Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

BA BÀI PHÊ BÌNH CỦA NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO: - “CON ĐƯỜNG ĐI VÀO THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ VĂN” CỦA NGUYỄN ĐĂNG MẠNH. - TỐ HỮU HAY LÀ SỰ VONG THÂN NGHỆ THUẬT TRONG TRÒ CHƠI QUYỀN LỰC - ĐỖ LAI THÚY KHEN THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU KHÔNG BIẾT NGƯỢNG

 


 

PHÊ BÌNH CUỐN SÁCH “ĐỂ ĐỜI” CỦA GS. NGUYỄN ĐĂNG MẠNH : “CON ĐƯỜNG ĐI VÀO THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ VĂN” :

CON ĐƯỜNG ĐI VÀO THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT CỦA PHÊ BÌNH

 

Trần Mạnh Hảo

 

       Lời dẫn: Hãy xem GS. Nguyễn Đăng Mạnh “lập  thuyết”:  “…phương pháp luận là lý thuyết về đối tượng nghiên cứu…”! GS. Nguyễn Đăng Mạnh thực chất đã không hiểu được nội hàm của khái niệm “phương pháp luận” và nội hàm từ “lý thuyết”; than ôi, thuyền đua, lái cũng đua, thấy người ta lập thuyết, mình cũng “lập thuyết”!

       GS. Nguyễn Đăng Mạnh có cậu học trò ruột là PGS. Đỗ Ngọc Thống lúc nào cũng bám theo thầy như một cái đuôi, như một tiểu đồng theo sau tiên ông kiểu: “Sau lưng theo một vài thằng con con”, để làm nghề bốc thơm thầy ngay cả khi thầy nói sai, viết bậy, khi thầy bầy ra trận đồ bát quái “Văn mẫu” tàn sát môn văn trong trường phổ thông. Trên FB của mình, PGS. Đỗ Ngọc Thống trong bài: “Những hồi quang” viết ngày 18-3-2017 vẫn tiếp tục hành nghề bốc thơm ông thầy vua văn mẫu như sau: “Gần đây, thi thoảng tôi đến thăm GS Nguyễn Đăng Mạnh. Lần nào cũng thế, suốt buổi hầu như chẳng thấy thầy nói câu gì. Ông cứ ngồi im như một ngôi sao lặng lẽ giữa trời. Chợt nghĩ, ngôi sao ấy nếu mai này có lặn, chắc sẽ để lại hồi quang rất MẠNH. Ánh hồi quang ấy trước hết hắt lên từ những bài viết tuyệt hay, những ý tưởng độc đáo, những nhận xét, bình luận tinh tế, sắc sảo của ông. Hậu thế còn tiếp tục đọc, tiếp tục nghĩ về Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyên Hồng… thì người ta sẽ còn nhắc đến Nguyễn Đăng Mạnh.”

       NHỮNG ÁNH HỒI QUANG ( trích FB của Đỗ Ngọc Thống) Thứ bảy,18-03-2017

       https://www.facebook.com/thongdongoc?fref=ts

       Xin chào thầy trò ông “ngôi sao ngồi im, lặng lẽ giữa trời” và xin đọc bài phê bình cuốn sách: “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn” của GS. Nguyễn Đăng Mạnh do Trần Mạnh Hảo viết năm 1995 đã in trên báo “Văn Nghệ” và in trong cuốn “Hầu chuyện các giáo sư”:

       Cuốn sách: “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn” của GS. Nguyễn Đăng Mạnh, dày 252 trang, do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1994, đã được Đỗ Ngọc Thống ca ngợi hết lời trên tuần bào “Văn Nghệ” số 19 (1843), ra ngày 13-5-1995, với tiêu đề: “Người không giấu nghề”, khiến người viết bài này phải đi tìm, khó khăn lắm mới mua được cuốn sách trên. Đỗ Ngọc Thống quảng cáo cuốn sách của GS. Nguyễn Đăng Mạnh: “Nguyễn Đăng Mạnh công bố nó như là một lý thuyết nghiên cứu tác giả văn học của riêng mình”.

       Cuối bài báo này, ông Thống viết tiếp: “ Thưởng thức một bài phê bình văn học hay cũng như được uống rượu làng Vân vậy. Nguyễn Đăng Mạnh không những đã cho bạn đọc xa gần uống thứ rượu ngon này của ông còn chỉ cho họ cách nấu rượu nữa. Cuốn: “Con đường…” vì thế gần như một cuốn nhập môn cho những ai muốn học nghề nấu rượu làng Vân” (hết trích)

Qủa là may mắn, kẻ viết bài này xưa nay từng tôn quý rượu làng Vân, đã mấy lần thử nấu rượu này mà chỉ ra một thứ nước cất chua loét. Nay có cuốn sách nhập môn dạy phép nấu rượu làng Vân của phê bình văn học như lời quảng cáo kiểu Sơn Đông mãi võ kia thì may biết nhường nào. Hãy nghe và xem ông học trò làm nghề bốc thơm thầy mình lên chót vót đỉnh cao của lý luận phê bình rượu làng Vân, à quên của văn học. Cứ  tưởng lời tâng bốc tới trời của ông Thống với sách này của ông Mạnh quá lời, ai dè đúng ý tác giả: “Phương pháp luận, xét đến cùng, là lý thuyết về đối tượng nghiên cứu. Nó phải đề xuất được một hệ thống khái niệm, phạm trù, những quy luật không đến nỗi sai lệch với đối tượng, tuy rằng đây là một đối tượng hết sức tinh vi” (trang 83)

       Từ trước đến nay, chưa có nhà lý luận phê bình văn học nào của Việt Nam lập được thuyết cao siêu như ông Nguyễn Đăng Mạnh khi ông huyênh hoang một tấc tới trời rằng ông đã tạo ra hàng xâu chuỗi các khái niệm, các phạm trù (dập?) đưa ra hàng loạt quy luật kinh thiên.

       Trong bài: “Vài lời mở sách” ông Mạnh viết: “Đối tượng nghiên cứu của ta có còn là văn chương nữa không? Hay là ta đã bước chệch sang “vườn rau” của người khác?” (trang 6)

       Thưa ông Mạnh, chính ông đã “bước chệch sang vườn rau của người khác” khi ông định nghĩa: “Văn học nghệ thuật thực chất là một hoạt động tư tưởng. Vậy nghiên cứu một nhà văn, xét đến cùng là nghiên cứu tư tưởng của ông ta… Tầm cỡ của một nhà văn rút cục phụ thuộc vào tầm cỡ tư tưởng của ông ta…” (trang 7) (hết trích)

       Định nghĩa như trên, GS. Nguyễn Đăng Mạnh đã trở thành nhà sai học. Ông Mạnh không hiểu được bản chất của văn học nghệ thuật là hoạt động thẩm mỹ, là quy luật của cái đẹp, của xúc cảm, của rung động nơi tâm hồn con người. Chỉ có triết học mới là hoạt động của tư tưởng, thưa ông. Cứ tưởng chuyện này, học sinh qua trung học đều đã biết, ai dè ông Mạnh là giáo sư đầu ngành cũng i tờ rít luôn.

       Chính vì việc hiểu sai bản chất của văn học nghệ thuật một cách ấu trĩ như vậy, mà ông Mạnh bị sa lầy vào khái niệm “tư tưởng nghệ thuật” của Biêlinxki (idée Poétique). Ông Mạnh đã lấy ngôn từ “tư tưởng nghệ thuật” của Biêlinxki làm xuất phát điểm và đích đến của mình, trong khi ông không hiểu được sự ra đời của khái niệm này. Thời thế kỷ thứ XIX, văn học nghệ thuật thường bị kính chiếu yêu triết học chiếu tướng. Người ta coi văn học nghệ thuật chỉ là cái loa của triết học. Nên Biêlinxki phải dung cụm từ  “tư tưởng nghệ thuật” để khu biệt “vườn rau” của mình. Phái phê bình văn chương thời Nga hoàng ưa làm dáng trí thức bằng triết học, thích khoác áo triết nhân ngay cả trong phòng ngủ, mắc chứng bệnh quáng gà tư tưởng khi thưởng thức văn chương. Rất tiếc, ông Mạnh không hiểu được điều này nên ông bị món xà lát tư tưởng choáng hết bàn ăn văn học của mình, rơi vào chốn mà Biêlinxki tránh… Mặt khác, thời Sa hoàng, phái duy mỹ trong văn học nổi lên chống lại yếu tố tư tưởng trong nghệ thuật. Biêlinxki, chống lại phái duy mỹ và chống lại phái duy tư tưởng trong văn học, nên thuật ngữ “tư tưởng nghệ thuật” của ông cần phải hiểu hoàn cảnh ra đời của nó.

       Cho nên, trong sách giáo khoa môn văn của GS. Nguyễn Đăng Mạnh có nhiều bài văn, bài thơ quá dở, chẳng có nghệ thuật gì mà các ông bắt học sinh moi ra hết tư tưởng này đến tư tưởng khác chính là một cách hữu hiệu giết chết môn văn vậy! Văn học sẽ chẳng có tư tưởng nào hết nếu nó không làm tâm hồn con người rung động, nghĩa là nó thiếu tính thẩm mỹ, thiếu cảm quan về cái đẹp, thưa các ông vua duy tư tưởng… trống rỗng lập thuyết vớ vẩn kia ơi!

Chúng ta cần biết thời ông Nguyễn Đăng Mạnh đi học môn văn tại đại học dưới ánh sáng soi đường của cuốn “Những nguyên lý văn học” của Timôphêép do Nguyễn Lương Ngọc dịch hầu như chỉ chú ý tới tính nhận thức (tư tưởng) và tính giáo dục của văn học và hầu như bỏ qua tính thẩm mỹ của văn chương, mới là tính quyết định nó có phải là văn hay không? Cho nên cuốn sách “lập thuyết” này của ông giáo Mạnh vẫn chưa thoát khỏi cái ấu trĩ của một thời có tên là “tư tưởng”! Đến nỗi nó bị lạm dụng: “tư tưởng yêu nước” (yêu nước là tình cảm), “tư tưởng buồn thương”, “tư tưởng hiếp dâm”, “tư tưởng ngoại tình”, “tư tưởng lãng mạn”...

GS. Nguyễn Đăng Mạnh lập thuyết thật kinh hãi như sau: “Nhưng cần nhớ phương pháp luận là lý thuyết về đối tượng nghiên cứu” (trang 5,6). (hết trích)

Qua kết luận này, chứng tỏ GS. Nguyễn Đăng Mạnh không hiểu nội hàm khái niệm “phương pháp luận” cũng như không hiểu nội hàm khái niệm “lý thuyết”. Trước một đối tượng nghiên cứu, phương pháp, dù đã được hệ thống hóa, khái niệm hóa sao có thể biến thành lý thuyết? Lập ra lý thuyết về “phương pháp luận”, ông Mạnh muốn bày trò gì nữa đây? Phương pháp, nói cho cùng là một cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu mà thôi, sao lại đánh đồng “phương pháp luận” là “lý thuyết”?  Phương pháp và lý thuyết là hai khái niệm rất khác nhau, như anh với tôi tuy đều là một chủng loại, đều là một giống nhưng không thể là nhau được! Đánh đồng phương pháp tiếp cận thành lý thuyết tiếp cận đối tượng nghiên cứu là một sự ấu trĩ ngô nghê, thưa ông giáo sư! Lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực và phương pháp luận tiếp cận chủ nghĩa hiện thực là hai điều rất khác nhau vậy?

Áp dụng một cách khiên cưỡng, máy móc một khía cạnh trong hệ thống lý thuyết về lý luận phê bình văn học của Biêlinxki trong những thời gian, điều kiện và hoàn cảnh rất khác nhau với chúng ta hiện nay là “tư tưởng nghệ thuật”, Nguyễn Đăng Mạnh đã khá lúng túng và mơ hồ, thậm chí phiêu lãng, lan man là những trạng huống rất xa lạ với một công trình khoa học nghiêm túc như tiêu chí cuốn sách ông đề ra là muốn lập một thuyết mới mẻ về lý luận phê bình văn học. Chúng ta thử tạm thời khảo sát một vài đối tượng nghiên cứu của ông trong cuốn sách, xem hệ quả của phương pháp luận bòng bong của ông có khoa học và hiệu quả hay không?

Xin xem GS. Nguyễn Đăng Mạnh “tiếp cận” đối tượng nghiên cứu: nhà văn Nguyễn Tuân. Ông Mạnh chỉ ra tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Tuân là “ngông” như sau: “Ở Nguyễn Tuân tư tưởng nghệ thuật cũng như quy luật nội tại của thế giới hình tượng đều gắn với chữ ngông” (tr. 35).  “Ngông” thưa ông giáo Mạnh là từ chỉ hành vi, quyết không phải là biểu hiện của tư tưởng. Từ điển “Tiếng Việt”  NXB KH XH  1977, trang 555 định nghĩa từ “ngông” như sau : “ Nói cử chỉ hành động ngang tàng, khác hoặc trái với cái thông thường: chơi ngông”. Nói tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Tuân là ngông là sự nhắm mắt nói càn của ông giáo gàn thiếu hiểu biết về phương diện ngôn ngữ và không biết gì về văn học cả mà thành giáo sư môn văn đầu ngành để học trò Đỗ Ngọc Thống tụng ca lên mây xanh!

Ông Mạnh tiếp tục tư tưởng hóa, ngông hóa Nguyễn Tuân: “Trước hết đây là một cách thể hiện phong cách ngông của ông” (tr. 15)… “Nguyễn Tuân đã thể hiện đúng phong cách của mình mà tinh thần cốt yếu có thể gói gọn trong một chữ ngông” (tr.159). Hết ngông là tư tưởng Nguyễn Tuân, lại đến món phong cách ngông, tinh thần ngông Nguyễn Tuân, hỡi nhà ngông học Nguyễn Đăng Mạnh, người đọc văn Nguyễn mà không thẩm được văn Nguyễn, than ôi!

Thưa ông giáo sư có biệt tài đọc sách mà không hiểu sách lại nói rất bậy về nhà văn Nguyễn Tuân thì coi như ông đã giết chết Nguyễn Tuân vậy! Thành tựu lớn của Nguyễn Tuân trong tùy bút là văn phong tuyệt mỹ của ông. Ông chơi văn một cách cầu kỳ, tài hoa, lộng lẫy. Văn tùy bút của Nguyễn mềm mại, duyên dáng, tinh tế, uốn lượn kỳ khu như rồng bay phượng múa, không thể hiện một chút ngông vô vị vô duyên nào như Nguyễn Đăng Mạnh viết bậy. Ông Mạnh bồi tiếp cho Nguyễn Tuân một đòn nốc ao: “ĐÃ NGÔNG THÌ PHẢI NÓI NGANG NÓI NGƯỢC” (chữ in hoa do TMH nhấn mạnh). Không, Nguyễn Tuân có giọng văn duyên dáng nhẹ nhàng tinh tế bậc nhất Việt Nam, chẳng hề thấy ông nói ngang nói ngược bao giờ. Chỉ có Nguyễn Đăng Mạnh nói ngang nói ngược nói bậy bạ về Nguyễn Tuân mà thôi!

Thấy văn Nguyễn Tuân bị Nguyễn Đăng Mạnh xử tử chưa chết, ông đao phủ phê bình Nguyễn Đăng Mạnh bèn bồi cho văn chương Nguyễn Tuân phát sung ân huệ cuối cùng: “Con người thích chơi ngông ấy rất khoái khi ném ra được những nghịch lý, nghịch thuyết . Chủ nghĩa xê dịch cũng là một thứ nghịch thuyết…” (tr.154)

Nguyễn Tuân dưới tuyền đài hẳn rất buồn đau khi biết Nguyễn Đăng Mạnh ném bùn dơ lên mặt mình như thế! Sao hậu duệ của Nguyễn Tuân không kiện ông Mạnh ra tòa vì tội phỉ báng một thiên tài văn học có giọng văn tuyệt mỹ như thế  là nghịch thuyết , là ăn nói ngang ngược?

Viết dông dài bậy bạ “ngông là tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Tuân” nhàm quá, ông lại quay ra bảo, không, tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Tuân là yêu nước: “Tư tưởng nghệ thuật cơ bản của Nguyễn Tuân là một tinh thần yêu nước thiết tha” (tr.27). Chao ôi, tinh thần yêu nước là phạm trù tình cảm, nhờ có “thiên tài” Nguyễn Đăng Mạnh chợt biến thành tư tưởng là sao?

Viết bậy mãi về Nguyễn Tuân cũng chán, Nguyễn Đăng Mạnh quay sang viết bậy về Xuân Diệu. Ông Mạnh nhận xét thơ Xuân Diệu: “Ở  Xuân Diệu là thế giới hồng tươi mơn mởn và đầy tính sắc dục” (tr.13). Không, thơ Xuân Diệu tuy có nói đến thân xác, đến ngực đến môi, ôm xiết nồng cháy nhưng chỉ là thứ ngực môi của tình đầu trong sáng không phải là thứ tình yêu “đầy tính sắc dục” như ông Mạnh ngộ nhận. Hãy nghe Nguyễn Đăng Mạnh nói về tư tưởng nghệ thuật của Xuân Diệu: “Vậy tư tưởng Xuân Diệu là gì? Tôi cho rằng Xuân Diệu là nhà thơ của niềm giao cảm hết mình giữa con người với con người” (tr.119). Chao ôi tư tưởng sao lại là niềm giao cảm hả ông giáo sư? Kết luận về thơ Xuân Diệu trên đây đặt vào Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc từ đều đúng vì ông nhà thơ nào, văn sĩ nào không “giao cảm với đời”!

Hãy xem Nguyễn Đăng Mạnh tiếp tục viết bậy về Vũ Trọng Phụng: “Tư tưởng nghệ thuật cơ bản của Vũ Trọng Phụng có nội dung triết lý bi quan định mệnh chủ nghĩa”( tr. 25). Bi quan sao lại là tư tưởng hả ông giáo sư? Xem ông Mạnh viết tiếp: “Tư tưởng nghệ thuật cơ bản của Vũ Trọng Phụng: ấy là tâm trạng phẫn uất khôn nguôi” . Ôi, “tâm trạng phẫn uất khôn nguôi” ơi, ta chào mi, vì sao mi đang là tâm trạng lại thoắt biến thành tư tưởng hở trời?

Hãy xem Nguyễn Đăng Mạnh viết bậy về Ngô Tất Tố: “Nhiều người cầm bút ở nước ta vừa là nhà văn, vừa là nhà báo. Riêng Ngô Tất Tố thì chủ yếu là nhà báo” (tr.39). Về hiện tượng, quả tình Ngô Tất Tố sống bằng nghề viết báo, mà bài báo của ông rất hay; nhưng bản chất ngòi bút của văn hào Ngô Tất Tố là nhà văn, là một văn hào lớn nhất của dòng văn học hiện thực phê phán với kiệt tác “Tắt đèn”. Ngoài ra các uốn tiểu thuyết “Lều Chõng”, “Việc Làng”, “Tập án cái đình”… của ông đều là những tiểu thuyết nổi tiếng. Viết như Nguyễn Đăng Mạnh là giết chết một văn hào!

Hãy xem Nguyễn Đăng Mạnh thể hiện “cái tài” đọc thơ mà không hiểu thơ, bèn viết rất nhảm nhí về một câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên:

“Ta là ai? như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt

Ta vì ai ? Khẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh”

Hãy nghe ông giáo Mạnh bình câu thơ trên một cách chết cười như sau: “Ta là ai? Là câu hỏi về tài. Ta có tài viết văn thực không? Tài ấy là tài viết về cái gì, thể hiện tư tưởng gì, thuộc khuynh hướng cảm hứng nào, lãng mạn hay hiện thực? Câu hỏi “ta là ai” nhà văn phải đặt tự đặt cho mình ngay từ  khi bắt đầu cầm bút… Ta sinh ra có phải để làm nhà văn không?” (tr.73)

Bình thơ kiểu ngô nghê tầm phào như trên, chứng tỏ Nguyễn Đăng Mạnh không hề có một chút thẩm mỹ văn học nào, thua một học sinh phổ thông.

Không, câu thơ “Ta là ai? như ngọn gió siêu hình” là một câu thơ lên án chủ nghĩa vị kỷ lấy mình làm cái rốn vũ trụ. Nó thể hiện sự chia tay của nhà thơ với triết học siêu hình để đi đến với mọi người theo ý thơ của Paul Eluard: “từ chân trời một người đến với chân trời của mọi người” nên mới có câu thơ sau: “Ta vì ai khẽ xoay chiều ngọn bất”… Đó là con đường nhận thức của Chế đang tự đập con ốc cô đơn để chạy ra cùng nhân dân đất nước, không phải cái ý nghĩa tầm phào bậy bạ của nhà lý luận phê bình không hề có chút năng khiếu thẩm văn chương là ông đao phủ chuyên giết văn thơ Nguyễn Đăng Mạnh.

GS. nhà giáo nhân dân Nguyễn Đăng Mạnh còn sản xuất ra những thuật ngữ vớ vẩn, buồn cười khác để chứng tỏ mình là nhà lập thuyết: “chủ nghĩa nhân đạo thống thiết” (tr.35), (chả lẽ còn chủ nghĩa nhân đạo rên rỉ ư?) “chủ nghĩa hiện thực mãnh liệt” (tr.27) (chả lẽ còn thứ chủ nghĩa hiện thực ỉu xìu hay sao?)….

Tóm lại, “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn” của GS. Nguyễn Đăng Mạnh là một cuốn sách viết bậy là chính, viết đúng và hay hầu như chưa thấy,.

(Cáo lỗi cùng quý bạn đọc, vì phải tự đánh máy lại bài viết này nên chúng tôi đã bỏ bớt đi bốn trang in theo bản chính đã in trong cuốn “Hầu chuyện các giáo sư” do NXB Văn Học ấn hành năm 1999, và đã in trọn vẹn trên báo “Văn Nghệ” số 33 năm 1995)

T.M.H.

 

………………………………..

 

TỐ HỮU HAY LÀ SỰ VONG THÂN NGHỆ THUẬT TRONG TRÒ CHƠI QUYỀN LỰC

 

Trần Mạnh Hảo

 

“Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt

Đảng ta đây xương sắt da đồng”

(trích trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có đảng” của Tố Hữu.

Đây là tên cuốn sách của Tố Hữu: “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại "Nhân Văn - Giai Phẩm" trên mặt trận văn nghệ”, nhà xuất bản Văn Hoá, 1958; Tố Hữu đã nhận định về phong trào này và những người bị coi là dính líu với sự bịa tội, vu cáo tột đỉnh, như một bản án chết người, tàn nhẫn nhất, vô nhân đạo nhất, như sau:

“Lật bộ áo "Nhân Văn – Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, Trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm; (tr.9. Sđd)... Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ. (trg17.Sđd).

Báo cáo tổng kết vụ "Nhân Văn – Giai Phẩm" cũng do Tố Hữu viết có kết luận về tư tưởng chính trị và quan điểm văn nghệ của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm như sau: Xuyên tạc mâu thuẫn xã hội, khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo, phản đối văn nghệ phục vụ chính trị nhưng thực ra là phản đối văn nghệ phục vụ đường lối chính trị cách mạng của giai cấp công nhân, muốn lái văn nghệ sang đường lối chính trị phản động, đả kích nền văn nghệ kháng chiến, đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng.

Với những tội danh tày trời do Tố Hữu gán cho hàng trăm người là “nhân văn giai phẩm”, hoặc dính líu đến phong trào này, đảng và nhà nước phải xử bắn hết bọn họ mới xứng đáng.

Mấy chục năm sau, đại tá công an A 25 phụ trách văn học của Bộ công an Việt Nam là Thái Kế Toại, (bút danh Lê Hoài Nguyên) đã viết một bản tường trình dài, sau hơn ba mươi năm nghiên cứu đề tài này, đã lớn tiếng minh oan cho các nhà văn nhà thơ, các nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà trí thức lớn với tiêu đề công trình:

VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM MỘT TRÀO LƯU DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC KHÔNG THÀNH

LÊ HOÀI NGUYÊN (tên thật Thái Kế Toại đại tá công an A 25 phụ trách phần văn học)

Xin trích vài đoạn trong công trình này:

“VGP trước hết là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học đòi hỏi dân chủ hóa ở miền Bắc Việt Nam năm 1954- 1960 có nguồn gốc và đã xảy ra trong nội bộ Đảng CSVN, trong bộ máy Chính phủ Kháng chiến chống Pháp do Hồ Chí Minh lãnh đạo trong quá trình đi từ chủ nghĩa dân chủ tư sản đến chủ nghĩa cộng sản hình thái Mao Trạch Đông (1948 – 1954), bùng phát vào thời điểm đặc biệt 1955-1957 trên các lĩnh vực triết học, tư tưởng, pháp luật, giáo dục, văn học nghệ thuật, báo chí chủ yếu trên các ấn phẩm báo Nhân Văn, Sáng Tạo, Trăm Hoa, Tự Do Diễn Đàn, Đất Mới- Chuyện Sinh Viên, Văn… và các sách dạng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu, Giai phẩm Mùa Đông, Sách Tết, Vũ Trọng Phụng…do khởi xướng hầu hết là số văn nghệ sỹ, trí thức tài năng, có nhiều công lao trong kháng chiến chống Pháp, trong quân đội, bị đàn áp và xét xử công khai bằng một vụ án Tổ chức chính trị hoạt động gián điệp lật đổ chính quyền nhân dân với cái tên Nhân Văn- Giai Phẩm, tiếp theo là việc xử lý bằng các hình thức trừng phạt nội bộ với hàng trăm giáo sư, thày giáo, sinh viên, nhà văn, nghệ sỹ điện ảnh sân khấu, nhạc sỹ, họa sỹ, kiến trúc sư, phóng viên, xuất bản , cán bộ lãnh đạo, nhân viên một số bộ ngành, cơ quan nhà nước…”

https://dotchuoinon.com/.../v%E1%BB%A5-nhan-van-giai-ph.../

Như vậy, Tố Hữu trong cuốn sách lên án “Nhân Văn giai phẩm” ra năm 1958, đã bịa đặt ra bao nhiêu tội không hề có của những người NVGP gồm tội chống đảng có tổ chức, toan lật đổ chế độ, toàn bọn phản động ma cô đĩ điếm con cái tư sản địa chủ thâm thù với cộng sản, phải tiêu diệt bọn chúng.

Trong khi nhóm NVGP (nhân văn giai phẩm) thực chất chỉ là một cách cách tân văn học không thành như đại tá công an phụ trách văn học Bộ công an đã kết luật.”

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà phê bình văn học Thụy Khuê trên RFI, bà nói: "Thực chất phong trào Nhân văn Giai phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống - không phải chống đảng cộng sản đâu, mà đấy là chống- cái chủ nghĩa Stalin và chống chủ nghĩa Mao Trạch Đông."

Mở đầu cuộc đàn áp nhóm NVGP, do Trường Chinh – tổng bí thư đảng và Tố Hữu lúc ấy là ủy viên trung ương đảng phụ trách tuyên truyền chủ trương, đã xảy ra một cuộc hội thảo tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu do nhóm Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Tử Phác, Phác Văn… chủ trương chê bai tập thơ này của Tố Hữu nhạt nhẽo, rất dở, thiếu tính đảng và tính nhân dân…

Và Tố Hữu làm cuộc trả thù kinh hãi, để toan giết hết bọn dám chê thơ mình này, vu cho họ chống đảng, lật đổ chính quyền, móc nối với Mỹ Diệm trong Nam… Được sự nhất trí của Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu chỉ đạo trực tiếp cuộc đánh giết này một cách không thương tiếc.

Tại sao Tố Hữu lại tàn ác như thế?

Chàng thanh niên Nguyễn Kim Thành quê làng Phù Lai, Quảng Thọ, Quảng Điền con nhà nghèo sinh năm 1920 ra Huế học trường Quốc học, vốn hiền lành, nhân hậu, lại học giỏi, dễ thương. Bạn học cùng khóa với Huy Cận, Xuân Diệu… ai cũng khen anh hồi ấy thơ đã khá hay.

Nhưng rồi thời cuộc đưa đẩy anh Thành vào gió bụi khi phong trào cánh tả, mặt trận bình dân bên Pháp thắng cử lên cầm quyền 1936-1939. Đảng cộng sản Đông Dương được phép ra công khai, sách báo cộng sản tràn lan khắp Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các tỉnh khác.

Anh Nguyễn Kim Thành hay đến tiệm sách của ông Nguyễn Khoa Văn đọc sách cộng sản, được các ông cộng sản gộc Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu... tuyên truyền giáo dục. Năm 1936, với lòng yêu nước và say mê lý tưởng cộng sản, anh Thành tham gia đoàn thanh niên dân chủ Đông Dương. Năm 1938 Nguyễn Kim Thành vào đảng và hoạt động bí mật tại Huế…

Thuở ấy, tâm hồn anh Thành đẹp lắm, lý tưởng lắm, đâu đã ác độc như sau này anh đứng ra vu cáo và tiêu diệt anh em NVGP.

Tháng 4-1939 anh Thành – tức nhà thơ Tố Hữu bị Pháp bắt. Anh bị giam tại lao Thừa Phủ, dẫu bị giặc tra tấn dã man, anh vẫn không chịu khai ra đồng chí của mình. Anh bị giặc giải đi hết các nhà tù này đến nhà tù khác. Anh dám hi sinh thân mình cho đảng, cho đất nước độc lập.

Anh và các đồng chí cộng sản của anh thời trong lao tù giặc anh hùng lắm, đẹp lắm…

Và thơ anh viết những ngày trong lao tù cũng đẹp lắm, hay lắm, chân thành và xúc động lắm. Thơ ấy đã in trong tập thơ “Từ ấy” 71 bài, tập thơ hay nhất đời anh.

Chúng ta hãy nhìn Tố Hữu và tập thơ “Từ ấy” bằng cái nhìn lịch sử, không áp đặt cái nhìn thiên kiến hôm nay để xóa sổ hay bôi đen một “thời thanh niên sôi nổi” anh hùng, dũng cảm, bền gan đấu tranh với giặc Pháp trong tù ngục. Hàng trăm chiến sĩ Quốc Dân Đảng, Cộng Sản đã bị đày ải trong tù , đã bị đưa ra trường bắn.

Ai bảo những người con của dân tộc Việt, dù là quốc gia hay cộng sản, đã hi sinh cho dân tộc đất nước trước năm 1945 là không đẹp?

Cho đến nay, tôi luôn yêu mến và đánh giá cao tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu. Ô ng với tập thơ này, xứng đáng được gọi là nhà thơ cách mạng như thơ ca yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vậy!

Vả, ông đã đến với chủ nghĩa cộng sản bằng sách báo Pháp. Thuở ấy, trước khi Tố Hữu vào đảng, qua sách báo Pháp, gương của các nhà văn, nhà thơ lớn, họa sĩ lớn Pháp và thế giới gia nhập đảng cộng sản, hoặc có cảm tình với cộng sản như:

 Pablo Picasso (1881-1973) họa sĩ Tây Ban nha đảng viên cộng sản Pháp sau này bỏ đảng; Adre Gide (1869-1951) Nobel 1947, đảng viên cộng sản Pháp, năm 1936 sang thăm Liên Xô về Paris tố cáo Liên Xô là trại tập trung và ra khỏi đảng; Romaini Rolland (1866-1944) Nobel 1915, thân cộng, ca ngợi cách mạng tháng 10; Jean-Paul Sartre (1905-1980) giải Nobel nhưng không nhận, đảng viên cộng sản Pháp sau bỏ đảng chống Marx; Albert Camus (1905-1960) Nobel văn học, đảng viên cộng sản Pháp sau này bỏ đảng;Paul Eluard (1895-1952) đảng viên cộng sản Pháp sau này bỏ đảng; chỉ có ba thiên tài văn học sau là đảng viên cộng sản không bỏ đảng:

- Louis Aragon (1897-1982), nhà thơ lớn nhất nước Pháp thế kỷ 20, có bộ tiểu thuyết lớn: “những người cộng sản” , bài thơ “đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”.

- Pablo Neruda (1904-1973) nhà thơ Chi Lê đảng viên cộng sản Chi Lê, Nobel 1971.

- Nazim Hikmet nhà thơ lớn Thổ Nhĩ Kỳ (1902-1963) đảng viên đảng cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng bi kịch cuộc đời Tố Hữu và thơ Tố Hữu là trò chơi quyền lực; Khi đảng cộng sản của ông giành được chính quyền năm 1945, suốt 9 năm kháng Pháp, 21 năm đảng cộng sản nắm quyền ở miền Bắc; sau 30-4-1975 đảng cộng sản nắm quyền trên cả nước, với phương châm độc quyền, độc tôn, độc đảng, tiêu diệt sở hữu cá nhân, tiêu diệt tự do cá nhân, quyền lực đã tha hóa chế độ của Tố Hữu, tha hóa thơ và cuộc đời Tố Hữu…

Khi có quyền, ông và các đồng chí của ông tuyệt đối chủ quan, tuyệt đối coi chủ nghĩa mình là chân lý, rằng đảng không thể sai, chỉ có dân sai thôi…

Tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu được viết ra không phải bởi trái tim chân thành của một cá nhân, mà được viết ra bằng ý thức chủ quan của kẻ cầm quyền… Trong tập này, chỉ bài thơ lục bát “ Việt Bắc” còn có thể gọi là thơ hay.

Lấy chính trị làm gốc, chứ không lấy trái tim làm gốc, thơ của ông từ “Việt Bắc “ đến “ Gió lộng” và các tập khác hầu như chỉ là vè, là tấu chính trị, toàn là thứ thơ dễ dãi, nôm na…

Quan niệm về tình yêu, về thi ca của Tố Hữu rất thô thiển, rất phi nhân, như khi ông nói với người yêu trong bài “Chào xuân 61”:

“Như buổi đầu hò hẹn, say mê

Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về

Mà nói vậy: "Trái tim anh đó

Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ, và phần để em yêu..."

Em xấu hổ: "Thế cũng nhiều anh nhỉ!"

Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí

Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay”…

Trái tim con người đâu phải quả dứa mà Tố Hữu xẻ ra này phần của đảng nhiều nhất, phần của em ít nhất, phần anh dành cho thơ khá hơn một tí… Khi yêu đảng thì ông cũng phải lấy cả tim ra yêu, khi yêu vợ cũng phải lấy cả quả tim ra yêu, khi làm thơ ông cũng phải dùng cả quả tim rung động thì thơ ông mới hay được chứ? Hèn gì thơ ông dở vì ông chỉ dành cho nó một mẩu tim bằng cái móng tay. Vả, cái người đàn bà yêu ông hình như chỉ là cái máy, không phải con người, vì nếu là người đàn bà đang yêu, bà ta đòi ông cả trái tim cơ. Có bà nào chỉ được chồng bố thí cho tí tim bằng con kiến mà đã sướng run gật đầu thế…?

Xem ra Tố Hữu là người không hề biết yêu bất cứ thứ gì dù là đảng, dù là vợ, dù là thơ, vì trái tim ông chỉ là một cục đất sét…

Tố Hữu, nói cho cùng, là một nhà thơ không tim; nên ông mới viết bài thơ ca ngợi Stalin – kẻ giết người hơn cả Hitle:

Xin đọc bài thơ ca ngợi Stalin của Tố Hữu, để xem thơ của ông kinh hãi đến chừng nào khi ông khóc kẻ độc tài khát máu hơn khóc cha khóc mẹ mình:

ĐỜI ĐỜI NHỚ ÔNG

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh

Ông Stalin bên cạnh nhi đồng

Áo Ông trắng giữa mây hồng

Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười

Stalin! Stalin!

Yêu biết mấy, nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

Hôm qua loa gọi ngoài đồng

Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao

Làng trên xóm dưới xôn xao

Làm sao, Ông đã... làm sao, mất rồi!

Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!

Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương Ông thương mười

Yêu con yêu nước yêu nòi

Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!

Ngày xưa khô héo quạnh hiu

Có người mới có ít nhiều vui tươi

Ngày xưa đói rách tơi bời

Có người mới có được nồi cơm no

Ngày xưa cùm kẹp dày vò

Có người mới có tự do tháng ngày

Ngày mai dân có ruộng cày

Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai

Ơn này nhớ để hai vai

Một vai ơn Bác một vai ơn Người

Con còn bé dại con ơi

Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông!

Thương Ông mẹ nguyện trong lòng

Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con

Ông dù đã khuất không còn

Chân Ông còn mãi dấu son trên đường

Trên đường quê sáng tinh sương

Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng

Ngàn tay trắng những băng tang

Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời.

(5-1953)

Thơ như thế này là phi nhân, hay nhân bản?

Không tim, nên Tố Hữu mới ca ngợi Mao Trạch Đông, kẻ đã giết cả trăm triệu dân Trung Hoa:

“Mao trạch đông

Trán người cao lồng lộng

Đẹp như một ngọn cờ hồng

Trên mặt người mặt đất rộng mênh mông”

Không tim, nên Tố Hữu mới coi Việt Nam Trung Hoa không cần biên giới:

“Bên kia biên giới là mình

Bên đây biên giới cũng tình quê hương”

 Ngay cả những bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu như: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Ta đi tới”, “Ba mươi năm đời ta có đảng” cũng chỉ là những bài tấu, bài vè, rất ít câu thơ…

Tóm lại, từ một chàng trai yêu nước, yêu lý tưởng cộng sản, đi qua tù ngục, rất anh hùng, rất quả cảm, Tố Hữu trở thành nhà thơ cách mạng, thành người cầm quyền bị cái chủ nghĩa diệt cá nhân, diệt tư hữu, độc quyền ảo tưởng và lừa bịp tha hóa, biến ông thành độc ác, biến thơ ông thành công cụ chính trị, công cụ tuyên truyền. Đi theo cách mạng, theo đảng, Tố Hữu thành vong thân, ông không còn là bản thân thiện lành như xưa nữa, mà trở thành công cụ đàn áp, thành cái loa cho một thời đại không tim, như câu thơ chia tim thành ba phần cho đảng nhiều, cho thơ và em yêu chút chút mà thơ ông đã viết…

Trần Độ, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu… thảy đã đi con đường giống ông, họ cũng bị tha hóa như ông, vong thân như ông, nhưng họ đã sám hối; còn ông gây đau thương cho hàng bao người mà ông cuối đời vẫn quyết im lặng, không một lời hối lỗi… Ông đã đau đớn lắm khi nghe tin chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới…

Sắp tới 100 năm ngày sinh Tố Hữu: 4-10-1920, người ta đang chuẩn bị xây tượng đài và nhà tưởng niệm cực lớn cho ông; dù tâm hồn ông, thi ca ông đã dần dà rời khỏi lòng dân và sẽ còn bị lịch sử phán xét. May mắn thay, vẫn còn tập thơ “Từ ấy” làm của ăn đường cho ông ở kiếp sau.,.

Sài Gòn 16-2-2020

(Viết thêm lúc 2 h 27 phút ngày 17-2-2020: Năm 1945 Tố Hữu làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế, cùng với Nguyễn Chí Thanh bí thư tỉnh ủy đã ra lệnh thủ tiêu thượng thư Phạm Quỳnh, cha con cụ Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thân, bắt ngót trăm người yêu nước Quốc Dân Đảng rồi đem lên rừng thủ tiêu hết, trừ cụ Tôn Thất Tần sống sót vì biết dùng thuốc nam chữa bệnh cho các tù nhân cộng sản)

T.M.H.

 

………………………………………………

 

 

ĐỖ LAI THÚY KHEN THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU KHÔNG BIẾT NGƯỢNG

 

Trần Mạnh Hảo

 

Tạp chí “Nhà văn & Tác phẩm” số 42 / tháng 7-8 -2020 của Hội nhà văn Việt Nam có in bài của Đỗ Lai Thúy với tựa đề: “Thế giới thơ Thiều, một lối vào”. Trước khi bàn về lối khen, lối nịnh, lối bốc thơm không biết xấu hổ của Đỗ Lai Thúy với thơ Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi xin nói qua về ông Đỗ Lai Thúy.

Tháng 5 – 1980, nhà nghiên cứu văn học Chu Văn Sơn đã gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam một văn bản khá dài, tố cáo ông Đỗ Lai Thúy đã ăn cắp nhiều đoạn, nhiều mảng, nhiều trang trong cuốn “Vũ Trụ Thơ” của nhà phê bình văn học hải ngoại Đặng Tiến in tại Sài Gòn năm 1972 để viết ra cuốn “Con mắt thơ” mà Hội nhà văn sắp trao giải thưởng nay mai. Lập tức tin này làm chấn động dư luận, với bằng chứng rành rành giấy trắng mực đen không thể chối cãi tội ăn cắp văn quá trắng trợn của Đỗ Lai Thúy, Hội nhà văn đã chấm dứt chuyện trao giải thưởng cho cuốn “Con mắt thơ” của Đỗ Lai Thúy. Sau này, ông Thúy bỏ những đoạn ăn cắp văn của Đặng Tiến, nhưng cái hồn cái cốt cái tứ ông Thúy thó của người ta vẫn còn nguyên đấy và in lại thành cuốn “Mắt thơ”. Đấy là cuốn sách đầu đời của Đỗ Lai Thúy.

Lạ một điều, Đỗ Lai Thúy không có một chút xíu trình độ nào về thơ, dốt, i tờ rít, không phân biệt được thơ và văn xuôi, không phân biệt được thơ hay và thơ dở mà dám cả gan viết sách, viết báo về thơ. Xin chứng minh:

Trong bài đã dẫn, Đỗ Lai Thúy trích ra một đoạn gọi là thơ của Nguyễn Quang Thiều sau đây để tán hươu tán vượn:

“Dây vĩ cầm cuối cùng trăng đêm vụt tắt

Bức phông đen tụt xuống lõa lồ

Ôi vở kịch cuộc đời

Màn cuối

Tiếng hề cười

Băm chả những u mê”

(Con bống đen đẻ trứng – Nguyễn Quang Thiều)

Đoạn viết lảm nhảm xuống dòng liên tù tì trên của Nguyễn Quang Thiều không phải thơ; gọi là thơ dở cũng không. Vì dù nó dở thì cũng được gọi là thơ dở. Tôi thách các “nhà Thiều học” như Đặng Thân, Nguyễn Chí Hoan, Nguyễn Đăng Điệp, Lưu Trọng Văn… vào đây để chỉ cho mọi người đoạn trích trên là thơ đấy!

Bởi đoạn viết trên của Nguyễn Quang Thiều không có câu nào là thơ, không câu nào dính với câu nào, nó vô nghĩa, dễ dãi, tào lao, vớ vẩn đến không gì vớ vẩn hơn.

Cũng giống như Đỗ Lai Thúy đưa con ễnh ương ra làm thí dụ rồi gọi nó là chim, điển hình chim, để thuyết trình luận án chim học của mình vậy.

Đỗ Lai Thúy gọi đoạn thần chú của ông mo Mường Nguyễn Quang Thiều trên là “hậu hiện đại”. Ông Thúy, xin ông hãy giải thích một câu ngắn về cái món đánh quả tù mù gọi là “hậu hiện đại” nghĩa là sao? “Hậu hiện đại” thơ nghĩa là không phải thơ à? “ Hậu hiện đại” người nghĩa là không phải người à? Rồi Đỗ Lai Thúy viết ra những dòng thậm vớ vẩn, thậm tào lao như sau:

“Thơ Việt Nam, từ đầu thế kỷ đến nay đã hai lần thay đổi hệ hình: từ tiền hiện đại sang hiện đại và từ hiện đại sang hậu hiện đại. Lần thứ nhất từ mô hình thơ nghĩa- chữ sang chữ-nghĩa, dù vẫn là thiểu số nhưng coi như hoàn tất. Lần thứ hai từ mô hình thơ chữ-nghĩa sang chữ-nghĩa-chữ thì đang tiếp diễn, định hướng nhưng chưa hẳn đã định hình. Có điều những chuyển đổi ấy không nối tiếp mà gối tiếp, nên trong mỗi dòng thơ, thậm chí trong mỗi nhà thơ, tồn tại cùng lúc cả ba hệ hình. Bởi thế, đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, nhất là định dạng thơ ông, tôi phải lần giở đường đi của thơ, để tìm vào một lối thơ ông” (hết trích)

Lạy chúa tôi, ông Đỗ Lai Thúy đánh quả tù mù theo phương pháp luận “kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké, cắn ké là mẹ kỳ nhông”, cứ lẩm cà lẩm cẩm tào lao chữ sang nghĩa, nghĩa sang chữ, ấm ớ hội tề, tôi thách các nhà “thiều học” trên hiểu ông Thúy nói gì mà cứ như chão chàng ăn vụng bột vậy?

Đỗ Lai Thúy học theo lý thuyết bỏ hẳn nghĩa ra khỏi chữ của đám “hậu hiện đại” để hô: đả đảo nghĩa, chữ vô nghĩa muôn năm.

Xin hỏi các ông, phàm vật nào tồn tại cũng có nghĩa của nó. Bỏ ý nghĩa ra khỏi chữ, thì chữ đó vô hồn, thơ đó vô hồn như thơ của ông Mo Mường Nguyễn Quang Thiều ông Thúy vừa trích ra làm một điển hình để lập thuyết thơ!

Nghĩa, hay ý nghĩa chính là ý thức đấy. Không còn ý thức không còn nhận thức không còn là con người nữa, thưa ông. Qúa trình vô thức hóa thơ của các ông là một quá trình giả, một quá trình điên. Ngay đến sự vô nghĩa cũng có nghĩa của nó. Theo ông Thúy và các nhà hậu hiện đại, thơ chỉ cần cảm xúc, không cần ý nghĩa, không cần ý thức.

Xin các ông hiểu cho: CẢM VÀ NHẬN LÀ MỘT QUÁ TRÌNH ĐỒNG THỜI, không thể tách CẢM ra khỏi NHẬN, tách HỒN ra khỏi XÁC, tách CHỮ ra khỏi NGHĨA được và ngược lại. Bỏ nhận thức, bỏ nghĩa ra khỏi chữ, bỏ ý nghĩa ra khỏi thi ca, nghĩa là các ông đã bỏ cả cảm xúc khỏi thơ, thưa ông Thúy. Thế thì trong “CON MẮT THƠ” của Đỗ Lai Thúy còn đếch gì thơ nữa?

Cho nên bài viết ca tụng ông Thiều này, cả các bài viết khác của Đỗ Lai Thúy về thơ đều phi thơ, đều là đánh quả tù mù, làm sai lạc nhận thức của lớp trẻ về thơ. Ông Thúy, chính là thầy bói mù sờ con voi thơ vậy!

Trần Mạnh Hảo xin nhái thơ Nguyển Quang Thiều và nhái phương pháp luận kỳ nhông của Đỗ Lai Thúy mà viết như sau:

Thơ nhái:

“Con thạch sùng cuối cùng sao đêm đứt đuôi

Con lợn lõa lồ tụt quần bóng tối

Lỡm à xã hội nhảy cẩng

Giường chiếu

Hềnh hệch cười khóc

Tí toáy tình ma”

Bình nhái:

Thơ mà còn hiểu được là thơ đểu. Hãy đuổi cổ nghĩa ra khỏi chữ, hãy tống cổ chữ ra khỏi nghĩa, còn nghĩa thì hết chữ, còn chữ thì hết nghĩa mới tơ lơ mơ thơ.  Phải lấy con mắt người Maya khi cúng tế để đọc thơ Thiều: không có nghĩa là thế giới bát ngát của thần linh và của thi ca. Cứt có nghĩa gì không? Thơ có nghĩa gì không? Làm tình có nghĩa gì không? Khi ta còn hỏi nghĩa là gì thì ta còn bất lực, không còn đồng bóng ma trơi ma mị liêu trai điên cuồng phi lý nữa.Thơ chấm hết thế giới. Thơ chấm hết cả sự chấm hết; đó là con đường phi con đường để vào thơ Thiều. Amen.,.

Sài Gòn 25-3-2021

T.M.H.

 

 

 

1 nhận xét: