Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

“VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG PHÊ BÌNH” / Trần Mạnh Hảo

 


       Trần Mạnh Hảo suốt gần 30 năm một mình chống lại mafia giáo sư (văn) & các học trò toàn PGS.TS đông như quân Nguyên. Đám giáo sư & học trò ma giáo này, không dám tranh luận công khai một cách khoa học, không hề dựa vào văn bản, toàn “NHỮNG ANH HÙNG NÚP” rình đấm trộm, hay núp lùm ném đá, giấu tay, chửi đổng hoặc gửi thư lên trung ương đòi bắt tên phản động chống đảng TMH.

       Sau khi hàng loạt bài phê bình sách giáo khoa văn trung học và phê bình các giáo trình đại học môn văn của Trần Mạnh Hảo in trên hàng loạt báo trong Nam ngoài Bắc, gây chấn động dư luận, các đại giáo sư bị TMH đụng vào niêu cơm vàng là sách giáo khoa môn văn do đám ngụy giáo sư (dỏm) soạn sai, viết bậy, bọn mafia giáo sư bèn tập hợp học trò lại thành đội ngũ đông hơn quân Nguyên, tổng tấn công theo “phương pháp luận có tên là anh hùng Núp” : nghĩa là chúng ông không thèm tranh luận khoa học khoa hiếc với mày, chúng ông chỉ có chửi, thóa mạ con người cá nhân mày, kẻ dám một mình chống lại hệ thống mafia giáo dục.

       Bọn mafia giáo sư dùng hai lô cốt vĩ đại là báo “Phụ nữ TP.HCM” do bà Thế Thanh (là học trò của đám GS. Mafia) làm tổng biên tập và báo “Tuổi Trẻ” do phóng viên Thúy Nga (cũng là học trò của mafia gs) phụ trách mục văn hóa giáo dục văn nghệ) – là hai tờ báo bán chạy nhất lúc bấy giờ, in bài chửi rủa TMH vô cùng tận. Hai kẻ nhà báo Thế Thanh & Thúy Nga chơi trò bẩn: chúng cho in nhiều bài chửi rủa TMH, nhưng khi TMH viết bài trả lời lại thì tuyệt đối chúng không cho in.

       Mở màn chiến dịch tấn công TMH, bọn mafia giáo sư sai ông đầu gấu người Huế tên là Hồ Quốc Hùng - học trò cưng của Nguyễn Đăng Mạnh viết bài: “Đôi điều trao đổi với nhà thơ Trần Mạnh Hảo” in trên báo “Phụ nữ TP.HCM” ra ngày 23-8-1995 dùng hết lời lẽ du côn, dao búa thóa mạ, xỉ nhục TMH. (Hồ Quốc Hùng lúc đó dạy môn văn tại đại học sư phạm, TP.HCM, một tay dốt nát vô cùng, dùng học vị tiến sĩ phong bì, học hàm PGS phong bì. Hiện tôi đang có luận án tiến sĩ (dỏm) của Hùng trong tay. Mấy lần tính đem luận án tiến sĩ của Hồ Quốc Hùng lên báo, để diễu cợt một bài tập làm văn cấp 4 kéo dài với bao sai trái, bậy bạ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi lại thôi, vì “luận án tiến sĩ” là cái cần câu cơm thuở đầu đời non dại của Hùng, dù tầm phào bậy bạ nhưng là miếng ăn của anh ta, người quân tử không nên cạn tàu ráo máng)

       Chúng tôi xin trích lời chửi rủa TMH khơi khơi vô bằng chứng, quyết không tranh luận một cách khoa học của đám mafia giáo sư trích trong cuốn “Về một hiện tượng phê bình” do Nguyễn Hữu Sơn (biên soạn giới thiệu) NXB Hải Phòng ấn hành 1998. (PGS.TS (phong bì) Nguyễn Hữu Sơn từng ăn tiền của GS.TS (phong bì) Hoàng Quang Thuận, ca ngợi thơ ông ma giáo Thuận này hay hơn Nguyễn Du. Hữu Sơn & Hữu Thỉnh mở mặt trận vận động đưa thơ thiền dỏm của Hoàng Quang Thuận ra thế giới tranh giải Nobel.)

       Tất cả các đoạn trích dưới đây đều lấy ra từ cuốn sách dày 571 trang : “Về một hiện tượng phê bình”

Đại GS Hoàng Như Mai (chưa có bằng đại học, mới hết cấp 3) chủ biên bộ sách giáo khoa văn, viết thư gửi bộ trưởng giáo dục và đào tạo Trần Hồng Quân, đồng kính gửi các vị lãnh đạo đảng nhà nước, quốc hội đề ngày 20-12-1996 in trên 10 tờ báo lớn nhất Sài Gòn, quy kết TMH phản động, chống đảng, đề nghị đưa tên này ra tòa vì tội vu cáo nói xấu hàng loạt đại giáo sư những con cưng của “đảng ta”. Trong lá thư kinh hoàng này, GS. Hoàng Như Mai viết: “Không thể tranh luận được với một người phê bình chỉ chăm chăm đả kích, vì một mục đích bên ngoài học thuật”…  “hạn chế kiến thức và có cả một dụng ý xấu nữa, ông đã không hiểu được, đã xuyên tạc những điều chúng tôi viết để quy chụp…” (sách đã dẫn, trang 509).

       Trong bài: “Hàng triệu người sẽ đặt niềm tin vào đâu” in trên báo “Tuổi Trẻ”, GS. Hoàng Như Mai tiếp tục vu cáo chính trị TMH, nặng lời rủa xả kẻ đã viết phê bình đến 5 bài GS Hoàng Như Mai. Ông Mai viết: “Tôi nói với các vị giáo sư không nên trả lời làm gì, người phê phán này có lẽ không hiểu về SGK cả thì nói thế nào được. CŨNG NHƯ KHÔNG THỂ NÓI CHUYỆN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VỚI NGƯỜI LANG THANG KHÔNG NHÀ CỨ PHẢI “LÀM BẬY” RA ĐƯỜNG, thì giải thích chuyện môi trường thế nào được”… “chỉ chăm chăm vào chuyện đả kích và châm biếm, hay bóp méo và suy diễn, một người coi thường văn hóa trong phê bình”… “Trong sâu xa, từ sự coi thường chuyên gia, coi thường trí thức ấy, sẽ có lúc người ta thấy rằng không cần phải học nữa, chỉ cần thức một đêm, nảy ra vài ý chủ quan nào đó, sáng dậy có thể phê phán hết giáo sư này đến giáo sư khác thì học để làm gì…” (sđd tr 518, 520)…

       Trong bài “Tôi chỉ thấy tủi… vì không nghe thấy lời nói thật” in trên báo “Thể thao & Văn hóa”, đại giáo sư Lê Trí Viễn (mới có bằng cấp 3, dạy tiểu học) viết: “Tôi nghĩ những bài phê bình ấy là chuyện chi chi chứ không phải học thuật. Người cầm bút viết những dòng ấy phải thấy xấu hổ với mình trước. Đọc những bài phê bình như thế tôi không thể trả lời. Có cái gì để mà trả lời trong khi người phê bình không phải chăm chăm vào học thuật. Tôi chỉ thấy tủi thân không phải vì mình dốt mà vì không nghe thấy lời nói thật” (sđd tr. 516)

       Trên báo “Đại đoàn kết cuối tuần”, PGS Nguyễn Lộc – một chủ biên khác của sách giáo khoa văn trung học, quy kết TMH mà không hề nêu dẫn chứng: “Theo tôi, cách viết, cách cắt xén của TMH là rất khéo léo. Nếu chỉ đọc ông ta mà không đối chiếu lại với những gì ông ta đang phê phán thì có thể thấy lời phê bình có sức thuyết phục. Sơ đồ tư duy phê bình của TMH theo tôi là: một thì giống một phảy, một phảy thì gần với hai, vì vậy cứ cái hai là ông bắt. Nhưng cái một phảy đã là của ông ta rồi mà…” ( sđd, tr. 531)

       Chúng tôi sẽ lần lượt dẫn ra hàng chục dẫn chứng chửi bới khơi khơi TMH mà không hề dẫn chứng cụ thể của các giáo sư theo phương pháp luận “anh hùng Núp”, không dám tranh luận một cách khoa học với TMH của đám mafia giáo sư và học trò của họ.

       Để thay đổi không khí, TMH xin trích ra đây mấy lời của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng khẳng định thành tựu viết phê bình của TMH:

       ĐÂY LÀ LỜI NHÀ THƠ VƯƠNG TRỌNG:

       …Ai nói gì thì nói, chứ tôi thấy Trần Mạnh Hảo thật sự là một hiện tượng phê bình. Trong bốn năm qua, anh viết rất khỏe. Có thể nói, không có nhà sáng tác nào và nhà phê bình nào trong một quãng thời gian ngắn như thế, đã đưa ra được một loạt bài viết ào ạt, đề cập mọi lĩnh vực gồm: thơ, văn xuôi, phê bình sách giáo khoa. Những bài phê bình của Trần Mạnh Hảo quả thật đã khuấy được bầu không khí phê bình vốn dĩ tĩnh lặng và tẻ nhạt trong nhiều năm qua. Cái loại phê bình mà tôi cứ gọi là nền phê bình tuy nhiên. Nghĩa là cứ khen tí, chê tí rồi lại tuy nhiên, nếu tác giả thế này, nếu tác giả thế khác. Rồi tuy nhiên bạn đọc rất hi vọng… Đấy là lối viết phổ biến của phê bình ta. Một loại phê bình chung chung, nhạt nhẽo. Trần Mạnh Hảo thì không thế. Vấn đề TMH đặt ra rất rõ ràng, có khi gay gắt. Nhưng anh viết hấp dẫn.Trước đây, khi vớ được tờ báo “Văn Nghệ”, tôi thường đọc thơ, văn xuôi và bỏ qua trang phê bình. Bây giờ cứ có bài của Trần Mạnh Hảo là tôi đọc ngay. Anh viết rất lôi cuốn, đọc hừng hực, cuồn cuộn, đam mê chứ không lạnh tanh như một số nhà phê bình khác. Còn về nội dung, tôi thấy Trần Mạnh Hảo làm được một việc là anh đã uốn nắn lại một số luận điểm quá khích trong việc đánh giá tác phẩm văn học…

       …..

       Gần đây ở nước ta cũng như bên Trung Quốc và nhiều nước khác xuất hiện một loại thơ nhân danh hiện đại, nhưng thực chất là một thứ thơ suy đồi. Họ cho rằng thơ không cần ý, không cần nghĩa. Trần Mạnh Hảo đã lên tiếng rất sớm về vấn đề này. Đó là bài viết về tập “bóng chữ” của Lê Đạt. Phải nói đó là bài viết hay của TMH. TMH là người đọc nhiều, biết nhiều. Không biết nhiều không thể viết được như thế. Mặc dù có người tranh cãi với anh cho rằng anh lỗ mỗ kiến thức, không qua trường trại nào. Tôi cho rằng thái độ đó không được văn hóa cho lắm. Đối với người viết, có rất nhiều cách học. Một điều đáng chú ý là ở anh không có những vùng cấm. Đối với ta, có thể có những ông mũ cao áo dài. Những ông ấy chỉ có quyền phê phán người khác mà chẳng ai dám phê phán lại. Trần Mạnh Hảo không kiêng nể ai hết, nếu anh thấy đó là những sai trái đáng phải phê phán. Xét về mặt tổng thể, Trần Mạnh Hảo có công với sự đổi mới văn học” (sđd tr. 547)

(kỳ sau in tiếp)

Sài Gòn ngày 23-8-2021

      T.M.H.

 

       (Tiếp theo kỳ trước)

       Toàn bộ hệ thống mafia giáo sư văn & các học trò đông hơn quân Nguyên của họ, dùng gậy gộc, gạch đá, dao găm, chửi rủa, vu cáo chính trị… nhất tề vùng lên xông vào “đánh” Trần Mạnh Hảo hơn bão táp mưa sa, sấm sét đùng đùng in trên ít nhất 30 tờ báo, nhiều nhất là tờ “Tuổi trẻ” và “Phụ nữ TP.HCM”, sau tập hợp lại in trong cuốn: “VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG PHÊ BÌNH” (NXB Hải Phòng 1988) với những lời chửi mắng, vu cáo TMH không hề nêu bằng chứng. Các đoạn trích dưới đây đều lấy ra từ cuốn sách này.

       Xin trích: “TMH gây chia rẽ, xáo trộn nội bộ, mất ổn định chính trị, tạo kẽ hở cho kẻ thù lợi dụng” ( tr.70)… “Thực chất TMH là người đáng ngờ về tài năng, nhân cách, và điều quan trọng hơn là: toàn xã hội hãy cảnh giác con người này” (tr.294)… “Lẽ nào lại có cuộc chơi lá mặt lá trái như vậy ở anh” (29)… “Có người còn nghi ngờ rằng anh đang hoàn chỉnh lốt dơi cho mình để tìm phương sống trong thời buổi nhiễu nhương này” (32)… “Anh giống như con thò lò sáu mặt” (54)… “Xin đừng lợi dụng lòng vị tha của độc giả, những người không hề có ý làm tuyệt đường hoàn lương của anh” ( 66)… “Ông hộ pháp đeo băng đỏ” ( 132)… “Trần Mạnh Hảo xông xáo vào mọi lĩnh vực học thuật trong tư thế một người khủng bố”… “Ông Hảo hạn chế về học vấn đã khiến ông khó thông nghĩa một từ chứ nói gì hiểu được một câu người khác viết” (290)… “Cái mặt nạ người ông hằng đeo trên mặt…ông bị ngộ chữ” (295)… “Chúng tôi từ bấy luôn theo dõi bước chân huỳnh huỵch xủng xoảng dao búa, gậy gộc trên con đường “phê bình phản phê bình” của ông” (295)… “ Ông viết lăng nhăng rồi tìm cách đăng được lung tung khắp các báo” (296)… “Ông đáng thương hại chứ không đến nỗi đáng trách…Đeo chiếc mặt nạ “phê bình văn học” và dương dương tự đắc với dăm ba mớ kiến thức hổ lốn…thủ đắc chân lý trái luân thường đạo lý, đi ngược truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc này, Trần Mạnh Hảo không ngượng miệng khi đưa ra những giọng điệu phũ phàng, hỗn xược” (297)… “Những hành vi ngạo ngược xấc láo” (298)… “Không mảnh giấy lộn lưng, vô cớ nhục mạ các nhà giáo xã hội chủ nghĩa một cách hệ thống”… (299)… vân vân… và vân vân…

 (hết trích)

       Còn hàng trăm lời rủa sả kinh hãi của cha con “bọn mafia giáo sư văn” vô văn hóa tuôn ra từ những tên “Hứa Gậy Gộc” (nhân vậy trong cuốn “Rừng thẳm tuyết dày” của nhà văn Khúc Ba – Trung Quốc) chửi rủa TMH  như Hồ Quốc Hùng, Đông La, Vu Gia, Đoàn Xuân Mỹ, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Hà, Đỗ Quang Lưu, Nguyễn Gia Phong, Hải Âu, Hàn Vũ Hùng, Nguyễn Công Minh, Đỗ Ngọc Thống, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Ngọc Thêm (vua ăn cắp), Trần Nhã Thụy… vân vân… và vân… vân… ném đá, ném “phân” vào TMH, chỉ thiếu chúng dùng tiếng Đan Mạch nữa mà thôi!

       Trên tờ “Đại Đoàn kết cuối tuần”, PGS Trần Hữu Tá vu cáo chúng tôi mà không hề nêu bằng cứ : “Phê bình là quyền của mỗi người, nhưng sự phê bình phải mang tính trung thực. Đó là điều ông Trần Mạnh Hảo không tôn trọng trong khi làm công việc của một người phê bình” (sđd, tr. 354)… Có thể nói, trong thời gian ấy, TMH bị bọn mafia giáo sư và các học trò “HỨA GẬY GỘC” của chúng bủa vây hơn thiên la địa võng, bởi trận khủng bố bằng lời đe dọa, chửi bới, bịa chuyện đời tư, nguyền rủa vô bằng cớ có ngày trên mười mấy tờ báo cùng in bài chửi bới TMH. Nếu TMH yếu bóng vía thì đã đứng tim mà chết.

       Để cân bằng sinh thái văn hóa, TMH xin trích ý kiến của bốn nhà văn, trong gần 20 ý kiến của các nhà văn nổi tiếng khẳng định cây bút phê bình TMH là một thành tựu của nền văn học Việt Nam:

       NHÀ VĂN KHUẤT QUANG THỤY (hiện đang là tổng biên tập báo “Văn Nghệ” của HNV, VN):

       …“Đọc cuốn sách của anh Hảo, tôi thấy nổi lên hai vấn đề: đó là luận điểm và thi pháp. Về mặt luận điểm, anh khẳng định xu thế kế thừa trong quá trình đổi mới văn hóa, phê phán những tìm tòi đi vào ngõ cụt, từ đó đưa đến những mỹ cảm xấu cho người đọc, nhất là đối với thơ… Về thi pháp, anh Hảo là người có phong cách. Ngay từ bài viết đầu tiên đã thấy rõ phong cách rồi. Đó là điều mà nhiều nhà phê bình không có được. Có người viết rất nhiều, in đến hàng chục cuốn sách mà chẳng để lại được dấu ấn gì. Sự xuất hiện của anh Hảo đã làm cho phê bình của ta hoàn toàn khác trước. Anh Hảo cũng là người đi tiên phong trong việc phê phán những cái sai, cái tùy tiện trong sách giáo khoa từ đại học trở xuống. Điều ấy rất cần thiết, nhất là trong lúc này, lúc chúng ta đang có những cải tiến trong việc biên soạn sách giáo khoa và cải cách hệ thống giáo dục. Đây là vấn đề rất cấp thiết mà nhiều nhà phê bình gần như đứng ngoài cuộc, họ coi đó không phải là việc của mình. Chỉ có Trần Mạnh Hảo xông trận. Hội nhà văn rất nên tự hào về một nhà văn của chúng ta xông xáo trong vấn đề này…”  (trích trang 557, cuốn “Về một hiện tượng phê bình NXB Hải Phòng, sđd”

       NHÀ VĂN XUÂN THIỀU :

       …Trong phê bình, tôi thấy rất ít người có được tâm huyết như anh Hảo… Có bài anh viết rất giỏi, đấy là bài viết về tập thơ “Bóng chữ” của Lê Đạt, “bàn về chữ và nghĩa trong thơ”… Anh Hảo nói rành mạch, nói có sách mách có chứng, chứ không à uôm. Hoặc như trong bài “Ô mai em- người xa lạ của thơ” phê bình thơ tắc tị của Đặng Đình Hưng, anh viết cũng giỏi vô cùng. Trần Mạnh Hảo là một người trung thực”… (sđd trang 555)

       NHÀ VĂN LÊ LỰU :

       …“Về phía Trần Mạnh Hảo, tôi thấy anh không đánh vào sự đổi mới, không đánh vào nghệ thuật mà chỉ đánh vào thứ giả danh đổi mới, thứ giả danh nghệ thuật mà anh gọi là thơ phản thơ, phê bình phản phê bình. Trần Mạnh Hảo đã nói đúng vào cái mà các nhà văn chúng ta nghĩ thế nhưng không nói ra được thế. Anh có cái tinh của người trong nghề.Những ý kiến của anh phần lớn là chính xác.Trần Mạnh Hảo là người dũng cảm. Anh thực sự là một nghệ sĩ viết văn và viết phê bình. Mọi tác phẩm đều phải chịu thử thách vô cùng nghiệt ngã của thời gian. Nhưng tôi tin thời gian sẽ ủng hộ anh. (tr. 556, sđd)

       NHÀ VĂN CHU LAI:

…“Nếu Trần Mạnh Hảo không đáo để, không đỏng đảnh thì không còn là Trần Mạnh Hảo nữa và chắc chắn anh cũng không có sức quyến rũ người đọc đến thế. Cái được của Trần Mạnh Hảo chính là cảm hứng này rồi sau đó mới là tri thức. Trần Mạnh Hảo đã chọn được một thế đứng chắc chắn, chính xác để phát ngôn tư tưởng của mình. Anh là một quả pháo mở màn cho trận địa phê bình nhiều năm đã mê ngủ, hoặc dĩ hòa vi quý, phê bình mà có cũng như không. Hôm nay chúng ta ngồi đây bàn về Trần Mạnh Hảo không phải để bênh vực anh. Trần Mạnh Hảo là một người chịu chơi, một anh chàng béo tốt với râu ria như thế, chẳng cần ai bênh vực, bảo vệ… Tôi cho rằng có một số ý kiến phê phán Trần Mạnh Hảo với một thái độ không thiện chí…”… (Sđd tr. 556)

       Sài Gòn ngày 24-8-2021

                     T.M.H.

       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét