(Lời bình trích tập "Phạm Ngọc Thái * Phê bình và tiểu luận thi ca", Nxb Văn hóa Thông in 2013)
Thi nhân Hàn Mặc Tử
ĐÂY THÔN VỸ DẠ
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hàn Mặc Tử
Bài
thơ được mở đầu với lời trách móc của người con gái. Lời trách ấy có lẽ do một
hoàn cảnh gặp gỡ nào trước đó được thi nhân nhớ lại:
Sao anh không về chơi thôn
Vỹ?
Câu mở đầu như thế giúp cho
ý tưởng kiến thiết bài thơ thôn Vỹ gắn với nỗi nhớ người xưa, được gợi lên
trong kỷ niệm:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới
lên
Vườn ai mướt quá xanh như
ngọc
Nghĩa là, từ hàng cau đến
cái nắng mới vào buổi sáng ấy... màu xanh của vườn cây đều là cảnh hiện lên
trong hồi tưởng. Thôn Vỹ nói riêng cũng như mỗi làng quê Việt Nam nói chung:
Hình ảnh hàng cau thường đọng lại những ấn tượng sâu sắc, nhất là với những người
khi đã xa quê. Ta cũng thấy ở trong thơ Nguyễn Bính từng viết:
Nhà tôi có một hàng cau
liên phòng
Hàng cau dưới ánh nắng mới
vào buổi sớm thì trong mát, thanh thiên lắm! Cảnh quê cô đọng được hoà quyện
vào mối tình đầu trong sáng, mơ mộng của thi nhân. Dù mối tình với nàng Hoàng
Cúc chỉ đơn phương về phía Hàn Mặc Tử. Tình cảm sâu lắng đã trở thành hoài niệm
mãi trong cõi nhớ của ông, bởi thế màu xanh của lá cây trong vườn cũng lung
linh mà "xanh như ngọc"...
Như vậy cảnh nhớ ở ba câu đầu tuy chỉ là hồi tưởng, nhưng lại xuất
phát từ cảnh có thực. Sở dĩ tôi nhấn mạnh về chữ "thực", vì chỉ đến
câu thứ tư hình ảnh thơ đã có ý nghĩa tượng trưng:
Lá trúc che ngang mặt chữ
điền.
"Lá
trúc" và "chữ điền" thuộc những ngôn từ mỹ học! Hình tượng cây
trúc làm tượng trưng trong thơ HMT, ta còn thấy ở trong bài thơ Mùa Xuân Chín:
Thầm thĩ với ai ngồi dưới
trúc
"trúc"
là hình ảnh biểu tượng cho làng quê, còn "mặt chữ điền": theo cách
nói cổ nho của người phương Đông, là ví cho gương mặt nam nhi. Trong bài thơ
này, gương mặt chữ điền ấy để biểu tượng cho chính bản thân thi nhân. Hai chữ "che ngang" kia - Nghĩa là
thôn Vỹ với nhà thơ giờ đây chỉ còn ở trong kỷ niệm, mãi mãi phải cách xa...
nên đã bị "cắt ngang".
Ngay bốn câu của khổ thơ đầu, ta đã nhận thấy cấu trúc và tư duy
thơ HMT đều được thiết lập theo trình tự suy lý... về nỗi cảnh mà lập thành tứ.
Sau đó phát triển sâu hơn ở khổ thơ thứ hai, khi nói đến tình duyên dang dở giữa
hai người:
Nàng Hoàng Thị Kim Cúc
Gió theo lối gió, mây đường
mây...
Ý là:
Em theo đường em, anh đường
anh
Duyên phận đôi ta có thế
thôi!
Tả cảnh nhưng chính để nói nỗi đời:
*
Dòng nước buồn thiu (tĩnh), hoa bắp lay (động)...
Cái (tĩnh) và (động) ấy chỉ để bộc lộ một cõi lòng, tâm trạng cô đơn
và buồn. Thi nhân ngồi nhớ người xưa, lòng ông lặng lờ buồn bã như dòng nước hắt
hiu, nhưng trái tim vẫn bổi hổi, xôn xao như làn "hoa bắp lay"...
Thuyền ai đậu bến sông
trăng đó
Có chở trăng về kịp tối
nay?
Đây là hai câu thơ thần cảm.
Hình ảnh thuyền và sông trăng theo cảm xúc ùa vào trong thơ mà bật ra làm cho
tình thơ thêm rộng rãi, rung rinh, nỗi thơ càng mênh mang, da diết.
Xin nói thêm, cảnh thuyền và sông trăng ở đây theo như một số nhà
bình luận: Người thì cho đó là cảnh trong một bức ảnh về Huế mà nàng Hoàng Cúc
đã gửi tặng thi nhân khi đang lâm bệnh phải điều trị ở Gành Ráng, Qui Nhơn.
Nhưng cũng có người lại nói rằng nàng Hoàng Cúc đã gửi tặng thi nhân tấm ảnh mặc
áo dài trắng? Chứ không phải là phiến cảnh "thuyền" và "sông
trăng" đó.
Nếu vậy thì cảnh trong thơ chỉ là cảnh mà thi nhân nhớ lại nơi thôn
Vỹ chăng? Cũng chưa thật ngã ngũ về hướng nào...
Tóm lại cảnh của hai khổ thơ đầu ấy là cảnh thuộc về trí tưởng, dù
vào buổi sớm dưới hàng cau hay trong một đêm trăng trên sông nước. Trong bài
bình của nhà bình thơ Vũ Quần Phương, đến đây có nhận xét rằng:
"Bốn câu đoạn hai không có liên hệ gì về chi tiết với đoạn một...
thoáng nhìn bài thơ có vẻ đầu Ngô mình Sở...", (hay là) "Những ý thơ
rất xa nhau về ý nghĩa hoá ra lại vẫn có chỗ liền nhau...".
Nhà bình thơ cho rằng: "chỗ liền nhau ấy trong thơ HMT chỉ là
nhờ vào tâm trạng xúc cảm"...
Theo tôi, HMT là một thi nhân viết thơ bằng
nội tâm theo tư duy thế giới trong, xúc cảm chỉ làm đà cho mạch thơ, hơi thơ
tuôn chảy... còn ý tứ thường được diễn tả rất mạch lạc, rõ ràng. Mượn cảnh làm
biểu tượng để diễn đạt nỗi tình thơ. Đoạn thơ thứ hai ấy cần phải hiểu sâu sắc
bằng thế giới bên trong như đã bình trên, mới thấy cảm xúc về ý tứ của bài thơ
Đây Thôn Vỹ Dạ hoàn toàn liên kết chặt chẽ với nhau, từ đoạn thơ đầu tiên cho đến
đoạn cuối cùng. Đấy chính là cốt lõi để
tạo ra thi phẩm vô giá của ông. Đây Thôn Vỹ Dạ là một tuyệt tác thi ca! Nếu cho
rằng đoạn thơ thứ hai chỉ là để tả cảnh buồn mênh mang... thì sẽ không thấy hết
được cái hay và sâu sắc của bài thơ.
Tôi xin bình sang khổ thứ ba:
Mơ khách đường xa, khách
đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm
đà?
Như đã nói mối tình giữa HMT với nàng Hoàng Cúc chỉ là một mối
tình đơn phương về phía thi nhân. Có thể nàng không hay biết về tình yêu của
chàng? Hơn nữa trong lễ giáo phong kiến thời ấy, giữa gia đình thi nhân với gia
đình nàng còn có một khoảng cách về đẳng cấp xã hội. Hoàng Cúc thuộc gia đình một
quan lại, còn HMT là gia đình lớp bình dân. Ông vốn tính lại rụt rè... Yêu tha
thiết mà chỉ dám đứng từ xa chiêm ngưỡng người đẹp như trong mộng, rồi thương
thầm, nhớ trộm. Thi nhân đã dồn hết tình yêu của mình vào thơ ca. Sáng tác cả một
tập "gái quê" để tặng nàng.
Giờ đây thì cả cái mối tình đơn phương ấy cũng đang trôi vào dĩ
vãng. Thi nhân lâm bệnh nặng phải sống cách ly. Sự ngăn trở giữa hai người càng
xa hơn. Nên trong bài thơ nói về người yêu mà thi nhân lại dùng chữ
"khách" là vì thế! Ông mơ về nàng dẫu tình thì sâu nặng mà vẫn như mơ
về một người khách lạ...
Hình ảnh: Áo em trắng quá.../ - Hẳn là màu áo trắng của Hoàng
Cúc thường mặc phải gây ấn tượng trong trí nhớ của HMT hơn các màu áo
khác !? Nhưng màu áo trắng ở đây còn là ảnh
ảo, khi thi nhân mơ tưởng người đẹp ở trong trăng... Màu trăng ấy thường hay thấy trong thơ HMT:
Người trăng ăn vận toàn trăng cả...
Còn tại sao "áo em trắng quá" mà lại "nhìn không
ra"? Ý là mối tình ấy đã cách biệt, giờ đây khoảng cách giữa hai người xa
vời như người khách lạ qua đường. Còn cảnh tượng:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Đó vừa là cảnh thực của
nơi ông đang sống và chữa bệnh hiu quạnh, khói sương, heo hút ở Gành Ráng, Qui
Nhơn. Nhưng đồng thời cũng để nói lên trong cảnh ngộ của Người về thân phận
"mịt mờ nhân ảnh". Tâm trạng Ông đang rơi vào trong vực thẳm trước sự
quên lãng của người đời, lòng càng da diết
mà hỏi:
Ai biết tình ai có đậm đà?
Tiếng "ai" bộc lộ một tâm trạng vẫn rất tha thiết của ông: Liệu nàng còn nhớ đến ta chăng? Cái tâm trạng
xa xót ai oán ấy, ông cũng đã từng bộc lộ nhiều lần khác:
Một mai kia ở bên khe nước
ngọc
Với sao sương, anh nằm chết
như trăng
Không tìm thấy nàng tiên
mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết
thương tâm!
Đây Thôn Vỹ Dạ là một bài thơ được dệt thành một bức tranh trong mộng, không gian đa
sắc, đa chiều đan xen giữa hiện tại và kí ức. Ý, tình khúc triết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút
trong tập "thơ điên", nhưng nó
không những không phải là thơ điên... mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa
chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!
(Trích tập "Phạm Ngọc Thái - Phê
bình & tiểu luận thi ca", Nxb Văn hóa
Thông tin 2013)
PHẠM NGỌC THÁI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét