Hơn một tháng trời qua, nhờ bạn bè và nhờ một số thư viện, chúng tôi (TMH) đã có đầy đủ 20 tác phẩm của 09 nhà văn được hội đồng tuyển chọn Hội nhà văn Việt Nam đề cử dự giải thưởng văn học Hồ Chí Minh 2011 (trừ hai vị Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm xin rút), 279 tác phẩm của 68 tác giả được hội đồng này đề cử giải văn học nhà nước 2011 (trừ nhà văn Sơn Tùng và gia đình nhà văn Sơn Nam xin rút).
Chúng
tôi đã, đang và sẽ đọc 300 tác phẩm của các “đỉnh cao văn học” trên và sẽ lần
lượt in các bài phê bình từng tác giả, tác phẩm này trên các trang báo mạng,
ngõ hầu rộng đường dư luận.
Có
điều lạ là trong danh sách đề cử giải thưởng nhà nước 2011, chúng tôi thấy một
số nhà văn có tác phẩm hay hơn rất nhiều các vị được đề cử giải cao hơn là Hồ
Chí Minh; ví như hai nhà phê bình hàng đầu thời trước năm 1945: Thiếu Sơn và
Trương Tửu; ví như các nhà văn có đóng góp lớn khác như: Hữu Loan, Sơn Nam,
Nguyễn Thành Long, Trang Thế Hy, Hoàng Ngọc Hiến… Một số nhà tiểu thuyết như
Đào Thắng, Hoàng Minh Tường, Văn Lê, Thái Bá Lợi, Xuân Cang, Văn Linh, Phù
Thăng, Nguyễn Phan Hách, Hồ Anh Thái… có tên trong danh sách đề cử giải thưởng
nhà nước không những không thua kém mà chất lượng tác phẩm của họ còn khá hơn
Lê Văn Thảo, Hồ Phương… là những vị được đề cử giải Hồ Chí Minh. Một tập truyện
ngắn “Tuồi thơ im lặng” của Duy Khán (đề cử giải nhà nước) cũng có thể vượt lên
hầu hết mấy vị viết truyện ngắn được đề cử giải Hồ Chí Minh. Các nhà văn viết
truyện ngắn xuất sắc như Lê Minh Khuê, Nguyễn Dậu… chỉ được đề cử giải Nhà nước
trong khi chất lượng tác phẩm của họ chí ít cũng hơn một số vị được đề cử giải
HCM. Về thơ, các tập thơ của Nguyễn Trọng Tạo, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Bế Kiến
Quốc, Trần Ninh Hồ, Lâm Xuân Vy… chỉ được đề cử giải nhà nước, trong khi các tập
thơ dở hơn của Hữu Thỉnh (“Trường ca biển”, “Thương lượng với thời gian”), Phạm
Tiến Duật (“Đường dài và những đốm lửa”, “Tiếng bom và tiếng chuông chùa”) thì
vì sao lại được đề cử giải cao hơn là Hồ Chí Minh?
Chỉ
cần liếc qua danh dách đề cử hai loại giải thưởng trên, những người theo dõi
văn học Việt Nam trong 50 qua đã thấy nhãn tiền là các tiêu chuẩn, tiêu chí giá
trị chất lượng tác phẩm bị đảo lộn, bị đánh tráo, không đúng, không công bằng,
chỉ tổ gây mất đoàn kết và gây mất uy tín cho nhà nước Việt Nam mà thôi. Mặt
khác, hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng, tiền xương máu của nhân dân lấy ra làm tiền
giải thưởng sẽ bị ném vào trò chơi của các giá trị ảo…
Xin
trở lại phần chính của bài này là phê bình tác phẩm đỉnh cao của Lê Văn Thảo,
tiểu thuyết “Cơn Dông” (NXB Trẻ 2011). Trên bìa đầu cuốn sách này, thấy có ghi
“Giải thưởng văn học ASEAN 2006”. Lê Văn Thảo đã từng hai lần được giải thưởng
Hội nhà văn Việt Nam vào năm 1998 và 2003. Năm 2007, ông đã được giải thưởng
Nhà nước về văn học nghệ thuật. Lê Văn Thảo trong mười năm (2000-2010) là chủ tịch
Hội nhà văn TP.HCM, nguyên phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam khóa bảy
(2005-2010). Lần này, 2011, tiểu thuyết “Cơn dông” của ông cùng ba tác phẩm
khác được đề cử giải thưởng văn học Hồ Chí Minh.
Không
biết nhà văn Lê Văn Thảo đã đọc kiệt tác “Giông tố” của văn hào Vũ Trọng Phụng
do nhà xuất bản Văn Thanh Hà Nội in từ năm 1937 chưa mà ông lại lấy tên tác phẩm
của mình gần như trùng với tên tác phẩm lừng danh của người xưa, tưởng là điều
nên tránh?
Xin
đọc một đoạn văn ngắn của “Cơn giông”, được tác giả in chữ to ngoài bìa bốn để
quảng bá “phong cách” của văn mình: “Cả khu chợ tan hoang. Quán Hai Chất bị tốc
mái, khách khứa vẫn tấp nập. Bằng lên quán uống cà-phê, mặc Thủy và gã con trai
tìm người phụ cáng đưa bà mập đi bịnh viện. Hai Chất vẫn yên vị trên chiếc ghế
mây, như không hề có cơn giông, báo tin ông Sáu Thiên đã đưa đứa con gái mù ra
chợ Cà Mau gặp tay người Mỹ, tránh được cơn giông, kêu Bằng ra đó có chuyện cần
bàn. Rồi lại báo tin trại cải tạo cho người đi tìm Bằng”. Đoạn này về mặt văn học
không có gì, chỉ là lời kể lể hơi bị lủng củng, dây cà dây muống trong câu văn
thứ tư; nó chỉ thông báo cái điều quan trọng nhất của tác phẩm là Bằng phải trở
lại trại cải tạo.
Chủ
đề chính của “Cơn giông” nhằm minh họa cho chính sách của đảng và nhà nước Việt
Nam sau năm 1975: con người tha hóa của chế độ cũ chỉ có thể được cải tạo thành
người tốt thông qua lao động chân tay trong trại cải tạo.
Nhân
vật chính trong “Cơn giông” là Bằng có một số phận hẩm hiu từ lúc năm, sáu tuổi:
một cơn giông lớn đã nhấn chìm chiếc ghe cùng cha mẹ anh (Bằng); chỉ một mình cậu
bé sống sót trên vùng đầm nước mênh mông Cà Mau. Bằng được người cha nuôi mang
về, phiêu bạt giang hồ, ăn nhờ ở đậu trên nhiều ghe khác cho đến lúc 12 tuổi
lên chợ làm thuê đủ mọi nghề cực nhọc. Đến tuổi trưởng thành, người cha nuôi
mang Bằng lên thành phố kiếm sống bằng nhiều nghề khổ cực. Gặp lúc quân giải
phóng đánh vào thành phố, Bằng chạy qua chỗ giao tranh, thấy có lá cờ giải
phóng anh phất đại khi người cầm cờ bị thương. Rồi vận may đến, Bằng được người
cha nuôi tìm cách gài vào lấy một cô gái con nhà giàu. Chàng trai giang hồ bạt
tử bỗng chốc trở thành giám đốc, lại bỗng chốc bị đi tù vì thụt két.
Tiểu
thuyết bắt đầu từ lúc Bằng ra tù, li dị vợ, được vợ chia cho cục vàng khá lớn
bèn về quê hương mũi Cà Mau dựng nghiệp. Một cục vàng anh bán để đóng chiếc ghe
đẹp nhất xứ Cà Mau; một cục giấu dưới tấm ván đáy ghe phòng thân. Bằng một mình
chặt đước dựng nhà nơi heo hút nhất bờ sông Ông Trang.
Trên
miền sông nước vô cùng tận đó, các nhân vật trôi nổi như những dề lục bình dạt
vào số phận anh, với những cuộc đời khác nhau: hai anh em thằng sinh đôi mồ côi
mẹ nghèo khổ thất học, bà mập và ông già ròm quái ác, Thủy - cô tiếp viên không
đẹp nhưng nhân hậu, Long Cụt du côn du đãng bị lão ròm từng chiêu hồi theo giặc
đâm chết, bỏ lại đứa con gái mù tội nghiệp… Một nhân vật có tên là Sáu Thiên,
cán bộ cách mạng, thương binh, tốt cực, mà gàn cực, giang hồ cực, xuất hiện như
chỉ để cứu vớt đời Bằng. Sau giải phóng, Sáu Thiên do ít chữ nghĩa và do chính
trực đã xin nghỉ hưu, không cửa nhà cố định, phiêu bạt nay đây mai đó trên sông
nước, gia tài chỉ có chiếc ba lô, thoắt ẩn thoắt hiện chuyên làm việc thiện, y
hệt một ông thánh không vợ con, không gia đình, không tài sản, lúc nào cũng lạc
quan, cười nói tưng tửng.
Bằng
là một tay anh chị chính hiệu, từng ra chiêu du đãng đo ván nhiều tên du côn
khác. Do nghi ngờ Thủy ăn cắp cục vàng giấu dưới đáy ghe, Bằng ra đòn độc ác vô
cùng với phái yếu. Đây là lời Bằng với Thủy trước khi thượng cẳng tay, hạ cẳng
chân: “Vậy ai lấy? Có ma qủy ở đây hay sao? Xin cô biết cho, tôi chưa giết người,
nhưng côn đồ quậy phá cũng đã từng, cô thật dại khi đụng vào tôi. Trừ phi cô
nói cho tôi biết tại sao cô lấy tiền tôi, ăn cắp hay muốn trả thù, hay chuyện
gì khác. Hay để tôi nói dùm cô?”. “Nhưng Bằng không nói nữa, đã hết ngôn từ rồi,
đứng dậy bước tới túm lấy tóc cô gái lôi xuống sàn ghe bắt đầu cuộc đấm đá. Anh
đánh vào mặt, vào cổ, vào bất cứ chỗ nào vớ được trên người cô gái, cô quằn quại
kêu rên, ra sức chống đỡ anh càng nổi cơn điên khùng, tung những cú đấm cho tới
lúc cô gái gục xuống, anh cũng bò lết đến nằm gục ở mũi ghe”…
Sau
cú đánh Thủy thập tử nhất sinh chỉ vì
nghi cô ăn cắp cục vàng, Bằng được ông Sáu Thiên đưa vào trại học tập cải tạo… Trong
trại cải tạo, nhờ lao động trồng đước và nhờ những bài giáo dục chính trị, được
ăn cơm tù ngon và nhiều đồ ăn như ăn tiệc, Bằng đã cải tạo được con người du
côn độc ác thành một kẻ có lòng nhân từ vô bờ bến. Anh đã chinh phục được tay đại
bàng Long Cụt ngay trong tù. Khi Long Cụt ra trại đi công việc, bị đâm chết, bỏ
lại đứa con nuôi là cô gái mù bơ vơ tội nghiệp, Bằng đã vui mừng nhận cô gái mù
làm con nuôi…
Sau
khi cải tạo xong, Bằng đã hóa thành người tốt quá mức, mở lòng ra đón nhận tình
yêu của người con gái anh đã đánh gần chết là Thủy. Bằng quyết về sống với cô mở
trại tôm bằng tiền do cô ăn cắp của anh lúc anh chưa đi tù…
“Cơn
giông” của Lê Văn Thảo là motif “văn học
minh họa” đã lỗi thời, đã bị nhà văn tài danh Nguyễn Minh Châu làm bài ai điếu.
Chuyện này của Lê Văn Thảo viết rất lằng nhằng, nhiều chi tiết ngẫu nhiên, lan
man, chuyện nọ xọ chuyện kia, đọc rất mệt, hầu như không có sức hấp dẫn. Những
nhân vật trong tiểu thuyết này được miêu tả khá sơ sài, công thức, mờ nhạt,
khiên cưỡng, áp đặt, thiếu tự nhiên. Ông Sáu Thiên, đảng viên cộng sản, cựu chiến
binh thì tốt còn hơn thánh. Ông Sáu Thiên được mô tả là ít chữ mà sao toàn đứng
trong bóng tối “lãnh đạo”, “định hướng” cuộc đời nhân vật Bằng bằng những lá
thư tràng giang đại hải phi logic thế? Bà mập với lão ròm (từng là bộ đội chống
Mỹ ra chiêu hồi) thì xấu đến mức phi lý. Nhân vật Ông Già coi trại tù thì nhân
đức, thương người đến phát khóc…
Không
hiểu sao Lê Văn Thảo lại dám mô tả trại tù này giống như một thiên đường dưới
thế? Tiểu thuyết tô hồng này hoàn toàn không chinh phục được cảm tình người đọc.
Vả, “Cơn giông” được viết với một ngòi bút thiếu nghề, thiếu nghệ thuật. Rất
nhiều đoạn trong cuốn sách này được viết rất cẩu thả, văn phong lủng củng, chấm
phảy lộn tùng phèo. Xin lấy một số thí dụ:
Trang
12, thử trích một câu văn của Lê Văn Thảo: “Trời sáng ra nắng lên, nhìn rõ hai bên
bờ nhà san sát, lòng sông dập dìu xuồng ghe ngược xuôi, anh thấy vui lên một
chút, ghe bán đồ ăn thức uống từ trong bờ đâm ra chào mời inh ỏi anh mua đủ thứ,
chè trôi nước xôi đậu đen bánh canh, uống nước dừa sữa đậu nành, đám thanh niên
bên chiếc ghe chài ngồi chồm hỗm nhìn sang ngạc nhiên như nhìn thấy lần đầu,
anh cười đưa tay vẫy chúng vây lại, rồi chúng quay ra kêu mua đồ ăn chọc ghẹo
cô gái bán hàng”
Đoạn
văn trên Lê Văn Thảo quên mất bốn dấu chấm câu.
Trang
18, câu văn này tác giả đã quên bốn dấu chấm câu: “Bên kia đám thanh niên leo
lên mui cười giỡn, bà mập la lối, ông ròm ngồi lặng thinh, cô gái leo lên xuống
bưng bê, cả ghe tụ lại ăn tiếp tục cười giỡn la lối”..
Trang
19, trong câu văn này tác giả đã quên ba dấu chấm câu: “Chiếc ghe vẫn đậu kề
bên, đám thanh niên cười đùa, bà mập quát tháo, ông ròm lặng thinh, cô gái biến
đi đâu mất”.
Trang
52, tác giả quên chấm câu: “Con chó vẫn không nhúc nhích, anh dọn dẹp châm trà
ngồi xếp bằng ngó ra sông”
Trang
110, tác giả đã quên ba dấu chấm câu: “Người lái xe lôi dưới sàn ra giỏ đồ ăn,
người công an bới cơm đưa cho mọi người, ghe vẫn chạy trong ánh chiều dát
vàng”.
Trang
152,153, câu văn tràng giang đại hải này tác giả đã quên khá nhiều dấu chấm câu:
“Bằng lấy thêm bánh trái nước ngọt cất vào trong túi xách, men lại gần người
lái ghe chỉ bến ghé, người lái ngạc nhiên nhưng vẫn cho ghe ghé vào, mọi người
trầm trồ căn nhà, cô dâu đòi chụp hình, khách khứa ồn ào kéo lên đứng giăng
hàng ngang cạnh chiếc vỏ, Bằng là ông chủ đứng chính giữa, người thợ chụp hình
chạy lom khom tới lui bấm máy lắc rắc”.
Chúng
tôi còn có thể dẫn ra đây hàng chục dẫn chứng về việc nhà văn Lê Văn Thảo không
biết cách chấm câu văn sao cho đúng tiếng Việt.
“Cơn
giông” một tiểu thuyết từng được giải thưởng văn học ASEAN, sắp được giải thưởng
văn học Hồ Chí Minh, tức là thuộc tác phẩm đỉnh cao, trên mức tác phẩm xuất sắc
là giải nhà nước, lẽ nào lại là một tác phẩm tô hồng thô kệch, nhạt nhẽo, phi
nghệ thuật, thậm chí không biết viết một câu văn tiếng Việt cho chuẩn xác,
không trang nào có văn như thế này ư?
Hay
đây là giải Hồ Chí Minh ngược, nghĩa là dùng để tôn vinh những tác phẩm dở nhất
nước?
Sài
Gòn ngày 23-9-2011
T.M.H.
Ảnh: nhà văn Lê Văn Thảo - nguyên phó chủ tịch Hội nhà văn quốc doanh Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội nhà văn quốc doanh thành phố Hồ Chí Minh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét