VÀI ĐỐI ĐÁP VỚI CÁC ĐẠI GIÁO SƯ BỊ TRẦN
MẠNH HẢO PHÊ BÌNH
Ông
GS sử học Trần Quốc Vượng, thích chơi với đám trẻ vong niên. Ông chơi thân với
GS.TS toán học ở Đức về, chuyên đi dạy toán ở các đại học lớn của Mỹ, Anh,
Pháp, Nga… là GS. Nguyễn Xuân Tấn – bạn tôi. Một hôm ghé nhà Tấn chơi, thấy nhiều
cuốn sách nghiên cứu về sử của GS. Trần Quốc Vượng tặng Tấn, tôi mượn đọc và đọc
ngay khi tôi còn đang lưu trú ngoài Hà Nội. Thấy có nhiều điều chưa chuẩn xác từ
sách của GS. Vượng, tôi bèn viết bài góp ý ngay. Và hồi đó, các báo Hà Nội săn
bài của tôi chuyên “cà khịa” các đại giáo sư, đem in ngay để họ bán báo. Mới viết
2 bài phê GS sử học hàng đầu Việt Nam, tôi nhận được điện thoại từ giáo sư Trần
Quốc Vượng cám ơn sự phê bình rất đúng của tôi, và hứa sửa chữa khi tái bản. Do
vậy, tôi dừng lại không viết bài phê sách ông Vượng nữa.
Sau
khi tôi viết đến 25 bài báo phê bình GS. Nguyễn Đăng Mạnh in trên các báo Hà Nội
và gọi ông là “nhà sai học”, viết gì cũng sai, dạy gì cũng láo… GS. Hoàng Ngọc
Hiến là bạn thân với ông “thần sai” Nguyễn Đăng Mạnh, bèn nhảy ra viết bài chửi
Trần Mạnh Hảo trẻ, chưa qua đại học mà hỗn láo. Tôi bèn viết lại trao đổi với
GS. Hiến rằng: TMH tôi viết phê bình các GS toàn dựa vào văn bản. Sao ông Hiến
không dựa vào hàng trăm lỗi sai của ông Mạnh do tôi chỉ ra xem đúng hay sai, lại
chửi bới xúc phạm cá nhân tôi ngoài văn bản thế ? Tôi dồn cho GS. Hiến ba bài
liền làm ông tịt ngòi không viết trả lời được. Chỉ có đám học trò lau nhau của
ông Mạnh, ông Hiến như Đỗ Ngọc Thống chửi tôi là gà qué, là con khỉ con quạ, hoặc
kẻ lau nhau chưa sạch nước mũi là Ngô văn Giá xông vào kêu gọi hàng trăm học
trò khác của hai đại giáo sư cầm bút hãy nhổ vào mặt tên Trần Mạnh Hảo…
Sau
đó, qua một người thân, tôi in ra 30 bài phê bình GS Mạnh, và in thêm một số
bài viết của tôi về mấy nhà văn lớn thế giới như Dottoievxki…chẳng hạn gửi cho
GS Hiến đọc. Ông nhận ra mình sai, bèn chủ động gọi cho tôi xin lỗi. Sau này,
chính ông đặt tôi viết bài tham luận về minh triết và triết học như các bạn đã
đọc. Không có GS Hiến đặt, tôi không có bài “Nơi nào triết học im tiếng thì
minh triết cất lời”.
Sau
một tuần TMH tung ra trên bốn tờ báo 5 bài phê bình sách của GS. Lê Trí Viễn
& 5 bài phê bình sách của GS. Hoàng Như Mai gây chấn động dư luận trong nước.
Sau năm 1945, GS. Lê Trí Viễn và GS. Hoàng Như Mai là hai vị giáo sư đầu ngành
của chế độ mới, dạy môn văn của trường đại học kháng chiến. Học trò của các vị
này là những ông Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Lộc, Nguyễn Đình
Chú, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức…
Lúc
đó báo “Tuổi Trẻ” ở Sài Gòn bênh hai GS Viễn và GS Mai, in toàn bài chửi Trần Mạnh
Hảo, không thấy in bài tranh luận lại một cách khoa học như các bài TMH đã viết.
Trên
tờ “Tuổi Trẻ” tờ báo từng đánh cuốn “LY THÂN” của TMH lên bờ xuống ruộng, lại
in bài phỏng vấn GS Hoàng Như Mai về hiện tượng có kẻ đốt đền dám “đánh” các cuốn
sách khuôn vàng thước ngọc của hai đại GS Viễn & GS. Mai.
Ông
Mai viết rằng, hơn tuần nay, GS. Viễn toàn khóc vì bị kẻ hậu sinh vô bằng cấp
phê bình trên báo những 5 bài mà chưa thấy học trò nào như Vương Trí Nhàn, Nguyễn
Khoa Điềm hay Phạm Tiến Duật… lên tiếng bênh thầy, nên thầy tủi thân mà khóc.
Ông Mai kêu gọi hàng trăm học trò cầm bút viết báo viết văn, viết phê bình văn
học từng học đại học sư phạm Hà Nội, học khoa văn đại học tổng hợp Hà Nội &
Sài Gòn hãy vì chính nghĩa mà viết bài phê phán tên Trần Mạnh Hảo dốt nát, chưa
có bằng đại học mà dám phê bình sách của hai đại giáo sư…
TMH bèn khiêm tốn, nhỏ nhẹ viết
bài đáp lại bài chửi bới của GS. Hoàng Như Mai, gửi cho “Tuổi Trẻ” mà nó không
cho đăng, bèn đăng báo khác.
TMH
tôi khe khẽ thưa rằng : thưa GS. Hoàng Như Mai kính mến, tôi viết bài phê bình
rất khoa học, dựa trên văn bản không xúc phạm cá nhân hai GS, cớ sao GS lại xúc
phạm tôi gọi là tên này tên nọ mà không căn cứ vào bài viết xem tôi viết sai điểm
nào ? Vả, xưa nay tôi vốn kính trọng GS Mai vì trình độ học vấn, GS Mai và GS.
Viễn cũng như tôi chưa qua trường đại học nào. Sao GS lại không cho tôi học tập
con đường không cần học đại học như GS. Mai và GS. Viễn mà vẫn có thể giỏi, vẫn
dậy đại học được, thưa hai giáo sư hàng đầu chế độ ?
Hoàng
Như Mai bèn im như thóc. Rằng sao ông chỉ cho ông cái quyền không cần vào đại học
mà vẫn có thể giỏi, sao lại cấm tôi học tập gương ông ?
Bài
đã dài, hẹn bạn đọc sẽ kể tiếp nhiều chuyện không đàng hoàng, không hay ho của
các đại giáo sư, suốt bao năm nền học vấn không có phản biện, nay bị phản biện,
họ nhảy lên như trinh nữ sa vào ổ kiến lửa.,.
Sài
Gòn 4-8-2021
T.M.H.
…………………
SÁCH NÓI CHUNG VÀ VĂN HỌC NÓI RIÊNG ĐÃ CỨU
TÔI KHỎI CHẾT TRONG CHIẾN TRANH VÀ KHỎI CHÌM NGHỈM TRONG HÒA BÌNH
Tại
sao chúng ta phải đọc một nghìn một vạn cuốn sách ? Để may mắn mới tìm ra chìa
khóa mở cuốn sách của đời mình mà Trời ban cho gọi là THIÊN THƯ ! Các vĩ nhân (
thánh nhân) ví như Đức Phật, Chúa Jesus, Lão tử, Khổng tử, Mạnh tử, Trang tử…chẳng
đọc bao nhiêu mà đã có sẵn chìa khóa mở cuốn sách bản thân mình : Thiên Thư.
Trần
Mạnh Hảo chỉ là một kẻ phàm : phàm ăn, phàm sách. Cả tuổi thơ, tuổi trưởng
thành của tôi xuay quanh hội chứng đói : đói ăn, đói sách…
Cậu
ra đời trong thời buổi nhiễu nhương của chiến tranh và cách mạng. Bị ghi trong
lý lịch là thành phần xấu nhất của chế độ : công giáo, địa chủ, Việt gian, ông
nội và cô chú ruột di cư vào Nam, không được học đại học, không được đi bộ đội,
không được làm bất cứ việc gì dính đến nhà nước…
May
mà, nhờ Chúa, chế độ chưa cấm cậu làm người.
Bé
tí, cậu đã biết bắt rận thuê, đã ngồi lưng trâu, đã theo mẹ đi mót lúa, đi mò
cua, vạt tép, bắt ốc…thời gian đâu mà sách với vở, học với hành… Lạy Chúa tôi,
ma quỷ cám dỗ cho cậu biết chữ, biết đọc. Và một đống báo cũ của tờ “Đa Minh
bán nguyệt” ( tờ bán nguyệt san của địa phận Bùi Chu do ông nội và các chú đã
di cư mua đọc từ trước để lại) đã ám cậu; cậu đọc như thuộc lòng những tin tức,
những thơ, những truyện, những bình luận xã hội, bình luận thời thế của thời đã
qua. Và nghiện đọc các cuốn Kinh Thánh, truyện tích các thánh, tiểu thuyết công
giáo, kể cả các cuốn cao siêu bàn về thần học do chú Doanh mượn bạn quên trả (
chú Doanh em trai bố học trường Trần Lục bên Phát Diệm)…
Bệnh
nghiện sách đã làm khổ cậu, khiến cậu bị quá nhiều roi vọt của bố. Nhà nghèo vì
vào hợp tác xã thiếu ăn triền miên, cơm còn chẳng có ăn, lấy đâu tiền mua dầu.
Đêm trăng sáng, không có đèn dầu, cậu nằm trên mái che bể nước ngoài sân đọc
sách dưới ánh trăng, bị bố cho roi vào đít : mày muốn mù mắt à ? Người xưa xui
bắt một nghìn con đom đóm bỏ vào lọ sẽ sáng đủ cho việc đọc sách đêm. Cậu bắt
được ba trăm đom đóm nhưng chẳng đủ sáng để đọc…
Cậu
mượn hết sách trong làng, trong xã, trong huyện…để đọc từ Tam Quốc chí, Thủy Hử,
Hán Sở tranh hùng, Đông Chu liệt quốc, Hồng Lâu mộng, Tây du ký…
Lên
cấp 3, nhờ học giỏi văn, được thầy hiệu trưởng dạy văn Lê Văn Trạm ( dạy văn)
cho mượn để đọc hết tủ sách riêng của thầy. Thầy không cho ai mượn sách kể cả
giáo viên, trừ trò Trần Mạnh Hảo. Hai thầy giáo trọ chung nhà là thầy Trương
Tham, thầy Nguyễn Đức Ân thấy học trò ham đọc quá, mê văn quá, bày cho đọc hai
giáo trình đại học “đại học sư phạm văn” và “đại học tổng hợp văn”( in rô nê
ô). Đọc hết hai giáo trình đại học khi đang học lớp 10, sau này, thầy Trạm, thầy
Tham, thầy Ân nói : em chẳng cần vào đại học, vì em đã học xong hai đại học văn
khi đang học cấp 3 rồi.
Sau
ba năm học cấp 3, cậu đã đọc hết sách của tỉnh Nam Định : thư viện huyện và thư
viện tỉnh…
Vì
lý lịch quá xấu, không thể kết nạp đoàn. Nếu không phải đoàn viên không được
thi tốt nghiệp cấp 3. Thầy Trạm lại phải
lên huyện ủy, ủy ban huyện, huyện đoàn gần như lạy lục họ cho học trò TMH vào
đoàn…Và họ đã tha…
Nhưng
vào đại học thì không, thầy Trạm chạy lên gặp bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên xin
cho trò TMH vào đại học tổng hợp văn cũng không được.
Ở
nhà, không thể ăn bám bố mẹ mãi. Hiệu em rể khuyên anh vợ sang Hải Hậu đào đất
vác đất thuê. Làm phu đào đất nửa tháng, yếu quá, quỵ, ra máu cam, không làm nổi,
về gánh phân cho hợp tác xã. Có người bà con làm ở đội chiếu bóng tỉnh, mang
TMH lên làm phu khuân vác cho đoàn chiếu bóng. Làm được ba tháng bị đuổi vì lý
lịch xấu. Bà Trường, trưởng phòng văn hóa huyện Nghĩa Hưng thấy TMH viết báo,
làm thơ, viết văn trên các báo tỉnh, lấy TMH về phòng văn hóa làm nhân viên soạn
tin tức…Mang gạo nhà đi ăn, làm 6 tháng thử việc, không thể vào biên chế vì lý
lịch xấu địa chủ, phản động…Viết đơn 5 lần xin đi bộ đội, xã đội huyện đội
không duyệt vì đi vào Nam một cái là thằng này sẽ chiêu hồi ngay…
Cuối
cùng gia đình TMH phải đút lót 9 con gà mới sửa lại lý lịch đi bộ đội vào Nam
được. Than ôi, vào chỗ chết cũng phải đút lót.
Sau
này TMH thành danh, dám viết phê bình hầu hết các đại giáo sư đầu ngành văn từ
Hòang Như Mai, Lê Trí Viễn, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Văn Hạnh,
Nguyễn Lộc, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ… dốt, toàn là các nhà “sai học” in trong cuốn
“Hầu chuyện các giáo sư”, thầy Trạm bảo : may mà ngày ấy đảng nhà nước không
cho em đi đại học, chứ học các giáo sư mà em gọi là các nhà “sai học” kia thì
hôm nay làm gì có nhà phê bình TMH đã hạ gục mấy chục giáo sư dạy khoa văn đại
học ngày ấy ?
TMH
phải cúi mình xuống lạy, tạ ơn nền tự do in ấn của Sài Gòn từ 1954-1975 đã cho
TMH đọc từ A đến Z sách triết, thần học, kinh Phật, kinh Coran, nghiên cứu lại
Khổng Mạnh Lão Trang, Kinh Veda và các hệ thống triết học Đông Tây kim cổ…
Là
do hồi đầu tháng 5- 1975, TMH lang thang qua các vỉa hè đang đốt sách, lượm bất
cứ cuốn gì mình cần nghiên cứu với giấy giới thiệu của Ủy ban quân quản…mang về
( có gửi ở một vài địa chỉ khác chứ riêng chỗ ở thì sao đủ chỗ để sách )…
Cám
ơn sách, cám ơn kiến thức về văn hóa, văn học, cám ơn thi ca đã cứu TMH khỏi chết
trong chiến tranh.
Hồi
ấy đang là lính trong rừng ( giao liên trinh sát) đã có nhiều bài thơ được ngâm
trên đài phát thanh, đang ở trạm giao liên sát sông Đặc-Quýt, thì có một ông
trung niên đi qua trạm ngủ đêm gọi lên, rằng : cậu là TMH làm thơ phải không ?
Dạ, phải. Có chép thơ trong sổ tay không ? Dạ có, cho tôi xem. Đấy là ông Đỗ Hữu
Nghi đang là phó ban tuyên huấn tỉnh đội Bình phước. Ông Nghi đọc xong cuốn sổ
tay thơ và nói : tôi sẽ bàn với tỉnh đội rút cậu lên viết báo, để ở đây hi sinh
sẽ uổng. Hai tuần sau, tôi từ giã đơn vị “giao bưu vận” Bình Phước lên tỉnh đội,
với điều kiện tỉnh đội phải cho người thay thế TMH. Anh Đỗ Hữu Nghi ơi, sau chiến
tranh em đã tìm anh suốt mà không gặp lại. Anh Nghi quê Bình Định học trung học
thời Pháp rồi đi bộ đội tập kết ra Bắc, hồi kết về lại rừng Bình Phước. Không
có anh, em đã chết khi đi trên các lối mòn giao liên bị gài mìn Clay- mo rồi.
Chắc giờ nếu còn sống, anh đã ngoài 90 tuổi…Cầu Chúa và Trời Phật phù hộ cho
anh, nếu anh đã mất xin cho hương hồn anh siêu thoát…Với anh Đỗ Hữu Nghi, một lời
cám ơn làm sao cho đủ…
Năm
1972, các anh Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Thanh Giang của tạp chí “Văn nghệ quân
giải phóng” đã dày công đưa TMH lên “R” làm cho tờ “Văn Nghệ quân giải phóng”.
Tuy được về tạp chí, nhưng phải ở vòng ngoài, không được ở trong cơ quan, vì đảng
không thể tin một thằng lý lịch xấu, lại có đạo Ja Tô…không cho nó vào cơ quan
cục chính trị quân giải phóng, nhỡ nó gọi cho B52 dội bom thì sao (!)
Không
có trình độ văn hóa, trình độ văn học, không thể làm thơ viết văn, chắc TMH đã
bỏ xác trong rừng…
Sau
30-4-1975, về Sài Gòn, TMH đi làm báo, viết văn, thầy Trạm khuyên không nên vào
đại học văn, vì em đã có thừa hai bằng đại học văn trong người rồi. May mà TMH
sau 1975 không vào đại học văn, chứ toàn học các nhà “sai học” thì làm sao giỏi
được ? Con đường tự học đã cứu tôi khỏi chết chìm trong biển người “bênh” các
thầy của họ. Riêng ông GS. Nguyễn Đăng Mạnh, là ngôi sao sáng nhất của bộ giáo
dục trên đại học đã bị TMH viết 25 bài đăng báo vạch ra cái dốt của ông và của
toàn hệ thống dạy và học môn văn nơi đại học & trung học; nhưng hàng trăm học
trò cầm bút của ông vẫn không ai dám nhảy ra bênh thầy vì quá dốt…
Nhờ
kiến thức sách vở cho TMH đủ sức dạy lại ( đào tạo lại) các giáo sư đầu ngành
như trên đã dẫn.
Cám
ơn sách vở, cám ơn sự tự học và cám ơn văn học đã cho TMH có ngòi bút nhỏ này,
đặng cống hiến cho bạn đọc FB những bài đã viết, đang viết và sẽ viết về triết
học, văn học, tôn giáo, giúp phần nào
các bạn trẻ đang bị giáo trình dốt của một hệ thống giáo sư dốt làm băng hoại.,.
Sài
Gòn 4-8-2021
T.M.H.
…………………………..
GIÁO SƯ ĐẦU NGÀNH VĂN HỌC NGUYỄN LỘC RẤT NHIỀU NĂM TỪNG
HƯỚNG DẪN NHIỀU LUẬN VĂN TIẾN SĨ VÀ CAO HỌC ĐÃ VIẾT RẤT TẦM BẬY VỀ NGUYỄN KHUYẾN
TRONG SÁCH GIÁO KHOA VĂN TRUNG HỌC VÀ CÁC GIÁO TRÌNH ĐẠI HỌC
Là
người Việt Nam từng được cắp sách đến trường, chắc ai trong chúng ta thảy đều
yêu thích và thuộc ba bài thơ: “Thu vịnh”, “Thu điếu” và “Thu ẩm” của thi hào
Nguyễn Khuyến? Sách giáo khoa văn học lớp 11 tập 1 do Hội nghiên cứu và giảng dạy
văn học Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn cho học sinh các tỉnh miền Nam, cụ thể
phần thơ Nguyễn Khuyến do Phó Giáo sư Nguyễn Lộc viết, được nhà xuất bản Giáo dục
tái bản lần thứ ba năm1993, đến nay 1998 đã được tái bản tới bảy, tám lần đều
có dạy ba bài thơ viết về mùa thu của Nguyễn Khuyến. Ngoài sách giáo khoa Văn học
dành cho học sinh, nhóm biên soạn trên còn biên soạn thêm một sách giáo khoa
Văn học dành cho giáo viên đi kèm, cốt ý chỉ giáo, hướng dẫn giáo viên cách hiểu
và cách giảng dạy các bài thơ văn. Rất tiếc, bên cạnh những chỉ dẫn, những gợi
ý khá đúng đắn cho giáo viên và học sinh hiểu và cảm được ba bài thơ thu của
Nguyễn Khuyến, còn một số điều bất cập mà người soạn sách mắc phải. Để giáo
viên và học sinh hiểu đúng ba bài thơ trên của Nguyễn Khuyến, chúng tôi xin góp
ý với người soạn sách và nhà xuất bản Giáo dục đôi điều sau đây.
Giải
thích câu thơ ”Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” trong bài “Thu vịnh”, PGS
Nguyễn Lộc viết trong phần chú thích trang 52, sách Văn học lớp 11, tập 1 dành
cho học sinh các tỉnh miền Nam như sau: ”Hoa năm ngoái: hoa đã nở từ năm trước
khô đi và còn lại đến bây giờ. Đây là cảnh tả thực“.
Người
soạn sách đã hiểu sai câu thơ này của Nguyễn Khuyến nên cũng bắt giáo viên và học
sinh dạy và học sai câu thơ. ”Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái“, Nguyễn Khuyến
muốn nhắc lại ý của câu thơ Sầm Tham ”Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa” (Xuân
nay lại nở hoa năm ngoái) và cũng nhắc lại ý câu thơ của Thôi Hộ: ”Đào hoa y cựu
tiếu đông phong” mà Nguyễn Du đã chuyển thành Việt ngữ tuyệt vời như sau: ”Hoa
đào năm ngoái còn cười gió đông”. Mùà thu, Nguyễn Khuyến nhìn những bông hoa
trước giậu vừa nở, tưởng hoa năm ngoái lại về, sao lại giải thích sai câu thơ
cho giáo viên dạy và học trò học rằng: ”hoa đã nở từ năm trước khô đi và còn lại
tới bây giờ“. Phàm những hoa nở trong mùa thu, khi tàn sẽ bị những trận gió mùa
đông bấc dữ dội quật nát tan, chứ làm sao còn được “ép khô” mà đứng giữa trời
như Nguyễn Lộc viết. Hoá ra Nguyễn Khuyến vịnh hoa khô chứ không phải hoa thật
ư? Vả lại, ý niện “năm ngoái” Nguyễn Khuyến dùng đây chỉ thời gian ước lệ, thuở
nước chưa mất, hồn nước xưa còn hiện về trong hồn hoa.
Trong
sách Văn học lớp 11, tập 1, dành cho giáo viên, xuất bản năm 1991 vẫn dùng cho
niên học 1998-1999 này, PGS Nguyễn Lộc giải thích câu thơ thứ 3 trong bài “Thu
vịnh” như sau: ”Nước biếc trông như tầng khói phủ“, thì không phải là khói đang
phủ dần mặt nước, mà nó đã phủ rồi” (tr. 50). Quả là tác giả sách giáo khoa
chưa hiểu đúng câu thơ trên của Nguyễn Khuyến. Nước ao hồ mùa thu trong câu thơ
kia xanh quá trông giống như khói, chứ không phải ao hồ đã bốc khói như sách
giáo khoa giải thích. ”Nước biếc TRÔNG NHƯ tầng khói phủ“. Nguyễn Khuyến dùng
chữ TRÔNG NHƯ, tức là không phải như thế, trông như khói nhưng không phải khói.
Giống như ta ví von rằng cô X. trông như vợ tôi, tức là cô X. không phải vợ tôi
và ngược lại. Hoặc hoa phượng trông như lửa cháy thì sao hoa phượng có thể biến
thành lửa cháy được? Vậy nên khi sách giáo khoa bảo rằng ”Không phải là khói
đang phủ dần mặt nước mà nó đã phủ rồi” là sai với tinh thần câu thơ của Nguyễn
Khuyến.
Cũng
cần phải nói thêm ở trang 53 sách Văn học giáo viên, tác giả còn trích sai câu
thơ này như sau: ”Mặt nước trông như tầng khói phủ”
Khi
giải thích hai câu cuối cùng của bài “Thu ẩm”, trong sách Văn học dành cho giáo
viên trang 52, PGS Nguyễn Lộc viết: ”Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy/ Độ năm
ba chén đã say nhè“. Câu 7 không có một động từ nào. Câu 8 thì có động từ say,
nhưng ở đây là say nhè. Say nhè là say nói lè nhè chứ không phải say mặt đỏ bừng
bừng đi quệnh quạng, lảo đảo rồi ngã dúi ngã dụi giống như trong câu thơ của Tản
Đà: ”Đất say đất cũng lăn quay/ Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười?”.
Người
viết sách giáo khoa này không chỉ hiểu sai câu thơ của Tản Đà, mà hiểu rất sai bài
thơ ”Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến khi ông giải thích hai câu cuối cùng của bài thơ
như trên. Qua câu 7 của bài thơ, Nguyễn Khuyến đã cho người đọc hiểu rằng ông
là người uống rượu kiểu tiên tửu, tâm tữu chứ không phải tục tửu kiểu Lưu Linh;
rằng ông mang tiếng hay rượu nhưng khả năng uống rượu lại rất hạn chế, chẳng
qua mượn rượu làm cái cớ, làm chất xúc tác thôi, chứ rượu và say không phải mục
đích của mình: ”Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy“. Tiếp theo là câu 8: ”Độ năm
ba chén đã say nhè“. Câu thơ này là một vế chưa nói hết của câu thứ 7; rằng tôi
chỉ uống độ năm ba chén thôi là đã có thể say rồi đó nha, đó nhe, hoặc là uống
độ năm ba chén là say nhè đấy! ”Độ năm ba chén đã say nhè” là một cách nói ví
phỏng về sự uống rượu của mình chứ không phải tác giả bảo mình đã uống tới “năm
ba chén đã say nhè” như sách giáo khoa giải thích.
Ta
cần chú ý từ “Độ” ở đây có ý phỏng chừng chứ không phải có ý khảng định rằng
mình đã xới tới “năm ba chén”. Mà ngay cả ”năm ba chén” ở đây cũng chỉ là con số
áng chừng, không cụ thể. Kết hợp câu 7 lại với câu 8 của bài “Thu ẩm” cho chúng
ta một cách hiểu biểu trưng, rất quy ước chứ không hề cụ thể như sách giáo khoa
giải thích; rằng có thể nhà thơ mới chỉ nhấm nháp chút rượu lấy hứng thôi, chứ
thực ra chưa uống tới ”năm ba chén” đâu. Nếu cứ hiểu ép, hiểu lấy được, bất chấp
bút pháp ước lệ của nhà thơ mà cho rằng ông đã uống tới “năm ba chén” để đến mức
”say nhè” thì cái sự ”nhè” ở đây hoàn toàn không phải sự “say nhè” mà sách giáo
khoa phân tích rằng ”say nhè là say nói lè nhè”, say kiểu Chí Phèo uống rượu.
Hiểu như thế quả tình đã giết chết tinh thần ung dung tự tại, tinh thần tiên
phong đạo cốt của bậc túc nho Nguyễn Khuyến đang mượn ly rượu nhỏ mà uống cả hồn
mùa thu tĩnh lặng, tuyệt vời trong chiếc ao con.
Cần
phải biết rằng trong thơ luật Đường mà Nguyễn Khuyến sử dụng ở đây với tinh thần
”thi tại ngôn ngoại”, rằng nói vậy nhưng không phải vậy đâu. Người soạn sách
giáo khoa đã bị chữ “say nhè” úm, thành ra không còn tỉnh táo, mới bảo lão ẩm
trong bài thơ đã say đến mức nói lè nhè thì còn gì là mùa thu Nguyễn Khuyến nữa.
Hãy
đọc kỹ bài “Thu ẩm” xem, Nguyễn Khuyến đâu có nói lè nhè mà ông rất tỉnh táo,
thông qua ngôn ngữ thơ hết sức chính xác và tinh tế, nhà thơ đã mang toàn bộ hồn
vía của mùa thu vào giấu trong ly rượu nhỏ, để biến ao thu thành nỗi say người.
Vả lại, một người đã say nhè, say nói lè nhè như sách giáo khoa hiểu, không bao
giờ tự nhận mình say. Cho nên chỉ có người tỉnh táo mới bảo rằng tôi mang tiếng
uống rượu hay, nhưng tửu lượng rất kém, uống độ “năm ba chén đã say nhè” đấy bạn
ạ. Nghĩa là trong bài thơ ”Thu ẩm”, Nguyễn Khuyến chưa hề uống tới ”năm ba
chén” và chưa hề ”say nói lè nhè” như sách giáo khoa áp đặt.
Trong
câu hỏi hướng dẫn học tập trang 53, sách Văn học cho học sinh, tác giả đã hướng
dẫn sai tinh thần bài “Thu ẩm” như sau: ”Đọc bài thơ có ấn tượng nhà thơ nhìn cảnh
vật qua cảm giác chếnh choáng của người say. Em có cảm thấy như thế không? Do
những yếu tố nào mà có cảm giác ấy?”. Tác giả phần sách giáo khoa này đã hướng
dẫn chưa đúng tinh thần bài thơ ”Thu ẩm” trong sách Văn học dành cho giáo viên ở
trang 54 như sau: ”Đặc biệt trong bài “Thu ẩm” thì cách cảm nhận thiên nhiên rõ
ràng là của một người say, của một ông già say. Cố nhiên ở đây say mà vẫn tỉnh
nên nhà thơ mới quan sát được, mới làm thơ được. Nhưng chính qua cái nhìn của một
người say nên mọi cái trong bài thơ dường như cũng chếnh choáng, cũng nhòe nhoẹt,
nghiêng ngả.” Cả bài “Thu ẩm” dù tìm đến nổ mắt cũng chẳng thấy chỗ nào, cảnh
nào ”chếnh choáng, nhòe nhoẹt, nghiêng ngả” như sách giáo khoa áp đặt. Đến đây,
tác giả sách giáo khoa này có thể sẽ dùng câu thơ thứ 6 trong bài: ”Mắt lão
không vầy cũng đỏ hoe” để biện bác rằng nhà thơ không say rượu sao mắt lại, “đỏ
hoe”?
Nếu
Nguyễn Khuyến chỉ cốt khoe sự mắt ”đỏ hoe” của mình là vì say rượu thì bài thơ
thường quá, xoàng quá, cần gì phải dạy trong nhà trường. Cái sự ”Mắt lão không
vầy cũng đỏ hoe” có thể có một chút nguyên nhân do hơi rượu, nhưng ai bảo
nguyên nhân chính của sự mắt “đỏ hoe” kia nơi nhà thơ không phải là do lòng cảm
động, xúc động trước vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc giấu trong hồn thu quanh nhà
tạo nên? Mà giang sơn ấy nay đã mất rồi, đã không còn hồn nước cũ nữa nên ông
phải từ quan về ở ẩn, đau đớn mà lặng thinh ngồi cô đơn một mình ngắm mùa thu,
hồn thu, như ngắm hồn nước cũ. Tâm trạïng ấy nhà thơ đã thể hiện trong toàn bộ
thơ văn của mình mà cụ thể nhất nơi bài thơ “Cuốc kêu cảm hứng“. Một trí thức lớn,
một tâm hồn thơ lớn, một nhân cách lớn như Nguyễn Khuyến, ai bảo ông không có
thể ứa nước mắt, “đỏ hoe” con mắt vì những điều hệ trọng, thiêng liêng này chứ
không hẳn chỉ vì một ly rượu nhạt?
Chính
vì chưa hiểu được tâm thức nơi hồn thơ Nguyễn Khuyến khi ông viết ba bài thơ
tuyệt tác về mùa thu mà PGS Nguyễn Lộc ở trang 54 sách Văn học dành cho giáo
viên như đã dẫn mới viết như sau: ”Trong hai bài “Thu vịnh” và “Thu điếu” là
cách cảm nhận thiên nhiên tinh tế của một người nhàn nhã, lòng thư thái.”
Không, cái nhàn nhã, cái thư thái chỉ là hiện tượng, chỉ là bề mặt của hai bài
thơ trên chứ bản chất của hồn thơ Nguyễn Khuyến chừng như không một chút thư
nhàn. Tức cảnh, sinh tình, mượn cảnh vật, mượn mùa thu, ao thu để nói lên tâm
trạng u uẩn, u hoài, u tịch, cô đơn, thương nước nhớ nước cũ đã mất về tay giặc
chính là chiều sâu tâm thức của hồn thơ Nguyễn Khuyến. Hồn thơ ấy núp vào mùa
thu mà bàng bạc cảm thương một nỗi quan hoài, một niềm canh cánh khôn khuây về
nước cũ, vua cũ không còn thực quyền trên đất nước mình nữa.
Nhà
thơ ngồi vịnh cảnh mùa thu mà hồn vía hầu như toàn hướng về “hoa năm ngoái”,
“ngỗng nước nào”, vừa cất bút lên đã thẹn vời ông Đào Tiềm đời Tấn. Nỗi thẹn, nỗi
xưa, nỗi buồn thu man mác mà sâu thăm thẳm hơn cả trời đất kia chính là tấm
lòng thương nước, nhớ nước đến tím ruột bầm gan nơi nhà thơ, sao sách giáo khoa
dám bảo ông vịnh cảnh thu với lòng thư thái, nhàn nhã được?
Việc
sách giáo khoa giảng giải chưa đúng tinh thần ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến,
thành ra giáo viên cứ thế mà giảng sai, học sinh cứ thế mà học sai suốt cả chục
năm, suốt cả hàng bảy tám lần tái bản, thử hỏi có phải là việc quá ư hệ trọng
hay chỉ là việc bình thường? Chúng tôi muốn thông qua bài báo này để đánh động
dư luận toàn xã hội hãy chú ý đến con em mình hơn nữa; bằng cách chú ý đến những
gì các em đang học trong nhà trường từ mẫu giáo đến đại học, ít nhất cũng cần
kiểm tra lại sách giáo khoa, để xem trường hợp dạy sai thơ Nguyễn Khuyến như
trên chắc chưa phải là trường hợp duy nhất .,.
Sài
Gòn ngày 7-10-1998
T.M.H.
……………………..
CẦN TRẢ LẠI GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐÍCH THỰC
CHO KIỆT TÁC “ CUNG OÁN NGÂM KHÚC”
Trong
bộ giáo trình khá đồ sộ, khá công phu hai tập, với gần 1000 trang sách của PGS.
Nguyễn Lộc : “ Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ thứ XVIII, nửa đầu thế kỷ thứ
XIX” ( NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp), tái bản năm 1992, trong đó có
chương thứ hai “ Cung oán ngâm khúc”, từ trang 283 đến trang 316 còn khá nhiều
điều bất cập, nhiều nhận xét và đánh giá không đúng với giá trị đích thực của
thi phẩm lớn lao trên.
Với
“Cung oán ngâm khúc” Nguyễn Gia Thiều phần nào có bị ảnh hưởng tinh thần và cảm
hứng nghệ thuật nơi bản Việt ngữ “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm dịch từ Hán
tự của Đặng Trần Côn. Cũng như sau này, chúng ta tìm thấy một phần ảnh hưởng của
hơi thơ lục bát Đoàn Thị Điểm và nhất là Nguyễn Gia Thiều ( hai tác giả này
dùng thể thơ song thất lục bát) trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, góp phần đưa
thể thơ này lên tới tuyệt đỉnh nghệ thuật. Đoàn Thị Điểm phải thông qua bản Hán
thi của Đặng Trần Côn mới có tuyệt tác song thất lục bát. Nguyễn Du phải thông
qua cốt truyện của Thanh Tâm tài nhân bên Trung Quốc mới có được kiệt tác Truyện
Kiều.
Ưu
điểm lớn của Nguyễn Gia Thiều là không phải thông qua môi giới Trung Hoa nào cả,
ông tự sáng tác ra 356 câu thơ song thất lục bát tuyệt vời bằng chữ Nôm ( Nam).
Nguyễn Gia Thiều qua “ Cung oán ngâm khúc” với nghệ thuật cung đình, quý tộc tột
đỉnh, rất đài các, hàn lâm kiểu : “ Trải vách quế gió vàng hiu hắt”, lại nâu sồng
dân dã tựa : “Lau nhau ríu rít cò con cũng tình”, đã làm một bước đột phá từ
tâm thức Hán, thi pháp Hán sang tâm thức Nôm, thi pháp Nôm. Đấy là công đầu,
công khai mở lớn nhất của Nguyễn Gia Thiều với quá trình phát triển của thi ca
Việt Nam.
Trong
bài viết của mình, Nguyễn Lộc phần nào đã nhìn nhận giá trị nội dung và “nghệ
thuật bậc thầy” của “Cung oán ngâm khúc”. Tác giả cũng nhận ra giá trị hiện thực
và nhân đạo trong nội dung, cũng như giá trị của nghệ thuật quý tộc đặc trưng
phong kiến nơi khúc ngâm này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, Nguyễn Lộc còn có nhiều
đánh giá, kết luận chưa thỏa đáng về kiệt tác “Cung oán ngâm khúc”. Ví như khi
ông viết, xin trích :
“…Những
kết luận của nhà thơ ( Nguyễn Gia Thiều - chú của TMH) không có ý nghĩa tích cực.
Quan niệm về cuộc đời của Nguyễn Gia Thiều phát biểu trong “Cung oán ngâm khúc”
là sự tập hợp những yếu tố tiêu cực nhất trong tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo
và Đạo giáo. Đó là thứ tư tưởng thường thấy của giai cấp phong kiến thống trị
trong thời kỳ suy tàn. Nhưng xét cho kỹ, phải nói những triết lý tiêu cực, thậm
chí có thể nói là phản động nữa ở Nguyễn Gia Thiều không phải là cứu cánh của
nhà thơ…” ( trang 297)…”Nếu gạt đi phần sai lầm trong nhận thức chủ quan của
nhà thơ “Cung oán ngâm khúc” vẫn cho ta một ý niệm chân thực, sâu sắc về sự sụp
đổ không phương cứu chữa của xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Đấy là phần còn lại
của Nguyễn Gia Thiều trong “Cung oán ngâm khúc”” ( hết trích)
Dù
có rào trước đón sau, nhưng những kết luận áp đặt hết sức chủ quan, hết sức phi
lịch sử, theo quan niệm tính đảng, tính giai cấp chính trị hóa văn chương trên
của Nguyễn Lộc với “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều quả tình không thể
chấp nhận. Nếu chỉ bằng kiểu phê bình xã hội học cực đoan học phiệt Mác – xít
như trên của Nguyễn Lộc thì ngay cả các đại thi hào và thi hào dân tộc như Nguyễn
Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá
Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà…những người từng bị chi phối bởi tư tưởng
tam giáo chắc chắn họ cũng bị Nguyễn Lộc quy chụp là phản động, là “không có ý
nghĩa tích cực”, “tập hợp những yếu tố tiêu cực nhất như ông này vừa hàm hồ chụp
mũ Nguyễn Gia Thiều trong “Cung oán ngâm khúc” chăng ?
Nguyễn
Lộc đã thiếu nhãn quan duy vật lịch sử, áp đặt hệ tư tưởng Mác-xít lên nghệ thuật
của cha ông ta một cách thô thiển, xơ cứng. Ngày nay, tư tưởng Mác-xít đã bị
nhân loại ném vào sọt rác, còn tư tưởng Phật thì hàng tỉ con người vẫn đi theo;
ngay cả các tư tưởng Nho và Đạo cũng có rất nhiều yếu tố tích cực đang được
nhân loại tôn trọng và lưu truyền đó sao ?
Đây
là một đoạn phân tích kiểu đao phủ thủ giết thơ của ông Nguyễn Lộc với “Cung
oán ngâm khúc : “ Nguyễn Gia Thiều khai thác hình tượng theo nghĩa đen tối nhất
của nó. Tiếng khóc chào đời của trẻ thơ đối với ông là tiếng khóc đưa ma cuộc đời
: “ Thảo nào khi mới chôn nhau/ Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra…” ( hết trích)
Trời
ơi, câu thơ tuyệt tác trên của “Cung oán ngâm khúc” sao lại có thể là “tiếng
khóc đưa ma cuộc đời” như thế thì sao ông Lộc có thể tiếp nhận được thi pháp
“thi tại ngôn ngoại” của cha ông ?
….
….
Nguyễn
Lộc chê Nguyễn Gia Thiều không nắm được tâm lý nhân vật như sau : “ Hoặc kiêu
căng về nhan sắc mà nói một cách trắng trợn : “ Bóng gương thấp thoáng trong
mành / Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa” thì không phải là cách kiêu căng của
phụ nữ trong xã hội phong kiến, mà chỉ có thể là cách nói của những người đàn
ông của giai cấp bóc lột trong thời kỳ suy tàn. Ngay ý nghĩ bực bội muốn thoát
khỏi cảnh cung cấm của người cung nữ mà diễn tả là : “Dang tay muốn dứt tơ hồng
/ Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra” …thì không phải là cái thế của câu thơ,
mà ngay cái cử chỉ ấy, đúng như có nhà nghiên cứu nhận xét, nó phù hợp với một
võ tướng như Nguyễn Gia Thiều hơn là với người cung nữ chân yếu tay mềm” (
trang 292-293) (hết trích). Viết những dòng phê bình thơ nhảm nhí ngô nghê
trên, Nguyễn Lộc là một vị giáo sư không hề có thẩm mỹ thi ca, chỉ là cách phê
bình của các lò mổ trâu mổ bò mà thôi !
…..
……
Một
thí dụ khác về lối phê bình “ông nói gà, bà nói thóc lép” của Nguyễn Lộc tức cười
đến như sau : “ thê thảm và vất vưởng như bóng ma không hồn : “Đất bằng bỗng rấp
chông gai / Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương”” ! ( hết trích)
Ông Lộc có lẽ là người phê bình hiếm có vì
ngay cả nghĩa đen của câu thơ ông cũng không hiểu ! Ông Lộc cho câu thơ “Cái
quay búng sẵn trên trời / Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” là câu thơ tuyệt hay
của Nguyễn Gia Thiều lại bị ông Lộc hành quyết bằng một kết luận như sau : “Vô
nghĩa đến vô vị cùng cực” !
Than
ôi, trong các vị giáo sư giết chết thơ văn cha ông, có lẽ Nguyễn Lộc là nhà phê
bình sát thơ nhất.
Thưa
với quý vị bạn đọc, đánh máy lại bài viết này từ cuốn : “Hầu chuyện các giáo
sư” của chúng tôi, chúng tôi đành phải bỏ đi bốn trang in của nguyên bản để
trích dẫn hàng chục lần ông đao phủ văn học Nguyễn Lộ do dốt nát mà chém sạch
hàng trăm câu thơ của kiệt tác “Cung oán ngâm khúc” !
Chúng
tôi xin lỗi bạn đọc, đành khép lại bài này để than rằng, cớ sao Bộ giáo dục lại
trao cho ông PGS. Nguyễn Lộc, một người không hế có khiếu thẩm mỹ văn chương,
không có khả năng hiểu nghĩa đen tác phầm này của Nguyễn Gia Thiếu viết giáo
trình đại học để cho sinh viên làm luận án tiến sĩ bậy bạ thế này ư ? Lần sau,
chúng tôi sẽ cho quý vị biết, ông Nguyễn Lộc không hề có chút kiến thức gì về
Truyện Kiều, lại dám viết bài khái luận trong sách giáo khoa môn văn lớp 11 có
tên “ Nguyễn Du và Truyện Kiều” thì đúng là bộ giáo dục đã thành bộ vô giáo dục
vậy !
Sài
Gòn 14-8-1999
(
bài đã in trong cuốn “Hầu chuyện các giáo sư” NXB Văn Học 1999 )
T.M.H.
………………………….
CÁC GIÁO SƯ ĐẦU NGÀNH : GS.NGUYỄN ĐÌNH
CHÚ, GS. TRẦN ĐÌNH SỬ, GS.NGUYỄN KHẮC PHI.... KHÔNG VIẾT ĐÚNG CÂU VĂN TIẾNG VIỆT
KHI SOẠN SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN 6 : NHỮNG “GHI NHỚ” -THUỘC LÒNG TRONG SGK “NGỮ
VĂN 6” CHƯA VIẾT ĐÚNG TIẾNG VIỆT
Sách giáo khoa “ Ngữ Văn 6 -tập 1” của Bộ
GD&ĐT, NXB Giáo Dục 2002, toàn do các vị GS, GSTS như GS Nguyễn Khắc Phi,
GS. Nguyễn Đình Chú, GSTS Trần Đình Sử, PGSTS Bùi Mạnh Nhị... đều là GS đầu
ngành soạn thảo, từng bị báo chí vạch ra nhiều sai sót. Việc quan trọng bậc nhất
của nền giáo dục Việt Nam hôm nay là : dứt khoát dạy cho học trò khi học hết phổ
thông, phải viết đúng ngữ pháp, dùng từ chính xác, diễn đạt đúng ( trước khi
hay) một câu văn tiếng mẹ đẻ. Rất tiếc, việc nói và viết đúng tiếng Việt hiện
đang là một vấn nạn làm đau đầu các vị phụ huynh cả nước. Trong SGK “Ngữ Văn
6”, sau mỗi bài học, có phần “ghi nhớ” để học sinh học thuộc lòng, thật kỳ lạ,
lại có rất nhiều chỗ viết sai tiếng mẹ đẻ. Chúng tôi xin dẫn ra một số trường hợp
dưới đây, nhằm báo động một thực trạng đau lòng : các vị GS, GSTS đầu ngành
ngành ngữ văn còn viết sai tiếng Việt đến thế, thì than ôi, học trò của chúng
ta sẽ ra sao, hỡi những vị đang quản lý ngành giáo dục nước nhà ?
Phần “ghi nhớ “ đóng trong khung hình chữ
nhật, trang 23, sau bài học “Thánh Gióng”, được viết thành một câu văn hết sức
lủng củng, rườm rà, dây cà ra dây muống, như sau :” Hình tượng Thánh Gióng với
nhiều màu sắc thần kỳ là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước,
đồng thời là sự thể hiện quan niệm và ước
mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống
ngoại xâm “. Viết một câu văn lôi thôi thế này, quả tình còn hơn đánh đố ! Người
lớn đọc cũng chịu, không hiểu SGK muốn nói gì, huống hồ học sinh lớp 6 mới 12
tuổi;nhất là còn bắt các cháu học thuộc lòng đoạn “ghi nhớ” rối như canh hẹ
trên. Câu văn phức hợp này chỉ có 55 âm tiết mà lặp tới 2 từ “là”, 2 từ “và”, 2
từ “ của”, dày đặc từ Hán Việt chỉ khái niệm, cứ chồng chất lên nhau theo kiểu
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc “; nào là “hình tượng”, “biểu tượng”, “quan niệm”,
“thần kỳ”, “rực rỡ”, “thể hiện”, “ước mơ”...Thế nào là “biểu tượng rực rỡ của ý
thức”, là “ sự thể hiện quan niệm” ? Văn viết cho học sinh lớp 6 học thuộc lòng
mà còn rối rắm hơn cả những phần rối rắm nhất của triết học Kant thế ư ? Chúng
tôi xin sửa câu văn trên, thành một câu văn giản dị, trong sáng, như sau :”Hình
tượng Thánh Gióng- người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm, với nhiều màu sắc
thần kỳ, là biểu tượng cho ước mơ bảo vệ đất nước của nhân dân ta xưa”.
Phần “ghi nhớ” của bài “Giao tiếp, văn bản và
phương thức biểu đạt” trang 17 có 3 câu, chúng tôi xin dẫn ra câu thứ nhất vừa
viết thiếu chủ ngữ, vừa có nội dung chưa chính xác, như sau :” Giao tiếp là hoạt
động truyền đạt, tiếp nhận tư tưởng, tình cảm bằng phương tiện ngôn từ”. “Giao
tiếp là hoạt động” của ai, của cái gì ? “Giao tiếp” của con người sao chỉ diễn
ra qua tư tưởng, tình cảm, còn hành động thì bỏ đi đâu ? Chúng tôi xin sửa câu
văn định nghĩa trên cho chính xác hơn về nội dung và ngữ pháp, như sau :” “Giao
tiếp” là mọi ứng xử của con người với thế giới, thông qua phương tiện ngôn từ”.
Sách giáo viên chỉ dẫn phần học này còn có một định nghĩa buồn cười theo kiểu
“con cóc là con cóc”, như sau :”Mục đích giao tiếp là đích giao tiếp” ( tr.51)
Phần “ghi nhớ” của bài “Từ mượn” trang 24
có 3 câu, xin dẫn ra câu thứ nhất, như sau :” Ngoài từ thuần Việt là những từ
do nhân dân ta tự sáng tạo ra, chúng ta còn vay mượn nhiều từ của tiếng nước
ngoài để biểu thị những sự vật, hiện tượng, đặc điểm,...mà tiếng Việt chưa có từ
thật thích hợp để biểu thị”. Câu định nghĩa trên lặp 2 lần từ Hán Việt “biểu thị”,
lại thừa một đoạn : từ liên từ “mà” đến hết câu. Phải thay từ “biểu thị” đầu
tiên bằng từ “gọi” cho trong sáng, bỏ hết phần sau bắt đầu bằng từ “mà”, câu
văn mới không bị lỗi. Tiếng Việt bao gồm từ thuần Việt, cộng với từ Hán Việt và
các từ nhập từ các nước phương Tây như xà phòng, ga, xăng, ti vi, mít tinh, xô
viết...Do đó, hai chữ “Tiếng Việt” ở phần cuối câu văn SGK trên phải viết cho
chính xác là “Tiếng thuần Việt” mới logic. Nhưng nếu viết dài dòng như thế, câu
văn sẽ trùng lặp, lủng củng.
Phần “ghi nhớ” của bài”Tìm hiểu chung về
văn tự sự” trang 27 có 2 câu, xin dẫn ra câu định nghĩa thứ nhất viết chưa đúng
tiếng Việt, như sau :”Tự sự ( kể chuyện) là phương thức trình bày một chuỗi các
sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể
hiện một ý nghĩa”. Câu văn ngắn thế này mà lặp tới 3 lần từ “một”, 3 lần từ “sự
việc”, hai lần từ “dẫn đến” nên rất tối tăm, nặng nề. Viết cho học sinh lớp 6,
nếu có từ đơn giản cùng một ý nghĩa thì không nên dùng từ phức tạp, khó hiểu.
Do vậy, câu văn trên phải thay từ “phương thức” bằng từ “cách”, bỏ một tập hợp
từ “ sự việc này dẫn đến sự việc kia” vì nó trùng với “một chuỗi các sự việc”,
bỏ từ “cuối cùng”, bỏ từ “một” thứ hai, ta có một định nghĩa giản dị, ngắn gọn,
dễ hiểu, như sau :”Tự sự( kể chuyện) là cách trình bày một chuỗi các sự việc dẫn
đến kết thúc, thể hiện một ý nghĩa”.
Phần “ghi nhớ” của bài “ Sự việc và nhân vật
trong văn tự sự” trang 37, có mấy câu, xin trích ra câu đầu viết chưa đúng tiếng
Việt :” Sự việc trong văn tự sự được trình bày một cách cụ thể: sự việc xảy ra trong thời gian, địa
điểm cụ thể, do nhân vật cụ thể thực hiện,
có nguyên nhân, diễn biến, kết quả...”.Câu định nghĩa rất ngắn trên sao lại lặp
3 lần từ “cụ thể”, 2 lần từ “sự việc” ? Phải viết lại câu định nghĩa trên như
sau mới đúng :”Sự việc trong văn tự sự được trình bày một cách cụ thể: xảy ra
trong thời gian, không gian, do một hay nhiều nhân vật thực hiện, có nguyên
nhân, diễn biến, kết quả”.
Phần “ghi nhớ” của bài “Sự tích Hồ Gươm”
trang 43 là một đoạn văn rườm rà, lủng củng, như sau :”Bằng những chi tiết tưởng
tượng, kỳ ảo, giàu ý nghĩa ( như Rùa Vàng, gươm thần), truyện “Sự tích Hồ Gươm”
ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc
khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo ở đầu thế kỷ thứ
XV. Truyện cũng nhằm giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, đồng thời thể hiện khát vọng
hòa bình của dân tộc”. Truyện này ca ngợi ai, ca ngợi cái gì ? Sao lại đi “ca ngợi
tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân” ? Thế nào là “tính chất chính nghĩa,
tính chất nhân dân” ? Chịu ! Câu văn trên muốn trong sáng, giản dị, dễ thuộc, dễ
nhớ, phải bỏ ngay cái “mệnh đề” phi logic này :” tính chất chính nghĩa, tính chất
nhân dân và chiến thắng vẻ vang của”.
Phần “ghi nhớ” của bài “Chủ đề và dàn bài
của bài văn tự sự “ trang 45, câu đầu tiên viết như sau :” Chủ đề là vấn đề chủ
yếu mà người viết muốn đặt ra trong văn bản”. Đây là một câu đơn giản cực ngắn,
chỉ 16 âm tiết mà đã có đến 8 âm tiết của 4 từ Hán Việt khó hiểu, lại điệp ngữ
liên miên :” Chủ đề-Vấn đề-Chủ yếu”. Chúng tôi xin sửa câu định nghĩa này cho
trong sáng, dễ nghe hơn, như sau :” Chủ đề là ý chính mà người viết muốn đặt ra
trong bài”.
Phần “ghi nhớ” của bài “Tìm hiểu đề và
cách làm bài văn tự sự”, trang 48, câu đầu tiên tối tăm, trùng lặp, lủng củng đến
không ngờ, như sau :” Khi tìm hiểu đề văn tự sự thì phải tìm hiểu kỹ lời văn của
đề để nắm vững yêu cầu của đề bài”. Câu văn này có 24 âm tiết mà trùng lặp tới
2 lần từ “tìm hiểu”, 3 lần từ “đề”, 2 lần từ “văn”, 2 lần từ “của”; ngoài ra, từ
“thì” rất khó nghe, cần thay bằng một dấu phảy. Chúng tôi xin sửa câu văn trên
cho đúng tiếng Việt, bớt đi 8 âm tiết thừa, như sau :” Khi tìm hiểu đề văn tự sự,
phải đọc kỹ, nắm vững yêu cầu đề bài”.
Phần “ghi nhớ” của bài “ Ngôi kể và lời kể
trong văn tự sự “, trang 89, câu thứ 2, mắc lỗi thừa chữ và thiếu một dấu chấm
câu, như sau :” Khi gọi các nhân vật bằng tên gọi của chúng, người kể tự giấu
mình đi, tức là kể theo ngôi thứ ba, người kể có thể kể linh hoạt, tự do những
gì diễn ra với nhân vật”. Câu văn trên phải bỏ từ “gọi” thứ 2, đánh dấu chấm
câu thay cho dấy phảy sau cụm từ :” ngôi thứ ba” mới hết lỗi.
Phần “ghi nhớ” của bài “Thầy thuốc giỏi cốt
nhất ở tấm lòng”, trang 165 là một câu văn tràng giang đại hải, dùng từ thiếu
chuẩn xác, như sau :”Với hình thức ghi chép chuyện thật, trong đó biết xoáy vào
một tình huống gay cấn để tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nét, truyện Thầy
thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng ca ngợi phẩm chất cao quý của vị Thái y lệnh họ
Phạm : không chỉ có tài chữa bệnh mà quan trọng hơn là có lòng thương yêu và
quyết tâm cứu sống người bệnh tới mức không sợ quyền uy, không sợ mang vạ vào
thân”. Câu văn trên dài hụt hơi, lại lôi thôi những là, mà. “Ghi chép” là thể
loại văn học, sao SGK lại dùng cụm từ “ hình thức ghi chép” ? Câu văn 83 âm tiết
trên cần phải tách làm 3 : đánh dấu chấm câu sau “bộc lộ rõ nét”, lại đánh dấu
chấm câu thay cho dấu hai chấm 🙂) sau “Thái y
lệnh họ Phạm”, thêm từ “ông” vào sau dấu chấm câu này. Như vậy, câu văn đầu
tiên sẽ thiếu chủ ngữ : ai “biết xoáy vào tình huống” ? Chúng tôi xin sửa lại
câu văn sai này cho đúng tiếng Việt, như sau :” Đây là chuyện người thật, việc
thật, tác giả biết xoáy vào tình huống gay cấn để tính cách nhân vật được bộc lộ
rõ nét. Truyện “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng” ca ngợi phẩm chất cao quý
của vị Thái y lệnh họ Phạm. Ông không chỉ có tài chữa bệnh, quan trọng hơn là
có lòng thương yêu, quyết tâm cứu sống người bệnh, tới mức không sợ quyền uy,
không sợ mang vạ vào thân”.
Cuốn SGK “Ngữ Văn 6” này còn khá nhiều lỗi
tu từ, ngữ pháp, hành văn không chỉ thể hiện trong các phần “ghi nhớ”. Vì khuôn
khổ bài báo không cho phép, chúng tôi xin hẹn bạn đọc một dịp thuận tiện khác.
Phần “ghi nhớ” do các GS, GSTS viết cho con trẻ học thuộc lòng nơi đây là điều
tối quan trọng, sao lại để xảy ra quá nhiều sai sót, quá nhiều lỗi sơ lược
trong cách dùng tiếng Việt; ngay ở một học sinh trung học, đã tuyệt nhiên không
chấp nhận những sai phạm vỡ lòng này ? Thử hỏi, những ai là người phải chịu
trách nhiệm trong việc viết sai tiếng Việt nơi SGK “Ngữ Văn 6” ?
Sài Gòn.. 2-6-2003
T.M.H.
…………………………………….
GS. NGUYỄN ĐĂNG MẠNH VÀ HỌC TRÒ CỦA ÔNG
CHỈ BIẾT CHỬI BỚI THÔ TỤC, KHÔNG HỀ BIẾT TRANH LUẬN HỌC THUẬT DỰA TRÊN VĂN BẢN
TRƯỚC CÁC BÀI PHÊ BÌNH SÁCH GIÁO KHOA CỦA CHÚNG TÔI: PHÊ BÌNH VĂN HỌC CÓ ĐANG TỰ
HẠ THẤP MÌNH CHĂNG ?
Văn học, cũng như nhiếp ảnh, đều là
những nghệ thuật nằm trong phạm trù của CÁI ĐẸP. Lý luận phê bình văn học là bộ
môn của văn học, dĩ nhiên cũng phải ĐẸP. Nghĩa là khi tranh luận, khi phê bình nhau,
người viết tuyệt nhiên phải giữ thái độ hòa nhã, lịch sự, lịch lãm, mềm mỏng,
tuyệt đối không được xúc phạm cá nhân hoặc chửi bới người khác. Phê bình nhau,
tranh luận nhau dù nảy lửa đi nữa mà vẫn tôn trọng nhau, mới là người có văn
hoá trong phê bình.
Rất tiếc, trước và sau Hội
nghị phê bình văn học Tam Đảo trung tuần tháng 8 - 2003 vừa qua, xuất hiện một
số bài viết trên một số báo như :” Ngày Nay”, “An Ninh thế giới cuối tháng
8-2003”, “Gia Đình & Xã Hội” của ba vị GS là Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh
và Trần Đình Sử cùng một vài học trò của họ như Văn Giá, Đỗ Ngọc Thống, Lê Hữu
Thảo...đã khiến dư luận xã hội xôn xao rằng phê bình văn học hình như đang tự hạ
thấp mình bằng ...chửi bới(!)
Đầu tiên, phải kể đến bài trả lời phỏng
vấn của GS. Nguyễn Đăng Mạnh đăng trên báo “Ngày Nay” ( số 15, ngày 5-8-2003) với
nhan đề :” Không tranh luận kiểu ngụy
phê bình “. Trong bài báo này, GS. Nguyễn Đăng Mạnh đã chửi bới chúng tôi (TMH)
bằng những ngôn từ như sau :(” Trần Mạnh Hảo là hạng người tư tưởng thấp kém, động
cơ xấu, ngụy phê bình”...” Tâm lý đố kỵ của kẻ học hành dở dang không có bằng cấp
gì “...” An nói bừa bãi, quy kết chụp mũ một cách văng mạng”...”Nghĩ một đăng,
nói một nẻo”...”Không nghiên cứu gì “...).
Cũng
trong bài báo này, GS. Nguyễn Đăng Mạnh tuyên bố “Tôi là người tự trọng, tôi
không muốn hạ thấp mình để tranh luận với Trần Mạnh Hảo”.
Quả đúng như thế, GS. Mạnh “không hạ thấp
mình “ để tranh luận học thuật với Trần Mạnh Hảo; nhưng GS đã “hạ thấp mình “ để
chửi bới tiếp Trần Mạnh Hảo bằng hai bài trả lời phỏng vấn khác in trên báo
“Gia đình&Xã hội” số 100, ngày 22-8-2003 với nhan đề :” Những phát hiện của
Trần Mạnh Hảo chỉ đáng tầm dọn vườn “ và bài “Cần chấm dứt lối phê bình chụp mũ
và xuyên tạc” số 105, ngày 2-9-2003. Trong hai bài báo tranh luận bằng “chửi bới”
vô bằng cứ này, GS. Nguyễn Đăng Mạnh vẫn tiếp tục dùng những ngôn từ phi học
thuật để nói về chúng tôi giống như trên báo “Ngày Nay”. Nhưng GS. Mạnh đã
“nâng cấp” ngôn từ lên bằng cách gọi Trần Mạnh Hảo là ...con khỉ núp bóng con hổ
như sau :” Giống như khỉ mượn oai hùm, người ta không sợ khỉ mà sợ hổ”.
GS. Mạnh cho rằng vì ông sợ con khỉ Trần Mạnh
Hảo kia nên mới sửa chữa SGK theo ý “khỉ Hảo”, mà ý Hảo thì sai, ý GS. mới
đúng. Vì để “yên thân, yên chuyện” nên ông và các ông GS khác phải sửa cái đúng
của họ trong SGK thành cái sai để học trò cả nước học !
Về
chuyện này, chúng tôi xin trích ý kiến của tác giả Hoàng Văn Cao trong bài “ Đừng
hạ thấp danh dự của nhau” in trên báo “Gia đình &Xã hội” số 107, ngày
6-9-2003 như sau :” Ở đây tôi thấy : khi nhà thơ Trần Mạnh Hảo có những bài phê
bình thì GS. Nguyễn Đăng Mạnh lại có bài “phang” lại rồi hạ thấp nhau, nói nhà
thơ Trần Mạnh Hảo chỉ đáng tầm dọn vườn, không có nhà, chỉ ra đường để “bậy”, rồi
ví như con khỉ không đáng sợ, chỉ sợ con hổ “.
Cũng
trên số báo này, nhà báo Hà Minh trong bài “ Giáo sư - NGND Nguyễn Đăng Mạnh
không nên nói thế “ có đoạn viết như sau :” Tôi giật mình vì Giáo sư - NGND
Nguyễn Đăng Mạnh nói những phát hiện của Trần Mạnh Hảo chỉ đáng dọn vườn”...”
"Tôi
thấy Trần Mạnh Hảo và những bài phê bình SGK của ông ta là có chứng, có lý. Bằng
chứng là những nhà soạn SGK vĩ đại phải sửa ngay.GS Mạnh bảo “sửa để cho yên
thân”. Theo tôi, không sai thì sao phải sửa ? Hay là sợ TMH mà phải sửa. TMH bảo
sao làm vậy ? GS cho là SGK đúng đắn, bằng chứng là “Hàng vạn giáo viên họ
không dạy theo những điều đã sửa”. Nói như thế thì làm SGK khác nào như đẽo cày
giữa đường. Thật buồn cho một tập thể biên soạn. Có đúng thế không thưa GS ?”.
Khi phóng viên hỏi GS Mạnh rằng xin GS gọi tên
con hổ đứng đằng sau “con khỉ Trần Mạnh Hảo” thì GS Mạnh trả lời :” Tôi chỉ ngờ
ngợ thế thôi, không hiểu nó là cái gì “.
GS
Mạnh đã lấy sự “ngờ ngợ” “ không hiểu là cái gì” ra làm bằng cớ để chửi bới,
xúc phạm chúng tôi trong suốt ba bài báo là cớ làm sao ? Bắt chước thầy mình gọi
Hảo là con khỉ, ông Đỗ Ngọc Thống trên báo “Gia đình & Xã hội” số 107,
6-9-2003 trong bài “ Có con gà cứ tưởng tiếng gáy mình làm trời sáng” đã gọi
chúng tôi là con gà !
Người lên diễn đàn Hội nghị phê bình
Tam Đảo sáng 15-8-2003 biện minh cho những lời chửi bới trên của GS Mạnh là ông
Hoàng Ngọc Hiến, mà bài nói vo này đã in trên báo “Ngày Nay” số “17, ngày
5-9-2003 với nhan đề :” Về tư cách người phê bình và tư cách người bị phê bình”
chủ trương một trường phái phê bình kỳ lạ có tên là :” VĂNG TỤC VÀ CHỬI THEO
NGHĨA ĐEN”, như sau :” Tôi đề nghị một sự giãn biên những cung bậc, cung cách
phản ứng bị phê bình chấp nhận được, thậm chí cần có sự thông cảm ngay cả với
văng tục và chửi ( theo nghĩa đen)”. Ong Hiến khoe mình chuyên môn bị “chửi” một
cách có vẻ hãnh diện như sau :” ...Tôi là người bị chửi nhiều nhất, ở trong nước
cũng như ngoài nước....ngoài nước chửi hàm hồ và tàn bạo hơn nhiều “.
Về chuyện bài nói vo mang tính “chửi học “
này của ông Hiến ở Tam Đảo, nhà văn Văn Chinh đã tường thuật lại trên tờ “An
ninh thế giới cuối tháng, 8-2003” trong bài “ Bằng mặt liệu có bằng lòng”, có
đoạn viết như sau :”Ong Hiến đồng ý với ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương nhận
xét về cái tiểu khí trong bài đăng ở báo “Ngày Nay” của GS. Nguyễn Đăng Mạnh
khi nói về Trần Mạnh Hảo :”Anh Mạnh là bạn tôi, bạn tôi đúng là nhiều nhược điểm,
không chỉ tiểu khí mà còn đê tiện nữa...”.
Người
nghe cứ tưởng ông Hiến nhận lỗi thay cho bạn, nhưng chợt ông nhắc đến câu nói của
nhà phê bình Nga Biêlinxki :” Người cao thượng không phải là người không đê tiện
mà là người biết nên đê tiện vào lúc nào”. Rồi nói tiếp :” Cái đáng sợ nhất
không phải là sự đê tiện, sự tiểu khí; đáng sợ nhất là người luôn luôn tiểu
khí, luôn luôn đê tiện, luôn luôn nhố nhăng mà không tự biết”.
Khi người thầy đề xướng và quảng bá
cho lối phê bình “văng tục và chửi theo nghĩa đen”, thì dĩ nhiên học trò liền
hưởng ứng nồng nhiệt ngay. Đấy là bài “ Không nên cãi vã tủn mủn “ của ông Văn
Giá ( cán bộ giảng dạy trường đại học tuyên giáo- là đại học của riêng ban văn
hóa văn nghệ trung ương) in bên cạnh bài của ông Hoàng Ngọc Hiến trên báo đã dẫn.
Ong Văn Giá khen hai “cụ”, “cụ Hiến” và “cụ Mạnh” chửi như thế là hay, là toàn
đúng cả, là “đường bay chim ưng”. Còn những ai không thuộc phe “chửi học” của
hai “cụ”-thầy kia theo ông Văn Giá thì “ là đường bay của cú, của quạ”.
Ông Văn Giá viết về Trần Mạnh Hảo( người
phê bình GS.Nguyễn Đăng Mạnh 25 bài đều đã đăng báo, in sách ) bằng những dòng
vượt mức “hai cụ” trên, như sau :” Có một thằng suốt ngày cứ rình người ta đi
qua là khạc nhổ thì bố ai mà chịu được. Mà cụ Mạnh thì đã nín nhịn bốn năm năm
nay rồi”.
Ông
Văn Giá còn tiến xa hơn nữa bằng một khái quát rất sai về ý tưởng, lại rất
ngông cuồng vì ông dám GỌI CẢ NƯỚC BẰNG THẰNG như sau :”Ở Việt Nam mình có một
hiện tượng gần như là một hạn chế thuộc về quốc dân tính là THẰNG LÀM thì ít,
THẰNG CHƠI thì nhiều, THẰNG KHÔNG BIẾT LÀM thì chỉ thích chê bai, thích chọc gậy
bánh xe người khác”....” Vì cái chung thì phải quý, phải ủng hộ THẰNG LÀM chứ,
sao lại có thể đi ủng hộ cái THẰNG phá đám được...”.
Ý ông Văn Giá : THẰNG LÀM, THẰNG XÂY là những
người lao động chân tay, lao động trí óc đang góp công sức xây dựng đất nước với
đủ mọi ngành nghề, kể cả nghề dạy học như ông Giá và hai “cụ Hiến”, “cụ Mạnh”.
Viết như thế hoá ra ông Văn Giá đã gọi thầy mình là “hai cụ” trên cũng bằng THẰNG
như cả nước đã bị ông “THẰNG HOÁ” cả đó sao ?
Cũng bằng giọng “chửi học” như trên,
GSTS Trần Đình Sử( người đã từng bị chúng tôi phê bình 7 bài trên báo vì bình
văn sai) đã lên báo “An Ninh thế giới cuối tháng, 8-2003” trả lời phỏng vấn
trong bài “ Chúng ta đang tụt hậu “ chửi bới chúng tôi thậm tệ bằng những ngôn
từ như sau :” Anh Hảo là nhà phê bình lừa dối dư luận, anh còn rắp tâm lừa dối
cả cấp trên”, “ dối trá”, “chả biết gì về văn học”, “không đúng”, “Chí Phèo phê
bình”, “ xuyên tạc, đả kích cá nhân làm mục đích”, “sai lầm nhiều quá”, “ không
có phương pháp gì”, “ bình tán rẻ tiền”, “quy chụp chính trị”, “người cùn”, “lý
sự cùn”...”chưa hiểu biết gì cả”, “ không đáng để chúng tôi phải bàn. Nói thật
là dưới tầm”...
Nếu quả chúng tôi là nhà phê bình “lừa
dối” như ông Sử nói, sao năm 1996, ông Sử là một người trong 9 người thuộc Hội
đồng lý luận phê bình Hội Nhà Văn Việt Nam đã bỏ phiếu cho chúng tôi được giải
thưởng phê bình cuốn “Thơ phản thơ” , lại không vạch trần sự lừa dối của chúng
tôi ra ? Nếu chúng tôi có nhiều “tội” lớn trong phê bình như thế mà suốt hơn 10
năm trời, các báo lớn nhỏ trong cả nước liên tục đăng bài của chúng tôi, sao
ông Sử không có ý kiến? Sao chúng tôi phê bình “lừa dối” mà lại được các nhà
văn tên tuổi như sau lên báo khẳng định Trần Mạnh Hảo căn bản viết đúng, ví như
các vị : Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Vũ Hạnh,
Anh Đức, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trí Huân, Lê Lựu,
Trần Đăng Khoa, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Cao, Xuân Thiều, Vũ Quần Phương,
Phương Lựu, Vương Trọng, Khuất Quang Thụy, Đinh Quang Tốn, Diệp Minh Tuyền, Đặng
Hấn, Nguyễn Văn Lưu, Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn, Đỗ Trung Lai,Lê Quý Kỳ,
Lê Thành Nghị, Đình Kính, Hữu Đạt, Hồng Diệu...Trong dịp tết Quý Mùi vừa qua, Bộ
Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển đã gửi thư
và quà tới nhà chúng tôi cám ơn vì chúng tôi đã bỏ nhiều công sức phê
bình SGK và Bộ đã cho sửa chữa, viết lại năm 2000. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng
Huỳnh Mai còn tới tư gia chúng tôi để cám ơn vì sự đóng góp của chúng tôi cho nền
giáo dục nước nhà bằng phê bình SGK.
Chúng tôi, trong suốt hơn 10 năm viết
phê bình, đã in 3 tập sách :” Thơ phản thơ”, “Phê bình phản phê bình”, “Văn học
-phê bình- nhận diện”( tức “Hầu chuyện các Giáo Sư) và cả trăm bài rải rác trên
các báo, luôn luôn căn cứ trên văn bản để phê bình, “nói có sách, mách có chứng”;
tuyệt đối không bao giờ xúc phạm cá nhân. Chúng tôi hết sức buồn sau hàng loạt
bài của các GS và học trò của họ vừa qua, quyết không tranh luận học thuật, chỉ
cốt chửi bới chúng tôi là ngu dốt, vô học, thậm chí là con khỉ, là gà qué, là
quạ diều... Đã đến lúc phê bình văn học nên trở về vị trí sang trọng, lịch sự,
lịch lãm của mình trên văn đàn chứ không “hạ thấp mình” xuống cõi chợ búa để chửi
bới nhau thậm tệ như những vị trên đã làm. Như vậy, những người cầm bút phê
bình chúng ta mới có cơ lấy lại sự kính trọng trong mắt bạn đọc.,.
20-9-2003
T.M.H.
…………………..
Ts.Chu Văn Sơn - kẻ bôi tro trát trấu lên
mặt nhà thơ Nguyễn Bính. Ông Sơn đã hoàn tất sự nghiệp của thầy mình là GS.
Nguyễn Đăng Mạnh : quyết sống chết phá hoại tới cùng nền văn học Việt Nam trên
giảng đường đại học, trên truyền hình và trên sách vở:
CÓ THẬT CON NGƯỜI CÁ NHÂN ( CON NGƯỜI ĐỜI
THƯỜNG)
CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH CHỈ TOÀN LÀ CẶN
BÃ?
Lời
phi lộ : Hôm qua, khi chúng tôi ( TMH) đưa bài phê bình về chuyện tả liễu trong
thơ của Nguyễn Du và Xuân Diệu để trao đổi với TS. Chu Văn Sơn, có trích lời
ông Văn Giá nào đó khen Chu Văn Sơn là đỉnh cao vào bậc nhất của phê bình văn học
ngày nay bèn có bạn ngoài Hà Nội gọi vào bảo : Văn Giá cũng là PGS.TS văn học,
giám đốc trường đào tạo nhà văn trẻ mang tên Nguyễn Du trong đại học văn hóa đầy.
Tội trộm nghĩ, một kẻ dốt nát tận cùng về văn học như ông Văn Giá này mà làm
nghề đào tạo nhà văn trẻ, thì than ôi, vận nước đã tiêu rồi (!) ( hết lời phi lộ)
Sở
dĩ chúng tôi đã cho công bố ba bài báo in trên "Văn Nghệ" "Người
Hà Nội" "Thế Giới Mới" trong tháng 12-2004 phê bình tiến sỹ Chu
Văn Sơn trong cuốn sách " Ba đỉnh cao Thơ Mới ( viết về Xuân Diệu Nguyễn
Bính Hàn Mặc Tử - NXB Giáo Dục) đã công khai núp bóng nghiên cứu khoa học để hạ
bệ bôi nhọ danh dự và thi ca từ Nguyễn Du tới Hàn Mặc Tử. TS. Chu Văn Sơn đang
là giảng viên khoa văn đại học sư phạm Hà Nội lại thường xuyên lên Đài Truyền
Việt Nam bình giảng văn thơ cho cả nước học tập thường xuyên được các sở giáo dục
mời đi bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi văn lớp 12 nên việc ông dùng những
kiến thức không chuẩn những quan niệm sai lầm những nhận định có tính chất mạ lỵ
xúc phạm tới các tác giả lớn để giảng trong nhà trường là một việc làm rất nguy
hiểm; ví như việc tác giả để hẳn một chuyên luận bảo thơ Hàn Mặc Tử là thơ điên
khùng là thứ thơ mất trí vô nghĩa nhảm nhí; lại nói xấu Nguyễn Du bảo ông tả liễu
thua xa Xuân Diệu tả liễu chỉ cốt để tả liễu mặc dù trong Truyện Kiều đại thi
hào đã 25 lần tả liễu và toàn là tuyệt chiêu của nghệ thuật thi ca. TS. Chu Văn
Sơn còn ra sức nói xấu hạ bệ thơ tình Xuân Diệu như bảo "nàng thơ" của
nhà thơ tình số một Việt Nam là nửa trai nửa gái rằng "em" với
"nàng" trong thơ tình Xuân Diệu phần lớn là đám đực rựa râu ria xồm
xoàm; rằng chính con người Xuân Diệu có cấu tạo sinh lý nửa đực nửa cái...
Đã
đến lúc chúng tôi phải nhờ công luận báo chí tạo sức ép không cho phép TS. Chu
Văn Sơn được dùng các diễn đàn hết sức quan trọng và nhậy cảm như để hạ bệ bôi
nhọ trắng trợn các thần tượng văn học nước nhà. Ấy vậy mà kinh ngạc thay trên
báo "Văn Nghệ" số 47 ngày 20-11-2004 tác giả Văn Giá bằng bài viết :
" Thêm một công trình nghiên cứu có chất lượng về Thơ Mới" đã hết lời
ca ngợi TS. Chu Văn Sơn bằng những lời tung hô đại ngôn mà nếu dành để khen
Hoài Thanh e cũng còn quá đáng. Chỉ xin tóm tắt mấy ý mấy từ của Văn Giá coi
Chu Văn Sơn như "vua" phê bình thơ nước nhà như sau : " MANG ẤN
TÍN QUYỀN UY CỦA CHU VĂN SƠN" " Có dáng dấp một lý thuyết nghiên cứu
riêng" " Làm nên tư tưởng dấu ấn riêng" "Xuất sắc"
"Tính chuyên môn cao" "Mang phong cách Chu Văn Sơn" "
Gọi được hồn vía của mỗi nhà thơ hiện lên trang giấy"...
Lần
này chúng tôi xin mời quý độc giả xem Chu Văn Sơn gọi hồn Nguyễn Bính hiện lên
trang giấy bằng cách bảo sau khi vắt kiệt tinh hoa cho thơ cuộc đời riêng ( tức
con người cá nhân đời thường) của nhà thơ Nguyễn Bính chỉ còn toàn là cặn bã .
Trước hết xin quý độc giả xem quan niệm về con người của Chu Văn Sơn đúng hay
sai : " Nghiên cứu tiểu sử nhiều nhà văn lắm lúc thấy nghi ngờ cái tín điều
đã thành mặc nhiên trong truyền thống : văn là người. Thực ra chẳng phải nhọc
lòng hoài nghi. Nó vẫn mặc nhiên là tín điều. Có chăng cần phải hiểu thế nào về
người thôi. Sự đồng nhất giản đơn con người sinh hoạt với con người văn chương
thì rất dễ gây thất vọng hẫng hụt. Bởi văn là sự lên tiếng của con người tâm
linh con người khát vọng. Khát vọng chân chính của một con người chính là biểu
hiện tập trung cho bản chất của người ấy. Và do đó tầm vóc khát vọng cũng quyết
định phần lớn tầm vóc của cá nhân. Tôi chưa biết anh là ai nhưng hãy bộc bạch
khát vọng của mình tôi sẽ biết anh là ai"...
Quan
niệm về con người của Chu Văn Sơn trên đây là hoàn toàn duy tâm và không đúng.
Đánh giá con người đúng hay sai xấu hay tốt đẹp hay không đẹp người ta đánh giá
trên tư tưởng tình cảm lời nói và hành vi người ấy chứ sao lại chỉ căn cứ trên
khát vọng trên ước mơ của người ấy như Chu Văn Sơn bảo "khát vọng" là
"bản chất" của con người rằng : " ...Hãy bộc bạch khát vọng của
mình tôi sẽ biết anh là ai" (!) Ví dụ như khi có một tên chuyên môn giết
người cướp của mang bộ dạng thiện lương ăn mặc rất trí thức lịch lãm đến gặp
Chu Văn Sơn rồi bộc bạch khát vọng của mình như sau : tôi luôn ước mơ sống
trong giàu sang phú quý và khát vọng cả thế gian ai cũng vợ đẹp con khôn ăn
sung mặc sướng tôi muốn thế giới hòa bình xã hội phồn vinh...Ôi chao toàn là
khát vọng chân chính cả thôi ! Nếu chỉ căn cứ vào khát vọng này để đánh giá chứ
không căn cứ vào hành vi ( thực chất anh này là tên giết người cướp của) thì e
tất cả bọn đao phủ trên thế gian này đối với Chu Văn Sơn đều có thể là người tốt
cả ư ? Khát vọng của Hitle Mao trạch Đông Stalin Pônpốt Kim Nhật Thành... há chẳng
tốt đẹp lắm sao ? Bao nhiêu kẻ có ước mơ khát vọng vương đạo nhưng hành vi thì
bá đạo. Bao nhiêu kẻ lấy mục đích tốt đẹp ( khát vọng bình đẳng tự do bác ái)
làm môn bài làm bình phong để che lấp hành vi xấu xa độc ác ví như dương ngọn cờ
chính nghĩa của Cách Mạng tư sản Pháp đi cướp nước người ta đó sao ?
Mang
quan niệm sai trái về con người như trên rồi áp đặt vào đánh giá con người nhà
văn Chu Văn Sơn đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác : "Cho nên "văn
là người" là con người ấy tức con người bên trong con người bề sâu con người
khát vọng". Đánh giá "con người nhà văn" sao chỉ căn cứ vào khát
vọng của anh ta ? Sao lại tách con người thật con người đời sống con người thân
phận mang tư tưởng tình cảm mang bi kịch cá nhân của nhà văn ra khỏi bản chất
bên trong làm nên nghệ thuật của anh ta ? Việc Chu Văn Sơn tách "khát vọng
bên trong" ra khỏi đời sống bên ngoài của nhà văn là tách cá ra khỏi nước
tách nội dung ra khỏi hình thức tách hồn ra khỏi xác cũng giống như việc cắt đứt
sợi dây diều vẫn buộc con diều vào mặt đất.
Bằng
quan niệm duy tâm này Chu Văn Sơn mượn lời Nguyễn Khải để cặn bã hoá con người
nhà văn nói chung và con người Nguyễn Bính nói riêng : " Nhà văn Nguyễn Khải
có lần nói : đối với anh nghệ sĩ phần tốt đẹp cao quý nhất của tâm hồn đã trút
vào văn chương hết rồi. Còn những gì thể hiện trong sinh hoạt đời thường đôi
khi chỉ là phần cặn bã của hắn mà thôi. Người ta đã kể ra chả ít chuyện nhếch
nhác bê tha lôm loam của Nguyễn Bính trong sinh hoạt giao du. Con người đời thường
lắm chỗ sao mà trái cựa trái khoáy với con người văn chương đến thế. Nhưng bức
chân dung tinh thần đích thực là thuộc về cái tôi bề sâu của nghệ sĩ. Cái tôi ấy
tự hoạ trong văn chương ngay cả khi nó không hề tự giác. Nguyễn Bính đã trút
vào thi ca tất cả những khát vọng sâu kín và cao quý nhất của mình. Cho nên CHẢ
VÌ CÁI BÃ BÊN NGOÀI MÀ NGHI NGỜ CÁI HỒN BÊN TRONG. Cũng bởi SỰ KHÔNG ĐỒNG NHẤT
NÀY mà trong nghiên cứu nghệ thuật mới cần phân biệt CON NGƯỜI THI SĨ (NGOÀI ĐỜI)
và CÁI TÔI THI SĨ ( TRONG VĂN)... ( Phần chữ in hoa trong bài do TMH nhấn mạnh).
Ngay
cả khi nói đùa nói cốt để nhún mình diễu mình chọc mình...đi nữa thì câu nói
Chu Văn Sơn dẫn ra được cho là của Nguyễn Khải ( nói ở đâu trong hoàn cảnh nào
ngữ cảnh nào ?) cũng không thật đúng. Dù tác giả có đưa từ " đôi khi"
đi kèm tức để nói rằng không phải là phổ biến thì ý tưởng bảo nhà văn sau khi
sáng tạo tinh hoa phát tiết hết ra ngoài nên bản thân "hắn" chỉ còn
là cặn bã là một cách bôi nhọ nhà văn bôi nhọ người nghệ sĩ. Xin xem "Đại
từ điển Tiếng Việt" của Bộ GD&ĐT ( NXB Văn hoá Thông tin 1999) trang
271 định nghĩa từ "cặn bã" như sau : " Cái vô dụng xấu xa thấp
hèn đáng bỏ đi ví như phần cặn và bã sau khi đã chắt lọc lấy hết tinh chất : trừ
bỏ cặn bã văn chương cặn bã phần tử cặn bã trong xã hội". Vượt qua mức độ
"đôi khi chỉ là phần cặn bã của hắn "-nhà văn Chu Văn Sơn áp dụng
ngay vào trường hợp Nguyễn Bính và không hề nới tay đã cặn bã hoá cuộc đời tư của
nhà thơ này bằng từ : CÁI BÃ BÊN NGOÀI : " Nguyễn Bính đã trút vào thi ca
tất cả những khát vọng sâu kín và cao quý nhất của mình. Cho nên chả vì CÁI BÃ
BÊN NGOÀI mà nghi ngờ CÁI HỒN BÊN TRONG". Trong đời thực hoàn toàn không
có cứ liệu nào chứng minh cuộc đời riêng của Nguyễn Bính toàn là cặn bã như Chu
Văn Sơn vu vạ.
Ở
chính chỗ này Chu Văn Sơn đã "pha" cuộc đời nhà thơ Nguyễn Bính ra
làm hai phần hồn và xác như người ta "pha" thớt thịt heo : xương ra
xương thịt ra thịt huyết ra huyết. Nghiên cứu tác giả tác phẩm mà ‘nghiên cứu
theo phương pháp mổ bò thế này thì tiêu vong hết mọi đối tượng tiếp cận mà
thôi. Sau khi "pha" Nguyễn Bính ra làm hai phần hoàn toàn riêng biệt
và đối lập hẳn nhau : CON NGƯỜI THI SĨ ĐỜI THƯỜNG chính là CẶN BÃ và CÁI HỒN
BÊN TRONG - CÁI TÔI THI SĨ TRONG VĂN toàn là tinh hoa cao quý. Hoá ra cơ sở của
văn thơ tinh hoa cao quý kia lại chính là CẶN BÃ ư ?
Làm
sao một con người có cuộc đời cá nhân cuộc đời thân phận vô dụng xấu xa thấp
hèn đáng khinh đáng bỏ đi thải hoại đi như thế lại sinh ra vàng mười thơ ca
toàn là thiêng liêng quý giá được ? Tục ngữ Việt Nam có câu "Người làm sao
chiêm bao làm vậy"; làm sao một kẻ có cuộc đời cặn bã như Nguyễn Bính
(theo Chu Văn Sơn) lại có thể sinh ra ngọc ngà châu báu thi ca ? Không phải bất
cứ nhà văn nào cũng phải sống đúng như tiêu chí CHÂN THIỆN MỸ mà tác phẩm ông
ta luôn phải hướng tới; hoặc hoàn hảo tuyệt đối như KHÁT VỌNG CÁI ĐẸP của tác
phẩm đặt ra; nhưng chí ít cuộc đời của mỗi người viết cũng phải là vật bảo hiểm
cho điều anh viết ra. Một kẻ bán nước làm tay sai cho giặc không thể viết ra những
dòng thơ yêu nước làm cảm động hồn người. Một kẻ sống ác thì làm sao viết ra điều
thiện làm xúc động lòng người đây ? Nhà văn thu nạp đời sống vào trong mình như
quặng để rồi dùng tài năng nghệ thuật luyện từ quặng ra thành vàng thành kim
cương văn học. Lẽ nào kim cương ấy vàng ấy lại quay ra phản quặng đối lập với
quặng ? Nếu đời sống sinh hoạt của nhà văn chỉ toàn cặn bã tức là bản thể anh
không phải là quặng nữa rồi. Làm sao anh có thể luyện cặn bã ra vàng mười thơ
văn đây?
Đối
lập hoàn toàn giữa con người nhà văn với tác phẩm của ông ta rồi còn CẶN BÃ HOÁ
đời sống thường nhật của nhà văn không chỉ trong trường hợp riêng Nguyễn Bính
như Chu Văn Sơn đã làm trên đây là một hành vi tiêu diệt chính văn học vậy. Thế
mà lạ thay Văn Giá lại mượn báo Văn Nghệ mà khen Chu văn Sơn đến mức tót vời
như thế thì quả là không còn trời đất gì nữa rồi. .
11-12-2004
T.M.H
………………………………
Trên
blog TỄU của tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện, chúng tôi vừa đọc bài báo rất
thiếu tính khoa học, rất hàm hồ, rất ngụy biện của PGS. TS. nhà văn Nguyễn
Thanh Tú, nguyên Phó tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quận đội có tên: “Khẳng định
vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lý, hợp tình” của PGS. TS. Nhà
văn Nguyễn Thanh Tú, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội ( Nay
"ông vua" viết "ní nuận" bảo vệ đảng đã không làm phó tổng
tạp chí VNQĐ nữa mà chỉ ở trong tổ sáng tác)
Nay
chúng tôi (Trần Mạnh Hảo) xin gửi tới quý bạn bài viết dưới đây, đã in trên báo
và in trên mạng Internet từ năm 2004 vạch trần trò láu cá của thầy trò GS.TS.
Trần Đình Sử và nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Tú, trong một vụ án đạo văn mờ ám
tạo thành “luận án tiến sĩ” của Nguyễn Thanh Tú để bạn đọc rộng đường dư luận.
Một
con người có án ăn cắp luận án tiến sĩ như Nguyễn Thanh Tú lại nhảy ra bênh đảng,
bảo hoàng hơn vua, thì người được bênh cũng chẳng vinh dự gì... Bài viết của
chúng tôi trả lời ông Nguyễn Thanh Tú có tên: “Khi hai thầy trò là đồng tác giả
luận án tiến sĩ ngữ văn” dưới đây:
KHI HAI THẦY TRÒ LÀ ĐỒNG TÁC GIẢ MỘT LUẬN
ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Báo
Gia Đình & Xã Hội số 153 (463) ra ngày 23/12/2003 có in bài: “Về tác giả
chuyên luận ‘Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan’ của TS. Nguyễn
Thanh Tú”, nhằm đáp lại bài “Ai là tác giả thật của ‘Thi pháp truyện ngắn trào
phúng Nguyễn Công Hoan?” của chúng tôi (tức Trần Mạnh Hảo) cũng in trên tờ báo
đã dẫn số 143 ngày 29/11/2003.
Đoạn
cuối cùng bài báo của mình, TS. Nguyễn Thanh Tú viết: “Bài viết của anh Hảo chứng
tỏ anh chẳng những không biết mối quan hệ đặc biệt của người hướng dẫn khoa học
và nghiên cứu sinh mà còn tùy tiện xuyên tạc.”
Trong
bài viết này, chúng tôi xin trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tú 2 vấn đề:
1.
Về mối quan hệ đặc biệt giữa người hướng dẫn khoa học, GS TS. Trần Đình Sử và
nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Tú ra sao?
2.
Trần Mạnh Hảo hay Nguyễn Thanh Tú, ai là người “tùy tiện xuyên tạc”?
Trước
khi vào vấn đề chính, chúng tôi cần tóm tắt vài nét về bài báo “Ai là tác giả
thật của thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan?” in trên tờ báo đã dẫn.
Số
là, năm 1996, ông Nguyễn Thanh Tú có hoàn thành luận án tiến sĩ nhan đề: “Từ
quan niệm nghệ thuật đến nghệ thuật ngôn từ trong truyện ngắn trào phúng của
Nguyễn Công Hoan” dày 179 trang khổ A4. Trên trang đầu tiên của luận án có lời
cam đoan và chữ ký của nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Tú, viết như đinh đóng cột
như sau: “LỜI CAM ĐOAN: Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai
công bố trong bất kỳ công trình nào khác.”
Thế
mà chỉ 5 năm sau, người ta thấy luận án trên của TS. Nguyễn Thanh Tú được xuất
bản với một tên khác: “Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan” mang
tên 2 đồng tác giả: GSTS. Trần Đình Sử và TS. Nguyễn Thanh Tú (NXB Đại học QG
Hà Nội 2001). Trong bài báo đã dẫn, chúng tôi nêu ra nghi vấn: thế thì ai là
tác giả thật của luận án tiến sĩ trên, ông Sử hay ông Tú, và nếu một luận án tiến
sĩ do hai thầy trò đồng tác giả như thế liệu có hợp pháp chăng?
1-
Về mối quan hệ đặc biệt giữa người hướng dẫn khoa học - PGS.TS Trần Đình Sử -
và nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Tú.
Như
chúng tôi vừa nêu, trên trang đầu luận án tiến sĩ của mình, nghiên cứu sinh
Nguyễn Thanh Tú đã cam đoan, thề rằng: “ĐÂY LÀ CÔNG TRÌNH CỦA RIÊNG TÔI!”. Thế
mà sau 5 năm, khi từ luận án tiến sĩ chuyển thành cuốn sách chung mang tên Trần
Đình Sử - Nguyễn Thanh Tú, ông Trần Đình Sử đã khui ra sự thật này, phủ nhận
hoàn toàn lời thề của ông Tú khi bảo vệ luận án TS: “Thi pháp truyện ngắn trào
phúng Nguyễn Công Hoan là chuyên luận đã được ấp ủ từ đầu những năm tám mươi
khi tôi bắt đầu viết thi pháp thơ Tố Hữu. Những ý tưởng được tích lũy dần cho đến
khi gặp Nguyễn Thanh Tú, một người ham học hỏi, làm việc đầy sáng tạo, năng nổ,
góp phần quyết định cho việc hoàn thành bản thảo. Đây là công trình chung, kết
quả làm việc phối hợp chặt chẽ của tôi và tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú.”
GSTS.
Trần Đình Sử khẳng định rằng không chỉ khi cuốn sách: “Thi pháp truyện ngắn
trào phúng Nguyễn Công Hoan” của hai đồng tác giả trên ra đời, mà ngay cả luận
án tiến sĩ: “Từ quan niệm nghệ thuật đến nghệ thuật ngôn từ trong truyện ngắn
trào phúng của Nguyễn Công Hoan” đã là cuộc kết hợp giữa hai thầy trò Trần Đình
Sử - Nguyễn Thanh Tú. Thế thì việc ông Tú cam đoan trên trang đầu của luận án
tiến sĩ do ông bảo vệ đầu năm 1997 rằng đây “LÀ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA RIÊNG
TÔI” hoàn toàn là một sự thiếu trung thực. Vì nếu ông Tú viết trên trang đầu của
luận án TS trên rằng: “Tôi xin cam đoan đây là công trình của hai thầy trò
chúng tôi là PGSTS. Trần Đình Sử - Nguyễn Thanh Tú” đúng như lời ông Sử sau này
khai ra, thì ông Tú đến 100 năm nữa cũng không lấy được học vị tiến sĩ. Trong
bài trả lời chúng tôi như đã dẫn, ông Tú cũng phải thừa nhận rằng cái luận án
tiến sĩ mà ông nói dối rằng của riêng ông, thực ra là của chung 2 thầy trò như
ông Sử đã tuyên bố; ông Tú thừa nhận: “Xét ở phương diện ý tưởng khoa học và
phương pháp nghiên cứu, người hướng dẫn hoàn toàn có thể là đồng tác giả của một
luận án khoa học do nghiên cứu sinh thực hiện”. Cũng trong bài trên, ông Tú tiếp
tục khai ra sự thật mà thầy mình đã đưa ra ánh sáng trước đó, rằng: “Ý tưởng
khoa học về đề tài luận án của tôi được GS. Trần Đình Sử ấp ủ từ khi ông viết
Thi pháp thơ Tố Hữu”.
Hóa
ra ông Sử đã thai nghén chuyên luận này từ đầu những năm 80, nghĩa là trước khi
ông Tú bảo vệ “thành công” cái luận án do hai thầy trò là đồng tác giả ít nhất
là 15 năm. Suốt 15 năm ấy “những ý tưởng được tích lũy dần cho đến khi gặp Nguyễn
Thanh Tú” như lời ông Sử, mới thành luận án tiến sĩ chung, thành sách chung của
hai thầy trò! Nghĩa là trước khi ông Tú bảo vệ luận án TS về nghệ thuật trào
phúng trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, ông Sử đã bỏ ra 15 năm suy nghĩ, ấp ủ,
nghiền ngẫm, thai nghén cái chuyên luận này mà khi đứng trước Hội đồng khoa học,
ông Tú đã thề rằng nó là của riêng mình! Đây là điều đáng trách nhất của cả ông
Sử và ông Tú!
Hóa
ra các ông cùng rắp tâm lừa Hội đồng khoa học, lừa Bộ GD&ĐT ư? Phải chăng
đây chính là mối quan hệ đặc biệt giữa người hướng dẫn khoa học PGS.TS Trần
Đình Sử và nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Tú? Trong bài báo trả lời chúng tôi,
ông Nguyễn Thanh Tú đã lờ đi hai điều then chốt nhất của vấn đề là lời thề của ông
trước khi bảo vệ luận án TS và lời thú nhận của ông Trần Đình Sử rằng đây là
công trình chung của 2 thầy trò khi nó còn trong trứng nước, tức là khi nó chưa
thành bản luận án TS mang tên ông Tú!
Như
vậy, luận án tiến sĩ của riêng Nguyễn Thanh Tú (thực chất là đồng tác giả của
hai thầy trò) kia, liệu có phạm quy, có danh chính ngôn thuận, có đúng luật
pháp hay không thì xin thanh tra Bộ GD&ĐT, Hội đồng khoa học khoa Ngữ Văn
Trường Đại học Sư Phạm và Bộ GD&ĐT hãy trả lời trước công luận.
2-
Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Thanh Tú, ai là người “tùy tiện xuyên tạc”?
Khi
cả hai thầy trò Trần Đình Sử và Nguyễn Thanh Tú cùng ra trước công luận thú nhận
một sự thật đau lòng rằng: cái luận án ông Tú thề rằng của riêng mình kia thực
ra do hai thầy trò là đồng tác giả, thì vấn đề khi đem in nó thành sách, các
ông có bổ sung 2% hay 20% hoặc 80% cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Bằng lời nói
đầu cuốn sách của ông Sử, bằng bài báo trả lời chúng tôi của ông Tú, chính ông
Tú là người đã “tùy tiện xuyên tạc” sự thật của chính các ông bằng một lời thề
thiếu trung thực trước Hội đồng khoa học Trường ĐHSP Hà Nội năm đầu năm 1997 đó
sao?
Nguyễn
Thanh Tú lên án chúng tôi: “...Anh đã xuyên tạc trắng trợn sự khác nhau giữa luận
án và sách. 82.000 chữ trừ đi 65.000 chữ là 17.000 chữ, là trên 20% chứ không hề
là 2% như anh Hảo nói để rồi quy kết tôi là “không trung thực” khi làm luận án
và suy diễn vu vơ rằng GS. Trần Đình Sử “viết giùm cho học trò” (!).
Thưa
ông Nguyễn Thanh Tú, chính ông đã xuyên tạc ý GS.Trần Đình Sử trong lời nói đầu
nơi cuốn sách đồng tác giả với ông rằng: “Đây là công trình chung...” của 2 thầy
trò đó ư? Ý GS Sử nói trong văn mạch, trong văn cảnh đã dẫn rằng: công trình
chung của 2 thầy trò này là chung từ thuở còn chưa có hình hài, nghĩa là từ thuở
chưa có bản luận án mang tên ông Tú, chứ không chỉ là công trình chung của
riêng cuốn sách. Cũng như ông Tú đã thừa nhận trong bài trả lời chúng tôi rằng:
(xin lược dẫn điều đã dẫn trên): “Người hướng dẫn hoàn toàn có thể là đồng tác
giả của một luận án khoa học do nghiên cứu sinh thực hiện!”.
Vì
sao hai ông Tú và Sử lại đem một luận án TS mang tên X ra in rồi biến nó thành
thành cuốn sách khác với cái tên gọi khác là Z như thế? Việc làm này là trung
thực ư, khoa học ư? Chưa hết, ông Tú còn tung hỏa mù rằng các ông đã gia công
thêm 20% từ luận án sang sách, rồi khi thì thề là của riêng tôi, khi thì cùng
ra công luận thú nhận là đồng tác giả? Ông Tú ngồi đếm chữ rằng sách dôi ra so
với luận án những 17.000 chữ, nghĩa là sách thêm 20% so với luận án! Cứ cho là
cuốn sách chỉ mang tới 80% luận án đi nữa thì cũng không thể tùy tiện đổi tên
luận án từ X sang tên gọi Z của sách được?
Bản
chất của cuốn sách vẫn là luận án vì nó chiếm tới 8 phần 10 cơ mà! Số trang ở
sách dôi ra so với luận án là do sách chú thích dưới từng trang, còn phần luận
án chú thích được dồn vào cuối. Trang 156 của sách, các ông có đưa vào thêm 13,
5 trang gọi là phần “Nguyên tắc ‘lột mặt nạ” và “nguyên tắc dùng cái tục” mà
ông Tú khoe khoang một cách khôi hài rằng chỉ 2 tiểu mục này cũng “Tương đương
với 2 công trình khoa học” (!).
Cứ
theo đà tự phong ngút trời mây này, cuốn sách của thầy trò ông Tú có thể còn cỡ
vài ba trăm công trình khoa học nữa cũng không biết chừng! Chúng tôi xin lấy
vài ví dụ về sự “lên đời” từ luận án hóa thành sách ra sao? Ví dụ như trang 16
của sách so với luận án là dôi ra hơn nửa trang vì thêm ý kiến của Nguyễn Đức
Đàn. Trang 22, 23 sách cũng trích thêm ý kiến của Nguyễn Đức Đàn dôi ra nửa
trang (sách in sai là Nguyễn Đức Đà, chú thích cuối trang sai là Nguyễn Đức
Đàm!). Trang 29 sách chỉ thêm đề mục (II) tương đương với luận án trang 16.
Trang 30 của sách so với trang 17 luận án thêm 2 chữ “Sau này”. Cũng trang 30 đổi
chữ “luận án“ trang 17 thành “chuyên luận” trong sách. Trang 31 sách thêm 8
dòng so với trang 18 luận án, cốt để tâng bốc “Thi pháp”. Ví dụ khác như trang
111 luận án dòng cuối cùng viết “ thế kỷ này” thì ở sách trang 133, dòng cuối
cùng sửa thành “Thế kỷ XX”. Mặc dù bìa sách và bìa phụ đề tên 2 vị là đồng tác
giả, nhưng chỉ ở chương đầu đã ba lần lặp lại dòng chữ “Tôi nhấn mạnh - N.T.T”
thay vì chính ra phải chua rằng “Chúng tôi nhấn mạnh: T.Đ.S. và N.😭.”!
Khi
vấn đề chính đã được giải quyết, dù ông Tú có cố chứng minh từ luận án đến sách
rằng hai ông đã gia công 20% hoặc 80% cũng không làm ảnh hưởng đến cái sai rất
lớn là cả hai thầy trò ông đã lừa Bộ GD&ĐT đầu năm 1997 trong cuộc bảo vệ
luận án TS ở Trường ĐHSP Hà Nội, nhằm cốt để lấy tấm bằng TS cho riêng ông Tú;
vì ông Sử lúc đó đã là PGS.TS, còn cần gì lấy thêm một nửa bằng Tiến sĩ nữa từ
luận án đồng tác giả kia?
(19-2-2004)
Trần Mạnh Hảo.
………………………….
Thầy
trò hai ông cai đầu dài môn văn GS. Nguyễn Đăng Mạnh & PGS.Đỗ Ngọc Thống
thay nhau được Bộ Vô Giáo Dục và Đào Tạo cử làm TỔNG CHỦ BIÊN HỆ THỐNG SÁCH
GIÁO KHOA MÔN VĂN PHỔ THÔNG trong rất nhiều lần viết đi viết lại SGK, gây thất
thoát hàng nghìn tỉ đồng tiền xương máu của nhân dân, làm tiền trắng trợn con
em nhân dân bằng hàng chục vạn cuốn VĂN MẪU phản giáo dục, viết tầm bậy tầm bạ,
tào lao chi khươn, gây tội ác với quốc dân đồng bào bằng việc giết môn văn
trong nhà trường phổ thông và đại học ( giết môn văn đồng nghĩa với giết hồn nước).
Nhóm lợi ích này do GS. Nguyễn Đăng Mạnh cầm đầu, độc quyền ra đề thi môn văn
cho Bộ Vô Giáo Dục, độc quyền phát hành văn mẫu, độc quyền soạn sách giáo khoa,
độc quyền viết bậy bạ “ sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Hãy xem hai ông
GS.TS đầu ngành này ra nhiều đề thi môn văn lệch chuẩn, viết sai cả câu văn tiếng
Việt ra sao:
MỘT
SỐ ĐỀ VĂN KHÔNG CHUẨN XÁC DO "NHÓM LỢI ÍCH MÔN VĂN" DO ÔNG TRÙM GS.
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH & PGS. ĐỖ NGỌC THỐNG VIẾT
Ra
đề bài tập làm văn cho học sinh làm luận văn trong nhà trường thiết tưởng là điều
quan trọng, không thể khinh xuất để thiếu chuẩn mực. Thế mà, lạ thay, trong cuốn
"217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN" dày 627 trang, do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tái
bản với số lượng lớn lại có khá nhiều đề văn thiếu chuẩn mực sư phạm. Đây là
công trình của bốn tác giả : GS. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), TS. Đỗ Ngọc Thống,
TS. Hà Bình Trị và Chu Văn Sơn. Đề văn do các tác giả này ra, bài văn mẫu cũng
do các vị này làm. Trên một số tờ báo, chúng tôi đã viết bài phê bình nhiều bài
văn mẫu trong cuốn sách này có nhiều sai sót về nội dung lẫn hình thức, không xứng
đáng làm mẫu cho học sinh noi theo.
Đưa
ra văn mẫu phải chăng là để bít hết đường độc lập sáng tạo của học sinh trong
quá trình tiếp nhận văn học ? Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi xin chỉ
ra những đề văn có nhiều lỗi sai phạm về hành văn, về tu từ, về ngữ pháp. Đề
văn thầy ra không đúng thì sao lại đòi học trò làm đúng và hay bài luận được ?
Ở
trang 34 có hai đề văn phải sửa cho chính xác. Đề thứ nhất :" Trong lịch sử
văn học nước nhà, có một số tác phẩm thơ văn xuất hiện vào thời điểm trọng đại
của sự nghiệp giải phóng dân tộc và được coi là những bản tuyên ngôn độc lập của
dân tộc, trong đó có tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Anh ( chị) hãy phân tích bài cáo để khẳng định
giá trị nói trên của nó ".
Đề văn này quá rườm rà, lủng củng. Phải bỏ
hết sự trùng lặp, câu văn của đề mới gọn gàng, trong sáng. Chúng tôi xin bỏ các
từ sau : "có", "thơ văn", "của dân tộc" và
"của nó ". Sau khi bỏ từ trùng lặp, ta được một đề văn viết đúng như
sau :" Trong lịch sử văn học nước nhà, một số tác phẩm xuất hiện vào thời
điểm trọng đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc và được coi là những bản tuyên
ngôn độc lập, trong đó có tác phẩm Bình
Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Anh (chị) hãy phân tích bài cáo để khẳng định giá
trị nói trên ".
Đề
thứ hai : " Bàn về tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, có người đã
khẳng định : Đây là tác phẩm có nhiều giọng điệu phong phú và hấp dẫn. Anh (chị)
hãy phân tích bài cáo để chứng minh ý kiến trên".
Đề
văn trên không ổn ở chỗ tác giả dùng từ : "Giọng điệu " . Từ "Giọng
điệu" thường được dùng ở những trường hợp không đẹp, không hay ví như :
"Giọng điệu láo xược", "Giọng điệu phản động", "Giọng
điệu con buôn "... Khi đưa từ "Giọng điệu" vào cho văn phong đa
dạng của Nguyễn Trãi e không phải, không được. Có thể thay từ "Giọng điệu
" bằng từ : "phong cách",
"lối thể hiện", "âm hưởng"...
Ở
trang 196 đề văn ra về Tản Đà :" Đọc bài thơ Thề non nước của Tản Đà, người thì cho rằng đây là bài thơ
viết về tình yêu thắm thiết của nam nữ, người thì quả quyết là tác giả nói về
phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nhưng có người lại khẳng định : Thông qua câu
chuyện tình yêu và lời thề thủy chung gắn
bó của non và nước, tác giả muốn gởi gắm tâm sự đau buồn trước hiện tại tang
thương của đất nước và niềm ước vọng ở ngày mai. Theo anh (chị) nên hiểu bài
thơ như thế nào và hãy phân tích bài thơ để thuyết minh cách hiểu đó".
Đề
văn trên quả là một câu văn điển hình về sai phạm nghệ thuật tu từ tiếng Việt.
Ta cứ nhìn vào những chữ nghiêng đậm trên để thấy sự trùng lặp đã khiến câu văn
quá lủng củng vì thừa dấu phảy, thiếu dấu chấm câu. Chúng tôi xin bỏ bớt từ ngữ
rườm rà, sửa chữa để câu cú của đề văn
trên đúng văn phạm như sau :" Trước bài thơ "Thề non nước " của
Tản Đà, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Người nói đây là bài thơ về tình yêu nam
nữ. Người bảo tác giả viết về phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Người lại cho
thông qua lời thề thủy chung yêu đương gắn bó giữa non và nước, tác giả gửi gắm
tâm sự đau buồn trước đất nước tang thương và niềm ước vọng ở ngày mai. Anh hay (chị)..."
Ở
trang 582, có đề văn về truyện ngắn " Một con người ra đời" của M.
Gorky viết như sau :" Tại sao nói "Một con người ra đời" là một hình tượng giàu ý nghĩa tượng trưng.
Hãy chỉ ra ý nghĩa tượng trưng của nhân vật người mẹ, đứa con, người đỡ và hình
tượng đại dương trong câu chuyện ".
Đề
văn này hỏng ở chỗ gọi sai tên sự vật. "Một con người ra đời" là tên
tác phẩm, tên truyện ngắn của Gorky học sinh phải phân tích. Nhưng người ra đề
đã gọi nhầm nó là "hình tượng". Phải viết lại như thế này thì đề văn
trên mới đúng logic :" Tại sao nói "Một con người ra đời" là một
truyện ngắn giàu ý nghĩa tượng trưng..."
Ở trang 610, một đề văn về lý luận văn học
viết như sau :"Tiếp nhận đòi hỏi người đọc sống với tác phẩm bằng toàn bộ tâm hồn để cảm nhận cái thông điệp
thẩm mỹ mà tác giả gửi đến cho người đọc văn học " ( SGK Văn 12, phần văn
học nước ngoài và lý luận văn học -GD, 1992 ). Với kinh nghiệm đọc sách của bản
thân, em hiểu ý kiến trên như thế nào ?".
Câu
của đề văn trên là một câu văn què cụt, thiếu chủ ngữ. " Tiếp nhận " cái gì ? - Văn học. Mệnh
đề đầu của đề văn phải viết lại như thế này mới đúng :" Tiếp nhận văn học
đòi hỏi người đọc ...". Và cuối câu trích dẫn đề văn trên, cần phải bỏ từ
"mà" thay bằng từ "của" : "của tác giả", đồng thời
bỏ mấy chữ sau :"...Gửi cho người đọc văn học ". .. Sau khi bỏ bớt và
sửa chữa, thay từ ngữ, ta được một đề văn đúng văn phạm như sau :" Tiếp nhận
văn học đòi hỏi người đọc sống với tác phẩm bằng toàn bộ tâm hồn, mới cảm nhận
được thông điệp thẩm mỹ của tác giả . ( SGK Văn 12...".
Cho hay,
việc ra đề văn cho học sinh làm luận không phải dễ !
Chúng
tôi chỉ cần dùng trình độ của một giáo viên tiểu học cũng đủ "HỌC HÀM HỌC
VỊ" để chấm văn ra đề thi của hai ông GS.TS. đầu ngành Nguyễn Đăng Mạnh
& Đỗ Ngọc Thống; và xin lỗi, chúng tôi chỉ cho hai ông cai đầu dài môn văn
này 2 điểm vớt mà thôi !
T.M.H.
Hai
ông cai đầu dài nhóm lợi ích môn văn, chuyên bày trò viết lại SGK môn văn ,
càng viết càng sai để làm hại hàng nghìn tỉ đồng, hai ông vua viết mấy vạn cuốn
văn mẫu phản giáo dục làm tiền trên lưng phụ huynh cả nước là GS. Nguyễn Đăng Mạnh
& PGS.Đỗ Ngọc Thống (hiện vẫn là Tổng chủ biên sách giáo khoa môn văn sắp tới
của Bộ Phản Giáo Dục)
TRẦN MẠNH HẢO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét