Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

TRẢ LỜI NHÀ THƠ NAM THẮNG VỀ MỘT CÂU NÓI CỦA BÁC HỒ… / Trần Mỹ Giống


Tác giả Trần Mỹ Giống


NHÀ THƠ NAM THẮNG HỎI:

             Trong bài thơ của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đăng Tạp chí Văn Nhân số 121 năm 2018 (trang 53) có trích câu nói của Bác Hồ, đọc lên thấy nó ngang phè thế nào ấy.
             Xin hỏi nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống câu đó có chính xác không? Câu đó ghi trong văn bản nào của Bác Hồ?

MÙA THU NHỚ BÁC

Trong trẻo trời thu xanh tiếng Bác
“Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”
Lời thân thiết triệu lòng ghìm nước mắt
Mỗi thu về nhớ Bác mênh mông.

TRẦN MỸ GIỐNG TRẢ LỜI:


            Tôi có tra Toàn tập Hồ Chí Minh và trong Tuyên ngôn độc lập nước VNDCCH 2-9-1945 của Hồ Chí Minh, nhưng không tìm thấy câu “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?” ở chỗ nào cả. Như vậy về mặt pháp lý, câu đó không chính thức, chỉ là truyền khẩu dân gian.
Đúng như bác thấy câu nói đó vào thơ nó ngang phè. Nó chỉ là câu nói ở dạng khẩu ngữ, không có chất thơ, nó phá hỏng cả bài thơ. Nếu như câu đó được ghi trong chính văn của Toàn tập HCM thì buộc phải trích đúng nguyên văn. Nhưng như tôi nói trên, câu đó không có trong bất kỳ bài chính văn nào của Bác Hồ. Cho nên, nếu tác giả cứng tay thì sẽ không dùng câu ấy, hoặc biến sửa câu ấy cho hay…
           Trong dân gian, truyền khẩu còn có câu khác rất phổ biến (mà tài liệu nhà trường, tài liệu tuyên giáo, tài liệu thư viện, trong ca khúc, giao hưởng…) sử dụng tương đương câu trên. Đó là câu:
           Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”
           Rõ ràng câu này đọc lên có tính nhạc, không còn là khẩu ngữ bình thường như câu trên.
           Hơn nữa về mặt ngữ nghĩa, câu sau đúng với đạo đức, phong thái, trình độ của Bác Hồ - một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, một nhà thơ nổi tiếng…
          Câu đầu, trọng tâm được đặt vào “đồng bào” chứ không phải chủ thể - Bác Hồ. Do đó nó thuộc dạng câu  chất vấn - mệnh lệnh. Khi tôi giảng bài xong, tôi thường hỏi: “Các con nghe tôi giảng rõ chưa?”. Người chỉ huy trong quân đội hỏi nhưng mang tính mệnh lệnh: “Các đồng chí rõ nhiệm vụ chưa?”… Tâm thế của người nói đứng tách rời, trên người nghe. Một người trọng dân, hy sinh cả đời vì dân, rất khiêm tốn như Bác lẽ nào lại hỏi dân như thế?
          Câu sau, trọng tâm được đặt vào chủ thể - người nói. Bác sợ Bác nói tiếng Nghệ (hoặc loa đài không tốt) nên có thể đồng bào miền Bắc không nghe rõ được nên Bác mới hỏi như vậy. Câu hỏi thể hiện trách nhiệm của người nói, muốn biết đồng bào có nghe rõ hay không, có vừa ý hay không mà tự chỉnh sửa bản thân mình, âm thanh tiếng nói của mình sao cho dân nghe rõ nhất...

TMG

  Ghi thêm:

          Sau khi bài lên trang FB, nhà thơ Chu Đình An cho tôi biết bài thơ do nhà thơ Trần Văn Lợi tuyển chọn và biên tập. Tôi không tin một nhà thơ có cỡ ở tỉnh, lại là nhà nghiên cứu văn học như Trần Văn Lợi lại biên tập dở như trẻ con thế. Tôi liền tìm hiểu thì hóa ra chính nhà thơ Trần Văn Lợi đã biên tập lấy câu “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Nhưng một vị có chức sắc lấy quyền cao nhất với tạp chí đã quyết sửa lại câu như trong bài thơ đã in trong Văn Nhân…
            Có lễ bài thơ này thuộc dạng bài ca ngợi Đảng Bác nên dù có dở vẫn được ưu tiên hàng đầu của tạp chí.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét