xa xót bay rợp bóng xuống ngổn ngang:
Hồn đã mất trong rừng hoang thiếu nữ
Và
trái tim cũng không còn.
Tình yêu thiếu nữ như một cánh rừng hoang
ư? Hay thiếu nữ đi rồi để lại trong anh cả một cánh rừng hoang? Nghĩa là, trái
tim chàng cũng đã đi theo người con gái mất rồi! Ở đoạn thơ thứ năm:
Môi em cười, hoa lá nát đau thêm
Thời gian trôi cuộc sống buồn tênh.
Hoa lá đến mức độ phải héo hắt, nát đau
trước đôi môi người đàn bà trẻ - Thì không biết đôi môi em hấp dẫn, chan chứa đến
mức nào !? Đều là những hinh ảnh tượng trưng. Mỗi đoạn lại được níu giữ bằng những
câu thơ sâu sắc ấy! Bởi vậy tuy là thơ viết phóng túng, tự do mà cảm xúc vẫn đằm
đìa, cô đọng. Chỗ này, chỗ khác trong suốt tình thi... Khung cảnh thiên nhiên
được phục hiện, bao quanh đôi tình nhân. Như ở cảnh gặp nhau đầu tiên:
Gặp lại em một sáng thu vàng
Nơi em đứng nắng tràn ngoài phố
Tiếp đến cảnh sau:
Sáng thu này trĩu cả hàng cây
"…trĩu cả hàng cây", tức là một
mùa thu chin... đang trĩu xuống. Đến đoạn bốn thì tình thơ trào lên dào dạt:
Anh đứng trông em bên bờ sóng vỗ
Hồn
đã mất trong rừng hoang thiếu nữ
Tựa như nhà thơ đang ở bên một bờ biển
xanh đầy sóng, thổn thức nhớ đến người yêu.
Cảnh gợi lại những con đường đôi trai gái
dẫn nhau đi ngày xưa:
Những con đường xưa tắm hơi em
Và:
Nơi ấy giờ chỉ còn có cỏ
Bướm vàng hoa cũ vẫn bay ngang
Những câu này thuộc thơ trừu tượng? Cảnh
có mà không có. Nó chỉ được gợi lên trong tâm thức mà thôi.
Về nghệ thuật: “Sáng thu vàng” được xây dựng theo nhịp điệu như một cánh
võng mùa thu. Làn điệu thơ chuyển dần - Đầu tiên thì đưa nhẹ:
Với trời xanh, hồ xanh gió
Gió đưa làn tóc em bay...
Người con gái tóc xoà bay trong gió. Giọng
thơ ru uyển chuyển. Sang đến đoạn bốn và năm, cánh võng được đẩy lên bay bổng:
…Sáng thu vàng mông mênh, mênh mông
…Sáng thu vàng xang xênh, xênh xang
Một cánh võng mùa thu chứa trong lòng nó
mọi điều về mối tình đôi trai gái. Đến đoạn cuối thả xuống một mùa thu xòa ra,
đầy lá:
Một mùa thu lá lá
Nơi ấy giờ chỉ còn có cỏ
Bướm vàng hoa cũ vẫn bay ngang
Nơi gặp gỡ em ngày xưa giờ đây quạnh vắng,
cỏ dại mọc đầy lên - Để rồi tác giả kết bài:
Người đàn bà! Em nuốt mùa
thu tan...
Chẳng ai nuốt được mùa thu cả !? Chữ “nuốt”
đầy sắc thơ siêu thực. Em đi để cả mùa thu trống vắng còn ở lại, hay đã mang
theo mùa thu đi mất rồi? Ai có thể trả lời - Không ai cả, vì chính tác giả cũng
không thể trả lời!
“Sáng thu vàng” phảng phất phong dáng của
trường ca. Một mùa thu của tình yêu, toả bóng xuống thi ca.
Tuyết
Thúy
(Trích
tập “PNT chân dung nhà thơ lớn thời đại”, 2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét