Nhạc: Trần Công Thủy - Thơ: Trần Mỹ Giống
NHÀ THƠ TRẦN HÙNG THẮNG
Kính tặng nhà thơ
Trần Hùng Thắng
Vốn dòng Tả Hãn Tướng Quân(1)
Hồn thêu nét bút, thơ văn dạt dào
Kỹ sư lớp trước, tự hào
Màng chi quan chức, thiết nào hư danh
Cho đi muôn vạn nhánh cành
Nhận về một lá trầu xanh cay nồng
Ngỡ ngàng đứt gánh tơ hồng
Còn hai trái ngọt trời không phụ người
Lên xe, xuống ngựa một thời
Khi thăm địa phủ, lúc chơi cung Hằng
Tao nhân mặc khách đãi đằng
Túi thơ bầu rượu kém chăng Đào Tiềm(2)?
………………….
Chú thích:
(1)
Tả Hãn tướng quân: tức cụ Trần Bá Khoản (tức Nghiễm) quê làng Trà Lũ. Cụ có sức
khỏe hơn người, tinh thông võ nghệ, thường sử dụng thanh đao to bằng tàu lá chuối
có cán bằng sắt luyện, hai người mới khênh nổi. Năm 1740 Trịnh Doanh thân chinh
mộ quân đánh dẹp khởi nghĩa Ngân Già, cụ ứng mộ lập công lớn được phong Đô chỉ
huy đồng tri cai hãn tả hùng hữu đẳng trung tiệp, kiêm chỉ huy đội thuyền tráng
tiết tướng quân Nghiễm trung hầu, quan võ tứ phẩm triều Lê giữ chức thủy quân tứ
cơ. Khi cụ giải giáp về quê, gia tư có hàng chục vạn. Dân gian có câu “Đệ nhất
Thiêm Kì, Đệ nhì Hãn Tả” nói về sự giàu sang của cụ. Cuối thời Lê, kho nhà nước
trống rỗng, triều đình quyên góp các xã, Trà Lũ phải nộp 80 vạn quan tiền, Cụ bỏ
của nhà ra nộp thay dân làng. Hiện nay còn đền thờ quan Tả Hãn ở xã Xuân Trung
(Xuân Trường – Nam Định). Con cháu cụ đều theo ngạch võ như: con trai cụ là Trần
Đình Thạc làm Tham đốc vũ huân tướng quân, tước Trọng Nghĩa hầu; Cháu cụ là Trần
Đình Lãm làm Đô chỉ huy sứ; Chắt, chút cụ có nhiều người đỗ Tú tài...
Nhà
thơ Trần Hùng Thắng, bút danh HOÀI NGỌC ANH là hậu duệ của Tả Hãn Tướng quân.
Ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 9. Ra trường công tác ở Bộ Vật tư
(nay là Bộ Công thương). Sau lần bị khốn khổ do viết truyện ngắn theo phương
pháp sáng tác hiện thực phê phán, ông bỏ cơ quan về sống tự do và theo đuổi
nghiệp thơ văn. Tác phẩm chính của ông là tập thơ “Trầu một lá”, ngoài ra còn
hàng trăm bài đăng tạp chí và in trong nhiều tuyển thơ như “Hành Thiện tự ngàn
xưa”, “Giáo sư Vũ Khiêu trong vòng tay bạn bè”, “Vũ Khiêu và bè bạn”, “Tuổi cao
nêu gương sáng”...
Mảng
thơ nổi nhất của ông là thơ tình. Thơ ông khi buồn não nuột, lúc say đắm dâng trào,
có lúc như biển cả bão tố, có khi êm đềm dịu ngọt, sâu lắng như nước hồ lặng
gió...
Tình
duyên ông lận đận, bà vợ đầu là một y sĩ mà ông yêu sâu sắc đã bỏ ông vì “không
chịu nổi cách sống văn nghệ sĩ” của ông. Ông có hai người con với bà vợ đầu (một
trai và một gái đều thành đạt). Hiện ông sống cùng bà kế ở quê. Ông lấy việc
thăm thú bạn bè, xướng họa thơ ca... làm vui.
(2) Đào Tiềm: tự Uyên Minh, người đời Tấn,
nổi tiếng cao thượng, ham đọc sách, giỏi thơ văn, không màng danh lợi, an bần lạc
đạo, lấy tiếng đàn, câu thơ, chén rượu làm vui...
Tranh chân dung Trần Hùng Thắng của họa sĩ Đoàn Tính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét