Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

NHÀ NƯỚC - BỘ GIÁO DỤC & XỨ QUẢNG CẦN PHẢI PHONG ANH HÙNG CHO GS. LÊ TRÍ VIỄN – NHƯNG LÀ ANH HÙNG DIỆT MÔN VĂN DƯỚI TRUNG HỌC VÀ TRÊN ĐẠI HỌC: ĐỌC CUỐN “QUY LUẬT PHÁT TRIỂN LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM” CỦA GS. LÊ TRÍ VIỄN: MỘT CUỐN SÁCH PHI KHOA HỌC, TÀO LAO, SAI KIẾN THỨC TỪ A TỚI Z:

 


                                 Trần Mạnh Hảo

          (Lời dẫn: Để công bằng trong tranh luận, Trần Mạnh Hảo xin kính mời các nhà văn, các GS & PGS.TS có hàng trăm, hàng nghìn người cầm bút viết phê bình, viết báo, làm thơ, viết văn, dạy đại học, làm lãnh đạo chính trị… trong cả nước đã từng là học trò của GS. Lê Trí Viễn vào đọc và phản biện bài viết này của chúng tôi. Đơn cử như các cụ dưới đây từng là học trò cưng của GS. Viễn trong trường “đại học sư phạm Hà Nội, khoa văn” như các cụ đã vào U80: cụ nhà phê bình nổi tiếng nhất nhì Việt Nam như cụ Vương Trí Nhàn, cụ nhà thơ, nhà chính trị nổi tiếng Nguyễn Khoa Điềm, cụ nhà nghiên cứu Hán Nôm Mai Quốc Liên, cụ nhà văn nhà báo Tô Hoàng, cụ nhà văn Tô Nhuận Vĩ, cụ nhà thơ Hoàng Hưng, cụ nhà thơ nhà báo Trần Quốc Toàn, cụ nhà giáo Bùi Mạnh Nhị, cụ nhà giáo Lê Ngọc Trà… Và cũng xin mời “học trò Xứ Quảng” từng học cụ Viễn của xứ hay cãi vào đọc để cãi cho thầy mình. Xin cám ơn trước.)

                     T.M.H.

Cuốn sách của GS. Lê Trí Viễn “Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam” dày 259 trang khổ 14,3 x 20,3cm, do NXB Giáo dục ấn hành năm 1998, thực chất là cuốn “Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam của cùng một tác giả dày 288 trang do “NXB đại học & trung học chuyên nghiệp” in năm 1987. Cuốn quy luật ra sau cuốn đặc điểm chỉ có thêm 23 trang chương 7: “Văn học Việt Nam với thẩm mỹ với thẩm mỹ Việt Nam”.  Như vậy GS. Lê Trí Viễn làm việc này rất không nghiêm túc, phản khoa học, như thể ông lừa bạn đọc, cùng một nội dung cuốn sách lại mang tên khác nhau là sao? Cùng một nội dung cuốn sách y như nhau, hai lần in cách nhau 12 năm, khi  tái bản lại từ “Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam” thành ra “Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam” là sao? Như vậy, rõ ràng GS. Lê Trí Viễn đã đánh đồng nội hàm “ĐẶC ĐIỂM” chính là nội hàm QUY LUẬT.

“Đặc điểm…” là khái niệm chỉ những sự khác biệt, riêng biệt giữa vật này so với những vật khác. Còn “Quy luật…” là khái niệm chỉ những bộ phận đã được nâng lên thành hệ thống, mang tính khái quát với tầm triết học về những sự vật, những hiện tượng khách quan trong mối liên hệ tất yếu, ổn định, được lặp đi lặp lại theo một quy trình bản chất của chúng. Một giáo sư hàng đầu của ngành dạy văn nước Việt Nam được tôn là sư tổ dạy văn của đại học sư phạm, mà không hiểu được hai khái niệm “Quy luật’’ và “Đặc điểm” lại đồng nhất nội hàm của chúng, thì giáo sư ơi, con xin từ biệt cụ, con xin về đuổi gà kiếm cơm còn hơn ngồi nghế đại học để học môn văn do cụ dạy, cụ ơi!

       Vậy mà lạ lùng thay, lời tựa của NXB Giáo Dục và NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp cùng in nội dung cuốn sách giống nhau, vừa mang tên “Đặc điểm…” vừa mang tên “Quy luật…” in cách nhau 12 năm, đề cao quá mức cuốn sách (gian thư) này như sau: “Chưa có công trình nào thể hiện cái nhìn bao quát về toàn bộ lịch sử văn học dân tộc như cuốn này. Cuốn “Quy luật…” của GS Lê Trí Viễn đã bổ sung những vấn đề chưa được đề cập một cách hoàn chỉnh… Tác giả đã đạt được thành tựu và đã đóng góp nhiều cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tác giả tổng hợp nhiều ý kiến đã có, nhưng chủ yếu là sáng tạo… không chỉ cung cấp những tri thức mới, mà quan trọng hơn là đề ra một cái nhìn tổng quát có ý nghĩa phương pháp luận trong việc nghiên cứu và giảng dạy về toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc…. Nó là một cuốn sách quý của giáo viên, sinh viên đại học, cao đẳng, học viên cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ …” (hết trích)

       Chúng ta cùng nhau khảo sát xem cuốn “Quy luật…” này đã sáng tạo và cung cấp những tri thức mới ra sao như lời tán dương vô bờ bến của NXB Giáo Dục. Trang 11, đoạn mở đầu ông Lê Trí Viễn (LTV) viết: “Trong quá trình phát triển, văn học của ta quả có bao gồm một số đặc điểm có tính phổ quát thật sự. Nó không phải là đặc điểm tổng quát về văn học chủ nghĩa Mác-Lênin như: văn học của xã hội có giai cấp đều mang tính gai cấp, văn học là vũ khí đấu tranh”… Chúng tôi quả tình không thể hiểu vì sao ông LTV lại có thể viết những dòng trên, trong khi ông luôn dùng quan điểm Mác-xít  để lý giải các hiện tượng phát triển của văn học Việt Nam hầu như trong toàn bộ cuốn sách?  Cho nên khi ông LTV kết luận: “Qúa trình phát triển văn học Việt Nam  KHÔNG PHẢI LÀ ĐẶC ĐIỂM TỔNG QUÁT VỀ VĂN HỌC CỦA CHỦ NGHĨA MÁC LÊ NIN” là trái với quan điểm của đảng mà ông tuyệt đối trung thành, mà ông toàn dùng nhãn quan Mác xít để viết tất cả các cuốn sách của mình. Đây là sự tự mâu thuẫn không sao hiểu nổi của nhà giáo, của đảng viên cộng sản trung thành vô hạn LTV!

       Chính vì quan điểm “hai mang” vừa phủ nhận vừa khẳng định quan điểm Mác xít trong nghiên cứu văn học, không hiểu sao ông LTV lại phủ nhận sạch trơn thành tựu văn học Việt Nam trong quá trình lịch sử một cách tàn nhẫn và sai trái (có phần lếu láo) như sau: “VĂN THƠ YÊU NƯỚC, CÁCH MẠNG RẤT ĐÁNG QUÝ TRỌNG NHƯNG CHƯA HẲN ĐÃ CÓ GIÁ TRỊ VĂN HỌC. VĂN HỌC TRÀO PHÚNG, LÃNG MẠN, HIỆN THỰC CŨNG VẬY” (trang 190 sách đã dẫn).

       Nghĩa là văn học nước ta từ yêu nước, đến cách mạng, đến văn học hiện thực từ 1930- 1945, văn học lãng mạn: thơ mới 1930-1945 theo ông LTV “CHƯA HẲN ĐÃ CÓ GIÁ TRỊ VĂN HỌC” hay sao? Phủ nhận tính văn học của nền văn học Việt Nam từ xưa tới nay, phải chăng ông LTV đã điên khùng hay ông chính là kẻ phá hoại nền văn học nước nhà, kẻ có tội lớn cần phải truy tố? Thế mà “những cuốn sách tâm thần này của ông lại lại được BỘ GIÁO DỤC (hay BỘ PHẢN GIÁO DỤC) giành cho học sinh, sinh viên dùng học tập, dùng làm luận án cao học, luận án tiến sĩ đấy! Than ôi, chính quyền đâu, nhân dân đâu mà để cho ông LTV viết lách dạy dỗ càn rỡ lếu láo như thế này suốt 50 năm, là sao?

       Xin hãy đọc tiếp những kết luận có tính chất chập mạch, tiền hậu bất nhất của GS. Lê Trí Viễn dùng cho hai dòng văn học hiện thực & lãng mạn 1930-1945 ở trang 205 (sđd) như sau: “Đó là tư tưởng nhân văn, nhân đạo của thơ văn, những người tiểu tư sản trong văn học hợp pháp, rõ nhất là Thơ Mới và tiểu thuyết tự lực văn đoàn. Nó là nguyện vọng và khát khao được giải phóng khỏi ràng buộc phong kiến - Nho giáo. NÓ CÓ CHÚT TƯƠI SÁNG BAN ĐẦU NHƯNG MAU CHÓNG HÉO TÀN và trong hoàn cảnh éo le khắc nghiệt của điều kiện xã hội lịch sử nước nhà và của giai cấp tư sản cũng như con người tiểu tư sản bấy giờ, NÓ CHUYỂN HÓA THÀNH MỘT THỨ TƯ TƯỞNG PHI NHÂN TRONG VĂN THƠ SUY ĐỒI TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM…” (viết hoa do TMH nhấn mạnh)

Trời ơi là trời, ông LTV có bị “mát” hay không mà lúc thì bảo hai trào lưu VĂN HỌC HIỆN THỰC (1930-1945) & VĂN HỌC LÃNG MẠNG THƠ MỚI (1930-1945) vốn rất lớn lao, lúc là nhân văn, lúc lại bảo nó suy đồi, phi nhân?

       …..

       Ông cha ta mấy nghìn năm theo tam giáo đồng nguyên, thế mà trong cuốn sách ba láp này, ông Viễn lại lên án NHO GIÁO BẤT NHÂN, VÔ NHÂN như sau: “Chống lại mọi thứ ràng buộc vô nhân của Nho giáo…” (tr. 65), “Thật là diễn đạt đầy đủ chất một chiều độc đoán và bất nhân của quan hệ xã hội Nho giáo” (tr.53)… “Sự sụp đổ thảm hại của của các tín điều vô nhân Nho giáo”… (tr.204)…

       Mấy nghìn năm, ông cha gọi Nho giáo là ĐẠO NHÂN. Phủ nhận tính tốt của Nho giáo, chửi đạo Nhân của Khổng tử là bất nhân, vô nhân, ông Viễn đã bôi tro trát trấu vào mặt ông cha ta vậy!

       Ông Viễn để nhiều trang mạt sát tam giáo đồng nguyên, xóa bỏ sạch trơn tính nhân bản của lịch sử dân tộc, phủ nhận tính người của ông cha ta suốt 4000 năm như sau: “KHÔNG BAO GIỜ LÀ MỘT CON NGƯỜI - CÁ NHÂN, CÓ ĐỜI SỐNG RIÊNG, TÂM TƯ TÌNH CẢM RIÊNG, MỘT ĐỜI SỐNG NGƯỜI …” (tr.204- sđd)

       Viết như trên, khác nào ông Viễn thóa mạ cha ông chúng tôi - người Việt – không phải  là giống người! Tội nguyền rủa cha ông phi nhân, bất nhân này của ông Viễn thật to lớn, thật lếu láo.

       Suốt cả nghìn năm giành và giữ độc lập dân tộc từ 938 đến năm 1858, nếu cha ông chúng ta “không có một đời sống người” như ông Viễn xuyên tạc thì làm sao ta có các vị đại anh hùng dân tộc như: Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Hoàng…? Làm sao ta có các danh nhân văn hóa văn học vĩ đại như Nguyễn Trãi, thiên tài như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tú Xương, Nguyễn Khuyến…?

       Cha ông ta mấy nghìn năm đã tiếp thu Nho giáo, gạn đục khơi trong, giữ lại phần nhân bản của Nho gia, hòa nhập vào dòng chảy tam giáo đồng nguyên mà thành văn hóa, thành đạo đức thành lối sống rất nhân văn dân tộc, sao ông Viễn dám chửi cả lịch sử cha ông ta là phi nhân, là vô nhân như thế? Dám mắng chửi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du là “KHÔNG CÓ MỘT ĐỜI SỐNG NGƯỜI” là sao? Nho giáo đề cao chữ NHÂN, đưa con người ra tôn thờ. Nho giáo còn có một tiến bộ là đề cao dân. Mạnh tử, truyền nhân của Khổng tử lấy dân làm gốc: “Dân là quý nhất, rồi đến xã tắc, vua là khinh, cho nên được lòng dân rồi mới làm thiên tử”. Tuân tử, một học phái Nho gia khác nói: “Dân vừa là người vừa đẩy thuyền đi, vừa là người lật thuyền”. Do không nghiên cứu kỹ tư tưởng trọng dân, lấy dân làm gốc của Nho giáo ông Viễn mới viết ra những dòng như sau: “Giữ nước phải lo cho dân, dựa vào dân như Nguyễn Trãi, trong đó dân thật sự là nhân dân, toàn dân, chứ không phải là một khái niệm mang ý nghĩa mơ hồ như trong Khổng – Mạnh” (tr. 78). Viết liều như thế này, ông Viễn chắc không biết Nguyễn Trãi vốn là một nhà Nho. Nguyễn Trãi đã lấy câu nói kinh điển của Tuân tử ra để răn vua: “Dân vừa là người đẩy thuyền vừa là người lật thuyền”.

       Thời Lý và đầu thời Trần, Phật giáo có cơ chùa chiền hóa, tu hành hóa cả nước, tạo sự tiêu cực lớn lao trong xã hội, kìm hãm sự phát triển, làm dân tộc có cơ bị mê đi bởi chuông mõ nhang đèn, thì hệ Nho gia xuất hiện và phát triển, giúp giang sơn tỉnh táo lại mà thêm trí dũng. Nhưng lạ thay, ông Viễn lại viết rất sai về lịch sử: “Nho giáo chưa kìm kẹp con người như thuở Lý Trần…” (tr.189)…

……

       GS. Lê Trí Viễn không biết viết một câu văn đúng nghĩa; văn của ông hầu như tất cả là văn nói: bỗ bã, ngô nghê, quê mùa, vơ vẩn. Nhiều nhận định tiền hậu bất nhất, ví như trang 151 tác giả cho chế độ phong kiến cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều: “Tiêu cực, cản trở đối với lịch sử, phản động đến chống lại dân tộc, chống nhân dân” thì ở trang 170, tác giả viết ngược lại như sau: “Ở Đàng Trong tình hình suy thoái của chế độ phong kiến có chậm lại và một thời gian không ngắn lắm CHẾ ĐỘ CÒN CÓ TÍNH TÍCH CỰC”. Tự Đức, một ông vua tuy có nhiều tì vết, nhưng là ông vua thi sĩ nhất của triều Nguyễn với câu thơ tuyệt tác: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng / Xếp tàn y lại để dành hơi”. Những lời mạt sát quá mức của ông Viễn với vua Tự Đức là chưa thấu tình đạt lý: “Tự Đức đoạn tuyệt với mọi truyền thống dân tộc về yêu nước và nhân đạo” (tr.183). Tác giả còn có nhiều lầm lẫn đáng tiếc khi ông viết: “Người ta còn nhớ Vôn te (Voltaire) được mời làm thượng khách của nữ hoàng Nga Cartơrin (Catherine)…” Thưa ông Viễn, ông đã nói sai, đã lộn: không phải Voltaine mà Diderot, người đã được nữ hoàng Nga này mời sang Petersbourg năm 1773 ạ!

       Điều chúng tôi muốn góp ý với GS. Viễn trong cuốn “Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam” là tác giả không chịu làm gương giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt. Cuốn sách có nhiều câu què, câu cụt, thiếu chủ ngữ, thiếu vị ngữ, tối nghĩa, vô nghĩa… Ngay một câu văn mở đầu tập sách đã tối nghĩa còn hơn hũ nút như sau, bố ai hiểu ông Viễn nói cái gì: “Bây giờ nói dân tộc Việt Nam ta có 4000 năm lịch sử đó không phải là chuyện văn chương thậm xưng cho hay”. (tr.5). Thường thì sau khi đã có phần trình bày trước, người ta mới dùng từ “Bây giờ”. Đằng này, tác giả viết câu đầu tiên của cuốn sách, chưa biết ất giáp gì đã phang ngay chữ “bây giờ” mà không tạo nguyên nhân “trước kia”.

       Tác giả còn viết rất nhiều câu sai văn phạm, thiếu chủ ngữ, thiếu vị ngữ, câu dây cà dây muống. Ông này dạy cấp 1 cũng còn chưa được, sao lại lôi ông lên dạy đại học, làm giáo sư dạy văn đầu ngành, làm tiên chỉ môn văn của Bộ giáo dục là sao? Xin dẫn những câu văn “rất Lê Trí Viễn”: “Thời kỳ thứ năm coi như là hoàn cảnh bất bình thường lớn nhất vì là thời chiến đấu gian khổ, hi sinh và chiến thắng, tất cả đều không có lời nào nói cho hết nổi. Tính chất văn học là sử thi. Loang loáng một mảnh đời rất dè dặt. Đương nhiên phải như vậy. Còn cũng có gây hại thêm bởi gì đó là giáo điều sai lạc” (tr.231). Có khi tác giả dùng từ không đúng chỗ thành ra sai lạc điều muốn nói như khi ông Viễn viết quá tức cười như sau: “Đây là chỗ văn học dân gian và văn học viết gặp nhau và HÒA LẪN VÀO NHAU THÀNH LẪN LỘN”. (tr.156). Ối GS đầu ngành không rành tiếng Việt, đã đồng nhất từ “HÒA LẪN” thành “LẪN LỘN”, than ôi!

       Xin trích tiếp một câu văn rất ngố, rất tức cười của ông Viễn trong bạt ngàn “câu văn” nói cộc cằn, thô thiển, cụt ngủn của ông như sau: “Một bước trong suy thoái thêm của xã hội phong kiến là có tiểu thuyết chương hồi Hoàng Lê nhất thống chí”… Trong một câu văn có 99 từ mà vẫn thiếu chủ ngữ, không biết ông Viễn ca ngợi Bác Hồ hay xỏ xiên Bác khi ông viết rằng khi Bác đọc luận cương của Lê Nin xong: “…tiếp đón lý luận ấy, Bác vui mừng sung sướng NHƯ MUỐN HÓA ĐIÊN”…

….

       Tóm lại, cuốn sách “Quy luật lịch sử văn học Việt Nam” này của GS. Lê Trí Viễn rất sai trái, bậy bạ vừa phản khoa học, phản dân tộc, phản lịch sử, phản chân lý… Sao Bộ giáo dục lại cho dùng cuốn này bắt học sinh, sinh viên học, còn dùng để làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ là sao?.,.

                     Sài Gòn 2-5-1999

T.M.H.

       (Bài này đã in trên báo “Quân đội nhân dân” cuối tuần số 183 ngày 4-7-1999 và in trong cuốn “Hầu chuyện các giáo sư” NXB Văn Học tháng 12/ 1999)

       (Vì phải đánh máy vi tính lại bài này, tác giả đã bỏ đến một phần ba bài đã in để độc giả khỏi mệt mỏi vì quá dài. Xin thông báo và cám ơn)

                           T.M.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét