CÓ PHẢI BÀI THƠ “ĐÂY THÔN VĨ DẠ” – “TIẾNG
NÓI TRỮ TÌNH THÀNH CHUỖI PHÁT NGÔN THÁC LOẠN”?
Trần Mạnh Hảo
LA KHẮC HÒA (Lã Nguyên) học ở Nga nhiều năm vừa dịch bậy bạ thơ Puskin cũng là kẻ "thác loạn hóa" thơ Hàn Mặc Tử, một PGS.TS ngu dốt tận cùng lại là PGS. TS văn học mấy mươi năm giảng dạy bậy bạ ở đại học sao?
Chỉ hơn một tuần sau khi hai bài báo của
chúng tôi phê bình Tiến sĩ Chu Văn Sơn “điên hoá” thơ Hàn Mặc Tử: ““ĐÂY THÔN VĨ
DẠ” CŨNG LÀ THƠ ĐIÊN” đăng trên báo “Văn Nghệ” (số 49, ngày 4-12-2004) và bài:
“THƠ ĐIÊN HÀN MẶC TỬ- THI HỌC CỦA CÁI TỘT CÙNG – HAY LÀ CÁI TỘT CÙNG CỦA SỰ TUỲ
TIỆN” đăng trên “Thế Giới Mới (số 614, ngày 4-12-2004, (cả hai bài này đã được
in trên trang Web eVan) đã nhận được nhiều
điện thoại, e-mail của bạn bè trong và ngoài nước (và cả nhiều bạn bè chưa biết
mặt) đặt vấn đề hồ nghi cứ liệu của bài viết này nơi chúng tôi; rằng chuyện như
bịa, hơn bịa, làm gì có sự thật rùng rợn như thế, làm sao một vị tiến sỹ đang dạy
đại học, lại được Đài Truyền Hình Việt Nam mời giảng thơ văn thường xuyên trên
truyền hình như TS. Chu Văn Sơn, lại có thể viết lên những dòng kinh hãi thế về
Hàn Mặc Tử, đến độ bảo bài thơ trong sáng nhất, dễ hiểu nhất, hay nhất: “Đây
thôn Vĩ Dạ” là một bài thơ điên, rồi còn vô nghĩa hoá toàn bộ thơ Hàn? Đ iều
kinh ngạc hơn nữa là khi báo Văn Nghệ (số 47, ngày 20-11-2004) lại cho đăng bài
của Văn Giá ca ngợi hết lời những ‘phát minh’ trên của TS. Chu Văn Sơn. Bạn bè
còn bảo: nếu sự thực xảy ra đúng như TMH viết thì việc dạy văn trong nhà trường
đang có vấn đề, đang “loạn chuẩn”.
Vâng,
chúng tôi đã viết gần 300 bài báo từ năm 1980 đến nay, để báo động về sự “loạn-
dạy văn” nơi trường học phổ thông cũng như trên bậc đại học, dù đã được Bộ
GD&ĐT tiếp thu, cho sửa lại, viết lại SGK Văn trung học chỉnh lý hợp nhất
năm 2000, nhưng nay đâu lại hoàn đó. Vì chính những người viết sai nhiều nhất
trong các SGK Văn, nay vẫn tiếp tục đang làm chủ biên các bộ sách cải cách sắp
ra. Đến khi sách cải cách ra, bị phê bình, Bộ lại bắt thay SGK, họ lại được tiếp
tục soạn lại, lợi lộc thu về ào ào, chỉ khổ nhà nước và nhân dân mà thôi.
Lần
này, chúng tôi muốn độc giả tiếp tục biết
thêm về sự bình giảng bài thơ: “Đây thôn Vĩ Dạ” rất chi là kinh hãi của ông Lã
Nguyên (tức PGS.TS La Khắc Hoà - người đã và đang tham gia viết sách giáo khoa
văn trung học). CÓ PHẢI CẢNH TRONG “ĐÂY THÔN VĨ DẠ” LÀ “NHỮNG HÌNH HÀI MÉO MÓ,
DỊ DẠNG, GIỐNG NHƯ BÓNG DÁNG CỦA YÊU MA” NÊN“ TIẾNG NÓI TRỮ TÌNH THÀNH PHÁT
NGÔN THÁC LOẠN”?
Nếu
với một cái “tít” như trên, bạn đọc chắc chắn sẽ kinh ngạc hỏi, rằng ai đã nói
về bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử với những lời lẽ khiếp đảm thế ? Hay
là “tay Hảo“ này bịa ra cái kết luận rùng rợn kia làm đầu đề để câu khách rẻ tiền,
rồi sau lại đổ cho ma nói?
Thưa,
nói đâu dẫn chứng đó, có ngay tên tác giả của những kết luận trên chính là GS
TS Lã Nguyên, viết nơi phần kết, trong bài ông bình giảng mẫu bài thơ “Đây thôn
Vĩ Dạ” dùng cho học sinh trung học cả nước
“học tủ”, để thi tốt nghiệp và thi đại học, cao đẳng, in trong cuốn “GIẢNG VĂN
CHỌN LỌC VĂN HỌC VIỆT NAM- VĂN HỌC HIỆN ĐẠI” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội-2001),
như sau: “Thể hiện khát vọng về sự đồng điệu, Hàn Mặc Tử đã tạo ra một công
trình nghệ thuật đạt tới sự hài hòa lý tưởng: “Đây thôn Vĩ Dạ”, là tốc ký tâm
trạng, nhưng nhạc thơ chưa vượt trước lời thơ, phá vỡ logic ngữ nghĩa thông thường,
khiến tiếng nói trữ tình thành chuỗi phát ngôn thác loạn. Vì thế lời thơ trong
sáng, tao nhã mà vẫn giản dị. Lấy tình làm điểm tựa để vẽ cảnh, nhưng tình chưa
tràn ra ngoài cảnh, biến cảnh thành những hình hài méo mó, dị dạng, giống như
bóng dáng của yêu ma. Được tắm đẫm trong cảm hứng lãng mạn, cuộc sống trần thế
trong “Đây thôn Vĩ Dạ” hiện lên lung linh, kỳ diệu mà không kỳ bí. Kinh nghiệm
của cái tôi cá nhân Hàn Mặc Tử chưa vượt vòng kiểm soát của kinh nghiệm cá nhân
ta. Với “Đây thôn Vĩ Dạ”, Hàn Mặc Tử vẫn đứng vững giữa mảnh đất của thi ca
lãng mạn, chưa bước qua địa hạt của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực. Cho nên,
diễn đạt theo cách của Hoài Thanh, bài thơ” Vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt
và quảng đại. Nó ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với
loài người cho đến ngày tận thế““. (hết trích)
Ai trong chúng ta cũng đều biết, và hầu như
thuộc bài thơ vỏn vẹn có 12 câu “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Đây là bài thơ
tức cảnh sinh tình, mượn tình ngụ cảnh trong sáng nhất của tác giả. Bài thơ mượn
nỗi vui buồn, hư ảo, mê đắm của cảnh vật thiên nhiên tuyệt vời Vĩ Dạ mà kín đáo
bày tỏ mối tình chớm nở với “em áo trắng” xa xăm nào đó trong rạo rực, đợi chờ,
e ấp, bâng khuâng... Bài thơ phảng phất vẻ đẹp của một tâm hồn đang yêu vốn từng
cô đơn, bơ vơ; nay thấy thấp thoáng trong sương khói bóng hình thôn nữ áo trắng
như nắng, như trăng mờ ảo, quyến rũ khách liêu trai, gợi mối tình nhân ảnh. Dường
như Hàn Mặc Tử đã thông qua Vĩ Dạ, mượn cả đất trời mê hoặc kia mà tỏ tình cùng
nàng tiên nữ áo trắng khói sương?
Dù có lặn sâu xuống chín tầng câu chữ bài
thơ, cũng tuyệt nhiên không tìm ra “tiếng nói trữ tình”này một chút gì cái gọi
là “chuỗi phát ngôn thác loạn” như ông Lã Nguyên viết trên. Tìm trong bài thơ đến
mòn con mắt cũng chẳng thấy một chút cảnh nào là “những hình hài méo mó, dị dạng
giống như bóng dáng của yêu ma” như Lã Nguyên đã thấy. Hay là khi giảng bài thơ
“Đây thôn Vĩ Dạ”, Lã Nguyên đã bị thơ hay cướp mất hồn, mê đi mà bình nhầm sang
một số bài thơ có mầm mống điên loạn khác của Hàn Mặc Tử chăng? Theo mạch văn
bình giảng “Đây thôn Vĩ Dạ” mà xét, ta thấy Lã Nguyên chưa mê mà vẫn tỉnh, vẫn
bám sát từng câu thơ trong bài, như khi ông viết sau: ”...Khổ đầu “Đây thôn Vĩ
Dạ” đã thổi ra khí lạnh của chút thoáng buồn man mác, bâng khuâng. Đến khổ thơ
thứ hai, chút thoáng bâng khuâng, man mác buồn ấy hóa thành đám mây đen phủ kín
tâm hồn thi nhân: “Gió theo lối gió mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu, hoa bắp
lay”. Đó là một thế giới rất khác. Có gió, mây nhưng mây gió phân lìa, chia ly.
Có sông nước, nhưng “dòng nước buồn thiu”. Có hoa, lá nhưng chỉ là hoa bắp, một
thứ hoa màu xám, vô duyên, nhè nhẹ lay động...”
Lã Nguyên mới bình 6 câu thơ đầu của bài
thơ, đã thấy ông chưa hiểu nổi ngay nghĩa đen của chúng. Ta hãy cùng đọc khổ
thơ đầu: ”Sao anh không về chơi thôn Vĩ / Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên / Vườn
ai mướt quá xanh như ngọc / Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Nghĩa đen nổi trên
mặt phẳng từng câu thơ trên là một niềm náo nức “về chơi”, một ban mai tươi vui
“nắng mới lên”, màu sắc cỏ cây nồng nàn, hoan hỉ “xanh như ngọc”, một nét đẹp
chân quê giản mộc” Lá trúc che ngang mặt chữ điền”... Khổ thơ cả nghĩa đen, lẫn
nghĩa bóng toàn là niềm vui, háo hức, non tươi, phản chiếu một tâm hồn mở toang
cửa cô đơn ra đón nhận cuộc đời. Thế mà lạ thay, Lã Nguyên dựa vào ngữ nghĩa
nào để nhìn thấy luồng “khí lạnh thổi ra chút thoáng buồn man mác, bâng khuâng”
từ khổ thơ đầu này?
Có
lẽ do Lã Nguyên đã “thổi khí lạnh” của sự không hiểu được thơ nơi mình ra làm
ám khí, ám hết vòm trời hồn thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, nên mới thấy “đám mây đen phủ
kín tâm hồn thi nhân“ trong hai câu: ”Gió theo lối gió mây đường mây / Dòng nước
buồn thiu, hoa bắp lay”? Cả hai câu thơ đều ở thể ”động”; nghĩa đen của chúng:
tả trời quang mây, gió nhẹ, hoặc gió đã, đang đi theo lối riêng từ lúc nào, và
mây cũng khuất vào chốn riêng tư đâu đó; nghĩa bóng có thể hiểu rằng “anh” với
“em” vốn từ hai chân trời khác nhau đến đây, rồi lại đi mỗi người mỗi ngả;
nhưng mây gió dẫu chia lìa đấy mà cũng xum họp đấy, tan hợp, hợp tan chỉ ngay
trong phút chốc mà thôi? Câu thơ tiếp theo tả cảnh “dòng nước buồn thiu” làm
“phông” cho cảnh “ hoa bắp lay”dìu dịu đẹp; một vẻ tươi xinh man mác, vời vợi,
chẳng hề có chút âm u, tà khí của nỗi buồn bã nào cả. Nếu cứ để nguyên hai câu
thơ đầu của khổ thơ thứ hai trên ra mà cảm nhận, tuyệt nhiên cũng không thể kết
luận một cách khiêng cưỡng, áp đặt như Lã Nguyên rằng, có ”đám mây đen phủ kín
tâm hồn thi nhân” được. Huống hồ, muốn hiểu được nghĩa đen và nghĩa bóng của
chúng, phải đặt chúng trong sự toàn vẹn của cả bốn câu thơ. Hãy đọc hai câu thơ
cuối của khổ thứ hai: ”Thuyền ai đậu bến sông trăng đó / Có chở trăng về kịp tối
nay”, ta thấy cả một đất trời lộng lẫy dát bằng vàng trăng thì ít, mà dát bằng
niềm vui, niềm hi vọng thì nhiều. Hai câu thơ vui như tâm trạng của kẻ vớ được
vàng, rộn rã, tưng bừng cả một thế giới chớm yêu, chớm nỗi hồi hộp, mong chờ,
sao lại viết hết sức sai lạc như Lã Nguyên là những câu thơ trên đã “phủ kín
đám mây đen lên tâm hồn nhà thơ”, khi trong tâm hồn đó vừa mở ra cả một thế giới
đầy nắng, đầy trăng, đầy sương khói xa mờ?
Trong
đoạn bình giảng trên, tác giả còn mắc một lỗi khác là dám nói xấu hoa bắp (tức
hoa ngô) rằng, mày là thứ hoa “màu xám, vô duyên”. Thưa, hoa ngô đích thị màu
trắng chứ không phải xám như ông Lã Nguyên viết. Có thể vì ông dứt khoát muốn bức
thuỷ mặc đầy nắng, đầy trăng của Hàn Mặc Tử phải ám khí, phải tối đen mà “xám
hóa” cho hoa ngô đang dâng một trời phấn trắng chăng? Thứ nữa,” hoa bắp lay” rất
sống động, rất gợi cảm, hoàn toàn không “vô duyên” như Lã Nguyên viết; nhất là
cảnh “hoa bắp lay” ngay giữa hồn bức tranh sông nước nhà thơ vừa họa nên, khiến
nó càng thêm gợi cảm, duyên dáng. Những phần tiếp theo của “Đây thôn Vĩ Dạ” vẫn
được ông Lã Nguyên “giải mã” bằng cách “thổi ra khí lạnh” của mình làm tối sầm cả
ánh nắng, ánh trăng, làm đen ngòm cả “áo trắng” của “em thơ” Hàn Mặc Tử.
Như
trên đã trích dẫn và phân tích, trong trường hợp “Đây thôn Vĩ Dạ”, Lã Nguyên
không chỉ thiếu tài thẩm thơ, mà ông còn mắc nhiều lỗi về phương pháp luận.
Lã Nguyên đã lấy nội hàm của chủ nghĩa lãng
mạn (romantisme) để giải mã “Đây thôn Vĩ Dạ” là một sai lầm về điểm nhìn, như
ông viết: ”Với đây thôn Vĩ Dạ” Hàn Mặc Tử vẫn đứng giữa mảnh đất của thi ca
lãng mạn, chưa bước qua địa hạt của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực“. Phong trào
Thơ Mới 1932-1945 đã từng được gọi một cách chưa chính xác là “thơ lãng mạn”.
Dù trào lưu thơ này từng bị ảnh hưởng thơ lãng mạn, thơ tượng trưng Pháp nhưng
tựu trung, vẫn lấy chất trữ tình truyền thống làm nền tảng, kể cả bài thơ chúng
ta đang nhắc đến. Vì thơ là món ông Lã Nguyên “xa lạ”, nên mới “dũng cảm” viết
như sau, dù ông đã cẩn thận đặt thêm chút nghi vấn vào kết luận của mình bằng chữ “hình như“: ”Đây thôn Vĩ Dạ” hình
như không có chút bóng dáng nào của Đường thi, Tống thi”. Thưa rằng, nhịp thơ bảy
chữ bài thơ này vẫn còn thấp thoáng nhịp đi của thất ngôn Đường thi, còn ảnh hưởng
thi pháp ước lệ thơ Đường, Tống như: ”xanh như ngọc”, “lá trúc”, “nhân ảnh”, cảnh
“thuyền trăng” “sông trăng” đều đã từng được trôi qua thơ Đỗ Mục, Trương Kế,
Nguyễn Trãi, rồi ghé đậu vào đêm trăng Vĩ Dạ của Hàn...
Lã Nguyên còn một nhầm lẫn về điểm nhìn
khác: việc ông so sánh giữa “thơ cổ điển” và “thơ lãng mạn” xét theo mô hình của
chủ nghĩa lãng mạn phương Tây, áp dụng vào giải mã thơ Trung Quốc và thơ Việt
Nam đều sai lạc. Ví dụ như khi ông viết: ”Ý là điểm tựa, là hạt nhân cấu trúc của
thơ cổ điển”... ”Thơ lãng mạn không dựa vào ý, mà lấy tình làm điểm tựa cấu
trúc”.
Chúng
tôi xin mượn lời Bạch Cư Dị và Lê Quý Đôn để bác lại điều ông Lã Nguyên “phán“
về thơ cổ điển trên. Bạch tiên sinh viết: ”Thơ tình là gốc, ý là ngọn, lời là
hoa, nghĩa là quả”. Lê tiên sinh viết: ”Ta thường làm thơ có ba điều chính :một
là tình, hai là cảnh, ba là sự”.
Chính vì dùng hệ quy chiếu của chủ nghĩa
lãng mạn, thậm chí còn dùng cả thước đo của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực áp
đặt lên “Đây thôn Vĩ Dạ” theo phép “cắt chân cho vừa giày”, càng giải mã, Lã
Nguyên càng sai lạc với tinh thần bài thơ. Đến nỗi, thay vì làm sáng bừng hồn
thơ Hàn Mặc Tử, ông lại chỉ bôi đen lên bức tranh đầy nắng, đầy trăng, đầy khói
sương này toàn bộ nhọ nồi và muội đèn của sự ngộ nhận.
Ví
như khi ông Nguyên viết: ”Bởi vì, thoắt cái, một cõi nhân gian ăm ắp sự sống,
mướt mát sắc màu, rưng rưng một vẻ e ấp trinh nguyên, đã nhường chỗ cho vũ trụ
lạc điệu, hiu hắt, vô sắc, vô hương. Mọi chi tiết phong cảnh hóa thành nét vẽ của
một tâm trạng u tối, cô đơn”... ”của một cõi lòng nguội lạnh giá băng”.
Cùng
là ánh nắng thực, ánh trăng thực được tả trong thơ, lúc ông Nguyên bảo “Nắng là
ánh sáng của cõi thực”, lúc lại bảo “Trăng
là ánh sáng của cõi mộng” là sao? Ngay cả
chuyện đương nhiên của “Đây thôn Vĩ Dạ” là toàn bộ nghĩa đen và cả một phần
nghĩa bóng của bài thơ cũng bị ông Lã Nguyên phủ nhận sạch trơn, thì còn gì là
Hàn Mặc Tử nữa hả trời, như chính ông viết: ”Nhiều người giảng bình khổ thơ của
Hàn Mặc Tử đã lầm tưởng đây là bức tranh tả thực vẻ đẹp thơ mộng của Vĩ Dạ,
vùng nông thôn ngoại thành xứ Huế “?
Muốn
đi sâu tìm hiểu bài thơ ở những chiều kích khác, không gian khác ngoài mặt phẳng
thơ, việc trước tiên là cần phải thừa nhận rằng, đây chính là bức thủy mặc bằng
thơ Hàn Mặc Tử vẽ thôn Vĩ Dạ. Giật bức tranh của chính nhà thơ ném xuống sông
cho chìm nghỉm, rồi hè nhau lặn xuống mò, đó phải chăng là cách “giải mã” thơ của
ông Lã Nguyên?
“Đây thôn Vĩ Dạ” là bức tranh đẹp bằng thơ
của Hàn Mặc Tử. Bài thơ - tiếng nói trữ tình đã bị ông Lã Nguyên bôi bẩn bằng
cách vu cho nó là “chuỗi phát ngôn thác loạn”. Cảnh vật tươi đẹp rưng rưng vui
buồn, mơ mộng của bài thơ đã bị ông Lã Nguyên cho là “những hình hài méo mó, dị
dạng giống như bóng dáng của yêu ma”. Tâm hồn yêu đời, mở toang cửa ra đón tình
yêu của nhà thơ cũng bị ông Lã Nguyên dùng “bệnh mù thơ” của mình “thổi ra khí
lạnh”mà “phủ đám mây đen“ tang tóc lên toàn bộ thế giới “Đây thôn Vĩ Dạ”. Chao
ôi, ông Lã Nguyên lấy ở đâu ra nhiều bóng tối thế để phủ lên cả vòm trời Vĩ Dạ
đang tươi non mối tình đầu giữa trời và đất, giữa ánh nắng và ánh trăng, giữa
sương khói và nhân ảnh, giữa áo trắng hữu hạn và cái nhìn vô cùng, giữa mây và
gió, giữa “anh” và “em”? Than ôi, giá mà Hàn Mặc Tử sống lại, đọc được bài bình
thơ “mẫu mực” này, chắc chắn ông sẽ sợ hãi mà co cẳng chạy thẳng vào hư vô; để
thoát khỏi nguy cơ bị ông Lã Nguyên ném nhà thơ vào một “vũ trụ lạc điệu, hiu hắt,
vô sắc, vô hương” đầy bóng tối và yêu ma, thác loạn mà ông vừa dựng lên để giết
chết “Đây thôn Vĩ Dạ”! Than ôi, dạy văn như thế này là giết văn; quả là việc giảng
dạy môn văn trong trường học đang bị “loạn chuẩn”.
Đến
bao giờ con em dân Việt ta mới thoát khỏi lối dạy văn đểu này, thoát khỏi đám
giáo sư tiến sĩ dốt đặc cán mai đã đang và sẽ làm hủy hoại tâm hồn Việt? Vì văn
chương nói cho cùng chính là tâm hồn dân tộc được cụ thể hóa bằng ngôn ngữ và
hình tượng vậy.,.
T.M.H.
……………
CÓ THẬT THÚY KIỀU NHÂN VẬT CHÍNH CỦA NGUYỄN
DU KHÔNG CÓ LÝ TƯỞNG?
Trần
Mạnh Hảo
Vào
trang FB của thầy Phan Nam Sinh ( con trai nhà văn hóa lớn Phan Khôi) đọc, tôi
thật bất ngờ được đọc và xem clip nghe GS.TS. Trần Đình Sử giảng dạy nói rằng :
“Thúy Kiều là nhân vật sống không có lý tưởng”…
Rõ
ràng trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã tả nàng Kiều dám hi sinh thân mình để
chuộc cha. Chữ “HIẾU” chính là lý tưởng của nàng!
Nhân
vật Thúy Kiều cũng chính là lý tưởng về cái đẹp của Nguyễn Du thông qua chữ Hiếu:
“Như nàng lấy hiếu làm trinh” – một cái đẹp lấy tinh thần làm chính, lấy đạo đức
làm gốc, lấy sự hi sinh thân mình cho người khác làm mục tiêu, làm lý tưởng đời
mình…
Cái
mà một đứa trẻ học cấp 2, cấp 3 cũng phải biết, chỉ duy GS.TS. Trần Đình Sử (giáo
sư hàng đầu về môn văn của bộ giáo dục hiện nay) là không biết!
GS.TS.
Trần Đình Sử với trình độ dốt nát thế này, xứng đáng là một nhà “Sai học”, một
dũng sĩ giết môn văn xếp ngang hàng với một dũng sĩ giết môn văn khác là cố GS.
Nguyễn Đăng Mạnh.
Hay
GS Trần Đình Sử muốn nói "Thúy Kiều" không có lý tưởng cộng sản?
Than
ôi dạy dỗ thế này, thì nước ta làm gì còn môn văn. Trong khi, môn văn là môn học
quan trọng nhất của nhà trường. Đảng ta ơi, các giáo giáo sư sư ơi, hãy tha cho
nền giáo dục Việt Nam, đừng dạy môn ngụy văn này nữa !
Sài Gòn 18-1-2019
T.M.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét