TÁC GIẢ HÁN – NÔM NAM ĐỊNH: Thế kỷ XI – Đầu thế kỷ XX / Trần Mỹ Giống. – Nam Định : Hội Văn học Nghệ thuật, 2008. – 200 tr. ; 21 cm.
Nam Định, miền quê địa linh nhân kiệt có nhiều tác giả Hán Nôm nổi tiếng như Dương Không Lộ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Tung, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Lương Thế Vinh, Vũ Huy Trác, Đặng Xuân Bảng, Phạm Văn Nghị, Trần Bích San, Trần Tế Xương... đã để lại cho dân tộc ta một di sản đồ sộ những tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực: chính trị, văn hoá xã hội, quân sự, ngoại giao, văn học nghệ thuật, giáo dục, y học, thiên văn, tôn giáo, pháp luật, địa chí, lịch sử...
Phần lớn các tác giả Hán Nôm là Cử nhân, Tiến sĩ. Họ là những nhà trí thức thời phong kiến, ít nhiều đều có trước tác, nhưng vì những lý do khác nhau mà phần lớn các tác phẩm của họ đã thất truyền hoặc chúng tôi chưa sưu tầm được. Ngay cả tác giả nổi tiếng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có 3 tác phẩm, nay chỉ còn giữ được một. Những lớp người sau đã có nhiều cố gắng nhưng chưa sưu tầm lại được đầy đủ các trước tác của tiền nhân.
Tác giả Hán Nôm Nam Định TKXI - TKXX giới thiệu 205 tác giả Nam Định có tác phẩm viết bằng chữ Hán, chữ Nôm từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX, để phục vụ việc sưu tầm, lưu trữ, nghiên cứu, giáo dục truyền thống của địa phương.
Nội dung sách gồm hai phần:
- Phần I: Lược truyện các tác giả Han Nôm Nam Định giới thiệu sơ lược tiểu sử, sự nghiệp và thống kê các tác phẩm của từng tác giả.
-
Phần II: Phụ lục thơ và
câu đối cùng các bảng tra.
Ở phần trích tác phẩm, chúng tôi không trích in các tác phẩm viết bằng văn xuôi (vì thường quá dài), các tác phẩm nổi tiếng đã được công bố nhiều lần. Tác giả thơ có nhiều bài, chúng tôi chỉ giới thiệu một số bài chưa từng được dịch và công bố rộng rãi, nhằm tạo ra lượng thông tin mới. Đối với tác giả mà hầu hết trước tác đã thất lạc, chúng tôi cố sưu tầm lấy một vài câu đối hiện đang được lưu giữ trong các danh thắng, đền, miếu, từ đường dòng họ để đưa vào sách.
Nhằm tạo điều kiện cho bạn đọc sử dụng sách thuận lợi chúng tôi lập ra các bảng tra sau:
1- Bảng tra tên tác giả, bút danh, tên tự, tên hiệu... xếp theo vần chữ cái họ tên nhân vật.
2- Bảng tra tác giả xếp theo thời gian từng thế kỷ.
3- Bảng tra tác giả theo địa danh huyện, thành phố hiện nay.
4- Bảng tra tên tác phẩm.
Cuối cùng là danh sách tài liệu tham khảo làm cơ sở để soạn cuốn sách này.
Tác giả Hán Nôm Nam Định soạn ra lần đầu không tránh khỏi những thiếu sót cả về tác giả và tác phẩm, nhất là phần dịch thơ còn chưa hay. Lượng thông tin giữa các phần, giữa các tác giả chưa thật cân đối. Vì muốn cố phác họa được diện mạo các tác giả mà trước đây chưa ai sưu tầm, khai thác, nên chúng tôi rất cần được bổ sung nhiều tài liệu hơn nữa. Mong các bạn đọc xa gần giúp đỡ bổ khuyết.
Chúng tôi xin cảm ơn các cơ quan, đơn vị và cá nhân đã giúp đỡ chúng tôi trong việc biên soạn cuốn "Tác giả Hán Nôm Nam Định" này. Đặc biệt chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Dương Văn Vượng - Nguyên chuyên viên Hán - Nôm Ban quản lý di tích tỉnh Nam Định, đã giúp đỡ chúng tôi trong việc phiên âm, dịch nghĩa và chỉnh lý tư liệu Hán Nôm.
Trân
trọng mời bạn đọc tham khảo bài giới thiệu của tác giả Hoàng Ngọc Trì.
BƯỚC ĐẦU ĐÁP ỨNG NHU CẦU NGƯỜI ĐỌC
Ts. Hoàng Ngọc Trì
Nam Định là một trong những tỉnh có đội ngũ tác giả Hán, Nôm đông đảo nhất trong cả nước. Nhưng họ là những ai và số lượng là bao nhiêu thì trước khi quyển sách "Tác giả Hán - Nôm Nam Định” (Thế kỷ XI - đầu thế kỷ XX) của Trần Mỹ Giống được xuất bản, người đọc Nam Định vẫn chưa được rõ.
Từ kết quả nghiên cứu của một đề tài khoa học cấp tỉnh đã được nghiệm thu, Trần Mỹ Giống đã tổ chức thành một cuốn sách giới thiệu trên 200 tác giả Hán - Nôm trong suốt mười thế kỉ - từ thế kỉ XI đến thế kỉ XX. Trừ một số ít tác giả còn sống đến giữa và cuối thế kỉ XX như Đặng Xuân Viện, Trần Tuấn Khải... có viết bằng chữ quốc ngữ, còn lại hầu hết các tác giả trong cuốn sách là những người viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Đóng góp lớn nhất của tác giả cuốn sách là kết quả sưu tầm. Nhờ có nhiều năm làm công tác thư viện, có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều cơ quan văn hoá khác trong tỉnh và ở Trung ương, Trần Mỹ Giống đã tập hợp được một khối lượng tư liệu phong phú về các tác giả Hán - Nôm trong tỉnh không chỉ trong lĩnh vực văn học mà cả ở những lĩnh vực khác như y học, sử học, địa lý học, nông học... Biên soạn công trình này, Trần Mỹ Giống đã kế thừa được kết quả nghiên cứu của những người đi trước, nhất là đối với những tác giả đã quen thuộc với người đọc như: Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương... Nhưng ngay cả đối với những tác giả này, người biên soạn cũng có nhiều tìm tòi mới hoặc ít, hoặc nhiều về kết quả sưu tầm, cả về tiểu sử, tác giả và tác phẩm. Còn đối với những tác giả mà người đọc ít biết hoặc chưa biết đến như: Bùi Tân, Đồ Tĩnh, Nguyễn Thế Trân, Nguyễn Tử Đô, Trần Duân... thì công sức người biên soạn phải bỏ ra nhiều hơn, phải đối chiếu nhiều nguồn tư liệu khác nhau cả phần tiểu sử và tác phẩm để tránh được đến tối đa những sai lầm đáng tiếc.
Phần lớn các tác giả Hán - Nôm đều qua khoa bảng từ thấp đến cao. Có nhiều người thi đỗ, cũng có người không đỗ đạt gì nhưng đã qua khoa bảng thì họ đều có sáng tác thơ ca và các thể loại khác theo yêu cầu của khoa cử. Tuy nhiên, trong số hơn 200 tác giả được giới thiệu trong cuốn sách này có một số người chỉ để lại được một bài văn bia, một bức thư, một đôi câu đối, thậm chí chỉ một vế câu đối. Ít ỏi vậy nhưng cũng rất đáng quý và những người làm ra chúng vẫn xứng đáng được gọi là tác giả và mọi người đều biết rằng đằng sau chúng là những tác phẩm, những công trình vẫn còn nằm đâu đó hoặc đã vĩnh viễn mất đi. Vì vậy những bản phác thảo của Trần Mỹ Giống về những tác giả còn ít được biết đến có giá trị gợi ý và định hướng cho những người nghiên cứu tiếp theo.
Đối với những cây đại thụ của văn hoá trung cận đại Việt Nam như: Ngô Thế Vinh, Đặng Xuân Bảng, Đặng Xuân Viện, Trần Tuấn Khải, công sức của người biên soạn không phải là ở phần tiểu sử mà là ở phần sưu tầm các tác phẩm. Anh đã đưa ra được những bản liệt kê khá đầy đủ những tác phẩm của các tác giả uyên bác và tài hoa về nhiều mặt này. Họ là những người có niềm say mê sáng tác, nghiên cứu và có sức làm việc đáng kinh ngạc. Ngô Thế Vinh có tới gần ba chục tác phẩm viết riêng và trên ba chục tác phẩm công trình viết chung. Đặng Xuân Bảng, Đặng Xuân Viện đều có trên hai mươi tác phẩm công trình ở nhiều thể loại. Trần Tuấn Khải là cây bút tài hoa về nhiều mặt, là một dịch giả nổi tiếng với gần 20 dịch phẩm, trong đó có những dịch phẩm là những bộ tiểu thuyết đồ sộ, nổi tiếng của Trung Quốc như: "Đông Chu liệt quốc”, "Hồng lâu mộng”, "Thủy hử”...
"Tác
giả Hán - Nôm Nam Định” là một công trình biên soạn, sưu tầm công phu, nghiêm túc. Có thể nói, rồi đây trên đất Nam Định sẽ có những công trình nghiên cứu sâu vào từng tác giả do Trần Mỹ Giống giới thiệu và có thể là sẽ có những tác giả, tác phẩm được giới thiệu thêm. Nhưng có thể nói rằng, với công trình biên soạn này, Trần Mỹ Giống đã bước đầu đáp ứng được niềm mong đợi của người đọc Nam Định về sự hiểu biết đến đội ngũ tác giả Hán - Nôm, trên các lĩnh vực trong suốt mười thế kỉ ở thời trung cận đại Việt Nam.
Tiến
sĩ Hoàng Ngọc Trì.
..............................
Nguồn: Tạp chí Văn nhân. - 2009. - Tr. 63 - 64
* Tác phẩm này hoàn thành trong năm 1996. Sau đó được lấy làm "xương sống" cho công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Hệ thống đặc điểm đội ngũ tác giả Hán - Nôm Nam Định thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX" do Thư viện tỉnh Nam Định thực hiện. Năm 2003 công trình được tỉnh nghiệm thu đoạt loại xuất sắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét