Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

VẾT THƯƠNG LÒNG / Thủy Điền (Kỳ 2)


Nhà văn Thủy Điền


        Trong bối cảnh thật hãi hùng và đau đớn, dù cơn bệnh hiểm nghèo đeo đẳng, ông thừa biết số phận mình sẽ phải về đâu. Ngày tàn cạn trở về cõi phật, chút ân tình gửi gấm các con, miệng ông lúc nào cũng râm râm cắn chặt. Lời trăn trối dằng co không dứt, lòng ông như muốn nói điều gì. Có lẽ, ông nguyện trời cao soi sáng, sao cho gia đình ông sớm có một cháu trai là ông an lòng nơi chín suối. Mắt ông từ… từ trừng lên, rồi nhắm lại, làn hơi thở cuối cùng đã đưa ông về vùng đất lạnh. Trước phút lìa trần của người cha già yêu mến, cả gia đình mọi người ai ai cũng rưng rưng nước mắt. Riêng cô Cẫm Lệ đứng nép phía sau nhà vừa khóc, vừa thấy ngượng cả lòng và xấu hổ vô biên. Bởi cô chưa làm được điều gì để bù đắp lại nỗi ước mơ của cha già hằng mong đợi. Dù những ý nghĩ vu vơ, vớ vẩn vô lý ấy, nhưng cô Cẫm Lệ vẫn thấy đó là bổn phận của mình.


        Sự ra đi của người cha già, là một tổn thất to lớn của gia đình ông. Ngôi nhà tráng lệ, nguy nga giờ đây không còn nghe những tiếng ho khàn sằng sặc của buổi bình minh khi gà vừa gọi sáng, tiếng thúc giục vợ thằng Lâm nấu cho cha ấm nước, tiếng đánh thức bà Hòa dậy sớm lo phần nghi thức tổ tiên, tiếng la rầy con dâu khi nhà vắng khách, tiếng guốc mộc gõ đều trên nền gạch đỏ, những hình ảnh quen thuộc thân thương ấy bây giờ đã là dĩ vãng.

        Ngoài trời hương gió đồng sau mùa vụ chín còn đậm mùi thơm ngát, tiếng chim hót, tiếng xuân ca giữa đêm trường giá lạnh, lòng người như cuốn lạnh theo. Sự ảm đạm của người mẹ già, nỗi mất mác, nhớ mong dường như cứ phảng phất bên ngôi nhà cổ kính. Phần cô Cẫm Lệ chưa tròn chữ mẹ, tất cả được thể hiện với nhau bằng những dòng nước mắt ngậm ngùi và thương tiếc.

        Giờ đây mọi việc đã an bài, ngày tháng dần qua, mọi người như nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhung, buồn tủi. Cô Cẫm Lệ thấy mình nhẹ nhõm đi phần nào, sự đè nén của gia đình cái gọi là thuần phong, lễ giáo mà hơn một năm nay cô vẫn phải thi hành.

        Ông Lâm bây giờ chật vật hơn xưa, ngoài những công việc hàng ngày, nay phải thay cha làm những công việc khác. Tuy ông còn bà mẹ già, nhưng sức bà nay đã yếu, bao nhiêu công việc nhỏ, to trách nhiệm ông phải gánh vác lo toan tất cả.Vì thế, cảnh đầu tắt, mặt tối luôn dễ làm ông khó chịu. Nhiều lúc khi về đến nhà gương mặt lúc nào cũng gay gắt, không vui, giận dữ dù không nói ra, nhưng ai cũng biết. Cô Cẫm Lệ cũng đoán được phần nào ở chồng mình,
thậm chí bà cả Hòa cũng thế.

        Sau ngày ông cả Hòa qua đời, bà cũng dở chứng, tánh tình lan ra thay đổi khác thường, sự khó khăn giữa mẹ chồng và nàng dâu trở nên cuộc sống đầy nhạt nhẽo. Cô cũng thấy bắt đầu kỳ lạ và tự hỏi? Tại sao? Bấy lâu nay mình đã cố gắng làm hết sức những bổn phận và cũng đã làm tất cả những gì mình có thể làm được. Vậy chưa đủ hay sao? Rồi cô thầm nghĩ, Ồ! Mình có tội dạ gì đâu.

        Hai dòng thác lũ đã tấn công về một hướng, ý muốn cô phải rời xa chốn nầy càng sớm, càng tốt. Sự hiện diện của cô trong căn nhà trở nên thừa thãi hay một điều gì xui xẻo. Trong khoảnh khắc oan nghiệt, cô chỉ biết ôm đầu gục khóc, khóc cho số phận con người, khóc cho sự đời ngang ngửa, khóc phận làm dâu bị bạc đãi, để rồi mỏi mòn thân xác rồi cuối cùng cũng chẳng ai thèm an ủi. Trong giây phút thức tỉnh, cô chợt nghĩ ra toàn những điều oan ức, buồn bực, nhưng thôi! Chuyện đời làm sao tránh khỏi, thế gian ai cũng hiền từ, ôn hòa, nhân hậu thì mọi người đều là Thánh nhân hết cả rồi. Nói chung, sự chịu đựng và thói quen của người đồng nội, bản chất hiền hòa, chất phác đã giúp cô nhiều nghị lực vượt qua thử thách trong cuộc sống.

        Kim đồng hồ treo trên tường, xoay ngược dòng thời gian, đã đưa cô về quá khứ xa xưa của thời niên thiếu. Cô hồi tưởng lại những gì người mẹ hiền đã nâng niu, chìu chuộng và dặn dò năm xưa, khi cô lên xe hoa xuất giá theo chồng. Những tiếng nói, lời khuyên còn vang giọng đó, đã dìu cô trở về thực tại của số kiếp làm dâu, để rồi sớm hôm được gần kề bên người mẹ chồng và vui sống cùng người bạn đời chăn gối.

        Cơn dằng dặc ba năm trời, như cành lá đong đưa giữa trời dông tố. Kiếp làm dâu còn thua kẻ ở trong nhà. Mẹ lạnh nhạt, chồng xa lánh cũng gì chuyện sanh con, đẻ cái. Khó hiểu thật, nhiều lúc cô tự nghĩ…… hay là…… Nhưng thôi! Rồi cứ thế, tình đời cứ thế.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét