Bác
sĩ nha khoa hỏi bệnh nhân về tình trạng bệnh diễn biến đã lâu chưa thì được trả
lời trước kia người này vốn có hàm răng chắc khỏe. Bệnh kỳ lạ này mới khởi phát
cách đây vài năm, kể từ ngày ông ta được đề bạt lên "sếp"! Mà công việc
đâu có nặng nhọc, bận rộn gì lắm, chỉ tội cái phải đi… chiêu đãi, nhậu nhẹt nhiều.
Mình chiêu đãi người ta; người ta lại chiêu đãi mình… Làm ăn trong "cơ chế
thị trường" nó phải thế!
Nghe
đến đấy, bác sĩ gật gù, mỉm cười: Tôi hiểu, tôi rất hiểu và tìm ra nguyên nhân
rồi, thôi thay cho ông hai hàm răng giả. Nhưng chỉ vừa xuất viện chưa đầy một
tháng, bệnh nhân đã lại đến yêu cầu thay hàm răng khác, vì những chiếc răng mới
thay còn mòn nhanh hơn cả răng cũ! Chiều ý bệnh nhân, BS trưởng khoa đành ký giấy
xuất ra hai hàm răng ngoại cực hảo hạng mới nhập từ nước ngoài về. Nhưng cả lần
này nữa, chỉ tồn tại được đúng hai tháng, Khoa "Răng-hàm-mặt" lại được
tiếp nhận... ngài bệnh nhân quen thuộc nọ!
Một
cuộc hội chẩn, gồm hầu hết các bác sỹ chuyên khoa đầu ngành trong và ngoài tỉnh,
đã được tổ chức tại "Trung tâm hội thảo khoa học". Có mấy chuyên gia
người nước ngoài, đang giảng chuyên đề tại mấy bệnh viên nha khoa trong nước,
cũng được mời đến dự. Rất nhiều phương án được đề xuất, nhưng cho đến ngày họp
thứ ba vẫn chưa có phương án nào được chấp nhận; kể cả ý kiến tham gia hội thảo
của một tiến sỹ về lĩnh vực cơ khí chính xác, vốn là phu quân của nữ bác sĩ
chuyên khoa II tại bệnh viện, có gợi ý nên chế tạo hàm răng giả bằng thép hợp
kim đặc biệt, vừa có tính năng chống gỉ, chống mài mòn cơ học; vừa có khả năng
ngăn chặn sự xâm thực của tất cả các loại vi khuẩn hay hoá chất.
May
mắn sao, đến sáng ngày hội thảo thứ tư, có một nha sỹ trẻ, mới tốt nghiệp mấy bằng
đại học ở nước ngoài về, đã trình bầy một phương án vô cùng táo bạo: Dùng
răng... chuột để cấy vào cho bệnh nhân! Thoạt tiên, ai cũng lấy làm ngỡ ngàng,
tưởng như chàng trai trẻ này có ý đùa cợt gì đây. Thậm chí có một vị cán bộ quản
lý nọ, một người rất có uy tín trong ngành y, đã phát biểu đòi đưa nha sỹ trẻ
này đi kiểm tra thần kinh! Đến chiều thì mọi bế tắc mới được giải quyết.
Thì
ra phương án của nhà khoa học trẻ này đã được xây dựng trên cơ sở thuyết
"mài răng" của Xécghêep, nhà sinh vật học Nga nổi tiếng thế giới.
Theo thuyết này, loài gậm nhấm có đặc điểm rất phàm ăn và hay đục khoét (điều
đó thì ai chả biết!), nên thiên nhiên đã phú cho chúng bộ răng có đặc tính hơn
hẳn các động vật khác. Đó là khả năng tự... mọc dài ra theo thời gian.
Theo
học thuyết trên, bình quân mỗi tháng răng chuột đồng có thể dài ra tới... ba
xăng-ti-mét! Răng chuột trù còn mọc nhanh hơn thế. Nhờ đặc tính hơn người này,
nên tuy loài gậm nhấm phải thường xuyên tiếp xúc với các thức ăn cứng rắn,
nhưng chúng không hề lo phải tìm đến các bác sỹ nha khoa để... trồng răng! Minh
chứng là không hề tồn tại bất kì một khoa... "Răng-hàm-mặt-chuột" nào
trên thế giới này cả! Như vậy, chuột không những không sợ mòn răng, mà còn phải
thường xuyên... mài cho răng mòn bớt đi, một khi tốc độ mòn chậm hơn tốc độ mọc
dài ra! (Thảo nào, nhiều đêm cứ nghe tiếng chuột gặm giường tủ ken két!).
Sau
một hồi tranh cãi đến gần nổ tung hội trường, cuối cùng, tất cả các thành viên
dự cuộc hội thảo có một không hai này, đã bỏ phiếu tán thành phương án của nha
sỹ trẻ nọ. Cuộc phẫu thuật thay răng chuột (hình như là chuột trù, vì răng của
bệnh nhân chúng ta mòn nhanh quá!) đã được thực thi và thành công mỹ mãn! Từ đấy,
không còn thấy bệnh nhân quen thuộc nọ quay trở lại. Sự kiện đó đánh dấu bước
trưởng thành vượt bậc của nền y học nha khoa tỉnh nhà! Người ta đã nghĩ đến
chuyện đề nghị cấp trên trao huân chương cho tác giả đề tài dùng "răng chuột"
thay thế táo bạo này!
Nhưng,
việc đề nghị huân chương chưa kịp xem xét thì bỗng một hôm khoa
"Răng-hàm-mặt" bệnh viên nói trên, lại xôn xao về một ca bệnh kỳ lạ
khác. Bệnh nhân là một ông to béo, có hai hàm răng chìa ra như răng vổ, nhưng dị
dạng hơn răng vổ rất nhiều lần!... Đã thế, bệnh nhân không chịu ngồi yên, cứ
lùng xục các đồ vật bằng gỗ, bằng sắt thép để gặm nhấm và nhai rau ráu! Bệnh
viên phải huy động đến cả các chú bảo vệ vào ôm giữ lấy bệnh nhân, nếu không
ông ta sẽ ăn hết cả cọc màn lẫn dụng cụ nghề nghiệp của bác sỹ phòng khám!
Khi
lưu bệnh nhân lại khám, người ta đo được các thông số sau đây: cứ sau mười
phút, toàn bộ răng của ông ta lại mọc dài ra... một milimét (đúng bằng tốc độ mọc
của răng chuột trù!). Rõ ràng tình trạng này nếu không kịp thời được ngăn chặn,
thì chỉ sau một vài ngày, hàm răng quái quỷ kia sẽ mọc dài ra tới... hàng gang
tay chứ chẳng chơi!
Không
hiểu rồi các bác sỹ khoa "Răng-hàm-mặt" sẽ xử trí vụ này ra sao? Còn
chúng tôi, qua trò chuyện với người nhà bệnh nhân có mặt tại phòng khám lúc đó,
đã phát hiện ra rằng, bệnh nhân này không phải ai xa lạ, mà chính là cái ông
năm xưa bị bệnh mòn răng, đã được cấy bộ răng chuột theo sáng kiến của người
bác sỹ trẻ! Thì ra ông ta mới... nghỉ hưu vài tháng. Ông ta về hưu nhưng hàm
răng chuột trong miệng lại không có chế độ hưu! Thế là nó cứ dài ra, dài mãi ra
như thế đó!
TRẦN HUY THUẬN
………………..
(Nguyên
tên truyện là "Cái răng chuột", giải nhì (không có giải nhất) cuộc
thi thơ văn trào phúng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh năm 1984)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét