Trần Mỹ Giống
Bài “Suy nghĩ nhỏ về việc đánh giá một nhà thơ lớn” của Đỗ Đình Thọ đã gây nên một làn sóng phản đối gay gắt trong bạn đọc. Dư luận bạn đọc bất bình vì cho rằng tác giả đã bôi đen phỉ báng xuyên tạc danh nhân Nguyễn Khuyến. Bộ môn Nghiên cứu Phê bình của Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định đã tổ chức hội thảo về cuốn sách, thu hút hơn ba chục bài tham luận. Trừ một bài khen ngất trời “Quá xứng đáng giải nhất Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh”, một bài khen chung chung hữu hảo mà không nói gì tới nội dung và nghệ thuật tác phẩm, một bài khen là chính (mà sau này tác giả thanh minh rằng bài viết đã bị ông Đỗ Đình Thọ chỉnh sửa theo ý làm sai lệch tinh thần bài viết), còn lại hầu hết đều phê phán bài viết về nội dung và phương pháp nghiên cứu sai lầm. Cục xuất bản ra quyết định cấm lưu hành cuốn sách có bài viết này. Cho đến nay lệnh cấm đó vẫn chưa được gỡ bỏ.
Song những lí do lấy từ hành trạng
Nguyễn Khuyến mà tác giả nêu ra để nhận định ông thiếu trách nhiệm, bất tài
trên đây là chưa thuyết phục, nặng về suy diễn chủ quan.
Từ việc Nguyễn Khuyến làm gia sư cho nhà Hoàng Cao
Khải, làm giám khảo cuộc thi vịnh Kiều cho Lê Hoan, kết thông gia với Vũ Văn
Báo (ba nhân vật tay sai cho giặc), để con trai ra làm quan, phê phán cái chết
của tiến sĩ Vũ Hữu Lợi… tác giả kết tội Nguyễn Khuyến lập trường bấp bênh, bị
giới nho sĩ Nam Định xỉ vả. Đỗ Đình Thọ bộc lộ nhận thức phiến diện, nhận định
ác ý, một chiều mà thiếu cái nhìn nhân văn, bản chất sự việc. Làm quan lớn đến
Bố chính mà Nguyễn Khuyến còn từ quan về ẩn dật thì cái chức quan huyện nhỏ
nhoi có thể nói ông phải lo lót chạy chọt không? Bài “Xuân dạ liên nga” của Nguyễn Khuyến mà ông Đỗ Đình Thọ lấy làm dẫn
chứng để chứng minh Nguyễn Khuyến coi cái chết của Tiến sĩ Vũ Hữu
Lợi như con thiêu thân tỏ ra áp đặt chủ
quan, không có cơ sở chắc chắn, thiếu độ tin cậy.
Nếu Nguyễn Khuyến coi thường Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi thì
thử hỏi ông có làm câu đối hộ học trò Vũ Hữu Lợi như câu đối này không:
“Vi tiệp thân tiên, trường sử anh hùng lệ mãn;
Tịnh du nhan hậu, khẳng giao phụ tử sinh hoàn”.
Nghĩa là:
Chưa thắng đã mất, mãi khiến anh
hùng tuôn đẫm lệ;
Bạn bè dầy mặt, ví bằng phu tử sống
quay về.
Vũ Hữu Lợi bị bạn học là Vũ Văn Báo
chỉ điểm cho giặc bắt tử hình. Câu đối của Nguyễn Khuyến tỏ rõ sự thương cảm
kính trọng Vũ Hữu Lợi và chửi xéo Vũ Văn Báo là quân mặt dày phản bạn…
Tác giả nói Nguyễn Khuyến nhìn trăng
thành trăng loe vì ông đau mắt nhìn không rõ là suy diễn sai lầm. Câu thơ của
ông là Làn ao lóng lánh bóng trăng loe. Nhìn trăng lóng lánh dưới nước,
mà nước lại đang ở trạng thái động thì bóng trăng đâu có tròn được. Hoặc bảo
ông sợ sau này người ta lục vấn những sai lầm của mình nên dặn con cháu ghi vào
mộ chí Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu cũng là khiên cưỡng. Thực ra ông
khinh ghét bọn quan lại tay sai cho thực dân cướp nước:
Vua
chèo còn chẳng ra gì,
Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề.
Ông không muốn người đời sau hiểu lầm,
xếp ông chung vào “cái rọ” quan lại xấu xa kia mà:
Đề
vào mấy chữ trong bia,
Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu.
Ngoài tiểu sử hành trạng của Nguyễn Khuyến lấy làm căn cứ chủ yếu cho quan điểm của mình, Đỗ Đình Thọ còn căn cứ vào những truyền miệng dân gian hoặc “người ta” mập mờ để kết luận ông không phải là tác giả yêu nước. Dân gian không bao giờ là cơ sở cho việc nhận định tác phẩm của tác giả nên tôi không đi vào chi tiết. Chỉ kết luận: căn cứ vào dân gian đánh giá tác phẩm, tác giả yêu nước hay không là sai lầm.
Về mặt tác phẩm, tác giả nêu một số trường hợp cụ thể rồi kết luận Nguyễn Khuyến xử thiếu nhân hậu với dân. Những tác phẩm của Nguyễn Khuyến mà tác giả Đỗ Đình Thọ lấy làm cơ sở chứng minh cho nhận định của mình chủ yếu là một số câu đối (cho câu đối người thợ nhuộm, người làm nghề mổ lợn, anh lính kèn, vị cử nhân đỗ giáp cuối bảng…).
Những câu đối của Nguyễn Khuyến mà Đỗ
Đình Thọ nêu ra để hạ bệ Nguyễn Khuyến chính Đỗ Đình Thọ cũng cảm nhận chưa tới
tầm. Câu đối của Nguyễn Khuyến cho những người dân nghèo rất hóm hỉnh, thể hiện
rõ đặc điểm hoàn cảnh, nghề nghiệp của đối tượng, ẩn trong cái hài hước là sự
cảm thông sâu sắc với người dân nghèo. Lẽ nào một nhà nghiên cứu lâu năm như Đỗ
Đình Thọ lại không thấy được điều đó? Cách cảm cách nghĩ của Đỗ Đình Thọ mang
dấu ấn của định kiến quy chụp. Câu đối chỉ là một phần rất nhỏ trong các sáng
tác của Nguyễn Khuyến. Đỗ Đình Thọ lấy một vài câu đối để nhận định Nguyễn
Khuyến không phải tác giả yêu nước là phiến diện. Mảng thơ mới là sáng tác chủ
yếu của Nguyễn Khuyến. Nhưng ông Đỗ Đình Thọ, ngoài bài “Xuân dạ liên nga”, đã
không đưa ra được bài thơ nào khác chứng minh cho nhận định của mình. Trái lại,
ông đã phải thừa nhận tài năng thơ của Nguyễn Khuyến.
Khi xem xét một nhân vật có phải là nhà
nho yêu nước, chí sĩ yêu nước hay không, người ta căn cứ chủ yếu vào tiểu sử,
hành trạng của người đó. Bài viết của Đỗ Đình Thọ xem xét Nguyễn Khuyến ở góc
độ ông có xứng đáng là tác giả yêu nước hay không thì lại phải căn cứ
chủ yếu vào tác phẩm của Nguyễn Khuyến. Bài viết của Đỗ Đình Thọ coi trọng
chứng minh quan điểm của mình bằng khá nhiều tư liệu tiểu sử nhân vật và dựa
vào dân gian với phong cách viết… “tài
tử”, nhưng lại rất ít tư liệu về tác phẩm. Vì thế bài viết thiếu tính thuyết
phục.
- Lấy
số ít tác phẩm để rút ra kết luận cho toàn bộ sáng tác của tác giả là việc làm
phiến diện, chưa khoa học.
- Tác
phẩm dân gian, truyền khẩu mà tác giả sử dụng trong bài viết chỉ là những tài
liệu tham khảo. Xem xét Nguyễn Khuyến có phải là nhà thơ yêu nước hay không
phải căn cứ vào chính tác phẩm của ông. Cũng cần chỉ rõ tỉ lệ, liều lượng, nội
dung, tư tưởng yêu nước trong tác phẩm của tác giả đến mức nào thì tác giả mới
được liệt vào hàng tác gia yêu nước?
Bài viết
của tác giả Đỗ Đình Thọ dù tràn đầy nhiệt huyết và cảm hứng nhưng thiếu tính
thuyết phục nên tất yếu sẽ vấp phải những ý kiến phản biện gay gắt như thực tế
đã diễn ra.
Người viết bài này đồng tình với quan
điểm thứ hai.
Trích tham luận của Trần Mỹ Giống đọc
tại Hội thảo khoa học về cuốn Tản mạn đôi điều bàn về Văn học Nghệ thuật của
tác giả Đỗ Đình Thọ tổ chức tại Nam Định do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam
Định tổ chức ngày 23 tháng 6 năm 2006.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét