Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

MỘT CÁCH HIỂU TỨ THƠ KỲ QUẶC / Phạm Đức Nhì

 



Bắt Đầu Từ Cuộc Tranh Luận Về Thi Pháp

 

Cách đây khá lâu tôi có viết bài Bình Thơ Không Bàn Thi Pháp để phê phán lối bình thơ của 3 nhà phê bình Châu Thạch (Trương Văn Trạn), Nguyễn Bàng và Bùi Đồng. Lý do: Khi bình thơ họ chỉ bình tán ý tứ và “lờ tít” phần thi pháp của bài thơ.

 

Những gì liên quan đến kỹ thuật thơ, “tính thơ” họ đều chặt bỏ (cho gọn) để việc bình tán được đơn giản, dễ dàng.  Rốt cuộc bài thơ trên bàn mổ của họ chỉ là một “bản văn” không hơn, không kém.

 

Ông Lê Thiên Minh Khoa, một người theo trường phái Lý Luận Phê Bình Văn Học của Nga, có một bình luận dài dưới bài viết của tôi. Bình luận ấy đã được chuyển thành bài viết Vài Ý Kiến Về Bình Thơ Không Thi Pháp và được anh Châu Thạch (Trương Văn Trạn) gởi đăng trên trang web Bông Tràm.

 

Độc giả nếu muốn, có thể đọc 2 bài tranh luận theo links (1 và 2) ở phần CHÚ THÍCH. 

 

Cách Hiểu “Tứ Thơ” Của Ông Lê Thiên Minh Khoa

 

Ông Lê Thiên Minh Khoa diễn giải “tứ thơ” như sau:

 

“Tứ thơ” được hiểu như là một phương thức nào đó để tổ chức liên kết các ý trong bài thơ và hệ thống các ý đó với “tình” của nhà thơ và biểu hiện chúng bằng yếu tố ngôn ngữ (từ).

 

Như vậy, theo ông Khoa, tứ thơ gồm 3 thành phần: 1/ Hệ thống các ý trong bài thơ; 2/ “Tình” của nhà thơ; 3/ ngôn ngữ (từ).

 

Nhưng rồi ông lại viết:

 

“Cả ba yếu tố đó tổng hòa trong một thể thống nhất gọi là bài thơ – tác phẩm”.

 

Như vậy tứ thơ cũng chính là “bài thơ – tác phẩm”.

 

Độc giả (chắc giống tôi) đã thấy hơi “bối rối” (confused) thì ông Khoa lại viết tiếp:

 

Như thế, chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được vận dụng hết công suất để xây dựng tứ thơ mà giới chuyên ngành gọi là “cấu tứ”.

 

À!  Khi “chất trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được sử dụng hết công suất (làm sao biết được là ‘hết công suất’ hả trời?) thì tứ thơ vươn mình thành ‘cấu tứ’”.

 

Tóm lại, theo sự diễn giải của ông Khoa thì tứ thơ cũng chính là bài thơ (tác phẩm) và cũng chính là “cấu tứ”.

 

Nhưng không hiểu sao ông lại viết thêm:

 

“Chính tứ thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ, là yếu tố không thể thiếu của một bài thơ, nhất là thơ hiện đại".

 

Tứ thơ cũng là bài thơ mà lại còn viết “Chính tứ thơ làm cho văn bản trở thành bài thơ” thì đúng là “Vân Tiên cõng mẹ chạy ra/ Đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô”

 

Sợ độc giả (cũng như tôi) không tiêu hóa nổi những ngôn từ đầy tính học thuật của ông Lê Thiên Minh Khoa rồi “tẩu hỏa nhập ma” đánh đồng Tứ Thơ với Bài Thơ hoặc Cấu Tứ nên tôi viết mấy đoạn vắn tắt dưới đây để phân biệt.

 

PHÂN BIỆT TỨ VÀ Ý

 

Nếu nói thơ có phần xác và phần hồn, trái với nhận định của một số người, tôi cho tứ thơ thuộc về phần xác. Khi đã có chủ đích viết cái gì (ý) thi sĩ sẽ chọn cách tiếp cận, cách truyền đạt ý của mình đến độc giả.

 

Công việc lựa chọn ấy - tìm tứ thơ – sẽ đóng góp lớn cho giá trị của bài thơ nếu tác giả chọn được tứ hay, mới lạ. Dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng việc tìm tứ thơ lại do lý trí đảm nhiệm. Tứ thơ, và cả ý, đều là sản phẩm của lý trí.

 

Ý: Điều tác giả muốn nói đến

Tứ: Cách để tiếp cận, diễn đạt ý

 

Khi tác giả chọn cách nói trực tiếp, nói thẳng điều muốn nói, bài thơ có ý và tứ giống nhau. Ý là tứ, tứ là ý, ý và tứ là một.

 

Thí dụ:

 

Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính

 

Ý và Tứ là một: Anh lái đò nói về mối tình tuyệt vọng của mình.

 

Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác

 

Ý và Tứ là một: Hào khí của một sĩ phu trước cảnh đất nước điêu linh

 

Khi tác giả không muốn nói trực tiếp, không muốn nói thẳng điều muốn nói mà mượn một hình ảnh khác, một sự kiện khác để thố lộ lòng mình, bài thơ có ý và tứ khác nhau. Ý là điều muốn nói; tứ là hình ảnh mượn để thố lộ lòng mình.

 

Thí dụ:

 

Ông Đồ của Vũ Đình Liên

 

Tứ: Ông đồ ngồi bên phố viết câu đối thuê cho khách du xuân. Nay xuân đến, không thấy ông đồ nữa, nhiều người tiếc nhớ.

 

Ý: Tác giả muốn nói đến nền nho học đã lụi tàn.

 

Nhớ Rừng của Thế Lữ

 

Tứ: Con hổ trong vườn bách thú tiếc nhớ những ngày còn là chúa sơn lâm, tự do vùng vẫy nơi rừng sâu núi cao - giang sơn của mình.

 

Ý: Tác giả mượn lời con hổ để nói đến hào khí, hoài bão, ước mơ của chính mình.

 

CẤU TỨ LÀ GÌ?

 

Cấu tứ chỉ đơn giản là bố cục của bài thơ. Tác giả dàn thế trận chữ nghĩa sao cho đủ sức thuyết phục để độc giả đồng ý rồi đồng cảm với điều mình muốn tỏ bày.

 

Ngôn ngữ bóng đá là sắp xếp đội hình, thế trận hợp lý - kỹ thuật cá nhân của cầu thủ được phát huy tối đa, các nhóm, các tuyến công thủ phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Mục đích cuối cùng là chọc thủng lưới đối phương, đem phần thắng cho đội nhà.

 

Cấu Tứ Của Bài Thơ “Giấc Mơ Anh Lái Đò”

 

Bài thơ được chia làm 4 đoạn:

 

1/

 

Năm xưa chở chiếc thuyền này

Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều

 

Tác giả giới thiệu hoàn cảnh mà từ đó tình yêu của chàng với cô gái đã bén rễ: được mỗi chiều – bằng chiếc thuyền nhỏ bé của mình – chở cô sang bãi tước đay.

 

2/

 

Để tôi mơ mãi mơ nhiều

“Tước đay xe võng nhuộm điều ta đi

Tưng bừng vua mở khoa thi

Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng

Võng anh đi trước võng nàng

Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”

 

Tác giả không nói gì về tình yêu nhưng khi người đọc nghe chàng tâm sự là đã đưa cô vào trong cả giấc mơ “vinh quy bái tổ” của mình thì hiểu ngay rằng chàng đã yêu cô say đắm.

 

3/

 

Đồn rằng: đám cưới cô to

Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu

Nhà gái ăn chín nghìn cau

Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn

 

Tình địch của anh lái đò quá giàu, có thể tổ chức một đám cưới linh đình để lấy cô về làm vợ. Không kể việc thuê chín chiếc đò để đón dâu, đem đến nhà gái chín nghìn cau làm lễ vật mà còn có thể nạp chín nghìn quan tiền (một số tiền rất lớn) cho khoản tiền cheo, tiền cưới.

 

4/

 

Lang thang tôi dạm bán thuyền

Có người giả chín quan tiền, lại thôi

 

Trong khi cả cơ nghiệp của anh lái đò – là chiếc thuyền – đem gạ bán thì người ta chỉ trả có chín quan tiền.(3)

 

Nguyễn Bính đã chia tứ thơ thành 4 ý nhỏ, dàn thế trận chữ nghĩa một cách gọn gàng, mạch lạc, hợp lý để độc giả “thấy” được, hiểu được, và cuối cùng đồng cảm với “nỗi đau xé ruột” của mình.

 

Giới chuyên môn sẽ cho rằng Cấu Tứ của bài thơ thành công. Ngôn ngữ thì có vẻ “cao cấp” lắm nhưng ý nghĩa thì chỉ có thế.

 

Kết Luận

 

Ông Lê Thiên Minh Khoa bước vào cuộc tranh luận về thi pháp hình như chỉ để “khoe của”. Ông tuôn ra toàn những ngôn ngữ, ý niệm “đao to búa lớn”, đầy tính học thuật để “uy hiếp” chủ thể đối luận của mình và để “lòe” độc giả. Có điều chính ông cũng chưa “tiêu hóa” được những ý niệm đầy tính học thuật đó.

 

Ông chưa phân biệt được Tứ Thơ, “Bài Thơ – Tác Phẩm”, Cấu Tứ và nhất là văn bản nào đáng được trao danh hiệu Thơ và văn bản nào chỉ nên xếp vào loại “những cây dị chủng”.

 

Sau khi đọc cách hiểu Tứ Thơ trong “rừng thi pháp học” của ông Lê Thiên Minh Khoa chắc không ít độc giả đã cảm thấy hoang mang, bối rối. Mục đích của bài viết này là để “chữa cháy”. Khi đối diện với Tứ Thơ, Bài Thơ, Cấu Tứ - những danh từ rất gần gũi trong thơ – cách giải thích đơn giản của tôi hy vọng sẽ giúp quý vị tránh được một cơn nhức đầu không đáng có.

 

       Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

……………….

 

CHÚ THÍCH:

 

1/

Vài Ý Kiến Về Bình Thơ Không Thi Pháp

http://www.bongtram.com/2018/04/vai-y-kien-ve-binh-tho-khong-thi-phap.html

 

2/

Trao Đổi Với Ông Lê Thiên Minh Khoa Về Thi Pháp

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2018/04/trao-oi-voi-ong-le-thien-minh-khoa-ve.html  

 

3/  Được trích trong Giấc Mơ Anh Lái Đò Hay Mối Tình Vô Vọng (Phạm Đức Nhì)

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/06/giac-mo-anh-lai-o-hay-moi-tinh-vo-vong_1.html  

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét