Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

MỘT SỐ BIỂU HIỆN THIẾU TRUNG THỰC Ở NGƯỜI CẦM BÚT

           


          Trang chủ tranmygiong.blogspot.com:

- Tạp chí Văn Nhân số 137 ra tháng 5 & 6 năm 2021 trang 3 – 5 có bài “Tính trung thực, phẩm chất quan trọng của người cầm bút” của Nguyễn Công Thành. Chúng tôi thấy đây là một bài hay, mời các cụ trao đổi về khía cạnh những biểu hiện thiếu trung thực ở người cầm bút của chủ đề này.

Lưu thi sĩ tiên sinh:

          - Chủ đề bài viết rất cần trong tình hình hiện nay. Nhìn vào lĩnh vực nào trong xã hội cũng thấy đầy sự giả dối. Thực tế, rất nhiều người cầm bút, vì lý do không dám nói thật, hoặc cố tình bóp méo sự thật chỉ vì miếng cơm manh áo, sự yên ổn, sự thăng quan tiến chức của bản thân, vì bảo vệ phe cánh… Họ không chỉ hèn mà còn biểu hiện thiếu trung thực trong sáng tác.

          Trung thực là thành thực với người và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Người cầm bút trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kì việc gì, đặc biệt là trong sáng tác. Người cầm bút phải đảm bảo “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” (Hữu Thọ) thì mới thể hiện được tính trung thực cao trong tác phẩm.

          Trần nghệ sĩ tiên sinh:

          - Người cầm bút muốn có tác phẩm trung thực thì trước hết phải trung thực với chính mình. Anh tự viết bài ca ngợi mình lên mây, ký tên tác giả khác để lấy uy tín và ra oai, lừa bạn đọc thì trung thực cái nỗi gì. Không trung thực với chính mình thì không bao giờ trung thực với người khác. Như vậy thì không thể coi là người cầm bút trung thực được.

          Trình thi sĩ tiên sinh:

          - Dịp đại hội một chi hội nhà văn, một số nhà văn bàn nhau bỏ phiếu cho nhau để cùng đi dự đại hội trung ương mà loại bỏ những nhà văn không cùng phe cánh. Thế nhưng kết quả bỏ phiếu thì họ lại tự loại nhau. Ngoài mặt hứa với nhau một đằng, thực tế làm một nẻo. Trong cuộc họp trù bị của một bộ môn nghệ thuật, tổ chức bầu lãnh đạo bằng giơ tay, vị chủ trì trúng 100%. Vậy mà khi bỏ phiếu kín chính thức thì vị chủ trì đã bị loại không thương tiếc. Tôi từng chứng kiến một số người bỏ phiếu thì gạch tất cả, chỉ để lại tên của chính mình hoặc người của mình. Lại có người mồm đề cử người ta rất chi là nhiệt tình, nhưng khi bỏ phiếu thì lại gạch người ta đầu tiên. Làm giám khảo, mồm thì bảo tác phẩm ông A chắc chắn trúng giải, tác phẩm cô B dở… nhưng khi bỏ phiếu thì lại loại tác phẩm ông A, đưa tác phẩm cô B vào giải. Thưa các cụ, biểu hiện thiếu trung thực, thiếu tự trọng của những người cầm bút như thế buộc chúng ta phải nghĩ rằng họ không bao giờ có sự trung thực trong tác phẩm.

          Nguyễn văn sĩ tiên sinh:

- Qua tác phẩm, tôi bắt gặp một số bài ca ngợi tác giả này tác giả kia hết lời, nhưng thực tế thì tác giả này tác giả kia ấy chả có tác phẩm nào ra hồn. Thì ra người ta trả ơn nhau. Anh ủng hộ, đánh dẹp đối thủ giúp tôi lên ngôi thì tôi trả công cho anh bằng bài viết bốc thơm anh… Hoặc là anh có bài ca ngợi tôi thì tôi viết ca ngợi lại anh. Lại có những bài khen hết lời nhưng thực tế tác giả đạo đức kém, tác phẩm văn dở òm. Khen như thế là khen đểu, khen cho mày chết! Đấy cũng là biểu hiện thiếu trung thực của người cầm bút.

          Nhà nghiên cứu Trần tiên sinh:

          - Một số nhà nghiên cứu viện dẫn rất nhiều đoạn trích của lãnh tụ nhưng không cho biết nguồn trích, hoặc cho biết kiểu đánh đố độc giả rằng câu trích ấy tôi lấy từ toàn tập của Lê-nin. Trời ơi, toàn tập Lê-nin có tới 55 tập mà tập nào cũng cả nghìn trang, bố ai tra được. Lẽ ra, anh phải ghi rõ câu trích lấy của ai, sách nào, cơ quan nào xuất bản, năm xuất bản nào, tập mấy, trang dòng cụ thể. Tính trung thực ở đây biểu hiện ở sự chính xác về nguồn trích. Tôi đã trải nghiệm một lần gửi bài tham luận phản biện đến một hội thảo chuyên  đề nhưng không được mời. Vậy mà trong hội thảo ấy có mấy ông tiến sĩ từ trung ương tới địa phương đều lấy dẫn chứng ở bài của tôi làm cơ sở cho tham luận khẳng định của mình. Tệ hơn nữa là họ chỉ trích lấy đoạn có lợi cho họ mà lờ đi phần nội dung quan trọng. Bởi vì nội dung đó nếu nêu ra sẽ bẻ gẫy luận cứ của họ. Đây đích thị là một kiểu làm nghiên cứu khoa học thiếu trung thực, thiếu tôn trọng sự thật, thiếu khoa học.

Chu văn sĩ tiên sinh:

          - Tôi đã thấy không ít cuốn sách ghi trên vị trí tác giả đầu bìa sách là tên ông A, nhưng nội dung chính văn thì lại là thơ của ông B. Ông A chỉ có bài giới thiệu mà lại ăn gian làm người đọc nhầm tưởng ông ta là tác giả. Sự thật là ông B là tác giả phải được ghi trên đầu bìa và trang tên sách. Còn ông A thì chỉ là tác giả phụ, phải ghi dưới tên sách là người giới thiệu mới đúng. Trong một số kỷ yếu nhà văn, tôi bắt gặp thống kê tên sách của ông A, trong đó có cuốn mà sự thực ông ta chỉ có lời nói đầu còn chính văn của những tác giả khác. Rõ ràng ông A đã nhập nhèm về tác giả sách… cho oai?

          Hoàng họa sĩ tiên sinh:

          - Người cầm bút trung thực là phải phản ánh đúng sự thật. Anh có quyền hư cấu, nhưng hư cấu phải đảm bảo phản ánh được bản chất sự thật. Sự thật cũng có nhiều cấp độ. Có sự thật chỉ của riêng tác giả. Có sự thật của nhóm người. Có sự thật của xã hội. Phản ánh sự thật mang tính phổ quát là biểu hiện trung thực cao nhất của tác giả. Lấy sự thật của mình áp đặt cho người khác, cho xã hội là biểu hiện thiếu trung thực. Tôi còn nhớ một tiểu thuyết bị phản đối quyết liệt trên Văn nghệ trẻ vì nghi án đạo văn, vì hư cấu phi thực tế, đúng nghĩa bịa đặt. Tỷ như nói ông tướng bộ đội cụ Hồ thấy lính của mình mất tích một tuần, không cần xem xét sự thật, đã ra lệnh báo tử; Anh lính việt cộng bị lộ trốn trên máng nước, phơi nắng phơi mưa và nhịn đói cả tuần trong cơ quan đầu não của địch có sự tuần tra nghiêm ngặt, chó bảo vệ ngày đêm… mà vẫn thoát ra như đi chợ; Cô bí thư đảng xã nọ chửa hoang khi chồng đi chiến trường nhiều năm trước, bị cách chức, chỉ cần chồng từ chiến trường về báo với đảng ủy rằng vợ mình chửa với mình là lập tức được trả lại chức bí thư… Vậy mà ban giám khảo và lãnh đạo vẫn trao giải cao nhất cho tiểu thuyết này. Không lâu sau thì tác giả này bị đuổi khỏi tổ chức văn nghệ vì đạo đức kém, vi phạm pháp luật. Biểu hiện thiếu trung thực, vì phe nhóm là đây chứ đâu!

          Trang chủ tranmygiong.blogspot.com:

          - Xin phép các cụ cho phép trang chủ bỏ nhân danh và tên tổ chức cụ thể trong bài viết các cụ gửi tới để tránh ý kiến quy chụp không cần thiết. Cảm ơn các cụ đã góp ý kiến ủng hộ trang chủ. Một số cụ có ý kiến trùng lặp với các ý kiến đã lên trang, lại chỉ trao đổi qua điện thoại xin được để dịp sau. Khía cạnh chủ đề đã được các cụ thảo luận rõ ràng. Có lẽ tổng kết cuộc thảo luận là không cần thiết.

 

          TMG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét