Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

LỜI CỤ HỒ CA NGỢI VUA GIA LONG BỊ CẮT BỎ, HÃY TRẢ CHỮ LẠI CHO CỤ HỒ ĐI! / Hoàng Hải Vân

 



       Gia Long là vị minh quân có thể nói là vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Cái tên Việt Nam là do ông chính thức đặt làm quốc hiệu nước ta, ông là vị hoàng đế lần đầu tiên thống nhất sơn hà liền một dải từ Ải Nam quan đến Cà Mau cùng với một vùng biển đông rộng lớn với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, tạo nền móng vững chắc cho nước Việt Nam thống nhất ngày hôm nay.

       Vị hoàng đế vĩ đại đó mấy chục năm nay đã bị giới sử học và chính trị hiện đại dìm xuống bùn, bị bôi nhọ, bị mô tả bằng những lời lẽ xấc láo hỗn xược mang ra dạy học trò. Từ năm 1975, tất cả những con đường mang tên ông đã bị tháo bỏ. Gần đây, giới sử học bắt đầu đánh giá lại vai trò của nhà Nguyễn nhằm trả lại sự thật cho lịch sử, việc ca ngợi vua Gia Long không còn bị cấm cản, nhưng ông vẫn bị sử sách chính thống đặt dưới bùn đen. Một đề nghị đặt con đường mang tên ông vẫn chưa ai dám.

       Trong khi 100 năm trước, cụ Hồ Chí Minh, lúc đó mang tên Nguyễn Ái Quấc, đã viết tác phẩm “Les lamentations de Trung Trac” (Lời than vãn của bà Trưng Trắc) đăng trên báo L’Humanité của Pháp số ra ngày 24-6-1922, nhân vua Khải Định sang Pháp. Tác phẩm này mượn lời bà Trưng ca ngợi lịch sử dân tộc để chỉ trích Khải Định, trong đó có một đoạn ca ngợi vua Gia Long hết cỡ. Nguyên văn như sau:

       “Avec un courage invincible et une vertu immaculée, qui furent comme le vrai or qui brille avec mille éclairs après avoir subir mille épreuves du feu, ton aúeul Gia Long, plusieurs fois noble et valeureux, vous a laissé, après des pérípéties et des souffrances incalculables, un pays riche, un peuple indépendant, une nation respectée parles forts et aiméeparles faibles, un avenirplein de vie et d’évolution”. (Xem hình chụp bài trên báo L’Humanité kèm ở dưới)

       (Với lòng quả cảm vô song và với đức hạnh trong sáng không tì vết, như vàng ròng lấp lánh sau ngàn lần thử lửa, ông tổ ngươi (“ngươi” ở đây là Khải Định), vua Gia Long tôn quí và tài ba bội phần, sau biết bao thăng trầm và khổ đau vô bờ, đã để lại cho ngươi một đất nước giàu có, một dân tộc độc lập, một quốc gia được các kẻ mạnh vị nể và kẻ yếu kính mến, với một tương lai đầy sức sống và triển vọng).

       Cụ Hồ dùng chữ “trong sáng không tì vết”, đủ thấy cụ đã đánh giá vua Gia Long là người như thế nào, không cần bình luận thêm. Điều lạ lùng là đoạn cụ Hồ viết về vua Gia Long đã bị cắt bỏ khi tác phẩm được dịch ra tiếng Việt đăng trên các tuyển tập Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh toàn tập.

       10 năm trước, Giáo sư Đào Hùng và nhà báo Thuỷ Trường (đại tá tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan) đã viết bài “Sao lại tự tiện cắt bỏ một đoạn văn của Nguyễn Ái Quốc?” đăng trên Tạp chí Xưa & Nay Số 409, tháng 8/2012, sau khi nhà báo – nhà sử học Thuỷ Trường phát hiện ra sự cắt xén này. Các tác giả đặt câu hỏi, vì sao có sự sơ suất đó, ai là người tùy tiện cắt xén và đề nghị các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, nơi chịu trách nhiệm xuất bản toàn bộ các văn kiện của Hồ Chí Minh, cần xác nhận và đính chính trong những lần tái bản khác. Nhưng 10 năm qua, lời đề nghị này vẫn rơi vào im lặng. Học trò vẫn học, vẫn đi thi về tác phẩm của cụ Hồ nhưng tuyệt nhiên không có đoạn văn quan trọng nói trên.

       Cắt xén một đoạn văn của lãnh tụ không chỉ xúc phạm lãnh tụ mà trong trường hợp này còn khiến cho sử sách nước nhà bị làm cho xiêu lệch. Người cắt có lẽ đã chết rồi, nhưng người sống phải chịu trách nhiệm nếu không chịu sửa sai.

       Hãy trả chữ của cụ Hồ lại cho cụ Hồ đi !

                     HOÀNG HẢI VÂN

(Cám ơn em tui, nhà báo Nguyễn Tiến Trình đã gợi ý)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét