Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

TRẦN MẠNH HẢO PHÊ BÌNH CÁC CUỐN SÁCH, CÁC BÀI GIẢNG SAI TRÁI, DỐT NÁT CỦA GS. LÊ TRÍ VIẼN – BẬC TIÊN CHỈ DẠY VĂN CỦA BỘ GIÁO DỤC TRONG SUỐT 60 NĂM QUA

 

 


       Nghe nói một số cựu lãnh đạo cao cấp và một số học trò của học trò GS. Lê Trí Viễn ( đang cầm quyền) ngoài Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sắp hội thảo lớn nhằm tôn vinh GS. Lê Trí Viễn. Họ coi ông là niềm tự hào của Quảng Nam Đà Nẵng – một giáo sư lớn như một nhà văn hóa có công khai mở nền dạy văn của đất nước. Tôi phản đối việc làm không đúng này của Đà Nẵng, Quảng Nam, bởi vì GS. Lê Trí Viễn, dù ông đã mất, vẫn để lại di hại vô cùng to lớn cho đất nước cho dân tộc trong việc giáo dục; cụ thể GS. Lê Trí Viễn có tội lớn là phủ nhận tính nhân văn của 9 thế kỷ văn học ông cha bằng cách dùng khái niệm PHI NGÃ gán cho 9 thế kỷ văn học thời phong kiến. Tội này của GS. Lê Trí Viễn to lắm, di hại muôn đời con cháu, cần phải lên án, phải quy tội, sao lại vui mừng ca ngợi, tôn vinh người đã bôi tro trát trấu lên tâm hồn cha ông ta. Để quý vị nhận thức lại, chúng tôi sẽ in ba bài liên tiếp vạch ra cái đại dốt, đại sai của cụ tổ môn văn của chế độ mới này, một ông giáo cấp 1 vì yêu đảng quá được cho lên dạy đại học sư phạm văn, viết câu văn tiếng Việt còn chưa đúng.

       Từ điển mạng viết về Lê Trí Viễn (10 tháng 3 năm 1919 – 3 tháng 2 năm 2012) là giáo sư, nhà giáo nhân dân, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu đi tiên phong trong việc vận dụng quan điểm Mác-xít trong nghiên cứu và đã đóng góp cho lĩnh vực văn học Việt Nam hơn 40 công trình khoa học giá trị. Ông là hiệu trưởng sáng lập Trường Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, một ngôi trường nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ đậu Đại học cao và lượng thủ khoa, á khoa các trường Đại học nhiều nhất nước.[1][2] Ông đã được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.[3]

https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Tr%C3%AD_Vi%E1%BB%85n

       Dưới đây là bài thứ nhất :

       BÀN VỀ TÍNH KHOA HỌC CỦA CUỐN “ĐẶC TRƯNG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM” CỦA GS. LÊ TRÍ VIỄN

       Trần Mạnh Hảo

       “Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam” là cuốn sách dày 287 trang của GS. Lê Trí Viễn do NXB Khoa học xã hội ấn hàng năm 1996. Theo lời mở đầu của tác giả, mục đích cuốn sách nhằm giúp “ cho việc giảng dạy học tập trong nhà trường từ phổ thông đến đại học, cao đẳng, trên đại học cũng như việc tham khảo trong giới nghiên cứu rộng rãi”. Cuốn sách có nhiều đoạn, nhiều chương tác giả tự xào xáo, rút tỉa, lắp ghép lại từ các cuốn sách trước của mình, ví như chương 3 : “đôi nét về thẩm mỹ Việt Nam”gồm 36 trang  hầu như lấy toàn bộ chương 7  trong cuốn “Quy luật phát triển  lịch sử văn học Việt Nam” của chính GS. Lê Trí Viễn…

       Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề cuốn sách đặt ra, theo tác giả là có tính khoa học về khái niệm “Văn học trung đại Việt Nam”, từng làm sách hướng dẫn cho hàng chục, thậm chí hàng trăm nghiên cứu sinh tiến sĩ, chúng tôi xin góp một số ý kiến mọn, hầu mong GS. Lê Trí Viễn chỉ giáo.

       Trong lời tựa cuốn “Sử Trung Quốc” của mình, học giả Nguyễn Hiến Lê viết : “ Về việc phân chia thời đại, tôi không theo cách của đa số học giả phương Tây ( và một số học giả Trung Hoa bắt chước họ) chia thành thời thượng cổ, trung cổ, cận đại , hiện đại. Những danh từ mượn của phương Tây không áp dụng vào lịch sử Trung Hoa được, trừ hai danh từ thượng cổ và hiện đại ( NXB Văn Hóa 1997). Theo ý tác giả Nguyễn Hiến Lê, xét Việt Nam ta là một nước đồng văn với Trung Hoa thì những khái niệm khởi ra từ danh xưng phương Tây như cổ đại, trung cổ, cận đại…đem ra áp dụng vào lịch sử văn hóa ta hẳn là không khoa học.

       Trong cuốn “Các phạm trù văn hóa trung cổ” của nhà “trung cổ học” A.JA Gurêvich từng nghiên cứu vấn đề này một cách hệ thống, cặn kẽ, khước từ “mô hình toàn thế giới của “Phạm trù văn hóa trung cổ” đã viết ở trang 22 như sau : “Một điều không rõ là làm thế nào tập hợp những phạm trù làm thành phạm trù mô hình thế giới ? Ta chấp nhận trong “mô hình thế giới” này ở những nền văn minh khác nhau thì bên cạnh những phạm trù thật sự có tính cách phổ quát, có những thành tố có tính chất đặc thù cho một số nền văn minh hoặc hệ thống xã hội, có những phạm trù hết sức thiết yếu đối với nền văn hóa này nhưng đối với những nền văn hóa khác thì không có ý nghĩa quan trọng như vậy. Rõ ràng là chỉ có thể xây dựng mô hình thế giới của một hệ thống văn hóa nhất định một cách kinh nghiệm chủ nghĩa, một sự tập hợp tiên nghiệm, những thành tố của nó bao giờ cũng không đầy đủ - đây là điều chủ yếu – có nguy cơ tạo ra những sự khiên cưỡng trong nghiên cứu ( NXB Giáo Dục 1996 – Hoàng Ngọc Hiến dịch). Như vậy, theo tinh thần của nhà trung cổ học A. Gurêvich trên, việc một số nhà nghiên cứu văn học của nước ta ( cụ thể là GS. Lê Trí Viễn) đưa ra khái niệm “Văn học trung đại ( trung cổ) Việt Nam phải chăng là những sự khiên cưỡng áp đặt lấy râu ông nọ  cắm cằm bà kia ?

       Trở lại công trình “ Đặc trưng văn học TRUNG ĐẠI ( TRUNG CỔ) Việt Nam” của GS. Lê Trí Viễn khi ông chỉ ra người dùng khái niệm TRUNG ĐẠI cho nền văn học dài 9 thế kỷ này ở Việt Nam là một người Nga : “ Nói cho đúng, người dùng tên gọi này trước tiên là tiến sĩ Niculin – một nhà nghiên cứu Nga về văn học Việt Nam. Ông đã dùng các khái niệm trung cổ, cận đại, hiện đại … là những thuật ngữ sử học quốc tế khi nói về văn học nước ta” ( trang 19 sách đã dẫn). GS Lê Trí Viễn cho biết ông là người đầu tiên tiếp thu và phát triển khám phá rất mới mẻ này của Niculin để gọi văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ 10 đến cuối thế kỷ thứ 19 bằng một tên gọi phương Tây : “ Văn học trung đại ( trung cổ) Việt Nam”

       Trung đại – hay TRUNG CỔ ( Moyen-Âge) là một danh từ để chỉ một giai đoạn lịch sử ngót 1000 năm của châu Âu từ khi đế quốc Tây La Mã sụp đổ ( 395 có sách chép 476) tới khi quân Thổ Nhĩ Kỳ ( đế quốc OTTOMAN) chiếm thành Constiatinople ( 1453) thủ đô của đế quốc Đông La Mã Chính Thống giáo là Byzantine.

       Đây là thời kỳ các sử gia phương Tây xưa nay đều gọi là thời ngót nghìn năm của “bóng đêm trung cổ”; tiếng Anh có trong từ điển là “the dark ages” tức đêm trường trung cổ. GS Lê Trí Viễn viết : “ đặt một tên gọi một nhan đề cho văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ 10 đến cuối thế kỷ thứ 19 kỳ thực không đơn giản” ( sđd trang 17)…Ông Viễn viết tiếp : “ đến cuốn đặc điểm có tính quy luật của lịch sử văn học Việt Nam …người viết chuyên luận này mới dùng thuật ngữ “Văn học trung đại” cho nền văn học ấy. Nay thì cách gọi ấy đã đi vào sách giáo khoa trung học, đại học và trở thành phổ biến” ( sđd trang 18)

       Chúng tôi luôn cho rằng nhân loại về cơ bản là một, tồn tại trong những quy luật chung nhất của các mối quan hệ con người với tự nhiên, con người với con người trong suốt quá trình lịch sử hình thành cá nhân và mỗi quốc gia các chủng tộc, các tôn giáo. Nhưng nhân loại chỉ có thể là một nhân loại đồng nhất thông qua những dị biệt về văn hóa và lịch sử do không gian thời gian quy định. Ví như phạm trù “Văn hóa trung đại ( trung cổ)” chỉ có thể  xuất hiện ở châu Âu Thiên Chúa giáo thông qua những mối liên hệ lịch sử đặc thù. Chúng tôi chống lại quan điểm cực đoan da trắng của nhà văn Anh Kipling cho rằng mãi mãi Đông vẫn là Đông và Tây vẫn là Tây. Chúng tôi không hiểu căn cứ vào tiếu chí lịch sử nào mà tiến sĩ Nga Niculin rồi sau là GS. Lê Trí Viễn lại lấy danh từ đặc thù của niên biểu lịch sử châu Âu trung cổ chỉ một thời đại ngót nghìn năm tăm tối  lạc mất tinh thần nhân văn thời cổ đại Hi-La, rất đặc thù Thiên Chúa giáo  để khiên cưỡng đặt tên cho gần 10 thế kỷ phục hưng văn hóa dân tộc từ thế kỷ thứ 10 đến khi nước nhà bị Pháp xâm chiếm năm 1858 là TRUNG CỔ ?

       GS Lê Trí Viễn không hề chứng minh, chỉ thấy kết luận ở ngay trang 19 như sau : “ Dù có khác nhau nhiều mặt, nền văn hóa thời đó ở Tây cũng như ở Đông  đều có một số điểm tương tự được nêu lên thành “những phạm trù văn hóa trung đại” , nội hàm có thể bao quát cả xã hội của hai phương. Những phạm trù văn hóa ấy chi phối cảm thức của con người thời đại và ảnh hưởng lớn tới văn học nghệ thuật. Văn học trung đại nằm trong văn hóa trung đại. Cách gọi ấy xuất phát trước tiên từ bản chất của văn học, sau đó mới tới lịch sử, chính trị, xã hội ngụ trong khái niệm trung đại”… “ Văn học trung đại nước ta trải dài hơn mười thế kỷ” ( tr. 199).

       Trước hết, chúng ta cần nhắc lại bản chất của khái niệm “VĂN HỌC TRUNG ĐẠI ( tức trung cổ” của trên dưới 1000 năm “đêm trường trung cổ” châu Âu thế nào ? Đồng thời chỉ ra sự khác biệt cơ bản về cái gọi là mô hình thế giới của “Phạm trù văn hóa trung cổ” đồng nhất đông tây của GS. Lê Trí Viễn.

       Khi các rợ từ Đức và Bắc Âu tấn công làm sụp đổ đế quốc Tây La Mã, hầu như nền văn hóa nhân bản cổ đại Hi-La đã bị quên lãng ở chính châu Âu. Thậm chí, đến cuối thế kỷ thứ 12, nhờ triết gia vĩ đại Hồi giáo là Ngài Averroes, châu Âu hầu như mới mở mắt lại để biết về Aristote. Từ thế kỷ thứ 5, do sự bành trướng sâu rộng của nhà thờ Thiên Chúa giáo, nền văn hóa thế tục Hi-La của thời cổ đại hầu như bị xua đuổi, bị xóa dần dấu vết. Đến nỗi giới trí thức châu Âu đã quên tổ tiên họ từng có một nền văn minh rực rỡ tồn tại trên đất của mình. Cắt đứt hoàn toàn với nền văn hóa cổ đại là một đặc trưng cơ bản nhất của “Phạm trù văn hóa trung cổ”. Ngược lại, từ thế kỷ thứ 10, sau khi giành được độc lập sau 1000 năm Bắc thuộc, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã phục hưng văn hóa dân tộc bằng nhiều cách ví như sáng tạo ra chữ Nôm để ghi lại ca dao tục ngữ, để sáng tạo ra những kiệt tác văn học. Họ, các triều đại phong kiến Việt Nam từ Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, nhà Trần, nhà Lê…đã tìm cách Giao Chỉ hóa văn tự và kinh sử phương Bắc, nên không hề cắt đứt với tinh thần của văn hóa cổ đại, mà còn biết phát huy cái tích cực xưa cũ, đa nguyên văn hóa hài hòa ba tôn giáo Nho Phật Lão chứ không độc tôn độc quyền độc đoán độc tài như châu Âu 10 thế kỷ dùng Thiên Chúa giáo đàn áp mọi trào lưu tư tưởng khác.

Một đặc trưng tối quan trọng thứ hai của “Phạm trù trung cổ” nơi văn hóa châu Âu là thế giới quan duy tâm coi toàn thể vũ trụ do một Thượng Đế duy nhất nặn ra. Ngược lại, thế giới quan phương Đông của người Việt nghiêng về duy vật, coi vũ trụ là tự nhiên do những quy luật của tự nhiên gọi Là Đạo chi phối : Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái…mà thành. Ngược lại, bên phương Tây trung cổ tiêu diệt đa nguyên văn hóa, độc tôn độc tài Thiên Chúa giáo, diệt các tín ngưỡng khác, các quan niệm triết học thần học trái với quan niệm Thiên Chúa giáo đều bị đưa lên giàn hỏa, cấm tự do tôn giáo, cấm tự do tư tưởng. Phương Đông phong kiến nói chung và Việt Nam nói riêng cho tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tam giáo đồng nguyên không có tôn giáo nào đàn áp tôn giáo nào…

       Một vấn đề khác nhau có tính bản chất giữa khái niệm trung cổ châu Âu và tinh thần đa văn hóa đa nguyên tôn giáo phương Đông & Việt Nam thể hiện ở nhân sinh quan là nhận thức về con người. Bên Tây coi triết học là đầy tớ của thần học, coi thế gian chỉ là nhà tù, là cõi tạm, coi con người là một con vật tội lỗi, luôn tự đấm ngực “lỗi tại tôi lỗ tại tôi mọi đàng” ( Latin : Mea culpa, mea maxima culpa), sinh ra đã mắc tội tổ tông truyền, một con người bị nguyền rủa và sám hối, coi mọi khát khao thế tục của con người là xấu xa.. Con người theo quan niệm thần học trung cổ Thiên Chúa giáo chỉ là phương tiện hèn mạt để diễn đạt Thượng Đế, không có giá trị tự thân, không có tính mục đích, một con người vong thân, phi lý cỏ rả cần được cứu chuộc và thương xót. Con người chỉ là một tùy thể của Chúa, bị giam trong hố thẳm tội lỗi, lạc đường, tuyệt vọng luôn kêu van “ Lạy Chúa tôi tôi ở dưới vực sâu kêu lên Chúa tôi xin Chúa nhận lời con kêu van xin …” (Kinh Vực sâu Latin:

       De profúndis clamávi ad te, Dómine! Dómine, exáudi vocem meam: Fiant aures tuæ intendéntes, in vocem deprecatiónis meæ. )

       Ngược lại, văn hóa phương Đông & Việt Nam không có thần học, chỉ có Đạo học coi con người đồng nhất với vũ trụ vừa là chủ thể, vừa là khách thể trong tương quan tam tài : Thiên Địa Nhân. Con người là tiểu vũ trụ sinh ra để được sống với tất cả hỉ nộ ái ố tự nhiên trong quan niệm nhân đạo “nhân chi sơ tính bản thiện” ( có phản đề của Tuân Tử : nhân chi sơ tính bản ác phản biện lại Mạnh tử). Do đó, con người là chủ thể của tự nhiên, của chính mình chứ không phải của một thần linh nào khác. Thậm chí đạo Phật, đạo Khổng là đạo Nhân, đưa con người ra để tôn thờ. Đạo Phật dạy con người đi tìm Niết Bàn ở chính trong con người mình trong đời này chứ không phải ở thiên đường ảo vọng sau khi chết. Con người phương Đông trong quan niệm triết học mang tính mục đích tự thân là vậy.

       Như vậy, sự khác biệt trong quan niệm về con người, về văn hóa của phương Tây trung cổ và phương Đông phong kiến là khác nhau về bản chất quá rõ ràng. Một bên phủ nhận mỹ cảm về con người để tôn vinh độc thần Thượng Đế, một bên khẳng định con người là chủ thể vũ trụ trong mỹ cảm hài hòa tương quan trời- đất- người một cách khá duy vật, không tin có Thượng Đế duy nhất. Một bên độc tài tôn giáo, cấm tự do tư tưởng, đàn áp và chiến tranh tôn giáo, một bên tự do tín ngưỡng , các tôn giáo cùng tồn tại ( trừ 300 năm đầu công nguyện La Mã cấm đạo Chúa, và ba triều đại Minh Mạng Thiệu Trị Tự Đức cuối thế kỷ 19 cấm đạo Thiên Chúa). Một bên giai cấp thị dân phát triển thành giai cấp tư sản từ hậu kỳ phong kiến trung cổ, một bên không tuân thủ quy luật này. Chúng tôi xin trích ít dòng của nhà trung cổ học A.Ja. Gurêvich trong cuốn sách đã dẫn để thấy “phạm trù văn hóa trung cổ” là đặc thù của châu Âu mà thôi :

       Trích “ Mọi yếu tố quan trọng nhất của sáng tác nghệ thuật làm thành một thứ con chữ tượng hình tôn giáo và người nghệ sĩ không dám dựa hẳn vào trí tưởng tượng sáng tạo, bởi “thần học của nghệ thuật”  vẫn là cái được đặt ra trên hết. Điều này không chỉ có nguyên nhân người nghệ sĩ phải phụ thuộc vào thần học do nhà thờ trực tiếp đề ra bắt phải theo và nhà thờ là thế lực kiểm tra nghệ thuật” ( trang 43)… “ Thế giới của Thiên Chúa giáo không còn là “Cái đẹp” nữa, bởi vì nó tội lỗi, nó chịu sự phán xét của Thượng Đế, chủ nghĩa khổ hạnh Thiên Chúa giáo từ bỏ nó.( tr.61)…Bởi vì tự nhiên, được quan niệm như một cái gương soi vào đó  con người có thể chiêm ngưỡng hình ảnh của Thượng Đế” ( tr.63) … “ Lý thuyết vũ trụ luận của Thiên Chúa giáo trung cổ coi con người không có ý nghĩa độc lập. Nó tồn tại để ca ngợi Thượng Đế, bản thân sự tồn tại của nó là sự ca ngợi Thượng Đế” ( 64)… “ Trong văn học Trung cổ không có sự cảm thụ cá nhân phong cảnh và những bức tranh thiên nhiên  chỉ là những trang trí lẫn lộn cảm giác trữ tình của tác giả” ( 67)  … “ Quan niệm về bản chất con người cũng phi lịch sử. Mọi người, mọi thế hệ đều chịu trách nhiệm về tội tổ tông truyền ADAM & EVA từng phạm…” ( 136) ( hết trích)

Như vậy, việc GS. Lê Trí Viễn cho rằng : “ Dù khác nhau nhiều mặt, nền văn hóa thời đó ở Tây cũng như Đông đều có một số điểm tượng tự, được nêu lên thành “những phạm trù văn hóa trung đại”, nội hàm có tính bao quát của xã hội cả hai phương” là HOÀN TOÀN PHI KHOA HỌC, PHI LỊCH SỬ, sai về phương pháp luận, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, là theo voi ăn bã mía, phá hoại hoàn toàn văn hóa Việt Nam, là giết chết tâm hồn ông cha mười thế kỷ. Tội này của GS. Lê Trí Viễn là to lắm.

       Hóa ra, theo ông Lê Trí Viễn, ca dao tục ngữ, thơ Lý Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương đều PHI NGÃ, đều phản nhân văn, phản văn hóa, đều thiếu vắng cái tôi cá nhân, đều tuân theo phạm trù khinh rẻ con người, tội lỗi hóa, địa ngục hóa con người, con người bị vong thân theo quan niệm triết học phi nhân trung cổ châu Âu cả sao ? Vấn đề này, chúng tôi đã in hai bài báo dài trên tờ “Người Hà Nội”, trên “Kiến thức ngày nay” : “ Có phải nền văn học cổ 9 thế kỷ của ông cha là văn học phi ngã” để lên án những quan niệm sai trái phi nhân bản của các giáo sư, trong đó “tội” mở đầu là của ông Lê Trí Viễn.

       Ở trang 48, GS. Lê Trí Viễn nhận định rất tùy tiện bằng một câu văn dài lê thê ( sai văn phạm, lủng củng dây cà ra dây muống tới 180 từ của một ông giáo dạy cấp một do yêu đảng quá được đề bạt lên làm giáo sư đầu ngành, chưa biết viết đúng câu văn tiếng Việt), mang toàn bộ nội hàm văn học Trung Cổ hạ kỳ nước Pháp khoác lên văn học cha ông ta một cách phản khoa học như sau : “ Đối chiếu văn học trung cổ Pháp ở giai đoạn hạ kỳ với văn học Việt Nam  ở thế kỷ thứ 16 đến cuối thế kỷ thứ 19, trên những nét cơ bản như ở bảng sơ đồ và thuyết minh trên đây, căn cứ vào lý luận chung của nguyên lý nhất nguyên lịch sử và sự phát triển không đồng đều lịch sử - mô hình hay lịch sử- loại hình, thì dù thời gian có chênh lệch một bên từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 15, còn một bên muộn hơn, từ thế kỷ thứ 16 đến cuối thế kỷ thứ 19, nhưng xét các phương diện của mô hình, từ lịch sử, xã hội bao gồm lịch sử chính trị, lịch sử ý thức hệ đến lịch sử văn học bao gồm lịch sử ngôn ngữ, lịch sử  thể loại lịch sử thẩm mỹ, đều thấy tính chất hạ kỳ trung đại của văn học Pháp có chỗ trùng hợp với tính chất của văn học Việt Nam giai đoạn này là giai đoạn hạ kỳ trung đại” ( câu văn 180 không chấm câu của GS. Viễn có bố ai hiều được)…Ông Viễn viết tiếp : “ Văn học trung đại nước ta, như vậy có hai giai đoạn : thượng kỳ trung đại và hạ kỳ trung đại  tuy vẫn chung nhau tính chất trung đại nhưng có một số đặc điểm khác nhau” ( hết trích)

       Đánh đồng các phạm trù lịch sử, văn hóa, tôn giáo, triết học văn chương hạ kỳ trung cổ Pháp với lịch sử văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ 16 đến cuối thế kỷ thứ 19 của Lê Trí Viễn chứng tõ ông không chỉ sai về kiến thức, sai về phương pháp luận mà còn chưa nắm bắt được những đặng trưng văn hóa của hai nước Pháp – Việt trong những giai đoạn mà ông cho là tương đương trên. Đưa một nền văn học mang tính chất tôn giáo còn thấm đẫm chất dân gian thô mộc sinh ra để ca ngợi Chúa và các thánh, thuyết giảng về Thượng đế, nền văn học của các thầy tu trung cổ Pháp để đồng nhất với đặc trưng nhân văn, đặc trưng mỹ cảm con người của ông cha ta, phải chăng tác giả muốn đêm trường hóa, trung cổ hóa, phi nhân hóa  gần 1000 năm văn học rực rỡ của ông cha ta ? Chính từ sự dốt nát, khiên cưỡng lấy châu Âu làm trung tâm này, chúng tôi mong muốn các nhà nghiên cứu văn học cổ Việt Nam xem liệu có nên dùng khái niệm “ Văn học trung đại Việt Nam” của GS. Lê Trí Viễn để giết chế hơn 9 thế kỷ văn học của ông cha ta chăng?

 Sài Gòn ngày 11-11-1999

              T.M.H.

( bài này đã in trên báo “Người Hà Nội” và in trong cuốn “ Văn học phê bình nhận diện “ hầu chuyện các giáo sư” của Trần Mạnh Hảo  NXB Văn học 1999)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét