Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

PHÊ BÌNH PGS. NGUYỄN LỘC VIẾT GIÁO TRÌNH ĐẠI HỌC RẤT SAI VỀ NGUYỄN DU & TRUYỆN KIỀU - TÁCH TÂM RA KHỎI VẬT, ÁP ĐẶT CHỦ QUAN CON NGƯỜI LÊN VẠN VẬT LÀ SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC TỪ PROTAGORAS ĐẾN HEGEL – MARX - “THI PHÁP TRUYỆN KIỀU” CỦA GS.TS. TRẦN ĐÌNH SỬ MANG LẠI ĐIỀU GÌ MỚI?

 

 


Trần Mạnh Hảo

 

       CẦN PHẢI ĐỌC KỸ VÀ HIỂU ĐÚNG TRUYỆN KIỀU TRƯỚC KHI VIẾT GIÁO TRÌNH ĐẠI HỌC

 

Bộ giáo trình đại học của PGS. Nguyễn Lộc: “VĂN HỌC VIỆT NAM NỬA CUỐI THẾ KỶ THỨ 18 NỬA ĐẦU THẾ KỶ THỨ 19” (NXB ĐH & GDCD – 1992, ngót 1000 trang, tái bản nhiều lần. Trong bộ sách đồ sộ này, Nguyễn Lộc dành cho Nguyễn Du & Truyện Kiều 222 trang, từng được nhiều báo chí ca ngợi những bài giảng cho đại học này là mẫu mực. Chúng tôi xin dành bài viết này trao đổi với tác giả Nguyễn Lộc mấy điều sau đây:

       1-) NGUYỄN LỘC CHƯA ĐỌC KỸ TRUYỆN KIỀU

       Trang 128, ông Lộc viết : “Trong Truyện Kiều có ba tên quan và có cả một gia đình quan lại”… “ Gia đình Hoạn Thư là gia đình quan lại duy nhất trong tác phẩm này” ( tr. 132). Viết như thế, chứng tỏ ông Lộc chưa đọc kỹ Truyện Kiều. Ông Lộc chỉ kể ba “tên” quan là : quan đẩy gia đình Kiều vào cảnh oan khuất vụ thằng bán tơ, quan thứ hai là quan ngồi xử kiện. Quan thứ ba là Hồ Tôn Hiến.

       Nguyễn Lộc quên một ông quan thứ tư là thổ quan : “Ép tình mới gán cho người thổ quan”. Quan thứ năm là Kim Trọng. Quan thứ sáu là Vương Quan, em thứ ba của Thúy Kiều : “ Chế khoa gặp hội tràng văn / Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày”. Nguyễn Lộc bỏ sót ba ông quan là sao ? Tại sao gọi quan Kim Trọng bằng “tên”, gọi quan Vương Quan bằng “tên” ( tên quan)  hỡi ông Nguyễn Lộc mang kính chiếu yêu “giai cấp” vào soi Truyện Kiều.

       Trang 158, Nguyễn Lộc viết : “ Trong cuộc đời Thúy Kiều, những ngày sống hạnh phúc nhất là những ngày sống trong mối tình của Kim Trọng”. Mối tình đầu Kim Kiều dù say đắm đến đâu nhưng cũng chưa thể gọi là hạnh phúc, nhất là việc Kiều còn bị Đạm Tiên ám ảnh. Đây là mối tình bất hạnh chứ sao gọi là hạnh phúc. Những ngày hạnh phúc nhất của Kiều là khi nàng sống với Từ Hải, hay chí ít cũng sống trong tình vợ chồng với Thúc Sinh. Ở chỗ này, Nguyễn Lộc đã viết sai.

       Trang 163, Nguyễn Lộc viết rất sai như sau : “ Như thế rõ ràng, nói như sư Tam Hợp, tu là cội phúc hoàn toàn không đúng trong Truyện Kiều. Chẳng có một lần nào con người đi tu trong Truyện Kiều cảm thấy mình hạnh phúc cả” . Tam Hợp, Giác Duyên  xuất hiện như hai niềm cứu vớt, chẳng có dấu hiệu hai nhà sư này bất hạnh cả. Bằng vào những câu Kiều rất đẹp này, ta biết hai vị sư đều hạnh phúc trong Phật pháp : “ Đánh tranh chụm nóc thảo đường /  Một gian nước biếc mây vàng chia đôi”… “ Bốn bề bát ngát mênh mông / Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau”… “ Sư đà hái thuốc phương xa / Mây bay hạc lánh biết là về đâu” …

       Nguyễn Lộc viết về Hoạn Thư sai lạc như sau : “Đối với Hoạn Thư , chẳng có chỗ nào ghen vì cảm thấy tình yêu bị mất mát” ( tr.195). Ông Lộc chưa đọc hết Truyện Kiều nên không thấy mấy câu thơ Nguyễn Du tả Hoạn Thư ghen vì tình kinh khiếp khi biết chồng có vợ bé: “Lửa tâm càng dập càng nồng / Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa”…” “Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen/ Nghĩ rằng ngứa ghẻ hờn ghen”… “ Rằng tôi chút phận đàn bà / Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Hoạn Thư hành hạ Kiều vì ghen, làm đau lòng chồng vì ghen, sao Nguyễn Lộc lại bảo Hoạn Thư hành động chỉ nhằm thỏa mãn: “cái uy quyền của mụ? (tr. 196)

       Nguyễn Lộc hạ thành phần quý tộc quan lại của Vương ông cha Thúy Kiều xuống thành bình dân cho có vẻ mang tính “giai cấp”, căn cứ vào câu thơ tả gia thế Vương viên ngoại : “ gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung”  để ông Lộc viết  : “Xuất thân từ một thành phần không phải lớp trên” ( 198). Xin xem từ điển định nghĩa “viên ngoại” :

       Viên ngoại lang (員外郎, Deputy Director of the Bureau) là chức phó quan, dưới Lang trung, trong các ty Thanh lại thời Nguyễn, trật Chánh ngũ phẩm.

       Viên ngoại. (Từ cũ) chức quan nhỏ thuộc các bộ trong triều đình phong kiến. người giàu có nhưng không có chức tước gì trong xã ...

       https://www.google.com/search?client=firefox-b-d...

       Nếu cứ kết luận kiểu máy móc như thế thì ông Lộc sẽ cho Truyện Kiều là nôm na dông dài hay sao : “ Lời quê góp nhặt dông dài / Mua vui cũng được một vài trống canh”.

       Cứ xem dáng dấp quý phái, đài các, học hành đến nơi đến chốn đủ cả cầm kỳ thi họa thì đủ biết gia đình Kiều ở gai cấp trên nếu không nói lá quý tộc : “ Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần”…

       Do chưa đọc hay chỉ nghe lóm mà Nguyễn Lộc viết sai hết chuyện này đến chuyện khác trong kiệt tác của Nguyễn Du. Ông Lộc nhắm mắt viết bừa : “ Trong cái xã hội ấy chỉ có một người duy nhất  thật sự thấy được giá trị của Thúy Kiều , thật sự yêu Kiều. Đó là Từ Hải” ( 99) . Ngoài Từ Hải ra, còn có hàng tá người thấy được giá trị và thương yêu Kiều như : cha mẹ, hai em của nàng, Kim Trọng, Thúc Sinh, Giác Duyên…đó sao ? Ngay cả Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc bà, Bạc Hạnh, Hồ Tôn Hiến, Thổ quan, quan xử kiện, thậm chí Hoạn Thư … “ đều thấy được giá trị Thúy Kiều” không ở mặt này thì mặt khác.

Nguyễn Lộc còn viết sai đến mức này nữa thì đích thị là ông chưa hoặc không đọc Truyện Kiều mà dám viết bài giảng về Nguyễn Du trong sách giáo khoa trung học và đại học thì quái đản quá : “ Chính là nhờ Từ Hải, mà lần đầu tiên trong cuộc đời lưu lạc của mình, Thúy Kiều được trả lại nhân phẩm, được làm người” ( 113). Nguyễn Lộc quên rằng lần đầu tiên Thúy Kiều được trả lại nhân phẩm là mối tình của nàng với Thúc Sinh, lần thứ hai mới đến Từ Hải, lần thứ ba do sư Tam Hợp, sư Giác Duyên cậy thuyền chài vớt nàng lên từ sông Tiền Đường, lần thứ tư bởi tình yêu trời biển của Kim Trọng ngày đoàn viên  : “ Thân tàn gạn đục khơi trong / Là nhờ quân tử khác lòng người ta”.

       Trang 119, ông Lộc viết sai như sau : “ Trong xã hội Truyện Kiều, Từ Hải là người duy nhất thông cảm với những con người đau khổ”. Sư Tam Hợp, sư Giác Duyên, Mã Kiều, người quản gia nhà mẹ Hoạn Thư, kể cả Thúc Sinh, Kim Trọng và chính Thúy Kiều đều là những người  “thông cảm với những người đau khổ” chứ nào phải riêng gì Từ Hải.

       2-) THÚC SINH ĐÂU PHẢI NHÂN VẬT PHẢN DIỆN:

       Mối tình Thúy Kiều – Thúc Sinh được Nguyễn Du tả bằng những câu lục bát hay nhất trong Truyện Kiều. Thúc Sinh yêu Thúy Kiều vô hạn mới bỏ tiền lớn ra chuộc nàng từ lầu xanh để cưới nàng làm vợ nhỏ. Thúy Kiều cũng yêu chàng da diết. Nguyễn Du và người đọc đều có cảm tình sâu đậm với Thúc Sinh. Chàng cũng như mọi người đều sợ vợ, nhất là chàng Thúc lại làm rể con quan thượng thư. Thế mà vì chưa đọc, hay đọc nhảy cóc mà Nguyễn Lộc đẩy Thúc Sinh từ nhân vật chính diện sang phản diện cùng một duộc với Mã Giám Sinh và Sở Khanh : “ Những nhân vật phản diện như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, đặc biệt là cặp vợ chồng Hoạn Thư – Thúc Sinh trên căn bản được xây dựng theo lối điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực” ( 171)… “ Thúc Sinh từ địa vị của một người cứu nạn trở thành tên nói khoác, từ địa vị một hiệp sĩ thành một kẻ phản bội xấu xa, thực chất không khác gì Sở Khanh cả” (188). Đánh đồng Thúc Sinh với Sở Khanh như cái nhìn của ông Lộc trên đây, phải chăng là điều xúc phạm đến chính Thúy Kiều và Nguyễn Du, xúc cảm đến tình cảm độc giả với tác phẩm, xúc phạm mối tình đẹp nhất nơi Truyện Kiều  : “ Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” với những: “Long lanh đáy nước in trời / Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”?

3-) CÓ THẬT NGUYỄN DU “LÚNG TÚNG TRONG TÌNH CẢM, LÚNG TÚNG TRONG NHẬN THỨC ĐƯA ĐẾN LÚNG TÚNG TRONG KẾT CẤU – KẾT CẤU GIẢ TẠO” NHƯ NGUYỄN LỘC BÔI NHỌ NGUYỄN DU KHÔNG?

       Hãy xem người dạy Kiều nơi trung học và đại học là Nguyễn Lộc nói xấu Nguyễn Du đến tận cùng như sau : “ Mặt khác, ông thành thật ca ngợi cuộc đoàn viên ấy, mặc dù nhà thơ chỉ viết được những câu thơ rất ít trọng lượng. Cái khó khăn của ông chính là tinh thần hiện thực, là logic của cuộc sống. Trong truyện cổ tích hay truyện Nôm bình dân nói chung, nhân vật được xây dựng nhằm chuẩn bị để đi đến một kết thúc có hậu; cho nên TRUYỆN KIỀU KẾT THÚC CÓ HẬU đã bộc lộ tính chất giả tạo của kết cấu này”. ( 105)

       Viết như thế này, Nguyễn Lộc không hiểu gì Truyện Kiều cả, đã dùng con mắt vô tình, thậm chí dốt nát để phán xét Nguyễn Du. Thưa ông PGS không đủ trình độ đọc Kiều rằng : TRUYỆN KIỀU KHÔNG KẾT THÚC CÓ HẬU nhá, kế thúc một bi kịch bằng một bi kịch khủng khiếp hơn là cuộc hôn nhân giữa nàng và người tình xưa “ mối tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”, có đêm tân hôn mà không có động phòng, mặc dù cả hai kẻ mới trên dưới 35 tuổi rất yêu nhau. Kết thúc PHẢN CÓ HẬU này của Nguyễn Du mới là kết thúc của thiên tài, đưa một đôi tình xưa còn quá trẻ vào cuộc hôn nhân có đám cưới, có đêm tân hôn mà không có động phòng, không chăn gối khác nào bắt họ sống bên nhau với đời sống vợ chồng ảo suốt đời, khác nào sống trong địa ngục trần gian ? Có hậu hồi nào thưa ông Nguyễn Lộc ?

       Một người không hiểu và không đọc nổi Truyện Kiều như Nguyễn Lộc mà được giao phó viết bài khái luận về Nguyễn Du & Truyện Kiều nơi sách giáo khoa văn trung học, lại viết cả giáo trình dạy đại học về chủ đề này, thì than ôi, sự học của đất nước này còn hay không?

       Xin trích sách đã dẫn, Nguyễn Lộc viết: “Lúng túng trong tình cảm, trong nhận thức, đưa đến lúng túng trong kết cấu. Kết cấu của ông có tính chất giả tạo, như tác phẩm dựa vào để sáng tác, mà tinh thần của ông thì hiện thực” (106). “Trong Truyện Kiều trường hợp duy nhất định mệnh chi phối lại là trường hợp duy nhất mà kết cấu tác phẩm có tính chất giả tạo, không thực. Những câu thơ ca ngợi hạnh phúc trong đoạn tái hồi Kim Trọng mặc dù Nguyễn Du cố viết cho chân thành, vẫn cứ thấy nó gượng gạo lên gân thế nào ấy”(152)

       Trước hết, chúng ta thử xem đoạn Kim Kiều tái hợp có non kém về nghệ thuật “ nhà thơ chỉ viết được những câu thơ ít trọng lượng, gượng gạo, lên gân” hay không ? Bắt đầu từ câu 3007 đến câu 3254 kết thúc vị chi là 247 câu thơ tả việc đoàn viên Kim Kiều, câu nào cũng nặng lòng Nguyễn Du, chẳng hề “rất ít trọng lượng” như Nguyện Lộc ngộ nhận. Nếu phải chọn một câu thơ triết luận hay nhất Truyện Kiều, chúng ta chỉ có thể chọn câu gần chót này : “ Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.Nếu phải chọn một câu thơ mà nghệ thuật tu từ, dùng từ láy, từ kép hay nhất Truyện Kiều, chúng tôi chọn câu ở đoạn chót này, đoạn mà ông Lộc chê là “ rất ít trọng lượng” : “ Dở dang nào có hay gì / Đã tu, tu trót, qua thì, thì thôi”…Nếu phải chọn câu thơ viết về niềm sung sướng vỡ òa kinh ngạc hay nhất Truyện Kiều chúng tôi chọn câu này : “Tưởng bây giờ là bao giờ / Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”. Còn rất nhiều câu thơ hay trong đoạn này, không thua kém gì những câu hay của các đoạn trước : “Trời còn để đến hôm nay / Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Câu bát trên đây có người còn cho là câu thơ hay nhất trong Truyện Kiều, ai dám bắt bẻ ? Việc Nguyễn Lộc chê bai 247 câu Kiều trong đoạn cuối là “rất ít trọng lượng, là gượng gạo lên gân”, chứng tỏ ông Lộc không có óc thẩm mỹ thi ca, không tiếp nhận được thi pháp Nguyễn Du vậy !

              .

       (tác giả bỏ một đoạn dài trong nguyên bản bài phê bình, trích ra những nhận xét chủ quan của ông Lộc “tàn sát” nghệ thuật trác việt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, vì TMH già cả, phải tự đánh máy lại bài viết)

              .

       Những ý tưởng chê bai nghệ thuật tuyệt vời Nguyễn Du kiểu này của Nguyễn Lộc đều là con đẻ của lối phê bình xã hội học dung tục, chỉ quy vào ý nghĩa xã hội, tính tố cáo của tác phẩm. Ông Lộc không biết rằng vấn đề trung tâm, gan ruột của Truyện Kiều là vấn đề quyền con người, vấn đề nghệ thuật thể hiện tâm hồn con người, vấn đề thẩm mỹ của một thi pháp bậc thầy. Nguyễn Du chỉ mượn cốt truyện của Thanh Tâm tài nhân để đưa cái đẹp của tiếng Việt lên đỉnh cao xưa nay chưa hề có, nhằm tôn vinh hồn Việt trong lục bát thi ca.

              .

       Đọc hết tác phẩm Truyện Kiều, ai cũng nghẹn ngào tức tưởi thương cho thân phận nàng Kiều. Thà đừng xum họp với chàng Kim, thà đừng đám cưới có đêm tân hôn mà không có động phòng, phải sống đời sống vợ chồng giả suốt đời còn khổ hơn nàng ở chốn thanh lâu. Đây mới là đại bi kịch Truyện Kiều, một kết thúc phản có hậu của một kiệt tác vô song, cái mà Nguyễn Lộc, chuyên gia số một của Bộ giáo dục về “Nguyễn Du & Truyện Kiều” không có năng lực để nhận biết.

       4-) NHỮNG NGỘ NHẬN ĐÁNG TIẾC

       Trang 160, Nguyễn Lộc viết : “Bằng hình tượng nghệ thuật, Nguyễn Du đã đi đến một kết luận rất cơ bản : thực chất vấn đề trong xã hội Truyện Kiều là vấn đề của xã hội phong kiến”. Không, khả năng không hiểu Truyện Kiều của Nguyễn Lộc là vô biên. Thực chất vấn đề cốt lõi của Truyện Kiều không phải là vấn đề xã hội phong kiến mà là vấn đề con người và vấn đề của cái đẹp nơi Tiếng Việt được nâng lên chót đỉnh ( vấn đề thi pháp). Giờ đây chế độ phong kiến đã kết thúc từ lâu mà thân phận phụ nữ Việt Nam trong xã hội hôm nay còn làm chúng ta nhức nhối. Báo chí đã khui ra hàng trăm, hàng nghìn vụ buôn bán phụ nữ, mua đàn bà con gái Việt Nam sang Tầu bán kiếm lời. Khắp nơi trong nước, từ khách sạn, phòng trà, hát karaoke, mát xa, hớt tóc thanh nữ …đâu đâu cũng có thanh lâu ổ điếm trá hình, mua dâm và bán dâm đông như trẩy hội.

       Trang 136, do phê phán xã hội Truyện Kiều hăng hái quyết liệt quá, hồng vệ binh văn học Nguyễn Lộc đã vơ đũa cả nắm mà phán xằng phán bậy như sau : “Đạo đức phong kiến làm cho con người trở thành tàn bạo và giả dối” . Mô Phật, chỗ này thì Nguyễn Lộc đã quá lếu láo, xúc phạm một nghìn năm văn hóa rất nhân bản của ông cha ta từ Ngô Quyền đến năm 1958 (là năm ta mất nước vào tay giặc Pháp). Nếu dân tộc suốt 1000 năm “tàn bạo & giả dối” như thế thì sao ta có các triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… với các anh hùng dân tộc như : Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung?

       Nếu thời phong kiến nghìn năm Việt Nam ta chỉ có tàn bạo và giả dối như Nguyễn Lộc nói xằng thì sao ta có các thi hào, thi nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Tú Xương?

       Nguyễn Lộc không hiểu thơ là thế nào, lại cực đoan về tính hiện thực, nên mới dám liều mạng viết ở trang 141: “Truyện Kiều không phải biểu hiện tâm tình mà là bức tranh cuộc sống, mâu thuẫn trong thế giới quan Nguyễn Du thể hiện ở đây lại càng khó nắm bắt”. Ôi chao là câu văn Nguyễn Lộc viết chưa đúng tiếng Việt, cụt ngủn, bí hiểm, đánh đố bạn đọc. Nguyễn Du nói rõ nội dung Truyện Kiều là : “ Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh” mà Nguyễn Lộc không hiểu, lại bảo Truyện Kiều “không phải biểu hiện tâm tình” thì con xin lạy ông, ông không hiểu gì cả.

       Nguyễn Lộc quên rằng Nguyễn Du đã vượt qua thuyết định mệnh Nho Phật bằng câu: “Xưa nay nhân định thắng thiên đã nhiều” để quy kết tác giả Truyện Kiều rất vô lối, xấc xược như sau: “Nguyễn Du đi từ thuyết định mệnh Nho giáo sang thuyết định mệnh Phật giáo và kêu gọi tu tâm, thực tế là nhà thơ đã lún trong vũng bùn của tư tưởng duy tâm. ( 145). Viết như thế này, Nguyễn Lộc đã lấy bùn từ tay mình, ném vào Truyện Kiều, ném vào 1000 năm ông cha Tam giáo đồng nguyên, ném vào đạo Phật lấy tu tâm làm tôn giáo!

              ..

..

Tóm lại, sao bộ giáo dục lại cho PGS. Nguyễn Lộc, một người không hề hiểu biết sơ đẳng về Nguyễn Du & Truyện Kiều được độc quyền dạy Truyện Kiều trong sách giáo khoa văn trung học và đại học, giết chết thẩm mỹ văn học của con em ta về một kiệt tác hay nhất của dân tộc Việt Nam?

       Sài Gòn 12-10-1999

   T.M.H.

(Bài này đã in trên báo VĂN số 11/ 1999 và in trong cuốn “Hầu chuyện các giáo sư” của TMH do NXB Văn học ấn hành 1999.)

……………….

 

       TÁCH TÂM RA KHỎI VẬT, ÁP ĐẶT CHỦ QUAN CON NGƯỜI LÊN VẠN VẬT LÀ SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC TỪ PROTAGORAS ĐẾN HEGEL - MARX:

       Phê bình triết học của Trần Mạnh Hảo.

       Triết học phương Tây từ Hi Lạp tới Marx mắc một căn bệnh trầm kha, đưa tới sự cáo chung của triết học, ấy là căn bệnh tách TÂM (duy tâm) ra khỏi VẬT (duy vật). Bệnh này đưa đến cuộc truy nguyên (tranh cãi) vô hồi kỳ trận trong triết học: TÂM có trước hay VẬT có trước, VẬT sinh TÂM hay TÂM sinh VẬT? Rằng trứng đẻ ra gà hay gà đẻ ra trứng? Rằng con người sinh ra từ con khỉ (Darwin) hay có một Đấng toàn năng nào đó nặn ra con người từ đất sét như Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo đã tin tưởng? Cho đến nay, khoa học thực nghiệm phương Tây vẫn còn ngơ ngác hỏi: vũ trụ này, tồn tại này sinh ra do TẤT ĐỊNH (do Chúa, do Đấng Toàn Năng) hay do NGẪU NHIÊN (do vụ nổ lớn Big Bang) tạo ra? Cho đến nay, câu hỏi của người Sume mở đầu văn minh Lưỡng hà (mở đầu văn minh nhân loại?), sắc dân tìm ra chữ viết để viết trên gốm sớm nhất, rằng: con người từ đâu đến, đến đây làm gì và đi về đâu vẫn chưa được các nền văn minh hậu bối trả lời, kể cả Einstein hay đức Đạt Lai Lạt Ma….

       Chỉ biết rằng, cho tới hiện nay, khoa học thực nghiệm phương Tây đã dẫn dắt nhân loại qua những bước tiến khổng lồ về vật chất như tìm được bản đồ gen người, sinh sản vô tính, đưa người lên vũ trụ, dùng kính viễn vọng nhìn ra vũ trụ khôn cùng… Ngược đời thay, khoa học càng ngày càng tiến lên càng thấy mình gần với tôn giáo… Khoa học tò mò hé mắt qua kính viễn vọng thiên văn Hubble, hoặc kính viễn vọng khổng lồ Alma nhìn ra vũ trụ để thấy trái đất này, thái dương hệ này cũng chỉ là kiếp hạt bụi tí con con; hoặc bồi hồi tìm ra hạt Higgs (hạt của Chúa Trời)… chợt sợ hãi nếu đột nhiên mình lại tìm ra hạt của qủy sứ… Nhưng khoa học thực nghiệm chừng như đã bất lực, khi nó lơ mơ cảm thấy rằng hình như vũ trụ này đã được một lực lượng siêu nhiên nào đó lên chương trình từ A tới Z, đã mã hóa mọi hoạt động của con người và tự nhiên từ mở đầu đến kết thúc?

       Công cuộc tách TÂM ra khỏi VẬT của nền triết học phương Tây ngót ba nghìn năm nay giờ đã đến lúc nhận lấy một hậu quả kinh hồn: toàn bộ nền văn minh vật chất đã dùng khoa học thực nghiệm đưa con người vượt lên phía trước với tốc độ siêu âm, bỏ lại nền văn minh tinh thần tiến như rùa bò vẫn còn cố níu lấy luân lý và đạo đức thế kỷ ánh sáng thứ 17, tiếc nuối thế kỷ thứ 18 của cách mạng Pháp và tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ hào sảng tính nhân văn? Trong con tàu vũ trụ trái đất bay đến tương lai, dường như tinh thần nhân loại đã bị văn minh vật chất bỏ lại ở rất xa trong quá khứ, có cơ hồn sẽ lìa khỏi xác, một nhân loại DUY VẬT không có DUY TÂM đi kèm, một nhân loại ác không có thiện đi kèm, phải chăng là dấu hiệu của ngày tận thế?

       Nhân loại đang tới gần nguy cơ tự hủy diệt khi thân xác bỏ rơi linh hồn, khi khoa học bỏ rơi tôn giáo, khi cái ác bỏ rơi cái thiện, khi VẬT bỏ rơi TÂM, khi loài người sắp đánh mất tuổi thơ, đánh mất tôn giáo và Thượng Đế…?

       Tách TÂM ra khỏi VẬT (và ngược lại) thì TÂM ấy không còn là TÂM, VẬT ấy cũng không còn là VẬT nữa? Tách TÂM ra khỏi VẬT (và ngược lại) khác nào tách HỒN ra khỏi XÁC. Một cái xác không hồn, cái xác ấy là một vật chết, quyết không còn là con người nữa. Một cái hồn không có xác để cư trú, cái hồn ấy chỉ có thể là hư vô.

       TÂM và VẬT, HỒN và XÁC là quá trình đồng thời, tuyệt nhiên không thể dùng phương pháp phân tích theo kiểu mổ xẻ: trước hết là TÂM hay trước hết là VẬT theo kiểu triết học phương Tây đã quan niệm và cãi nhau chí chết để cùng nhau treo cổ triết học vậy.

       Người phương Đông quan niệm TÂM với VẬT là một. Tôi đang bàn về Vật, cũng có nghĩa là tôi đang nói về Tâm đấy. Người phương Đông cho con người là tiểu vũ trụ nên tạo ra một tam vị nhất thể (tam tài) thống nhất THIÊN ĐỊA NHÂN. Người phương Đông coi con người là con đẻ của tự nhiên, từ tự nhiên mà sinh ra, rồi lại quay về với tự nhiên, không bao giờ coi mình cao hơn tự nhiên hay bá chủ tự nhiên như triết học phương tây quan niệm.

Bằng một danh ngôn vĩ đại, triết gia Protagoras đã chỉ hướng cho nền văn minh phương tây tha hồ áp đặt chủ quan của con người lên toàn thể vũ trụ: “Con người là thước đo vạn vật”. Sao lại lấy cái giới hạn làm thước đo cái vô hạn? Con người là tùy thể của vũ trụ hay ngược lại? Con người sinh ra vũ trụ hay ngược lại mà lại lấy con người làm thước đo vũ trụ?

       Lấy VẬT phủ nhận TÂM, dùng vật chất phủ nhận mọi giá trị tinh thần con người, áp đặt chủ quan vô cùng duy tâm của mình lên mọi vật rồi gọi là duy vật chủ nghĩa, áp đặt rất nhiều điều phi lý, không tưởng của mình lên con người, lên xã hội và lịch sử con người rồi gọi là duy vật biện chứng, phủ nhận lịch sử nhân loại trước mình rồi gọi là duy vật lịch sử, Marx và Engels đã biến chủ nghĩa hoang tưởng của mình thành đoạn đầu đài để hành hình triết học, để đưa triết học phương tây vào huyệt mộ của bế tắc bằng vũ khí duy nhất là cái ác.

       (trích bài dài "Phê bình triết học duy ác" của Trần Mạnh Hảo - 29 tháng 3, 2018).

……………….

 

“THI PHÁP TRUYỆN KIỀU” CỦA GS.TS. TRẦN ĐÌNH SỬ MANG LẠI ĐIỀU GÌ MỚI?

 

       TMH in lại một bài trong số 10 bài phê bình nhà "sai học" Trần Đình Sử. TMH thách TĐS dám khoe luận án tiến sĩ mình lên FB đấy.

 

       Từ khi “Thi pháp” Aristote xuất hiện từ 25 thế kỷ trước, nội hàm ban đầu của nó vẫn còn là bản chất của ngành Thi pháp học; tuy qua từng thời kỳ, khái niệm Thi pháp được bồi đắp thêm, mở rộng thêm theo sự phát triển của phê bình văn học. Trong các trường phái phê bình văn học phương Tây, Thi pháp chỉ là một trong những phương pháp tiếp cận văn bản nghệ thuật như: Xã hội học văn học, Chủ nghĩa Hình thức Nga, Cấu trúc, Phê bình ý thức, Ký hiệu học văn học, Phê bình phân tâm học, Phê bình Mới của Anh- Mỹ, Phê bình Đức, Phê bình tưởng tượng, Phê bình trực giác, Ngôn ngữ và văn học... Việc học tập, nghiên cứu, ứng dụng một trong những trường phái phê bình trên vào Việt Nam một cách có chọn lọc, có định hướng, sao cho thích ứng với từng trường hợp cụ thể, phù hợp với với dạng thức tư tưởng và tâm hồn Việt Nam thể hiện qua văn học, thiết tưởng là điều nên làm. Một trong những người đi đầu đưa Thi pháp học vào nghiên cứu văn học Việt Nam phải kể đến GS.TS Trần Đình Sử; cuốn “Thi pháp Truyện Kiều“ dày 400 trang của ông, do NXB Giáo Dục ấn hành năm 2002 là một thí dụ.

       Trong bài viết này, chúng tôi thử bước đầu tìm hiểu xem hiệu quả của công trình “Thi pháp Truyện Kiều“ của GSTS Trần Đình Sử mang lại điều gì mới cho việc nghiên cứu kiệt tác số một của văn học Việt Nam? Trong bài “Lời nói đầu”, ở trang 7, GS. Sử viết: ”Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu Thi pháp Truyện Kiều từ thời gian nghệ thuật (1981), cái nhìn nghệ thuật (1982). Từ đó đến nay đã qua 20 năm, các bài viết tiếp theo sau đó đã được triển khai trên nhiều mặt, tạo thành một chuyên luận có hệ thống nhất quán, có quan điểm riêng“. Ở trang 6, ông Sử viết: ”Thiết tưởng không vấn đề nào quan trọng hơn vấn đề Thi pháp Truyện Kiều, bởi nó dẫn ta vào bản chất sáng tạo của nhà thơ“. Ở trang 21, chương một: ”Những chặng đường nghiên cứu Thi pháp Truyện Kiều”, sau khi điểm lại những cách tiếp cận văn bản Truyện Kiều trước kia từ Mộng Liên Đường, Phong Tuyết chủ nhân Thập Thanh Thị đến Đào Nguyên Phổ, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Trương Tửu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Hạnh, Lê Đình Kỵ..., GS. Sử tự đề cao cách tiếp cận Truyện Kiều bằng Thi pháp của mình là “mới”, thậm chí là ưu việt nhất như sau: ”Bước tiến mới đánh dấu sự chuyển hẳn sang nghiên cứu Thi pháp Truyện Kiều theo một quan niệm mới là một số bài viết của chúng tôi... và công trình “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (1985) của Phan Ngọc cùng một số công trình khác“. Ở trang 23, chương đã dẫn, GS. Sử viết: ”Cũng chỉ có qua nghiên cứu Thi pháp mới có thể xác định cụ thể vai trò, địa vị của tác phẩm Truyện Kiều trên tiến trình văn học cổ điển Việt Nam”. Nhưng ở trang 9, GS. Sử định nghĩa “Thi pháp” thoáng đến mức gần như nó không còn là một phương pháp tiếp cận văn bản nghệ thuật đặc thù; mà nó chính là một tên gọi khác của ngành nghiên cứu phê bình văn học: ”TÌM HIỂU THI PHÁP, TỨC LÀ TÌM HIỂU NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN DU TRONG TÁC PHẨM NÀY“. Nếu vậy, 661 bài viết hoặc cuốn sách viết về Truyện Kiều do ông Sử liệt kê ra trong “Thư mục nghiên cứu Truyện Kiều” trên đều phải gọi là Thi pháp hết!

       Cho nên việc ông Sử nói mình và vài ba tác giả khác là những người đầu tiên đưa Thi pháp vào nghiên cứu Truyện Kiều liệu còn đúng nữa không? Thảo nào, hiện nay đang có một phong trào “Thi pháp” hoá toàn bộ ngành nghiên cứu giảng dạy văn học trong các trường, viện, tạp chí, báo chí... Đến nỗi bất cứ viết về cái gì, bàn về tác giả nào đi nữa đều được thiên hạ đua nhau gọi là Thi pháp theo như định nghĩa thoáng đến mức vô bờ bến trên của ông Sử. Có thể tham khảo định nghĩa về Thi pháp kiểu phi ranh giới này nơi công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh: “Từ ký hiệu học đến Thi pháp học” của GS.Hoàng Trinh (NXB Đà Nẵng-1997) ở trang 9 có đoạn viết: ”Chúng ta cũng có những công trình Thi pháp học có giá trị của Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Lê Đình Kỵ, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Lai, Phong Lê, Bùi Công Hùng, Mai Ngọc Chừ, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Lung, Vũ Quần Phương...”. Theo đà trăm phần trăm Thi pháp hoá này, nếu GS Hoàng Trinh thống kê hết, chắc sẽ còn cả hàng nghìn công trình Thi pháp “có giá trị” đã và đang được ra đời theo kiểu công nghiệp hoá Thi pháp...

       Chúng ta thử xem GS. Trần Đình Sử dùng Thi pháp học đã khám phá ra “bản chất sáng tạo” của Nguyễn Du là những bản chất gì mang “quan điểm riêng“ của tác giả? Xin đọc “Lời cuối sách” trang 347, nơi GS. Sử tóm lược những “bản chất sáng tạo” của Nguyễn Du “mang quan điểm riêng” như là những phát hiện mới mẻ chưa từng có của ông qua “Thi pháp Truyện Kiều”, như sau:

       1- Truyện Kiều “đã đổi mới cái nhìn nghệ thuật về con người“: “hiểu con người như một tấm lòng, tức một dòng tâm lý, tâm trạng, dòng cảm giác của con người sống”... ”một con người của nhân tính dân chủ đang khao khát quyền sống tự nhiên của con người...”

       2- “Nguyễn Du là người đầu tiên đem vào truyện Nôm một cái nhìn dân chủ, chống lại ý thức hệ phong kiến độc tôn”.

       3- “Nguyễn Du đã truyền cảm thức Việt Nam gần gũi với mọi người qua  điểm nhìn trần thuật chủ quan đó”.

       4- “Nguyễn Du đã sử dụng thành công một cách cổ điển lời độc thoại nội tâm“.

       5- “Nguyễn Du đã sử dụng các biện pháp từ chương học thịnh hành của thời đại - phép đối ngẫu, sóng đôi, ẩn dụ, điển cố, màu sắc  nhưng ông đã biến chúng thành một chất lượng mới, mang quan niệm của ông về chất văn, chất thơ”.

       6- Nguyễn Du đã đưa nghệ thuật tự sự và nghệ thuật cổ điển thơ ca Việt Nam cũng như tiếng Việt văn học lên tới đỉnh cao chưa từng có, trở thành mẫu mực chói lọi cho muôn đời thưởng thức và noi theo”.

       Trong “Thư mục nghiên cứu Truyện Kiều”, GS. Trần Đình Sử đã liệt kê ra tới 661 (sáu trăm sáu mươi mốt) tác phẩm của nhiều tác giả nghiên cứu Truyện Kiều đã công bố trước đó. Chỉ cần xướng hết tên của 661 tác phẩm kể trên, chúng ta đã thấy 6 điểm “phát hiện” về “bản chất nghệ thuật” của Nguyễn Du trong Truyện Kiều “mang quan điểm riêng” của GS. Sử thực ra toàn là những ý tưởng, câu chữ lặp lại của nhiều người khác, nằm ngay trong đầu đề bài viết của các tác giả kia.

       Có lẽ, cái được nhất của cuốn “Thi pháp Truyện Kiều” là GS. Sử đã hệ thống hoá lại những điều đã biết, những điều thiên hạ đã bàn nát nước gần cả trăm năm, tập hợp chúng lại thành một cuốn sách để các em học sinh, sinh viên tham khảo khi học Truyện Kiều. Chúng tôi cho rằng, Thi pháp học dù tối ưu thế nào đi nữa, việc trước tiên và sau cùng là giúp cho bạn đọc hiểu và cảm được hết giá trị nghệ thuật Truyện Kiều. Vậy, việc tối thiểu đòi hỏi chính tác giả, nhà nghiên cứu thi pháp tác phẩm phải hiểu đúng nghĩa đen của từng câu Kiều cụ thể. Chúng tôi rất đỗi kinh ngạc khi GS. Trần Đình Sử, lúc đang cao trào nghiên cứu Thi pháp Truyện Kiều (năm 1995), đã có nhiều bài giảng sai lạc chính nghĩa đen của một số câu Kiều. Chúng tôi muốn đưa ra một thí dụ, lấy từ cuốn “Bình giảng tác phẩm văn học- trong chương trình cuối cấp THCS -THPT”, nxb Giáo Dục 1995, nơi có nhiều bài giảng Kiều của GS. Sử, nhằm “giúp cho học sinh và giáo viên có tài liệu tham khảo trong học tập và giảng dạy” như lời nói đầu của chính GS viết.

       Giảng Kiều từ câu 15 đến câu 38, có tên “Chị em Thuý Kiều“ ở các trang 38, 39, 40 sách đã dẫn, khi bình câu thơ Nguyễn Du tả Thuý Vân: “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”, GS. Sử viết như sau: ”Tóc nàng đen hơn mây và da trắng hơn tuyết“. Chừng như GS. Sử đã hiểu sai nghĩa đen của nửa trên câu thơ này của Nguyễn Du? Màu mây đen, màu hắc ám, màu mà trong tính ước lệ của thi pháp cổ điển phương Đông không bao giờ được coi là đồng nghĩa với cái đẹp. Nguyễn Du đang nói về vẻ đẹp của Thuý Vân thể hiện trên tóc, trên da, nên mới so tóc nàng còn mềm mại, óng mượt, uyển chuyển hơn mây chứ nhà thơ đâu có lấy màu “mây đen” mà so cùng mái tóc người đẹp như GS. Sử giải thích! Trong “Nguyễn Du - toàn tập” do NXB Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học xuất bản 1996, tập 2, trang 48, học giả Nguyễn Quảng Tuân giải thích câu “Mây thua nước tóc” như sau: ”mây thua cái vẻ óng mượt của làn tóc mềm mại. Nước là cái ánh, cái vẻ óng mượt”. Thực ra, câu Kiều này quá dễ hiểu, người bình dân chẳng có bằng cấp gì, thậm chí ít học cũng hiểu được, nên các bản Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, bản Kiều của Đào Duy Anh đều không cần chú giải. Trong “Từ điển Truyện Kiều”, NXB Khoa học Xã hội  1987, trang 288, trong mục từ “MÂY”, Đào Duy Anh chỉ giải thích đơn giản: “Mây thua nước tóc”: “Giống như mây”, “Tóc mây một món”...”.

       Chúng tôi đồ rằng lối giải thích câu Kiều: ”Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” là “tóc nàng đen hơn mây” của GS.TS Trần Đình Sử có thể là một phát hiện mới về nghệ thuật bình giải thơ Kiều thông qua Thi pháp học, mà chúng tôi vì chưa “đủ tầm”, nên không lĩnh hội được chăng?  Chúng tôi đành viết bài báo này, xin nhờ GSTS Trần Đình Sử chỉ giáo, giúp chúng tôi nhận thức được những “cái mới” trong cách lý giải câu thơ kia, cũng như  cái mới trong “Thi pháp Truyện Kiều“ của ông? Sau bài viết này, chúng tôi sẽ công bố bài báo tiếp theo: “Bàn qua về những ngộ nhận trong tiếp nhận thi pháp Nguyễn Du nơi cuốn “Thi pháp Truyện Kiều” của GSTS Trần Đình Sử“.,.

       Sài Gòn  4-11-2003

                     T.M.H.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét