Tiến sĩ Vũ Huy Trác (gia phả họ
Vũ chép là Vũ Duy Trác) hiệu Giác Trai, thuỵ Trung Thận, sinh ngày 7 tháng 5
năm 1730 tại ấp Lộng Điền, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam (nay là
thôn Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Ông mất ngày 3
tháng 10 năm 1793. Thân phụ ông là Huấn đạo phủ Trường Khánh Vũ Hưng Nhai, thân
mẫu là bà Vũ Thị Ngọ. Theo tộc phả họ Vũ, ông thuộc đời thứ tám tính từ khi cụ
thuỷ tổ họ Vũ về lập nghiệp ở Lộng Điền.
Vũ Huy Trác là một học trò thông minh,
hiếu học. Năm lên tám tuổi, ông theo học thầy Kim Lan họ Trịnh là Tri phủ Cẩm
Giàng. Năm Đinh Mão (1747) ông dự kỳ thi sát hạch ở huyện Đại An được xếp thứ
ba khi mới 18 tuổi. Năm Canh Ngọ (1750) ông theo học Thám hoa Phan Kính(1).
Năm Tân Mùi (1751) Vũ Huy Trác thọ nghiệp quan Quốc tử giám trực giảng Trần Văn
Trứ(2).
Năm Quý Dậu (1753) Vũ Huy Trác đỗ Tỉnh
nguyên Hương cống. Lúc này cha ông đã mất được ba năm. Theo yêu cầu của mẹ, sau
khi hết tang cha, ông lập gia đình với con gái cụ sinh đồ Phạm Khắc Du.
Sau
khi lấy vợ, Vũ Huy Trác vẫn quyết chí học hành để đỗ đạt cao hơn. Ông đã tìm
đến nhiều thày giỏi để học tập. Năm Ất Hợi (1755) ông theo học thầy Hà Tông
Huân(3).
Sau đó ông lại tìm đến tận nhà Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục xin theo học(4).
Sau khi đã ra làm quan, ông còn tìm đến theo học Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai ở
Phúc Khê(5).
Vũ Huy Trác là người học giỏi, có chí và
đức độ nên được tiến cử làm Thị nội thư tả công phiên tùng giảng ứng vụ vào năm
Tân Tỵ (1761). Năm Nhâm Ngọ (1762) ông được thăng Binh bộ Tư vụ. Năm Giáp Thân
(1764) ông được bổ làm Huấn đạo phủ Tiên Hưng. Năm Mậu Tý (1768) ông làm Tri
huyện Nam Chân. Tương truyền, thời gian làm quan Tri huyện Nam Chân ông đã hết
lòng giúp đỡ nhân dân nên được dân sở tại rất yêu mến. Thấy ông hiếu học, ham
đọc sách, nhân dân trong huyện đã góp tiền mua một mảnh đất làm ngôi nhà ba
gian khang trang ở khu đất Long Đàm để ông làm nơi đọc sách. Nhưng ông chưa
được ở ngôi nhà đó ngày nào thì phải chuyển đi làm quan ở nơi khác.
Năm Cảnh Hưng 33 đời Lê Hiển Tông khoa
Nhâm Thìn (1772) Vũ Huy Trác đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Năm Quý Tỵ
(1773) ông được thăng Hàn lâm viện hiệu thảo. Năm Giáp Ngọ (1774) ông làm Giám
sát ngự sử đạo Thanh Hoá. Cuối năm này ông lại được đổi làm Hiến sát sứ Kinh
Bắc. Năm 1776 ông làm Công khoa đô cấp sự trung. Năm Đinh Dậu (1777) ông được
đổi làm Tham chính Thanh Hoá. Năm 1779 ông làm Hiến sát sứ Nghệ An. Ông tỏ ra
là viên quan mẫu mực, có tài thu phục nhân tâm, được triều đình tín nhiệm.
Nhiều nơi ông đến nhậm chức được dân sở tại xin vẽ hình để thờ phụng. Năm Quý
Mão (1783) triều đình cử ông làm Tham chính Kinh Bắc. Năm 1784 ông được thăng
Hàn lâm viện thị thư và làm Đốc trấn Lạng Sơn. Ông đã giải quyết nhiều vụ tai
ương thấu tình đạt lý, được nhân dân mến phục. Bằng tài đức và tấm lòng chân
thực yêu thương con người, ông còn cảm hoá quy tụ được dân phiên mục. Năm Ất Tỵ
(1785) ông lại được Triều đình triệu về kinh giao cho chức Hàn lâm viện thị
giảng (hàm tòng ngũ phẩm).
Ngày 2 tháng 12 năm Ất Tỵ (1785) thân mẫu
ông qua đời. Ông được về quê chịu tang. Tháng 6 năm 1786 Bắc Bình vương Tây Sơn
Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh. Vũ Huy Trác đang cư tang mẹ ở quê thì được chiếu
của vua Lê liền đến Nhĩ Độ theo việc binh và được cử làm Giám quân đạo Sơn Nam.
Ông có công giữ vững thành Vị Hoàng (nay thuộc thành phố Nam Định), được vua Lê
ban chức Hàn lâm viện Thị độc, tước Côi Lĩnh bá. Năm 1788 ông về kinh nhận chức
Lễ bộ Tả thị lang (hàng tam phẩm) kiêm Quốc Tử giám Tư nghiệp.
Năm Kỷ dậu (1789) kinh thành thất thủ,
Quang Trung đại phá Quân Thanh, vua Lê chạy đi Trung Quốc. Vũ Huy Trác theo vua
Lê đến biên giới nhưng vua Lê dụ ông về quê vì ông đã già yếu.
Sau khi về trí sĩ ở quê, Vũ Huy Trác dạy
học, làm vườn, làm thuốc chữa bệnh, làm thơ, sống thanh đạm. Ông là một nhà
giáo có nhiều học trò giỏi như Tri huyện Chân Ninh Đặng Xưởng người làng Ninh
Cường, Tri phủ Nghĩa Hưng Nguyễn Văn Tường...
Vũ Huy Trác chẳng những hiếu thảo với cha
mẹ mà còn có tình nghĩa với làng xóm. Ông đã dành dụm tiền lương mua gỗ lim làm
lại ngôi chùa làng Lộng Điền.
Ngày 3 tháng 10 năm 1793 Vũ Huy Trác tạ
thế, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho dân làng. Ông được táng ở sứ Hậu Đồng
làng Vân Cù (nay thuộc huyện Nam Trực). Sau khi mất ông được thờ phối tự với
thành hoàng làng Lộng Điền.
Quan Đông các hiệu thư Ngô Tiêm (1749 -
1818) người Cát Đằng (nay thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên), đỗ Tiến sĩ năm 1779
đã làm câu đối viếng Vũ Huy Trác như sau:
Vị giang nhất phiến cô trung, Gia Cát vị
vong do thị Hán
Lão bạ lục niên nhiêu hạng, Bá Di trung tử
bất thần Chu.
Câu đối lấy sự tích ở Trung Quốc ca ngợi
Tiến sĩ Vũ Huy Trác tài đức như Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, trung quân như Bá
Di thời Chiến Quốc vậy.
II – GIANG NAM LÃO PHỐ THI TẬP(6)
Sinh
thời Vũ Huy Trác làm nhiều thơ phú, nhất là giai đoạn từ sau khi ông về sống ở
quê nhưng không ghi lại thành tập nên ngày nay phần lớn đã bị thất lạc. Người
học trò của ông là Nguyễn Văn Tường đã sưu tầm được 50 bài, chép lại đặt tên là
Giang nam lão phố thi tập.
Thơ Vũ Huy Trác bộc lộ tâm trạng yêu nước,
thương dân, biết ơn công đức tiền nhân. Ông khẳng định quan điểm sống của mình
thật chí lý:
Vinh vi ngưu mã thân tâm sỉ
Nhục tác thần tiên miếu tự truyền.
(Thế nhân)
(Vinh làm trâu ngựa thân thêm nhục
Nhục được dân thờ lại hoá vinh).
Cuộc đời ông đã hành động theo quan niệm
sống ấy, tất cả vì dân. Bởi vậy, khi làm quan cũng như khi về hưu, ông tự thấy
mình “mái cỏ suy tư không vướng vít”, “hành tàng đều không thẹn”.
Ông viết một loạt bài về chủ đề danh nhân,
di tích lịch sử của đất nước với thái độ trân trọng, tự hào: Xuân nhật bái mộ
tổ, Nhân quy ngoại tổ gia yết phúc thần miếu, Hoà Lạc miếu, Hiến Nam Cần thôn
Dương Hậu miếu, Nguyễn gia tam tướng, Hải Khẩu tiên từ, Độc Cước từ sơn, Nham
Sơn động, Tang lâm Thánh Mẫu từ, Dữ Từ Quán Hoàng Tiến sĩ, Tạo sĩ công, Quá
Phùng Vương từ, Triệu Vương miếu, Quá Phạm tổ từ, Phạm công miếu, Đức Nhuệ
công…
Trên đường công cán, qua bến Kim Tông
thuộc huyện Ý Yên, ông nhớ người họ Đặng thời Trần từng có công bảo vệ và xây
dựng vùng đất nơi đây qua bài Kim Tông cổ độ (Kim Tông nơi bến sông xưa):
Trần
mạt Đặng công vi sự quốc
Thiên
sơn vạn thuỷ cảm ngôn nan
Phúc
Thành ngự tặc tiêu Nam sử
Già
cảng trừ Minh khứ vãn lan
Cổ
độ trúc đê tồn tự miếu
Thuỷ
thần thác tích ký từ nhan
Toán
lai chí kim tứ bách tải
Tư
đức hương yên bất cải quan.
(Trần mạt Đặng công lo việc nước
Muôn sông ngàn núi chẳng từ nan.
Phúc Thành gặp giặc ghi Nam sử,
Cảng Thái trừ Minh lớp sóng buông.
Ngăn lũ đắp đê dân kể lại,
Thuỷ thần mượn bóng đặt tên đền.
Bốn trăm năm trải không thay đổi,
Nhang khói ơn sâu mãi mãi bền).
Trước cảnh một số di tích ghi công các
tiền nhân bị bỏ hoang phế, ông lấy làm đau lòng, như bài Lê sơn Lý Đại Thành từ
(Đền thờ Lý Đại Thành ở núi Lê):
Mạc
thời đại tướng trấn biên cương
Hải
tặc văn thanh bất cảm đương
Cộng
đạo Nam nhân sùng tiết nghĩa
Như
hà hương hoả thái thê lương?
(Mạc tướng biên cương từng trấn giữ
Nghe danh giặc biển đã kinh hoàng
Người Nam vốn trọng điều ân nghĩa
Sao để nơi này lạnh khói hương?)
Ông tỏ ra hài lòng trước việc nhân dân
chăm sóc nơi tưởng niệm danh nhân, hoặc nhắc nhở người sau phải nhớ công ơn của
tiền nhân. Trong bài Hoà Lạc miếu ông ca ngợi công tích đánh đuổi giặc phương
Bắc dưới thời Trần của hai anh em được thờ làm thành hoàng làng và nhắc nhở:
Ký
ngữ Nguyễn, Lê thị
Phụng
sự yếu tình thành.
(Nhắn
lời cho Lê, Nguyễn
Thờ cúng phải chân thành).
Do điều kiện lịch sử hạn chế, ông luôn tâm
niệm quan điểm "Tôi trung không thờ hai chúa", cuối đời còn luyến
tiếc nhà Lê:
Thân
cư giang chi nam
Tâm
tại giang chi bắc
(Giang nam lão phố.)
(Thân ở bên bờ nam
Tâm lại bên bờ bắc).
Ông thừa hiểu thời thế không thể đảo ngược
bánh xe lịch sử, nhưng ông vẫn canh cánh bên lòng nỗi luyến tiếc nhà Lê:
Lợi
độn binh gia nan dĩ vọng
Quân
thần nghĩa tụ huấn lương lân
(Tạc nhật)
(Trông thắng việc binh không thể được,
Dựng cờ dấy nghĩa lại khó khăn).
Phong
tiền trà cúc phô xuân sắc
Thế
ngoại hương dân yếm cựu liêu
Thí
bốc hồi kinh chân bất vọng
Ỷ
lan song lý ức đan biều.
(Nhàn ngâm)
(Trước gió cúc trà khoe sắc mới
Ngoài đời dân chúng chán vua quan
Về kinh ngày ấy dường không thể
Tựa cửa người xưa vẫn nhớ mong).
Vũ Huy Trác là một y sư có tiếng ở vùng
đất Sơn Nam. Trong Giang nam lão phố thi tập của ông có tới 18 bài thơ về các
bài thuốc Nam. Ông rất trọng nghề y, coi người làm cha làm mẹ biết nghề y là
nhân từ, con cái biết nghề y là có hiếu:
Phụ
mẫu tri y khả dĩ từ
Nữ
nhi học dược hiếu tiên kỳ.
(Cha
mẹ biết y đáng gọi là từ
Con gái học y là điều đầu tiên của hiếu).
Ông tuyển chọn những bài thuốc Nam gia
truyền đơn giản mà công hiệu, viết thành thơ (Tác dược phương thi) để dạy học
trò và cho nhân dân dễ nhớ:
Gia
truyền kinh nghiệm vi thi tụng
Gia
giảm tuỳ thời bất tận quy.
(Đem các phương gia truyền viết thành thơ
cho dễ nhớ,
Gia giảm phải tuỳ thời mà vận dụng cũng
không hết phép tắc).
Một số bài “thơ thuốc” của ông như Nông
nhân tứ thời cảm mạo phương, Giải thử phương, ẩm thực phúc thống phương, Ngược
tật phương, Phong thấp tửu, Sang độc gia truyền phương, Trần bì phương...
thường ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ thực hành mà hiệu nghiệm, rất
thuận lợi cho dân nghèo. Chẳng hạn bài Trị xà giảo phương (Phương thuốc chữa
rắn cắn) là một trong số đó:
Xà
giảo tầm thường chúng bất tri
Mã
đề lộ thượng chính kham y
Địa
dương khương thảo phù đao diệp
Khởi
tử hồi sinh lập khả kỳ.
(Rắn cắn tầm thường mấy kẻ hay
Mã đề trên lối đắp ăn ngay
Cỏ gừng, cỏ may, bồ cu vẽ
Khởi tử hồi sinh mới có ngày).
Hầu hết các bài trong Giang nam lão phố là
thơ Đường luật, chủ yếu là thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt, còn ngũ ngôn
bát cú chỉ có ba bài. Nói chung các bài thơ Đường luật của “Thần phú Giác Trai”
niêm luật chặt chẽ, đối chỉnh. Một vài bài phá cách khá đẹp hoặc ở thể cổ phong
phóng túng. Thơ Vũ Huy Trác ít dùng điển cố, từ ngữ dễ hiểu, hình ảnh giản dị
gần gũi với nhân dân, gây được cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc, đồng thời mang
tính tư tưởng của tác giả rõ nét, như bài Giai tiền thảo vịnh:
Trước thềm dải cỏ sinh
Mây tóc bốn mùa xanh
Củ rễ dưỡng da, phế
Xinh tươi đã rõ rành
Người nằm trên chiếu nghỉ
Thịt rượu dùng thường xuyên
Ngày một thêm già yếu
Vô tình việc nước non.
Đọc Giang nam lão phố, phần nào ta hiểu
được những suy tư tình cảm và tài năng văn học của Tiến sĩ Vũ Huy Trác, một
danh nhân của Nam Định địa linh nhân kiệt, tác gia Hán Nôm tiêu biểu cho tầng
lớp sĩ phu Bắc Hà thời Hậu Lê, ta thêm tự hào về truyền thống cha ông. Đặc biệt,
đối với bạn đọc yêu mến thơ Đường luật, Giang nam lão phố thi tập là tài liệu
tham khảo bổ ích.
TMG
…………..
Chú Thích:
(1)
Phan Kính (1715 - 1761) người xã Lai Thạch, huyện La Sơn nay thuộc xã Song Lộc,
huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ Thám hoa năm 1743, làm quan đến Đốc đồng
Tuyên Quang, có tập Dĩ Trực thi tập để lại ở đời.
(2) Trần Văn Trứ (1716 - ?) người xã Từ
Ô, huyện Thanh Miện nay thuộc xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Ông đỗ Hoàng giáp năm 1743, làm quan đến Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Thiêm đô ngự
sử kiêm Quốc tử giám Trực giảng.
(3) Hà Tông Huân (1697 - 1766) người xã
Kim Vực, huyện Yên Định nay thuộc huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hoá. Ông đỗ Bảng
nhãn năm 1724, làm quan đến Tham tụng, Binh bộ Thượng thư. Ông nổi tiếng là bậc
tôn sư, đào tạo được nhiều học trò đỗ đạt cao.
(4) Đoàn Nguyễn Thục trước tên là Đoàn
Duy Tĩnh (1728 - 1783) người xã Hải An, huyện Quỳnh Côi nay thuộc xã Quỳnh
Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ông đỗ Hoàng giáp năm 1752, làm quan
đến Phó đô ngự sử.
(5) Nguyễn Tông Quai (1693 - 1767)
người xã Phúc Khê, huyện Ngự Thiên nay thuộc xã Hiệp Hoà, huyện Hưng Hà, tỉnh
Thái Bình. Ông đỗ Hội nguyên Hoàng giáp khoa Tân Sửu (1721), làm quan đến Hộ bộ
Tả thị lang, tước Ngọ Đình hầu.
(6) Các trích dẫn thơ trong bài theo
bản dịch của nhóm Dương Văn Vượng, Trần Mỹ Giống, Hoàng Dương Chương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét