(Trao đổi với Lưu Na về bài thơ Sông Lấp)
Khi
bài viết Sông Lấp - Một Bài Thơ Toàn Bích phóng đi được ít hôm tôi nhận được
vài emails – khen có, và chê cũng có. Tôi đã trả lời độc giả bằng thư riêng.
Người khen thì dĩ nhiên không có ý kiến gì thêm, còn người chê có hài lòng với
câu trả lời của tôi hay không, thú thật là tôi không biết.
Đặc
biệt có một nữ độc giả, Lưu Na trẻ hơn tôi mấy tuổi, là một cây viết kỳ cựu (ít
nhất cũng hơn tôi) trên trang web văn học TVấn & Bạn Hữu, đã có hẳn một bài
viết (ngắn) trên trang web ấy liên quan đến bài Sông Lấp - Một Bài Thơ Toàn
Bích của tôi.
Sau
đây là nguyên văn bài viết:
Lưu Na: Đồn
Nhân
đọc bài Sông Lấp – Một Bài Thơ Toàn Bích của Phạm Đức Nhì, chợt nhớ một lời đồn.
Đại
khái là Tú Xương có giao tình với Phan Bội Châu lúc đó đang trong phong trào chống
Pháp. Chỗ bến đò mà Tú Xương cảm hoài chính là chỗ ban đêm nghĩa quân lén qua
sông nên giả tiếng ếch kêu để làm hiệu. Khi đã xảy đàn tan nghé, ông Tú Vị
Xuyên mới đêm nằm nghe ếch bên tai mà nhớ lúc xưa, và “giật mình còn ngỡ (tưởng) tiếng ai gọi đò.”
Không
biết điều ấy thật bao nhiêu vì Tú Xương không bao giờ nói cho chúng ta biết,
nhưng cái lời đồn đó làm cho bài thơ càng thêm nỗi ngậm ngùi, vì tang thương của
đất trời chồng lên thêm với cái dâu bể của thời cuộc. Cái buồn trong hơi thơ của
Tú Xương càng sâu lắng.
Cũng
trong cái khoảng thời gian chống Pháp ấy thì nghĩa quân phải sinh hoạt như một
hội kín, lúc hội họp gặp nhau hân hoan tình đồng chí đệ huynh, mà ra khỏi chốn
bí mật ấy thì buồn bã phải coi nhau như người dưng nước lã, nên thành câu “sao
đang vui vẻ ra buồn bã - vừa mới quen thân đã lạ lùng”.
Đó
là bài thơ Nhớ Bạn Phương Trời của Trần Tế Xương:
Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa xa có nhớ ta không
Sao đang vui vẻ ra buồn bã
Vừa mới quen thân đã lạ lùng
Khi thấy thấy gì trong mộng tưởng
Nỗi riêng riêng đến cả tình chung
Tương tư lọ phải là trai gái
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng
Bài
thơ được cho là lời nhắn gửi âm thầm đến Phan Bội Châu, một tâm tình nhớ bạn -
“ta nhớ người xa cách núi sông, người xa, xa có nhớ ta không”. Những câu sau
nói lên hoàn cảnh tâm tình của lớp người chống Pháp. Sinh hoạt trốn lánh kiểu hội
kín (mượn chữ của Tạ Chí Đại Trường), nỗi niềm riêng phải sống để dạ chết mang
theo chứ không thể thổ lộ ngay cả với người đồng tịch đồng sàng - “nỗi riêng riêng đến cả tình chung”.
Trong
đêm vắng nỗi buồn thật mênh mang - một ngọn đèn một tiếng trống, lại nhuốm chút
đắng cay chua chát, đó chính một trademark (thuơng hiệu) trong hơi thơ của Tú
Xương, trong những lời kiêu bạc mà chứa đầy nỗi cô đơn:
Tương tư lọ phải là trai gái
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng
Nói
cho ngay tình, cả cái tựa của bài bài thơ nhớ bạn tôi cũng không dám chắc là
đúng, và những gì đọc được cũng chỉ là đồn đoán (bàn đề!!!!) khi còn đang học
trung học, nhưng lúc đó đọc được 2 câu đầu thôi mà nỗi buồn man mác không nói
ra lời vương mãi vào lòng.
Phải
chăng lời đồn cũng có lời thi vị làm mình muốn nhớ hoài?
Lưu Na
01/09/2014
nguồn:
t-van.net
Và
đây là bài viết trả lời của Phạm Đức Nhì:
CŨNG CHỈ LÀ LỜI ĐỒN
“Mẩu
viết ngắn” với cái tựa chỉ có một chữ Đồn nhưng đã thổi một luồng gió mát vào
bài viết khá khô khan của tôi. Trong số những phản hồi về bài viết Sông Lấp - Một
Bài Thơ Toàn Bích, tôi thích nhất là “mẩu viết ngắn” ấy.
Nó
đã cho người đọc một góc nhìn mới về bài thơ Sông Lấp và đưa dẫn tứ, ý của bài
thơ về một chân trời mới. Theo Lưu Na, tác giả của “luồng gió mát”, thì có lời
đồn như sau:
Đại khái là Tú Xương có giao tình với
Phan Bội Châu lúc đó đang trong phong trào chống Pháp. Chỗ bến đò mà Tú Xương cảm
hoài chính là chỗ ban đêm nghĩa quân lén qua sông nên giả tiếng ếch kêu để làm
hiệu.
Khi đã xảy đàn tan nghé, ông Tú Vị Xuyên mới
đêm nằm nghe tiếng ếch bên tai mà nhớ lúc xưa, và giật mình còn ngỡ (tưởng) tiếng
ai gọi đò…
Lời
đồn ấy có thể tin được lắm chứ! Phan Bội Châu sinh năm 1867, lớn hơn Tú Xương 3
tuổi, đỗ Giải Nguyên năm 1900.
Trong
vòng 5 năm sau khi đỗ Giải nguyên, Phan Bội Châu bôn ba khắp nước Việt Nam kết
giao với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,
Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành), Đặng Nguyên Cẩn, Ngô
Đức Kế, Đặng Thái Thân, Hồ Sĩ Kiện, Lê Huân, Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Lê Đại,...(1)
Tuy
Tú Xương không nằm trong danh sách những nhà yêu nước - cùng với Phan Bội Châu
- có những hoạt động tích cực chống Pháp, nhưng với văn tài, với những bài thơ
thấm đẫm lòng yêu nước của ông, việc Phan Bội Châu có giao tình với ông là việc
có thể xảy ra lắm. Thêm vào đó lại còn bài thơ Nhớ Bạn Phương Trời.(2)
Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa, xa lắm, nhớ ta không?
Sao đang vui vẻ ra buồn bã?
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng
Lúc nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng
Nỗi riêng riêng cả đến tình chung
Tương tư lọ phải là trai gái
Một ngọn đèn khuya trống điểm thùng
thì
tra cứu trong tập Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình, tôi thấy ở phần chú
thích đã được ghi rõ ràng là: “Bài này
tác giả viết tặng Phan Bội Châu”. Như vậy, phần đầu của lời đồn về mối giao
tình đã trở thành sự thật.
Riêng
phần còn lại của lời đồn:
Chỗ bến đò mà Tú Xương cảm hoài chính là chỗ
ban đêm nghĩa quân lén qua sông nên giả tiếng ếch kêu để làm hiệu. Khi đã xảy
đàn tan nghé, ông Tú Vị Xuyên mới đêm nằm nghe tiếng ếch bên tai mà nhớ lúc
xưa, và giật mình còn ngỡ (tưởng) tiếng ai gọi đò…
thì
chưa thể kiểm chứng được.
Thôi
thì cứ cho toàn bộ lời đồn ấy là thật và xem lại bài Sông Lấp của Tú Xương:
Sông
xưa rày đã nên đồng
Chỗ
làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Vẳng
nghe tiếng ếch bên tai
Giật
mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
trong
đó tiếng ai gọi đò (chữ nghiêng) ám chỉ tiếng ếch kêu làm hiệu của nghĩa quân để
gọi đò qua sông. Bốn chữ “tiếng ai gọi đò” được viết nghiêng là để phân biệt với
tiếng gọi đò bình thường của khách trong cuộc sống hàng ngày ở bến đò.
Để người
đọc có thể hiểu được cái ẩn ý ấy người làm thơ phải có một đoạn chú thích.
Nhưng
có những bài thơ sử dụng phép ẩn dụ mà lại ở vào thế “tấn thối lưỡng nan”,
nghĩa là có hai đặc tính mâu thuẫn: Bất khả chú thích và bất khả liên tưởng.
Tác giả không thể chú thích rõ ràng để người đọc dễ hiểu, thường là vì ba lý
do:
1/
An ninh: Có thể bị tù tội, có khi mất đầu.
2/
Tế nhị: Không muốn công khai xúc phạm đối tượng của phép ẩn dụ; như thế sỗ sàng
quá.
3/
Kỹ thuật thơ: Chú thích sẽ “bật mí” ẩn ý, sẽ giết chết phép ẩn dụ.
Còn
người đọc thì không thể dùng khả năng liên tưởng để hiểu ý được vì khoảng cách
giữa tứ và ý quá xa, không thể bắc cầu.
Bài
thơ Sông Lấp (nếu chấp nhận toàn bộ lời đồn là thật) ở vào trường hợp này.
Trường
hợp chấp nhận hy sinh phép ẩn dụ để đi về hướng lời đồn, đưa đoạn chú thích vào
bài bình thơ thì, bài thơ, dù vẫn còn nguyên 4 câu, 28 chữ (không thay đổi chữ
nào) nhưng cấu tứ đã trở nên rời rạc, lỏng lẻo.
Hồn
cốt của bài thơ hoàn toàn nằm trong tiếng ếch và tiếng gọi đò. Con sông còn đấy
hay đã bị lấp cũng không quan trọng. Giả sử gia đình ông Tú dời nhà xa hẳn con
sông Vị Hoàng. Cơn mưa đêm vừa tạnh; tiếng ếch kêu từ ruộng mạ nhà ai vọng lại.
Ông giật thót mình rồi cao hứng viết bài thơ.
Lúc
ấy chỉ tiếng ếch kêu cũng đủ gợi nhớ đến tiếng gọi đò của nghĩa quân. Hai câu đầu
và cả cái tựa Sông Lấp của bài thơ cũng có thể vứt đi để thay bằng hai câu
khác, cái tựa khác, mà vẫn không ảnh hưởng gì đến tứ thơ.
Mất
đi phép ẩn dụ tài tình, mất đi tính chất đắc địa của câu chữ, mất đi cái tâm
tình hoài cổ khi tận mắt chứng kiến nền Nho Học đang dần dần tàn lụi, Sông Lấp,
với cách hiểu ấy, đã mất hẳn bản sắc của nó, chắc không thể có chỗ đứng trang
trọng trong lòng người yêu thơ như ngày hôm nay.
Để
viết một bài bình thơ tác giả thường dựa vào văn bản, lịch sử, văn học sử, sự
hiểu biết về thơ, kinh nghiệm làm thơ và một chút trực giác trong việc cảm nhận
thơ ca của mình.
Những
giai thoại, những lời đồn trong làng thơ, theo tôi, chỉ nên được xem như những
chiếc lá, những bông hoa trang điểm chứ không nên đưa vào làm thân, làm gốc cho
một bài bình thơ.
Nhưng
dù sao đi nữa cũng xin thành thật cám ơn Lưu Na. “Mẩu viết ngắn” với tựa chỉ một
chữ ĐỒN ấy đã làm bài viết của tôi
tươi mát hơn. Tôi đã có dịp nhìn lại bài thơ Sông Lấp một lần nữa, kỹ càng hơn,
cẩn trọng hơn. Và đã nhận ra rằng:
“Lời đồn, dù có căn cứ, dù đầy tính thuyết phục,
cũng chỉ là… lời đồn.”
…………
Chú thích:
1/
Báo Nghệ An
https://baonghean.vn/phan-boi-chau-nha-nho-yeu-nuoc-tieu-bieu-dau-the-ky-xx-post118156.html
2/
Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình, NXB Giáo Dục, 2004 (tr.914)
Phạm Đức Nhì
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét