Thứ Ba, 6 tháng 8, 2024

“HÀNH GIẢ CHI CA” CỦA ĐẶNG TIẾN (THÁI NGUYÊN), MỘT BÀI THƠ LÀM SẢNG KHOÁI TÂM HỒN / Châu Thạch

 


 

       Thú thật tôi không rành chữ Hán nên không hiểu hết tựa đề của bài thơ,  xin tạm dịch thô thiển  “Hành Giả Chi Ca” là “Bài Thơ của Vị Tăng Đi Khất Thực”. Nếu dịch sai hay thiếu xin lượng thứ.

Đây là bài thơ ai đọc cũng biết viết về nhà sư Thích Minh Tuệ, một hiện tượng mới trong xã hội và trong lịch sử đạo Phật Việt Nam.  Trong bài viết nầy tôi chỉ cảm nhận những cái hay của thơ, còn những mặt khác của hiện tượng tôi không dám bàn đến.

       Đọc khổ đầu của bài thơ ta thấy hình ảnh một con người cô đơn, nhưng con người cô đơn ấy rất tự tại, thong dong và  ngạo nghễ:

Ta đi! Một mình trên đường lớn!

Không xe máy lạnh chẳng lọng che

Không tụng niệm loa vang dậy đất

Không hoa không cờ. Không có gì...

Khổ thơ có nhiều chữ không, nhưng mỗi chữ không cho ta một cảm xúc như nhẹ bớt trong tâm hồn, vơi bớt những vướng bận nặng nề trong tâm tư, trên thể xác. Nhớ một đoạn thơ trong bài Hành của Thâm Tâm: “Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!/ Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say”. Chữ  “thà” ở đây cũng chỉ một sự buông bỏ để thành không, nhưng sao buồn quá, còn chữ “không” của Đặng Tiến thì nghe như những tiếng reo vui.

 

Khổ thơ thứ hai cũng cho ta nhiều chữ không. Không chùa, không thiền viện, không rao giảng, khôngt báng bổ và không để ý đến sự khen chê của người đời:

       Không đệ tử kẻ hầu người hạ,

Không chùa chiền, thiền viện cũng không

Không giao giảng càng không báng bổ

Ai khen ai chê cũng mặc lòng.

       Đọc khổ thơ nầy ta thấy vị tăng đi khất thực độc đáo, đôc đáo ở chổ giống một con thuyền trôi trên biển, trong lòng thuyền cũng trống rỗng,  nó trôi lênh đênh vô định mà trăng thanh gió mát hay bảo táp mưa sa thì cũng thế, con thuyền vẫn trôi êm đềm trên mặt nước.

 

Vào khổ thơ thứ ba và thứ 4 cho ta nhìn thấy một cõi vô vi trong đời sống của nhà sư, cõi vô vi đó thanh thản đến vô biên nhưng lại nằm ngay trong sự xô bồ của trần thế:

Trời đất làm nhà, ăn một bữa

Cỏ vuông làm chiếu, nước một chai

Bát khất thực lõi nồi cơm điện

Chắp vải trăm nơi, áo khoác người.

 

Không nhận làm thầy! Ai theo, mặc

Ai bỏ không theo, cũng vậy thôi

Dặm dài, cứ đầu trần chân đất

Cứ đi. Đi mãi. Sẽ đến nơi...

       Đức Phật ngày xưa cũng tu như thế trong 6 năm trường, nhưng xã hội ngày xưa gần với thiên nhiên, thiếu nhiều phương tiện văn mình. Ngày nay, con người quen có sự sung mãn vật chất, dư dật, dồi dào, vậy mà có một người buông bỏ cho thành không tất cả, lui về sống như thời thiên cổ.  Thật khó lắm thay!  Nghị lực người ấy phải  kiên trì như thánh như thần mới đươc.

 

Khổ thơ thứ 5 có nhắc đến Hạnh Đầu Đà của Hành Giả. Đây là một phương pháp tu Trung Đạo (không hưởng thụ và không quá ép xác). Người tu Hạnh Đầu Đà là tu theo phương pháp tu của Đức Phật. Ngài trải qua tuổi trẻ trong cung vàng điện ngọc và trải qua 6 năm ép xác đã ngộ ra nhiều hạnh tu trung đạo, trong đó có Hạnh Đầu Đà  là cách tu có khổ hạnh nhưng không quá ép xác, từ đó ngài đồng ý cho đại đệ tử của mình là Ca Diếp thực hành:

       Phật dạy "Hạnh đầu đà" tu tập

Hành giả, một đời nguyện noi theo

Cõi ta bà bao nhiêu phiền lụy

Phát Tâm ta không bước chân vào...

 

Hai khổ thơ kế tiếp thứ 6 và thứ 7 kể về sự mạc pháp của thời nay, và nói về hiện tượng bách tính rời bỏ bến mê quay về nẽo chánh:

       Giữa thời buổi ma tăng lúc nhúc

Chùa lớn tượng to mọc mọc đầy

Buôn thần bán thánh chùa như chợ

Tăng đoàn béo tốt mặt hây hây.

 

Bách tính bến mê! Nô nức đến

Lễ lạt tưng bừng! Mút mút mùa

Hương đăng quả thực chay cùng mặn

Cúng dường tấp nập. Mắt đong đưa...

       Tác giả mở đầu bài thơ bằng chữ “Ta Đi!”, như thế lời trong cả bài thơ là tác giả nói lại lời của Hành Giả. Từ đó, ở khổ thơ thữ 6 ta thấy, Hành Giả chỉ buông là buông được sự hưởng thụ dục vọng đời nầy, còn tâm trí ngài thì chưa buông được. Ngài còn đau xót bởi “Ma Tăng buôn thần bán thánh’ đến nỗi “Chùa như Chợ”, đến nỗi “Tăng đoàn béo tốt mặt hây hây”.

 

Khổ thơ thứ 7 chỉ hành động buông bỏ sự hưởng thụ của Hành Giả dã làm thức tỉnh bách tính, họ rời bỏ bến mê, nô nức đến với ngài. Nhưng than ôi, bao nhiều năm bị bọn ma tăng nhồi sọ, nay họ đã mở mắt ra, nhưng cái tâm và thói quen của họ vẫn còn chưa sáng hẳn. Do đó họ đến với ngài không khác chi họ cung phụng bọn ma tăng lúc trước: “Lễ lạt từng bừng mút mút mùa/ Hương đăng quả thật chay cùng mặn/Cúng dường tấp nập. Mắt đong đưa…”. Chao ôi, biết đến bao giờ bọn ma tăng mới không còn ảnh hưởng nữa, biết đến bao giờ tâm Phật trong lòng bách tính sáng ra, không mê tín dị đoan, không bị bọn áo cà sa tâm “cà chớn” lừa phỉnh nữa. Ngày đó chắc còn xa!

 

Khổ thơ thứ 8 là nỗi đau xót tận cùng của người Hành Giả. Ngài bi quan, tiêu cực, buông trôi, ra đi một mình, để hưởng thụ vô vi, hòa nhập cùng thiên nhiên trời đất, chỉ một mình mình thôi. Người có tâm như Hành Giả tất nhiên không muốn như thế, nhưng hiện nay, đời xô đẩy phải lẻ loi như thế:

       Thôi đành chấp nhận. Thôi đành vậy

Hành giả một ta! Chỉ một thôi!

Đường ta chọn, ta đi sẽ đến

Thảnh thơi! Gió cuốn cùng mây trôi.

       Đọc khổ thơ nầy, nước mắt ta rơi, có thể rơi rât nhiều để khóc cho ngài, để khóc cho ta, đề khóc cho bá tành. Tuy thế sự ra đi của Hành Giả có thể cho ta nhiều hy vọng, bởi ngài mới ra đi mà bách tính đã từ bỏ bến mê, nô nức đến với ngài. Nếu một mai ngài đắc đạo, thì bọn ma tăng không còn đất sống. Ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa cũng chỉ ra đi một mình, nhưng kết quả của ngài cho cả thế gian được hưởng .

       Hai khỏ thơ cuối cùng như tiếng thơ của người tráng sĩ, người anh hùng, người tiên tri, người thánh hiền, nó vang vọng vào lòng ta những âm vang của sự cao cả, của sự vỹ đại, của một niềm vui trong nội tâm hòa cùng trời đất:

       Đêm nay! Cổng nghĩa trang ngủ tạm

Vạn vạn hồn làm bạn vui chumg

Đêm mai! Một mái hiên nào đó

Cõi tạm. Hề chi phải bận lòng.

 

Hành giả! Hề! Ta ngâm một khúc!

Ta vui! Trời đất cũng ngất ngây

Phật là ta và ta là Phật!

Nhất tâm! Kìa ánh chớp! Sao  bay.

       Đây là hai khổ thơ diễn đạt hết sự sảng khoái trong tâm hồn người Hành Giả màn trời chiếu đất, mặc áo trăm mảnh, ăn mỗi ngày một bửa không được no. Khổ thơ cũng cho chúng ta, những phàm phu, cũng có được hưởng thụ phút giây thăng hoa trong lạc thú thanh cao của người Hành Giả đi sông hồ tu học Phật!

                                      Châu Thạch

 

HÀNH GIẢ CHI CA

[Học theo Liêu Thái bạn ta]

------

Ta đi! Một mình trên đường lớn!

Không xe máy lạnh chẳng lọng che

Không tụng niệm loa vang dậy đất

Không hoa không cờ. Không có gì...

 

Không đệ tử kẻ hầu người hạ,

Không chùa chiền, thiền viện cũng không

Không giao giảng càng không báng bổ

Ai khen ai chê cũng mặc lòng.

 

Trời đất làm nhà, ăn một bữa

Cỏ vuông làm chiếu, nước một chai

Bát khất thực lõi nồi cơm điện

Chắp vải trăm nơi, áo khoác người.

 

Không nhận làm thầy! Ai theo, mặc

Ai bỏ không theo, cũng vậy thôi

Dặm dài, cứ đầu trần chân đất

Cứ đi. Đi mãi. Sẽ đến nơi...

 

Phật dạy "Hạnh đầu đà" tu tập

Hành giả, một đời nguyện noi theo

Cõi ta bà bao nhiêu phiền lụy

Phát Tâm ta không bước chân vào...

 

Giữa thời buổi ma tăng lúc nhúc

Chùa lớn tượng to mọc mọc đầy

Buôn thần bán thánh chùa như chợ

Tăng đoàn béo tốt mặt hây hây.

 

Bách tính bến mê! Nô nức đến

Lễ lạt tưng bừng! Mút mút mùa

Hương đăng quả thực chay cùng mặn

Cúng dường tấp nập. Mắt đong đưa...

 

Thôi đành chấp nhận. Thôi đành vậy

Hành giả một ta! Chỉ một thôi!

Đường ta chọn, ta đi sẽ đến

Thảnh thơi! Gió cuốn cùng mây trôi.

 

Đêm nay! Cổng nghĩa trang ngủ tạm

Vạn vạn hồn làm bạn vui chumg

Đêm mai! Một mái hiên nào đó

Cõi tạm. Hề chi phải bận lòng.

 

Hành giả! Hề! Ta ngâm một khúc!

Ta vui! Trời đất cũng ngất ngây

Phật là ta và ta là Phật!

Nhất tâm! Kìa ánh chớp! Sao  bay.

               Đặng Tiến (Thái Nguyên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét