Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

BÀI THƠ TRÊN VÁY – CÀNG – THƯƠNG NHỚ TRUNG THU – CỨU RỖI – CƯỠI TRÂU VỀ NIÊN THIẾU – ĐÊM VIẾT KIỀU / Trần Mạnh Hảo - NGUYỄN VŨ TIỀM BÌNH BÀI "ĐÊM VIẾT KIỀU"

 


 

BÀI THƠ TRÊN VÁY

Tưởng nhớ nữ sỹ Hồ Xuân Hương

 

Mở ra một cái váy trời

Qụat cho thế sự tơi bời lá hoa

       Chành ra ba góc dư ba

Hỏm hòm hom thế mới là văn chương

 

       Giời ghen ông phủ Vĩnh Tường

Đứt đuôi nòng nọc tình dường bôi vôi

       Xót thân quả mít nằm phơi

Miệng càn khôn ghẹo cọc trời tùm hum

 

       Trách Chiêu Hổ sợ hang hùm

Bao nhiêu quân tử khuất lùm rêu con

       Cái khuôn tạo hoá méo tròn

Để cho hậu thế mãi còn ngẩn ngơ?

 

       Hồng nhan từ độ trơ trơ

Nước non một bánh trôi bờ dại khôn

       Mắt dao cau liếc rách hồn

Ốc nhồi xưa vẫn phơi trôn lên trời

 

       Bao nhiêu vua chúa qua rồi

Chỉ còn chiếc váy tốc trời thi ca

 

                     Hà Nội 1980

 

 

CÀNG

 

       Càng đi càng thấy càng cần

Càng quên càng nhớ càng gần càng xa

       Càng sông càng biển càng nhà

Càng em càng mộng càng ta càng mình

       Càng cười càng Phật càng kinh

Càng không càng có càng xinh càng buồn

 

 

THƯƠNG NHỚ TRUNG THU

 

Xưa từng ước trăng rằm mùi bánh nướng

Đón trung thu trái bưởi xuống trăng tròn

Lá chuối khô mẹ bó thành trái bóng

Bánh đa giòn trăng vỡ tuổi thơ con

 

Gió mùa thu thổi mòn tháng tám

Trăng lấm bùn trâu đợi Cuội vòm đa

Tháng giáp hạt mây vàng cơm độn cám

Áo vá sờn vai mẹ rám phù sa

 

Mẹ nuôi lớn trăng sao mùa khoai sắn

Mồ hôi nào rơm rớm giọt trăng rơi

Mơ cỗ trung thu thương mời bánh rán

Sao hôm khoe nắm xôi gấc bên trời…

 

              Sài Gòn mùa trung thu 2016

 

       CỨU RỖI

Lời Kinh Thánh: “Bằng tình thương yêu Người cứu rỗi anh em”

 

Biến cọng bún thành cột buồm căng gió

Toàn năng em phép lạ có hồng ân

Ánh sáng tên em thành lửa thánh thần

Tình yêu lớn xin rất cần cứu rỗi

 

Mang ân sủng hoa hồng thơm quá đỗi

Chữa lành người từng lỗi nhịp phù sinh

Chiến tranh xưa hay kẻ cướp đa tình

Kìa chăn gối cũng tưởng mình bị giết

 

Em là gió thổi anh vào truyền thuyết

Yêu người còn được biết cái vô biên

Anh thương binh của nỗi muộn phiền

Chợt đứng dậy phóng vào miền mê sảng

 

Như Chúa biến anh thành tên loạn đảng

Khỏe như voi em hốt hoảng yêu bù

Cứu rỗi nào vàng rực một trời thu

Xa cách hỡi có chim cu làm chứng

 

Tưởng ta đến thế giới này chết đứng

Có ai ngờ em cao hứng trời xanh

Kìa mũi tên thần Eros chiến tranh *

Vừa bắn trúng một tình nhân rên xiết…

 

Sài Gòn 17-10-2018

* chú thích: Eros trong thần thoại Hi Lạp là thần tình yêu.

.

 

CƯỠI TRÂU VỀ NIÊN THIẾU

 

Đêm mơ được cưỡi trâu về tuổi nhỏ

Con đường làng mê mẩn cỏ đời tôi

Nghe gió gặm vạt sương chiều nghé ọ

Tuổi thiếu niên theo chú Cuội lên trời

 

Mặt trăng ấy có còn trâu gặm cỏ?

Mục đồng mây nghe sáo gió thay mùa

Ai mơ phất cờ lau thành lịch sử

Cưỡi trâu về con trẻ hóa thành vua

 

Mặt trời cũ trên lưng trâu nhún nhảy

Ngoan nhé trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ruộng kéo cày nuôi hết thảy

Trăng hóa liềm tôi cắt cỏ heo may

 

Tôi đã lấy lưng trâu làm chiếc ghế

Học vỡ lòng với sáo sậu chân quê

Tuổi thơ hóa thiên đường trâu biết thế

Nghểnh trâu cười làm nắng cũng ngô nghê

 

Tôi đã đánh trâu lồng như ngựa vậy

Buổi cha cày, ngủ muộn, toát mồ hôi

Roi nỡ quất mình trâu hằn đỏ tấy

Hình như trâu cũng biết khóc như người?

 

Nghé tơ gọi may ra về bé dại

Xin mục đồng trở lại sáo thiên thai

Mùa xuân được cưỡi trâu về đồng bãi

Tìm lại hồn tôi trong cỏ rả dông dài...

 

T.M.H.

 

 

ĐÊM VIẾT KIỀU

 

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

(thơ Nguyễn Du)

 

Đêm đặc thành thỏi mực

Tiếng vạc mài nghiên

Từng giọt, từng giọt máu đêm

Nhỏ xuống Thúy Kiều

 

Bút ta nào phải mũi giáo

Cớ sao từng chữ bị thương?

Ta đâu nỡ làm đau tờ giấy bản

Huống hồ em tài sắc

Thương em mà bút đọa đầy em

 

Phải ta đã cùng em mười lăm năm đất Bắc?

Gió bấc ăn dần từng mái tranh

Đêm mọt kêu rụng tóc

Sợi rau muống buộc đôi ta bền chặt

 

Pho sách thánh hiền không đổi được miếng ăn

Trang giấy lặng như đồng chiêm trắng

Câu thơ ta bắt ốc mò cua

Củ khoai không vùi trong bếp

Củ khoai vùi trong giấc ta mơ.

 

Phải ta từng dắt em đi hành khất?

Xòe tay ăn mày núi vòm trời

Ăn mày phù sa hạt gạo

Ăn mày dòng sông biển khơi

Ăn mày con người lòng nhân ái.

 

Đêm nay em theo ta về Phú Xuân

Lưu lạc trên trang sách

Em đừng chết đuối trên dòng sông xoáy nước

Như thuở Tiền Đường

Ta nhờ vãi Giác Duyên ngồi gác

Đón em về từ cuối màn sương.

 

Ta ngồi viết

Trời đêm Phú Xuân như ao nước đục

Phải em là hồn con cò không siêu thoát được

Đòi thơ người trong

những câu hát tha phương cầu thực

Cùng em đòi một tấm lòng.

 

Ta ném mọi giáo điều lên mặt thần mày trắng

Để lấy tình yêu Thúc Sinh

Ta trả mũ cánh chuồn cho Hồ Tôn Hiến

Để làm Từ Hải

Ta là anh chài lưới lặn xuống dòng đêm

Tìm lại cho em chàng Kim thuở ấy.

 

Ta ngồi viết

Sông Hương bay thành nét thảo câu thơ

Núi Ngự Bình như anh sẩm ngồi hát

Biển ngoài kia lục bát tràn bờ.

 

Kiều ơi

Thôi em đừng khóc

Tiếng vạc đã mài hết một thỏi đêm

Cuộc đời dồn chúng ta vào trang giấy trắng

Như dồn tới chân tường định mệnh

Từng đêm ta đập bức tường

Vầng trăng vỡ lúc ta căm giận

Lại nguyên lành khi cất tiếng kêu thương...

 

Sài Gòn 1980

   T.M.H.


Phụ:

NGUYỄN VŨ TIỀM BÌNH BÀI “ĐÊM VIẾT KIỀU” CỦA TRẦN MẠNH HẢO

          Mở đầu bài thơ, ta đã gặp những câu thơ mới lạ đầy sáng tạo:

          “Đêm đặc thành thỏi mực

          Tiếng vạc mài nghiên

          Từng giọt từng giọt máu đêm

          Nhỏ xuống Thúy Kiều”

          “Đêm” và “thỏi mực” chỉ giống nhau cùng có màu đen còn là hai thực thể rất khác nhau. Một đằng thuộc lĩnh vực thời gian luôn chuyển động, một đằng thuộc vật chất cụ thể nhưng tác giả đã khéo kết hợp hai tương quan này thành một qua liên từ “đặc thành” tạo nên cho những chữ vốn quen thuộc trở thành câu có chất thơ đặc sắc.

          Câu sau cũng có tương quan khác lạ: “Tiếng vạc mài nghiên”. Tôi đã từng có thời gian mài nghiên mực hàng ngày, nhiều khi gặp thỏi mực cứng quá, mài không dễ chút nào. Ở đây là “tiếng vạc mài…” có vẻ phi lý, nhưng là phi lý hình thức để nói lên nhà thơ Nguyễn Du từng thức nhiều đêm và thức khuya lắm, kiên nhẫn mài mực để viết, đó là hợp lý nội dung.

          “Từng giọt, từng giọt máu đêm/ nhỏ xuống Thúy Kiều”, lại một phi lý hình thức nữa để nói lên nhà thơ đã viết với tất cả tâm huyết của mình đối với nàng Kiều, đó là hợp lý nội dung. Đã có nhà thơ viết rằng “thơ hay thường chạm đến sự phi lý, đó là phi lý hình thức trong hợp lý nội dung”. Khúc mở đầu của bài thơ đã đạt tới điều đó, quả là những câu thơ sử dụng thủ pháp “độc chiêu” trong thi pháp thi ca, là sáng tạo đặc sắc thu hút người đọc ngay từ khúc mở đầu.

          “Huống hồ em tài sắc

          Thương em mà bút đọa đày em”

          Ngọn bút Nguyễn Du đầy thương cảm với nàng Kiều, điều đó thể hiện trong từng trang, từng dòng, ai cũng thấy. Nhưng có điều ít người thấy được đó là “bút đọa đày em”. Đừng nghĩ cứ viết nên những điều đau khổ của con người là sự cảm thông mà mặt khác lại chính là “đọa đày” con người bởi chính con người ấy lại bị đau khổ, bị “hành hình” lần nữa trên trang giấy. Đây là một phát hiện riêng của Trần Mạnh Hảo sâu đậm tính nhân văn.

“Cọng rau muống buộc đôi ta bền chặt”

          Ca dao có câu: “Đôi ta ở đất làm thừng/ Trăm chắp ngàn nối xin đừng quên nhau”. Buộc bằng dây thừng, là một ẩn dụ hay. Nhưng vào thơ của mình, nhà thơ Trần Mạnh Hảo nâng cấp lên một bậc mới, buộc bằng dây thừng thì chặt rồi và rất hợp lý, nhưng buộc bằng “cọng rau muống” thì chắc là không được nhưng lại “bền chặt” hơn. ấy là điều phi lý. Nhưng lại đúng với những hoàn cảnh: trong gian khó thiếu thốn nhọc nhằn, chia sẻ nhau bằng “cọng rau muống” lúc đói lòng, với những kỷ niệm thời hàn vi như thế, người ta không dễ quên. Đó là hợp lý nội dung.

Và ở đoạn thơ thứ tư: “Củ khoai không vùi trong bếp

          Củ khoai vùi trong giấc ta mơ”.

          Củ khoai “vùi trong bếp” là hợp lý, nhưng vùi trong “giấc mơ” thì phi lý. Nhưng Trần Mạnh Hỏa viết ngược lại, tưởng khó chấp nhận, nhưng lại rất đúng với người trong gia cảnh nghèo nàn, không có củ khoai nướng mà ăn chỉ trong giấc ngủ mới gặp mà thôi, tỉnh dậy chắc là thèm chảy nước miếng. Thật tội nghiệp quá chừng.

          Nguyễn Du là dòng dõi quan đại thần, chắc không đến nỗi thiếu thốn như thế, nhưng tấm lòng nhà thơ luôn thương cảm gần gũi với đời sống người dân cần lao nghèo khó, nên ông đã cảm thông sâu sắc với họ và viết nên những trang tuyệt bút để lại đời sau. Và tất nhiên ông không “ăn mày”, nhưng Trần Mạnh Hảo đã không dùng chữ sang trọng, quý phái như: ước mơ, hoài bão, lý tưởng... mà dùng chữ “ăn mày” rất dân dã:

“Ăn mày dòng sông biển khơi

          Ăn mày con người lòng nhân ái”

          Tức là ông cầu xin có được những khát vọng lớn lao và lòng nhân ái. Chỉ có tâm hồn luôn gắn bó cảm thông với nhân dân cần lao mới có được những rung động thi ca đẹp đẽ như thế.

          Hai câu cuối ở khúc thứ sáu:

“Ta nhờ vãi Giác duyên ngồi gác

          Đón em về từ cuối màn sương”

          Lại nhớ Truyện Kiều: “Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”, Trần Mạnh Hảo viết: “Đón em về từ cuối màn sương”, đúng là đón một linh hồn, không thể hiện diện trên cõi trần, nhưng cùng với Thi hào Nguyễn Du, nàng rất hình tượng, rất máu thịt trong bài thơ của Trần Mạnh Hảo.

“Trời Phú Xuân như ao nước đục

          Phải em là hồn con cò không siêu thoát được

          Đòi thơ người trong

          Những câu hát tha phương cầu thực

          Cùng em đòi một tấm lòng”

          Một dòng thơ mà vẽ nên cả một thiên nhiên và xã hội: “Trời Phú Xuân như ao nước đục” trong đó “em là hồn con có không siêu thoát được”. Ở hoàn cảnh “ao nước đục”, con cò “đòi thơ người trong”, câu này nói về Nguyễn Du. Ông tự nhủ lòng mình là tâm hồn thơ phải trong veo mới xứng với trang văn mình viết. Và hậu thế chúng ta mãi mãi tin ở tâm hồn trong sáng như băng tuyết của ông.

          Ở ba khúc cuối có những câu thơ đẹp và rất xúc động:

          “Ta là anh chài lưới lặn xuống dòng đêm

          Tìm lại cho em chàng Kim thuở ấy”

Lại thêm lần nữa, quan đại thần Nguyễn Du dấn thân vào chốn cần lao nghèo khó. Lần này “làm anh chài lưới lặn xuống dòng đêm”. Cực nhọc như thế để làm gì? “Tìm lại cho em chàng Kim thuở ấy”. Chàng Kim là biểu tượng của cái đẹp trong mắt nàng Kiều.

          “Núi Ngự Bình như anh xẩm ngồi hát

          Biển ngoài kia lục bát tràn bờ”.

Ta hình dung tác phẩm Truyện Kiều đồ sộ có 3254 câu thơ. Đúng là một biển thơ lục bát tràn đầy trong đêm viết Kiều đang ào ạt triều dâng trong tâm hồn Đại thi Hào Nguyễn Du. Hình ảnh núi và biển rất hiện thực, lãng mạn và nên thơ.

Và hai câu cuối bài:

“Vầng trăng vỡ lúc ta căm giận

Lại nguyên lành khi cất tiếng kêu thương”.

Trần Mạnh Hảo đã dùng hình tượng “Vầng trăng” để ẩn dụ về những điều tròn đầy, sáng láng, tốt đẹp nhất về con người. Khi “căm giận” thì “trăng vỡ” khi cất tiếng “kêu thương” thì “vầng trăng” lại “nguyên lành”.Trước những oan trái bất công trong xã hội, niềm tin ở con ngươi có lúc rạn nứt, nhưng nhờ có tình thương mà con người đã gắn kết với nhau bằng sự xác tín kỳ diệu. Tình yêu thương đã cứu rỗi nhân loại thoát khỏi những hiểm họa do chính con người gây ra và thiên nhiên gây ra đặng mà tồn tại và phát triển.

Tôi thích bình thơ theo hướng thi pháp học hơn là xã hội học, bài bình thơ “Đêm viết Kiều” đã thể hiện điều này. Thi pháp học ở thơ Trần Mạnh Hảo có nét đặc biệt đó là yếu tố phi lý và nghịch lý, hai yếu tố này thể hiện rất rõ trong bài thơ “Đêm viết Kiều”. Vận dụng yếu tố này nói chung rất khó, phải có thi tài nhất định nào đó mới viết được, hai yếu tố ấy tạo cho thơ có nhiều va đập trong ngôn từ, hình ảnh, khiến mỗi từ ngữ, hình ảnh được cọ xát, chuyển động, mới mẻ và lóe sáng. Những câu trích và bình trên đây là những ví dụ. Một vài ví dụ khác:

“Bút ta không phải mũi dáo

Cớ sao từng chữ bị thương”

Hay: “Tiếng vạc đã mài hết một thỏi đêm”…

“Sông Hương bay thành nét thảo câu thơ”

Bài thơ trên đây in báo Văn nghệ (HNV VN) từ lâu lắm, cái thời báo còn in bằng giấy bổi, thỉnh thoảng lại gặp cọng rơm làm mất mấy chữ, tôi đã cắt bài thơ lưu lại. Nếu kể từ trường ca “Mặt trời trong lòng đất” xuất bản năm 1981 và một số bài thơ trước đó thì Trần Mạnh Hảo đã chuyển đổi bút pháp từ hiện đại truyền thống sang hiện đại cách tân (đổi mới) từ rất sớm.

Đây là một trong số rất ít những bài thơ hay nhất viết về Nguyễn Du.

 

NGUYỄN VŨ TIỀM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét