Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

ĐỊA DANH XUÂN TRƯỜNG - ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN / Đỗ Trác

 


                                                Trần Mỹ Giống và Đỗ Hữu Trác (bên phải)


              Cái tên “Xuân Trường 春長” mới chỉ xuất hiện cách nay chừng 150 năm, nhưng nó đã có “cựu danh”, “tiền danh” = “tên cũ”, “tên trước” từ cách nay cả ngàn năm rồi. Cái mảnh đất mà đầu thế kỷ 21 nay chúng ta gọi là “Xuân Trường” xưa vốn không phải như thế, mà nó đã có nhiều “thêm”, “bớt” trong lịch sử do những yếu tố tự nhiên và… hành chính.

      Rảnh rỗi ngồi nhà mùa CoVid19, thử cùng bạn đồng hương ôn lại chút chuyện xưa về quê hương Xuân Trường của chúng ta nhé! Có thể tôi viết không đúng, xin được các bậc thức giả phủ chính cho !

      1.- Vùng đất có huyện Xuân Trường ta vào thời Lý (1010 - 1225) được gọi là “HẢI THANH = 海清“Đến đời Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) cải gọi là “THIÊN THANH = 天清”. Đến đời Vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278) cải gọi là “THIÊN TRƯỜNG = 天長”, (chữ “Thiên = 天” với ý nghĩa chủ yếu là “TRỜI”, chữ “Trường = 長” với ý nghĩa chủ yếu là: dài, lớn).

      2.- Lúc đầu, Thiên Trường bao gồm vùng đất cả tỉnh Nam Định và một phần lớn đất của tỉnh Thái Bình ngày nay. Dần dần, Thiên Trường chỉ còn là một phủ bao gồm phần đất phía đông – nam của tỉnh Nam Định (và 1 phần đất thuộc tỉnh Thái Bình). Cho đến thời Vua Tự Đức, Phủ Thiên Trường còn bao gồm phần đất nay là các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu của tỉnh Nam Định. Các huyện miền nam của tỉnh Thái Bình (Vũ Tiên, Kiến Xương, Tiền Hải…) thuộc vào Phủ Kiến Xương (nằm trong tỉnh Nam Định). Đến thời gian đó, vào năm 1862, nhà Vua Tự Đức cho đổi tên “Phủ THIÊN Trường = 天長府” thành “Phủ XUÂN Trường = 春長府” (1).

      Cho đến lúc này (1862), mảnh đất nay (2021) là huyện Xuân Trường nằm trong địa phận của huyện Giao Thuỷ.(2).

      Thời gian ấy, lỵ sở Phủ Xuân Trường và cả huyện Giao Thuỷ đều nằm ở Tương Nam (Nhương Nam) mà ngày nay là chỗ trường PTTH Lý Tự Trọng – Nam Thanh – Nam Trực – Nam Định. Khi đó, Phủ Xuân Trường bao gồm 3 huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thuỷ.

      Đến năm 1888 lập huyện Hải Hậu gồm một xố xã (tổng) của huyện Trực Ninh và một số xã (tổng) của huyện Giao Thuỷ (3). Khi đó, Phủ Xuân Trường quản hạt 4 huyện : Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thuỷ, Hải Hậu.

      3.- Đến năm 1889 – năm đầu triều Vua Thành Thái không để tồn tại cấp chính quyền “PHỦ” nữa, lấy tên “phủ” để gọi cho huyện lớn nhất trong phủ. “Phủ Xuân Trường” được gọi thay cho “Huyện Giao Thuỷ” (mặc dù trong các văn bản hành chính, sắc phong sau đó vẫn dùng chữ “Huyện Giao Thuỷ” nằm trong “Tỉnh Nam Định”. Trong thơ Tú Xương (1870 - 1907) vẫn có nói đến chức quan “Tri phủ Xuân Trường”.

      4.- Phủ Xuân Trường: Trước năm 1889 đóng lỵ sở như đã nói ở trên. Từ năm 1889 dời lỵ sở về đóng tại làng Ngọc Cục, vượt lập lên từ mảnh ruộng “dược mạ” mà nay là toàn bộ khuôn viên trường PTTH Xuân Trường A. Về phong thuỷ, mảnh đất ấy vốn được coi như cái “nghiên mực” của làng khoa bảng Hành Thiện. (4).

      Cũng vào năm đó – 1889 – mới bắt đầu đắp một con đường cái quan chạy dọc huyện đi từ Phủ, qua Lục Thuỷ, ven sông Trung, vào Xuân Hy (xưa ở chỗ Trạm xá xã Xuân Thuỷ), ngoằn ngoèo uốn lượn ngang qua Hoành Quán – Trà Lũ Bắc – Cổng Phú Nhai - Trà Lũ Trung – Nam Điền – Hoành Nha – Hoành Sơn – Ngô Đồng… (5)

     5.- Đến năm 1934 dưới triều Vua Bảo Đại, đã tách Phủ Xuân Trường thành 2 huyện: Xuân Trường và Giao Thuỷ, lấy sông Sò làm mốc giới ngăn cách. Hai huyện này nhập vào thành huyện Xuân Thuỷ vào năm 1967 và 30 năm sau, lại tách ra thành…như cũ vào năm 1997.

      6.- Sông Hồng – Đồng giang: Đoạn sông Hồng (Hồng hà, Hoàng hà) chảy từ Mom Rô ra đến cửa biển xưa (ở chỗ Ngô Đồng hiện nay) được các cụ gọi là sông Đồng (Đồng giang = 桐江, Đồng thuỷ = 桐水), trong đó chữ Đồng () nằm trong chữ “Ngô Đồng = 梧桐“ có nghĩa là “cây vông” (mà tôi ngờ là cây gạo vốn rất sẵn ở vùng quê ta xưa). Có lẽ vì bên bờ sông xưa mọc nhiều cây gạo, sống sót và nên cổ thụ sau nhiều mùa bão lũ lụt nên đã được các cụ lấy tên đặt cho dòng sông. Về sau này, “Ngô Đồng” chỉ còn được dùng để gọi cho cái cửa cống nơi sông Hồng đổ nước vào sông Sò, và được dùng đặt tên cho Thị trấn lỵ sở của huyện Giao Thuỷ. (“Thị trấn Ngô Đồng”). Chữ “Đồng thuỷ” với ý nghĩa là tên con sông Hồng tôi đọc được trong bài “Đề Hành Thiện Xã Chí” của cụ Cử nhân Đốc học Đặng Vũ Kham người làng Hành Thiện viết năm 1934.

      7.- Sông Sò: Ngày xa xưa, sông Sò là dòng chính của sông Hồng Hà. Khi chảy đến chỗ cống Ngô Đồng hiện nay, dòng Hồng Hà chính ngoặt về tây, chảy ven chỗ Hoành Nha, đến cầu “Xi măng” - Xí nghiệp đông lạnh (khi đó chưa có cầu “Xi Măng”, mới rẽ hướng nam, qua chỗ cầu Thiết Khoá (khi ấy chưa có cầu) mà đổ ra cửa chính là ở chỗ Hà Lạn – Quất Lâm. Toàn bộ phần đất huyện Giao Thuỷ ngày nay là nằm ở tả ngạn sông Hồng như những bãi bồi Cồn Lu, Cồn Ngạn bán ngập nước bây giờ. Đâu như cuối thời nhà Lê, thế kỷ 18, sông Hồng chuyển dòng chính của nó vào nhánh nhỏ phía đông, chảy “phá cửa” “phá hội” (破潰) về phía Cồn Nhất…ra cửa Ba Lạt bây giờ. Dòng chính xưa của sông Hồng (sông Sò) bị bồi lắng, nhỏ hẹp lại và nông cạn dần (6), tuy nước biển vào dịp triều cường vẫn còn kịp dâng lên đến tận….Thọ Nghiệp qua cửa Hà Lạn. Năm 1827, bờ sông Sò vẫn còn mọc đầy sú vẹt và lau sậy rậm rạp. Cho nên khi đào được nhánh sông hơn 400 mét chạy từ sông Cát Giang ra sông Sò (ở chỗ mà ngày xưa các cụ gọi là cống Vành, còn người hiện đại gọi là “Cống Nhất Đỗi”), rồi bị thương lê lết ra đến được sông Sò, Phan Bá Vành đã phải ẩn náu trong đám sú vẹt, lau sậy đó và bị Tổng trưởng Hoành Nha là Lê Tuấn đi tuần bắt được.

      8.- Hạc Châu: Xã Xuân Châu xưa có tên là xã Hạc Châu. (Hạc Châu = 鶴洲 = bãi đất hình dáng con chim hạc). Xa xưa vùng đất ấy nằm chủ yếu bên tả ngạn sông Hồng. Từ Mom Rô chảy ra Cát Xuyên, dòng sông Hồng đoạn Sa Cao – Thái Hạc đó có 2, 3 luồng lạch chính. Và xen giữa các lạch đó là các bơn, gò, bãi chạy dài theo hướng chính của dòng sông. Rồi bồi lở nắn dòng, đắp đê quai chống lụt vào những năm thế kỷ 17, 18, 19; phần đất chính của xã Hạc Châu chuyển hẳn sang bên hữu ngạn và “gắn” vào mảng đất lớn của huyện Xuân Trường, có nhánh lạch sông Hồng trở thành “sông trong” (trong đê cái). Dấu tích của nhánh lạch sông Hồng ấy hiện vẫn còn ở một loạt các “ao” nối tiếp nhau chạy dài theo hướng tây - đông ở giữa làng Hạc Châu, cách mép nước bến phà Sa Cao chừng gần 2 km.

      Vào năm khoảng 1540 cụ Tổ họ Nguyễn Hạc Châu từ Thanh Hoá ra cư trú ở làng Thái Hạc (vốn là đất Hạc Châu khi còn ở bên kia sông Hồng) đã sinh ra dòng họ Nguyễn xã Xuân Châu với gần 20 đời cho đến đầu thế kỷ 21 này. Nay mộ Tổ họ Nguyễn vẫn còn ở bên kia sông, thuộc đất Thái Bình đó (7).

      Vào các thế kỷ 16, 17 dòng họ Nguyễn Hạc Châu này có nhiều người được phong đến tước Quận Công, Hầu tước, được thờ làm Phúc Thần của làng cùng với các vị thiên thần, thuỷ thần khác. Trong trí nhớ của tôi thời bé, cái tên Hạc Châu gây ấn tượng mạnh vì ở đó có nhiều khoai lang ngon (cùng với khoai lang làng Vạn Lộc) đem vào các chợ bán.

      9.- Đất chùa Thần Quang, Viên Quang: Thời Lý – Trần, chưa có đê sông Hồng và đê biển, vùng đất huyện Xuân Trường nay là những bãi bồi lập lờ khi nổi khi chìm ven cửa sông Hồng và biển. Qua nhiều năm bồi lắng của phù sa sông Hồng, các bãi bồi bán ngập nước ấy ngày càng được bồi đắp cao lên, có thể cấy hái được. Nhà vua, các vị hoàng thân quốc thích, các quan, các tín thí đã mua hoặc trưng thu nhiều mảnh ruộng ấy để cấp cho các ngôi chùa “quốc tự” trên đất Giao Thuỷ là chùa Viên Quang (😎 và chùa Thần Quang (9), gọi là “đất hương du”. (10). Mảnh đất hình con cá chép mà sau này dân Hành Cung (sau đổi là Hành Thiện) di cư, chạy lụt tới định cư vốn cũng là “đất dầu nhang” của chùa Thần Quang. (11).

      Đất dầu nhang của chùa Viên Quang cũng rất nhiều. Trong đó có nhiều mảnh là nằm ở địa phận huyện Xuân Trường hiện nay, nhất là bãi Phù Sa – Mom Rô. Đến cuối thời Lê, do ruộng dầu nhang của chùa Viên Quang bị hao khuyết bởi nhiều lý do, vua Lê còn cấp cả một cánh đồng Lộc Cơ – Rộc Cả (nay thuộc Nghĩa Xá - xã Xuân Ninh) để….di dân, dời chùa. (12)

      10.- Khai hoang đất Giao Thuỷ: Thời cuối Lê đầu Nguyễn, vùng đất nay là huyện Giao Thuỷ rất thưa thớt dân cư. Đất đai màu mỡ nhưng trị thuỷ chưa tốt, mùa màng chưa ổn định. Sau dịp dẹp loạn Phan Bá Vành nhà nước cũng khuyến khích dân Xuân Trường di cư khai hoang lấn biển lập làng dựng xóm, canh tác ổn định. Rồi nhà  nước lại cho phép các quan, các điền chủ lớn có thể “thầu” khai khẩn đất ven sông, ven biển, thau chua ngăn mặn để cày cấy với những ưu đãi về thuế. Các cụ hưu quan người quê Xuân Trường như Đặng Kim Toán, Đặng Đức Địch đã đứng ra xin thầu khai khẩn đất đai vùng Giao Thuỷ, mộ dân các làng xã Xuân Trường đến để đắp đập be bờ, mở ruộng cày cấy. Dân các làng thuộc Xuân Trường xuống Giao Thuỷ lập ấp đã mang theo một phần tên làng xã gốc (cựu quán) để đặt tên cho quê mới (tân hương): Ví dụ: Nam Long (dân Nam Điền gốc), Thiện Long (dân Hành Thiện gốc), Trung Long (dân Trà Lũ Trung gốc)…… Trong số ấy có nhiều cụ mất cả gia đình vào trận cuồng phong – sóng thần – nước dâng ngày 12 tháng 5 năm 1903 – Quý Mão.

      Xem trên bản đồ người Pháp vẽ năm 1919, ven bãi biển Giao Thuỷ vẫn có nhiều địa danh đánh dấu người khai hoang lập ấp là đến từ các xã thuộc huyện Xuân Trường và miền thượng Giao Thuỷ: Hoành Tam ấp, Hoành Nha ấp, Thượng Miêu ấp, Sa Châu ấp, Lạc Nghiệp ấp, An Cư ấp, Hoành Lộ ấp, Trà Lũ ấp, Hành Thiện ấp, Thuỷ Nhai ấp, Lục Thuỷ ấp….Đối chiếu 3 tấm bản đồ 1887, 1899 và 1910  (kèm theo) ta có thể thấy công lao khai khẩn, dựng làng lập ấp của dân cư Xuân Trường với mảnh đất ven biển huyện Giao Thuỷ là rất lớn !

      Mãi đến những năm 1960 của thế kỷ trước, dân cư Giao Thuỷ vẫn rất thưa thớt, người Xuân Trường vẫn còn tiếp tục di cư xuống đó cư trú và làm ăn, trước khi có chủ trương đi “kinh tế mới” ở Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang…

      11.- Di tích cổ xưa trên đất Xuân Trường: Theo những di văn Hán Nôm còn hiện diện trên đất Xuân Trường, tôi tạm liệt kê vài di tích cổ xưa hiện vẫn còn trên đất Xuân Trường:

11.1.- Tháp xá lợi chùa Viên Quang (Nghĩa Xá – Xuân Ninh): Hiện còn 2 ngôi tháp chứa xá lợi của Thánh Tổ Đại Pháp Thiền Sư Giác Hải và Thánh Tổ Đại Pháp Thiền Sư Không Lộ. Tháp này bằng đá nguyên khối, có lẽ được tạc dựng vào năm 1198, được tháo ra, di dời cùng chùa Viên Quang về đất Nghĩa Xá những năm 1866 - 1867.

       11.2.- Kiến trúc gỗ ở chùa Viên Quang: Những cột, cửa võng, khuôn vách chạm rồng mây….ở chùa Viên Quang, có lẽ được chế dựng vào đầu thế kỷ 17 (những năm 160X) và được tháo ra, chuyển đấn làng Nghĩa Xá vào những năm 1866 - 1867.

11.3.- Chùa Thần Quang – Keo Hành Thiện: Chùa được trùng tu, dựng lại sau trôi lụt những năm cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Chùa còn có nhiều kết cấu gỗ và nhiều tấm bia đá khắc dựng đầu, giữa thế kỷ 17.

11.4.- Bia chùa An Cư: Được khắc dựng tháng 3 năm Bính Thìn - 1616 - Năm thứ 17 niên hiệu Hoàng Định dưới triều Vua Lê Kính tông.

(Tôi đính kèm theo bài viết này 4 tấm bản đồ phần huyện Xuân Trường vẽ các năm 1887, 1899, 1910 và 2000 để bạn đồng hương ngắm và nhớ về cha ông chúng ta một thời đã xa.)

--------------------------------

CHÚ THÍCH:

(1).- Chữ “XUÂN = 春” với các nghĩa chủ yếu là: mùa xuân, phương đông, sức sống, tuổi trẻ, tươi tốt, một năm, …,và…rượu). Tôi được nghe rằng, sở dĩ nhà Vua Tự Đức không muốn cho tên các địa phương có chữ liên quan đến trời, đến “thiên tử” (là vua) nên những địa phương tên có chữ THIÊN = , đều phải đổi thành chữ khác, cùng thời gian đó huyện “THIÊN Bản = 天本“ phải đổi thành “VỤ Bản = 務本“. (Một giai thoại vui vui nữa là: Có quan lớn người quê ở Phủ Thiên Trường thắc mắc, Vua Tự Đức đã “trấn an” động viên rằng: thay chữ Thiên bằng chữ XUÂN vừa đẹp, có những 9 nét và khi cần cũng có thể sửa chữ THIÊN () trên giấy tờ cũ thành chữ XUÂN () chỉ bằng cách viết thêm mấy nét mà không phải….cạo đục, tẩy xoá gì.)

          (2).- Hương Giao Thuỷ: Thời Lý nước ta chưa có đê, vùng đồng bằng Bắc Bộ là ven biển, cửa sông của hai hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Vùng ấy chủ yếu là những bãi bồi, cồn, doi đất cao ráo, nổi về mùa khô và ngập nước về mùa lũ. Chằng chịt trên bề mặt các doi, bãi, gò ấy là hệ thống sông, lạch, khe nước. Giao thông đi lại, xê dịch của dân ta chủ yếu là dựa vào dòng nước, dùng thuyền, bè mảng. Thời ấy đã có doi đất nổi lớn ở phía Đông Nam Thành phố Nam Định hiện nay, bao bọc ở phía đông nam là sông Hồng và ….biển. Xa xa nhìn ra phía đông là một doi đất khác ven theo tả ngạn sông Hồng, phía Nam và Đông Nam của nó thì là các doi cồn lập lờ khi nổi khi ngập qua quãng cách bởi dòng chính sông Hồng và các lạch nhỏ xuôi nam và xa xa nữa thì là…biển. Doi đất ấy chính là Hương Giao Thuỷ. (Chữ “Hương” ở đây vừa có nghĩa là một vùng đất, vừa có nghĩa là một “đơn vị hành chính” của Nhà nước tương đương cấp huyện về sau này, mặc dù thời đó chưa hề có cơ quan quản lý nhà nước ở cấp địa phương.). Hương Giao Thuỷ bao gồm phần phía Đông Nam của huyện Nam Trực, từ địa đầu phía Bắc của xã Tân Thịnh, kéo dài qua Thị trấn Cổ Lễ hiện nay. Khi ấy, dòng sông Hồng chưa “xung khích” mạnh vào sườn phía Đông của Hương Giao Thuỷ nên phần nổi của Hương Giao Thuỷ còn bao gồm cả một phần đất đã bị lở chuyển bồi qua bên tả ngạn sông Hồng nay thuộc huyện Vũ Thư. Hương Giao Thuỷ nói chung, Vạn Giao Thuỷ nói riêng là vùng bãi đất cao ráo, rộng rãi đến cả mấy ngàn mẫu, sau lưng (phía Đông) là dòng sông Hồng và bãi biển, cửa sông với những “con bơn”, cồn bãi lập lờ khi nổi khi chìm và rừng cây ngập mặn ven biển (sú vẹt) mà sau này, đến thời nhà Lê chính là địa phận các xã phía Nam, Đông Nam của tỉnh Thái Bình cũng như các xã thuộc huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu. (1). Phần bồi nổi lên về sau này vẫn được tính là thuộc Hương (Huyện) Giao Thuỷ, phủ Thiên Trường.

      Địa danh “Giao Thuỷ” còn được lưu truyền mãi về sau này, để gọi vùng đất được mở mang bồi đắp thêm ở vùng đông nam Hương Giao Thuỷ, thuộc hạ lưu, cửa biển của sông Hồng bao gồm các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu hiện nay. Ở đây có hai điểm cần lưu ý (1. Trong chữ Giao Thuỷ - 膠水 thì chữ GIAO  = ở đây không phải là gắn với, giao tiếp, tiếp xúc mà nó có nghĩa là “dính”, là “keo”, là “nhơm nhớp” - đặc trưng của nước biển, nước lợ, không nhẹ, không thanh thoát như nước ngọt, và 2. Hương Giao Thuỷ - Huyện Giao Thuỷ xưa rất rộng, phân biệt với Huyện Giao Thuỷ nay rất nhỏ hẹp (mới được tách riêng với huyện Xuân Trường, phân định địa giới sau năm 1945, bao bọc bởi biển, sông Hồng và sông Sò.).      

      Ở các bản đồ thời cuối thế kỷ 19 trở về trước vẫn hiện diện địa danh Giao Thuỷ trỏ vùng đất chính, cổ của nó là ở chỗ Tân Thịnh – Từ Quán – Bát Dương – Đô Quan – Cổ Lễ - Phủ Xuân Trường – Tương Nam.

(3).- Ví dụ các xã Hà Lạn (nay là xã Hải Phúc), Kiên Trung (Trà Trung, Trà Hạ, Hội Khê Nam, Hà Quang )… xưa vốn thuộc Tổng Kiên Lao của huyện Giao Thuỷ, đã được cắt ghép với các xã Tổng Quần Phương, Tổng Ninh Nhất để thành lập lên huyện Hải Hậu.

          (4).- Sau khi Phủ dời lỵ sở về đóng ở đó, cư dân mới tụ tập thêm, hình thành nên “xóm PHỦ” (sau gọi chệch đi thành “xóm PHỐ” – kéo dài từ Phủ xuống đến cầu Đập gần Lục Thuỷ) thuộc xã Xuân Tiên, nay thuộc xã Xuân Hồng chăng ?!

(5).- Con đường cái quan đó những năm 1965 – 1970 đã được nắn thẳng một số đoạn do việc đào sâu, nắn thẳng mấy dòng sông: ven đường 50, từ cống ông Cờ xuống thảng An Cư…

          (6).- Khi sông Sò cạn lắng, một loạt các bãi ven sông…nổi lên thành ruộng, sát bên cạnh cánh ruộng Nam Điền của xã Trà Lũ. Vào cuối thời Lê, Tây Sơn và đầu Nguyễn, đã xảy ra kiện tụng tranh chấp ruộng đất giữa làng Trà Lũ và xã Hoành Nha. Xã Trà Lũ bị thua.

(7).- Xã Hạc Châu xưa nằm trong Tổng Đội Trạch, huyện Vũ Tiên, Phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định. Sau khi thành lập tỉnh Thái Bình, xã Hạc Châu được cắt khỏi huyện Vũ Tiên, lệ vào Tổng Hành Thiện, huyện Xuân Trường.

          (8).- Chùa Viên Quang: Được xây dựng từ thời Lý ở khoảng chỗ Tân Thịnh Nam Trực ngày nay, nguyên ban đầu được gọi là chùa Diên Phúc, sau đổi tên là Viên Quang, do bờ đê sông Hồng lở lụt, năm 1866 được di dời đến làng Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường.

          (9).- Chùa Thần Quang: Được xây dựng từ thời Lý ở khoảng chỗ Tân Thịnh Nam Trực ngày nay, nguyên ban đầu được gọi là chùa Nghiêm Quang, sau đổi thành Thần Quang. Đầu thế kỷ 17, lụt lớn, đê sông Hồng sạt lở, chùa trôi và sau được xây dựng lại ở làng Hành Thiện (Chùa Keo dưới) và làng Dũng Nhuệ (Vũ Tiên – Thái Bình) (Chùa Keo trên).

          (10).- Nghĩa là đất ruộng thu hoa lợi để chi phí cho việc dầu nhang, xôi oản cúng Phật, nuôi sư ở chùa.

(11).- Điều này được cụ Đặng Xuân Viện (bố đẻ Cố Tổng Bí thư Trường Chinh) viết rõ trong bài “Hoàn thành Hành Thiện Xã Chí”. Câu này bị các cụ trong Hội đồng hương Hành Thiện ở Sài Gòn hiểu và dịch sai đi thành “rời đất hương du” khi cho in sách Hành Thiện Xã Chí năm 1974.

(12).- Điều này ghi rõ trong Tộc phả họ Phạm làng Nghĩa Xá và tờ khai di tích năm 1938 của làng Nghĩa Xá báo cáo chính phủ bảo hộ. 

ĐỖ TRÁC






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét