Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

TÌM XUẤT XỨ VÀ TÁC GIẢ BỨC THƯ HỌA VÀ BÀI THƠ NÔM…

 



        Ngày còn bé tôi có đọc được một bài thơ Nôm in trên một trang tạp chí (hay báo) dùng gói bánh rán mà mẹ tôi mua về làm quà cho các con. Tôi rất ấn tượng bức tranh và bài thơ. Lâu rồi nên tôi nhớ không chính xác. Đại để bức thư họa vẽ tranh phong cảnh núi hồ mà tôi vẽ lại theo trí nhớ (tôi không quen viết chữ Nho nên vẽ lại tam toạng thôi) như hình kèm theo.

Bài thơ minh họa bức thư họa theo trí nhớ của tôi như sau:

       Bốn cảnh đều nhau một cảnh con

       Ba xuân nho nhỏ một xuân tròn

       Hồ rộng mênh mang ngư lộn ngược

       Núi cao chót vót dựng sườn non

       Tôi mang máng nhớ là bài báo có nói về hoàn cảnh ra đời bức thư họa và bài thơ của hai tác giả là những nhà nho thời phong kiến. Đây là một giai thoại hay về hai tác giả. Nhưng tôi không thể nhớ ra tác giả bài thơ, bức thư họa là ai?

       Có lần tôi hỏi nhà thơ Phạm Trọng Thanh, được anh chỉnh lý câu thứ tư bài thơ là:

       Núi cao chót vót điểu nằm ngang

       Còn nhà thơ Trần Khắc Cánh lại đọc câu này là:

       Núi cao chót vót ngựa chồn chân

       Theo hai dị bản này thì bức tranh phải thêm chữ “điểu” (chim) viết nằm ngang hoặc chữ “” (ngựa) cạnh phía trên chữ “sơn” (núi). Song cả hai nhà thơ đều không cung cấp được cho tôi xuất xứ bài thơ và tác giả là ai.

       Trong cuốn “Truyền thông phát triển trong nền kinh tế nối kết” của Ts. Lê Thanh Hải, nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội năm 2017, trang 69 có đoạn viết:

       “Tôi từng được nghe một ví dụ tương tự như vậy thời còn học đại học, về một bức họa bằng thư pháp. Người họa sĩ Hà Nội lúc đó viết một chữ Hồ bằng tiếng Hán thật rộng với một chữ Ngư nằm lật ngược, bên cạnh chữ Sơn thật cao và chữ Điểu bé tí ở trên. Hai bên cạnh bức họa thư pháp là mấy chữ Xuân có một chữ được khoanh tròn, và mấy chữ Cảnh giống nhau kèm theo một chữ Cảnh bé hơn. Ngồi trong lớp học tiện nghi còn đơn sơ, cậu sinh viên non nớt là tôi bỗng được giác ngộ về một thế giới đẹp nằm ở đâu đó ngay bên kia tấm bảng đen, bức họa cũng chính là bài thơ mà người thầy chỉ đọc thoáng qua mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ:

Ba xuân nho nhỏ một xuân tròn

Bốn cảnh đều nhau một cảnh con

Hồ rộng thênh thang ngư lộn ngược

Núi cao chót vót điểu nằm ngang.”

Theo như tác giả Lê Thanh Hải thì câu bốn của bài thơ cũng giống như câu nhà thơ Phạm Trọng Thanh cung cấp cho tôi. Câu một và hai đổi chỗ. Ở câu ba thì có từ “thênh thang” khác với “mênh mang” do tôi nhớ có thể không chính xác. Tinh thần toàn bài không có gì khác với bài tôi nhớ. Riêng về bố cục bức thư họa, thay vì bốn chữ “cảnh” viết thành hàng ngang phía trên bên phải, trên bốn chữ này lại thêm một chữ “cảnh” nhỏ hơn, và ba chữ “xuân” nho nhỏ cộng một chữ “xuân” khoanh tròn viết theo cột dọc bên phải bức thư họa, lại thay bằng “Hai bên cạnh bức họa thư pháp là mấy chữ Xuân có một chữ được khoanh tròn, và mấy chữ Cảnh giống nhau kèm theo một chữ Cảnh bé hơn”. Tác giả Lê Thanh Hải cũng không đưa ra thông tin gì về xuất xứ tác giả cụ thể bức thư pháp và bài thơ.

       Suy nghĩ kỹ thì tôi thấy các dị bản thêm hình ảnh “điểu nằm ngang” tả chim bay ngang núi hoặc “Ngựa chồn chân” nói được sự cao của núi. Nhưng về nghệ thuật thì vần “ang” trong từ “Ngang” và vần “ân” trong từ “chân” đều không phải vần chính với vần “on” của bài thơ. Tôi cứ băn khoăn: Các cụ nhà Nho xưa rất giỏi và coi trọng niêm luật trong thơ, không lẽ các cụ lại bỏ vần chính mà dùng vần không phải vần chính?

       Nhờ các bạn đọc kiến văn rộng cho biết nguyên bản và xuất xứ bài thơ. Tác giả bức thư họa và tác giả bài thơ là ai. Thành thật cảm ơn các bạn.

 

TRẦN MỸ GIỐNG

2 nhận xét:

  1. "Ba xuân nho nhỏ một xuân tròn / Bốn cảnh cùng nhau một cảnh con / Hồ rộng thênh thang ngư lội ngược / Núi cao chót vót điểu bay ngang" : Thơ này tôi biết từ lâu / Thời còn trung học những ngày xưa xưa / Khiến nay nhắc lại vẫn ưa / Đúng đều chơi chữ ai nào chẳng hay / Bài thơ viết dạng bức tranh / Quả người giỏi chữ thông minh tuyệt vời / Làm nhằm giải trí trên đời / Nhưng toàn giá trị thảy đều văn chương / Hóa thành tuyệt tác khác thường / Khác nào thi họa đã cùng giao nhau / Người xưa nghĩ thật rất hay / Nhà nho thuở trước hơn đều ngày nay. TẾU NGÀN (09/6/21)

    Trả lờiXóa
  2. Vậy thì ý nghĩa của bài thơ nói lên điều gì?

    Trả lờiXóa