Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

HỒN VIỆT TRONG “CỔ PHÁP CỐ SỰ” CỦA NGUYỄN KHÔI / Phạm Ngọc Hiền

 


        Chưa lúc nào trong lịch sử Việt , các nhà văn hoá ta lại sốt sắng ra sức kêu gọi bảo tồn nền văn hoá dân tộc như lúc này. Xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế công nghiệp cộng với xa lộ thông tin đã mang theo những ngọn gió xa lạ thổi đến từng luỹ tre, mái rạ làm cho "Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều". Mà "Trách nhiệm của mỗi dân tộc là phải thể hiện rõ bản sắc của mình trước thế giới" (R. Tagor).

        Bởi vậy, nhiều nhà nghiên cứu có tâm huyết đang từng ngày, từng giờ miệt mài sưu tầm, khảo cứu những giá trị văn hoá cổ truyền của cả dân tộc hay từng vùng, miền. Thậm chí, có người chỉ chú trọng đến phong tục, tập quán của một làng mà in thành một tập khảo cứu có giá trị hẳn hoi. Như làng Đình Bảng trong "Cổ pháp cố sự" của Nguyễn Khôi.

        Có lẽ Đình Bảng là cái tên làng nổi danh bậc nhất trong các làng xã ở Việt . Nó đã được ghi vào chính sử Việt từ hơn 1000 năm trước. "Tiểu Thăng Long thành" này nằm trên mảnh đất Kinh Bắc vốn đã "tích tụ bao đời những tinh anh nhiều mặt của dân tộc". Vùng đất Bắc Ninh còn lưu giữ khá nhiều những dấu tích văn hoá cổ truyền, trong đó có thể coi Đình Bảng là một làng quê điển hình của Việt . Nhưng Nguyễn Khôi không chỉ vì chú ý đến cái tính điển hình đó mà ông viết về vùng quê này xuất phát từ sự thôi thúc của một con tim nặng nợ với quê hương. Sau mấy mươi năm đi đây đi đó khắp nơi, lên Tây Bắc, rồi từng bước chân đến trên 20 nước khác nhau, cuối cùng, chàng trai Đình Bảng này dừng chân ở góc Thành Nam (Thăng Long) để chiêm nghiệm về nét đẹp của "ao ta". Nguyễn khôi đóng vai trò như một người con của làng nay đã lớn tuổi, kể lại chuyện xưa cho lớp trẻ của làng và những ai muốn làm bạn với làng. Bởi vậy, ta thấy ông lặp lại rất nhiều những từ: làng Đình Bảng ta, dân làng mình, làng nhà, làng tôi... rồi rộng hơn là: thành Thăng Long ta, người Việt ta... Để tăng tính chân thật và thân mật, ta cũng thường nghe tác giả nói: thầy tôi kể rằng, mẹ tôi bảo, dân làng kể rằng, các cụ xưa đã răn dạy... Và Nguyễn Khôi đã dẫn dắt bạn đọc làm một chuyến du lịch kỳ thú đi lui về hơn 1000 năm trước. Từ cái thời Cao Biền biến hạt đậu thành binh mã đến sự kiện Lý Công Uẩn sinh ra và sự tồn tại 216 năm của nhà Lý. Cuối cùng là cái thời mà "Chủ tịch xã Đình Bảng hôm nay chỉ đạo công việc bằng máy tính điện tử nối mạng tới 15 thôn và các công ty, xí nghiệp, hợp tác xã, trường học... ở Khu công nghiêp Đình Bảng, Khu văn hoá du lịch đền Đô...".

        Xét về không gian, làng Đình Bảng chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ Việt . Nhưng từ đó, tác giả triển khai cho ta thấy toàn bộ diện mạo nền văn hoá dân tộc. Có thể nói:  "Cổ Pháp cố sự" là bộ bách khoa toàn thư về vùng quê Việt . Ngoài những trang khảo cứu tỉ mỉ về địa lý, lịch sử của vùng đất vốn được coi là "huyệt đất quý, phát tích đế vương" này, tác giả đã dành 45 chương mục để nói về văn hoá truyền thống. Trong đó, có những cái được coi là "quốc tuý" như đình Đình Bảng, dân ca quan họ, các trò chơi dân gian, lễ nghi đình đám, trang phục ("Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng" - HC). Tác giả miêu tả tỉ mỉ những món ăn "thể hiện một trình độ đời sống cao, một nền "văn hoá ẩm thực" "tầm cỡ quốc tế" như món giò chả... đến những món đậm mùi dân dã như "cỗ thịt chuột"...”. Bên cạnh tự hào về những mặt mạnh của người Đình Bảng như học tài, buôn giỏi... tác giả cũng mạnh dạn nói đến những mặt chưa tốt của một số nông dân như cờ bạc, trộm cắp, tính cục bộ địa phương... Tất cả những yếu tố văn hoá kể trên đều được thể hiện thông qua những câu chuyện nhỏ có liên quan tới gia đình tác giả. Mà gia đình là một xã hội thu nhỏ. Trong đó, "mỗi số phận con người đều chứa đựng một phần lịch sử", câu nói ấy của Evtusenko hẳn rất có lý.

        Thực ra, nếu tác giả chỉ dừng lại ở việc mô tả các hiện tượng bề ngoài thì có thể tác phẩm này cũng na ná như nhiều tập sách khác viết về Bắc Ninh. Điều đáng ghi nhận là ở chỗ lý giải của tác giả, ông đã phát hiện ra nhiều quy luật và bản chất đời sống mà ít người nhận thấy. Chẳng hạn, từ câu chuyện Nguyên phi Ỷ Lan, ông có cái nhìn so sánh với nhiều nước khác: "Từ cô Tấm trở thành phi tần... ở Việt Nam ta xưa nay không hiếm, khác với nhiều nước trên thế giới (giới quý tộc thường không lấy thứ dân), tính dân tộc, tính bình dân ở người Việt Nam quả là một đặc thù". Người ta thường nghe trai Đình Bảng rất tự hào về mình (điều này cũng được phản ảnh trong tập thơ "Trai Đình Bảng" của Nguyễn Khôi). Tác giả lý giải như sau: bởi Trai Đình Bảng được làng cấp cho nhiều ruộng, "Do vậy, con trai Đình Bảng có giá trị là thế !". Nhưng kèm theo đó là một nghịch lý: Những đấng mày râu ấy lại ít thạo việc cày bừa mà chỉ "ở nhà ngồi trông coi nhà cửa và dạy dỗ con cái" cho vợ đi buôn. Đình Bảng "là làng buôn mà lạ thay làng lại không có chợ...". Đó cũng là nét riêng độc đáo của làng quê này.

        "Cổ Pháp cố sự" còn hấp dẫn bạn đọc ở lối kể chuyện bằng một thứ văn phong thập cẩm do kỹ sư kiêm nhà thơ Nguyễn Khôi gia công chế biến để món ăn tinh thần khỏi bị đơn điệu. Có khi ta gặp một loại văn phong khoa học hiện đại miêu tả tỉ mỉ chính xác đến từng con số. Có khi là giọng văn đĩnh đạc, cổ kính, chứng tỏ tác giả là người rất am tường chữ Hán. Bên cạnh loại ngôn ngữ gọt dũa, trang trọng là thứ ngôn ngữ đời thường, dân dã ngay trong giọng kể tác giả: ấy thôi, thôi thì, nữa kia, vậy chăng, biết chừng nào, là vậy, là thế, chao ôi, lạ thay... Để thấy được bản sắc ngôn ngữ của Đình Bảng, tác giả làm một bản liệt kê những "lời ăn tiếng nói" của vùng này so với cả nước. "Chao ôi, còn đình đền, còn tiếng nói, còn phong tục có bản sắc riêng... âu cũng là một động lực cho người Đình Bảng ta luôn vượt ngang tầm thời đại là thế". Người đọc cũng khó quên những trang văn thấm đẫm chất thơ: "Nơi ấy có những con cò lặn lội, những cánh cò bồng bế nhau đi; những đàn chim ngói chở heo may về, những đám lục bình trôi nổi với những chùm hoa tím ngát. Sông là lòng quê, tình quê chở đầy ắp hồn làng... "Có lẽ hiếm thấy có tập khảo cứu nào mà đưa thơ vào nhiều như tập này. Trong  sốá đó, ta bắt gặp nhiều bài thơ của Nguyễn Khôi viết về làng mình, như bài "Ao làng" đã được nhiều người biết đến: "Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang/ Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng/ Cái đêm hè ấy ai ra tắm/ Để cả bầu trời phải tắt trăng". Đọc văn Nguyễn Khôi, ta có cảm tưởng như nhà thơ đang trên đường đi tìm đến dãy Thi Sơn nhưng nửa chừng thì mỏi chân nên ghé lại Rừng Văn và kết duyên cùng Khảo Cứu, nhưng trong lòng vẫn chưa dứt tơ tưởng Nàng Thơ.

        Hẳn sẽ có nhiều người tự hỏi: nên xếp "Cổ Pháp cố sự" vào thể loại nào? Biên khảo, truyện phong tục, hồi ký hay tuỳ bút?... Xin hãy nghe theo lời của nhà mỹ học Đức Letxing: Việc phân loại tác phẩm chỉ có trong các sách giáo khoa. Còn trong thực tế, có nhiều nhà thơ kết hợp nhiều thể loại khác nhau để nhằm mục đích cao hơn, "Chúng ta chỉ nên hỏi liệu cái mục đích cao hơn đó có đạt được hay không mà thôi". Mục đích cao nhất của Nguyễn Khôi là góp phần bảo lưu nền văn hoá dân tộc. Mục tiêu đó cũng đã được thể hiện qua nhiều tác phẩm của ông như: "Bắc Ninh thi thoại", "Xứ Thái mù sương", "Tiễn dặn người yêu" (biên dịch) v.v... (trong số đó có những tác phẩm đaî được giới thiệu ở nước ngoài qua mạng Internet). Nguyễn Khôi viết "Cổ Pháp cố sự" không chỉ nói riêng cho một làng Đình Bảng, không chỉ dành cho "người đương thời" mà xa hơn nữa còn dành cho các thế hệ mai sau ở khắp mọi nơi

        P.N.H

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

--------------------------------

* Đọc "Cổ pháp cố sự" - Nguyễn Khôi - NXB Văn hoá dân tộc, 2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét