NNC Nguyễn Mộng Nhưng |
Mở nội san số 3-2018 của CLB thơ Quần Phương (huyện Hải
Hậu) xem lướt, thấy có đủ nghị luận, truyện, thơ, nhạc… tập trung vào chủ đề kỷ
niệm 130 năm thành lập huyện Hải Hậu (1888-2018). Nội san của một CLB thơ cấp
huyện mà mang dáng dấp của một tạp chí hàng tỉnh. Bởi khá phong phú về đề tài
và thể loại, với sự tham gia của gần 30 tác giả, trong số này có một số cây bút
là hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định, có người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhìn vào danh sách Ban biên tập hùng hậu (7 người), có những cái tên đáng vị nể
đã nói ở trên.
Vì không có thì giờ và vì một số truyện ngắn, bài thơ
tôi đã đọc trên báo, hoặc thơ tuyển của CLB, nên tôi chọn cách đọc “cóc nhảy”,
thích gì đọc nấy, không theo thứ tự. Đọc truyện, đọc thơ ở phần cuối xong mới
quay lại từ đầu. Đến mục Giới thiệu thơ của các Danh nhân Hải Hậu, ở trang 16,
có bản dịch bài thơ “Đề miếu tổ Quần
Anh” của Ngô Thế Vinh kèm theo tóm tắt tiểu sử, thân thế, sự
nghiệp của ông, tôi nhận ra có một số sai sót không hề nhỏ. Nghĩ rằng, rất có
thể những sai sót này sẽ được mặc nhiên công nhận, thậm chí là nhân rộng, cho
nên đành phải có ý kiến. Vả lại đây cũng là điều ban biên tập nội san yêu cầu
“quý bạn đọc”.
1-
Về việc giới thiệu Ngô Thế Vinh là Danh nhân Hải Hậu.
Trong phần tóm tắt tiểu sử của Ngô Thế Vinh, cái sai
nhỏ đầu tiên là năm sinh. Ban biên tập ghi năm 1813 là sai (trong khi tất cả tư
liệu đều ghi năm 1803). Để ý sẽ thấy nếu sinh năm 1813, đến năm Ất Dậu 1825 Ngô
Thế Vinh đậu Tú tài thì năm đó ông mới 12 tuổi?(!). Tiếp theo, là cái lầm to,
ban biên tập tưởng Ngô Thế Vinh là con dân Quần Anh (Hải Hậu) nên mới xếp ông
là Danh nhân Hải Hậu và viết “Khi nghỉ việc,
về mở trường Đại Tập ở Quần Phương Trung, nay là xã Hải Trung, huyện Hải Hậu”.
Sự thực không phải như vậy.
Ngô Thế Vinh
người làng Bái Dương, phủ Nam Chân, nay là xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh
Nam Định. Thi đỗ Tiến sĩ năm 1829, Ngô Thế Vinh được triều đình giao cho nhiều trọng
trách, cao nhất là chức Lang Trung bộ Lễ. Ông đã làm được nhiều việc có ích cho
dân, cho nước. Nhưng rồi ông đã bị triều đình bãi nhiệm, do một lần làm giám khảo
ông đã phạm quy trường thi. Ngô Thế Vinh về quê, mở trường Dương Đình tại Nam Định dạy học.
Do vị thế và học vấn uyên thâm của ông, trường Dương Đình trong nhiều năm đã
thu hút hàng nghìn môn sinh ở trong và ngoài tỉnh theo học. Nhiều người đã đỗ đạt
cao. Ngoài ra, ông còn về một số địa phương dạy học theo thỉnh cầu của dân sở tại,
trong đó có Quần Anh (Hải Hậu). Đồng thời Ngô Thế Vinh đã soạn nhiều văn bia,
văn tế, đề thơ ở nhiều đền, miếu tại những nơi ông đến. Bài thơ “Đề Quần Anh tổ
miếu” của ông là một dẫn chứng. Mấy chục năm nay, bài thơ này (viết bắng chữ
Hán, có phiên âm), được lồng trong khung kính, treo trang trọng tại đền thờ Liệt
tổ khai xã, thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Những ai đã một lần
đến đây đều dễ dàng nhìn thấy.
Một người từ nơi khác đến địa phương A sinh sống và
làm việc một thời gian, sau đó lại trở về quê hương bản quán, sống cho đến khi
trọn đời, thì địa phương A không thể nhận người đó là người của quê hương mình.
Việc Tiến sĩ Ngô Thế Vinh về dạy học ở Quần Anh (Hải Hậu) nằm trong trường hợp
này.
Như vậy, ngoài việc đề thơ ở miếu tổ Quần Anh, như đã
làm ở nhiều địa phương khác, và mặc dù có công đào tạo nhiều nhân tài cho đất
Quần Anh, Tiến sĩ Ngô Thế Vinh chỉ duy nhất là người làng Bái Dương (Nam Dương)
chứ không thể là người Quần Anh (Hải Hậu) như ban biên tập nội san CLB thơ Quần
Phương đã lầm.
2-
Về bản dịch bài thơ “Đề Quần Anh tổ miếu”
Theo thiển ý của người viết bài này, đây là bài thơ chữ
Hán hay nhất, khái quát nhất và có tính dự báo cao nhất viết về đất Quần Anh
xưa. Đây là bài thơ bất hủ được ghi chép và truyền khẩu qua nhiều đời. Hiện nay
trong huyện Hải Hậu có nhiều người thuộc và có thể viết buông bài thơ này bằng
chữ Hán. Bài “Đề Quần Anh tổ miếu” đã
được một số vị túc Nho dịch ra quốc ngữ. Tiếc rằng, do nguồn tư liệu thu thập
còn hạn chế và do không nắm được nguyên tác chữ Hán và phần phiên âm bài thơ
này, nên ban biên tập đã chọn đăng một bản dịch không thể nói là hay, xin luận
giải như sau:
*
Câu thứ 2:
- Nguyên tác: Tứ gia bốc trúc chí kim lưu (Dịch nghĩa:
Bốn nhà chọn lựa đất để lại ngày nay).
- Dịch là: “Dân cư xây dựng nhà nhà đông vui”.
Dịch như thế là không sát nghĩa vì đã không đả động đến
công lao của “bốn nhà” theo tinh thần câu thơ. “Bốn nhà” cụ thể là bốn cụ tổ Trần
Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập là những người đầu tiên đưa dân đến khai phá, mở
mang đất Quần Anh xưa, tiền thân của huyện Hải Hậu giàu đẹp hôm nay.
*
Câu thứ 5, 6:
- Nguyên tác: Cầm sách sĩ tùng gia thục xuất / Mã xa
nhân tác cẩm đường du (Dịch nghĩa: Đèn sách nhà lành sinh sĩ tử / Ngựa xe nhà gấm
khách đến thăm)
- Dịch là: “Lách đèn vui thú học hành
Ngựa xe đi lại, quang vinh xóm làng”
Chắc là lỗi đánh máy, nên “sách đèn” thành “lách đèn”,
thật vô nghĩa. Nhưng 2 câu này cũng dịch không sát ý và ép vần, “học hành” gieo
với “quang vinh”.
Một điều cần nói, bản dịch được ghi là của cụ Trần
Xuân Hảo (xã Hải Trung) giống lạ lùng với bản dịch của cụ Trần Đức Mân (xã Hải
Anh). Hai bản đều dịch từ Thất ngôn Bát cú sang Lục Bát, chỉ khác nhau 4 chữ (2
chữ ở câu thứ 2: “xây dựng” và “về tụ”, 2 chữ ở câu thứ 8: “ắt hẳn” và “nổi tiếng”).
Hai cụ đều đã khuất, nhưng các con của hai cụ hãy còn và đều theo đòi nghiệp
bút nghiên, chắc sẽ lưu giữ được những bút tích của ông cha mình. Chúng tôi sẽ
gặp các bác ấy để xác minh việc này và sẽ có thông tin sau. Dù là của cụ nào,
thì cũng cúi xin hai cụ tha thứ cho tội bất kính. Vì học thuật, vì công chúng,
kẻ hậu sinh buộc phải nói thẳng, nói thật…
Nhân dịp này, để ban biên tập CLB thơ Quần Phương cùng
bạn đọc đối chiếu và so sánh, xin giới thiệu nguyên văn bài thơ chữ Hán “Đề Quần Anh tổ miếu” của Tiến sĩ Ngô Thế
Vinh và bản dịch của Phương Châu Đoàn Ngọc Phan (đã mất năm 2004), nguyên hội
viên CLB thơ quần Phương, nguyên hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định.
題 群 英 祖 廟
洪 順 三 年 此 地 頭
四 家 卜 築 至 今 留
歲 秋 和 稻 連 滄 海
路 接 橋 亭 繞 碧 流
琴 册 士 從 家 塾 出
馬 車 人 作 錦 堂 遊
他 年 文 物 声 名 勝
又 是 南 洲 第 一 洲
進 士 吳 世 榮 留 題
Phiên âm:
ĐỀ QUẦN ANH TỔ MIẾU
Hồng Thuận tam niên
thử địa đầu
Tứ
gia bốc trúc chí kim lưu
Tuế
thu hòa đạo liên thương hải
Lộ
tiếp kiều đình nhiễu bích lưu
Cầm
sách sĩ tòng gia thục xuất
Mã
xa nhân tác cẩm đường du
Tha
niên văn vật thanh danh thắng
Hựu
thị Nam
châu đệ nhất châu
Tiến sĩ Ngô Thế Vinh lưu đề
Dịch thơ
ĐỀ MIẾU TỔ QUẦN ANH
Hồng
Thuận thứ ba mở đất này
Bốn
nhà xây dựng để ngày nay
Năm
đầy nếp tẻ liền khơi biếc
Đường
tiếp cầu đình quyện nước xanh
Đèn
sách con nòi trường rộng mở
Ngựa
xe nhà gấm khách du hành
Rồi
đây văn vật danh vang khắp
Thật
xứng Nam Châu đệ nhất danh.
Phương
Châu Đoàn Ngọc Phan dịch
Hải Trung, 11-2018
N.M.N
Viết
thêm:
Vẫn chuyện
chữ nghĩa, đọc một số bài văn xuôi, có một vài tác giả do không biết, không hiểu
chữ Hán, nên đã dẫn sai và giải nghĩa sai.
Ví dụ:
Một
câu trong sách Minh tâm bảo giám:
Trung hiếu vi gia bảo, Kinh sử thị lương điền (忠 孝 為 家 寶, 經 史 是 粮 田). Dịch nghĩa: Trung hiếu là của
quý của mỗi nhà, kinh sách là lương thực, ruộng đất. Thế mà trong bài “Đôi điều về nhà làm phim Trần Văn Thủy”
(trang 28), tác giả đã dẫn là: “Trung hiếu vi gia bảo, khinh sử thị nương điền”
và giải nghĩa là:”Người trung hiếu sẽ được cả cõi âm bảo vệ, người quý sách hay
hơn ruộng tốt sẽ thành danh”. Chả nhẽ lại kêu lên: Em lạy thầy cả nón!
Nguyễn
Mộng Nhưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét