Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

THANH TÙNG XANH MÃI THỜI HOA ĐỎ - TRẦN ĐÌNH SỬ ĐÃ SAI NGAY TỪ GỐC, KHI CHO HỌC VĂN LÀ “ĐỌC HIỂU” - CÓ THẬT “LÝ LUẬN ĐỐI LẬP VỚI NHẬN THỨC CẢM TÍNH”?/ Trần Mạnh Hảo

 



THANH TÙNG – XANH MÃI THỜI HOA ĐỎ

 

Trần Mạnh Hảo

 

       Ngót 40 năm làm thơ, đầu xuân 2001 này, lần đầu tiên Thanh Tùng mới có tập thơ trình làng: “Thời hoa đỏ” do NXB Văn học ấn hành. Sinh năm 1935, vị chi nhà thơ đã 66 tuổi mà dáng dấp bên ngoài còn bùng nổ như thể cả cửa biển Hải Phòng chợt đứng lên biến thành người đàn ông cường tráng.

       Thanh Tùng được trời ban cho một bản năng sống phi thường, một trái tim đập nhịp búa tạ, một sức khỏe có thể vật được cả kiến lẫn voi. Với thơ, sự mê sảng tột độ ấy vừa là lợi thế, vừa là nỗi phải dè chừng. Tưởng ông chỉ sinh ra để yêu như vỡ đê, uống rượu như nước và làm thơ như lên đồng.

       Thanh Tùng, con nhà địa chủ phản động (ghi chú của TMH: đoạn này bị cắt khi in báo) nên sau năm 1954, anh bị cấm đi học, phải làm hàng chục nghề kiếm sống như phu khuân vác, thợ quai búa, áp tải bảo vệ hàng hóa, võ sĩ chống trộm cướp, đọc thơ ứng tác trong quán rượu hay biên tập báo chí…

       Ba thứ ông yêu: đàn bà, rượu và thơ; nhưng cả ba món này đã hành hạ ông vô cùng tận. Ít ai có thể viết được câu thơ về rượu hay như Thanh Tùng:

       “Không có tôi rượu sẽ bơ vơ”

       Ngay cả trong mắt của những em gái quê hương, Thanh Tùng cũng đọc lên được linh hồn men rượu xưa:

       “Những em gái thập thò sau khung cửa

       Ánh mắt như màu rượu đã lâu ngày”

       Có lẽ, khi đọc tập thơ này của Thanh Tùng, ta đôi khi cũng cần phải có “Ánh mắt như màu rượu đã lâu ngày” chăng?

       Thơ sống được nhờ câu, sau đó mới đến bài, trừ bài thơ có tứ độc đáo. Ngay cả những tập thơ được xếp hạng nhất Việt Nam, thì không hẳn bài nào cũng hay, câu nào cũng tuyệt.

       Thanh Tùng, thi sĩ của nỗi thất tình, đã viết được những câu thơ hay kinh ngạc:

       “Biển vật vã như đang đau đớn

       Giống ngày nào em bỏ tôi

       Thế ai bỏ biển đi mà biển vậy?”

       Ngày ông bị người tình vĩnh cửu bỏ lại bơ vơ giữa thế gian này chính là ngày thi sĩ. Câu thơ này của Thanh Tùng hay đến phải bái phục ông:

       “Mỗi chiếc hôn cũng làm biển động”

       Ông làm ta giật thót mình khi viết:

       “Tôi sục tay vào túi thủng

       Những tia nắng cuối cùng”

       Kẻ đi tìm chính mình chợt sục tay vào túi chỉ thấy khoảng không với tia nắng cuối tưởng chẳng ăn nhập gì với nhau; nhưng khi chúng được huy động vào để diễn tả cảm giác hụt hẫng, đáy vực, cạn đường, chợt tạo nên một rung động thơ rất mạnh, như hai cực âm dương làm cho dây bóng đèn điện phát sáng. Xin nghe thêm hai câu thơ vào loại thiên tài của Thanh Tùng:

       “Sương mặt sông chập chờn đổ vỡ

       Khóc đầm đìa trên những cột buồm cao”

       Chao ôi, có một thứ “sương chập chờn đổ vỡ” trên mặt sông trang giấy, quả là thứ sương riêng của Thanh Tùng: sương thủy tinh chợt đầm đìa ứa lệ cột buồm cao. Huy Cận từng rất hay khi viết: “mưa xuân tươi tốt cả cây buồm”. Nhưng Thanh Tùng không chỉ hay mà còn lạ khi ông dựng lên nhấp nhô trong thơ mình những cột buồm khóc vỡ lệ thủy tinh sương.

       Hải Phòng hình như là niềm thơ riêng của Thanh Tùng. Nắng gió Hải Phòng, mùi Hải Phòng len lỏi vào tận cùng chữ nghĩa của ông. Trước Thanh Tùng, có hai ông quê Nam Định khác là Văn Cao và Nguyên Hồng đã Hải Phòng hóa tâm hồn mình thành những kiệt tác: “Trường ca cửa biển”- thơ Văn Cao và “Bỉ vỏ” tiểu thuyết hay nhất thời tiền chiến của Nguyên Hồng viết về Hải Phòng).

       Khi định cư ở Sài Gòn, thơ Thanh Tùng vẫn còn thở dưỡng khi cửa biển, uống cạn những ngõ phố hun hút như một chai rượu không đáy Hải Phòng.Ngay cả nỗi cô đơn của Thanh Tùng cũng là nỗi cô đơn rất ngáo ngổ Hải Phòng:

       “Ai bỏ tôi đi thế này?

       Tôi bỏ ai đi thế này?

       Kẻ nào đã nuốt hết gió?

       Cho buồm chẳng thể xa khơi!”

       Giọt nước mắt nhớ quê hương ướt má Sài Gòn vẫn chỉ là những dây xích neo con tàu vào cảng thơ Thanh Tùng:

       “Những giọt nước mắt móc vào nhau thành sợi xích

Ghì con về miền hoang lạnh xa xôi”

       Xa Hải Phòng, Thanh Tùng mượn gió mà rơi lệ trong câu thơ làm tôi nổi da gà vì lạ lùng cảm thương khôn xiết:

“Mai tôi đi rồi

Tôi có khóc đâu mà gió ướt?”

Thanh Tùng ra đi, để tuổi thơ mình trong tuổi thơ hai con, bởi cái không thể mang đi nổi là tuổi thơ của chúng:

“Chúng ta đã chuyển đi tất cả

Chỉ tuổi thơ không làm sao chuyển nổi”

Tuổi thơ ấy, chính là quê hương thơ ông – người đã viết những bài thơ, câu thơ hay nhất về Hải Phòng. Tận cùng phương Nam Thanh Tùng vẫn thả những câu thơ hay về phố biển, những câu thơ ông ném lên trời thành những sợi – dây – chim:

“Những đàn hải âu

Như bao khúc dây mềm

Gió ném lên trời xanh”

Thanh Tùng còn bạt ngàn câu thơ hay nằm án binh bất động trong các góc tối chữ, chỉ xin trích ra một số câu rất thi sĩ, dấu hiệu của tài năng lớn thi ca miễn bình vì khuôn khổ của bài báo không cho phép:

“Ta lại về bờ gió ấy thổi sang nhau

Cỏ vẫn vẽ những đường dại dột”

“Một mặt lá mùa hè còn níu ở

Mặt kia thoắt đã thu đầy”

“Đã gần lắm tưởng giơ tay là với được

Nỗi bàng hoàng rơi xuống tự trời cao”

“Nắng nghẹn mình đầu ngõ

Qủa đeo buồn lưng cây”

“Những vòm liễu nhúng chiều vào đáy nước”

“Em đạp lên tất cả

Rồi ngã vào anh theo cách ngã của mùa thu”

“Gặp về không ngủ nổi

Hóa ra tình cũ rót vào nhau”

“Thoát ra chạy thi cùng trăm ngả”

“Không còn ánh đêm cho mình nương tựa

Không còn ánh ngày cho mình gặp gỡ”

….

Thanh Tùng còn có một số bài thơ toàn bích trong tập này. Ví như bài “Đôi nạng” hay vì tứ thơ khái quát, tính tư tưởng cao mà rất cảm động:

“Ngày khai trường

Cha mua cho con đủ thứ

Nào sách bút, nào áo quần

Lại cả đồ chơi nữa

Nhưng cha ơi

Cha quên sắm cho con đôi nạng mới

Vì hai năm từ khi con bị bom

Chiếc nạng cũ chẳng chịu lớn cùng con, cha ạ”

Bài “Thất tình” của Thanh Tùng cũng là bài thơ hay toàn bích, có thể chưa có bài thơ thất tình nào sánh được bài thơ này của ông:

“Em để lại trong tim tôi một mũi dao

Thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút

Tôi mang nó suốt đời còn em thì không biết

Những mùa thu ướt đẫm vẫn đi về

Bây giờ mọi thứ thuốc đều vô hiệu

Tôi chữa bằng rượu thôi

Hết rượu rồi tôi uống cả mùa thu

Cả những chiều đông lướt thướt

Xong, lại tự nhấn sâu thêm nữa

Mũi dao ngày xưa

Nhưng có sao khi trái tim tôi đã thành bình rượu

Cả mũi dao cũng đã say mềm”

Thanh Tùng chừng chết đuối trong mùa thu đẫm rượu. Xuyên qua mùa thu trong vắt Nguyễn Khuyến, mùa thu chết của Apollinaire, Thanh Tùng là cả mùa thu nửa vàng nửa xanh, nửa sống nửa chết, nửa câm nín, nửa thét gào, ngân giọng thơ cuồng nhiệt đến nức nở, đến đứt hơi, mê sảng nơi bài thơ “Mùa thu” , xin trích:

“tôi rỗng ra

như chiếc chai đêm qua còn lăn lóc trên bàn

tôi van đấy mảnh giậu nghiêng trước cửa

đừng sắc thế

cứ xước lên mình của gió

tôi van đấy mắt em đừng qua nữa

cứ giày vò tôi cũ những mùa xưa

tôi rối rít những đường lá rụng

rồi có ai ở tận đâu xa

thong thả thít từng nấc một

đến lịm dần trong men lá thu”

Những bài thơ: “Chuyển mùa”, “Em và thu”, “Bây giờ”, “Mười lăm năm”… là những bài hay trọn vẹn.

       Thanh Tùng, nhà thơ tài năng bậc nhất của Hải Phòng, cùng với Thi Hoàng, sẽ là hai tên đường của thành phố biển khi hai ông trăm tuổi.

       “Thời hoa đỏ” là một tập thơ hay hiếm có! Tuy nhiên nó đã bị ông Hữu Thỉnh dìm và không cho tác phẩm này giải thưởng của Hội Nhà Văn trong năm 2002 vì sợ Thanh Tùng làm át thơ ông chủ tịch hội (Câu văn này mới viết thêm vào khi tác giả đánh máy lại bài viết đã in báo Văn Nghệ 16 năm trước).

       Thơ Thanh Tùng vẫn rừng rực như đuốc phượng vĩ cháy thành phố biển mùa hạ.

       Tôi xin kết thúc bài viết này bằng câu thơ hay vào loại thiên tài của Thanh Tùng:

“Nối bao gió thu cho tôi tới được em”

Thanh Tùng đang có trong tay ngọn gió thu ấy, đã đang và sẽ nối với tâm hồn mọi người bằng dưỡng khi thi ca sẽ đi vào vĩnh cửu.,.

Sài Gòn ngày 14-11-2001

T.M.H.

ảnh: Thanh Tùng & TMH

(Bài đã in trên báo “Văn Nghệ” số 50 ra ngày 15-12-2001)

……………….


        TRẦN ĐÌNH SỬ ĐÃ SAI NGAY TỪ GỐC, KHI CHO HỌC VĂN LÀ “ĐỌC HIỂU”

 

       Trang web Hội Nhà Văn VN, in bài của GS.TS Trần Đình Sử, nhằm ủng hộ tân bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: ra lệnh cấm văn mẫu. Bài viết với tiêu đề: “Giải pháp chấn chỉnh tệ nạn “dạy văn mẫu” trong nhà trường phổ thông hiện nay” (30-8-2021)

       Trong bài viết này, ông Trần Đình Sử nhiều lần nhắc lại phương pháp dạy văn tối ưu nhất đối với ông xưa này là dạy cho học sinh “ĐỌC HIỂU”. Chúng tôi xin trích vài đoạn trong bài viết như sau:

       “…Nhiều thầy cô thích khoe tài giảng hay, nói khéo, nói ngọt trên lớp, mà không thấy rằng tài năng đích thực của thầy cô thể hiện ở chỗ dạy cho học trò có năng lực ĐỌC HIỂU được văn, viết được bài làm văn có ý riêng sáng tạo…” (chữ in hoa do TMH nhấn mạnh).

       “…ĐỌC HIỂU văn bản chẳng có gì cao siêu, mà là yêu cầu HS ĐỌC HIỂU câu chữ trong bài, mối liên kết các câu, đoạn, câu chuyện, nhân vật, hình ảnh… để từ đó ngộ ra cái chủ đề, tình cảm, thông điệp của người viết. Cũng không yêu cầu mọi HS đều phải hiểu và phát biểu răm rắp như nhau, miễn là cái ý mà HS năm bắt được có căn cứ vào câu chữ, hình tượng trong bài là khuyến khích.”

       https://vanvn.vn/giai-phap-chan-chinh-te-nan-day-van-mau.../

       Thưa, ở chỗ này, GSTS Trần Đình Sử đã sai ngay từ gốc. Văn học không phải là toán học, triết học, vật lý học, hay hóa học mà ông yêu cầu duy nhất với học trò là ĐỌC HIỂU.

       Ở chỗ rốt ráo này về đặc trưng của văn học nghệ thuật, ông Sử cũng sai hệt ông GS. Nguyễn Đăng Mạnh, từng cho Văn học cốt ở tư tưởng, mà ông Mạnh gọi là TƯ TƯỞNG NGHỆ THUẬT!

       Cả ông Mạnh và ông Sử đã đi nhầm từ vườn hoa văn học sang vườn cà của triết học.

       ĐỌC CẢM (cảm nhận) mới là đặc trưng của văn học, thưa hai ông, chứ không phải là ĐỌC HIỂU ạ!

       Đơn giản vì đặc trưng văn học là nghệ thuật truyền cảm, mang mỹ cảm của trái tim con người. Không dạy cho học trò rung động trước cái đẹp của văn chương, tức là các ông không dạy gì cả.

       Do đó, việc Trần Đình Sử cho văn học chỉ cần ĐỌC HIỂU là ông Sử đã sai ngay từ gốc, thưa ông. Mỹ cảm về cái đẹp là sự rung động của trái tim con người trước ngôn ngữ thi ca, trước hình ảnh, hình tượng… mới là bản chất của văn học, thưa ông Trần Đình Sử.

       Do cho bản chất của việc dạy văn là ĐỌC HIỂU khô khan, duy lý, nên ông Sử và ông Mạnh, cùng hàng chục giáo sư đầu ngành khác, thay vì dạy văn, các ông đã giết chết mỹ cảm văn chương.

       Do vậy, tôi yêu cầu ông Trần Đình Sử về học lại bài học vỡ lòng về lý luận văn học trước đã, rồi mới vào giảng đường đại học giết chết môn văn như mấy chục năm nay ông hằng giết.,.

                     Sài Gòn 12-9-2021

T.M.H.

 ......................

         NÓI THÊM VỀ CHUYỆN TRẦN ĐÌNH SỬ DẠY VĂN SAI TỪ GỐC THEO KIỂU: “ĐỌC HIỂU”. ÔNG SỬ KHÔNG DÁM DŨNG CẢM NHẬN MÌNH SAI, LẠI LÊN GIỌNG MIỆT THỊ NGƯỜI VẠCH CÁI DỐT CỦA MÌNH, KHÔNG XỨNG MẶT LÀM THẦY DẠY HỌC. DO ĐÓ, TÔI KHẲNG ĐỊNH HỌC VỊ TIẾN SĨ VÀ HỌC HÀM GIÁO SƯ CỦA ÔNG SỬ QUẢ ĐÚNG LÀ “HỌC VỊ PHONG BÌ”- “HỌC HÀM PHONG BÌ” VẬY.

       Trần Mạnh Hảo

       Sau hai ngày, chúng tôi in bài “Trần Đình Sử đã sai ngay từ gốc, khi cho học văn là “đọc hiểu””, đã có 1.444 người thích, 216 lượt chia sẻ, 300 lời còm khẳng định ông Sử dốt, cho học văn là “đọc hiểu” là giết văn. Nhưng ông Sử không hề có thái độ cầu thị, rất kênh kiệu cho ta đây là GS (phong bì), là TS (phong bì) đầu ngành, ta không bao giờ sai, chỉ có đung sắc đúng mà thôi. Xin độc giả hãy đọc những lời cao ngạo của Trần Đình Sử, kẻ điếc không sợ súng, kiêu hãnh tột cùng về cái dốt của mình, như sau:  “Một số người bàn về giáo dục, liên quan đến tôi. Tôi xin nói rõ, rằng họ không hiểu biết về giáo dục, ngay đọc bài viết rẩt sáng sủa của tôi về văn mẫu họ cũng không hiểu, tôi xin phép không mất thì giờ "đối thoại" với những kẻ tự cho mình cái gì cũng biết hết như thế.”

https://www.facebook.com/profile.php?id=100005255232519

       Cái gốc của văn học nghệ thuật là truyền cảm, là nghệ thuật của CÁI ĐẸP mang tính thẩm mỹ rất a b c thế này, mà lạ thay, Trần Đình Sử cũng không biết. Lại dạy văn theo nguyên lý “ĐỌC HIỂU”… thì cái sự dốt của ông Sử hầu như đã tới tận cùng.

       Trong “ĐỌC” có “HIỂU” rồi nha ông Sử! Người ta nói “đọc văn”, “đọc sách” có nghĩa là hiểu văn, hiểu sách. HIỂU là tầng thấp nhất của nhận thức. Mỗi ngày ra đường, ta nhìn thấy xe cộ, hiểu là xe cộ, nhìn thấy trâu bò, hiểu là trâu bò… Cái hiểu phải được nhận ra hàng nghìn vạn lần khi sống: ta nhìn thấy, cảm thấy, nghe thấy, sờ thấy, ngửi thấy… HIỂU là cuộc sống, là nhận thức thường trực. Người không biết đọc, không biết chữ cũng phải hiểu: “tôi tư duy tôi tồn tại”…

       ĐỌC HIỂU chỉ dành cho học ngoại ngữ, hay chí ít là học toán, học vật lý, học hóa học…

       Văn học, luôn theo quy luật thẩm mỹ của cái đẹp, của sự thích thú, rung động con tim, của trí tưởng tượng, của sáng tạo vô biên thì phải là ĐỌC CẢM (CẢM NHẬN) thưa ông Sử học dốt văn từ bé!

       Ông Sử thấy con bò, ông liền HIỂU LÀ CON BÒ, nhưng khi ông Sử nhìn thấy Tuyện Kiều, ông hiểu đấy là Truyện Kiều và như thế CÁI HIỂU đã chấm hết vai trò của nó.

       Ông Sử cầm Truyện Kiều lên đọc và bắt đầu HIỂU nghĩa đen, nhưng ông không hề rung động, ông không có cảm xúc về cái đẹp câu lục bát Truyện Kiều, có nghĩa là món ĐỌC HIỂU đã chặn cửa tâm hồn ông. Và do đó, ông Sử không cảm được Truyện Kiều, vì ông theo phương pháp ĐỌC HIỂU; nên dù có viết mấy trăm trang “thi pháp Truyện Kiều”  ông Trần Đình Sử vẫn cứ là mù tịt, là không hiểu gì về Truyện Kiều. (Chúng tôi sẽ có bài viết sau chứng minh ông Trần Đình Sử viết rất bậy, rất sai về Truyện Kiều).

       ĐỌC CẢM, CẢM NHẬN mới là phép đi tới của sự tiếp nhận văn chương. Ví dụ khi ông Sử viết văn mẫu, giảng văn mẫu theo phương pháp “đọc hiểu”:  tất cả học trò chỉ hiểu như ông Sử giảng, ai cũng hiểu từng ấy, thì giờ giảng văn của ông Sử là zê rô, là giết văn rồi nhá. Không có sự cảm xúc, sự say mê, sự rung động, sự sáng tạo, sự tưởng tượng thăng hoa tràn ra ngoài không gian tác phẩm văn học thì không có văn học, thưa ông.

       Trong tâm hồn con trẻ, có một ít rạ rơm của đời, thầy dạy văn phải làm sao gieo vào lòng học trò một tia lửa nhỏ, cho rơm rạ của nồng cháy say mê văn thơ cháy bùng lên. Đấy mới là giảng văn, bình thơ của thầy giáo. Ông Sử bị chữ HIỂU chặn đường vào tâm hồn văn chương 50 năm nay, từ khi ông leo lên giảng đường đại học, dùng con dao mổ có tên là ĐỌC HIỂU để giết chết môn văn. Có thể nói, cùng với Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử là hai dũng sĩ diệt môn văn ác liệt nhất trong đại học sư phạm vậy!

       Thầy dạy văn giỏi là khi dạy Truyện Kiều, học trò say mê đến độ chúng cũng là đồng tác giả với Nguyễn Du. Đến nỗi mỗi tâm hồn học trò đều có mỗi cô Kiều riêng mở hết chiều kích  sáng tạo. Văn học phải dùng chữ CẢM mới tới được cõi vô cùng vô tận của mê ly, của rung cảm trời mây ngây ngất.

       Xin ông Trần Đình Sử cứ tiếp tục vác con thuyền ĐỌC HIỂU khi đi qua các dòng sông văn học, để giết văn, dù ông giết bằng giờ lên giảng đường hay giết văn bằng các cuốn sách tầm phào vô giá trị vốn dày cồm cộp của ông.,.

                     Sài Gòn 14-9-2021

                             T.M.H.

.....................


       CÓ THẬT “LÝ LUẬN ĐỐI LẬP VỚI NHẬN THỨC CẢM TÍNH”?

(Trao đổi với GS.TS. Trần Đình Sử)

 

       Trong bài “Lý luận (lí thuyết) là gì” của GS.TS. Trần Đình Sử in trên trang FB của ông, có đoạn viết như sau (trích khá dài):

       “Vậy lí luận là gì? Lí luận đối lập với nhận thức cảm tính.Cảm tính nghĩa là đối diện một sự vật, thì nhìn, nghe, sờ, ngửi, nếm… là có thể biết nó là gì. Có những cái nhìn thì không thể biết được. Ví dụ vì sao mặt trời lặn và mọc? Trả lời cái này đòi hỏi phải có lí luận. Vậy lí luận là sản phẩm của tư duy, của suy đoán về những cái mà cảm tính của con người không thể nhìn mà biết được. Có hai loại lí luận. Một là những định lí, nguyên lí đã được kiểm nghiệm chắc chắn. Ví dụ lí thuyết tương đối, định luật vạn vật hấp dẫn. Loại thứ hai là những giả thiết, người ta suy ra, những chưa kiểm nghiệm, hay kiểm nghiệm một phần. Ví dụ lí thuyết chủ nghĩa xã hội. Đó là một lí thuyết mà nay chưa ai kiểm nghiệm được. Tất cả những người đang sống hiên nay, chưa ai biết nó là gì. Nhưng suy luận lí thuyết thường có một hệ thống tri thức, phán đóan chằng chịt, ràng buộc nhau, cho nên lật đổ nó cũng khó cũng như chứng minh nó.

       Vậy lí luận để làm gì? Lí luận dùng dể giải thich những thường thức. Ai cũng có thường thức nhưng không biết nó là gì. Ví dụ ai cũng nói yêu cầu nói phải có ý nghĩa. Những ý nghĩa là gì? Ai cũng thích dân chủ, nhưng dân chủ là gì? Ai cũng thấy văn chương hay, nhưng hay làthế nào? Ai cũng muốn sống có văn hóa, những văn hóa là thế nào? Những câu hỏi đó phải có lí luận thì mới giải thích được… Lí luận cần để phá bỏ các ngọ nhận thường thức. Ví dụ cho rằng tư tưởng ở trong đầu mà ra. Ngôn ngữ do người ta nghĩ ra, nói ra, Như vậy lí luận giải thích toàn bộ cái gì mà nhận thức cảm tính không trả lời được. Nhưng đời có thiên lí vạn lí. Muốn biết lí nào dùng được phải kinh qua thực tiễn. Thực tiễn là sự kiểm nghiệm chân lí. Lí luận giúp hiểu biét, từ hiểu biết mà đi tới hành động. Kim chỉ nam cho hành động. Nhưng lí luận là sản phẩm của tư duy, nó chỉ có thể tác dụng trực tiếp đến tư duy, làm thay đổi tư duy. Từ tư duy đến hành động là một lĩnh vực khác. Nó không phải là hành động, không làm được việc cơ băp, cũng không phải kĩ năng hành động. Không nên đòi hỏi cái nằm ngoài phạm vi chức năng của nó. Muốn biết bơi thì phải xuống nước. Xuống nước chưa chắc đã biết bơi. Muốn học đàn phải biết nhạc lí. Biết nhạc lí chưa chắc đã biết đàn, nhưng không biết nhạc lí chắc chắn không thể học đàn giỏi được. Tôi có ông bạn nhạc lí rất giỏi, nhưng sáng tác rất dở. Tôi biết lí luận, nhưng không làm nổi một câu thơ. Ông Lênin ai cũng biết lí luận giỏi, nhưng ông bảo, lột da ông ông cũng không làm được thơ. Chủ nhật ngồi nói ABC cho vui.” (hết trích)

       Trần Mạnh Hảo:

       Ông GS. Trần Đình Sử đã mắc một sai lầm khá lớn khi ông hoàn toàn đối lập giữa “Lý luận” và “Cảm tính”: “Lý luận đối lập với nhận thức cảm tính”

Vâng, không phải lúc nào lý tính và cảm tính cũng đồng thuận; song le bảo lý tính (lý luận) hoàn toàn đối lập với cảm tính là một nhận định sai lầm.

       Khi phân tích (chẻ nhỏ sự vật ra) người ta thường tách “CẢM NHẬN” ra làm hai món “CẢM = cảm tính” và “NHẬN = lý tính”

       Nhưng thực ra, trong nhận thức luận CẢM và NHẬN là một quá trình đồng thời; không phải trước hết là “cảm”, sau mới là “nhận”

       Triết học phương Tây có một sai lầm lớn là luôn tách TÂM ra khỏi VẬT và ngược lại, nên mới có khái niệm “DUY TÂM” và khái niệm “DUY VẬT”

       Cũng như thế, trong nhận thức luận, người Phương Tây hay tách lý tính ra khỏi cảm tính để phân tích, biện giải.

       Thưa rằng, TÂM với VẬT, LÝ TÍNH và CẢM TÍNH là một quá trình đồng thời. Cũng như XƯƠNG, THỊT và MÁU là một quá trình đồng thời; tách xương ra khỏi hai món kia, tách thịt ra khỏi hai món kia, tách máu ra khỏi hai món kia thì con người không còn là con người nữa, lý luận không còn là con người nữa.

       Con người từ sơ khai, tuy chưa có lí luận nhưng đã có ngôn ngữ và tư duy, đã đặt tên cho các vật thể từ con muỗi đến mặt trời, đã gọi sự vật bằng tên của nó… Khởi đầu CẢM và NHẬN đã là một quá trình nhận thức, tiến tới tư duy phát triển, cái gọi là cảm tính đã cung cấp cho lý tính đôi cánh đầu tiên của nhận thức.

       Khổng tử 551 năm trước công nguyên, tuy chưa có lí luận về thiên văn, chỉ bằng cảm tính, bằng trực giác, ông đã khám phá ra nguyên lý “Ngoài trời còn có trời” mà khoa học hơn 2000 năm sau mới biết điều đó…

       Đức Phật sinh trước công nguyên 563 năm, bằng cảm tính, bằng trực giác, đã phát hiện ra bao nhiêu chân lý hoa học mà 2000 năm sau loài người mới biết đến.

       Trong con đường đi tìm nhận thức luận về thế giới, không có CẢM TÍNH thì LÝ TÍNH (LÝ LUẬN) cũng tuyệt đối không có!

       Khoa học càng tiến lên, càng gần với tôn giáo thưa ông GS.TS Trần Đình Sử. Vai trò của lí luận, lý tính là rất quan trọng, chỉ khi nó tồn tại trong môi trường của cảm tính, cảm giác. Ông GS. Sử chắc chưa nghiên cứu thuyết trực giác của Henri Bergson (1859-1941)

       Trong đoạn văn chúng tôi trích trên, khi bàn về “lý luận” GS. Sử còn mắc quá nhiều lỗi trong nhận thức, hẹn bài sau chúng tôi sẽ bàn tiếp.,.

       Sài Gòn 12-4-2020

                TMH

       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét