Thứ Hai, 9 tháng 8, 2021

BÀI HỌC NHỚ ĐỜI / Trần Mỹ Giống

 


   

       Bác tôi là nhà giáo hơn bốn chục năm dạy chữ Hán Nôm. Không ít trò của bác sau này làm trong cơ quan nghiên cứu… Tôi cung cấp tư liệu về bác cho anh bạn nhà văn họ Phạm, nhờ viết bài biểu dương. Khi anh bạn viết xong bài, tôi đưa đến nhà thăm bác. Nhà văn họ Phạm khoe:

       - Cháu vừa viết xong bài về cụ…

       Bác tôi vui vẻ:

       - Thế à! Cảm ơn anh!

       - Để cháu đọc cho cụ nghe… Tên bài là “TRẦN XUÂN NHÂM TRỌN ĐỜI VỚI NGHỀ DẠY CHỮ HÁN - NÔM”…

       Mới nghe cái tên bài, bác tôi đã đứng bật dậy, mặt tái đi. Bác tôi vừa bỏ vào buồng vừa gằn giọng bảo tôi:

       - Tiễn khách!

       Tôi không hiểu lý do gì mà bác tôi lại tỏ ra tức giận như vậy. Biết tính bác, tôi tiễn nhà văn họ Phạm ra ngõ.

       Chờ bác tôi nguôi ngoai, tôi hỏi lý do. Bác tôi bảo:

       - Tưởng các anh mang danh nhà văn thì thông thạo tiếng mẹ đẻ, ai ngờ… Tôi đang mệt. Anh lại dẫn bạn đến rủa tôi chết đi phải không!

       - Bác nói vậy là sao ạ?

       Bác tôi cho một thôi một hồi:

       - Thì cái tên bài báo của bạn anh rõ là rủa tôi chết đi còn gì. Cái từ TRỌN ĐỜI người ta chỉ dùng cho người đã khuất, ví như trong điếu văn người ta viết “Ông đã trọn đời theo Đảng” “trọn đời đi theo cách mạng”… Các cụ đã dạy chỉ khi đóng nắp quan tài mới đánh giá người ta cả đời, một đời… Tôi còn sống mà các anh đã viết tôi “trọn đời” thì có khác gì rủa tôi chết đi. Các anh mang danh  nhà văn, nhà nghiên cứu, tiếng mẹ đẻ không thạo mà không biết xấu hổ à?

        Bác tôi đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời về sử dụng tiếng mẹ đẻ như thế đây!

 

       TMG

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét