Tôi đang
lom khom vô phân chậu hoa Giấy. Bỗng dưng phía sau lưng vỗ vai thật mạnh.
-
Anh Tân khỏe hả?
-
Ồ! Sampi. Anh vẫn khỏe, còn Sampi?
-
Cười cười, dạ em vẫn khỏe, hết tết rồi anh o bế nó làm gì?
- Kệ, hoa người ta chê cũ người ta bỏ,
anh thì thấy còn tốt nên mang đem về, hy vọng chăm sóc dăm ba ngày nó sẽ
mới lại thôi.
- Anh siêng thật.
- Có làm gì không? Anh nghỉ tay, vào
nhà anh em mình dùng nước nhá.
- Dạ.
Năm ấy,
tết buồn lắm tôi chỉ một mình nơi căn chồi nhỏ, không hoa, không bánh mứt,
không dưa hấu đỏ, không thịt kho, dưa gía. Những thứ ấy mặc dầu không
có thì cũng không sao, nhưng buồn ở chỗ gia đình nào cũng sum họp,
đón rước ông bà vui vẻ bên cành Mai, nhánh Đào. Riêng tôi chẳng có ai về
để mà sum họp.
Sau mười ngày
tết, tôi đi lang thang theo con đường quen thuộc, tình cờ tôi thấy
người ta vứt rất nhiều hoa tàn trước ngõ. Tôi dừng lại và nhặt được một
chậu hoa Giấy còn khá tốt và mang về nhà, định nuôi dưỡng lại và trồng trước
sân cho thêm phần ấm áp. Vừa ngồi tháo bỏ lớp phân cũ thay vào lớp phân mới thì
thằng Sampi từ phía sau nhè nhẹ tới, vỗ vai làm tôi giật cả mình. Từ chỗ buồn
bả, tủi thân, đơn độc. Bỗng nhiên tôi thấy vui lên ngay vì mình cũng
còn có người tới thăm, dù người ấy là hạng người gì trong xã hội đi nữa ,
bao nhiêu đó cũng xóa đi bớt nỗi cô đơn của con người.
Thằng Sampi
nó có hơn gì tôi đâu, nó đi lạc từ bên Cao miên
sang đến đất nầy từ thuở nhỏ. Không cha, không mẹ sống lây lất ngoài
chợ, ai sai gì làm cái đó miển cho cơm ăn là được. Thế mà
nó đã trải qua gần chục năm trời, không bệnh hoạn gì hết, lại càng mập mạp
ra thêm, hơn hẳn từ lúc nó mới sang. Nó tên là Sampi, nhưng người ta hay gọi nó
là thằng Miên con, chỉ riêng tôi và một ít người ở xứ nầy gọi tên
thật của nó là Sampi. Ai nở thấy đời nó khổ rồi còn gán cho nó cái tên nghe
không thiện cảm. Nó thích đến chơi với tôi là gì nó biết tôi tôn trọng nó
như những người khác.
Ly nước trà
thâm giao, cả hai ngồi nhìn ra trước ngõ. Nó có tâm sự của nó, tôi có tâm sự
của tôi. Hai anh em trút cạn nỗi niềm. Nó khóc, nó than giản không biết bao giờ
nó gặp lại được anh em, cha mẹ của nó, từ lúc đi lạc cho đến nay nó chưa lần
nào hưởng được cái tết cả, dù cái tết ấy là tết Việt nam. Nó kể, mỗi
năm khi tết đến nó chỉ biết chấp tay sau đít đi ngang qua, ngang
lại từng mái nhà trong xóm, nhìn người ta ăn mặc áo quần đẹp rồi so lại
mình với bộ đồ rách rưới. Bỗng dưng nó tủi phận, ngậm ngùi và tìm đến
một gốc cổ thụ nào đó nằm ngủ quèo cho hết ngày, chờ cho ba ngày xuân đi qua
nhanh để nó ra chợ phụ giúp người tiếp tục, hầu tìm nguồn vui mới. Nghe nó
kể mà lòng tôi đau xót vô biên. Tôi hiểu nó từ lâu và hôm nay tôi thật sự
hiểu nó nhiều hơn. Tôi cũng chẳng thua gì nó nhưng ở hoàn cảnh khác. Từ
ngày cha mẹ chia tay, mỗi người mỗi hướng, bỏ tôi ở lại với cái chồi
nhỏ. Miếng đất, luống rau là di sản dành cho người bất hạnh. Tôi lăn lóc
với cái gia tài khốn khổ nầy gần tám năm trời trong quạnh hiu và lặng lẽ.
Xuân nầy, tôi
có một người bạn, đó là thằng Sampi, tôi thật sự vui lên hẳn và sẽ cùng thằng
Sampi nhậu một bửa thật linh đình với đĩa rau, con cá, ly rượu trắng.
Tôi biết thằng Sampi nó hay ngại ngùng nên tôi năn nỉ Sampi ở lại với tôi,
đừng về và thằng Sampi gật đầu đồng ý, vừa nhậu vừa tâm sự, nó bảo: Anh Tân
nầy, hôm nay em ở lại với anh, anh em mình ăn tết, dù tết có muộn màng,
nhưng lòng em thấy vui sướng vô cùng, như được gặp lại anh em của
Sampi trong những ngày thơ ấu và anh cũng thế như đang ngồi cạnh
người thân của mình thật ấm cúng biết bao.
Thủy Điền
25-11-2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét