Đến bây giờ, Việt Nam vẫn là dân tộc sống trong thời chiến tranh nhiều hơn thời bình, chiến tranh kéo dài hơn 30 năm đã gây ra không ít đau thương và hậu quả của nó vẫn tồn tại đến nay. Nhiều nhà văn đã khai thác đề tài chiến tranh và nhà văn Chu Lai cũng là một trong số đó. Tiểu thuyết "Ăn mày dĩ vãng" của ông viết về chiến tranh, nhưng không chỉ là một cuộc chiến tranh súng đạn tàn khốc đã từng xảy ra ở Việt Nam mà còn là cuộc chiến tranh giữa những con người trở về từ sau bom đạn - cuộc chiến tranh ấy còn khốc liệt hơn nhiều.
Hai
Hùng - đội trưởng đội đặc nhiệm nổi tiếng với bản lĩnh gan dạ và dũng cảm - 16
năm sau chiến tranh lại thất thểu khoác ba lô trở lại "chiến trường
xưa" để tìm việc. Anh gặp lại đồng đội cũ và bất ngờ hơn cả là gặp lại Ba
Sương - người con gái một thời gắn bó với anh và cũng là đồng đội, đồng chí của
anh. Thật trớ trêu cho Hai Hùng khi anh gặp lại người con gái này và thật bất hạnh
cho anh khi anh bị từ chối, bị coi là kẻ có vấn đề về thần kinh. Và Hai Hùng đã
lục lại quá khứ để tìm lại niềm tin của mình, cho mình và cho cả những người đồng
đội. Dòng mạch của cuốn tiểu thuyết cứ
thế trôi chảy từ quá khứ đến hiện tại, rồi lại từ hiện tại quay về quá khứ. Nhà
văn Chu Lai đã dựng liên tiếp các bối cảnh, ông dẫn người đọc dần bị cuốn vào
theo những chi tiết, những "đoạn quanh khúc rẽ" trong cuốn tiểu thuyết
của mình để đến những dòng chữ cuối cùng, khi gấp trang sách lại bạn đọc không
khỏi ngỡ ngàng trước những điều vừa mới nhận ra đơn giản thôi nhưng đôi khi ta
cũng vô tình lãng quên - và rồi chúng ta suy nghĩ, chúng ta xúc động...
Cái
kẻ được gọi là kẻ "Ăn mày dĩ vãng" ấy đã có thời dám quên đi mạng sống
của mình vì đồng đội, vì một lý tưởng cao đẹp cho tổ quốc vậy mà bây giờ lại trở
thành một người tàn tạ và gần như "dư thừa". Anh bộ đội khi ra khỏi
chiến tranh lại mang một hình hài thảm hại như vậy sao? Chu Lai đã mạnh dạn dám
đưa ngòi bút của mình vào những nơi "sâu tối" nhất, những ngóc ngách
nhất của cuộc sống và vì vậy thực tế hiện lên thật phũ phàng. Đó quả thực là những
điều có thể xảy ra trong thực tế mà đôi khi chúng ta cố lẩn tránh đi, cố bỏ
quên nó để đắm chìm trong những vòng hào quang lung linh của chiến thắng. Có thể
ta cũng bắt gặp phần nào đó của mình trong con người Ba Sương xưa kia, của Tư
Lan bây giờ, cứ ngủ quên mãi với những tôn vinh, với những vỏ bọc hào nhoáng mà
cố tình quên đi con người thật của mình điều đó còn đáng sợ hơn cả cái chết.
Nhưng nhà văn đã để cho Ba Sương cuối cùng cũng thú nhận tất cả dám nhìn thẳng
vào dĩ vãng để thấy một điều rằng không phải những người như Hai Hùng, mà lại
chính là mình và những kẻ đồng lỏa với mình như thằng Địch mới chính là những kẻ
"Ăn mày dĩ vãng" nhờ dĩ vãng để có thể tồn tại trong hiện tại, mà
cũng có được đâu? Một kẻ lao mình vào bóng tối, một người vĩnh viễn ra đi, và
câu chữ của Chu Lai như cũng buông tiếng thở dài.
Đọc
"Ăn mày dĩ vãng" của Chu Lai, chúng ta gặp lại chân lý của cuộc sống,
phải sống cho thực, cho đúng là mình. Và hơn thế, ở đó, ta cũng gặp một sự nâng
niu, tôn trọng đối với cuộc sống mà tạo hóa đã ban cho. Con người có thể đã lẫm
lỡ khi gây ra chiến tranh để tàn sát lẫn nhau hay đó chỉ là một bước trong vòng
quay của sự sinh tồn? Nhà văn không khai thác sâu vào vấn đề đó mà ông muốn người
đọc nhận ra những tấm lòng cao thượng, những trái tim trong sạch biết đập những
nhịp đập của "con người". "Không bao giờ là muộn cả nếu trong lồng
ngực mình vẫn còn đập một trái tim trong sạch". Hùng của 16 năm sau chiến
tranh, dù thân thể đã tiều tụy vẫn giữ được một trái tim, một tấm lòng của
"con người dĩ vãng". "Tôi muốn nói với em một lời: cuộc chiến
tranh vừa qua có thể là trò đùa nhưng sự mất mát lại là có thật. Cuộc đời hôm
nay có thể chỉ là tấn tuồng nhưng nỗi buồn không bao giờ là một màn kịch cả".
Kết thúc câu chuyện như thế, "Ăn mày dĩ vãng" đã để lại dư âm nhiều
hơn trong lòng bạn đọc.
Tuy
nhiên cũng còn một điều cần nói trong cuốn tiểu thuyết này là đôi khi ngòi bút
của nhà văn Chu Lai thật quá, mạnh quá: câu chữ có khi đã mang hết cả cái khía
cạnh gai góc, sần sùi của nó vào lời văn làm cho bạn đọc không khỏi nhăn mặt.
Nhưng sự thật tồi tệ đó chắc chắn là có tồn tại nhưng nên chăng khi nó bước vào
văn học thì cũng nên "sạch sẽ" hơn 1 chút?
Mặc
dù còn những điều đáng phải bàn luận như thế nhưng nhìn một cách tổng thể thì
"Ăn mày dĩ vãng" vẫn đáng được coi là một cuốn tiểu thuyết thành công
của nhà văn Chu Lai nói riêng của nền văn học đương đại nói chúng. Và nếu còn
nhiều những cuốn tiểu thuyết như "Ăn mày dĩ vãng" thì con người ta sẽ
còn nhiều điều phải trăn trở, phải suy nghĩ để làm tốt hơn nữa cái chức năng
làm người của mình. Và sau những công việc như thế, con người sẽ lại trong sạch
hơn, tinh khiết hơn để rồi "người" hơn.
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long
Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét