Khi tiếp cận một số tác gia văn học lớn thời phong kiến như Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... hầu như giới nghiên cứu văn học "quy phạm" ở nước ta đều dùng khái niệm "trung đại" (trung cổ) là phạm trù văn hóa khu biệt của phương Tây để làm hệ quy chiếu đo đạc, thậm chí còn làm phương pháp luận tiếp cận nữa.
Chính
sự lầm lẫn "lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia" trong phương pháp luận ấy
đã dẫn đến những đánh giá khá sai lạc về 9 thế kỷ văn học dân tộc thời phong kiến
của ông cha ta. Chúng tôi xin vứt bỏ cái kính chiếu yêu trung cổ - kinh viện lầm
lạc kia để nhìn nhận các tác gia văn học thời phong kiến của ta dưới một cái
nhìn khác, không phụ thuộc vào những định kiến hay những bùa chú, những công cụ
tiếp cận gông cùm lỉnh kỉnh ngoại lai nào. Trước hết, chúng tôi xin đề cập tới
một đại tác gia: Nguyễn Gia Thiều.
Có
lẽ, đại thi hào Nguyễn Du, người kém Nguyễn Gia Thiều 25 tuổi, kém Đoàn Thị Điểm
51 tuổi, là người đã từng mê đắm Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm khúc? Vì vậy,
trong Truyện Kiều, chúng ta còn gặp đâu đó hồn lục bát Nguyễn Du phảng phất
khói sương, hơi hướng hai kiệt tác trước đó. Ví phỏng như không có Chinh phụ
ngâm và Cung oán ngâm khúc, liệu ngày nay chúng ta đã có một tuyệt tác như đang
có trên tay: Truyện Kiều không? Nhất là tư tưởng, tình cảm thẩm mỹ của Nguyễn
Gia Thiều đã ảnh hưởng đến hồn lục bát Nguyễn Du hơn cả. Đoàn Thị Điểm phải nhờ
vào bản Hán văn của Đặng Trần Côn, Nguyễn Du dựa vào cốt truyện của Thanh Tâm
Tài Nhân mới thành hồn Việt, tiếng Việt tuyệt vời. Nguyễn Gia Thiều không cần vịn
tạm vào cây cầu Hán tự, hay mượn lốt Trung Hoa mà Việt hóa hồn người. Ông viết
trực tiếp bằng chữ Nôm, bằng tiếng Việt, một thứ tiếng Việt rất đài các hàn
lâm, rất thâm sâu thông tuệ: "Trải vách quế gió vàng hiu hắt", kết hợp
với tiếng Việt bình dân, vừa hoa hèn cỏ nội, vừa muối mặn gừng cay, rất đời thường
dung dị: "Lau nhau ríu rít cò con cũng tình". Chỉ vỏn vẹn 356 câu thơ
song thất lục bát, diễn tả nỗi lòng ai oán của cung nữ mà tỏ bày chuyện nhân
tình thế thái, chuyện trời đất, tử sinh của thân phận làm người; Cung oán ngâm
khúc quả là một kiệt tác được thể hiện với một nghệ thuật thơ trác việt, xuất chúng,
mang tính tư tưởng và thẩm mỹ vào loại cao sang nhất, sâu sắc nhất, mỹ lệ nhất
trong kho tàng văn học cổ Việt Nam.
Nguyễn
Gia Thiều mượn tâm trạng cung nữ mà nói chí hướng mình, mượn mình mà đối chất, ỉ
ôi ta thán thời thế, mượn thời thế mà vẩn vơ nghĩ ngợi kiếp người, mượn kiếp
người mà đối thoại, ầu ơ cùng trời đất, mượn trời đất mà rong ruổi nỗi hư
không, mượn hư không mà an ủi, xẻ chia nỗi buồn cung nữ. Chính vì vậy, mỗi câu
thơ của bậc thiên tài không chỉ đa ngữ nghĩa, đa tầng đa vỉa như vân gỗ trong
cây chò chỉ nghìn năm, mà còn nghĩa ở ngoài nghĩa, chữ ở ngoài chữ, tư tưởng
ngoài tư tưởng, như khói sương ngoài lại khói sương. Vì vậy, khi đọc Cung oán
ngâm khúc, chúng ta không chỉ phải dùng thị giác, thính giác, tri giác, cảm
giác, trực giác mà còn phải huy động cả linh giác, huệ giác, vô giác, thiên địa
giác, tổng hợp lại trong mơ hồ THI GIÁC mới có cơ gặp được hồn thơ bách tuế
thiên tuế này. Ví dụ như khi đọc câu thơ huyền nhiệm này của Ôn Như hầu:
"Cái quay búng sẵn trên trời / Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm" mà chỉ
tựa vào "cái quay" luân hồi sắc không, bào ảnh Phật giáo, hoặc tiêu
dao vô vi với "người đi đêm" áo gấm Lão Trang kia cũng chưa thấu được
bờ bến câu thơ. Chừng như cái huyệt, cái rốn, cái thần của câu thơ mang mang rất
đạo này lại nằm trong một động từ "búng" rất bé, rất đời, rất ngẫu
nhiên ; như thể trên biển cả vô cùng của thế giới đèn cù hư ảnh, vang lên rất
đanh, rất sắc một tiếng con tôm nhân tình chợt búng tanh tách. Và cái quay Phật
giáo kia, cái "người đi đêm" kia, hóa ra chỉ là trò búng con quay của
đứa trẻ con - tạo hóa có tên là thi ca. Một cái búng tay tí tẹo thi ca lại có
thể mở khép được cái vô cùng, chạm vào cái lênh đênh, như chạm vào cái Không của
Phật và cái Vô của Lão, hóa giải nỗi siêu hình bằng nghịch ngợm nhân sinh. Từng
câu thơ của bậc thi hào là một khối thống nhất các mâu thuẫn lớn trong quy luật
đồng nhất, phản phục, thoắt có, thoắt không, lúc thuỷ, lúc hỏa, vừa có nghĩa lại
vừa phản nghĩa, như trong phân tử vật chất đã mang sẵn hạt phản vật chất, trong
sự sống nào cũng mang sẵn một mầm chết. Chính vì vậy, dùng phương pháp luận cắt
lát của phê bình văn học nặng về xã hội học, phê bình lý trí hay phê bình trực
giác, phê bình đạo đức học, ngôn ngữ học, phê bình phân tâm học, phê bình cấu
trúc... đối với Cung oán ngâm khúc e rằng chưa thể tất.
Phê
bình xã hội học từ bấy nay đã chỉ ra rằng Cung oán ngâm khúc tố cáo chế độ
phong kiến tàn bạo, vô nhân đạo, chà đạp tình yêu hạnh phúc con người. Cái chế
độ tự nhiên đi bắt nhốt hết con gái đẹp thiên hạ vào một cung cấm như tù chung
thân, cho một người sợ nắng sợ gió, hom hem, bệnh hoạn gọi là vua độc quyền hưởng
lạc, bảo không ác sao được? Đúng quá. Lại bảo tác phẩm này đầy tính nhân đạo chủ
nghĩa. Nhà thơ bênh vực, cảm thông, chia sẻ với nỗi buồn đau, nỗi khát vọng hạnh
phúc, nỗi tuyệt vọng về tương lai của hàng trăm cung nữ, nhất định là thương
người quá đi chứ. Đúng quá. Lại bảo nghệ thuật của thi phẩm này cao siêu, tuyệt
vời. Vì hơn hai trăm năm nay rồi, những áng thơ còn rung động, xúc cảm hàng triệu
con tim yêu hồn Việt ngữ ông cha. Lại đúng quá. Mà đúng cả với Chinh phụ ngâm,
Truyện Kiều và thơ Hồ Xuân Hương nữa. Phái phê bình phân tâm học thì dùng ông
Freud để lý giải tình cảm bị ức chế tình dục của các cung nữ và ngay cả với
Nguyễn Gia Thiều, người bị coi là quan hoạn, nên mới tạo ra nỗi khổ, nỗi thèm
khát, nỗi hay đầy cảm giác nhục tính của tác phẩm. Nghe ra, cũng có vẻ có lý.
Người khác cho rằng, Ôn Như Hầu là đệ tử của Phật, của Lão, trình bày cuộc đời
như các cung nữ bị ông vua tạo hóa nhốt chơi, khổ lắm, nhục lắm, mất tự do lắm,
nên khuyên ta phải tìm vào cửa Không, cửa Vô mà lánh cho qua bể trần gian. Lại
có vẻ đúng. Có người chứng minh Ôn Như hầu yếm thế, chán đời. Có người lại bảo
không, bên ngoài thì thở vắn than dài thế thôi, nhưng bên trong còn ham hố lắm,
còn yêu đời lắm, còn hy vọng, thèm khát ái ân lắm, cầu mong ơn mưa móc cửu
trùng lắm... Phê bình duy mỹ thì bảo: vứt hết những cái đó đi, chỉ lấy cái mỹ lệ
văn chương làm tiêu chuẩn thôi, tuyệt đẹp từng câu, từng chữ. Rồi phê bình hình
thức, phê bình ngôn ngữ học, phê bình trường ngôn ngữ... đều lôi thiên tài Ôn
Như hầu về phía mình như honda ôm giành khách. Trong Cung oán ngâm khúc có tất
cả những điều trên và còn nhiều điều hơn nữa, nhưng hình như rồi chẳng có một
điều nào cả. Kìa hàng trăm cung nữ thở than, đau khổ , ám ảnh chuyện mây mưa,
hy vọng, tuyệt vọng, rồi níu lấy Phật, lấy Lão, níu cả ông Khổng, thậm chí níu
cả ông Táo, ông Tơ như người chết đuối bám cọc. Nghĩa là trong 356 câu thơ song
thất lục bát, ta thấy hiện lên cả một thế giới người khổ ải xin tan hòa vào thế
giới thần thánh như mực mong hòa trong nước để được sống đời chữ nghĩa. Nhưng rồi
quay đi, quay lại, thoắt biến đâu như đèn cù, chẳng còn ai. Cả người đọc thơ bồi
hồi, rơi lệ một lúc cũng biến đi. Chỉ còn một mình nhà thơ lặng lẽ trong từng
câu chữ, ép hồn vào trang giấy như con bướm khô mà gánh chịu bể khổ kiếp người,
gánh chịu cả cái không đâu vô cùng của triết học và tôn giáo. Khiếp quá. Cô đơn
quá. Sầu thảm quá. Khi các cung nữ khóc than khản giọng thì nhà thơ lên tiếng,
phủ nỗi buồn vạn cổ lên cỏ cây, lên muôn vật, thậm chí lên cả hậu thế nữa:
"Phong trần đến cả sơn khê / Tang thương đến cả hoa kia cỏ này". Câu
lục bát hay đến rớm lệ hai thế kỷ thi ca. Chừng như nỗi "phong trần, tang
thương " của dân tộc suốt hơn hai trăm năm qua chưa đi hết câu thơ thần diệu
này của Ôn Như hầu? Tưởng như chỉ dùng hai câu thơ trên cũng có thể bình được hồn
thơ Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan...thuở ấy. Câu
lục bát kia bảo nó là tâm hồn thời đại thì cũng là đệ nhất tâm hồn, bảo nó là
tư tưởng thời đại thì cũng là đệ nhất tư tưởng.
Có
thể nói, Ôn Như hầu là nhà tư tưởng lớn nhất của thi ca Việt Nam từ trước tới
nay. Tất cả tư tưởng của thi hào đã được hồn vía hóa, Việt hoá, thi ca hoá.
Thân gỗ của cây triết học, thần học cứng ngắc, khô khan qua cảm hứng thi ca Ôn
Như hầu, đã trổ hoa tư tưởng. Thi ca đã biến triết học trong ông thành mỹ học,
biến bộ óc tràn đầy sách vở kinh điển, già giặn, siêu hình, siêu việt của ông
thành nỗi oe oe chào đời tơ non của trái tim con người. Ngay cả nỗi thống khổ
trần gian đi qua thi ca ông cũng thành đẹp thế, cảm động và ngây thơ thế,
thương thế: "Thảo nào khi mới chôn nhau / Đã mang tiếng khóc ban đầu mà
ra". Câu thơ thuần Việt, không một từ Hán chen vào, dung dị như nhọ nồi
rau má mà sâu thăm thẳm những vực cùng đỉnh. Con người ra đời phải chăng vì sợ quá
mà cất tiếng khóc đầu tiên? Tiếng khóc ấy như một tiếng thét báo hiệu, báo
nguy, báo thức, báo yên và báo động. Khi tư tưởng được phát giác bằng thi hứng,
bằng trực cảm, bằng hình ảnh, hình tượng ngôn từ, tư tưởng ấy sống động và bền
vững mãi. Trẻ sơ sinh kia sao giống hệt thi ca, vừa ra đời đã cất tiếng khóc?
Tiếng khóc ấy phải chăng chính là tiếng hát đẹp nhất của con người trên mặt đất?
Ôi chao, loài người sẽ thế nào đây, nếu mỗi chúng ta vừa ra khỏi bụng mẹ đã hí
lên cười hềnh hệch đến méo mó cả phận mình? Cung oán ngâm khúc quả tình đã trở
thành một trong những "tiếng khóc ban đầu " của tinh thần văn hóa Việt.
Con người sơ sinh - thi ca đã đi qua tiếng khóc thứ nhất dữ dội của mình một
cách bi tráng dễ sợ như thế, phỏng còn tiếng khóc nào, nỗi thống khổ nào trên đời
dọa nạt được nó? Hơn hai trăm năm nay rồi và nghìn vạn năm nữa, các thế hệ người
Việt Nam đều lần lượt dìu nhau đi qua câu thơ này của Nguyễn Gia Thiều, như dìu
nhau leo cây cầu kiều bắc qua bể khổ, để suốt những năm ở trọ trên mặt đất không
còn lạ gì, ngại gì nước mắt với đau thương, cái mà trong bụng mẹ, thai nhi đã
nghiền ngẫm, đã nhấm nháp qua chiếc cuống nhau trần thế. Con người bị vây bủa bởi
"tiếng khóc ban đầu" và "nấm cỏ khâu xanh rì", có vẻ như sợ
hãi quá, hư vô quá, nhưng mà hay quá, thấm thía quá, đương nhiên quá:
"Trăm năm còn có gì đâu / Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì". Hãi thật,
phàm là người, xưa nay có ai vượt qua nấm đất cuối của mình đâu? Bản thân cái
chết cũng rất tự nhiên như cái sinh, chẳng có gì đáng sợ. Ôn Như hầu gánh trên
đôi vai thi ca: một bên là cái sinh: " tiếng khóc ban đầu", một bên
là cái diệt: "nấm cỏ khâu xanh rì" mà đi tiêu dao qua tôn giáo và triết
học, đi qua cả nỗi yếm thế cùng nỗi yêu đời, đi vào tận sâu cái Không để xóa
cái Không, đi hết cái khiếp sợ để không còn khiếp sợ nữa. Vậy thì cái đau về nỗi
người bèo bọt nào có xá gì: "Nghĩ thân phù thế mà đau / Bọt trong bể khổ
bèo đầu bến mê". Ơ hay, không đi qua hết mê lầm thì làm sao diệt được mê lầm,
không đi qua "sóng cồn" thì sao biết được mình là "con thuyền
bào ảnh": "Sóng cồn cửa bể nhấp nhô / Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập
ghềnh". Hóa ra, ngay trong cái Không này, thi ca đã tìm thấy cái Hữu từ
trong cảm giác, từ cảm xúc thẩm mỹ của nỗi "nhấp nhô", "gập gềnh"
của cuộc đời bồng bềnh, nhún nhảy như sóng gió, như võng đưa, như những câu lục
bát sâu sắc mang tính tư tưởng cao nhất của thi ca Việt Nam vừa trích dẫn.
Ôn
Như Hầu dắt díu một đoàn cung nữ đang chết khát yêu đương vượt qua sa mạc của
cõi Mộng hướng vào nguồn suối cõi Thực, qua cõi Tâm lần tìm cõi Vật, cũng là dắt
díu chính bản thân mình vượt qua siêu hình, vượt qua biển bờ tôn giáo hư không
để oà ra gặp cái Ngã, rằng Tôi là có thật, Tôi là chính của Tôi, không phải bào
ảnh, ảo giác, không phải mê lầm : "Giấc Nam Kha khéo bất tình / Bừng con mắt
dậy thấy mình tay không". Sau giấc hòe ma mị, bèo bọt , nhà thơ trong lốt
cung nữ đã kinh ngạc "thấy mình" dù "tay không", không còn
gì cả, không còn hư mê, chỉ còn chính bản thân mình, trả cho vô biên cái hư
ngã, chỉ mang theo cái chân ngã mà thành thi ca. Nguyễn Gia Thiều rốt ráo chẳng
hư vô chủ nghĩa tí nào cả. Cứ tưởng ông tuyệt vọng chán đời, lánh đời, ai ngờ
ông chỉ núp vào Phật Lão chơi tí như trưa nắng núp nhờ bóng cây, đoạn an ủi các
cung nữ một chút rồi lại sà ngay vào kiếp người mà hy vọng, mà tình tứ, mà kén
vợ gả chồng cho từ hoa cỏ đến chim muông. Những câu thơ viết về khát vọng lứa
đôi hài hòa âm dương vũ trụ hay nhất từ xưa đến nay của thi ca Việt Nam trong
Cung oán ngâm khúc, khiến trời đất, cát bụi cũng muốn hoá vợ chồng: "Kìa
điểu thú là loài vạn vật / Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng / Có âm dương có vợ chồng
/ Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê". Tiếng Việt của ca dao tục ngữ được
Nguyễn Gia Thiều nâng cao thành chú rể Việt Nam cưới cô dâu từ ngữ Hán, điển
tích Hán, nhập quốc tịch chữ Nôm mà hóa hồn Việt thuần thục đoan trang, bình
dân đại chúng mà vẫn yêu kiều thục nữ, vẫn mỹ lệ, tài hoa đến không ngờ. Thành
ra Ôn Như hầu chính là ông tơ hồng của văn học, lấy thi ca mà trói buộc chữ
duyên tình lên cả vần điệu, lên cả càn khôn. Vượt qua mọi cấm đoán thời phong
kiến, cấm đàn bà con gái không được bày tỏ ham muốn xác thịt cả trong đời và
trong văn học, Nguyễn Gia Thiều đã ném toàn bộ chăn gối của tinh thần giải
phóng phụ nữ vào chính mặt vua chúa, cũng là ném cảnh phòng the vào vẻ đạo mạo
giả dối của thời đại, giật tung tấm bình phong, tấm màn che phong kiến xuống tưởng
không còn manh giáp: "Chốn phòng không như giục mây mưa", " Khi ấp
mận ôm đào gác nguyệt", "Mây mưa mấy giọt chung tình", "Lối
đi về ai chẳng chiều ong"... hoặc câu thơ mà phái phân tâm học cũng phải gọi
bằng thầy, thơ hay đến nỗi chim chuột cũng phải ngẩn ngơ, mê mẩn: "Bóng
gương lấp loáng dưới mành / Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa". Đối với
cái dục, càng diệt, càng ý thức về diệt dục nó càng phát lộ. Thế thì làm sao
hàng trăm cung nữ ngày đêm chết khát chờ "ơn mưa móc cửu trùng" có thể
hóa các ni cô mà tu thành chính quả trong ngôi chùa "Cung oán"? Thành
ra, muốn dắt đoàn cung nữ của mình tới cõi Phật, Nguyễn Gia Thiều phải đưa họ
đi hết cõi dục, cõi mà họ đang chết khát, đang bị đày đọa trong địa ngục dục vọng.
Đấy là bi kịch đớn đau nhất, tang thương nhất của kiếp người, kiếp làm vợ vua
trong thế giới "Cung oán". Để muôn đời, những thân phận cung nữ kia sẽ
nhờ buồn thương mà bất tử với thi ca Ôn Như hầu, đặng khóc than về sự trớ trêu
của kiếp vợ vua: "Dẫu nhan sắc mấy cũng thừa / Lấy chồng vua lại thành
chưa có chồng" (thơ Trần Mạn Hảo).
Thương
thay những kiếp hồng nhan bạc phận, dẫu hóa cát bụi vẫn còn thèm khát hạnh phúc
chính ra họ đã được hưởng nơi quê mùa, dân dã, điều không thể có trong cung
vàng điện ngọc: "Thà rằng cục kịch nhà quê / Dẫu lòng nĩu nịu nguyệt kia
hoa này". Chao, thi pháp Ôn Như hầu đâu chỉ rực rỡ những lầu son gác tía.
Hồn ông, thơ ông, qua khát khao niềm chăn gốì quê mùa của người cung nữ, đã chớm
ánh lên sắc vàng rơm rạ bình dân trong tinh thần "cục kịch nhà quê" rất
"oé oẹ", rất nôm na mà vẫn cứ sang trọng, quý phái kiểu "má đào
chon chót" ("Giải kết đều oé oẹ làm chi".../ "Song đã cậy
má đào chon chót"). Có phải Nguyễn Gia Thiều muốn qua lời cung nữ mà ngụ
ý, mà bóng gió nói về cuộc trở dạ, cuộc lột xác, thoát thai của văn học Việt
Nam từ Hán sang Nôm từng quằn quại mấy thế kỷ từ thời Hàn Thuyên? Ấy là khi
dòng thi ca dân tộc bắt đầu tìm cách chia tay với thi pháp "bắt voi bỏ rọ"
Hán, tâm thức mực thước Hán cung đình, để bước ra bầu trời tự do, bước sang thi
pháp lục bát phóng khoáng, uốn lượn bay bổng Việt, tâm thức nâu sồng Việt bình
dân đại chúng, chuyển từ phong cách "phong lưu" qua phong cách
"thanh đạm": "Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm / Mùi hoắc lê
thanh đạm mà ngon"? Hàng trăm cung nữ chết sầu chết héo, chôn má đào trong
nấm mồ chung "vách quế, tiêu phòng" chỉ vì "miếng cao lương
phong lưu" giả hiệu ấy! Đến khi biết nuốt vào "lợm" quá, tanh tưởi
quá nhưng không nôn ra được nữa rồi, đành ngồi mơ "mùi hoắc lê" dân
dã hoa hèn cỏ nội như mơ cảnh Niết Bàn. Mãi mãi, những cung phi ấy không còn được
hưởng hạnh phúc "mùi hoắc lê" nôm na tuyệt vời, để chúng ta, hậu thế
được hưởng trọn vẹn 356 câu thơ nôm thuần Việt, hồn Việt "thanh đạm mà
ngon" của Ôn Như hầu tiên sinh tặng lại.
Giấu
nỗi buồn đau của hàng trăm cung nữ bạc phước, bất hạnh trong gan ruột mình, rồi
cất lên tiếng ta thán của nghìn năm cung cấm, tâm hồn Nguyễn Gia Thiều quả là
nhức nhói, quặn thắt đến cả trời đất, đành nhờ thi ca chuyển tải xót thương tới
muôn vàn mai hậu. Thương thay một thời đại cung nữ, một thời đại song thất lục
bát, một thời đại của thi pháp vàng son đã biết cách nghiêng xuống tìm tình
duyên nơi "Lau nhau ríu rít cò con" nôm na dân tộc, mà vẫn phải mếu
máo cười khóc khi hát khúc ngâm "Cung oán": "Cười nên tiếng khóc
hát nên giọng sầu". Đau quá, không chỉ kêu lên một tiếng cô đơn như tiếng
kêu "hàn thái hư" Không Lộ thiền sư xưa, mà là một tiếng kêu căm uất
dài tới hai trăm năm có lẻ: "Chống tay ngồi ngẫm sự đời / Muốn kêu một tiếng
cho dài kẻo căm". Ôn Như hầu dồn cả nỗi oán hận chế độ phong kiến tàn ác,
chà đạp tình yêu hạnh phúc con người của không chỉ nghìn muôn cung nữ vào trọn
tâm can mình. Ông muốn đập tan thời đại vô luân đó, muốn đập tan cả nền móng những
khổ đau, muốn đập tan ngay cả thân xác nặng nề đang chịu thay cái đau quằn quại
của bao cuộc đời, để tinh thần được tự do bay lượn trong vô cùng thế giới:
"Dang tay muốn dứt tơ hồng / Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra". Có
thể cùng với bao cung nữ, thân xác Nguyễn Gia Thiều đã nằm lại trong "tiêu
phòng" của chế độ phong kiến, nhưng tinh thần ông, kiệt tác của ông là
Cung oán ngâm khúc, thực sự đã đạp đổ tung thời đại đau thương ấy mà bay về
phía chúng ta, về phía con người. Ở đó, linh hồn nhà thơ đã thực hiện được giấc
mơ của hơn hai trăm năm trước, cùng tiêu dao trong thế giới Lão Trang mà con bướm
hoài nghi không còn ngơ ngác giữa mộng và thực nữa :"Thoát trần một gót
thiên nhiên / Cái thân ngoại vật là tiên trong đời". Chừng như tất cả
chúng ta, thông qua tâm sự nghìn thu cung nữ - Nguyễn Gia Thiều, đều chỉ là những
cung nam, cung nữ của vì vua tạo hóa?
Được
kiệt tác Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm gợi hứng, Nguyễn Gia
Thiều, một đại quý tộc, một đại trí thức, một tâm hồn thơ xuất chúng đã mượn nỗi
đau cung nữ mà hát lên tiếng thơ nôm tuyệt diệu, vừa cao siêu đỉnh trời tư tưởng,
vừa diễm lệ tận cùng tình cảm cỏ hoa, vừa quý phái hàn lâm, vừa nâu sồng dân
dã. Cung oán ngâm khúc quả tình có thể xếp ngang hàng với hai kiệt tác Chinh phụ
ngâm và Truyện Kiều, như tam vị nhất thể, như ba đỉnh núi thi ca trong một quần
thể tinh thần văn hóa Việt cuối thế kỷ thứ XVIII, đầu thế kỷ thứ XIX còn sừng sững
giữa trời, cùng vòi vọi với đỉnh thi ca đơn độc Ức Trai trên dưới bốn trăm năm
trước. Rất tiếc, trong chương trình văn học từ bậc phổ thông đến bậc đại học,
kiệt tác Cung oán ngâm khúc chừng như chưa được đánh giá đúng mức? Tất cả chúng
ta, như lớp lớp người xưa, kể cả những tay bơi cự phách nhất như "rái tướng"
Yết Kiêu và Dã Tượng đời Trần, đều sẽ lần lượt, kẻ trước người sau bị sự
"đành hanh" của tạo hóa chòng ghẹo, đến độ phải chết đuối trên mặt đất,
như câu thơ hay đến kỳ lạ của Nguyễn Gia Thiều: "Trẻ tạo hóa đành hanh quá
ngán / Chết đuối người trên cạn mà chơi". Nhưng may mắn thay, trò con tạo
đùa chơi không thể đánh chìm được hồn thơ Cung oán ngâm khúc, dù là sự đánh
chìm "trên cạn". Thi phẩm này cứ trôi lênh đênh như một cái phao tâm
linh cứu nạn trên mặt đất, sẵn sàng cho những chơi vơi níu bám, ít ra là đối với
những tâm hồn đã được mỹ cảm thi ca cứu rỗi.
T.M.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét