Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

NGUYỄN BÍNH (1918 - 1966) - Thi sĩ tài hoa của thế kỷ 20 / Phạm Liên, Trần Bảng


Thi sĩ Nguyễn Bính

                        
        TIỂU SỬ -  THÂN THẾ

        Nguyễn Bính sinh ngày 13 tháng 02 năm 1918 tên thật là Nguyễn Trọng Bính, tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
        Cụ sinh ra Nguyễn Bính tên là Nguyễn Đạo Bình, làm nghề dạy học, mẹ Nguyễn Bính là bà Bùi Thị Miện con gái một gia đình khá giả, ông bà sinh được ba người con trai:
        Anh cả Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường).
Anh hai Nguyễn Ngọc Thụ.
Thứ ba là Nguyễn Bính.

        Bà Miện không may bị rắn độc cắn rồi mất năm 1918. Khi đó bà mới 24 tuổi, để lại cho ông Bình ba đứa con thơ, Nguyễn Mạnh Phác mới 6 tuổi, Nguyễn Ngọc Thụ 3 tuổi và Nguyễn Bính mới được 3 tháng.
        Mấy năm sau ông Bình cưới bà Phạm Thị Duyên làm vợ kế, bà sinh được 4 người con, hai trai, hai gái.
        Bà cả Giần là chị ruột mẹ Nguyễn Bính và cậu ruột là ông Bùi Trình Khiêm, gia đình có học và khá giả nên đã đón cả 3 anh em Nguyễn Bính về nuôi cho ăn học. Nguyễn Bính thông minh lại có năng khiếu làm thơ ngay từ ngày còn bé nên được cậu Khiêm rất quý. Anh cả Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường) cũng chịu khó học, Trúc Đường thi đỗ thành chung (đíp lôm) vào loại giỏi tại Hà Nội, sau đó Trúc Đường vào dạy học tại một trường tư ở Hà Đông, rồi đưa Nguyễn Bính lên Hà Đông nuôi em ăn học. Trúc Đường dạy cho Nguyễn Bính học văn học Pháp, sau này sáng tác thơ, trước khi gửi cho báo đăng Nguyễn Bính thường đưa cho Trúc Đường xem trước rồi mới gửi cho Tòa soạn.  Những bài thơ đăng báo đầu tiên như “Cô hái mơ”, “Chân quê”, “Lỡ bước sang ngang” đều chiếm được lòng độc giả ngay từ buổi ban đầu, ngoài lĩnh vực thơ ca Nguyễn Bính còn giỏi về viết văn, làm báo, viết kịch. Khi bước vào tuổi trưởng thành Nguyễn Bính sống lang bạt kì hồ, nay đây mai đó (lãng tử), phần vì do điều kiện khách quan, phần vì do bản tính Nguyễn Bính thích thế cho nên rất ảnh hưởng đến việc yên bề gia thất, đổi lại Nguyễn Bính rất giàu vốn sống, rất nhiều tư liệu giúp ích cho việc sáng tác thơ sau này, cho nên thơ của ông bài nào cũng mới mẻ, mỗi bài đều có cái hay cái đẹp riêng, sắc thái riêng như trăm hoa đua nở rực rỡ ngát hương.
        Về gia thất Nguyễn Bính có 4 người vợ, người nào cũng có con với Nguyễn Bính, người nào cũng xinh đẹp và có trình độ hiểu biết. Người vợ đầu tiên lấy theo sự sắp xếp của tổ chức lãnh đạo, có sự vun vén tác hợp của ông Lê Duẩn nên Nguyễn Bính phải “chấp hành” (bỏ qua giai đoạn tình yêu mà tiến tới hôn nhân rồi cũng ổn thỏa). Người vợ đầu tiên vào năm 1951 Nguyễn Bính kết duyên với chị Nguyễn Thị Hồng Châu một cán bộ Cách mạng có trình độ, sinh cho Nguyễn Bính bé gái đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu.
        Lần thứ hai vào năm 1952 Nguyễn Bính kết duyên với chị Mai Thị Mới, 19 tuổi, mối tình này Nguyễn Bính có cả tình yêu và hôn nhân. Sinh cho Nguyễn Bính một bé gái tên là Nguyễn Hương Mai.
        Vào năm 1954 do hoàn cảnh khách quan đem lại, Nguyễn Bính lên đường tập kết ra Bắc đành để lại hai người vợ và hai đứa con ở lại miền Nam chờ ngày đoàn tụ, không ngờ chiến tranh cứ kéo dài mãi nên không thể sum họp gia đình được.
        Năm 1954 Nguyễn Bính ra miền Bắc XHCN, Nguyễn Bính làm việc trong cơ quan Nhà xuất bản văn nghệ Hà Nội.
        Sau đó vào năm 1956 lại tiếp thu Tòa báo “Trăm hoa” vừa làm chủ nhiệm báo “Trăm hoa” và kiêm luôn chủ bút.
Trong Tòa báo có cô thư ký tên là Phạm Vân Thanh, cô Vân Thanh say mê Nguyễn Bính và lấy Nguyễn Bính, sinh được bé trai tên là Nguyễn Hiền, sau này không hiểu vì lý do gì chị Vân Thanh lại trả lại con cho Nguyễn Bính và Vân Thanh đi theo người khác, thế là Nguyễn Bính lại lâm vào cảnh “Gà trống nuôi con” đi đâu cũng tha con đi cùng, một hôm bạn mời đi uống rượu, tại nơi uống rượu Nguyễn Bính gặp một người cạnh đấy, Nguyễn Bính cứ ngỡ là người nhà ông bạn nên đã nhờ họ bế hộ con, khi uống rượu xong tìm con thì không thấy người bế hộ con đâu nữa. Thế là Nguyễn Bính bị mất đứa con với chị Vân Thanh.
        Vào năm 1958 Nguyễn Bính lại về Nam Định làm việc tại Ty văn hóa thông tin Nam Định.
        Lần này là lần thứ tư Nguyễn Bính lại kết duyên với chị Trần Thị Lại, chị Lại cũng là cô gái xinh đẹp, nết na, rất chiều chồng thương con, Nguyễn Bính cũng lấy làm mãn nguyện. Vợ sinh cho Nguyễn Bính một bé trai đặt tên là Nguyễn Mạnh Hùng. Có tài liệu nói là khi Nguyễn Bính bị đột tử thì cũng là lúc bà Lại trở dạ sinh cháu Hùng tính đến nay 2018 anh Hùng cũng đã 52 tuổi. Khi bước vào tuổi trưởng thành anh Hùng đã vào làm công nhân nhà máy Dệt một thời gian rồi sang Nga làm việc và có trình độ là kỹ sư. Không hiểu vì sao mà anh Hùng không về Việt Nam nữa. Ở gần nhà bác Quang Hải có anh Tú ở Nga hàng năm vẫn về Việt Nam. Anh nói có biết anh Nguyễn Mạnh Hùng và có chơi với anh Hùng.
        Cuộc đời Nguyễn Bính long đong, lận đận, ăn đậu ở nhờ khắp mọi miền từ Bắc vào Nam, Nguyễn Bính có tài thơ lại có duyên nói chuyện, lại là cán bộ cách mạng đi theo kháng chiến nên nếu ai họ biết Nguyễn Bính là họ cưu mang ngay, muốn mời Nguyễn Bính về nhà mình ăn ở, có người nuôi Nguyễn Bính hàng tháng, có gia đình chật hẹp, tối Nguyễn Bính phải ra đình làng ngủ nhờ, cho chân vào bao cói, lấy áo phủ mặt chống muỗi đốt. Cả đến khi thành người thiên cổ Nguyễn Bính cũng không được yên thân.
       
        Một lần chết bốn lần đưa
        Tóc tang mấy độ cho vừa giai nhân.
                                        (Nguyễn Thế Vinh)
        Hiện nay gia đình, họ tộc và xã hội đã thành lập được bốn nhà lưu niệm.
Nhà từ đường có cả mộ Nguyễn Bính liền kề tại thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định lấy đó làm nhà lưu niệm Nguyễn Bính.
        Nhà lưu niệm thứ hai là do con gái đầu lòng Nguyễn Bính là Nguyễn Bính Hồng Cầu tạo lập nên tại ngôi nhà số 23 đường 11, phường 11, quận Gò Vấp, TP HCM. Hồng Cầu cũng nối được nghiệp cha theo đòi được sự nghiệp văn chương có chức danh đàng hoàng, bạn bè văn nghệ sĩ thường hay đến nhà lưu niệm này giao lưu sinh hoạt thơ văn và tưởng nhớ Nguyễn Bính.
        Nhà lưu niệm thứ ba là ở trường THPT Nguyễn Bính huyện Vụ Bản, cũng ở gần làng Thiện Vịnh quê hương nhà thơ.
Nhà lưu niệm thứ tư đó là bảo tàng văn học của Hội nhà văn VN.
        Bốn người vợ không người nào trọn vẹn hạnh phúc (!)
Bốn người con thì không có con nào trọn vẹn tình cảm cha con (!)
        Đến lúc chết vẫn không yên ổn (mồ không yên, mả không ấm).
        Bốn nhà lưu niệm mà chưa có nhà lưu niệm nào được đầy đủ, khang trang theo đúng nghĩa của nó.
        Lại còn những điều tâm linh kỳ lạ nữa cần được nói đến. Riêng ở Nam Định Nguyễn Bính ở bốn địa chỉ:
        1. Số nhà 2 phố Vải Màn (nay là phố Hai Bà Trưng), Nam Định
2. Trên gác nhà cổ phố hàng Mũ (nay là phố Hoàng Văn Thụ), Nam Định
3. Ở phố Đền Giếng (nay là phố Hoàng Văn Thụ kéo dài), Nam Định
4. Ở khu tập thể Việt Kiều trên dốc Lò Châu, đầu Hoàng Văn Thụ, NĐ
Nguyễn Bính có bốn vợ, bốn con, bốn nhà lưu niệm, bốn lần chôn, bốn nơi ở, sống trọn bốn con giáp bằng 48 năm. Nguyễn Bính có 8 lần nói gở (nói sái).
Suy ngẫm về tâm linh con số 4 người Việt Nam rất kiêng kị vì con số 4 rơi vào chữ Tử (Sinh, Lão, Bệnh, Tử).
Dựa vào tâm linh và chiêm nghiệm con số bốn thì Nguyễn Bính đã chết từ lâu rồi và không thể có dòng thơ ca cách mạng, có lẽ là trời thương Nguyễn Bính và trời chiều Nguyễn Bính nên chưa bắt ông về với tiên tổ, để cho ông thọ đến năm 49 tuổi để ông được thỏa mãn hoàn thành nốt dòng thơ ca cách mạng như những bài “Bài thơ quê hương”, “Trông bóng cờ bay”, “Gửi người vợ miền Nam”, “Ông lão mài gươm”, “Đêm sao sáng”, v.v… v.v…
Những câu nói gở trong thơ Nguyễn Bính ta thấy có 8 lần.
1. Đây một bài thơ hận cuối cùng. 
                                        Xuân tha hương
2. Năm mới tháng Giêng mùng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân.
                                        Nhạc xuân
3. Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi.
                                        Nhạc xuân
4. Đã trả xong rồi nợ bút nghiên.
                                        Xóm ngự viên
5. Một nửa đời thôi em phải khóc
Em về chị gửi một vuông khăn.     
                                        Khăn hồng
6. Đem thân về ở vườn dâu cũ.
                                        Khăn hồng
7. Hồn này lãng đãng trôi trong nắng.
                                        Nhớ người trong nắng
8. Bài thơ Tập Kiều cuối cùng là Nguyễn Bính chết vào đầu mùa xuân năm 1966. Tập Kiều: “Kính tặng cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều”.
Ôi ! Thật là kỳ lạ !
 
Mộ Nguyễn Bính

SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG

        Về kỹ năng cá nhân Nguyễn Bính rất thông minh và sáng suốt có tầm nhìn pháp nhãn, nhưng vì lý do hoàn cảnh của gia đình và bản thân nên học vấn (học đường) của Nguyễn Bính không cao, nhờ có gia giáo học và xã hội học kết hợp với kỹ năng tố chất cá nhân nên Nguyễn Bính biết nhiều hiểu rộng, chịu đựng được mọi áp lực.
        Sự nghiệp thơ ca cuả Nguyễn Bính để lại cho đời, cho chúng ta khá là phong phú, đồ sộ, huy hoàng.
- Một tâm hồn thơ cao đẹp và rộng lớn.
- Một tình thơ đằm thắm, thiết tha, dịu dàng và sâu lắng.
- Một sắc thái thơ riêng biệt và nhiều màu sắc không ai có thể học được và pha trộn được.
- Một khoảng trời thơ riêng của Nguyễn Bính mãi mãi trong sáng, không có đám mây đen nào có thể che mờ.
Vào những năm 1930 đến 1945 luồng văn hóa phương Tây lan tràn vào Việt Nam, những nhà thơ cùng thời, cùng trang lứa với Nguyễn Bính về thơ ca họ tiếp thu văn hóa phương Tây, phần vì dễ sáng tác, không cần niêm luật, không cần đối v.v…, phần vì họ cho rằng họ là những con người tiến bộ, biết tiếp thu cái mới Âu hóa, những con người văn minh của thời đại (!). Nguyễn Bính không theo họ và có ý phản đối quan điểm của họ thể hiện bằng bài thơ “Chân quê”
               
                Nói ra sợ mất lòng em
     Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
                Như hôm em đi lễ chùa
     Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
        Nguyễn Bính vẫn giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc, bằng những vần thơ lục bát mượt mà trong trẻo, êm dịu, dễ nhớ, dễ ngâm, chứa đựng nhiều ý nghĩa, ngoài ra Nguyễn Bính vẫn duy trì thơ Đường luật đã được việt hóa đã thấm sâu vào văn hóa Việt, tâm hồn Việt, cho đến nay 2018 đã hàng ngàn năm, đó là dòng thơ bác học.
Nguyễn Bính không làm thơ thất ngôn bát cú mà sáng tác thể thơ “Đường thi liên châu” như bài thơ “Cô hái mơ”, “Hoa và rượu”, “Một trời quan tái”, v.v…(Nguyễn Bính xướng họa rất nhanh). Nguyễn Bính chỉ khâm phục kính trọng và suy tôn đại thi hào Nguyễn Du là bậc thầy lớn của mình, Nguyễn Du với bài thơ lục bát hay nhất và dài nhất đó là “Truyện Kiều”, Nguyễn Bính đã nói rằng: - Tôi chỉ mong sẽ được làm người học trò nhỏ của Nguyễn Du (Cây đàn Tỳ bà). Qua những tác phẩm của Nguyễn Bính, chúng ta phải thừa nhận rằng: Nguyễn Bính đã đạt được nguyện vọng và vượt lên làm người học trò lớn của Nguyễn Du.
Hiện nay bà Nguyễn Bính Hồng Cầu con gái Nguyễn Bính đang cố tìm những bài thơ của cha mình còn tản mạn trong dân chúng để tập hợp lại đưa vào “Toàn tập thơ Nguyễn Bính”. Có người thông tin mục lục đã thống kê được 221 bài, chắc chắn là vẫn còn thiếu nhiều.
Tôi có anh bạn là họa sĩ Vũ Quang Lâm có lần anh kể chuyện với tôi là: Mẹ anh là ca sĩ hát ca trù và hát chầu văn, bác Nguyễn Bính vẫn thường xuyên đến nhà anh chơi với mẹ anh và một số bạn văn chương uống trà và giao lưu thơ phú, anh Lâm đứng ngoài rìa ngâm nga bài thơ “Núi đôi” của Vũ Cao đến đoạn:
                Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn
                Không ngờ từ đó mất tin nhau
Bác Bính quay ra hỏi ngay:
-  Mày đọc bài thơ nào vậy ?
- Cháu đọc bài thơ “Núi đôi”.
- Bài này của ai ?
- Bài này của Vũ Cao.
- Vũ Cao sao lại viết thế nhỉ ? Phải sửa ngay một từ. Rồi bác đọc luôn theo ý bác sửa:
                 Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn
                Không ngờ từ đó bặt tin nhau.
Qua câu chuyện này chứng minh rằng Nguyễn Bính rất tinh về thẩm định thơ, chỉ cần đọc qua một lần là Nguyễn Bính đã phát hiện ra chỗ nào sai. Có lần vui bạn bè Nguyễn Bính làm thơ tếu và hóm hỉnh lắm.
Anh Hoàng Cương là nhà nghiên cứu lịch sử và văn học, anh kể chuyện với tôi là: Ngày xưa bố anh là xếp ga Phủ Lạng thương, khi Nguyễn Bính lên Bắc Giang- Lạng Sơn có gặp bố tôi, hai người vui lắm (tha hương gặp cố hương), Nguyễn Bính luôn ở nhà bố tôi, một số nhân viên nhà ga biết tin có nhà thơ Nguyễn Bính ở đây nên cũng thường xuyên đến chơi để được nghe thơ Nguyễn Bính, một hôm tụ tập đến dăm bảy người, ông xếp ga chiêu đãi trà, rượu với vài món nhắm đơn giản mà ngon, anh em cứ giục Nguyễn Bính sáng tác bài thơ gì đó cho vui. Trong tốp giao lưu hôm ấy có một anh hay nói tục, Nguyễn Bính không thích, nhưng để cho hòa đồng vui vẻ, anh em lại cứ giục nên Nguyễn Bính sáng tác ngay một bài thơ tục để cho mà cười, các bạn nín thở lặng yên lắng nghe, Nguyễn Bính hắng giọng chậm dãi đọc:
                Lờ rằng lờ chẳng sợ ai
      Sợ thằng say rượu đụng giai hại lờ
        (Nguyễn Bính đọc nguyên văn chữ l…)
Anh em cười tung lên khen hay quá, có người cười chảy cả nước mắt, có anh lại nói: -  Em biết anh Bính biết cả chữ Hán nữa, vậy anh dịch sang thơ chữ Hán cho chúng em nghe với:
Nguyễn Bính nghĩ độ 10 phút rồi đọc luôn:
                Luân văn luân bất ý thì
    Úy đinh túy tửu giao trì bại luân.
Có anh không hiểu cũng cười cho vui.
Ở ga Bắc Ninh, Nguyễn Bính lại gặp Vũ Hoàng Chương là xếp ga ở đấy, hai người chơi với nhau ít lâu rồi Nguyễn Bính lại chia tay lên đường, phiêu bạt về chân trời vô định.
Nguyễn Bính yêu quý ai, cám ơn ai thì chỉ có một món quà tinh thần là tặng một tập thơ hay một bài thơ có đôi lời tình cảm rồi ký tên, chỉ có vậy mà ai cũng lấy làm hãnh diện lắm.
- Tài thơ Nguyễn Bính được minh chứng bằng tình yêu thương kính trọng khâm phục của độc giả trong cả nước.
- Tập “Tâm hồn tôi” được giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn (Hà Nội-1939).
- Truyện ngắn “Không đất cắm dùi” giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo thanh niên Đông Pháp (Sài Gòn- 1947).
- Truyện thơ Tỳ bà truyện “Cây đàn Tỳ bà” giải nhất giải văn học Nam Xuyên (Sài Gòn-1944/1945)
- Đặc biệt năm 2000 nhà nước đã truy tặng Nguyễn Bính “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật”.
Đó là những vinh hạnh lớn của cả cuộc đời thơ Nguyễn Bính.

        NGUYỄN BÍNH: Một nhân cách mẫu mực - Một bản lĩnh kiên cường - Dám nói -  Dám làm - Dám đi -  Dám ăn chơi và dám quan hệ.

        Thủ tướng “Nam Kỳ tự trị” Nguyễn Văn Thịnh treo giải thưởng: Nếu ai thuyết phục được tác giải “Lỡ bước sang ngang”, “Dinh tệ” về nội thành sẽ được thưởng 1000 đồng Đông Dương hoặc Nguyễn Bính tự về với “Chính phủ Quốc gia” thì cũng được hưởng như vậy, 1000 đồng Đông Dương lúc bấy giờ lớn lắm bằng cả một cơ nghiệp, Nguyễn Bính trả lời thẳng thừng:
                Mình không bỏ Sở sang Tề
        Mình không là kẻ lỗi thề thì thôi
        Có lần Nguyễn Bính và bạn bè rủ tay mật thám cáo già Pháp đi chơi hút thuốc phiện, tên này nói tiếng Việt rất sõi và thạo các ngón ăn chơi của dân bản xứ, hắn khơi truyện mời Nguyễn Bính làm thơ, Nguyễn Bính làm thơ đả nó, nó biết nhưng vẫn cố cười gượng và thưởng tiền (T/liệu Đỗ Đình Thọ)
        Có lần Nguyễn Bính và bạn bè rủ nhau đi hát cô đầu, vào nhà hát cô đầu được một lúc thì quan Tổng đốc có tên là Đào cùng vài tên hầu cận cũng vào phòng bên, Nguyễn Bính nhìn anh em nháy mắt cười, ý Nguyễn Bính muốn nói: Chúng ta sẽ cho Tổng đốc Đào bẽ mặt.
        Nguyễn Bính cất tiếng để cho Tổng đốc Đào nghe thấy.
        - Thằng Đào vào đây thì cũng như tao thôi!
        Anh em lại tiếp:
        - Thằng nào vào đây thì thằng nào chẳng giống thằng nào!
        Quan Tổng đốc lắng tai nghe biết rõ là nó đang chọc mình, ông ta biết đây là cánh nhà văn, nhà báo, nên không dám đụng vào, nếu đụng vào “tổ ong bò vẽ” là nguy hiểm, ngày mai nó lại đưa lên báo chí đăng tải là quan Tổng đốc Đào đi chơi gái, cãi nhau với khách làng chơi thì quan Tổng đốc sẽ mất mặt còn ra thể thống gì nữa. Hắn cay cú hất hàm ra hiệu cho cả lũ đánh bài chuồn (!). (Nhà thơ Mạc Trai kể).
        Vào năm 1955-1956 có đợt tuyển chọn những tác phẩm thơ để vinh danh trao giải thưởng, chưa vào cuộc thì anh em văn nghệ sĩ đã biết ngay rằng: thế nào tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu cũng được giải nhất, và tập thơ “Sao sáng” của Xuân Diệu sẽ được giải nhì, khi vào chung khảo thì đúng như vậy (bệnh sùng bái cá nhân), Nguyễn Bính với “thân cô thế cô” đã dám lên tiếng rằng, tập thơ “Việt Bắc” chưa xứng đáng giải nhất cần phải đưa xuống giải nhì, tập “Sao sáng” không xứng đáng giải nhì cần phải đưa xuống giải ba, còn một số tác phẩm khác bị loại cần phải xét lại để thể hiện tính minh bạch và công bằng.
        Nguyễn Bính đã “ngạo mạn” đã dám đăng ba bài phê bình thơ Xuân Diệu mà Xuân Diệu vốn là bạn thân của ông Huy Cận- Thứ trưởng Bộ văn hóa và ông Hoài Thanh trong Ban thường vụ Hội văn nghệ VN (trích tài liệu sưu tầm thơ Nguyễn Bính của ông Đặng Khánh Cường- Hà Nội).  (Nguyễn Bính dám nói những lời chưa ai nói, Nguyễn Bính dám nói những lời mà nhiều người không dám nói).
        Ra tờ báo “Trăm hoa” là cực khó khăn, tiền thì không có, giấy mực phải mua giá ngoài, giá cao, không được giá cung cấp, khi phát hành thì hiệu sách nhân dân không được bán báo tư nhân, nhân lực thì thiếu, cả Tòa báo chỉ có vài người v.v… Mọi chi phí tốn kém không có ai nâng đỡ, thật là gánh nặng quá sức. Cuối cùng báo “Trăm hoa” phải nghỉ. Nhà nước không cấm báo “Trăm hoa” nhưng hoa vẫn tàn !. Nguyễn Bính là một chiến sĩ đi theo kháng chiến từ rất sớm trước năm 1945, phục vụ trong ngành văn hóa từ Bắc vào Nam, lấy ngòi bút làm vũ khí chiến đấu, các vị lãnh đạo cao cấp giao nhiệm vụ gì Nguyễn Bính cũng hoàn thành xuất sắc.
        Vào những năm 1950 trở về trước việc đi lại các miền là rất khó khăn. Từ Nam Định vào Đồng Giao, Quán Cháo chỉ độ 50 cây số thế mà nhiều người không dám đi. Vì:
                Ai đi Quán Cháo- Đồng Giao
      Má hồng để lại xanh xao đem về.
        Rừng thiêng nước độc, hổ báo luôn rình rập vồ người ăn thịt.
        Vào Nam thì:
                Yêu em anh cũng muốn vô
     Sợ truông nhà Hồ- sợ phá Tam Giang
        Truông nhà Hồ thì lắm trộm cướp, giết người cướp của.
        Phá Tam Giang thì sóng to, gió lớn.
        Vậy mà Nguyễn Bính vẫn dám đi suốt từ Lạng Sơn vào đến mũi Cà Mau, đi đến đâu cũng có thơ kỷ niệm vừa kháng chiến, vừa sáng tác thơ.
        Nguyễn Bính chơi với bạn rất chân thành, cởi mở, khi gặp bạn mà túi không có tiền thì đãi bữa rong riềng luộc vẫn vui, vẫn nói tếu là: -  Rong riềng ăn cả vỏ mới ngon. Nhà văn Phạm Duy Trưởng hồi ấy còn bé đi theo bố từ Hà Giang về Nam Định để thăm Nguyễn Bính. Anh tưởng thật ăn cả vỏ làm cả nhà cười ồ lên, làm anh ngượng quá.  Nguyễn Bính tặng bố anh bài thơ “Một mảnh trời quê” (đã đăng trên báo mạng TMG). Khi có tiền thì Nguyễn Bính đãi bạn xả láng hết thì thôi. Có lần ở miền Nam có anh nhà giầu vì mê thơ Nguyễn Bính nên đã cố tìm Nguyễn Bính để gặp cho bằng được, qua vài lần đi lại gặp gỡ anh ta tặng Nguyễn Bính một cái đỉnh trị giá 500 đồng Đông Dương, Nguyễn Bính lại bán đi, chỉ độ hai ba tháng chiêu đãi anh em thế là lại hết nhẵn, không còn một đồng xu dính túi (!).Nguyễn Bính rất sành điệu chọn trà, pha trà, chọn rượu, bạn bè đến chơi Nguyễn Bính tự chế biến món ăn đơn giản mà rất ngon, chính Nguyễn Bính cũng đã nói lên rằng:
        Vẫn dám ăn chơi cho đến hết
        Ngày mai ra sao rồi hãy hay
        Ngày mai ? có nghĩa gì đâu nhỉ ?
        Tốt nhất cười cho vẹn tối nay.
        Nguyễn Bính đi suốt từ Bắc vào Nam, rồi từ Nam ra Bắc giữa lúc cả nước đang “trường kỳ kháng chiến” nên phải xuyên rừng, lội suối muôn vàn gian khổ, Nguyễn Bính gặp rất nhiều người trên khắp mọi miền đất nước, từ “Cô lái đò” đến bác nông dân, các vị Lãnh đạo cao cấp đến các văn nghệ sĩ tên tuổi, Nguyễn Bính đều chiếm được lòng người, ai cũng yêu quý Nguyễn Bính, ai cũng muốn giúp đỡ Nguyễn Bính khi gặp khó khăn.
        Vào năm 1958 Nguyễn Bính lại về quê hương Nam Định làm nhân viên hợp đồng cho Ty văn hóa thông tin Nam Định, cũng may là ông trưởng ty nhà văn Chu Văn rất quý nể nên tạo mọi điều kiện để cho nhà thơ đỡ khổ. Có lần Nguyễn Bính được ông trưởng ty sai lau bàn ghế, đánh rửa ấm chén, pha trà để trưởng ty tiếp khách Bộ văn hóa thông tin, ông khách Bộ văn hóa sau này mới ngộ ra: người hầu hạ mình hôm ấy chính là Nguyễn Bính (!). Ông rất hối hân và viết một bài báo. Nội dung rất cảm động như một lời xin lỗi thi sĩ Nguyễn Bính.
        Bạn đọc trong cả nước vinh danh Nguyễn Bính bằng những danh hiệu cao đẹp:
        - Thi sĩ của hương đồng gió nội.
        - Thi nhân lãng tử.
        - Nhà thơ tài hoa của thế kỷ 20.
        - Ông vua thơ tình.
        - Thi sĩ giang hồ.
        - Nhà thơ chân quê -  hồn quê -  tình quê   (Tô Hoài)
        - Nguyễn Bính “một vì sao” (Hoàng Tấn)
        - “Một vì sao” là lấy ý của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu: - Trên trời có những vì sao, có ánh sáng lạ thường nhưng con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì lại càng thấy sáng.
        Có nhà học giả từng nói: -  Nếu xếp thứ tự các nhà thơ đẳng cấp thì sau Nguyễn Du tôi xếp Nguyễn Bính đứng đầu.
        Năm nay 2018 kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ tài hoa của thế kỷ XX Nguyễn Bính.
        Đọc giả của cả nước, các nhà văn hóa, các nhà học giả đều thắp nén hương thơm và lẵng hoa tươi thắm kính dâng lên để tưởng nhớ một nhà thơ được cả nước ngưỡng mộ và kính yêu: Thi sĩ Nguyễn Bính.

                        Thành phố Nam Định, ngày 9/5/2018
                                Phạm Liên -  Trần Bảng
                         0124.830.3876     0166.9444.110

Chúng tôi rất cám ơn các bác trong Câu lạc bộ Tâm giao Chợ Xanh- Trần Đăng Ninh- Phường Trần Đăng Ninh- TP Nam Định đã cung cấp nhiều tài liệu về nhà thơ Nguyễn Bính.

 
Nhà thơ Phạm Liên

Tưởng nhớ Cố nhân

THI SĨ NGUYỄN BÍNH                                                                  
Tầm tả mưa rơi đã mấy ngày
Ao hồ tràn nước mây đen bay
Giam chân quán trọ chờ mưa tạnh
Mở tập thơ tình những giải khây.
                *              *
                        *
Bác Bính đây rồi ! Bác Bính ơi ! (1)
Bác đã ra đi khắp nẻo đời
Vào Nam ra Bắc theo kháng chiến
Cuộc đời lãng tử tỏ nhiều nơi.

Có những “Sân ga” những “Cánh buồm”
Bác “Muôn quán trọ” cảnh buồn hơn
Có lần “Mưa Huế không về được”
Cũng “Gửi về con mấy cái hôn”.

“Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi ! bạc lắm con”
Trời đày Bác phải làm thi sĩ
Thân phận gian truân, sống mỏi mòn !

Chuyện tình lắm nổi cũng truân chuyên
Mơ tưởng bao phen chỉ thấy phiền
“Ngồi bên lò rượu đêm hôm ấy”
Say cùng cô gái tưởng đẹp duyên (!).

Trên đường lại gặp “Cô hái mơ”
Kẻ đắm say duyên, kẻ hững hờ !
Qua sông mơ tưởng: Thuyền cô lái
Lại bỏ “Không về với bến xưa”.

“Người ta đi lấy cái giàu sang
Rời bỏ keo sơn, bỏ đá vàng !”
“Nước mắt chảy quanh tình thắt lại”
Thôi đành lại “Lỡ bước sang ngang”.

“Đêm cuối cùng” tại “Xóm Ngự Viên”
Hoa đào hé nở, sắp tất niên
Bác vội ra đi chầu tiên tổ
“Đã trả xong rồi, nợ bút nghiên !”.

Bạn hữu gần xa ai cũng khóc !
“Có người” “Khóc suốt mấy ngày đêm” (2)
“Hồn này lãng đãng trôi trong nắng”
“Cho được trôi về” cõi Phật Tiên.
                *              *
                        *
    Thế là trọn một ước mơ
Nỗi niềm dâng một bài thơ nhớ người !

                 Lạng Sơn, những ngày mưa 2003
   Phạm Liên
0124.830.3876
…………..

(1) Các câu trong dấu ngoặc và đầu bài thơ là  
     những câu thơ của Nguyễn Bính.
(2) Có người thiếu nữ cất rượu men
    Cô lái đò xưa khóc mấy đêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét