Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

VIỆT THẮNG VÀ CHU MỘNG LONG GIỚI THIỆU TUYỂN TẬP THƠ TRẦN MẠNH HẢO

 



 

NHỮNG NGỌN SÓNG TRONG THƠ TRẦN MẠNH HẢO / Việt Thắng

 

          Bìa của tuyển tập thơ Trần mạnh Hảo là ngọn sóng tung lên với đủ sắc màu, từ đen cho đến màu hồng cùng màu trắng, độ cao thấp cũng khác nhau. Thiết kế tranh bìa do ý tưởng của tác giả, hay họa sĩ ? Chỉ nhìn  ngọn sóng bức tranh bìa nó đã cô đọng lột tả lên nội dung của tập thơ tuyển này. Đọc xong tập thơ người đọc càng thấy trình độ uyên thâm của tác giả khi lập cấu tứ và sử dụng ngôn từ. Hình như  đã 20 năm, thơ văn của ông không được in trên giấy? Rất may nhờ có mạng internet mà mọi người yêu quý ông; vẫn được thưởng thức thơ của ông.

          Viết cho thiếu nhi, ngọn sóng thơ của ông êm ả có ánh nắng ban mai màu hồng, từ ngữ cũng rất...trẻ con:

Có đủ thìa đủ bát

Mà sao cây không ăn?

Cây ăn thầm trong đất

Bằng rễ mình siêng năng....

Nghìn con sóng khỏe

Lon ta lon ton

Biển to lớn thế

Vẫn là trẻ con....

Vì ngàn con tép

 Ngủ trong múi dày

Hạt bưởi trắng đẹp

Là đàn cá bơi....

          Khi viết về tình yêu, ngọn sóng thơ nhuộm màu hồng la đà rối mù trên mặt biển:

Khi yêu trời cũng thất thần

Dẫu làm chiếc áo bao lần em thay...

Em là cơn gió qua đèo

Anh làm con suối trập trùng phóng theo

Gió qua rừng gió bay vèo

Anh còn bị mấy con đèo vướng chân...

Áo trắng đâu rồi áo trắng ơi

Còn mây răng sún ở bên trời

Còn trăng cong cớn me chua ấy

Còn tối tan trường ai bám đuôi...

Áo tím chiều ơi nắng gió ơi

Mênh mông là chỗ có em ngồi

Xin cho một chấm rong trời đất

Để vịn qua chiều em dắt tôi...

Tim mình trong ngực người ta

Tim người ta đập rung da thịt mình.

          Viết về người thân yêu trong gia đình, ngọn sóng thơ ông lắng xuống trong  nỗi trầm tư thương nhớ:

Leo từ cổ tích về đây

Là cây trầu mấy đời nay của bà

Thương trầu chẳng biết nở hoa

Quấn vào nhau mở màu ra lá mềm....

Đi xa ngoảnh lại làng em

Thấy cau là thấy bà bên cơi trầu...

Tết nung nắng hạ màu dưa hấu

Xa nhà miếng thịt chẳng buồn đông

Mẹ ơi bánh cóc thời thơ ấu

Vẫn ước nêu cao pháo phải hồng...

Mẹ nuôi con chưa từng nuôi cỏ

Báo hiếu giờ chỉ có cỏ thôi.

          Biên độ xã hội trong thơ ông là những ngọn sóng tung cao và cuồn cuộn. Nhưng đôi khi ta thấy những con sóng của ông nó nằm sâu dưới lòng biển âm thầm, đang tạo lực trào dâng lên bằng những ngôn từ đời thường mà nội dung bắt người đọc phải suy tư, ngậm ngùi ...

 Bố ơi!

Đêm qua con mơ được ăn cơm với thịt

Con ơi!

 Bằng tuổi con bố còn mặc quần thủng đít

Nhiều khi bố mơ thấy mình được ăn một bữa cơm no...

Vớ vẩn thay bố con ta

Sao toàn mơ những giấc mơ tầm thường tội nghiệp

Ngủ đi sẽ hết đói thôi

Để con mơ những giấc mơ đẹp

Về ngày mai ca hát đại dồng...

À ơi khát vọng con tôi

Bao nhiêu người ngã xuống rồi còn mơ ?

          Ôi! Những câu thơ nó mộc mạc như những lời đối đáp dân dã thường ngày; nhưng nó gợi nhớ về một thời quanh năm cơm độn sắn, khoai... Chỉ có rau muống chấm nước tương; có chăng cơm trắng với thịt chỉ chờ ngày giỗ chạp và ba ngày tết. Chả bù với đọc báo toàn thấy những ấm no...?

Nhưng khi viết về giặc ngoại xâm, thơ ông như ngọn sóng trào dâng:

Tất cả núi đều đổ ra biên giới

Tất cả rừng đều cuộn tới chở che

Giặc phương Bắc mà liều xông tới

Những đỉnh núi kia sẽ đổ xuống đè...

          Ngẫm suy về thời cuộc, nỗi đau đáu của những vần thơ ông cong cong như dấu hỏi:

 Nắng không tìm ra thần Kim Quy

Rùa muốn trốn vì không tìm thấy kiếm

Tượng vua Lê đứng đó làm vì

Chúa Trịnh vừa đến chiếm

Vận nước thời suy vi...

Tháp bút viết gì lên gió?

Đau hồn thu thảo u minh

Hồ gươm nằm suông thương thớ...

          Nhưng khi nói về mình, ngọn sóng thơ ông trầm tư nghi vấn:

 Sao mẹ lại đặt tên con là Hảo

Đất nước mình người tốt trốn vào đâu... ?

Bạn ta bảy chục tuổi xuân

Giờ ngồi xem kiến hành quân thay người

May còn con kiến để chơi

Có khi vạn sự ở đời con con...

Tuổi già thơ thẩn lâu lâu

Ngồi chơi với kiến bạc đầu không hay...

          Trần Mạnh Hảo là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình; ông được nhiều người biết nhờ những bài phê bình sắc lẹm cùng những câu thơ tài hoa. Thơ ông từ ngữ không cầu kỳ, lời thơ giản dị người đọc dễ hiểu, nhưng ý thơ sâu sắc bắt người đọc phải suy ngẫm...và gật gù: Hay!

          Một tài sản đồ sộ của ông đã được in từ 1974 đến 2004: 15 tập thơ, 5 tập lý luận phê bình văn học, 3 tập truyện thiếu nhi, 4 cuốn tiểu thuyết. Và hình như từ cuốn tiểu thuyết: Ly thân mà cuộc đời ông gặp sóng gió? Đã ngót nghét gần 20 năm thơ văn của ông không được in thành sách. Vì vậy khi tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo được xuất bản bằng giấy trắng mực đen; đã tạo lên con sóng dâng trào  sức mua của độc giả về tuyển tập thơ, mạng lưới phát hành sách Fahasa chỉ vài ngày đã bán hết. Trong khi thiên hạ thơ in ra bán chẳng ai mua, đem biếu tặng cũng chưa chắc người ta đã đọc.

          Trong cuộc sống trên thế gian này ai mà không có người yêu kẻ ghét mình. Trong khi ông một cây viết đa tài trong mọi lãnh vực, làm sao tránh khỏi. Theo quy luật tự nhiên, ai cũng phải chết; dù giàu hay nghèo từ dân tới quan. Nhưng có một điều chắc chắn: Những vần thơ tài hoa của Trần Mạnh Hảo sẽ tồn tại mãi với thời gian.

                                  Việt Thắng- Sài Gòn mùa thu 2022.

 

 

TRẦN MẠNH HẢO: SÓNG CUỒNG XÔ DẠT ĐỀN THƠ / Chu Mộng Long

 

Tôi không quen thân Trần Mạnh Hảo. Chỉ biết ông qua những trang thơ sóng cuồng xô dạt cả đền thơ, qua những trang phê bình dữ dội xé tan những trang văn mẫu gọi là giáo khoa. Tôi trong mắt ông chỉ là anh giáo dạy văn mẫu như một lần gặp cách đây đã 30 năm tại chiếu thơ nhỏ nhoi ở nhà một người thầy cũng dạy văn như tôi. Nhưng bất ngờ ông gửi tặng tôi tuyển tập thơ nóng hừng hực vừa ra lò và tặng cho tôi đủ loại nhà, "nhà giáo", "nhà văn", "nhà phê bình".

          Thú thật, xác định tầm vóc Trần Mạnh Hảo, tôi không đủ tự tin làm một trong các "nhà" trên. Khen hay chê đều rất khó khăn và mạo hiểm. Có giáo sư từng xúi tôi “đánh” Trần Mạnh Hảo, hoặc cũng có nhiều bạn văn bảo tôi nên “tránh xa” ông. Họ bảo Trần Mạnh Hảo “Chí Phèo”, “lưu manh”, có người còn miệt thị ông là “con gà hoang tưởng nhờ tiếng gáy của mình thì trời mới sáng”. Tôi mà chê Trần Mạnh Hảo, khác nào dí dao vào một trái tim cháy bỏng, cháy luôn cả tay mình. Còn khen ông, không chừng các giáo sư chửi tôi là kẻ phản đồ, đám văn nghệ sĩ tiểu yêu đố kỵ, ganh ghét, xông vào tạt cả axit vào mặt tôi.

          Tôi cứ trông các cuộc họ đánh nhau với ông mà chợn. Đoàn quân của các giáo sư trùng trùng điệp điệp tấn công Trần Mạnh Hảo, họ tuyên bố chiến thắng như thể đoàn quân Hy Lạp tự hào san phẳng thành Troy, nhưng lại tan tác trong trận sóng cuồng Poseidon. Họ không biết Trần Mạnh Hảo là cơn sóng cuồng như vậy.

          Xác định tầm vóc Trần Mạnh Hảo không thể nhờ vào chiếc gậy phê bình của các giáo sư và đám nô tài viết theo văn mẫu.

          Trần Mạnh Hảo chẳng là gì cả khi thơ ông chẳng đèm đẹp, mơ màng hay sướt mướt để được tán dương thành "tình yêu thiên nhiên", "yêu đất nước" hay "nhân đạo sâu sắc" mà các giáo sư lựa chọn đưa vào sách giáo khoa cho trẻ con học. Họ không thể nuốt trôi cái giọng văn, khí văn mạnh mẽ, ngất trời nhưng cũng thăm thẳm minh triết của ông. Tầm các giáo sư quen mây trời treo trên mái tóc với hoang tưởng thành ông tiên, sao có thể cảm nổi cái câu thơ Trần Mạnh Hảo dành cho Khuất Nguyên: “Tóc bạc cả nồi cơm/ Ta biết làm gì với chòm râu rơm rác/ Với vòm trời úp xuống như nơm…”? Tim các giáo sư chỉ đủ rung trong cái ao tù bình lặng với vài con cá lia thia mà nhầm tưởng là đã hết lòng yêu nước thương nòi, sao có thế cảm được con sông Hồng quặn đau như người mẹ sinh con “Khi con vừa rời lòng mẹ/ Con đỏ hoe như một cục bùn non”, hay “Sông Hồng lụt cả ca dao/ Con cò bị bão dạt vào lời ru”? Miệng các giáo sư chỉ biết ăn nhậu hỉ hả sau những bội thu nhờ bán văn mẫu, sao có thể nuốt trôi cái nỗi niềm “Con mới hiểu vì sao hạt thóc/ Lại mang hình con mắt mỏi mòn trông”? Đám giáo sư dỏm và bọn nhà thơ được các giáo sư tâng bốc càng không thể dám đọc đến câu thơ móc ruột chúng: “Con bò thông minh hơn nhà bác học/ Thơ phú nào cũng rặt bọn ăn theo”. Khi chỉ có leo lẻo lòng tự hào truyền thống, chắc chắn các giáo sư phải ngơ ngác trước cái hình ảnh treo lửng lơ một bi kịch ngàn năm của dân tộc “như thể Hai Bà Trưng/Nhảy từ đê tuẫn tiết/Đến nay còn chưa rơi xuống lòng sông”!

          Trần Mạnh Hảo cũng chẳng là gì cả khi thơ ông không vuốt đuôi quyền lực để được quyền lực nâng đỡ, cho tiền hỗ trợ sáng tác hay trao giải thưởng cao quý cho ông. Đám quyền lực quen nịnh hót không thể không sôi ruột lên khi nghe cái câu Trần Mạnh Hảo dành cho thi tiên Lý Bạch: “Thơ hay có thể bị vua bắt/Trăng nhé nghìn đêm bạc tiếng gà”. Kẻ độc tài khát máu không thể không muốn ăn tươi nuốt sống ông khi ông hát khúc Ly tao mới: “Ta thương triều đình trong tay nghịch đảng/ Thuyền độc mộc quốc gia bơi một mái chèo/ mái chèo mang hình lưỡi kẻ nịnh hót/Chó kiêu ngạo nhảy chồm lên bàn độc/ Muốn yên thân phải sống thật đói nghèo”. Chắc chắn, cả quyền lực lẫn quân nịnh hót đều hoảng hốt muốn treo đầu ông nhiều lần để thị uy khi ông muốn làm một Cao Bá Quát: “Đến ngôi thiên tử còn rơm rác/Đầu rớt mà thơ vẫn tự trào”. Và khi quyền lực chỉ biết giả nhân giả nghĩa, chúng không thể không nghẹn họng khi phải nuốt cái câu thơ thác vào khúc Ly tao hơn ngàn năm trước của Khuất Nguyên: “Cái xứ sở toàn đeo mặt nạ/ Con cáo ngồi thương đứt ruột con gà”.  Càng không thể nuốt trôi một câu cảm thán, dù chỉ nói về thời đại Nguyễn Trãi: “Ôi xã tắc/ Con đường nào cũng dẫn đến pháp trường/ Bàn tay chỉ đường nào cũng bàn tay đao phủ”...

          “Đền thơ” với những trang thơ, trang phê bình, trang sách giáo khoa do bọn ma quỷ tự phong thần không thể dung nạp Trần Mạnh Hảo. Họ muốn bôi xóa tên tuổi ông bằng mọi cách, nhưng kết cục, họ tự phơi xác trước trận sóng cuồng mang tên Trần Mạnh Hảo.

          Trần Mạnh Hảo không là gì cả đối với giới quyền lực tham lam, không là gì cả đối với trí thức, văn nghệ sỹ cơ hội lưu manh. Nhưng ông là tất cả đối với đất nước, đối với nhân dân, đối với những người sống và đau cùng với nỗi đau của đất nước và nhân dân mình. Sức mạnh của Trần Mạnh Hảo trào dâng lên từ trái tim cháy bỏng, mạnh đến mức bọn quyền lực tham lam khiếp sợ, bọn trí thức, văn nghệ sĩ cơ hội, lưu manh lẩn trốn. Nhưng những ai biết đào sâu vào tận gốc rễ cảm xúc và tư tưởng Trần Mạnh Hảo, hứng từng con sóng ngôn từ của ông vào trái tim và biến nó thành sức mạnh của mình thì mới thấy hết chiều kích Trần Mạnh Hảo. Điều này tôi tin sẽ khuất phục luôn cả những kẻ ghét ông nhưng còn chút tâm hồn yêu dân yêu nước.

          Không đóng khung trong mảnh đất Hà Nam Ninh từng sinh ra Tú Xương, Nam Cao, Nguyễn Bính…, chinh bà mẹ non sông đất nước này sinh ra Trần Mạnh Hảo trong quằn quại khổ đau. Trần Mạnh Hảo là đứa con sinh ra từ tâm bão của Đất nước hình tia chớp: “Có phải mẹ Âu Cơ đã đi vòng trái đất/Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng/Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp/Chọn vùng tâm bão để sinh con…”. Chúa không nặn nên hình hài ông từ vườn Địa Đàng mà chính con sông Hồng quặn máu tươi nắn nên hình hài ông: “Khi con vừa rời lòng mẹ/ Con đỏ hoe như một cục bùn non/ Có phải mẹ nhặt con lên từ đáy sông Hồng/ Mà hạt phù sa bật khóc”. Là con sông Lam “vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát” để nuôi ông đồ xứ Nghệ, cũng là nuôi tính cách và tài năng của ông: “Con cò mặc áo tơi đi học/Cá sông Lam còi cọc đổ mồ hôi/Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh/ Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài/Trời hào phóng mây trắng/ Đất tằn tiện ngô khoai/Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa/ Đồ Nghệ sông Lam dạy biển cả học bài”. Là con sông Mã đưa hồn ông theo vó ngựa tiền nhân đi mở nước: “Sông Mã/ Chảy như chạy trốn núi rừng/Sông mải miết một đời Thanh Hóa/Để Nguyễn Hoàng đi mở đất phương Nam”. Là con sông Cửu Long neo hồn ông vào cánh cung để từ đó phóng ra những mũi lao vào giặc ngoại xâm lẫn nội xâm: “Cái dải đất sông hoá rồng chín khúc/Hai đầu xoè những mũi đất - mũi lao/Núi mang dáng ngựa phi voi phục/Báo ngủ rừng sâu đợi giặc vào”… Trần Mạnh Hảo được sinh ra và nuôi lớn từ những dòng sông để hồn ông hóa thành hồn sông núi. Ông hóa thành biển cả để hơn 70 năm cuộc đời vẫn còn “ừng ực uống dòng sông” và dâng lên thành sóng cuồng thơ.

          Trần Mạnh Hảo mang chiều kích của tất cả các đại thi hào xưa nay dồn lại. Ông làm một Tư Mã Thiên đêm cung hình “Ghen tị mãi với chim và chuột/Sao chúng mày không phải thờ vua?” Ông làm một Nguyễn Trãi trước giờ tru di: “Đội ơn vua ban cho tã lót/ Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt/ Ôi con đường ba họ ta đến nơi thọ hình/ Sao dài hơn đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ”. Ông làm một Nguyễn Du để nghe “Sóng Nam Đài trằn trọc cát Thanh Hiên/Ngàn Hống thở hồng trần bay lục bát/Thúy Kiều ơi bầm nát gió Tiên Điền”. Ông làm một Lý Bạch “trả thanh bình điệu cho Đường Minh Hoàng/ Gió cũng bị đày đi Dạ Lang" và thách thức: "Cổ ta vừa với gông vua lắm/ Đố vua gông nổi mùa thu vàng”. Ông làm một Bạch Cư Dị “vỗ nát tì bà máu chảy/Cưới tiếng đàn làm vợ góa hồn ma”. Và ông hóa thành Đỗ Phủ để “nghe hàng triệu lá phổi đang hắt ra cơn gió cuối cùng/ Gom thành bão trên đất này than khóc”… Ông là đại dương hội tụ tất cả mọi dòng sông thơ, ở đó kết tinh máu, nước mắt của mọi cuộc đời, mọi thời đại và biến thành trùng trùng điệp con sóng vừa vỗ về yêu thương vừa uất nghẹn căm hờn.

          Trần Mạnh Hảo hoàn toàn tự do dù phải sống trong cái nơm trời chật hẹp. Ông cầm chiếc đinh ba vùng vẫy đến làm lung lay, xô dạt cả đền thiêng quyền lực Olimpus. Với Trần Mạnh Hảo, không có đền nào là thiêng, dù đó là nơi thống trị của quyền lực hay của nhà thơ, nhà phê bình tự phong là thánh. Ông đủ tầm vóc để nhạo báng tất cả. Người ta bảo ông mục hạ vô nhân, nhưng tôi thấy điều ấy chỉ dành cho những kẻ không là "nhân". Ông trân trọng nâng niu cái đẹp dù cỏn con nhất của nhân tình: “Cỏn con một sợi lông mày/ Mà đem cột trái đất này vào anh”. Đẹp với ông là bi kịch, bi kịch của phận người. Bi kịch của Thúy Kiều: “Liều mình lao xuống yêu thương/Ai hay dưới đáy đoạn trường vầng trăng”. Bi kịch của Huyền Trân: “Mắt ta đêm nay khác nào hai giếng nước/ Nước Việt ơi/Nước Việt mãi hai hàng”, "Gió kinh thành có về Tức Mặc/Bẻ giùm ta ít hương cau/Nhặt giùm ta vài tiếng ếch/Ta nghe khi tới xứ người...". Bi kịch của Nguyễn Bính: “Bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần”. Bi kịch của Nguyên Hồng: “Thương anh sống đời vô sản/ Chết xuống vẫn làm ma vô sản”… Và bi kịch của chính ông: “Ta đã chết ở hai đầu trận tuyến/Bảy mươi ơi số phận biến đâu rồi?/Từ trong mộng hồi quang xin tận hiến/Bắt đền em ngấu nghiến tuổi hai mươi”, "Ôi đất nước/Anh đã yêu đến băng hoại cả đời". Mục hạ vô nhân thế nào mà viết được câu thơ sáng cả đất trời Tây Bắc và sáng cả lòng dân đất Việt: "Trái tim đập không một ai nhìn thấy/Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu/ Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu"? Trong hơn 500 bài thơ dài ngắn khác nhau, những câu thơ đẹp nao lòng như vậy nhiều vô kể. Không cần “phi vần điệu”, “tân hình thức” để gọi là cách tân thơ, thơ ông cứ tuôn trào tự nhiên, lớp sóng này xô lấy lớp sóng kia và trào lên thành sóng dữ. Ông không quy phục vần điệu mà bắt vần điệu phải quy phục ông. Cho nên ông mới mỉa mai thứ “tân hình thức” thành “tân con cóc”, thực chất là mỉa mai cuộc chạy trốn tự do của những nhà thơ hèn nhát. Não ông chứa đầy hình ảnh với những tưởng tượng, liên tưởng siêu phàm. Từ dòng sông, ngọn núi cho đến con mối, con mọt; từ áng mây, ngọn gió đến một bát canh cua,  con hà con hến; từ ánh mặt trời rực rỡ hay ánh trăng lung linh đến hạt sương, con kiến hay sợi lông mày…, cái gì vào thơ ông đều được tâm hồn ông nhào nặn, biến hóa và nâng lên với chiều kích vừa cao vời vợi vừa sâu thăm thẳm. Hơn 500 bài thơ, không có bài nào xếp vào hàng thơ dở, điều này có lẽ xưa nay hiếm! Đã từng đọc thơ Trần Mạnh Hảo thì những thứ thơ lâu nay được cho là hay bỗng trở nên nhạt thếch!

          Viết về Trần Mạnh Hảo phải tốn hàng ngàn trang cũng không đủ. Có lần tôi muốn học viên cao học làm một luận văn về ông, nhưng nghĩ không đủ tầm. Vả lại, không chừng làm hại học viên khi khó có một hội đồng yêu Trần Mạnh Hảo.

          Tầm vóc Trần Mạnh Hảo là vậy nhưng không được tuyển hay giới thiệu vào sách giáo khoa phổ thông hay giáo trình đại học. Đơn giản vì các “thánh” sợ hãi ông. Họ sợ con sóng thơ ông mà dội vào hồn tuổi trẻ, nó sẽ mạnh lên thành sóng cuồng làm phơi xác các “thánh”. Nhưng vậy là may cho ông. Nếu thơ ông vào sách giáo khoa hay đề thi với những câu hỏi đọc hiểu: “Bài thơ thuộc thể thơ gì? Đoạn thơ sau nói gì? Chỉ ra các biện pháp tu từ”…, chẳng khác gì giết hại thơ ông. Dẫu sao tôi và các bạn yêu thơ phải biết ơn Nguyễn Quang Thiều và Ban biên tập của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Họ đã vượt qua sự sợ hãi để in tuyển tập Trần Mạnh Hảo, một tuyển tập có thể làm cho quỷ thần cũng kinh hãi!

 

Chu Mộng Long

1 nhận xét:

  1. Đây là hai bài giới thiệu hay nhất trong nhiều bài viết nhận xét về tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo.

    Trả lờiXóa