Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

TRẦN MẠNH HẢO BÌNH THƠ CÁT DU VÀ NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH

 



       THƠ CÁT DU CÓ MA KHÔNG ?

 

       Thưa rằng, trong thơ của nhà thơ nữ Cát Du có rất nhiều ma. Ta sẽ cùng nhau khảo sát để xem thơ Cát Du có loài ma nào trong các hệ ma sau: ma lực, ma bút, ma trận, ma thuật, ma xó, ma trơi, ma men, ma túy, ma-ki-ê (maquiller), ma-măng (maman), ma-ra-tông (marathon)…

       Cổ nhân bàn về cái rốt ráo của thi ca, từng nói: “Thi trung hữu qủy” (trong thơ có qủy thần). Thơ muốn hay, phải có qủy thần núp trong câu chữ để mê hoặc người đọc; mà qủy với ma thì “người với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”, “nhất qủy nhì ma thứ ba học trò”.

       Xem ra, thơ muốn cuốn hút người đọc, dứt khoát phải có ma nhập vào câu chữ. Bản chất của văn học là xúc cảm được truyền đạt thông qua ngôn từ, hình tượng, hình ảnh đa ngữ nghĩa. Văn học mang đến cho người đọc nỗi ám ảnh khôn cùng của sự biểu tượng muôn mặt. Thế mà, văn học ta, từ thời du nhập phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, trớ trêu thay, lại rất sợ ám ảnh biểu tượng; nên nhà văn nào bị quy chụp “ biểu tượng hai mặt” là coi như tiêu đời. Bản chất của văn học là biểu tượng muôn mặt. Từ độ văn học  hiện thực xã hội chủ nghĩa xua đuổi sự biểu tượng muôn mặt ra khỏi câu chữ, cũng có nghĩa là thi văn đàn tìm mọi cách xua đuổi ma qủy ra khỏi chữ nghĩa thi ca.

       Một nền thơ vắng bóng qủy thần, vắng bóng những con ma. Những câu nói dài dòng, lẩm cẩm đơn nghĩa, nói toẹt ra như những câu nói thường nhật, xuống dòng liên tù tì được gọi là thơ, được xưng tụng bằng giải thưởng này giải thưởng nọ khiến ma càng khiếp hãi mà bỏ trốn các nhà thơ theo trường phái “chân chân chân, thật thật thật” (Xuân Diệu).Cho nên khi đọc thơ Cát Du, thấy có ma, chúng tôi cả mừng, hi vọng ma đã hết giận hờn mà trở lại cứu nền thơ.

       Cuối năm 2004 đầu năm 2005 ông Nguyễn Quốc Nhân – chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương và nhà thơ Trần Bình Dương – tổng biên tập báo văn nghệ Bình Dương có nhờ chúng tôi đọc chung khảo ngành thơ cho giải thưởng văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ ba (2000-2005). Cát Du tham dự giải thưởng của tỉnh nhà bằng tập thơ đầu tay của chị : tập “ Cảm”. Trong dự tính trao giải do ban sơ khảo chấm, thấy đề tập “ Cảm” của Cát Du được xếp giải ba hoặc giải tư. Sau khi đọc tập thơ của Cát Du, chúng tôi đã trao đổi với ban lãnh đạo Hội văn nghệ Bình Dương và ban sơ khảo; rằng đây là tập thơ hay nhất của giải này, đề nghị xếp giải nhất. Chúng tôi còn nhấn mạnh: tập “Cảm” của Cát Du có thể nói là tập thơ hay nhất của năm 2004 xét trên bình diện thơ cả nước. Đề nghị của chúng tôi đã thuyết phục được tỉnh Bình Dương. Trong các tác phẩm của toàn ngành văn học nghệ thuật của tỉnh tham gia giải thưởng, cuối cùng chỉ có một tập thơ “Cảm” của Cát Du được xếp hạng nhất giải văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ tỉnh Bình Dương lần thứ ba (2000-2005).

       Chúng tôi rất vui mừng thưa với bạn đọc, thơ Cát Du có rất nhiều ma : ma chữ, ma bút, ma lực, ma trận… Xin trích bài “Con diều” trang 82, tập “Cảm” (Hội văn học nghệ thuật Bình Dương xuất bản 2004) :

       “Em như con diều bị đứt dây

       Chúi nhủi giữa từng trời

       Không biết tựa vào đâu

 để ngã”

       Chừng như trái tim nữ thi sĩ hóa thân vào vào con diều đứt dây, chao đảo, chúi nhủi trên khoảng trời trang giấy, trên khoảng trời vô biên của tâm hồn người đọc, không còn khả năng ngã xuống đất của mặt phẳng trang giấy. Khi bị đứt dây, con diều như đưa trẻ con rơi khỏi vòng tay mẹ, chới với giữa trời, thèm được ngã, nhưng không còn điểm tựa. Chợt nhớ Archimèdes từng tuyên bố trong thời cổ Hi Lạp rằng: “hãy cho tôi một điểm tựa ngoài trái đất, tôi sẽ đẩy được trái đất chuyển dịch theo ý mình”.

       Con diều bị đứt dây trong thơ Cát Du đang thèm được ngã, thèm một điểm tựa là trái tim người đọc. Hi vọng, thơ Cát Du, trong niềm u uẩn bơ vơ của tâm hồn đứt dây chúi nhủi cô đơn trên trời, sẽ tìm được xúc cảm của bạn đọc để ngã xuống trong ám ảnh khôn nguôi.

        Hình ảnh con-diều-kiếp-người chao đảo trong vũ trụ hư vô luôn luôn là nỗi ưu tư xao động của nữ thi sĩ. Hạnh phúc được bay lên, chao liệng như chim trên bầu trời danh vọng quả là ước mơ của nhiều người. Tuy nhiên, tâm hồn con người sẽ hạnh phúc hơn nếu đang chơi vơi trong hư ảo được ngã xuống thực tại. Chừng như khi con diều thực đấy mà ảo đấy tìm được tình yêu của gió để sa… ngã. Cát Du chợt hóa thân vào một từ “em” dịu nhẹ mà tìm cách đánh đắm mình trong cơn lốc tình yêu qua bài “Gió thổi” (trang 22) :

“Gió thổi về em bốn phía

Em không cách gì trốn khỏi gió đâu

Gió thổi vào em phần phật

Như bão tình vồ vập-môi anh

Gió có mùi hương của biển

Mùi tinh khiết của hoa

Mùi thơm lừng của rượu

Và đôi khi

Một chút hương của điếu xì gà”

Bài thơ chỉ có chín (09) câu mô tả trận bão tình do “môi anh” rót hết vào “em”. Cái hay của bài thơ nằm trong câu kết. Bài thơ tuy có con ma men “ mùi thơm lừng của rượu” tham dự nhưng con ma trận (kiệm lời, sắp xếp câu chữ sao cho không thừa không thiếu) đã khiến “hương vị của điếu xì gà” trong môi anh, miệng anh thổi hết hương hoa của biển trời vào thân xác và linh hồn em. Đây là bài thơ nữ thi sĩ tả tình, thậm chí tả cảnh làm tình của đôi trai gái, rất nồng nàn, gợi cảm, rất sex mà vẫn rất ý nhị, rất văn hóa vậy.

Tâm hồn nữ thi sĩ tưởng như con diều đứt dây được hạnh phúc trong vòng tay cuồng nhiệt của gió, rốt cuộc, gió mệt nhoài ngủ lịm, diều rơi xuống rồi, nằm trong vòng tay tình yêu của đất rồi mà con diều ấy, em ấy, thân xác ấy và tâm hồn ấy, sau cuộc làm tình của diều-gió ấy, vẫn “ngã phịch xuống chân tường”. Mấy chục năm nay, chúng tôi chưa từng đọc được bài thơ nào hay như bài thơ “ Thít chặt” của Cát Du nói về bi kịch tình yêu trai gái :

“Em thít chặt vào anh

Tưởng không gì lèn qua được

Vậy mà

Có một hạt cát đã lèn giữa chúng mình

Hạt cát lớn thành viên gạch

Viên gạch hóa thành bức tường

Bức tường hóa ra Vạn lý

Cứu em !

Em không cách gì bíu anh cho được

Em rơi

Ngã phịch xuống chân tường”

 Mối lạt tình yêu đã “thít chặt” hai thân xác, hai tâm hồn trong cuộc tình chất ngất hạnh phúc, tưởng là mãi mãi không có gì chia lìa đôi lứa, tưởng rằng diều đã tan vào gió, em đã tan vào anh, ai ngờ số phận chơi khăm, vẫn lèn giữa hai ta một hạt cát chia lìa.

Tưởng gió xì gà, gió mang mùi rượu chát thổi ra từ đôi môi người đàn ông bão lốc ấy đã dìu, đã uống, đã “nhắm” con diều cô đơn trong bữa tiệc hạnh phúc; nhưng chạm đỉnh thì diều kia đã nhìn thấy vực thẳm mất rồi. Con người vừa hoài thai trong bụng mẹ, tạo hóa đã chơi khăm, lén bỏ vào bào thai kia một hạt cát của sự chết. Chào đời, sự sống lớn lên, con người lớn lên thì sự chết như một hạt cát trong thân xác kia cũng lớn lên.

Hạt chết kia sẽ có ngày lớn trùm sự sống, đưa con người trở lại trò chơi sinh diệt tạo hóa mà thành hư không. Hóa ra, cái “thít chặt” kia, hạnh phúc kia, bão tình môi anh kia tưởng rằng đã chiến thắng, đã vô địch, nào ngờ số phận vẫn lèn vào giữa hai ta hạt cát siêu bé , siêu chia lìa, siêu phá đám kia một cục gạch, một bức tường, một vạn lý…

Con diều đang hạnh phúc trong bão tình của gió đã bị gió buông rơi, đành “ngã phịch xuống chân tường”…Hèn gì, ngày xưa, Xuân Diệu từng viết: “Em mãi là em anh mãi là anh ? Có thể nào qua được vạn lý trường thành ?”.

Bản thể cô đơn của vũ trụ chính là hình ảnh của con người ngơ ngác trên mặt đất. Chúng tôi xin lấy bài thơ “Củi than cùng rét” của mình (TMH) để minh họa cho bài thơ trên của Cát Du:

“Chúa ạ lâu rồi con mới rét

Chúa mới vùi con giữa gối chăn

Con như thanh củi lăn vào bếp

Yêu đến thành than rét vẫn hàn”

Anh là thanh củi cô đơn, được lửa tình em đốt cháy. Anh sướng quá mà sáng lên, nóng lên, tỏa nhiệt ngời ngời, mà thăng hoa nổ lốp bốp reo mừng hạnh phúc. Nhưng khi qua cơn nứng-lửa, em thải anh ra khỏi lò tình, anh không còn là củi nữa, anh chỉ còn là loài than thôi.

Mà than thì lại càng rét hơn thân phận củi. Hóa ra, qua lửa tình yêu, củi cô độc hóa thành than cô đơn, cả hai cùng chết… rét.

       Bài thơ trên của Cát Du làm tôi vô cùng kinh khiếp hạt cát bé nhỏ nhoi đang lớn lên giữa các mối quan hệ con người. Cát ngủ là sa mạc, thức dậy nổi giận thành bão cát từng phủ lấp nhiều nền văn minh trên trái đất. Làm sao rửa sạch, phủi sạch cát bụi khi chính con người được sinh ra từ cát bụi : “ Rồi cát bụi lại trở về cát bụi” (Kinh Thánh).

Hèn gì người xưa lấy cát bụi mà đặt tên thế giới này : trần gian (trần = cát bụi = bụi trần = trần cấu). Mới hiểu vì sao giáo sư dạy triết ở Sài Gòn xưa là ông Trần Bích Lan đã lấy cát của Chúa Trời để đặt bút hiệu Nguyên Sa cho thơ mình. Và người đàn bà Bình Dương  Phan Kim Dung, cũng thuộc nòi cát bụi dám cả gan lấy hạt cát rong chơi để làm bút danh Cát Du, đã viết được một bài thơ về bi kịch tình yêu do cát sinh ra: “Thít chặt” đầy xúc cảm, đầy tư tưởng sâu xa hay là thế.

Cứ tưởng con diều cô đơn kia, thân phận tình yêu của người đàn bà từng chúi nhủi, chao đảo lơ lửng con cá vàng trên trời gió táp mưa sa kia đã bị hạt cát xô đẩy xuống chân tường “ngã phịch xuống chân tường” , được tường cho cư trú dưới chân mình, đặng sống chết cô đơn gửi hồn vía dưới chân tường thế là yên, là xong một kiếp người.

Ai dè chân tường kia, đường cùng kia cũng từ chối “em yêu”, chân tường hủi thế vẫn làm cao xua đuổi “ em yêu” :

“Vết nứt ở chân tường

Có một vết nứt ở chân tường

Bao giờ em cũng nhận ra có một vết nứt ở chân tường

Vào phút giây trọng đại

Vào những tích tắc mà con người ta không thể nào chữa được

Những hỏng hóc của mình

Dù rất nhỏ

Chỉ như

Một vết nứt ở chân tường”

(Vết nức ở chân tường – tr. 13)

Chao ôi là kiếp người, một hạt cát rong chơi, bị tình yêu và niềm cô đơn, bị nỗi chết và hư vô đuổi bắt, bị dồn đến chân tường rồi mà chân tường kia, đường cùng kia còn xua đuổi, còn xuất hiện một vết nứt ngay dưới chân tường. Vết nứt chân tường đang dần há miệng chờ sung, chắc chắn sẽ học theo phép lớn dần lên của hạt cát qủy thần nọ mà đổ sụp lên “em yêu”, đổ sụp lên thế giới này như một công đoạn cuối cùng của Chúa Trời trong ngày tận thế.

“Tồn tại hay không tồn tại”, sự hoài nghi triết học của chàng Hamlet xưa giờ vẫn còn day dứt thi ca Cát Du. Tâm hồn nữ thi sĩ chừng như vẫn còn bị sự cô đơn truy nã tận sào huyệt của hạnh phúc. Chả thế mà, trong bài thơ “Thít chặt” viết về nỗi kinh hoàng trước hạt cát lèn giữa hai thân xác yêu đương, Cát Du đã thất thanh kêu “cứu em”.

       Có ai cứu nổi một hạt cát rong chơi giữa trời ? Hình như chúng ta đến thế giới này để kêu cứu, để tự cứu và cứu nhau, để tìm một chân tường, tìm một đường cùng mà tồn tại ? Nhưng than ôi, Cát Du ơi, bạn đọc ơi, đến cả đường cùng cũng từ chối không cho chúng ta cư trú, đành phải núp vào thi ca, núp vào tôn giáo, nhờ vả cầu xin Trời Phật, Chúa Trời “cứu vớt chúng con qua khỏi mọi sự dữ A men” (Kinh đạo Chúa).

Nhưng Chúa ơi, Ngài đã đuổi tổ tiên chúng con ra khỏi thiên đàng trần thế (vườn địa đàng), vì tội ông tổ Adam bị tình yêu của người đàn bà khỏa thân Eva mê hoặc, bị tình dục (hay rắn ?) xui ăn trái cấm để được thông thái. Loài người đã đánh đổi cái chết để lấy tình yêu và sự hiểu biết .

Mang sự hiểu biết trong người để đau khổ, để đi đâu cũng gặp sự dữ chặn đường. Những “em yêu”, những nàng búp bê cát bụi yêu kiều xinh đẹp luôn bị một loài thú dữ ăn thịt không biết no trông rất dễ thương có tên là tình ái đọa đầy, đành “vứt tình vào tối” để “ đi hoang” :

“Đêm qua có một cuộc chia ly

Cuộc chia ly vĩnh hằng của hai trái tim không thuộc về nhau nữa

Trái tim lớn lạnh lùng quay quắt

Trái tim nhỏ se thắt buồn đau

Nàng quay lưng đi về phía không có ánh mặt trời

Vứt tình vào tối

Đêm đông

       Cành khô buốt

Có chú dế rủ rê đi hoang

“ Ừ, thì đi”

Gió đông gì cũng mặc

Nàng buông !

(Đi hoang-tr.87)

       Tiếng thi ca dường như đang khản kêu trong hoang mạc: “Cứu em”. Tai nạn do tình yêu gây ra trên đất nước này, trên thế giới này nhiều gấp bội phần quốc nạn giao thông, nhưng dường như chỉ có thi ca đến cứu ?

Mà thi ca, bằng vũ khí run rẩy và xao động phiêu du mỏng manh dễ vỡ của mình, dường như cũng đang bất lực trong công cuộc cứu giúp những hạt cát cô đơn? May thay, còn có những tiếng vọng từ khuya đêm như tiếng dế cứu nàng. Ô hay, sao lại là tiếng dế, tiếng kèn sẽ hát ru chúng ta vĩnh hằng ngủ ngon trong những nấm cỏ xanh mai hậu?

       Hóa ra, Cát Du khôn thiệt, nàng chọn anh bạn tiếng dế, một kẻ thủy chung nhất với con người mà đi hoang, mà buông mình khỏi thế giới như con diều đứt dây chờ im gió đáp xuống, trốn xuống đất mẹ. Vâng, trước sau gì nàng cũng buông, rời tay bám níu vào trang giấy mà ngoại tình với giun dế, mà “từ bỏ” chốn “Chẳng còn ai/ để yêu”, chẳng còn gì để giải khát cơn hư vô của mình:

“Em từ bỏ anh

Như từ bỏ niềm tin

Không mạ lỵ

Em từ bỏ anh

Như từ bỏ vầng trăng

Không kêu than

Người đàn bà đi trong hoang mạc

Thấy nước ở đằng đông

Chạy đến

Nước lại ở đằng tây

Khát !

Bỏng cháy

Niềm tin nhập nhoạng

Nàng xoay tư bề

Chẳng còn ai

Để yêu

( Từ bỏ – tr.91)

Trang giấy biến thành sa mạc cho hạt cát rong chơi bỏng khát kiếm tìm giọt nước vô vọng. Nước mát đang vẫy gọi nàng ở chân trời, niềm tin đang vẫy nàng ở chân trời. Nàng biến thành con lắc cho các chân trời chơi trò lúc lắc. Nàng bị các chân trời phản bội, bị niềm tin vào nguồn nước mát hư ảo dối lừa.

Nàng là tác giả tập thơ này mà cũng không hẳn là con người cụ thể Cát Du. Nàng là biểu tượng cho một sự kiếm tìm cái toàn bích, cái toàn thiện toàn mỹ trên thế giới không có sự hoàn thiện, tìm kiếm tình yêu trong một thế giới không có tình yêu…

Cát Du trong 60 bài thơ thật ngắn và khá ngắn của tập “Cảm” này, có khoảng hơn mười bài thật hay, vài chục bài khá, còn lại là những bài thơ trung bình, thậm chí có bài còn dở. Ngay tập thơ “ Lửa thiêng” của Huy Cận, từng được dư luận lâu nay cho là tập thơ hay nhất thời hiện đại của Việt Nam, cũng chỉ có hơn mười bài thật hay, hàng kiệt tác, vài mươi bài thật khá còn lại là những bài trung bình, thậm chí xoàng xĩnh.

Chúng tôi không có ý so sánh Cát Du với Huy Cận. Tuy nhiên, để được nói lên điều như lời kêu cứu của chúng tôi với hiện tình thơ nói riêng, văn học nói chung của nước ta hiện nay rằng, xin các nhà phê bình văn học hãy tỉnh thức, thoát khỏi cơn ngủ mê mấy chục năm mà phê bình các tập thơ dở đang lụt lội cả văn đàn. Ngay những tên tuổi nghe rất lớn của nền thơ cũng hầu như đang sản xuất một thứ câu chữ nước ốc rồi ngộ nhận là thơ để ăn hết giải thưởng này sang giải thưởng khác.

Vì vậy, phát hiện ra một Cát Du với nhiều bài thơ hay trong tập thơ đầu tay của chị, chúng tôi mừng vui mà thông báo với mọi người, rằng thơ hay nhất định phải như chiếc công tắc điện, phải được bật sáng trưng văn đàn để người yêu thơ đỡ có cảm giác bị thơ phản bội.

Cát Du vừa ra mắt đã có phong cách riêng, không bị cây đa cây đề nào cớm nắng như hàng loạt cây bút mới gần đây viết hao hao giống các bậc đàn anh, toàn một giọng bắt chước thô thiển mà cũng được giải này giải nọ.

Thơ Cát Du đúng nghĩa là thơ hiện đại, kiệm lời, thoát mọi vần điệu, dùng hình ảnh, hình tượng và câu chữ tưng tửng lạ thường, rất bình dân mà vẫn hết sức sâu sắc. Cát Du là một nhà thơ có tư tưởng.

Triết học của thơ nàng đã hóa thành cảm xúc, thành sự chân tình tưởng rất đỗi ngây ngô. Cát Du còn tiến xa hơn nữa nếu biết vượt qua mình. Tiếc rằng, thi đàn Hà Nội bị nhiễu, không còn đủ cảm xúc và trái tim thơ mạnh mẽ để bắt nổi sóng điện từ phát đi rất mạnh của nữ thi sĩ xứ Bình Dương xa xôi này.

Sau tập “Cảm”, Cát Du còn cho in tập thơ “Nàng” (NXB Hội Nhà Văn 2010). Theo tôi “Nàng” là tập thơ hay nhất của năm 2010 mà các thứ giải thưởng văn học xa xỉ ở Hà Nội vì khuất nẻo đã không nhìn thấy “Nàng”. Chúng tôi, xin trích ra ngay sau đây, năm (05) bài thơ hay của tập thơ “Nàng” để hầu quý bạn đọc. Vâng, thơ Cát Du rất có ma… lực, sẽ ám ta mãi nếu ta đem trái tim thơ ra mà thành tri âm tri kỷ cùng tác giả.

Sài Gòn ngày 29-02-2012

 

NĂM BÀI THƠ TRÍCH TRONG TẬP “NÀNG” CỦA CÁT DU:

 

Ừ THÌ EM CÓ ĐỢI ĐÂU

Em có chờ ai đâu!

Chỉ là tựa cửa thôi mà

Em có chờ ai đâu!

Hình như cơn gió thoáng qua

Hình như lá xào xạc cuốn trong chiều vàng êm

Hình như dấu rêu mòn một chút

Như là có dấu chân ai?

Em có chờ ai đâu!

Chỉ là đứng đợi cơm sôi

Chỉ là vớt bọt nồi canh thôi mà

Ồ! Hình như có tiếng xe

Tiếng xe ngoài ngõ, người dưng đấy mà!

Ư, thì em biết người dưng

“Người dưng” đi mãi “người dưng” không về

Ư, thì em có đợi đâu?!

04/8/2004

 

CHỈ CẦN AI ĐÓ ĐỂ CƯỜI...

Anh yêu!

Chiều nay em vui quá

Em cười nói một mình

Múa may một mình

Cái bóng trên tường cũng vui,

ngất ngưỡng

Em thèm có ai đó để cười

Không cần hôn cũng được

Không cần cần hôn

Chỉ cần có ai đó để cười.

18/9/2004

 

RỜI KHỎI GIẤC MƠ...

Em rời khỏi giấc mơ của anh

để chấp chới bay vào giấc mơ của những đàn ông khác

người trẻ có, người già có,

nhàng nhàng cở anh cũng có

Nhưng em không dám dừng lâu trong giấc mơ của mỗi người

Vì sợ

sẽ nhìn thấy

ở phía cuối giấc mơ

tình yêu bợt ra

ánh nhìn bợt ra

Hãi lắm!

và em lại phải hối hả bay vào giấc mơ của một đàn ông khác nữa

để thấy mình được yêu

như thực

trong đời.

23/6/2005

 

MƠ...

Đêm qua anh ngủ mơ

Thấy trăng tròn vành vạnh

Vỡ òa trên mặt anh

Ôi trăng thơm quá!

Trăng mùi thiếu nữ

Trăng mùi phù dung

Trăng biến thành em

Thơm hương đàn bà

Trăng mùi quỉ sứ

Mùi em

Ngái!

28/3/2006

 

ĐEN

Sao chân em đen thế!

Em dẫm phải bóng mình ư?

Ư, em dẫm bóng mình

Bóng mình đen

Chân em đen

Chân đen chạy khỏi bóng đen

Bóng đen chôp bàn chân nhỏ

Á!

Chân nhỏ tõm vào đêm

thút thít

thút thít

Có tiếng nấc

Đen!

21/3/2006

Chú thích ảnh: nhà thơ Cát Du khi viết tập thơ "Cảm" được giải nhất cuộc thi văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương.

 ………………..

 


"ĐỪNG MÚC CẠN NỖI BUỒN" - CỦA NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH - MỘT TẬP THƠ HAY HIẾM CÓ.

 

Vừa qua, có một nhà thơ trẻ gọi cho tôi : “ Chú ơi, chú đã viết bài khen thơ hai nữ thi sĩ Nam Kỳ là Cát Du và Đinh Thị Thu Vân, còn một tài năng thơ quê Long An là Nguyễn Thị Ánh Huỳnh sao chú bỏ quên không viết bài khen ngợi ?”. Tôi trả lời : “ Chú mới chỉ đọc được chừng hơn chục bài của Ánh Huỳnh in trên báo mạng, khi nào chị ấy in tập thơ, có thể chú sẽ viết”. Nhà thơ trẻ kia ngạc nhiên quá, trách tôi thờ ơ với thời cuộc văn học, rồi ngay lập tức, anh cho người xe ôm chuyển đến nhà tôi tập thơ “ Đừng múc cạn nỗi buồn” ( NXB Hội Nhà Văn 2008, 50 bài) của nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Tôi đã đọc ngấu nghiến tập thơ này, rất thích và viết bài ngay.

Đọc xong tập thơ của Ánh Huỳnh, tôi rất buồn vì nước ta nhìn chung, hầu như thiếu nhà phê bình có con mắt xanh, toàn là một thứ bốc thơm nhau vô tội vạ. Ánh Huỳnh làm thơ tự do, ít khi có vần. Thơ chị hầu như bài nào cũng có tứ hàm súc, ẩn chứa tư tưởng sâu xa, có nhiều câu hay đến giật mình như khi chị viết về mùa thu, hay đến mức chưa có thi sĩ nào viết về mùa thu hay thế : “ Thương lá vàng làm con ở mùa thu”.

Tôi chưa từng được đọc một tập thơ nào trong vòng 40 năm nay lại hay như “Đừng múc cạn nỗi buồn”. 50 bài thơ trong tập toàn từ khá tới hay, hầu như không có bài dở. Xin trích bài thơ đầu tiên của tập :

TỪ GIẤC NGỦ SINH RA

Có phải trời theo gió leo vào mũi con

Đất hóa thành cơm chui vào bụng con

Sông nước mượn cơn khát chảy vào máu thịt con

Nên khi con nhắm mắt

Vẫn nhìn rõ bầu trời

Khi con ngủ say

Vẫn sờ được tay vào sông vào bể

Con là hạt ủ mầm trong lòng mẹ

Con là chồi vươn tự khoảng trời cha

Cái con nhìn thấy khi thức

Nhỏ hơn nhiều lần từ giấc ngủ sinh ra !

Ánh Huỳnh gói tư tưởng mình vào cảm xúc để nó bừng lên ở hai câu cuối, rất thăng hoa : “ Cái con nhìn thấy khi thức / Nhỏ hơn nhiều lần từ giấc ngủ sinh ra”.Chao ôi, con có thể đi hết cái thế giới của thực tại, của ý thức, nhưng con không bao giờ đi hết được thế giới trong giấc mơ của mình. Hình như chúng ta được sinh ra từ giấc mơ của Chúa Trời, từ giấc mơ của cha mẹ ? Ánh Huỳnh, thi sĩ thoát thực tại và được sinh ra từ giấc mơ thi ca.

Chúng tôi xin trích nguyên một bài thơ cuối cùng của tập : “Đừng múc cạn nỗi buồn” :

KIẾP TRƯỚC MÙ TĂM

Đôi khi khùng

em ước

treo cổ lên cọng cỏ

như một giọt sương

sướng nhá

em long lanh

tan ra

cho chồng con kiếm tìm chơi

lại hoảng

vì trước khi hóa giọt sương

em chưa rửa chén

làm người

thật khó bốc hơi

chuồn khỏi thế giới này

em, con bé lá vàng mặc quần áo đất

chơi trốn tìm với gió

rên rỉ hồn thu

ú… u …

có khi tỉnh queo

kiếp trước mù tăm

tai em thành hang dế

ai kêu trong đầu mình

những tiếng ngàn xưa

rích ..rích …

buồn quá

đành phải vui

ai đang hát

yêu đi yêu đi

nhạt miệng kinh khủng

thử lấy tay nắm tóc

tự kéo mình lên khỏi thế giới

để làm gì

em không biết !

Ánh Huỳnh viết bài thơ này rất hiện đại, có phần đùa chơi, thậm chí nhí nhảnh con cá cảnh, nhưng quả tình sâu sắc, khiến người đọc buồn vui giật thót. Bài thơ này là phong cách đặc biệt Ánh Huỳnh, không hề giống ai, và không ai bắt chước được lối thơ có vẻ cà rỡn này của chị. Siêu ! Dường như chị bị đời sống thường ngày dồn tới chân tường, muốn thét mà không thể thét, muốn la mà không thể la, muốn khóc mà không thể khóc, muốn chết quách cho xong mà không thể chết : một cái tức cười nghèn nghẹn, đùa tếu mà đau thương mới thốt ra giọng điệu thơ này : “ buồn quá / phải đành vui” Chị than : “Làm người / thật khó bốc hơi”. Nhưng nhà thơ ạ, chị đã bốc hơi thành thi ca và phả sương mù vào làm cay khóe mắt người đọc. Tư tưởng của bài thơ là tư tưởng mù tăm – một khóe cười rơm rớm nhân sinh.

Thơ Ánh Huỳnh có cấu tứ rất chặt, lối cấu tứ của ngẫu nhiên hứng khởi không phải cấu tứ của ý thức. Dường như mạch thơ đã nằm sẵn trong tâm hồn chị, như nham thạch trong đất ứ đầy phụt lên núi lửa, nên rất khó trích, đành để nguyên cả bài thơ giữa tập này để bạn đọc thưởng lãm :

BÌM BỊP KÊU THƯƠNG

chim bìm bịp

ai bịp mày chim ơi

mà bìm bịp suốt đời

hay sông Vàm Cỏ bỏ mày

đi lấy vợ

hay Đồng Tháp Mười bỏ mày

đi lấy chồng

bìm bịp

tiếng chim kêu

làm góa cả buổi chiều

cho chị ngủ nốt đêm Cần Đước

kêu thương chi cho đau lòng nhau

bật máu cây trạng nguyên

đốt cháy tán bàng

cứ bíp bịp hoài

chị không về Sài Gòn đặng

sợ chồng ghen

có ai lại lấy tiếng chim bìm bịp làm chồng ?

thôi chị phải bỏ đi

không dám ngủ trọn một đêm với tiếng kêu thương

tiếng chim có bùa ngải

bìm bịp bìm bịp…

tiếng kêu vò xé cả trời

nghe chim

có thể chết người

như không !

Ánh Huỳnh có lẽ là nhà thơ viết hay nhất về chim bìm bịp. Bài thơ như một kiệt tác thi ca, chặn hết lối của nhà bình thơ, không còn cách gì khen chê được nữa. Đọc bài thơ mà mắt rơm rớm. Cái rơm rớm hơn mọi lời bình . Ôi chao là những câu thơ rớm máu :

ai bịp mày chim ơi

mà bìm bịp suốt đời

hay sông Vàm Cỏ bỏ mày

đi lấy vợ

hay Đồng Tháp Mười bỏ mày

đi lấy chồng

bìm bịp

tiếng chim kêu

làm góa cả buổi chiều

cho chị ngủ nốt đêm Cần Đước

kêu thương chi cho đau lòng nhau

bật máu cây trạng nguyên

đốt cháy tán bàng.

Hình như Ánh Huỳnh có nuôi một con chim bìm bịp trong hồn. Một hôm nó bay ra và đậu lên trong giấy. Và trang giấy chợt bật khóc nghẹn ngào. Tác giả bài thơ sợ tiếng chim kêu ma ám quá, sợ chồng ghen, đành bỏ chạy khỏi đêm Cần Đước :

cứ bíp bịp hoài

chị không về Sài Gòn đặng

sợ chồng ghen

có ai lại lấy tiếng chim bìm bịp làm chồng ?

thôi chị phải bỏ đi

không dám ngủ trọn một đêm với tiếng kêu thương

tiếng chim có bùa ngải…

Không hẳn tiếng chim bắt hồn mà thơ chị có bùa ngải. Hình như cả tập thơ này đều ám ảnh bởi tiếng chim bìm bịp kêu thảm khốc, khiến nhà thơ mất hết hồn vía, sợ chồng ghen ! Thế này, ai mà là chồng nữ sĩ phải chấp nhận sự lãng mạng này : cái gì đã lọt vào mắt và thơ chị, cái đó bị Ánh Huỳnh hóa, bị thi ca hóa, bị cuồng si hóa. Nghe tiếng chim kêu trong đêm mà phải bỏ chạy về Sài Gòn thì trên đời này, chỉ có nữ thi sĩ quê Cần Đước Long An thôi ! Sợ vãi !

Trong thơ mình, chủ thể xưng ngôi thứ hai là chị, xưng là vợ, xưng là em, xưng là mẹ…có thể là chính tác giả mà có khi không phải là tác giả. Ngôi thứ nhất trong thơ chị, chìm đi, nhòe đi, nửa hư nửa thực hiện ra hình ảnh một người đàn bà sống cam phận, gần như một nô lệ tại gia, trong cảnh chồng chúa vợ tôi, có ông chồng ( ông xã, ba sắp nhở) ghen trời thần đất lở. Tiếng thơ chị cũng là tiếng kêu than đòi quyền sống của người đàn bà, nói gọn lại là đòi nữ quyền, đòi quyền được đối xử dịu dàng, đả đảo mọi sự thô bạo. Chưa có nhà thơ nữ nào trong đời như chị, thèm sự dịu dàng như bóng đêm thèm ban mai. Cả thế giới này, chẳng lẽ không ai đem đến cho chị sự dịu dàng hay sao mà lời thơ chị lại nghẹn ngào dường này, như một kẻ ăn mày sự dịu dàng của cả loài người. Xin bạn đọc đừng làm bay mất sự dịu dàng khi đọc bài thơ “Dịu dàng ơi” của Ánh Huỳnh :

DỊU DÀNG ƠI

Dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi

(Olga Bergon)

Se sẽ thôi ba của sắp nhỏ ơi

Vì ngoài kia hoa quỳnh đang nở

Tươi tỉnh lên ba của sắp nhỏ ơi

Vì ngoài thềm ánh trăng đang tỏ tình với hoa lài

Rạo rực lên ba sắp nhỏ ơi

Vì ngoài đại dương lưỡi sóng đang liếm cát

Thảnh thơi lên ba của sắp nhỏ ơi

Vì trên mái nhà ta trời dịu dàng đang ôm đất

Từ từ thôi ba của sắp nhỏ ơi

Vì ngoài sông phù sa đang hoài thai …

Ôi sự dịu dàng

Có thể biến sư tử thành nai

Thiếu sự dịu dàng

Con nai trong nhà ta có khi thành sư tử

Tôi được hưởng sự dịu dàng trong giấc ngủ

Của người đàn ông ảo không rõ mặt

Ba của sắp nhỏ ơi

Đừng ghen với kẻ hào hoa cuối cùng đang đợi để ga – lăng tôi

Kẻ đó có tên là Đất

Để chết rồi tôi được dịu dàng ôm…

Ánh Huỳnh làm chúng ta bất ngờ vô cùng ở câu kết : “Để chết rồi tôi được dịu dàng ôm”. Hóa ra sự dịu dàng của mẹ đất là sự dịu dàng đời đời sẽ được ôm ấp người phụ nữ bất hạnh; sự dịu dàng của nỗi tủi thân ôm phận người ngủ say dưới nấm cỏ. Nói cho cùng, đất và cỏ mới chính là tình nhân vĩnh hằng, là người chồng muôn thuở của thi ca chị. Cám ơn người đàn ông ảo nào đó đã đi về trong giấc mơ để ban tặng nữ thi sĩ món quà của Chúa Trời là sự dịu dàng vô tận trong cuộc đời thô bạo, bỗ bã hố hầm này.

Người đàn bà trong thơ Ánh Huỳnh hi vọng sinh ra để được “sướng muốn chết”:

SƯỚNG MUỐN CHẾT

Anh bảo em :

– Má mày lấy tao sướng muốn chết !

– Không lấy tao chắc giờ này bán vé số !

Ngày ấy không gặp anh

Em vẫn là con chim manh manh

Lẻ loi đậu tít cành chanh

Lấy chồng như lấy mảnh sành đứt tay…

Lấy chồng sướng muốn chết

Làm mẹ ba đứa nhỏ sướng muốn chết

Thành bà nội được làm ôsin sướng muốn chết

Sướng muốn chết khoảng trời xanh sau bếp

Mưa cho suối chảy trong nhà

Có khi trời xuống la đà nồi niêu

Sướng muốn chết mùi dạ lan hương ngạt thở

Ăn ở với cà với dưa

Đẻ ra mắm muối mà chưa biết tình

Sướng muốn chết đàn ông dạy vợ

Thương lá vàng làm con ở mùa thu

Đám mây muốn chết thành mưa

Tự dưng chim hót tưởng chưa có chồng…

Có cảm tưởng như Hồ Xuân Hương tủi phận hóa thân thành Ánh Huỳnh khiến ngòi bút chị bỗng cay đắng vô vàn, tủi phận vô vàn : “Ăn ở với cà với dưa / Đẻ ra mắm muối mà chưa biết tình”. Tiếng kêu đòi quyền làm một người đàn bà đích tực luôn dằn vặt, vò xé tâm hồn nữ sĩ. Chị là “ lá vàng làm con ở mùa thu” ! Cái đẹp của tàn tạ, của héo úa vẫn có lúc le lói trong thơ chị thành niềm lạc quan, dù là lạc quan tếu, đọc lên mà xót xa, mà mủi lòng :

“Đám mây muốn chết thành mưa

Tự dưng chim hót tưởng chưa có chồng…”

Nhờ nữ sĩ, ta mới biết đám mây chết hóa thành mưa; và chia vui với chị, dù trong cái bếp khói um, tiếng chim vẫn lọt vào rủ rê chị về cái thuở “ chưa có chồng”, cái thuở chị được quyền ngoại tình với cả trời đất, như trong bài thơ lục bát rất Nam Kỳ, rất Ánh Huỳnh, rất hay như sau :

NGƯỜI ĐÀN BÀ VIỄN CHINH

Có ai đang đi ngoài kia

Vào đây chút để tôi chia muộn phiền

Bàng hoàng cơn gió nổi điên

Xé tan tành đám mây thiền trời xanh

Tôi ngồi dưới mái nhà tranh

Mà tâm hồn chạy loanh quanh ngoài đường

Chồng tôi bảo tôi đáng thương

Chuyện nhà lo ít muôn phương lo nhiều

Tôi không nói cũng lắm điều

Hồn tôi như một con diều đứt dây

Tại trời xanh hút lòng cây

Giấc mơ cũng bị trời gây phiền hà

Lại còn chim bướm còn hoa

Lá vàng dụ dỗ tôi ra khỏi mình

Hồn tôi là cuộc viễn chinh

Người chung thủy thích ngoại tình thiên nhiên .

Xin chào người đàn bà viễn chinh, người đàn bà phải lòng với tất cả, “ngoại tình với thiên nhiên”. May mà cái thế giới ảo trong tâm hồn người đàn bà này vẫn còn nguyên cả thiên nhiên trinh bạch, còn nguyên chàng gió, còn nguyên trời xanh cứu rỗi. Ta tìm thấy một tuyên ngôn thơ tuyệt vời của nữ sĩ :

“ Hồn tôi như một con diều đứt dây”

Chỉ có gió mới ghen với con diều đứt dây này mà thôi. Không một người thực tại nào đuổi bắt được tâm hồn “đứt dây” của chị, dù người ấy là “ba sắp nhỏ” đi chăng nữa.

Không phải trai hay ông râu xồm râu quặm nào rủ rê nổi người đàn bà này bỏ bếp núc, bỏ chồng con đi bụi, mà chính chàng “Sở Khanh” có tên là “lá vàng” dám lẻn đến rủ rê tâm hồn chị đi ngoại tình với mùa thu. Đây cũng là một tuyên ngôn thơ thú vị của Ánh Huỳnh :

“ Lá vàng dụ dỗ tôi ra khỏi mình”

Một câu thơ hay tuyệt. Trời ơi, chỉ một chiếc lá vàng rơi đã “dụ dỗ” được chị ra khỏi hồn mình phiêu du với anh gió, với chị mây. Hình như thân xác ta càng bị kẻ khác dồn vào bế tắc cùng đường thì tâm hồn ta càng tìm mọi cách tự giải thoát mình ra khỏi hoàn cảnh, càng thích phiêu du với trăng sao sông nước. Cám ơn Trời Phật, cám ơn Chúa đã ban cho ta linh hồn biết bay nhảy khắp vũ trụ, biết tìm thấy sự an ủi của tha nhân, dù là tha nhân ảo như thơ Ánh Huỳnh đã tìm được tri âm tri kỷ lá vàng.

Người đàn bà trong thơ Ánh Huỳnh đã tìm ra hạnh phúc ngay trong nỗi bất hạnh hôn nhân. Bài thơ “Trăng sừng bò” là bài thơ tình hay một cách hóm hỉnh, cái hay của tiếc nuối thời con gái, chấp nhận tàn phai vì chồng con, hi sinh cho hạnh phúc gia đình. Xin trích cả bài :

TRĂNG SỪNG BÒ

Anh bảo em :

ngước mắt lên dòm buổi tối trên đầu

trăng sừng bò nằm trên nhà ta

ôi trăng sừng bò

anh đã yêu em bởi vầng trăng vểnh ngược

con bò đi chơi

chỉ để lại cặp sừng

em

nghênh đêm

anh ơi

ngày xưa ta chớm đôi mươi

anh với tay lên trời

bẻ trăng sừng bò xuống

cho các con anh bú

giờ chỉ còn trăng

không phải sừng bò !

Bài thơ là một niềm vui sống nơi người đàn bà của chịu đựng, của bếp núc, của chén bát nồi niêu, nhọ nồi khói bếp. Thật bất ngờ câu thơ :

anh với tay lên trời

bẻ trăng sừng bò xuống

cho các con anh bú

Người đàn bà đã mang vầng trăng sừng bò thiếu nữ trên ngực mình, đặng dâng hiến cho chồng con, làm thiên chức phụ nữ. Cái dáng “anh” trong bài thơ thật ngạo nghễ, thật phi thường : “bẻ trăng sừng bò xuống / cho các con anh bú”.Ôi chao, người đàn bà cao lớn như vũ trụ, như thiên nhiên, dùng vú trăng nuôi nấng các hài đồng. Để mấy chục năm người đàn bà ngó xuống : “ giờ chỉ còn trăng / không phải sừng bò”. Cám ơn những người mẹ đã nuôi lớn cả loài người bằng cả tâm hồn mình từng cong vút hai sừng bò sự sống. Thơ Ánh Huỳnh đã chạm vào trái tim những kẻ từng bú sữa sừng bò của bà mẹ trẻ ngày xưa, trong đó có người đang bình tán thơ chị.

Thơ Ánh Huỳnh trong tập này, hầu như bài nào cũng khá, cũng hay, không thể trích ra cả tập để khen được. Chúng tôi đành trích câu để bình phẩm hầu độc giả :

Người đàn bà trong thơ Ánh Huỳnh có thứ vũ khí vô song, như một trái bom thu nhỏ bằng hạt sương, mạnh hơn bom nguyên tử. Ấy chính là nước mắt. Nữ thi sĩ dặn con :

khi yêu

có nước mắt dẫn đường

Có thể nói, con đường nước mắt đã dẫn Ánh Huỳnh tới thi ca. Chừng như kẻ ác không biết khóc ? Khóc là dấu hiệu của nhân tính, của trái tim yêu đạt đến tột cùng. Hình như cả Phật và Chúa đã đi theo con đường này để đến với nhân loại ? Chị dặn con hãy tin vào giọt nước mắt và đi theo nó đến cuộc đời này. Câu thơ hay một cách kinh ngạc. Hình như con đường của dân tộc ta đang đi cũng là con đường nước mắt, con đường đau thương mà thi ca Ánh Huỳnh đã trải qua. Chị lại viết thật hay về nước mắt, chao ôi chết rồi nằm trong mồ sao lệ vẫn còn tuôn :

Mẹ giấu nước mắt vào thơ

Cám ơn giọt lệ bơ vơ làm người

Cám ơn khóc núp trong cười

Cám ơn nước mắt chết rồi còn tuôn…

Tôi yêu “giọt lệ bơ vơ làm người” này biết bao nhiêu cho vừa. Hèn gì Huy Cận từng viết : “ Trái đất ba phần tư nước mắt / Đi như giọt lệ giữa không gian”. Từ “giọt lệ bơ vơ” đến trái đất bơ vơ chừng như chỉ cách một câu thơ của Ánh Huỳnh và Huy Cận ? Người đọc nhờ thi ca mà tìm được cái bơ vơ của bản thể vũ trụ. Chính vì bơ vơ quá, anh phải tìm em mà núp. Chúng ta chừng như đang bơ vơ giữa sa mạc cuộc đời. Cần phải níu vào nhau mà tồn tại. Bơ vơ à ơi hỡi bơ vơ…

Thơ Ánh Huỳnh đầy những phát hiện sâu sắc. Mẹ sinh ra con, đồng thời mẹ cũng sinh lại chính tuổi thơ mình. Con là tâm hồn mẹ, tuổi thơ mẹ được tái sinh. Xin đọc ba câu thơ rất hay của Ánh Huỳnh ca ngợi con mình đã sinh ra tâm hồn mình :

Cám ơn con

Mẹ đã sinh ra thân xác con

Nay con chợt sinh ra tâm hồn mẹ !

Con chợt sinh ra tâm hồn mẹ ! Câu thơ nhân ái vô cùng và hay khôn xiết không chỉ bởi tính triết học của nó. Triết học trong thơ Ánh Huỳnh là triết học thơ ngây, triết học của xúc cảm ! Nhờ câu thơ này, tôi mới phát hiện ra rằng tâm hồn ta cần con trẻ, cần sự bi bô hài nhi để được sinh ra mãi mãi. Chả thế mà Chúa đã phán : “ Này ta bảo cùng Phê rô: nếu ai không hóa thành con trẻ thì nước trời không thuộc về kẻ ấy”. Tâm hồn ta tồn tại trong kẻ khác, bằng kẻ khác. Hãy làm cho tâm hồn mình hóa hài nhi, thưa bạn, bạn đã đạt được Niết Bàn hay thiên đường. Tôi chưa tìm thấy một câu thơ nào trên đời như câu thơ viết về mối quan hệ mẹ con hay như Ánh Huỳnh đã viết : mẹ sinh ra thân xác con, con sinh lại tâm hồn cho mẹ.

Nhưng tâm hồn cũng như thân xác, cần được nuôi bằng thực phẩm riêng của nó. Thân xác phải ăn, phải uống, phải hít thở mới tồn tại. Người chồng bảo người vợ trong thơ Ánh Huỳnh sao không lo cái hầu bao, chỉ lo cái tào lao vớ vẩn. Nhưng những món tào lao, món vẩn vơ, món không đâu, món ấm ớ nửa hư nửa thực kia mới chính là thực phẩm của tâm hồn. Xin hãy đọc khổ thơ sau của tác giả để cảm nhận cùng chị, rằng để có một tình yêu, một tâm hồn mơ mộng lãng mạn, đặng cân bằng với thực tế phũ phàng hầu như không phải là chuyện dễ :

Một đời nô lệ hầu bao

Một đời bỏ cái tào lao theo chồng…

Bỏ đóm đóm miệt vườn về phố

Ngất ngây hương lúa thơm tào lao

Suýt chết đuối đáy hầu bao

Nhờ đom đóm miệt vườn cứu thoát

Nhờ tiếng chim hót quên mất mình là ai

Như chết đuối sông sâu níu được vạt lục bình

Nổi lên mới biết còn mình

Cái không ăn được là tình đó anh.

Xin cám ơn những món không ăn được kia, những miệt vườn đom đóm, những vạt lục bình bâng quơ, những sớm mai chim hót, những bờ bao hương lúa xôn xao trong thi ca, trong cuộc đời đã cứu rỗi tâm hồn ta.

Ánh Huỳnh thường thấy những buổi chiều liêu trai bị thực tại hắt đổ đi như đổ một bát nước. Câu thơ rất hội họa, rất điện ảnh này đang cầu cứu chúng ta hốt lại những buổi chiều thi ca bị thói vô cảm đổ sông đổ biển :

Đám mây màu bã mía

Đã hắt chiều

Đổ đi !

Chao ôi là những đám mây màu bã mía, những đám mây bị gió vắt kiệt cùng đã hắt chiều đổ đi. Ai đã đổ chiều vào đêm, đổ anh vào em cho cái hôn bão táp, cái hôn bốc lửa :

Nhớ tối nào

anh hôn em

bầm dập cả trăng non

Cái hôn “ bầm dập cả trăng non” làm nảy đom đóm mắt, làm nhòe nát cả trời khuya tưởng còn quằn quại câu thơ, vết thương yêu tưởng nuốt mất môi người :

ước gì trời rét

để em được gói đôi môi mình

vào chiếc khăn len.

Môi đã bị thương vì cái hôn thi ca, muốn được gói vào khăn len gửi tình xa rét mướt. Thi ca, chừng như đã vượt qua mọi giới hạn thực tại để tới miền đất hứa của mình là tưởng tượng, là vô biên. Và người đàn bà trong thơ Ánh Huỳnh chết rồi còn thấy rét, còn cần chiếc chăn của tình yêu có tên là nấm cỏ đắp lên cho ấm thi ca, cho ấm hồn người :

Mai sau

Em ngủ giấc muôn đời

Chỉ còn sóng

Thuỷ chung

Anh đắp lên mồ em

Từng sóng cỏ …

Những câu thơ tỏ tình với gió của Ánh Huỳnh sao buồn thương thế, ám ảnh thế, mênh mông thế :

Thế rồi gió cướp em đi

Bóc em như bóc hành khi điên cuồng

Gió ngoan thì thổi ngoài đường

Sao vô phòng ngủ gió lường gạt em ?

Nhà thơ bị cơn gió tình si lường gạt rủ rê hoài : đi đi, thoát khỏi cái thế giới tẻ nhạt và buồn đau này để đến với bao la, đến với cái không bờ bến của hư vô, của cõi địa đàng thăm thẳm xa xưa vẫn nằm trong mộng tưởng. Nàng thơ rủ cả thế giới chưa trưởng thành này đi làm vua, những ông vua xách dép, vua cởi truồng, vua bị mẹ rượt mếu máo khóc ù ơ :

Nào các anh hai, anh ba …

theo em đi làm vua

ta trở về thời con nít

một thế giới chưa trưởng thành

ai cũng thích làm vua !

Thơ Ánh Huỳnh tồn tại trong nỗi buồn; xin độc giả đừng múc cạn nỗi buồn trong chiếc giếng cô đơn của nữ thi sĩ :

xin anh

đừng múc cạn nỗi buồn

trong đôi mắt em

để em còn là giếng nước.

Xin đọc những câu thơ rất hay, rất thi sĩ này của Ánh Huỳnh mà chia sẻ với những buổi chiều góa bụa hoàng hôn, những buổi chiều tâm hồn chị trải lá vàng cho thi ca se sẽ dấu chân chim :

ôi những buổi chiều

không có hôm qua

em vẫn còn anh

mà goá những buổi chiều

chiều hôm nay ơi

anh ơi

nhẹ chân thôi

chúng ta đang dẫm lên

xác những buổi chiều

Linh hồn những chiều đã bị thi ca bắt mất. Xin hãy nghiêng mình mặc niệm cho “xác những buổi chiều” của chị được yên nghỉ dưới hoàng hôn thi tứ…

Tôi tin rằng thi phẩm kỳ lạ “ Đừng múc cạn nỗi buồn” của nhà thơ Ánh Huỳnh sẽ còn mãi trong tình yêu thi ca bạn đọc. Tiếc thay, tập thơ đã ra đời 9 năm, hôm nay tôi mới được đọc. Tôi sẽ mang “những buồi chiều không có hôm qua” của nữ nhà thơ đi vào cõi lặng, để chiêm nghiệm và để yêu tiếng Việt của chúng ta đến trọn đời.,.

Sài Gòn ngày 01-9-2017

   Trần Mạnh Hảo

Ảnh : nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét