Mở tập bản thảo tiểu thuyết “Lão Hói” mà nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa gửi qua email nhờ đọc và cho ý kiến, tôi thầm nghĩ: Vốn là người chuyên nghiên cứu phê bình, bây giờ lại viết tiểu thuyết thì đa tài thật.
Đồng Ngọc Hoa nguyên sĩ quan kỹ thuật, tốt nghiệp đại học kĩ thuật quân sự, nhưng lại có khiếu làm báo. Ông là cộng tác viên báo quân đội và nhiều báo khác nhiều năm liền. Vào tuổi sáu mươi, ông mới gia nhập Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh với vốn liếng là một tập phô tô với hàng trăm bài đăng báo và một giải thưởng báo chí trung ương. Vậy mà chỉ sau dăm năm, ông lần lượt cho ra đời mấy tác phẩm liền. Tác phẩm đầu của ông là cuốn Lịch sử Phật giáo huyện Trực Ninh. Đây là tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử Phật giáo cấp huyện ở nước ta, được bạn đọc đánh giá cao, được nhận giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lương Thế Vinh của tỉnh. Sau thành công này, Đồng Ngọc Hoa liên tiếp cho ra đời các tác phẩm mới như Ngôi chùa bên dòng sông, Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định, Tuyển tập nghiên cứu phê bình Đồng Ngọc Hoa, Lâu đài của Phật và lịch sử đảng bộ và nhân dân của nhiều xã. Ông còn là đồng tác giả nhiều tuyển tập nghiên cứu phê bình khác. Cuốn Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định của ông dày gần tám trăm trang, trình bầy mạch lạc nguồn tư liệu phong phú về lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định. Những tác phẩm viết về chủ đề Phật giáo là điểm sáng trong sự nghiệp nghiên cứu của ông. Cảm phục sức làm việc và thành quả của Đồng Ngọc Hoa, tôi có viết mấy câu tặng ông:
Một thời mê mải việc quân
Viết văn làm báo tuổi xuân trôi vèo
Cửa Thiền không - sắc lần theo
Hào quang Phật sử một chiều thăng hoa.
Tên tiểu thuyết Lão Hói, ban đầu ông đặt là Người viết sử. Sau nghĩ lại, ông lấy tên Lão Hói đặt cho tiểu thuyết của mình.
Lão Hói kể về cuộc đời từ khi lọt lòng tới khi tuổi đã ngoài bảy mươi với nét đặc biệt về hình hài, tính cách và những biến cố thăng trầm của nhân vật Lâm Thanh (tức Lão Hói).
Lão Hói khác người từ khi mới được sinh ra: “Lúc mẹ đẻ ra, đầu lão chẳng có tí tóc nào, người bé tí khoảng hai cân. Người ta cứ bảo hay mẹ lão đẻ non nhưng không, lão khóc to như xé vải, không trách sau này lão là gã lắm mồm. Rồi sáu bảy tháng sau tóc lão cũng mọc, nhưng thưa hơn những bé bình thường. Khi mới ngoài bốn mươi tuổi lão đã hói. Người ta thường hói từ trán trở lên, lão lại hói từ đỉnh đầu trở xuống”.
Tính cách, sở thích của Lão Hói cũng rất khác người. Lão nhớ ngày định kỳ cắt tóc như nhớ ngày lĩnh lương. Thợ cắt tóc phải cắt đúng theo bản vẽ tỉ mỉ chính xác như bản vẽ kỹ thuật mà lão thiết kế. Lão đòi chủ cửa hàng ăn phải phục vụ khách như phục vụ thượng đế. Thấy người giúp việc bê bát phở để hai ngón cái chấm vào nước bát phở, lão đòi đổi bát khác… Khi đã là sĩ quan quân đội, lão làm việc cần mẫn, thông minh, tính kỷ luật cao, thẳng thắn không khoan nhượng với những việc làm chạy theo thành tích, qua loa, vô trách nhiệm. Khi về hưu, lão trở thành người cầm cờ trong đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền ở địa phương, bất chấp bị trả thù… Những khiếm khuyết của lão trong tình cảm, hình thể được mô tả cụ thể, chi tiết nhưng không làm bạn đọc ghét lão. Lão cũng là người, có ưu có khuyết. Qua giọng kể của tác giả, tôi nhận ra hình tượng Lão Hói hiện lên rất chân thực.
Từ trái qua phải: Đồng Ngọc Hoa, Trần Mỹ Giống, Trịnh Thị Nga, Hoàng Dương Chương, Phạm Văn Huyên |
Qua tiểu thuyết Lão Hói, tác giả muốn cho người đọc biết về lớp thanh niên có học được đào tạo cơ bản phục vụ quân đội trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lâm Thanh - Lão Hói, một chiến sĩ quân giới năng nổ, hăng hái nhiệt tình có trình độ, trách nhiệm luôn luôn làm hết sức mình. Ở tiền phương anh luôn xông pha xoay tìm hỏng hóc, ở hậu phương anh luôn miệt mài gia công sản xuất để đảm bảo cho súng pháo nổ dòn sẵn sàng tiếp sức cho tiền duyên, xứng đáng kế tiếp lớp quân giới của Ba Tơ anh hùng, của núi sông Việt Bắc, của chiến thắng Điện Biên vẻ vang. Người đọc cũng thấy được cuộc chiến tranh thần thánh giải phóng dân tộc của nhân dân ta với những hy sinh của tuổi trẻ trên khắp các chiến trường, khắp các lẻo đường chiến trận, kể cả của các chiến sĩ quân giới trên mặt trận thầm lặng mà ít người biết đến. Lão Hói là nhân vật trong số lớp trẻ đó. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tự hoàn thiện mình của Lâm Thanh - Lão Hói cũng không phải không gay go quyết liệt qua chuyện phản đối vụ hàng ngàn chiếc kim hỏa của súng B40 không đạt yêu cầu, việc báo cáo thành tích giả qua chuyện nhập kho khống và người xấy thuốc ngủ quên đến việc buộc phải túm cổ áo trung úy trưởng phòng kế hoạch, cấm đốc công Phiên lấy số liệu để phát thanh làm lộ bí mật, làm cho chính ủy nhà máy cũng phải khiếp lão báo cáo về cục.
Lão Hói cũng có gia đình và tình yêu tuổi trẻ, tình yêu thuở học trò. Lão cũng được yêu như bao nhiêu thanh niên khác. Người ta yêu mình thì chẳng có tội gì miễn là nói thẳng được như lão: “ Anh có vợ rồi” và giữ được tình bạn đẹp với cả những cô gái thích mình. Lão gần gũi với công nhân, hiểu tâm lý người thợ. Lão vốn là một học sinh giỏi văn, lại có duyên với công tác chính trị. Lão muốn làm nhà báo và đã chuyển về công tác ở báo Quân đội. Nhưng thủ trưởng đơn vị đòi lão về, vì nhà nước đã mất công đào tạo lão để phục vụ ở ngạch kĩ thuật. Lão vẫn phải gắn bó với nghề cho đến lúc về hưu, chấp hành phân công của tổ chức.
Là một người có ý thức tổ chức, người vì dân, thương dân nghèo khó bị hành hạ qua chi tiết người chồng bế con lên nhà kho hợp tác xã nơi vợ bị giam vì thiếu sản để mẹ vạch vú đút qua song sắt cửa sổ cho con bú. Thương dân chết đói năm 1945 qua thống kê khi lão viết lịch sử xã. Lão tự hào với những chiến công của những người giữ đất giữ làng như liệt sĩ Hà Sĩ Hùng thà chết chứ nhất định không chịu rơi vào tay giặc, liệt sĩ Hà Tất Đạt bỏ tài liệu vào mồm nhai nuốt rồi đập cằm xuống bàn cho đứt lưỡi hi sinh trước mặt kẻ thù lúc chúng đang dụ dỗ anh khi bắt được. Lão ghét cay ghét đắng những kẻ gọi là đầy tớ của dân nhưng lại ăn bớt, ăn chặn ăn bẩn ăn vặt của dân, ăn cả lần trong lần ngoài, ăn cả cái đầu cúi tôn chổng của dân, ăn ráo cả phần của trẻ con qua lời thề của thằng bé đứng cửa buồng cắn móng tay nhìn cán bộ ăn xông ra nói: “Tôi thề với các ông là chỉ còn tý nước” nhưng rồi nước cũng chẳng còn.
Lão rất yêu mảnh đất nơi sinh ra mình đó là xã Mỹ Khê, một xã anh hùng thời chống Pháp, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm do có thành tích chăn nuôi dẫn đầu toàn Miền Bắc. Lão yêu con người làng mình, xã mình nên yêu cả những nghề phụ góp phần nuôi sống dân mình như nghề dệt chiếu và cả câu cáy lão cũng cho là một nghề vì làm ra những giọt nước chấm ngon hơn cả Chin-su khi nhấm nháp thấy mằn mặn, ngòn ngọt, thơm thơm tê tê mùi cà cuống.
Nhưng rồi cái yêu làng yêu người đã làm lão gặp phải không ít khó khăn, khi chống lại cái xấu, cái ác, cái đểu, cái mà làm lão suýt đến mất mạng trên mặt trận chống tham nhũng ngay tại chính quê hương mình. Nhờ có đồng chí đồng đội và nhân dân ủng hộ nên những kẻ xấu nơi một xã tưởng như bình yên đã được lôi ra ánh sáng, đã bị vạch mặt, kỉ luật để răn đe kẻ khác muốn nhấp nhổm làm cán bộ với mục đích lấy của dân làm giàu, lấy lại niềm tin của dân đối với đảng quang vinh.
Tôi đọc từ đầu đến cuối tập bản thảo hơn trăm trang A4 luôn cảm thấy thú vị. Nghệ thuật kể chuyện theo thời gian một cách giản dị, giản dị tới mức tưởng ai cũng viết được, nhưng không, sự giản dị ấy lại là nghệ thuật sử dụng ngôn từ giúp bạn đọc dễ theo dõi cốt truyện. Mặc dù ít khi thấy tác giả miêu tả hình ảnh khung cảnh thiên nhiên hỗ trợ cho tả tình, nhưng giọng kể tự trào bù lại làm cho người đọc bị cuốn hút.
Đọc hết tập bản thảo, tôi củng cố thêm cảm nhận ban đầu: Đúng là nhà nghiên cứu viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết gồm 9 chương. Mỗi chương có thể đứng độc lập thành một tác phẩm với chuyên đề riêng, Mỗi chuyên đề đều có những kịch tính tuy chưa quyết liệt và được giải quyết ngay làm cho bạn đọc thở phào. Chín chương kết nối với nhau thành một nội dung liên hoàn lô gic: Tái hiện cuộc đời của nhân vật Lâm Thanh - Lão Hói. Có lẽ nghề nghiệp nghiên cứu ảnh hưởng, tác giả có lúc đi sâu vào một chuyên đề như Lịch sử xã, hay lịch sử một di tích… Nhưng chính những kết quả của ảnh hưởng nghề nghiệp này lại tái hiện hoàn cảnh lịch sử, cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta… là môi trường để nhân vật chính - Lão Hói bộc lộ tính cách.
Là đồng nghiệp rất hiểu và quý trọng Đồng Ngọc Hoa tôi nghĩ: Lão Hói - Lâm Thanh trong tiểu thuyết phần nào cũng gợi lại cuộc sống, suy nghĩ, chiến đấu, lao động của một lớp người đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những năm đầu đổi mới. Bạn đọc có nhu cầu nghiên cứu về họ có thể được phần nào thỏa mãn qua tiểu thuyết Lão Hói.
Trần Mỹ Giống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét