Lời Nói Đầu
Như bạn đọc trang Trần Mỹ Giống
đã thấy ở bài trước - “Say Đi Em” Một Bài Thơ “Tới Bến” là lối bình thơ bài bản,
tiếp cận thi phẩm một cách toàn diện theo đúng yêu cầu của các bài Luận Văn, Tiểu
Luận “trường lớp”. Bài viết kiểu này chuyên sâu và nặng tính học thuật.
Để thay đổi không khí, theo
yêu cầu của vài người, tôi sẽ đăng một số Lời Bình Ngắn để bạn đọc dễ làm quen
với cái đẹp của thơ hơn.
“Cắt Nhỏ” Cho “Vừa Miếng”
Đây là hai trong số những Lời
Bình Ngắn, đứng riêng rẽ, nhắm vào một câu, một đoạn, một ý thơ riêng biệt. Đôi
khi cũng bàn đến một điểm nhỏ (rất nhỏ) liên quan đến Thơ nói chung. Lời Bình
Ngắn cũng có khi được trích từ một bài bình thơ hoặc một bài tiểu luận bàn về
Lý Thuyết Thơ.
Mục đích của việc “cắt nhỏ”
như vậy là để “vừa miếng” cho những người mới làm quen với thơ, đang bước đầu
tìm hiểu cách thưởng thức một bài thơ, đang tìm cách trả lời câu hỏi “Thế nào
là một câu, một đoạn, một bài thơ hay?” Và “Thế nào là một câu, một đoạn, một
bài thơ dở?”.
Một đôi khi cũng có Lời Bình
Ngắn hơi “dài”. Lý do: Người viết muốn nhân tiện bàn sâu về một điểm đặc biệt
nào đó của lý thuyết thơ hay một tiêu chí quan trọng để thẩm định giá trị nghệ
thuật của bài thơ.
Có những câu thơ đứng riêng một
góc trời thì rất hay, rất tuyệt. Nhưng khi đưa vào bài thơ thì lại không hợp,
có khi còn trở thành vật cản đối với dòng chảy của tứ thơ.
Nhận biết được một câu thơ,
đoạn thơ hay là một bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, phải đặt câu thơ, đoạn thơ đó
vào khung cảnh bài thơ, cân nhắc, xem nó có “chảy” chung đường, cùng hướng với
dòng chảy của tứ thơ, có giúp hơi thơ và hồn thơ lớn mạnh hay không?
Tóm lại, nó có đóng góp cho
giá trị nghệ thuật của CẢ BÀI THƠ hay không?
MỘT MONG ƯỚC THẬT ĐÁNG THƯƠNG
Theo lời kể của nhạc sĩ Phan
Huỳnh Điểu khi đến thăm Xuân Quỳnh thì:
Nhà thơ Xuân Quỳnh rất cảm
xúc khi nghe ca khúc “Thuyền Và Biển”. Chị chỉ mong ước giữ nguyên văn câu thơ:
“Nếu phải cách xa anh, em chỉ
còn bão tố!”
Mong các ca sĩ đừng đổi lại:
“Nếu phải cách xa em, anh chỉ
còn bão tố”.
Chị không muốn xóa đi kỷ niệm
buồn đau của mình trong cuộc tình đã qua, và theo chị chắc gì nam giới đã có được
tình yêu đằm thắm, đắm say và có lúc bão tố như phụ nữ”.
Tôi rất đồng cảm với Xuân Quỳnh
về điều mong ước trên. Có điều theo tôi, tại sao lại để chị phải thốt ra những
lời mong ước đó? Các ca sĩ nếu có một chút khả năng “hiểu cảm câu chữ”thì phải
biết bản nhạc phổ thơ là tâm trạng của người phụ nữ trong chuyện tình của Thuyền
Và Biển, thuyền là nam và biển là nữ.
Bản nhạc này để nữ hát là
đúng nhất, là hợp tình nhất. Nhưng nếu nam thích thì cũng vẫn có thể hát được,
miễn là phải hiểu rằng “giọng nam của mình đang được mượn để chuyển tải tâm tình
của một phụ nữ”nghĩa là phải hát đúng nguyên văn:
Nếu phải cách
xa anh
Em chỉ còn bão
tố
Chứ nếu đổi lại:
Nếu phải cách
xa em
Anh chỉ còn bão
tố
thì sai bét. Anh là thuyền chứ
có phải là biển đâu mà bão với tố!
Tôi đã vào Youtube nghe vài
nam ca sĩ hát Thuyền và Biển.
Đáng buồn là nghe 5 ca sĩ hát
thì cả 5 đều hát sai.(3)
Rất mong các nam ca sĩ xem lại
để hát cho đúng. Trước hết, để tỏ lòng tôn trọng Xuân Quỳnh, một nữ sĩ tài danh
đã mất, thứ đến để chứng tỏ đẳng cấp nghệ sĩ của mình, có thể hiểu, cảm tâm trạng
của tác giả và thả hết tâm hồn vào lời ca, nốt nhạc chứ không phải là người vô
trách nhiệm, tự động sửa lời bản nhạc của người ta theo ý mình, chẳng cần biết
đúng sai, và cứ thế nhắm mắt hát bừa, hát bậy.
Dưới đây là 5 ca sĩ:
(https://www.youtube.com/watch?v=OlDLsnO4gIE,
nam ca sĩ
Nguyên Trường)
(https://www.youtube.com/watch?v=zKgiych7wPw,
nam ca sĩ
Quang Lý)
(https://www.youtube.com/watch?v=hseI9n78c9k,
nam ca sĩ
Trung Đức)
(https://www.youtube.com/watch?v=zrF1tNqLcvg,
nam ca sĩ
Cao Minh)
(https://www.youtube.com/watch?v=2-4yQ-EVlEY,
nam ca sĩ
Ngọc Sơn)
(Trích trong Thuyền Và Biển -
Ngọt Bùi Cay Đắng Của Tình Yêu,
Phạm Đức Nhì, t-van.net)
TÔ ĐÔNG PHA SỬA THƠ VƯƠNG AN THẠCH
Vương An Thạch trong lúc du học
ở đảo Hải Nam đã làm một bài thơ trong đó có hai câu rất lạ:
Minh Nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm
Dịch nghĩa:
Trăng sáng hót đầu núi
Chó vàng nằm (trong) lòng hoa
Thi hào Tô Ðông Pha tình cờ đọc
được, thấy “sai” (trăng sáng làm sao hót trên đầu núi và chó vàng làm sao nằm
trong lòng hoa được) nên đã sửa lại hai chữ cuối cho đúng nghĩa hơn.
Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm
Dịch nghĩa:
Trăng sáng rọi đầu núi
Chó vàng nằm (dưới) bóng hoa
Chuyện sửa thơ đến tai Vương
An Thạch (lúc ấy đang là Tể Tướng) nên họ Vương đã bổ nhiệm Tô thi hào một chức
quan ở Hải Nam. Sau đó Tô Ðông Pha mới khám phá ra ở địa phương này có loại
chim tên là Minh Nguyệt, hay hót trên đầu núi, và có một loại sâu tên là Hoàng
Khuyển, chỉ thích nằm trong lòng hoa! Và người kể chuyện kết luận “Lúc ấy Tô
Ðông Pha mới biết là mình xớn xác, bồng bột và thấy được cái thâm trầm của Vương
An Thạch.”
Theo tôi, việc Tô Đông Pha sửa
thơ không có gì là “xớn xác, bồng bột” hết. Người đọc thơ, bình thơ – trong thế
giới thơ rộng lớn - không thể biết và không có bổn phận phải biết những chi tiết,
sự việc chỉ có, chỉ xảy ra ở một địa phương nhỏ bé.
Chính thi sĩ - để hoàn thành
chức năng truyền thông của bài thơ - phải chú thích để người đọc biết, hiểu những
chi tiết, sự việc có tính chất địa phương ấy. Lỗi và trách nhiệm ở đây nằm trên
hai vai Vương An Thạch chứ không phải Tô Đông Pha.
Phạm Đức
Nhì
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét