Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

TUYỂN THƠ SÁNG TÁC TRẦN MỸ GIỐNG TRÊN TRANMYGIONG.BLOGSPOT.COM

 



TỰ BẠCH

 

       Làm thơ không phải sở trường

Chi khi có hứng bất thường viết chơi

       Dám đâu vỗ ngực với đời

Xưng nhà thơ để tiếng cười nhân gian

 

       Liều mình xin ghép đôi vần

Tấm tình gửi tặng người thân gọi là…

 

 

                     TRI KỶ

 Tặng nhà thơ Tống Đức Hiển

 

Bia vàng một cốc với nhà thơ

Phiêu lãng cung trời gót nhởn nhơ

Nếu chẳng có thơ, bia nước ốc

Hồn thơ men ngấm, tứ thăng hoa

Được thua, đen bạc quên quên hết

Thanh trọc, nhục vinh phớt phớt lờ

Thơ đẹp, bia nồng, người tri kỷ

Bồng lai tiên cảnh phải đâu mơ!

 

      5 – 2004

 

 

 NHÀ VĂN NGUYỄN DANH KHÔI

 

Dẫu chẳng thiên tài, chẳng vĩ nhân

Văn, thơ, nhạc, họa cũng vang ngân

Đời dìm trong rượu, bừng trước tác

Thần!

…….

       Tôi và Khôi chưa một lần gặp nhau, chỉ qua các tác phẩm mà yêu quý nhau. Khôi nguyên sĩ quan quân đội, làm công tác văn hóa văn nghệ, họa khá, nhạc sành, thơ có hồn, văn có phong cách, được nhận nhiều giải thưởng… Vì viết bài chống tiêu cực, Khôi bị người ta loại ra khỏi Hội VHNT Nam Định. Buồn mình, hận đời Khôi tự dìm mình trong rượu mong quên lãng. Nhưng càng rượu, càng tỉnh, tác phẩm cứ bừng lên...

 

  

NHÀ NGHIÊN CỨU LÊ XUÂN QUANG

 

Đất trời linh khí giao hòa

Trăm năm sinh một ông là kỳ nhân

Đi ngàn dặm, viết vạn trang

Một đời gạn đục khơi trong cho đời.

………

       Người đời gọi ông là “Giáo sư nông dân” và nhiều mỹ danh khác, còn tôi – bạn vong niên thân thiết của ông, gọi ông là “Kỳ nhân”. Ông suốt đời say mê đi (bằng xe đạp) và viết, góp phần lưu giữ hồn dân tộc. Tính ông bộc trực, thẳng như ruột ngựa nên nhiều người yêu, cũng lắm kẻ ghét. Có vị tiến sĩ miệt thị ông là “mảnh chĩnh”. Lạ thay, cái “mảnh chĩnh” ấy lại rinh được hơn ba chục giải thưởng của địa phương và trung ương về các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian và lịch sử.

 

 

NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỒNG NGỌC HOA

 

Một thời mê mải việc quân

Viết văn làm báo tuổi xuân trôi vèo

Cửa Thiền không - sắc lần theo

Hào quang Phật sử một chiều thăng hoa

……….

       Ông nguyên sĩ quan quân đội, làm báo, viết văn lâu năm. Vào tuổi lục tuần ông mới tham gia Hội VHNT tỉnh và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Tác phẩm “Lịch sử Phật giáo huyện Trực Ninh”, “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định” là những điểm sáng trong sự nghiệp của ông.

 

  

     NHÀ THƠ CHU ĐÌNH AN

 

Nửa đời chinh chiến một lòng trung

Thơ vượt vũ môn cá hóa rồng

Bút sắc kiên cường đâm tiêu cực

Hùng!

……….

       Nguyên sĩ quan quân đội từng đánh Nam, dẹp Tây, hơn năm mươi năm tuổi Đảng, già nửa thế kỷ đeo đuổi nghiệp thơ, nhà thơ Chu Đình An (Hội viên Hội VHNT Nam Định) có nhiều bài thơ hay, đã in 5 tập riêng và chung hàng chục tuyển thơ quy mô quốc gia. Ông luôn giữ vững chí khí kiên cường chống tiêu cực.

 

 

NHÀ VĂN TRẦN QUỐC TIẾN

 

       Từ ruộng đồng chẳng được học hành nhiều, cố lao vào “Cuộc vật lộn trước lúc rạng đông”, “Bị vợ bỏ” chẳng cam lòng mà cũng thôi phải bỏ.

       Đến thăng hoa “Mỹ nhân làng Trọng Nghĩa”, như một quả bom nổ làm làng văn rúng động, giữa “Ổ rơm” vung ngọn bút lột trần bọn quan tham.

       Có ngờ đâu đất bằng dậy sóng,

       Trời nổi cơn bão tố phong ba.

       Này lão Tiên chỉ một khóa, phát đơn kiện gửi tới Trung ương, chụp cho tội bôi đen chế độ.

       Nọ bà Tiến sĩ văn nô, đăng báo phê chuyển về cơ sở, chê ỏng eo khuyến khích khiêu dâm.

       Búa cường quyền bổ ngay giữa mặt,

       Rìu tiện nhân phang lén sau lưng,

       Phen này chẳng tử vong

       Cũng thân bại danh liệt.

       Vậy mà:

       “Lão Bõm” còn đường bệ phớt đời

       Nhà văn vẫn sống dai như “Cỏ”,

       Ngày "Nịnh đàn bà",

       Đêm bồng vợ khỏe.

       Trận bút trường văn hữu đột tả xung,

          Vung “Cái khăn lau” lau sạch thói đời,

       Cất giọng “Thơ đời” ngân nga trầm bổng...

       Thân xác đã tuổi xưa nay hiếm,

       Tâm hồn còn đôi tám sức xuân,

       Say mê cuốc cày “Chuyện một thời đặc biệt”,

       Bám sát nông thôn, thời dở phố dở làng

       “Hậu số đỏ” đã sẵn sàng sang trang mới.

 ...........

 Chú thích: Những từ trong hai ngoặc kép là tên tác phẩm đã xuất bản hoặc chưa in của nhà văn Trần Quốc Tiến

  

 

    NHÀ THƠ TRẦN HÙNG THẮNG

      Kính tặng nhà thơ Trần Hùng Thắng

 

       Vốn dòng Tả Hãn Tướng Quân(1)

 Hồn thêu nét bút, thơ văn dạt dào

       Kỹ sư lớp trước, tự hào

 Màng chi quan chức, thiết nào hư danh

       Cho đi muôn vạn nhánh cành

 Nhận về một lá trầu xanh cay nồng

       Ngỡ ngàng đứt gánh tơ hồng

 Còn hai trái ngọt trời không phụ người

       Lên xe, xuống ngựa một thời

 Khi thăm địa phủ, lúc chơi cung Hằng

       Tao nhân mặc khách đãi đằng

 Túi thơ bầu rượu kém chăng Đào Tiềm(2)?

 ……………

Chú thích:

       (1) Tả Hãn tướng quân: tức cụ Trần Bá Khoản (tức Nghiễm) quê làng Trà Lũ. Cụ có sức khỏe hơn người, tinh thông võ nghệ, thường sử dụng thanh đao to bằng tàu lá chuối có cán bằng sắt luyện, hai người mới khênh nổi. Năm 1740 Trịnh Doanh thân chinh mộ quân đánh dẹp khởi nghĩa Ngân Già, cụ ứng mộ lập công lớn được phong Đô chỉ huy đồng tri cai hãn tả hùng hữu đẳng trung tiệp, kiêm chỉ huy đội thuyền tráng tiết tướng quân Nghiễm trung hầu, quan võ tứ phẩm triều Lê giữ chức thủy quân tứ cơ. Khi cụ giải giáp về quê, gia tư có hàng chục vạn. Dân gian có câu “Đệ nhất Thiêm Kì, Đệ nhì Hãn Tả” nói về sự giàu sang của cụ. Cuối thời Lê, kho nhà nước trống rỗng, triều đình quyên góp các xã, Trà Lũ phải nộp 80 vạn quan tiền, Cụ bỏ của nhà ra nộp thay dân làng. Hiện nay còn đền thờ quan Tả Hãn ở xã Xuân Trung (Xuân Trường – Nam Định). Con cháu cụ đều theo ngạch võ như: con trai cụ là Trần Đình Thạc làm Tham đốc vũ huân tướng quân, tước Trọng Nghĩa hầu; Cháu cụ là Trần Đình Lãm làm Đô chỉ huy sứ; Chắt, chút cụ có nhiều người đỗ Tú tài...

       Nhà thơ Trần Hùng Thắng, bút danh HOÀI NGỌC ANH là hậu duệ của Tả Hãn Tướng quân. Ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 9. Ra trường công tác ở Bộ Vật tư (nay là Bộ Công thương). Sau lần bị khốn khổ do viết truyện ngắn theo phương pháp sáng tác hiện thực phê phán, ông bỏ cơ quan về sống tự do và theo đuổi nghiệp thơ văn. Tác phẩm chính của ông là tập thơ “Trầu một lá”, ngoài ra còn hàng trăm bài đăng tạp chí và in trong nhiều tuyển thơ như “Hành Thiện tự ngàn xưa”, “Giáo sư Vũ Khiêu trong vòng tay bạn bè”, “Vũ Khiêu và bè bạn”, “Tuổi cao nêu gương sáng”…

       Mảng thơ nổi nhất của ông là thơ tình. Thơ ông khi buồn não nuột, lúc say đắm dâng trào, có lúc như biển cả bão tố, có khi êm đềm dịu ngọt, sâu lắng như nước hồ lặng gió...

       Tình duyên ông lận đận, bà vợ đầu là một y sĩ mà ông yêu sâu sắc đã bỏ ông vì “không chịu nổi cách sống văn nghệ sĩ” của ông. Ông có hai người con với bà vợ đầu (một trai và một gái đều thành đạt). Hiện ông sống cùng bà kế ở quê. Ông lấy việc thăm thú bạn bè, xướng họa thơ ca... làm vui.

       (2) Đào Tiềm: tự Uyên Minh, người đời Tấn, nổi tiếng cao thượng, ham đọc sách, giỏi thơ văn, không màng danh lợi, an bần lạc đạo, lấy tiếng đàn, câu thơ, chén rượu làm vui...

 

 

PHẠM TRỌNG THANH

 

Vô tư Khúc hát tặng nhau

Lá bay để lại nỗi đau Gió trầm

Một đời Mùa hạ đi tìm

Thương câu Tứ tuyệt đường trường đầy vơi

Đã hay nóng lạnh thói đời

Lòng còn trắc ẩn Thác trời trào tuôn

 

 

       TRẦN ĐẮC TRUNG

 

       Hỏi Trăng và cánh đồng làng

Đám mây đi chợ có sang bên này?

       Vàng anh đi hội cầu may

 Chiều về hoa nắng rắc đầy đường quan.

 

 

       PHẠM NGỌC KHẢNH

 

       Hương bạch đàn, Hương mùa thu

 Quyện Hương hoa cỏ như ru cõi lòng

       Một thiên Mạn cửa sông Hồng

 Mà nên bút sắc lòng trong để đời.

 

 

TRẦN THỊ NHẬT TÂN

 

       Nổi danh “Dòng xoáy” một thời

Búa rìu ghanh ghét cả đời gian nan

       Vịn vào hoa quả, trang văn

Vượt lên bệnh trọng cô đơn tháng ngày

 

15-5-2021

……………

       Tiểu thuyết “Dòng xoáy” nổi tiếng của Trần Thị Nhật Tân xuất bản 1986 đến nay đã tái bản 8 lần gây ra ba đợt dư luận rộng khắp cả nước… Tác phẩm được đại đa số bạn đọc yêu mến bao nhiêu thì lại bị những kẻ có chức quyền nhất là trong ngành giáo dục căm ghét bấy nhiêu. Chúng tìm mọi cách đe dọa, nghũng nhiễu gây cho nhà văn nhiều gian nan vất vả… Ở tuổi 79 bị bệnh trọng trong cảnh rất khó khăn kinh tế nhưng chị vẫn vượt lên để sáng tác bốn tiểu thuyết và 7 tập thơ mới…

 

 

                     LẶNG

 

Đi giữa phố phường người xe nêm cối, sao tôi vẫn cô đơn?

Những bản mặt vừa trì trệ, vừa thừa tinh lực, gây cảm giác buồn nôn.

Cuộc mặc cả giữa tên cơ hội với kẻ có chức quyền làm lòng tôi nhức nhối.

Tái tê nhớ đồng đội một thời máu lửa ai mất ai còn?

Ai đó rót vào tai lời mật ngọt nỉ non, lôi kéo vào những cuộc sát phạt tranh chức quyền bất tận.

Nuốt vào lòng cơn giận, nghìn con trùng gậm nhấm trái tim tôi.

Ngước lên cao mây xám vật vờ trôi gieo nỗi buồn mênh mang không bờ bến.

Khắc khoải chờ đêm qua, cháy lòng mong bình minh đến

Mà đời người thì ngắn chẳng tày gang.

Nhìn thẳng vào chân lý vĩnh hằng:

Một ngày sống là một ngày đến gần cái chết

Chợt bàng hoàng hối tiếc: tháng năm qua ta sống chửa hết mình.

Cái nâng tầm ta lên là lòng vị tha, bao dung, nhân hậu

Cái biến ta thành kẻ thấp hèn là tính đố kỵ, hẹp hòi, thù hận.


       Dẫu có buồn, có giận

       Vẫn mong ngày Đại hội Văn Nhân.

 

Thành Nam 12 – 2005

 

 

                ĐÊM YÊN DŨNG

 

Trên trời cao

một ngôi sao

nhấp nháy

       như
              ánh mắt

người yêu ta

thuở ấy

hẹn chờ nhau

xao xuyến

buổi ban đầu.

 

Đồi bạch đàn

Gió lao xao trong lá

ái êm niềm tâm sự ngàn xưa.

Đất cựa mình bồi hồi nhịp thở

Ấm hơi người luống bắp, bãi dưa.

 

              Gió tạm biệt đồi cây

              Lá theo ngừng tâm sự.

              Đất say nồng giấc ngủ từ lâu.

              Trên trời cao

              giọt sao

              không ngủ.

              Vẫn nhấp nháy

              nhìn
              vẫn đợi chờ

              chung thủy.

 

                           Yên Dũng 1968

 

 

VÔ ĐỀ


       Nửa đêm thức giấc ngỡ mình mơ

       Một khoảng trời vuông đẹp sững sờ

       Dát bạc không gian vầng nguyệt tỏ

       Lung linh nền sẫm giọt tinh mờ

       Thiên nhiên cảnh sắc nên tranh vẽ

       Cuộc sống muôn màu tựa ý thơ

       Lúng liếng hằng nga trong đáy chén

       Rượu tình chửa uống đã lơ ngơ.

 

 

CỦA HỒI MÔN

Tặng con gái yêu Trần Thị Thanh

 

       Con đi lấy chồng

       không kiệu xe

       đón rước.

       Cha chẳng có gì

       cho con

       làm của hồi môn.

       Gia tài lính cựu –

       Chiếc ba lô

       sờn tua kỷ niệm

       Cha
       Chỉ có

       tình yêu

       trời biển

       cho con!

 

Thành Nam, ngày con đi lấy chồng

 

 

       THẮP SÁNG ĐƯỜNG TU

 

Gửi lại cà sa khoác chiến bào

Đường tu vận nước buổi binh đao

Theo đoàn vệ quốc đi trừ giặc

Chẳng sợ gian lao đổ máu đào

 

       Chuông giục cờ bay lễ xuất quân

Tăng ni Phật tử khắp xa gần

Bụi trần đã dũ còn vương vấn

Bởi trái tim hồng đất Vạn Xuân

 

Trận đánh vừa qua lại nhớ chùa

Nhớ ngày xuống tóc mở đường tu

Thôi đành bỏ dở trang kinh Phật

Đi trả thù nhà dựng chiến khu

 

Chín năm chinh chiến đã đi qua

Người dở việc quân, kẻ lại nhà

Người mãi ra đi trong chiến trận

Người về cửa Phật niệm di đà

 

Chuyện nơi cửa Phật đất quê tôi

Hai bảy nhà sư trọng nghĩa đời

Cởi áo cà sa đi cứu nước

Ngàn năm danh pháp nét son tươi.

......................

Tháng 2 – 1947 tại chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã diễn ra lễ xuất quân tiễn 27 nhà sư đi bộ đội chống Pháp, hưởng ứng "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

 

BÊN TƯỢNG ĐÀI TRẦN HƯNG ĐẠO

 

       Sau bảy trăm năm con gặp người

Thiên Trường phủ cũ nắng hồng tươi

Âm vang con sóng dìm quân giặc

Dáng đứng hiên ngang ấm đất trời.

 

 

              BIA VĂN MIẾU

 

Hàng cây đá mọc sáu trăm năm

Bóng mát say lòng khách đến thăm

Non nước tự hào khu thắng tích

Năm châu ngưỡng mộ điểm kỳ quan

Tuổi tên trăm họ lưu trên đá

Tài trí bao đời vọng thế gian

Nét đẹp ngàn năm ngời sáng mãi

Mặc cho thế cuộc mấy thăng trầm

 

  

         MỐI TÌNH NAM – THÁI


Đất Thái Bình quê hương năm tấn

Lúa óng vàng ngậm nắng ban mai.

Nam Hà mặn tình người với biển

Những cánh buồm thấp thoáng xa khơi.

 

Gái Thái Bình giòn xinh duyên dáng

Vững tay cày - tay súng, đảm đang.

Trai Nam Hà - cá kình vượt sóng

Đậm tình người, dũng cảm vô song.

 

Dòng sông Hồng phù sa thơm mát,

Tưới đôi bờ xanh mướt ngàn dâu.

Phà Tân Đệ sớm chiều xuôi ngược

Là nhịp cầu Nam - Thái tìm nhau.

 

                           Hè 1969

 

                THANH

 

Từ ngày Tân Đệ có cầu

Thênh thênh xe lướt, nao nao nhớ phà

Bồng bềnh qua lại đôi bờ

Gieo vào nỗi nhớ, câu thơ trĩu tình.

 

                       2001

 

 

          ĐẤT TRẦN VÀO XUÂN

 

Đò Quan nối nhịp bờ thương

Đền thiêng chuông điểm ngát hương thỉnh cầu

Nghiêng mình tưởng nhớ xa sâu

Bảy trăm năm vẫn tươi màu vàng son

Lời xưa khí phách sóng cồn

Đâu đây tướng sĩ hồn còn âm vang

Dòng sông cũng nổi sóng tràn

Cuốn trôi quân giặc muôn ngàn đời qua

Thiên Trường phủ cũ thăng hoa

Lụa vàng khai ấn gần xa hội mừng

       Khí thiêng dân tộc anh hùng

Đi vào trang sử lẫy lừng chiến công

       Đời vui xây đắp non sông

Dân giàu nước mạnh Lạc Hồng ngàn xuân.

 

 

                  ĐÔI TA

 

Đôi ta như sáng mai lành

Gương sông ôm trọn trời xanh vào lòng

       Tình em như thể nước trong

Hồn anh - trời biếc đắm dòng sông em.

 

 

                   EM VỀ

 

Em về để lại hoàng hôn,

Chén sầu không rửa, ấm buồn không lau,

       Bút buồn viết chẳng nên câu,

Sách không đọc, báo dầu dầu không xem,

       Phòng văn còn thoảng hương em

Anh như gái chửa quên thèm của chua.

 

 

TRAI GIÀ

 

Nhằm ngày mồng Tám tháng ba

Chị em bao hết trai già trai non

       Trai già nhấp chén rượu ngon

Tưng bừng dậm dật như còn... trai tơ

       Chị em ngẩn ngẩn ngơ ngơ

Hỏi... cái vật vờ còn... vật được chăng?

 

 

             KHẨU TRANG

 

       Khẩu trang của vợ mua cho

Không đeo vợ giận, đeo lo người cười.

       Người cười... Cười chán thì thôi,

Nhỡ khi vợ giận đứng ngồi... với ai?

 

 

              THẢ THƠ

             (Nhại ca dao)

 

              Buồn tình thổi bóng thả thơ

Xanh xanh đỏ đỏ vật vờ bay cao

              Ngọc Hoàng truyền bác Nam Tào

Hỏi xem hạ giới thằng nào thả thơ?

 

 

                     CÔ ĐƠN

 

Quanh mình đầy ắp tiếng cười

Tôi cô đơn giữa những người tôi yêu.

 

 

       HẠNH PHÚC

 

Một đời mê mải kiếm tìm

Hay đâu hạnh phúc lặng im bên mình.

 

      

NGU NGƠ

 

Nửa đời đuổi bóng bắt hình

Tóc sương chợt ngộ ra mình ngu ngơ.

 

 

     TẾT NHÂM THÌN 2012 TẠI GIA

 

Đào phai nở một trời sao

Búp xanh xòe ngón vẫy chào mùa xuân

       Cúc vàng vàng rực trước sân

Líu lô bầy cháu hát vần yêu thương

 

       Bao người nằm lại chiến trường

Bốn mươi cái tết tha hương chưa về

 

            

THẤY TẾT Ở NHÀ QUAN

 

Trong nhà rượu thịt ê hề

Đô la như nước chảy về đầy rương

       Ngoài kia gió lạnh thấu xương

Bao người khốn khó trên đường mưu sinh.

 

 

THƯỞNG QUỲNH

 

Cây nhà chẳng chịu đơm hoa

Thì sang hàng xóm lân la thưởng quỳnh

Nhị vàng cánh trắng mỏng manh

Làn hương dìu dịu trong lành trời khuya

Dùng dằng anh chẳng muốn về

Hương quỳnh níu lại lòng mê mẩn lòng

 

 

                     PHÒNG VĂN

 

Phòng văn bé tẹo tèo teo

Nêm đầy sách báo, tranh treo trên tường

         Một dàn vi tính ẩm ương

  Đáng thành phế thải nên thường ốm o

         Làm văn như kéo xe bò

  Thương dàn vi tính mổ cò cả đêm...

 

 

                     KHAI HỘI

 

Tưng bừng khai hội ngày xuân

Cắt băng quan khách ra quân ào ào

Phong bì cùng với phong bao

Mỏng dày tùy chức chui vào túi quan

 

 

       TẾ EM DÂU

 

Trời Nam Định mây đen u ám

Đất Xuân Trung gió lặng nghẹn lời

Tin như tiếng sét rụng rời

Thím Vân thôi đã về nơi suối vàng

 

Mới hôm qua thím còn phấn khởi

“Bác cả ơi em khỏe thật rồi”

Ai ngờ căn bệnh chết người

Thím đi đột ngột không lời giối giăng

              ***

 Nhớ thím xưa Xuân Phương quê gốc

Bốn chị em thím út trong nhà

Tính tình mộc mạc hiền hòa

Lấy em anh, thím chính là em dâu

 

Tấm lòng thím tình sâu nghĩa nặng

Thay anh em phụng dưỡng mẹ cha

Chồng đi công tác xa nhà

Ba con nuôi dạy cả ba nên người

 

Nhớ thím xưa một đời lam lũ

Nào quản chi chân lấm tay bùn

Miếng ngon dành để phần con

Ở ăn giản dị sớm hôm tảo tần

 

….……….. (Cát bỏ một khổ)

 

Bảy cháu nội gái ba* trai bốn

Bà bao năm chăm bẵm nâng niu

Ông bà chung một suất hưu

Lương còm chẳng dám ăn tiêu riêng mình

 

Chồng tai nạn gẫy chân nằm viện

Thím ngày đêm chăm sóc không rời

Tao khang tình nghĩa để đời

Càng khi khốn khó càng ngời tấm gương

 

Tưởng đã qua thời gian bĩ cực

Đến cành hòe cho lộc cho hoa

Ai ngờ thím vội bỏ nhà

Hưởng dương sáu sáu thím xa cõi trần

              ***

 Nhìn lần cuối thím nằm yên nghỉ

Miệng như còn he hé nụ cười

Hẳn là thím mãn nguyện rồi

Họ hàng con cháu người người tiếc thương

 

Tiễn biệt thím cầm lòng nhỏ lệ

Thương chú Đằng vò võ nhớ thương

Suối vàng thím có linh thiêng

Phù cho con cháu an khang mạnh giàu.

 

Trước linh sàng cháu con phủ phục

Cùng trưởng nam dâng nước dâng cơm

Đích tôn nâng chén rượu thơm

Hồn về thượng hưởng!

Hoa hương lòng thành.

 

 10 - 3 - 2019 (tức 5 tháng 2 năm Kỷ Hợi 2019)

             Trần Mỹ Giống kính tế

 

 

        VỊNH NHÀ THƠ PHẠM MẠN

 

Tám mươi tuổi lẻ vẫn trẻ trai

Thơ phú tưng bừng có kém ai

Lướt web thu gom kim lẫn cổ

“Càng già càng dẻo lại càng dai”

 

 

CHÚC XUÂN CỤ NGUYỄN VĂN ĐÔNG

 

Tân xuân chúc cụ Nguyễn Văn Đông

  Nhất bách niên dư vạn sự thông

  Con cháu vinh hoa nương bóng cả

  Vần thơ khí phách lại thêm hồng

 

      

   CÀNG THƯƠNG THẰNG ÚT

 

Nhân Rằm tháng Bảy

Con cháu quây quần

Chỉ riêng thằng út

Đường xa phong trần

 

Cha sinh thời loạn

Long đong học hành

Chiến trường bỏ lại

Một thời tuổi xanh

 

Ước mơ đỗ đạt

Gửi hết vào con

Dạy con tử tế

Trung hiếu vẹn tròn

 

Hai mươi năm học

Phấn đấu không ngừng

Con là bảo bối

Cả nhà trông mong

 

Ngỡ bằng Thạc sĩ

Biển trời mênh mông

Gặp thời thổ tả

Cá chậu chim lồng...

 

Con cháu quây quần

Càng thương thằng út.

 

14-8-2016

 

 

 ĐẠI HỘI 8 HỘI VHNT NAM ĐỊNH NGÂM KHÚC

 

               KHÚC DẠO ĐẦU

 

Trời thành Nam gió mưa ảm đạm

Hội Văn Nhân vào trận khôn lường

 Văn đàn như bãi chiến trường

Đơn thư khiếu tố bốn phương bay về

 

Chủ tịch hội hề hề phét lác

Tôi đã làm bao việc vẻ vang

Nhiệm kỳ thành tích huy hoàng

Tổng biên tập gục giữa đàng phải thay

 

Kìa giải thưởng thơ hay bị loại

Nhận giải cao sách lại phạm quy

Uy danh giám khảo còn gì

Tỉnh ra quyết định hủy đi giải này

 

Khi nhận chức quan thày hứa hẹn

Dẹp cửa hàng, dẹp bọn nhố nhăng

Cả kỳ toàn thấy hung hăng

Cuối kỳ vẫn chỉ lăng xăng khoe tài

 

Vũ Xuân Dương nhường ai, nhận phó (1)

Lại bị vô hiệu hóa như thừa

Nhẫn nhường chẳng thiết ăn thua

Văn Nhân khởi sắc mà đua với đời

 

Lại Ngọc Mạnh(2) một thời áo lính

Kiểm tra viên thẳng tính hiếm thay

Tham ô móc ngoặc bấy nay

Đơn thương độc mã phơi bày lũ gian

 

Tỉnh chỉ thị tiến hành đại hội

Quá một năm đành vội làm ngay  

Giấy mời gửi trước bốn ngày

Lỡ đò khối cụ phen này hỏng ăn

 

Trước đại hội lăn tăn chẳng biết

Ai sẽ làm chủ tịch mới đây           

Hai phe ba cánh trận bày

Phe kia quyền lực, phe này lòng dân

 

Lại có kẻ tuyên truyền trơ trẽn

Mua phiếu bầu hứa hẹn lợi quyền

Ai ngờ lời nói huyên thuyên

Khối ông hám lợi tin liền mới nguy

 

Lại có người mồm tuy ủng hộ

Bụng lại mong mi đổ cho rồi

Có người chẳng nói một lời

Để xem sân khấu các ngươi diễn trò

 

Thật nan giải chín cô mười ý

Ai cầm cờ chủ súy tương lai

Thôi thì chờ tới ngày mai

Chấp hành sáng suốt chọn người xứng danh

 

ĐẠI HỘI TRÙ BỊ: VÀO TRẬN KHẨU CHIẾN

 

Trên sân khấu Đào Quang đạo diễn

Dưới hội trường khẩu chiến hội viên

Một bên nộ khí xung thiên

Một bên nho nhã trận tiền dấn thân

 

Nguyễn Văn Bổng tiên phong phát hỏa

Giọng diễn văn nho nhã dịu dàng

Lạt mềm trói chặt Đào Quang

Làm cho nhiều vị bàng hoàng khó tin

 

“Tý sân khấu” (3)gào lên cản phá

Văn hóa lùn thẹn quá Tý ơi

Giỏi thì phản biện cho coi

Muốn toàn nhân cách thì ngồi mà nghe

 

Lại Ngọc Mạnh chẳng hề run sợ

Nêu rõ ràng kết quả kiểm tra

Vạch trần chước quỷ trò ma.

Đào Quang phủ nhận thông qua Chấp hành

 

“Đê sân khấu” (4) diễn quân chợ búa

Gào thét như trâu chó bị thương

Nơi này đại hội văn chương

Lẽ nào còn có cả phường du côn?

 

Phạm Khải Hoàn muốn yên chẳng được

Bước đường cùng phải buộc tung ra

Rất nhiều bằng chứng yêu ma

Đào Quang chủ tịch trơ ra mặt trần

 

Bên quyền lực nhiều quân bảo vệ

Lại tự tin có kẻ chống lưng

Độc quyền chỉ đạo lung tung

Bao nhiêu ngớ ngẩn đều trưng ra ngoài

 

Kìa cái tít ghi sai tổ chức (5)

Nọ giấy mời mới nực cười thay (6)

 Đảng viên ứng cử chặn ngay!

Giang Phong (7) cao phiếu bị bay ra ngoài

 

Trần Quang Vinh vốn người hiền dịu

Cũng bực mình chẳng chịu ngồi yên

Chỉ ra cái tội khi quân (8)

Mười lăm chọn lấy mười lăm… chọn gì?

 

Kìa cụ Trịnh(9) quyền uy một thuở

Giữa diễn đàn chỉ rõ dở hay

 Việc làm phạm luật dừng ngay

Coi thường văn sĩ có ngày ô danh

 

Trận khẩu chiến cũng đành gác lại

Để cùng vào đại hội ngày mai

Trước bao quan khách tỉnh ngoài

“Xin đừng vạch áo cho người xem lưng”

 

       ĐẠI HỘI CHÍNH THỨC

 

Bài tổng kết tưng bừng thành tích

Diễn lại hay như kịch như chèo

Người nghe sốt ruột ồn ào

Say sưa ngủ miết bác nào vậy ta?

 

Dăm tham luận duyệt qua từ trước

Đọc lên nghe như nước chân cầu

Quan trên úy lạo hồi lâu

Quan nhà đáp lễ đôi câu xáo mòn

 

Gần đến bữa khách chuồn đâu cả

Hội viên nhà thì chả quan tâm

       Cùng nhau vào trận âm thầm

Đạn bom dồn hết vào trong phiếu bầu.

 

Mười ba vị lượt đầu trúng cử

Đại hội reo thôi cứ thế thôi

       Ào ào phân tán khắp nơi

Chờ ban lãnh đạo chọn người chỉ huy

 

Không chính thức tin đi khắp ngả

Ban chấp hành ngã giá đã xong

Chức danh chánh phó hai ông

      Công Thành cùng với Xuân Dương cầm cờ

 

Trời Nam Định gió mưa vừa tạnh

Đêm qua rồi đón ánh bình minh

Mới hay trời chẳng vô tình

Nhân nào quả ấy xin mình nhớ cho.

 

2016

…………………

Chú thích:

       (1) Họa sĩ Vũ Xuân Dương trúng BCH Hội VHNT Nam Định khóa 7 với số phiếu cao nhất, nhưng lại nhường cho Đào Quang trúng phiếu thấp nhất làm chủ tịch, còn mình tình nguyện làm phó chủ tịch.

       (2) Nhà văn Lại Ngọc Mạnh là Uỷ viên Ban kiểm tra Hội VHNT Nam Đinh, đã phát hiện nhiều sai phạm trong chi tiêu tài chính của lãnh đạo hội. Bị tập thể BCH cô lập, Lại Ngọc Mạnh vẫn một mình chiến đấu kiên cường, không thỏa hiệp với tiêu cực.

       (3) “Tý sân khấu”: Hội viên bộ môn sân khấu tên là Tý…

       (4) “Đê sân khấu”: Hội viên bộ môn sân khấu tên là Đê…

       (5) Phông đại hội ghi hàng chữ “Ủy ban nhân tỉnh Nam Định - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định - Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định…”  thành ra hội VHNT Nam Định trở thành một phòng ban trực thuộc UBND tỉnh Nam Định là hoàn toàn sai.

       (6) Giấy mời đại hội có ghi chú: Đảng viên muốn ứng cử vào BCH phải được Đảng ủy cơ sở cho phép.

       (7) Nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch Nguyễn Giang Phong có số phiếu tín nhiệm cao nhất nhưng lại không được đưa vào danh sách đề cử bầu BCH.

       (8) Nhà nghiên cứu Trần Quang Vinh chỉ rõ Ban tổ chức đại hội lập danh sách 15 người được đề cử để đại hội bầu lấy 15 người là sai với quy định của Bộ chính trị - khi quân…

(9) Cụ Trịnh: Tức NSƯT đạo diễn Trịnh Quang Khanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, nguyên tỉnh ủy viên, nguyên chủ tịch hội VHNT Nam Định.

 

 

SỰ HỌC NGÀY NAY MẠT MẤT RỒI

       Nhân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quy chế quản lý sinh viên Sư phạm có quy định: Nữ sinh bán dâm lần thứ tư thì bị đuổi học

 

Sự học ngày nay mạt mất rồi

Phần đầu chẳng quản, quản phần đuôi

Ba lần bán sỗn còn châm chước

Bốn bận mua dâm đuổi học thôi

Hĩm chị sinh viên gò chế định

Mồm ông Bộ Trưởng phả mùi hôi

Đầu ngành Bộ Dục ngô nghê thế

Sự học ngày nay mạt mất rồi.

 

30-10-2018

 

NGHE TIN BẠN BỊ UNG THƯ

 Thân quý trọng gửi Nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa

 

              Nghe tin bạn bị ung thư

Giật mình hụt hẫng tưởng như sập giời

              Tri âm đâu được mấy hồi

Niết Bàn sao nỡ định đòi đón lên?

              Biết là sống gửi nào quên

Mà lòng tha thiết với duyên cõi trần

              Ông, tôi mới thất bát tuần

Còn hai ba chục cái xuân ở đời

              Sống chung với bệnh ta cười

Kiên gan bền chí như thời chiến binh

              Mặc cho số kiếp xoay vần

Yêu xuân quyết giữ lấy xuân đến cùng!

 

               8h ngày 1-5-2020

 

 

           TÔI YÊU

 Yêu quý tặng các trò Thư viện khóa 5 Trường VHNT Nam Định (2002 – 2005)

 

Có người hỏi:

Sao thầy lại yêu trò đến thế

Mà lại yêu trò gái nhiều hơn?

Tôi ngỡ ngàng và tự hỏi mình

Có phải lớp không có trò nam

Nên tình yêu tôi dồn cả vào trò nữ?

 Hai mươi tám thiếu nữ

Hai mươi tám bông hoa

Mỗi người mỗi vẻ

Hợp lại thành vườn hoa đa sắc hương

Tình thầy trò, tình bạn yêu thương

Cách thể hiện mỗi người mỗi khác

Em thầm kín dấu tình yêu trong mắt

Em sôi nổi nhiệt thành:

Em yêu thầy như yêu bố của em!

Còn tôi yêu các em

Là yêu tuổi trẻ của chính mình…

 Có các trò mới có các thầy

Bao tâm huyết tôi dồn lên bài giảng

Những điểm giỏi các trò đạt được

Đem hạnh phúc cho thầy và làm đẹp thầy hơn

 Với các trò

Thầy là tương lai các em hướng tới

Nên hoàn thiện mình tôi chẳng phút nghỉ ngơi

Còn với thầy

Các em là quá khứ tôi hoài niệm khôn nguôi

Nhựa sống trẻ hóa hồn tôi trẻ mãi

 

Tôi muốn nói một lời giản dị

Tôi yêu!

                     5- 2005

 

 

BUỒN NHỚ QUÊ

 

Chiều chiều ra ngẩn vào ngơ

Bâng khuâng phong cảnh hững hờ bâng khuâng

Đèo cao leo dốc gót mòn

Chồn chân đá dựng bên sườn chồn chân

Hắt hiu xao xác tần ngần

Rơi rơi cánh lá bạch đàn rơi rơi

Mắt tù sau những thành đồi

Con con chỉ thấy mảnh trời con con

Giữa trưa nắng đổ sườn non

Cô đơn ta với bóng tròn cô đơn

Nhớ quê bào xé ruột gan…

 

 

HẸN NHAU ĐI HỘI THI THƯỜNG

 

Hẹn nhau lên hội Thi Thường*

Đau lưng nằm bẹp trên giường ngẩn ngơ

Thôi đành mở méc-sen-gơ

Ngỡ cùng các cụ hàng giờ vui ca

………………

* “Hội Karaoke cao tuổi Thi Thường” do cụ Trần Thi làm hội trưởng. Nhiều năm hội sinh hoạt tại nhà cụ Trần Thi ở khu tập thể ga Nam Định. Nay cụ chuyển nhà lên Phủ Lý (Hà Nam)… Cánh già hẹn nhau lên thăm cụ Thi, nhưng mình bệnh không đi được.

 

 

       RA NGÓ VÀO TRÔNG

Kính tặng các cụ CLB karaoke Thi Thường

 

       “Ngày ngày ra ngó vào trông

Bạn, không thấy bạn – tình, không thấy tình”

       “Yêu nhau đổ quán nghiêng đình”

Vì con cô vít làm mình cách xa

       Mượn câu quan họ dân ca

Gửi ngàn thương nhớ thiết tha với tình…

 

                                   6-6-2021

 

 

          CÂY ĐỜI VẪN XANH

(Mừng cậu Trần Hùng Thắng tuổi 80)

 

       Mét tám cậu vượt qua xà

Hội thao ghi dấu Bách Khoa một thời

       Tay đua có hạng đường bơi

Năm nghìn mét bướm dạo chơi sông Đào

       Bạn bè cảm phục tự hào

Con người toàn diện dồi dào sức xuân

       Bao năm khuya sớm chuyên cần

Từ trong gian khó lập thân trưởng thành

       Công trình tuyến ống tung hoành

Hạ Long, Yên Lập, Quang Hanh, Ngọc Hồi

       Bàn chân lưu dấu ngược xuôi

Hà thành nâng bước con người toàn năng

       Hồn thơ lấp lánh trăng rằm

Câu soi đáy nước, câu giăng sắc mầu

       Đò xuôi lỡ bước nhịp cầu

Đào hoa phận bạc vận sâu vào mình

       Cậu cháu vốn sớm nặng tình

Buồn vui soi tỏ bình minh chiều tà

       Trà Trung đất Lũ quê nhà

Xênh sang áo đỏ món quà tám mươi

       Nghẹn ngào khoảnh khắc buồn vui

Chẳng ham bóng cả cây đời vẫn xanh

 

                                    Xuân 2022

 

 

CẢM XÚC KHI NGHE TIN MỘT ĐỒNG ĐỘI RA ĐI

 

       Lại tin buồn một đồng đội ra đi. Lòng trĩu nặng những buồn thương nhớ bạn. Ký ức đã nhạt nhòa theo năm tháng, nay trở về xao động trong tôi.

       Lũ chúng mình mười tám đôi mươi, gác bút nghiên lên đường cứu nước. Bỏ lại người yêu, gia đình, trường học. Hát vang bài Giải phóng miền Nam…

       Thằng Hảo trường đại học ngoại thương, thằng Thủy trường Kinh tế quốc dân, thằng Ứng trường Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam. Đủ, Thị và tao khoa Thư viện xuất thân. Anh Ổn giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Thằng Cầm từ đại học Tổng hợp văn… Và bao nhiêu thằng nữa tao chẳng thể nhớ tên, tập hợp lại dưới cái tên đơn vị. Các Tiểu đoàn 17, 18, 19, 20 sinh viên, trong trung đoàn 101 của sư đoàn 325B ngày đó, giờ nhắc lại lòng vẫn thấy tự hào.

       Mới tập chưa thạo đội hình, đi chưa đều một hai hai mốt, vừa qua bắn đạn thật bài bắn đêm đã lên đường ra trận.

       Lũ chúng mình nhiều thằng thư sinh sức trói gà không chặt, mang trên lưng nặng trĩu gánh giang sơn, xung trận bằng cả trái tim tràn đầy nhiệt huyết.

       Vượt Bến Hải, qua Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Ái Tử, Chi Bưu… Tuyến phòng thủ Thạch Hãn bao thằng bỏ mình trên chốt. Bảo vệ cổ thành bao đồng đội xả thân nằm lại không về… Cối xay thịt chẳng phân biệt lính cộng hòa miền Nam hay cộng quân miền Bắc. Giá thống nhất non sông đắt đến vô cùng.

       Nhớ thằng Hiền nặng tám mươi cân, tính nhút nhát hiền lành như con gái, bị thương thủng đùi vẫn quyết một mình chặn địch cho đơn vị rút lui bảo toàn lực lượng. Mười ngày sau cánh mình chiếm lại chốt, thằng Hiền nổ súng từ trong lòng địch đánh ra. Đồng đội bế nó lên nhẹ như bế đứa trẻ ba bốn chục cân. Nó thì cười mà anh em lại khóc.

       Thằng Hảo nói tiếng Anh như gió, được điều đi phiên dịch cho cấp trên, phái đoàn đàm phán bốn bên, đã bỏ mình trên trực thăng khi đi làm nhiệm vụ.

       Thằng Ứng hay hát bài Anh chiến sĩ Việt Lào, đi chiến dịch Hồ Chí Minh, đạn mù mắt, còn dùng máu vẽ chân dung Hồ Chủ tịch.

       Thằng Cầm hay đọc thơ với giọng sang sảng đầy nhiệt huyết trước toàn đơn vị, như Maiacopxki đọc thơ trước hồng quân bảo vệ Matxcova…

        Năm tháng qua đi, tao thành lão già quên quên nhớ nhớ, không thể nào nhớ hết tên đồng đội năm xưa. Chỉ số ít thằng Cầm, thằng Ứng… đã thành người của công chúng, mới được người đời biết mặt nhớ tên. Còn vô số những thằng như tao, về làm phó thường dân, lo mưu sinh chạy ăn vàng mắt, dám mong ai nhòm đến cảm thông. Dù thế nào chúng mình vẫn giữ vững nhân cách anh bộ đội cụ Hồ sống cuộc đời thanh bạch.

       Nghe tin buồn lại một thằng sống sót qua mùa hè đỏ lửa 1972 Quảng Trị ra đi, tao bùi ngùi thương xót. Nhưng thôi, số rất ít cánh mình sống sót trở về, còn may mắn gấp trăm lần số đông nằm lại… Thọ bảy chục giờ đâu còn là xưa nay hiếm, nhưng cũng cảm ơn trời.

       Vĩnh biệt người cựu chiến binh giữ mình đẹp mãi trong lòng người ở lại. Vĩnh biệt mày, Cầm ơi!

 

 20-4-2021

………………..

       - Cầm: Hoàng Nhuận Cầm, người đóng vai Bác sĩ Hoa Súng trên VTV3.

       - Ứng: Lê Duy Ứng, họa sĩ.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét