Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

CHIA SẺ CÙNG HỌC GIẢ, GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN KHẮC THUẦN – VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐẠI HỌC BÌNH DƯƠNG / Thái Quốc Mưu

 


 

       Đôi lời trước khi vào bài:

       Kính gởi: Giáo Sư, Học Giả, Tiến Sĩ Nguyễn Khắc Thuần,

       Thưa ông,

       Thật lòng, sau khi viết về 3 chữ Thần Đạo Bi tôi không muốn viết thêm về những sai lầm của ông trong bộ LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP. Bởi, tôi không muốn ông khó xử. Nhưng, qua THƯ TRAO ĐỔI của ông gởi đến tôi, tôi nghĩ, ngoài tôi có thể ông đã gởi đến nhiều người khác. Nếu tôi không phúc đáp THƯ TRAO ĐỔI của ông, có lẽ những vị đã đọc thư ấy, rất có thể hiểu lầm tôi. Vì vậy, buộc tôi phải CHIA SẺ CÙNG ÔNG QUA BÀI VIẾT NẦY. Xin ông vui lòng cảm thông.

                            Trọng kính

                       Thái Quốc Mưu

***

Ghi chú quan trọng:

       - Bài viết được tham khảo từ Bộ sách “…….” (chưa xuất bản) của Giảng Sư, Học Giả Minh Di, Úc Châu.

       - Đặc biệt, do chỗ thân tình giữa chúng tôi, những trích đoạn trong bài viết nầy, đã được sự cho phép của Giảng Sư, Học Giả Minh Di.

       - Do sách chưa xuất bản. Tuyệt đối cấm không một ai được trích dẫn bài viết nầy.

       - Bất cứ kẻ nào vi phạm, chúng tôi sẽ truy tố trước pháp luật đúng theo Hiệp Ước Quốc Tế Về Vi Phạm Bản Quyền.

                                  ***

       Sau khi bài NHỮNG SAI LẦM CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN KHÁC THUẦN, được phổ biến trên hệ thống truyền thông toàn cầu (Internet). Cụ thể ở các trang Web:

       - Đặng Xuân Xuyến Blogspot. Của văn thi hữu Đặng Xuân Xuyến.

       Link: http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2017/02/su-sai-lam-cua-hoc-gia-nguyen-khac.html

       (Đăng ngày thứ Sáu 24-02-2017).

       - Hai Bờ Giấy.net. Của văn thi hữu Ca Dao.

       Link: http://haibogiay.net/thovan/Thai-Quoc-Muu/Nhung-Sai-Lam-cua-Hai-Hoc-Gia-149/

       (Tôi viết ngày June 2, 2015 và gởi đăng sau đó)

       - Văn Chương Việt.org (tôi không nhớ tên vị chủ biên).

       Link: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=22074

       (Đăng ngày 01 tháng 9 năm 2015)

                                  ***

       Sau khi Học Giả, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần đọc bài SỰ SAI LẦM CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN KHẮC THUẦN (ở đâu đó). Mới đây, tháng 12/2017, Ông đã phản hồi qua mail của tôi.

       Trước khi đi vào bài CHIA SẺ dưới đây. Tôi xin đăng lại nguyên văn, THƯ TRAO ĐỔI của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần. Và, xen kẽ vào đó là lời chia sẻ của tôi gởi đến ông.

                                  ***

       NGUYÊN VĂN THƯ TRAO ĐỔI CỦA GIÁO SƯ, HỌC GIẢ, TIẾN SĨ NGUYỄN KHẮC THUẦN

       Tình cờ khi lên mạng Google xem, tôi đọc được bài phê bình của ông Thái Quốc Mưu về bản dịch trọn bộ LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP (gồm 8 tâp) của tôi do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. Tôi rất vui vì điều ấy cũng có nghĩa hai ông đã đọc sách của tôi dù theo lời chú thích cuối bài viết, hiện nay ông Thái Quốc Mưu đang định cư tại Hoa Kỳ. Tôi nghĩ việc trao đổi hay phê bình là hoạt động rất bình thường và nhờ vậy chúng ta mới tránh bớt được sai sót. Tuy nhiên, tôi tự thấy cũng cần có vài lời trao đổi lại với ông Thái Quốc Mưu.

       Thứ nhất, ông đã rất cẩn thận giới thiệu lý lịch nghề nghiệp của tôi trong bài viết của mình dù điều đó không cần thiết. Vả chăng, ông đã sao chép gần như nguyên văn bản lý lịch này trên mạng Google, nhưng đó lại là bản lý lịch không biết do ai viết, hoàn toàn không đúng với thực tế. Xin nêu một chi tiết nhỏ: tôi chưa bao giờ là bộ đội cũng chưa bao giờ là người của tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng. Nhưng, điều quan trọng nhất là các nhà nghiên cứu làm việc cẩn trọng không ai dễ dãi sử dụng tư liệu trên mạng. Tôi không có ý khẳng định là mạng luôn viết sai, chỉ có một nhận xét nho nhỏ là trên đó chỗ chưa đúng hơi nhiều.

 

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       1. Thưa Gs. ông viết chính xác! Phần lý lịch của ông tôi copy trên Google. Hiện, tôi không nhớ trang nào. Bởi tôi, không thể tìm tiểu sử của ông ở nơi khác. Một vài chi tiết trong tiểu sử ông có chỗ sai lầm nhỏ như ông đã nêu. Tuy nhiên, tôi cũng chân thành xin lỗi ông.

       2. Khi bình luận một nhân vật nào, người viết nên đặt phần tiểu sử của nhân vật ấy trên bài viết. Mục đích, cho độc giả biết nhân vật được phê bình đó là ai? Có xứng đáng để họ viết không? Tôi nghĩ đó là điều cần thiết. Thưa ông!

       Trong bài phỏng vấn của một PV. Của Viện Nghiên Cứu Kỷ Lục:

       PV: Nghe nói trước đây Ông từng có một thời sống trong chiến khu với nhiệm vụ cầm bút phục vụ chiến trường, có phải đó là thời mở đầu quá trình cầm bút của Ông hay không?

       Ông đã trả lời: “Xin nêu một chi tiết nhỏ: tôi chưa bao giờ là bộ đội cũng chưa bao giờ là người của tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng.”

       THÁI QUỐC MƯU: Câu trả lời của Giáo sư đã cho thấy, chính ông đã đọc đâu đó, ông mới biết có người viết về tiêu sử của ông, qua câu trả lời phóng viên: “là bộ đội, là người của tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng”. Thế thì, xin phép ông cho tôi được hỏi: “Ông đã đọc, thấy người ta viết sai về mình. Tại sao ông không yêu cầu họ phải chỉnh lại cho đúng với Tiểu sử của ông? Tôi nghĩ, đó là điều ông nên làm? Khi ông đã đọc, thấy họ viết SAI về ông. Ông không phản ảnh, có nghĩa là ông đã chấp nhận họ viết về ông chính xác. Thưa, đúng không ông?

       NGUYỄN KHẮC THUẦN: “Chiến tranh là vậy, ai cũng phải sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm, miễn thật sự có ích cho sự nghiệp cứu nước. Trên mạng Internet chẳng hiểu ai đó đã viết rằng tôi từng có một thời là người lính, cầm vũ khí xông pha ra trận nhưng tôi chưa bao giờ có được vinh dự lớn lao đó. Tôi chỉ có may mắn được thực hiện nghĩa vụ công dân, làm việc theo sự phân công của xã hội lúc ấy là cầm bút đi phục vụ chiến trường”.

       (http://vienkyluc.com/th%C3%B4ng-tin-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng/206-tr%C3%B2-chuy%E1%BB%87n-v%E1%BB%9Bi-ti%E1%BA%BFn-s%E1%BB%B9-nguy%E1%BB%85n-kh%E1%BA%AFc-thu%E1%BA%A7n)”

       NGUYỄN KHẮC THUẦN: “Thứ hai, một bộ sách nặng hơn 10kg, ông thấy có hai chỗ sai và cộng hai chỗ này lại vẫn chưa được 10 chữ, dẫu phát hiện đúng đi chăng nữa cũng không nên lấy đó làm chuẩn để khái quát toàn bộ công trình. Thấy ai đó có một sợi tóc bạc rồi hùng hồn tuyên bố rằng tóc người đó đã bạc trắng hết, xã hội công bằng sẽ không dễ gì ủng hộ đâu. Tôi không muốn và cũng không thích tranh luận ồn ào nhưng nhân đây cũng xin nói lại cho rõ như sau:

       “Bình đẳng như tất cả những người yêu quý và kính trọng nghề nghiệp, tôi luôn cố gắng làm tất cả những gì cần làm và có thể làm. Trong LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP, tôi đã chú giải hết những gì tôi thấy cần chú giải và dù muốn hay không, tôi cũng phải đọc thật nhiều thư tịch cổ. Nhiều bậc đại khoa Trung Quốc rất khen ngợi tôi, còn hai ông chưa vừa lòng chắc hẳn vì ông còn đọc nhiều hơn tôi”.

       THÁI QUỐC MƯU: 1. Thưa ông THẦN ĐẠO BI chưa được 10 MẪU TỰ - chẳng phải chưa được 10 CHỮ như ông viết. / 2. Khi viết đoạn trên đây, tôi nghĩ ông hơi chủ quan khi viết: “tôi cũng phải đọc thật nhiều thư tịch cổ”. Tôi thiển nghĩ, ông chưa đọc được nhiều thư tịch cổ như ông tuyên bố. Và, dường như, ông hơi tự hào khi, có “Nhiều bậc đại khoa Trung Quốc rất khen ngợi tôi”. Rất tiếc, tôi không biết những bậc đại khoa đó là những ai? Nhưng, nhìn vào thực tế, nếu quả thật “nhiều bậc đại khoa ấy rất khen ngợi tôi”, thì, tôi xin lỗi ông cho phép tôi được nghĩ:

       1)- Đầu óc những vị đại khoa vô danh ấy có vấn đề.

       2)- Có thể các ông đại khoa vô danh ấy có thể cũng biết những chú giải sai lầm của ông. Nhưng, họ thiếu tinh thần dũng cảm, hoặc, cả nể không dám thẳng thắn nêu ra những sai lầm mà họ thấy được. Họ khen ông là khen cách xã giao, cách “nói cho vừa lòng nhau”. Bởi, thực tế, trong LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP ông chú thích có rất nhiều sai lầm. Tôi khẳng định như vậy! Thật tình tôi không muốn nêu ra tất cả những sai lầm trong bộ sách đó của ông. Nhưng, đoạn văn trên của ông đã “ÉP” tôi phải nêu ra. Và, tôi sẽ chứng minh thêm những sai lầm trong bộ sách ấy ở phần sau.

       NGUYỄN KHẮC THUẦN: “Nhưng, chú giải thư tịch cổ của Việt Nam nếu chỉ dựa vào thư tịch cổ của Trung Quốc có lẽ chưa ổn. Dù được các bậc túc Nho thương yêu nên trực tiếp giảng dạy nhưng tôi không bao giờ chấp nhận lặng lẽ ngồi yên một chỗ nghiền ngẫm trước tác của các cây đại bút thuở xưa. Nhờ chịu khó lại cũng nhờ may mắn, tôi đã tích trữ được một kho thần tích trên 500 bản và sắc phong nhiều đến hơn ngàn bản. Tôi đã công phu gạn lọc để loại bỏ những bản giả rồi phiên âm, dịch thuật, hiệu đính và chú giải, nay bước đầu công bố một phần nhỏ, quyển TỔNG TẬP SẮC PHONG VIỆT NAM của tôi đã nặng 150 kg, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (Hà Nội). Các bản thần tích và sắc phong làm giả có số lượng không nhỏ, có năm số bản giả nhiều đến hàng trăm. Ví dụ năm 1782 sau khi được kiêu binh đưa lên ngôi Chúa, Trịnh Tông (cũng tức Trịnh Khải) đã cho lấy hàng trăm tờ sắc phong để khống tặng cho kiêu binh và họ về điền tên thân thích của mình vào. Dân gian nói chung và kiêu binh nói riêng luôn luôn dựng bia theo cách của dân gian và kiêu binh. Ba chữ Thần Đạo Bi do ông Thái Quốc Mưu căn cứ vào các thư tịch cổ Trung Quốc để chú giải tuy có vẻ rất đúng nhưng chỉ đúng với sách vở của Trung Quốc xưa chứ không đúng với thực tế của Việt Nam ta. Tôi dịch và chú giải thư tịch cổ của người Việt trên cơ sở văn bản xưa kết hợp với kết quả khảo sát thực tế chứ có phải ngồi dịch sách của người Hoa đâu”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời: Thưa ông Gs. Tôi không phủ nhận trí tuệ, công trình của ông trong bộ sách Lê Quý Đôn, nhưng tôi tiếc cho công trình nghiên cứu của ông chưa hoàn hảo. Và, tôi tự thấy trách nhiệm phải vạch ra những chỗ chưa hoàn hảo ấy.

       Tôi nghĩ đoạn ông viết: “năm 1782 sau khi được kiêu binh đưa lên ngôi Chúa, Trịnh Tông (cũng tức Trịnh Khải) đã cho lấy hàng trăm tờ sắc phong để khống tặng cho kiêu binh và họ về điền tên thân thích của mình vào. Dân gian nói chung và kiêu binh nói riêng luôn luôn dựng bia theo cách của dân gian và kiêu binh” - Để rồi ông giải thích những tấm BIA của bọn kiêu binh đó là Thần Đạo Bi, không có tính thuyết phục. Ngôn ngữ là sự đồng thuận. Cách chú giải của ông trong ba chữ “Thần Đạo Bi”, tôi nghĩ khó thuyết phục nhiều người. Bởi, ta không thể lấy sự việc khác đem ra so sánh rồi giải nghĩa theo ý của riêng mình.

       Ba chữ “Thần Đại Bi” là cổ ngữ, ông phải giải nghĩa ba chữ đó theo nghĩa chính của ba chữ đó là gì? Sau đó, mới ghi thêm phần phụ chú theo cách nghĩ riêng của ông, như thế mới chính xác. Hơn nữa, THẦN ĐẠO BI chỉ thành lập cho những người xứng đáng được lập bia, khắc lại tiểu sử trên bia để lại cho hậu thế, họ phải là những người có danh vọng, hoặc, trong giới quyền quí, hoặc trong giới trí thức có những phát kiến, việc làm hữu ích cho xã hội đương thời. Còn ông đem ba chữ Thần Đạo Bi để chỉ những tấm bia của bọn kiêu binh. Tôi nghĩ có vấn đề. Thưa ông Giáo sư!

NGUYỄN KHẮC THUẦN: “Tôi không có ý phủ định hoàn toàn ý kiến của ông Thái Quốc Mưu nhưng thiết nghĩ là mọi vấn đề luôn có nhiều cách hóa giải khác nhau. Tôi hy vọng sẽ có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với ông bởi khi trò chuyện, thế nào tôi cũng sẽ học được từ ông những điều phù hợp với mình.

       Tôi về hưu nay đã ngót hai mươi năm, tuy vẫn còn được mời đến giảng cho các lớp Cao học và Nghiên cứu sinh nhưng dẫu sao cũng đã thuộc lớp nhà giáo cao niên. Nghề nghiệp và chút vị thế xã hội nho nhỏ khiến tôi phải luôn luôn chú ý giữ hình ảnh của mình, trang phục và ẩm thực, ngôn từ và tác phong, giao tiếp và chữ nghĩa... đều phải thận trọng. Tôi nghĩ là trong khắp thiên hạ, ai ai cũng sẵn lòng nghĩ và làm như tôi. Khen điều đúng nhưng đừng để bị đời chê là nịnh, không ủng hộ điều sai nhưng đừng để bị thiên hạ phê bình thiếu tôn trọng người khác dù đối tượng ta nói tới còn rất trẻ. Cụ thân sinh của tôi là bậc túc Nho, tôn sư của tôi cũng là bậc túc Nho, sinh thời vẫn luôn nhắc nhở tôi phải ghi nhớ điều này...”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời: Tôi không dám xúc phạm đến những vị tiền bối, nhưng, thú thật, những vị được cho là TÚC NHO ấy, ông lấy cơ sở gì làm cái mốc để gọi họ như thế? Học vị? Hoặc, lý do nào khác? Riêng phụ thân chúng tôi, người Hoa chính thống, tốt nghiệp Cử Nhân ở Bắc Kinh, thế nhưng, tôi chưa hề nghe ai gọi phụ thân chúng tôi là “Bậc Túc Nho”. Trước tháng 4/75, Bào huynh tôi Thái Quốc Hùng, từng tốt nghiệp ở một học viện Đài Bắc, từng làm Hiệu Trưởng hai trường Hoa Ngữ tại Chợ Lớn. Bào đệ tôi Thái Quốc Tế (Kha Tiệm Ly), Giáo Sư Hán Việt dạy vài trường Trung Học ở Mỹ Tho, Sàigòn. Tôi cũng chẳng nghe ai bảo họ là TÚC NHO cả.

       NGUYỄN KHẮC THUẦN: “Đọc bài của ông Thái Quốc Mưu, tôi thấy hơi xa lạ với bầu khí trao đổi học thuật chân thành nên sức thuyết phục chưa cao. Hai ông và tôi đều là những người nặng lòng với chữ nghĩa. Chữ nghĩa đàng hoàng bao giờ cũng chỉ chuyển tải những giá trị nhân bản và nhân văn. Thay vì tranh luận, tôi chỉ xin gửi tới hai ông lời cảm nhận ngắn này.

                                  Thân ái

                    Ts. Nguyễn Khắc Thuần

                                  ***

       Trước, tôi chân thành biết ơn Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần đã có lời chia sẻ với tôi. Dưới đây, tôi xin làm rõ câu ông viết: “Thứ hai, một bộ sách nặng hơn 10 kg, ông thấy có hai chỗ sai và cộng hai chỗ này lại vẫn chưa được 10 chữ, dẫu phát hiện đúng đi chăng nữa cũng không nên lấy đó làm chuẩn để khái quát toàn bộ công trình.”

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời: Thưa Gs. Tôi nghĩ, khi viết đoạn trên đây, ông hơi chủ quan. Thực tế, trong LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP, ông chú giải CÓ RẤT NHIỀU SAI LẦM. Tôi khẳng định như vậy!

 

       DƯỚI ĐÂY, TÔI XIN CHỨNG MINH THÊM NHỮNG SAI LẦM CỦA HỌC GIẢ, GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN KHẮC THUẦN TRONG BỘ SÁCH LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP.

       (Ở đây. tôi chỉ cô đọng và trích dẫn thật đơn giản).

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Sách LÍ QUẬT(1) của Hoành Cừ Tử(2) viết rằng……”. (Qu. 5. Tài Phẩm. trang 10).

       Chú thích.

       (1). LÍ QUẬT nghĩa là cái hang chứa đạo lí”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời: SAI! Danh xưng đầy đủ của tác phẩm trên đây là “Kinh Nghĩa Lí Quật”. Tiếng “Lí Quật” có nghĩa là “ngôn luận đầy nghĩa lý cao xa”. Chẳng có hang hốc gì cả. Hai tiếng “Lí Quật” xuất từ tập “Thế Thuyết Tân Ngữ” của Lưu Nghĩa Khánh (403 - 444).

                                  ***

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Sách NGỤ GIẢN của họ Thẩm viết rằng…”. (Qu. 5. Tài Phẩm.10).

       Chú thích.

       - “Chúng tôi chưa được rõ về tác giả người họ Thẩm và tác phẩm NGỤ GIẢN của ông”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời: Tôi, cấp tư liệu cho ông. “Họ Thẩm ở đây là Thẩm Tác Triết (? - ?), người thời Triệu Tống (960 - 1279). Từ điển nhân danh Trung Hoa thì không thấy có tên Thẩm Tác Triết. Tiểu sử của Thẩm Tác Triết chỉ được thấy vài giòng sơ lược trong một số thư tịch về Thư mục và Từ điển về các Văn học gia.

       - Thẩm Tác Triết (Khoảng trước sau năm 1147 Công nguyên còn tại thế).

       - Thẩm Tác Triết (Văn Hiến Thông Khảo ghi là Trọng Triết), tên Tự là Minh Viễn, tên Hiệu là Ngụ Sơn, người ở Hồ Châu; năm sanh, năm tử của ông đều không được rõ, đại để trong khoảng trước, sau Niên hiệu Thiệu Hưng ông vẫn còn sống! Đậu tiến sĩ năm thứ 5 Niên hiệu Thiệu Hưng, trong khoảng Niên hiệu Thuần Hi với chức Tả Phụng Nghị Lang ông đổi về tỉnh Giang Tây làm việc tại Cơ quan Chuyển vận. Nhân làm thơ đụng chạm viên Trưởng Cơ quan Ngụy Đạo Bật, bị hài tội, đưa qua bên Tam quan định đoạt, ông vì thế bất đắc chí mà qua đời.

       - Tác phẩm của Thẩm Tác Triết có Ngụ Sơn Tập 30 Quyển (theo Văn Hiến Thông Khảo), Ngụ Giản 10 Quyển (theo Tứ Khố Tổng Mục), về mặt khảo chứng có những nhận thức đặc biệt”.

       - Vĩnh Dung (1743 - 1790) và nhóm biên soạn cuốn “Tứ Khố Toàn Thư Giản Minh Mục Lục” có một số nhận định chi tiết hơn về Thẩm Tác Triết và cuốn “Ngụ Giản, 10 quyển, Thẩm Tác Triết đời Tống soạn, viết như sau:

       - Tài học và biện luận của ông tương tự Tô Thức, việc ông chê Vương An Thạch là thiển lậu, chỉ trích Trình tử, cho tới việc luận đàm về các phương diện Dưỡng sinh, nỗi say mê Thiền, về các phương diện này, lí luận của ông đều giống (Tô) Thức, nói chung đây là cái dư hưởng của Phái Mi Sơn! Về mặt khảo cứu, ông có rất nhiều kiến giải tinh thẩm, xác đáng, chỉ mỗi việc lấy Thiền giải Dịch là rườm rà, không thể coi như mẫu mực được.

                                  ***

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Nay thấy trong KIÊN HỒ TẬP (13) có chép về……”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 15).

       Chú thích.

       - “(13) Cũng có dịch giả phiên âm là KIÊN BIỀU TẬP nhưng căn cứ vào mặt chữ Hán, chúng tôi đọc là KIÊN HỒ TẬP. Dẫu vậy, chúng tôi cũng đồng ý rằng phải viết là KIÊN BIỀU TẬP mới đúng”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Trường hợp ông cho “KIÊN BIỀU TẬP” đúng, còn “KIÊN HỒ TẬP” là sai? Thế thì tại sao ông không viết là “KIÊN BIỀU TẬP”? Cớ sao ông viết KIÊN HỒ TẬP rồi giải thích lòng vòng cuối cùng lại khẳng định KIÊN BIỀU TẬP ĐÚNG? Thế là thế nào? Thưa ông Tiến sĩ?

       Ngoài ra, ông không biết chữ HỒ không thể đọc là BIỀU, vì hai chữ nầy hoàn toàn khác nhau. Chữ “HỒ” nghĩa là trái Bầu - thuộc Bộ Qua (dưa), bên trái là chữ “KHOA có một số nghĩa như xa xỉ, nói quá (khoa trương) đẹp đẽ… Còn chữ “BIỀU” thì khác; chữ BIỀU cũng Bộ Qua, ở bên trái là chữ “PHIÊU” nghĩa là sáng rõ, là nhanh…

                                  ***

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Bấy giờ, Gia Quốc Công Vũ Văn Mật làm Trấn Thủ ở Tuyên Quang vẫn theo chính sóc của Nguyên Hòa ((7)....... “. (Qu. 5. Tài Phẩm. 23).

       Chú thích.

       - “(7) Chính sóc của Nguyên Hòa nghĩa là theo chính sóc của ông Hoàng Đế có niên hiệu là Nguyên Hòa… Nguyên nghĩa, theo chính sóc nghĩa là theo lịch, đúng ra là tính thời gian theo niên hiệu. Tính theo niên hiệu nào là thần phục Hoàng Đế đặt niên hiệu đó”.

       - “Nguyên nghĩa, theo chính sóc nghĩa là theo lịch, đúng ra là tính thời gian theo niên hiệu. Tính theo niên hiệu nào là thần phục Hoàng Đế đặt niên hiệu đó”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - SAI! Ông viết: “Chính (ông viết có dấu sắc) sóc của Nguyên Hòa nghĩa là theo Chính Sóc của ông Hoàng Đế có niên hiệu là Nguyên Hòa…”. Trong khi chữ CHÍNH (có dấu sắc), phải đọc là CHINH (không dấu sắc) mới đúng! CHINH là ngày đầu năm, SÓC là ngày đầu tháng (Theo Từ Điển Từ Nguyên).

       - Hồ Tam Tỉnh (1230 - 1302) chú thích: “Tư Trị Thông Giám”, viết: “Thời cổ, một triều đại mới lên, để biểu thị lẽ “Ứng Thiên thừa vận” thì định lại Lịch pháp với hàm ý rằng bậc Vương giả nắm được chính sự khởi đầu từ ta, cho nên bỏ LỊCH CŨ ban hành LỊCH MỚI - Chẳng hạn Hạ triều định tháng Dần là tháng Giêng, tiếp theo đó Thương triều lại chọn Sửu làm tháng Giêng, Chu triều thì cho Tí là tháng Giêng, còn Tần triều thì tháng Giêng là tháng Hợi…

       - Giáo sư giải thích như thế chưa đúng hẳn, mà phải nói là thần phục cả một triều đại đã qui định mốc CHINH SÓC cho Lịch pháp đó, tức từ lúc triều đại đó lên nắm vận mệnh Quốc gia, vì lẽ mốc Chinh Sóc vốn đã được định từ vị hoàng đế khai sáng triều đại, các vua kế tiếp cứ đó mà theo.

                                  ***

 

NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Chiêm Thành tuy là một nước nhỏ nhưng nhân tài cũng không ít”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 29).

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Trong nguyên tác viết như sau: “Chiêm Thành nhất quốc nhân tài dịch phi thiểu dã!”.

       Dịch nghĩa:

       - “Nhân tài của cả nước Chiêm Thành cũng không phải là ít!”. Không hề có “tuy là một nước nhỏ” ở đây. Thưa ông Giáo sư.

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Nhà ở của (Lê) Niệm có tên là Thoát Hiên, ngụ ý hâm mộ ý chí khí Đào Chu (1)......”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 32).

       Chú thích.

       - “(1) Đào Chu nói ở đây là Phạm Lãi, người Trung Quốc thời Xuân Thu. Ông là người đã giúp Việt Vương Câu Tiễn hạ được Ngô Phù Sai, nhưng sau đó thì bỏ đi chu du khắp Ngũ Hồ chứ không chịu ra làm quan cho Việt Vương Câu Tiễn”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Đáng lẽ ông nên chú giải thêm vì sao Phạm Lãi được gọi là Đào Chu? Đúng không ạ!

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Sách VIỆT ĐIỆN U LINH TẬP nói: lúc Lý Nam Đế cùng anh là Lý Thiên Bảo chạy vào Cửu Chân...”. (Qu. 6. Phong Vực. 76).

       Chú thích.

       - “Cửu Chân là tên của một quận do nhà Hán cắt đặt. Đất của quận Cửu Chân nay đại thể tương ứng với tỉnh Thanh Hóa”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Ông đã SAI về Địa lý cổ! Diện tích Quận Cửu Chân thời Hán không đúng như ông chú thích.

       - Quận Cửu Chân từ buổi đầu thành lập vào năm 110 trước công nguyên, trải dài xuống hơn 300 năm, cho tới hết thời kỳ Đông Hán (25 - 220), trước sau lãnh hạt vẫn bao gồm 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh ngày nay. Trên Bản đồ, Quận Cửu Chân trải từ vĩ tuyến 20o tới vĩ tuyến 18o. (Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập. Tần. Tây Hán. Đông Hán).

       - Đến thời Tam Quốc (220 - 280), Ngô triều (222 - 280) phân cắt Quận Cửu Chân mà lập Quận Cửu Đức. Trong “Tam Quốc Chí” không ghi Quận Cửu Đức lập năm nào.

       - Trên Địa đồ Lịch Sử, Quận Cửu Đức gồm 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay, địa thế trải từ vĩ tuyến 19o 26’ tới vĩ tuyến 18o - lãnh hạt hầu như toàn tỉnh Nghệ An trải xuống tới gần hết tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.

       - Như vậy, Lãnh hạt Quận Cửu Chân, từ thời điểm đó, đến năm 271 nói trên, chỉ còn một phần đất của tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Sách NGU HÀNH CHÍ của người thời Tống là Phạm Hành Nhân viết rằng…………”. (Qu. 6. Phong Vực. 100).

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Theo nguyên tác ở bản Hán văn viết như sau: “Tống Phạm Thành Nhân Ngu Hành Chí vân vân”... Nhưng, Bản Hán văn ở đây đã in sai:

       - Chữ “Nhân” (Người) ở câu trên, chính là chữ “Đại” (Lớn). Nói rõ hơn, đó là chữ “Đại”. Nhưng, trong nguyên bản đã in bị mất nét ngang nên in SAI chữ ĐẠI (thiếu nét ngang bị đọc lầm là Nhân). Và như vậy, câu trên trong bản Hán văn phải là: “Tống Phạm Thành Đại “Ngu Hành Chí” vân vân…” mới ĐÚNG!

       - Nghĩa là: “Sách Ngu Hành Chí’ của Phạm Thành Đại đời Tống”…

       - Phạm Thành Đại (1126 - 1193) là tác giả của Tập “Ngu Hành Chí”, mà Tên gọi đầy đủ là Quế Hải Ngu Hành Chí, một tác phẩm quan trọng nói về vùng Biển Nam (Nam Hải) thời cổ, trong đó có đất Giao Chỉ, vào thế kỷ XII. Vì vùng Nam Hải có nhiều Quế do đó trong tựa sách có 2 chữ “Quế Hải”.

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Theo quẻ Kiền (1) đòi thời mở vận / Pháp hào sư ( lấy luật dụng binh”.

       (Qu. 6. Phong Vực. 175).

       Chú thích.

       - “(1) Quẻ Kiền (hay quẻ Càn) là một trong Bát quái : Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn và Đoài. Quẻ Kiền được coi là biểu trưng của trời, của quyền lực lớn, của cha, của con trai, của sự chắc chắn và bền vững”.

       - “(2) Pháp hào sư là phép cầm quân. Hào sư trong Bát quái là hào nói về phép cầm quân”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Quẻ Kiền, hay Quẻ Càn, đề cập ở câu trên không phải Quẻ Càn trong Bát Quái, mà là Quẻ Càn trong “Lục Thập Tứ Quái” (64 QUẺ DỊCH). Nói khác đi, Quẻ Càn nói ở đây là Quẻ Càn có 6 hào (hào là 2 loại nét liền ¾ và nét đứt - - , đơn vị cấu thành 1 Quẻ), là  loại Quẻ trong Dịch học gọi là “Trùng Quái”. Gọi là “Trùng Quái” vì loại Quẻ 6 hào nầy do 2 quẻ, mỗi quẻ có 3 hào, hợp lại thành. Chữ “trùng” ở đây có nghĩa là “tầng, lớp”, ý nói lấy 1 quẻ đơn đặt lên một quẻ đơn khác thành 1 lớp, 1 tầng nữa!

       - Quẻ Càn mà ông giải thích ở trên là Quẻ Càn chỉ có 3 hào, là quẻ gọi là đơn quái.

       - Thứ đến, xin ông độc giả biết “Hào sư trong Bát quái” là hào gì? Ông nói hào nầy nằm “trong Bát quái”, thế thì, Bát Quái 8 X 3, 24 hào xin ông chỉ cho hào nào là “Hào sư”?

       - Trong Kinh Dịch không có một hào nào gọi là “Hào sư” cả. Thưa ông Giáo sư Tiến sĩ.

       - Chữ “Sư” trong tiếng “hào sư” tức chỉ Quẻ Sư (Khôn / Khảm). Sư có nghĩa là “đám đông”, là “quân đội” (quân đội cũng là một đám đông).

       - Có 2 cách giải thích tiếng “hào sư”:

       1). Hào của Quẻ Sư.

       2). Hào là đơn vị của Quẻ, không có hào thì không thành Quẻ, do đó, “hào sư” ở đây chỉ Quẻ Sư.

       Phân tích rõ nữa: Câu thơ nói: “Pháp hào Sư, lấy luật dụng binh”.

       Hào Sơ lục Quẻ Sư nói:

       - “Sơ lục. Sư xuất dĩ luật, phủ, tang hung!”.

       - “Hào Sơ lục. Quân ra trận thì phải có kỷ luật, không có kỷ luật thì sẽ nguy!”.

       Nếu đọc Kinh Dịch thì sẽ hiểu ra ngay câu thơ nói cái gì, chỉ cái gì! Như đã dẫn, ở đây câu này rõ ràng chỉ vào hào Sơ, tức hào đầu tiên của Quẻ Sư.

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Lời dạy của thánh hiền, gốc ở TRUNG DUNG (1) …… Lời dạy của Phật giáo và Lão giáo (3) (trọng ở sự) thanh tĩnh hư vô, siêu việt, tịch diệt mà không hệ lụy sự vật, cũng là những lời dạy cao minh, để giữ độc thiện kì thân (4) thôi”. 

       (Qu. 9. Thiền dật. 187).

       Chú thích.

       - “ (1) Trung dung là một trong TỨ THƯ (Luận ngữ, Đại học, Trung dung và Mạnh Tử). Sách này vốn có nguồn gốc từ Kinh Thư trong NGŨ KINH……”.

       - “ (4) Độc thiện kì thân nghĩa là chỉ lo làm điều tốt đẹp cho tấm thân”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Ông đã chú thích SAI! Trung Dung không phải “có nguồn gốc từ Kinh Thư”! Trung Dung vốn là 1 Thiên trong sách “Lễ Ký”.

       - Ông chú thích (4) “Độc thiện kì thân nghĩa là chỉ lo làm điều tốt đẹp cho tấm thân”. Chưa đủ!

       - Câu “độc thiện kì thân” là một câu trong sách “Mạnh Tử”: “Cổ chi nhân, đắc chí, trạch gia ư dân; bất đắc chí, tu thân kiến ư thế! Cùng tắc độc thiện kì thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ”. /  Mạnh Tử. Tận Tâm. Thượng. XIII. 09  /.

       - “Người xưa, gặp thời đắc chí thì ân huệ trải khắp cho dân; không gặp thời thì tu thân làm gương cho đời! Gặp hoàn cảnh khốn cùng thì riêng lo cho bản thân mình được tốt đẹp, gặp thời hiển đạt thì làm cho cả thiên hạ cùng tốt đẹp”.

       - Ở đây, nói “riêng lo cho bản thân mình được tốt đẹp” là nói cái tốt đẹp tinh thần, là nói về sự “tu dưỡng đạo đức, trau dồi học vấn”, để chờ thời ra giúp đời. Ý ở đây cũng như câu: “Quân tử tàng khí ư thân, đãi thời nhi động” trong “Kinh Dịch”.

       - Lê Quí Đôn học vấn uyên bác, quán “Tứ Thư, Ngũ Kinh”, thông “Thích, Lão”, cho đến bút kí, tiểu thuyết... không loại nào Lê Quí Đôn lại không đọc qua, cho nên, nếu không đọc nhiều thì không thể hiểu kiến giải, tư tưởng của ông (Lê Quý Đôn). Bất cứ người nào chỉ dựa vào sự hiểu biết Hán văn, mà trình độ chưa khả quan, mà chú thích Hán Văn, thường không chính xác.

 


       Ảnh: Học Giả, Giáo Sư, Tiến Sĩ NGUYỄN KHẮC THUẦN

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Vưu Đồng (4) nói:....... “. (Qu. 9. Thiền Dật. 189).

       Chú thích.

       - “(4) Vưu Đồng: tên một triết gia của Trung Quốc thời cổ đại”. Hoàn toàn SAI!

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Thưa ông Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần, Vưu Đồng (1618 - 1704) chưa bao giờ là “một triết gia”. Không sống vào thời Trung Quốc cổ đại như ông chú thích.

       - Vưu Đồng (1618 - 1704) tên Tự là Đồng Nhân, và một tên Tự nữa là Triển Thành, tên Hiệu là Hối Am, Tây Đường Lão Nhân, Cấn Ông (có Sách chép Cấn Trai), quê ở Trường Châu (Ngô huyện, tỉnh Giang Tô). Ông là một thi từ gia, một nhà soạn Hí khúc (tức Kịch), và phê bình Hí khúc vào sơ kỳ Thanh triều. Năm 1679, ông đậu Khoa Bác học Hồng Từ, nhận chức Kiểm Thảo tại Hàn Lâm Viện, là chức quan có trách vụ biên soạn Quốc sử, vị dưới chức Biên Tu một bậc. Sau đó Vưu Đồng tham gia việc biên tập “Minh Sử”, được 3 năm thì xin về.

       - Về Thi văn tập, Vưu Đồng có: Tây Đường Toàn Tập. Hạc Dậu Đường.

       - Về truyền kỳ tiểu thuyết, có: Quân Thiên Lạc.

       - Về Tạp kịch, có: Độc Li Tao. Điếu Tì Bà. Đào Hoa Nguyên. Hắc Bạch Vệ. Thanh Bình Điệu. Vở kịch sau cùng còn có tên Lý Bạch Đăng Khoa Ký.

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Sách THƯỢNG THƯ CỐ THỰC (1) nói rằng…… (Qu. 9. Thiền Dật. 191).

       - Sách THÁI BÌNH QUẢNG KÍ (2) nói:……”. (Như trên. 192).

       Chú thích.

       - “(1) THƯỢNG THƯ CỐ THỰC: Chúng tôi chưa được rõ về sách này.

       - “(2) THÁI BÌNH QUẢNG KÍ là công trình biên soạn chung của nhiều triết gia Trung Quốc, thời Tống. Đây là một trong những bộ sách rất lớn”. SAI!

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       Tôi xin cấp tư liệu cho ông:

       1)- Tập “Thượng Thư Cố Thực” của Lý Xước (…? - …?) triều Đường viết, nội dung ghi chép những dật văn, tạp sự thời Đường, thỉnh thoảng có xen vào vài câu khảo đính, nhưng nhìn chung luận đàm về Thư pháp và Hội Họa chiếm phần lớn Sách này. Tự thuật tuy đa số là tạp sự nhưng thường trưng dẫn nghĩa cổ, dẫn chứng quảng bác, có rất nhiều tư liệu về phương diện khảo chứng.

       - Danh xưng “Thượng Thư” trong tên tựa sách của Lý Xước là tên Tự hay tên Hiệu của một người. Ông nầy là huyền tôn (chắt) của Trương Gia Trinh (666 - 729), tên ông đến nay chưa khảo được! Lý Xước mỗi lần đi đây đó thường tới ở nhà Thượng Thư, ghi chép những gì ông nầy nói mà soạn thành tập “Thượng Thư Cố Thực”.

       2)- Về “Thái Bình Quảng Ký”, chú thích của ông trong chú thích (2) nầy, như chẳng chú thích gì cả, chưa nói là có điểm SAI!

       - Khi ông chú thích “tác phẩm được nhiều triết gia biên soạn”, có thể gây hiểu lầm  đây là một tác phẩm Triết học.

       - Bộ “Thái Bình Quảng Ký” do một Ban biên tập soạn, Lý Phưởng (925 - 996) chủ biên. Khởi soạn năm 977, năm sau thì soạn xong, nhưng đến năm 981 mới khắc bản in. Nội dung phân theo đề tài, và gồm 92 đề tài lớn, phụ hơn 150 tiểu loại, sưu tập hết sức phong phú, trưng dẫn dã sử, truyền kì, tiểu thuyết từ các triều Hán, Đường cho tới đầu triều Tống, cộng được vào khoảng trên dưới 500 tác phẩm trong đó có nhiều tác phẩm đã thất truyền, nhờ bộ “Quảng Ký” nầy mà thấy lại những tác phẩm đã thất truyền đó.

       - Cùng năm 977 Lý Phưởng cũng được lệnh Thái Tông (939 - 997; tại vị: 976 - 997) soạn bộ “Thái Bình Ngự Lãm”. Ban biên tập gồm 14 người - trong đó Lý Phưởng, Hổ Mông đồng chủ biên. Khởi soạn ngày 17 / 3 năm 977, hoàn tất ngày 19/12 năm 984.

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Mộc-hoạn là niệm châu (7)”. (Qu. 9. Thiền Dật. 211).

       Chú thích.

       - “(7) Niệm châu nghĩa là vừa tụng niệm vừa lần tràng hạt”. SAI!

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Bộ “Phật Học Đại Từ Điển” của Đinh Phúc Bảo (1874 - 1952) viết:

       - “Mộc Hoạn Tử. (Thực vật). “Hựu danh vô hoạn tử, mộc thụ năng tịch tà quỉ cố danh “vô hoạn”. Kì thực khả dĩ vi niệm châu, vị chi mộc hoạn tử. Phạm danh a lê sắt ca tử (arista)”.

       Dịch nghĩa:

       - “Mộc Hoạn tử: (Thực vật). Cũng gọi vô hoạn tử, gỗ cây có thể trừ tà quỉ bởi thế mà có tên là “vô hoạn” (không lo lắng). Trái của cây có thể dùng để làm xâu chuỗi, được gọi là mộc hoạn tử. Tiếng Phạn gọi là a lê sắt ca tử (arista)”.

       Phụ chú:

       - Chữ “Hoạn” trong “Mộc Hoạn Tử” gồm bên trái là bộ “Mộc”, bên phải là chữ “Hoạn” có nghĩa là điều lo rầu, tai nạn, là bệnh…, như nói “hậu hoạn”, “bệnh hoạn”, “họa hoạn”.

       - Niệm châu còn gọi Số châu, Phật châu.

       - Trong thư tịch cổ Trung Quốc - trong Kinh Sử và trong Y Dược Học, mộc hoạn tử có rất nhiều danh xưng khác nhau. Trong phần lớn các sách “Bản Thảo” (tức Sách thuốc) tên chính thức của mộc hoạn tử là “vô hoạn tử”.

       - Lý Thời Trân (1518 - 1593) cho biết một vài tên gọi khác của vô hoạn tử, như: “Tục danh Quỉ kiến sầu. Thích gia thủ vi số châu, cố vị chi Bồ đề tử”.

       - Bản Thảo Cương Mục. Qu. XXXV Hạ. Mộc: Kiều mộc loại. Vô hoạn tử.

- “Tên gọi bình dân là Quỉ kiến sầu. Người ở bên Phật giáo lấy (trái của) cây này làm xâu chuỗi niệm, do đó gọi là Bồ đề tử”.

- Mộc hoạn tử là 1 dược liệu, tên khoa học là Sapindus mukorossi Gaertn.

       Công dụng.

       Trái (hơi độc). Giải nhiệt, trừ đàm; cầm tiêu chảy; trị bạch hầu, cổ họng kéo đàm; viêm khí quản, ho dai dẳng; viêm bao tử và đường ruột cấp tính; dùng ngoài da để trị chứng ngứa làm da nổi sần, con nít ốm o (cam tích).

       Rễ. Giải nhiệt, giải độc, tiêu đàm, ho hen; làm tan máu bầm; cảm mạo nóng sốt cao, và  chứng huyết trắng của phụ nữ, và rắn độc cắn.

       Vỏ cây. Trị bạch hầu, ghẻ ngứa, phong cùi.

       Lá cây. Dùng ngoài da đắp lên vết rắn cắn. 

       (Tham khảo Toàn Quốc Trung Thảo Dược Danh Giám. Tra mã số 7198022)

       - Tập “Thảo Dược học” trên đây liệt kê tất cả 77 tên gọi của cây vô hoạn tử, phân theo 2 phương diện:

       1). Tên gọi trong Sách vở (Văn hiến danh): 26 tên gọi.

       2). Tên gọi Địa phương: 51 tên gọi.

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Bà-lợi-chất-ba-la nghĩa là viên sinh thụ (5) “ (Qu. 9. Thiền Dật. 212).

       Chú thích.

       - “(5) Viên sinh thụ (in chữ Hán) có lẽ là viên hương thụ (chữ Hán) mới đúng. Viên hương thụ nghĩa là cây gỗ tròn mà thơm”. SAI!

THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Thưa ông Tiến sĩ, Chữ đúng là “Viên Sinh Thụ”, không là “Viên hương thụ” như ông sửa.

       - Bộ “Phật Học Đại Từ Điển” của Đinh Phúc Bảo viết: “Viên Sinh Thụ (tạp danh). Thụ danh. Tại ‘Đao Lợi Thiên’ kiến thành chi Đông bắc.

       - Câu Xá Luận thập nhất viết: Đông bắc Viên Sinh thụ.

       - Đồng Tụng sớ viết: Thành ngoại Đông bắc hữu Viên Sinh thụ, thị tam thập tam Thiên thụ dục lạc sở dã.  Kì Viên Sinh Thụ bàn căn thâm, quảng ngũ thập du thiện na, tủng cán thượng thăng, chi diệp bàng bố, cao, quảng lượng đẳng bách do thiện na, đỉnh diệp khai hoa, diệu hương phân phức. Thuận phong huân mãn bách do thiện na, nghịch phong thời do biến ngũ thập”.

       Dịch nghĩa:

       - “Viên Sinh Thụ (tên tạp). Tên cây. (Cây) ở phía Đông bắc thành cõi “Trời Đao Lợi”.

- Câu Xá Luận quyển XI nói: Cây Viên Sinh ở phía Đông bắc.

- Lời chú giải cũng trong bài Tụng quyển này viết: Ngoài thành, ở mé Đông bắc có cây Viên Sinh, là nơi 33 cõi Trời hưởng thụ dục lạc. Cây Viên Sinh này rễ ngoằn ngoèo, ăn sâu, trải rộng 50 du thiện na, thân cây vút cao cành lá vươn bốn phía, thân cao, cành trải rộng cả trăm do thiện na, hoa nở trên cành lá cao chót vót, mùi thơm ngạt ngào! Thuận gió thì hương bay xa 100 do thiện na, còn gió ngược thì cũng lan xa 50 do thiện na”.

Phụ chú: Du thiện na là 1 đơn vị đo độ dài, có thuyết nói là 40 dặm, tục Ấn Độ định là 30 dặm.

       - Du thiện na còn được gọi là Do thiện na, Du tuần, Do tuần, Do diên, Du đồ na).

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “.... Về sau các học giả như Huệ Viễn (3), Tăng Triệu (4) mới bắt đầu cóp nhặt lời của Trang, Liệt (5), mà thêm vào”. (Qu. 9. Thiền Dật. 216).

       Chú thích.

       - “(3) Huệ Viễn là pháp danh tình cờ trùng hợp của hai nhà sư Trung Quốc. Một người gốc họ Lý (thế kỷ VII), tác giả PHÁP TÍNH LUẬN và một người gốc họ Giả (thế kỉ X), tác giả của ĐẠI THỪA KINH NGHĨA. Chưa rõ sách nầy chỉ Huệ Viễn nào. SAI!

       - “(4) Tăng Triệu là tên của một nhà sư người Trung Quốc sống vào cuối thế kỉ IV, đầu thế kỉ V, đệ tử của Kumârajiva (Cưu Ma La Thập, cũng gọi là Dao Tần). Tăng Triệu có công dịch kinh sách nhà Phật Bắc Phạn ra tiếng Trung Quốc”. SAI!

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Huệ Viễn mà Lê Quí Đôn đề cập chẳng phải là Huệ Viễn nào trong 2 nhà sư ông đã chú thích.

       - Huệ Viễn nói ở đây, trong sách của Lê Quí Đôn, là Huệ Viễn sống trong khoảng thời kỳ Đông Tấn (317 - 420), tức trong khoảng từ đầu thế kỉ thứ IV đến đầu thế kỉ thứ V.

       - Sư Huệ Viễn này chính là Sơ tổ (Tổ đầu tiên) của Tịnh Độ Tông trong Phật Giáo. Về năm sinh, năm viên tịch của Tổ Huệ Viễn đến nay vô khả khảo.

       - “Kiến Văn Tiểu Lục” đã liệt kê nhân vật theo thứ tự thời gian. Trước là đề cập Huệ Viễn thời Đông Tấn, kế tới Tăng Triệu (384 - 414) thời Thập Lục Quốc (304 - 436).

       - Tiếp đó, ông giải thích: Cưu Ma La Thập (344 - 413) “cũng gọi là Dao Tần”.

       - Diêu Tần là tên triều đại, chứ không là tên khác của Cưu Ma La Thập. Cao tăng này là Quốc sư của triều Hậu Tần (384 - 417). Thời Thập Lục Quốc có 2 triều Tần, một là Tiền Tần (351 - 394) do Phù Kiện (317 - 355; tại vị: 351 - 355) khai sáng, và triều kia là Hậu Tần do Diêu Trường (330 - 393; tại vị: 384 - 393) sáng lập. Để khỏi lẫn lộn, Sử gia gọi Tiền Tần là Phù Tần, và Hậu Tần là Diêu Tần, tức gọi theo tên họ của vị hoàng đế khai sáng triều đại. Ông viết Dao Tần. SAI!

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Phủ Đại Lý của tỉnh Vân Nam (6) ở gần với Thiên Trúc (7), tập tục đề cao Phù Đồ (8) “. (Qu. 9. Thiền Dật. 216).

       Chú thích.   

       - “(8) Phù Đồ (Dagoba) là tháp thờ Phật, tháp thờ di cốt của các vị tổ dòng tu Phật giáo”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Phù Đồ là tiếng dịch khác của Phật Đà, tức chỉ Đức Phật; bởi vậy Phật giáo còn được gọi là Phù Đồ đạo, những người theo Phật giáo được gọi là Phù Đồ.

       - Phù Đồ còn có các tên gọi Phù Đầu, Phật Đồ, Phù Đà, Bộ Đà, Hưu Đồ, và Vật Tha…Về sau tiếng Phù Đồ lại mới được dùng để chỉ Phật Tháp.

       - Ngoài ra, Phật tháp, Hán Việt còn có Toát đổ ba - gọi tắt thì gọi Toát đổ, và 1 số nữa như Suất đô bà, Tố đổ ba, Tẩu đấu bà...... tất cả đều là phiên âm từ tiếng “Stupa”.

       (Tham khảo Đinh Phúc Bảo, Phật Học Đại Từ Điển).

       - Vương An Thạch (1021 - 1086) có mấy bài Luật thi đề cập tiếng Toát đổ, Toát đổ ba:

       Đạo Lâm chân cốt táng thanh tiêu,

              Toát đổ thiên thu vị tịch liêu.

       / Vương Lâm Xuyên Tập. Qu. XVII. Luật thi 4. Bắc Sơn tam vịnh. Bảo công tháp /.

       Đạo Lâm xương thánh gởi mây xanh,

       Tháp Phật thiên thu chẳng lặng tanh.

       Và một bài khác:

       Chu Ngung trạch tác a lan nhã,

       Lũ ước thâm qui toát đổ ba.

       / Sđd. Qu. XXIX. Luật thi 16. Dữ Đạo Nguyên quá Tây Trang toại du Bảo Thặng /.

       Chu Ngung nhà lấy làm tăng xá,

       Những hẹn mong về tháp Phật đà….

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Cao tăng nước ta không phải ít…………. Nay chỉ thấy có mấy bài thơ của các bậc tài giỏi chép trong LOẠI HÀM (13) ……”. (Qu. 9. Thiền Dật. 216).

       Chú thích.      

       - “(13) LOẠI HÀM: chúng tôi chưa được đọc sách này”.

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       Tôi cấp tư liệu cho ông:

       - Bộ “LOẠI HÀM” đề cập trên đây là tên gọi tắt của “Uyên Giám Loại Hàm”, 1 bộ Loại thư do Thanh Thánh tổ (1654 - 1722; tại vị: 1661 - 1722) ra lệnh soạn, hoàn tất năm 1710.

       - Bộ “Uyên Giám Loại Hàm” do nhóm Trương Anh (1637 - 1708) căn cứ các điều lệ của Bộ “Đường Loại Hàm” của Du An Kỳ (? - ?) đời Minh, tăng điều mục mà soạn thành.  

       - Uyên Giám là tên một cái Thư trai (Phòng đọc sách) trong Cung.

- Bộ “Loại Hàm” sau này gồm 450 Quyển, phân thành 43 Bộ, tóm 2,536 tiểu loại, tập lục văn chương, sự tích các triều Minh (1368 - 1644), Nguyên (1279 - 1368) về trước, mục trưng dẫn cực kì phong phú! Số quyển của Uyên Giám Loại Hàm tuy chỉ non nửa của Bộ Thái Bình Ngự Lãm (1000 Quyển) nhưng về thiên chương thì “Loại Hàm” lại nhiều gấp 2 lần “Ngự Lãm”. 

       - Đã đi vào lãnh vực Cổ học nói chung và Sử học Trung Quốc nói riêng thì một học giả không thể không biết những tên gọi tắt của các tác phẩm cổ, chẳng hạn:

- Thuyết Văn là tên giản lược của Thuyết Văn Giải Tự.

- Thích Văn là tên giản lược của Kinh Điển Thích Văn.

- Ngự Lãm là tên giản lược của Thái Bình Ngự Lãm.

- Hoàn Vũ Ký là tên giản lược của Thái Bình Hoàn Vũ Ký.

       -  Ngu Hành Chí là tên giản lược của Quế Hải Ngu Hành Chí.

- Thông Khảo là tên giản lược của Văn Hiến Thông Khảo.

                                  ***

 

       NGUYỄN KHẮC THUẤN:

       - “Phân thân đi giáo hóa ở Nhật Nam (2). (Qu. 9. Thiền Dật. 218).

       Chú thích.

       - “(2) Nhật Nam là tên một trong số ba quận (Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam) vốn là đất xưa của Âu Lạc bị nhà Hán cắt đặt để đô hộ. Đất Nhật Nam nay đại để tương ứng với khu vực từ Nghệ An vào đến hết Thừa Thiên - Huế”. SAI!

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Quận Nhật Nam thời Tây Hán không nhỏ như ông viết.

       - Căn cứ Bản đồ Lịch sử thời Tây Hán, Quận Nhật Nam, từ Bắc xuống Nam, trải từ: Vĩ tuyến 18o đến vĩ tuyến 12o 48’. Tức từ một mảnh đất rất nhỏ, không đáng kể, ở miền Nam của tỉnh Hà Tĩnh, trải xuống tỉnh Quảng Bình, đến một phần miền Bắc tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang) hiện nay.

       - Trong khi đó, sau khi nước Lâm Ấp được thành lập năm 192 khoảng cách Bắc – Nam của Quận Nhật Nam đã thu ngắn lại, trải từ vĩ tuyến 18o tới vĩ tuyến 16o – tức giới địa ở phía Nam chỉ tới Hải cảng Đà Nẵng hiện nay, tức lãnh địa mất đi trải dài 3o 12’.

       Tham khảo:

- Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập. Đệ nhị Sách. Tần. Tây Hán. Đông Hán thời kỳ.

- Tây Hán thời kỳ. Bản đồ 35 – 36. Giao Chỉ Thích Sử Bộ.

- Đông Hán thời kỳ. Bản đồ 63 – 64. Giao Châu Thích Sử Bộ].

- Ông Tiến sĩ nói, “Quận Nhật Nam là đất xưa của Âu Lạc” Không có Chân Lạp nào ở đấy cả!

       Và…

       Ông viết: “Đất Nhật Nam nay đại để tương ứng với khu vực từ Nghệ An vào đến hết Thừa Thiên – Huế”.

       - Ở đoạn trên chúng tôi đã đưa ra sự thay đổi về mặt Địa lý Hành chánh của Quận Nhật Nam từ thời kỳ Tây Hán qua Đông Hán. Các thời sau 2 thời này lại có thay đổi nữa.

       - Sau đó, tiếp đến các thời Tam Quốc (220 - 280), đời Tây Tấn (265 - 317) phân giới của Quận Nhật Nam lại thay đổi.

- Căn cứ Bản đồ Lịch sử thì Quận Nhật Nam thời Tam Quốc trải từ Bắc xuống Nam: Vĩ tuyến 18o đến vĩ tuyến 16o 36’, tức ranh giới phía Nam, giới hạn ở sông Thọ Lãnh tỉnh Quảng Trị hiện nay, sát bên trị sở Tỉnh. Thọ Lãnh tức sông Thạch Hãn hiện nay. Thời kỳ nầy Quận Nhật Nam thuộc Ngô triều (222 - 280) ở mạn Nam Đại Giang.

- Năm 278, Ngô triều phế Quận Nhật Nam, nhập Quận Cửu Đức. Sau khi tiêu diệt Ngô triều vào tháng 3 năm 280 thì 2 năm sau, đến năm 282, Tấn triều cho hồi phục Quận Nhật Nam.

       Phụ chú.

- Ngô triều đầu hàng quân Tấn ngày Nhâm Thân (mồng 7) tháng 3 năm Canh Tý (280).

       Tham khảo Tam Quốc Chí. Qu. XLVIII. Ngô thư. Qu. III. Tam chủ Truyện. Tôn Hạo].

       - Đến triều Đông Tấn (317 - 420) Nhật Nam không còn thuộc Trung Quốc, đất cũ của Quận từ Vĩ tuyến 16o trở xuống Lâm Ấp chiếm lãnh hết.

Tham khảo:

- Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập. Đệ tam Sách. Tam Quốc. Tây Tấn thời kỳ.

- Tam Quốc thời kỳ – Ngô. Bản đồ 30 – 31. Giao Châu

- Tây Tấn thời kỳ. Bản đồ 57 - 58. Giao Châu / Quảng Châu…

***

 

NGUYỄN KHẮC THUẦN:

       - “Sơn vũ                               

       Thu phong ngọ dạ phất thiềm la,

       Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la.

       ………………………

       Dịch nghĩa:

       Nửa đêm (1) gió thu tạt vào riềm mái nhà

       Nhà núi lặng lẽ gối lên thảm xanh

……………………………             

“. (Qu. 9.  Thiền Dật. 241)

       Chú thích.                     

       - “(1) Ngọ dạ (chữ Hán) là chữ của nguyên tác nhưng chúng tôi cho là bán dạ (Hán tự) mới đúng vì bán dạ nghĩa là nửa đêm còn ngọ dạ là vô nghĩa. Xin sửa là bán dạ”. SAI!

       THÁI QUỐC MƯU, trả lời:

       - Thưa ông Tiến sĩ, tôi chẳng hiểu vì sao Hai chữ NGỌ DẠ người ta viết ĐÚNG ông lại sửa nó thành BÁN DẠ cho SAI?

       - Nửa đêm đúng là “Ngọ dạ”.

       - Từ điển Từ Nguyên: Ngọ dạ. Bán dạ”. // Nghĩa là: “Nửa đêm”.

       - Từ điển Từ Hải: “Ngọ dạ. Vị bán dạ dã”. // Nghĩa là: “Ý nói nửa đêm”.

       - Từ điển Từ Vị: “Ngọ dạ. Dạ bán”. // Nghĩa là: “Nửa đêm”.

       - NGỌ nguyên nghĩa là giữa trưa, người ta đã lấy cái ý “Giữa” nầy ghép với chữ “dạ” để chỉ “giữa đêm”, “nửa đêm”.

       - Cũng thế, thời cổ 10 ngày được gọi là một “tuần”, sau đó người ta đã lấy cái ý “10” nầy ghép trong các tiếng chỉ tuổi như “ngũ tuần” là “50 tuổi”, “lục tuần” là “60 tuổi”...…

       - Tiếng Ngọ dạ trong thi ca:

       a). Trong bài “Tần Cung” Lý Hạ (790 - 816) đời Đường (618 - 907) có các câu:

       Phi song phức đạo truyền trù ẩm,

Ngọ dạ đồng bàn nhị chúc hoàng.

Song cao lối gác chuyền đồ uống,

Đêm nửa khay đồng ánh nến vàng. 

b).Trong bài “Vịnh Trúc” Đường Ngạn Khiêm (? - ?) cuối thời Đường có các câu:

       Nguyệt minh ngọ dạ sinh hư lại,

Ngộ thính phong thanh thị vũ thanh.

Nửa đêm trăng sáng mơ hồ tiếng,

Tiếng gió nghe lầm ấy tiếng mưa.

       c). Vi Trang (836 - 910) trong bài “Ức Tích”:

Tích niên tằng hướng Ngũ Lăng du,

Ngọ dạ thanh ca nguyệt mãn lâu.

Ngũ Lăng năm cũ từng phiêu du,

Tiếng hát nửa đêm trăng khắp lầu.

       Phụ chú. Thanh ca là ca mà không có nhạc khí đệm.

       Hai câu này dẫn trong “Kim Thánh Thán Tuyển Phê Đường Tài Tử Thi” (Qu. VII Hạ).

       - Trong Bản Chú giải “Vi Trang Tập Tiên Chú” của Nhiếp An Phúc 2 chữ “Ngọ dạ” chép là “Tý dạ”, cũng có nghĩa là “nửa đêm”

       - Trưng dẫn trên đây, theo ông cho rằng “ngọ dạ là vô nghĩa”. SAI!

                                  ***

       Thưa Giáo Sư, Học Giả, Tiến Sĩ Nguyễn Khắc Thuần,

       Những điều ông chú giải sai trong LÊ QUÝ ĐÔN TUYỂN TẬP, tôi đã trích dẫn trên đây chỉ là một phần, trong nhiều chú giải sai lầm khác của ông. Trong trường hợp ông không tin lời tôi nói ở đây. Và, nếu ông tiếp tục “khuyến khích”, tôi sẽ viết thêm.

       Qua bài viết của tôi trên đây, có điều chi ông không hài lòng, xin miễn thứ. Và, vui lòng, liên lạc với tôi qua Email: thaiquocmuu1@aol.com.

       Kính chúc sức khỏe ông cùng gia đình.

                     Atlanta, Jan. 01, 2018

                         Thái Quốc Mưu

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét