Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

VĂN TẾ SỐNG MỘT ĐỒNG NGHIỆP SẮP VỀ VƯỜN / Đỗ Huy Tấn

 



(Nhặt được bài văn tế hay ở Chí Linh, Hải Dương từ năm 2012)

 

Hỡi ôi!

Thông báo đã về,

Làm ta sửng sốt!

Cả một đời bám ngành giáo học khi nổi khi chìm lắm lúc ô danh,

Mười mấy năm đăng nhiệm cán bộ phòng tiếng vang như mõ.

Nhớ năm xưa!

Thân phận thảo dân;

Gia đình nghèo khó;

Chưa quen sếp nọ, đâu biết mánh mung;

Chỉ biết mở "course", trường này, lớp nọ...

Giáo án, bảng đen, phấn trắng tay vốn quen làm;

Diễn thuyết, rượu bia, khách sạn, xe hơi mắt chưa từng ngó.

Bả danh vọng đẩy lùi nhân cách, muốn lên quan như trời hạn mong mưa;

Mùi đại gia ngứa ngáy đã bao năm, ghét đứng lớp như nhà nông ghét cỏ.

Bữa thấy cô em tiểu học nhảy tót trưởng phòng, tức muốn sôi gan;

Mở truyền hình tỉnh, nhìn đứa bạn lên giám đốc trung tâm uất toan vỡ mật.

Một tấm thân gái ngọc ngà, gò bồng đảo để không cũng phí đời hoa;

"Mấy lạng" vốn trời cho, đâu dễ khiến bậc đàn anh trơ như gỗ đá.

Chẳng đợi ai đòi ai bắt, từ nay em sẽ quyết hiến mình

Không thèm "tiên lễ hậu văn", phen này ắt thăng quan tiến chức.

Khá thương thay!

Vốn đâu phải anh hoa phát tiết, theo dòng tu tập chỉn chu;

Chẳng qua là dân 10+3, háo hức làm quan nên chạy tắt.

Đạo đức nhà giáo truyền thống nào đợi luyện rèn;

Quy chế chuyên môn hiện hành đâu cần phải nhớ.

Bề ngoài, lúng liếng mắt lẳng lơ, nào đợi ai xem đức, xem tài;

Bên trong, vốn tự có trình ra, đâu cần hội đồng kia giới thiệu.

Bằng sư phạm lởm khởm, nghiễm nhiên là giám khảo hội giảng nọ, trưởng, phó ban thi đua kia;

Chẳng quản lý nhà trường, vẫn lên giọng ta đây nhân danh cán bộ phòng, vênh mặt vung tay chém gió.

Đâu sợ ban nọ, sở kia gióng trống, phất cờ, phát động phong trào, coi "tấm gương", "đạo đức" có cũng như không;

Nào ngán chị em đồng nghiệp cười cợt, khinh khi, "xô cửa xông vào", xem trinh tiết rẻ như ca ve nhà thổ.

Lúc dự giờ, khi sáng kiến, làm cho giáo giới hồn kinh;

Miệng thổi còi, chân đá bóng, thậm thụt phong bì xanh đỏ.

    Ôi!

Những mong thanh thế lẫy lừng;

Đâu biết hư danh vội bỏ.

Một góc căn phòng thờ chữ “nhẫn”, ngày ngày đọc báo, buôn dưa;

Năm nhăm, hưu trí ấy chữ quy, cái loa cũng đến ngày câm lặng.

Đoái trông cửa huyện, đám con nuôi thớ lợ võ vàng mặt ủ mày chau;

Nhìn lại cố hương, đấng lang quân đầu cắm đầy sừng hai hàng lệ nhỏ.

Chẳng phải án kỷ luật thải hồi đến nỗi bị mất chức cho cam tâm;

Vốn chỉ là háo lợi háo danh, đến lúc gặp vận đen cho đáng số.

Nhưng nghĩ rằng:

Cũng là nghiệp gõ đầu trẻ làm kế sinh nhai, thời buổi học trò ngồi nhầm chỗ;

Thế nên thầy chẳng ra thầy, đem cái ngàn vàng, dâng cho sếp đổi lấy chức quyền.

Vì ai khiến bao phen bẽ mặt, những phường "mèo mả gà đồng";

Vì ai mà lắm lúc ngậm cười, rặt lũ "mạt cưa mướp đắng".

Ở lại làm chi, "xanh vỏ đỏ lòng", ngày ngày thấy chướng tai gai mắt, lòng lại thêm buồn;

Ham hố làm chi, "thói đời lạnh nhạt", tháng tháng nhận vài đồng lương bọ, dạ càng thêm tủi.

Thà nghỉ quách mà an toàn “hạ cánh”, cùng chồng vui hưởng tuổi già;

Còn hơn là "cố đấm ăn xôi" sẽ đến ngày đeo mo vào mặt.

Ôi thôi thôi!

Phòng giáo dục, cửa nay đóng chặt, oan Thị Màu gửi lại bóng trăng rằm;

Cổng huyện đường, chân mỏi gối chồn, tủi son phấn trôi theo dòng nước mắt.

Đau đớn bấy! Song thân đều cưỡi hạc, ngọn đèn khuya leo lét ma trơi;

Não nùng thay! Lũ nghĩa tử bơ vơ, nháo nhác chạy tìm nơi bợ đỡ.

Ôi!

Một kiếp phù vân;

Nỗi buồn kim cổ.

Đồng nghiệp hãy còn nơi công sở, tuổi năm nhăm nên phải về vườn;

Tổ tiên đều ở dưới suối vàng, ai cứu đặng tai qua nạn khỏi.

Son phấn trả nợ tình nợ nghĩa, danh tiết này sánh tựa Phó Đoan;

Đem vốn trời cho mà kinh doanh, công tích ấy, Tư Hồng còn kém.

Đương chức cũng đã oai, về hưu vẫn cứ oai, lưỡi vốn không xương, bẩy tấc  đong đưa;

Tại chức chưa trưởng phòng, về hưu còn hậm hực, nay quyết tự phong giám đốc công ty cho oách.

Nước mắt Hoạn Thư lau chẳng ráo, đau vì hai chữ “ô danh”;

Trăm năm bia miệng ấy vẫn ghi, hận bởi một câu “vô sỉ”.

Hỡi ôi, thương thay!

Có linh xin hưởng.  

                                                                    

Chí Linh, Nhâm Thìn niên, giáp ngày Đông chí…

 P/S: “Thù này ắt hẳn thù lâu

          Trồng tre thành gậy, gặp đâu đánh què”

 

ĐHT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét