Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

THỜI ÁO LÍNH : Hồi ký / Trần Mỹ Giống

 



       THỜI ÁO LÍNH : Hồi ký / Trần Mỹ Giống. – H. : Nxb. Quân đội nhân dân, 2018. – 190 tr. ; 21 cm. – Xuất bản lần thứ 2 năm 2019.

      

       Năm 2018 “Thời áo lính” được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in bao cấp, phát hành cho các thư viện trong Hệ thống Thư viện Quân đội.

Năm 2019, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in “Thời áo lính” lần thứ 2 theo “đơn đặt hàng của nhà nước”, phát hành cho các thư viện cấp Bộ, Viện, Trường đại học, quốc gia, tỉnh thành…

       Sách được xuất bản hai lần đều cấp cho các thư viện mà không bán. Tác giả xin được nhận nhuận bút bằng sách tặng biếu bạn bè.

 

       “Thời áo lính” được tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lương Thế Vinh lần thứ VIII (2016 – 2020).

 

       Nội dung hồi ký có hai phần:


       Phần 1:

       - Gia đình.

- Đi học.

       - Vui duyên mới không quên nhiệm vụ.

       - Từ Côn Sơn đến Thạch Hãn.

       - Những mảnh ký ức về đồng đội.

       - Lên chốt.

       - Trận Cửa Việt.

       - Học sĩ quan lục quân.

       - Tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

       - Chuyển ngành.


       Phần 2:

       - Trở về Trường đại học.

       - Về với đời thường.

       - Công tác Thư viện.

       - Tổ ấm gia đình.

       - Lý lịch nghệ thuật.

 

       Cảm ơn Nxb. Quân đội nhân dân đã xuất bản 2 lần và có bài giới thiệu “Thời áo lính” trong mục “Sách hay nên đọc”. Cảm ơn nhà thơ đại tá Trần Văn Thuyên đồng cảm qua bài giới thiệu “Thương bạn”. Cảm ơn đồng nghiệp Thùy Nhung cán bộ Thư viện tỉnh Vĩnh Long đã viết bài giới thiệu “Thời áo lính” trên trang Thư viện Vĩnh Long…

Xin chọn đăng lại bài giới thiệu trên Tạp chí Văn Nhân của tác giả Tống Thị Hạnh - cán bộ Thư viện tỉnh Nam Định về cuốn sách này.  

 

       THỜI ÁO LÍNH - MỘT HỒI KÝ TRUNG THỰC

       (Thời áo lính: Hồi ký / Trần Mỹ Giống. - H.: Quân đội nhân dân, 2019)

 

                                     Tống Thị Hạnh

 

       Tôi được biết về cuốn “Thời áo lính” của bác Trần Mỹ Giống khi còn là những trang bản thảo với gần 40 nghìn  con chữ. Người tiền bối đáng kính của chúng tôi, ở tuổi 70, vẫn cặm cụi bên chiếc máy tính cũ kỹ. Miệt mài và nhẫn nại. Dốc tâm, dồn lực. Viết để nhìn lại, để kết nối, xâu chuỗi những sự kiện đời mình. Để giãi bày. Để yêu thương hơn những buồn - vui, sướng - khổ. Và cũng để nguôi ngoai những nhớ thương bạn bè, đồng đội của một thời xưa cũ.

       Sách được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân biên tập gọn ghẽ trong 190 trang in, khổ 14,5 x 20,5 cm, ấn hành năm 2018, đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), phát hành cho các thư viện trong hệ thống thư viện quân đội. Năm 2019, cuốn Thời áo lính của bác lại được nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản lần hai số lượng ngàn cuốn theo đơn đặt hàng của nhà nước phát hành trong các thư viện thuộc hệ thống thư viện công cộng nhà nước. Với bác - một người cựu chiến binh, đó là mốc dấu thực sự ý nghĩa.

       Tôi đã đọc “Thời áo lính” trong một đêm. Bằng tâm thế của một độc giả. Vẫn vẹn nguyên nỗi xúc động khi chứng kiến thăng - trầm trong cuộc đời người lính. Vẫn bị cuốn hút bởi những câu chuyện ngỡ đã thân quen. Những câu chuyện ấy, phần nhiều tôi đã được nghe, hoặc được chứng kiến. Vì với gia đình tôi, bác vốn là người gần gũi, gắn bó. Còn với tôi, bác là bậc tiền bối đáng kính, đã dìu dắt tôi từ những ngày chập chững vào nghề.

       Cuốn sách chia hai phần: Phần một tái hiện cuộc sống gian khổ ác liệt đầy biến cố của tác giả và đồng đội những năm tháng chiến đấu ở Quảng Trị và Lạng Sơn từ 1971 đến 1980. Phần hai viết về cuộc sống đời thường vượt lên khó khăn giữ vững phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ… Xoay quanh đó, là chuyện quê hương, gia đình, bè bạn, chuyện học hành, chuyện công việc, với muôn mặt đời thường, với ngổn ngang nhân tình thế thái.

 

       Tháng 9 năm 1971, khi đang là sinh viên năm thứ 4 Đại học Thư viện, bác nhập ngũ biên chế tại đại đội 10 Tiểu đoàn 19 Trung đoàn 101 Sư đoàn 325. Với bác “Đi bộ đội như một việc tất nhiên phải thế” dù biết rõ “những năm 1970 - 1972, đi bộ đội vào Nam chiến đấu rất ít hy vọng có ngày trở về”.

       Qua thời gian huấn luyện về chiến thuật, chiến lược, kỹ thuật sử dụng vũ khí và tác chiến, Trung đoàn được lệnh đi Nam. Hai tháng hành quân từ núi Côn Sơn (Chí Linh - Hải Dương) tới Quảng Trị đã thực sự gian khổ. “Sự gian khổ nhiều khi đến cơ cực với người gầy yếu “gió thổi bay” như bác. Nhưng con đường trước mắt còn ác liệt bội phần. “Đó là chiến trường thực thụ, là lò lửa khủng khiếp của bom đạn, đó là sự hy sinh, mất mát để giành lấy độc lập, tự do và cuộc sống hòa bình của dân tộc” (Tr. 63)…

       Lật giở từng trang sách, trước mắt tôi hiển hiện hình ảnh những người lính áo quần bám đầy bụi đất khói súng, răng trắng ởn, mắt lấp lóe ánh đèn dù, tóc bết vào thái dương, mồ hôi chảy giọt trên khuôn mặt xạm đen khói súng, mấy giọt rớt trúng nòng súng sủi lên rồi biến mất… Chỉ mấy dòng mô tả như thế đã làm người đọc cảm nhận được cuộc chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972 của những người lính ác liệt biết chừng nào.

       Khi viết hồi ký, bác chỉ mong giãi bày những gì hiện hữu trong đời mình, không tham vọng đại diện cho “người của một thời”, nhưng sự khốc liệt của chiến tranh vẫn hiện lên rõ nét qua những cảm xúc riêng tư của người lính chiến: những khắc khoải cách xa, những lo âu trĩu nặng, có tinh thần phơi phới, có cả nỗi buồn và nỗi hoang mang. Người đọc thấy thấm thía nỗi buồn chiến tranh không chỉ qua những trận đánh, những đạn bom, chết chóc, hy sinh mà qua cả sự gấp gáp, vội vàng của “đám cưới thời chiến” trước khi người lính đi B; qua câu chuyện người mẹ dáng “gầy quắt queo, bước liêu xiêu” vẫn đủ sức đi bộ hàng trăm cây số lên nơi con đóng quân. Người mẹ ấy, suốt quãng thời gian con chiến đấu ở Quảng Trị, “đã đi kêu cầu, cúng bái ở nhiều chùa, đốt cơ man là lính giấy để “bảo vệ” thằng con cả của bà”.

       Rời cuộc chiến, với những vinh quang và cả thất vọng, mất mát… người lính ấy lại cặm cụi học hành, lại nhiệt tâm tận hiến trong công việc, lại bươn chải mưu sinh. Có niềm vui. Có những ẩn ức, chất chứa. Nhưng điều dễ nhận thấy từ những trải nghiệm thấm thía, những suy tư sâu lắng của bác là bản lĩnh và tâm thế của một người lính vẫn sáng lên trong bất cứ hoàn cảnh nào.

       Cuốn hồi ký được viết theo mạch chảy thời gian, xen kẽ những đoạn hồi ức trong hồi ức, với lối trần thuật giản dị, thành thực. Bác cứ nhẩn nha kể hết chuyện này đến chuyện khác. Và những cảnh đời, những biến cố, những cảm xúc cứ thế đi ra từ cõi nhớ, vẹn nguyên, không chút màu mè tô vẽ, yêu - ghét thế nào bộc lộ cả ra. Cách kể thật thà, không né tránh, giấu giếm của bác có thể làm phật lòng vài người, cũng có thể làm chạnh lòng nhiều người vì chạm tới những điều rất đỗi riêng tư…

       Tôi thực sự khâm phục “sức” viết  và “sức” nhớ của bác. Bác viết nhanh, gần như không phải đắn đo, chỉnh trang câu chữ. Ở tuổi gần 70, tự nhận “trí não già nua”, lại thêm những di chứng của “nhiều lần sức ép bom B52” làm bác “suy nhược thần kinh kéo dài nhiều năm sau” bác vẫn nhớ rành rẽ từng biến cố, từng mốc dấu thời gian, từng tên người… tỉ mỉ đến chi tiết. Người ta có thể dễ dàng nhận ra những dấu ấn nghề - nghiệp in đậm trong từng trang hồi ký: nét tư duy hệ thống, mạch lạc ở người làm công tác thư viện, và cả sự cẩn trọng, cặn kẽ, chu toàn của một người làm nghiên cứu.

       Điều đọng lại trong tôi, khi đọc cuốn hồi ký là tình cảm gia đình ấm áp. Từ những chuyện mang màu sắc tâm linh về người “mẹ già” đã mất; đến chuyện về “người u” bằng thứ tình yêu vĩ đại mình mà trở thành lá chắn cho con vượt qua mưa bom bão đạn. Bởi “Những năm ấy đi chiến đấu là vào giai đoạn khốc liệt. Nói dại, nếu tôi chết, hẳn bà khó sống được. Tôi tự nhủ: Phải sống, phải hy vọng, dù có mong manh”… Rồi tình yêu bền bỉ theo thời gian của bác và người vợ hiền - vốn là đồng môn, đồng nghiệp; những sẻ chia, đùm bọc của anh chị em trong nhà; niềm tự hào khó giấu khi bác nhắc đến con, đến cháu… Cái mạch nguồn trong trẻo ấy, lặng lẽ hiện hữu giữa mảng sáng - tối đan xen, nhân lên niềm vui, và xoa dịu những muộn phiền. Suy cho cùng, cuộc sống có thế nào, với  người lính, được sống, được trở về với gia đình… vốn dĩ đã là niềm hạnh phúc!

       Thời áo lính, một cuốn hồi ký trung thực, sự kiện và suy tư như thế nào viết đúng như thế. Có lẽ đây là điều được người đọc trân trọng nhất đối với cuốn sách và tác giả.

 

      Tống Thị Hạnh

Thư viện tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0975.199.195

 

Nguồn: Tạp chí Văn Nhân. – Số 133. – 2020. – Tháng 9 & 10. – Tr. 39 – 40.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét