Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

TRÁI TIM BIẾT MẤY NGUỒN CƠN... /Nguyễn Mộng Nhưng



                           
Nhà văn Nguyễn Mộng Nhưng
                                
                     Nếu...


        Nếu ngày kia tôi chết
        Thì còn mong gì hơn
        Âm thầm một giọt lệ
        Nhỏ xuống
        những nguồn cơn

                        Nguyễn Mạnh Chính

        Những người làm thơ lớn tuổi ở huyện Hải Hậu những năm cuối thế kỷ 20 đều biết tiếng Nguyễn Mạnh Chính.  Ông sinh năm 1935, sinh trú quán xã Hải Bắc, là giáo viên dạy cấp 1. Là người sống lặng lẽ, đạm bạc nhưng ông được bằng hữu quý mến không chỉ vì cốt cách mà còn vì ông là người yêu thơ, quý sách và thẩm văn đến độ. Ông chính là nguyên mẫu nhân vật thầy giáo trong truyện ngắn Hơi thở nhẹ của nhà văn Nguyễn Danh Khôi. 

         Rời cõi thế ở tuổi 65, ông đã để lại niềm tiếc thương sâu xa trong lòng người thân, đồng nghiệp, nhiều thế hệ học trò và những người bạn... Đặc biệt, ông đã để lại một bài thơ được nhiều người thuộc và truyền tụng, vượt ra ngoài phạm vi huyện, tỉnh. Nhà văn Lã Thanh An trong một lần "trà dư tửu hậu" cùng các nhà văn tham dự trại sáng tác do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, đã cao hứng đọc bài thơ này. Ngay lập tức bài thơ đã nhận được sự đồng cảm, thích thú của những người có mặt. Có người đã nhập tâm thuộc lòng tại chỗ. Chứng tỏ bài thơ có sức truyền cảm như thế nào mới nhanh chóng đi vào lòng người như thế.
Là một trong số những người nghe một lần đã "nhập tâm" bài thơ của Nguyễn Mạnh Chính, tôi xin có đôi điều cảm nhận.
        Cổ kim, Đông Tây trước Nguyễn Mạnh Chính đã có nhiều Văn nhân, Thi sĩ đang sống sờ sờ đấy mà đã nghĩ, đã lo những ngày sau của mình. Ở nước Nam ta cụ Nguyễn Du mấy phen dư nước mắt khóc người đời xưa, rồi đã thốt lên: Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Ba trăm năm nữa ta đâu biết / Thiên hạ ai người khóc Tố Như). Bên Tây ở Tiệp Khắc có Nhà văn-chiến
 J.L.Fu-xich. Ông là tác giả Viết dưới giá treo cổ nổi tiếng vì lối văn chính luận giàu chất thơ, từng kêu gọi: Con người hãy cảnh giác, cũng bày tỏ ước nguyện sau khi chết sẽ có người đến mộ mình nhỏ xuống những giọt nước mắt tiếc thương.  Có thể suy luận rằng Nguyễn Mạnh Chính là người đọc nhiều sách, cho nên ông đã ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng của tiền nhân. Nói thực tình, bài Nếu...  không có gì mới lạ về tứ. Thậm chí hai câu đầu cũng thường thường vậy thôi: Nếu ngày kia tôi chết / Thì còn mong gì hơn. Chẳng cứ Văn hào, Thi hào, một người bình thường cũng có thể nói ra cái ước nguyện ấy! Nguyễn Mạnh Chính đã tạo nên sự khác biệt trong hai câu cuối, đây là một nốt trầm xao xuyến kết tụ trong ba chữ những nguồn cơn.
        Nhà giáo Nguyễn Mạnh Chính (tự là Thiện Đa) khiêm nhường quá! Về với đất mà chỉ mong có một giọt lệ, không nhiều, không cần công khai, âm thầm tưởng nhớ đến mình! Không gian, địa chỉ không cụ thể là nấm mộ ngoài đồng hay ban thờ nghi ngút khói hương mà là những nguồn cơn. Nguồn cơn của ông là những gì?
       Có phải nguồn cơn  của ông là Trời không chớp bể với mưa nguồn / Đêm nảo Đêm nao tớ cũng buồn... Hơn 20 năm dạy học, đưa khách qua sông ông đã trăn trở mới làm được việc Chở bao nhiêu đạo còn việc đâm mấy thằng gian thì chưa! Có thể lắm, vì gia đinh ông đã có 4 đời phấn, bảng khai tâm con  trẻ. Mà những người thấm nhuần giáo lý Nho học có ai không thuộc câu thơ Nhân sinh tự cổ thùy vô tử? Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (Người ta từ xưa ai không chết?/ Lưu lại lòng son với sử xanh). Nguồn cơn của ông có khi cũng là sự ăn năn, hối tiếc vì lầm lỡ, là niềm đau, nỗi cô đơn như mỗi chúng ta!
        Con người sống trong cõi thực, theo quy luật tiền định Sinh lão bệnh tử với biết bao sướng khổ, buồn vui. Quan niệm và cách ứng xử về Sự sống, về Cái chết là thước đo, là dấu  ấn của một nhân cách. Nguyễn Mạnh Chính đã thống thiết gửi một lời ngỏ tới đương thời và hậu thế. Hôm nay trong cõi mơ nào chắc ông đã mãn nguyện: nguồn cơn của ông đã có rất nhiều giọt lệ sẻ chia.
      
        (Vĩ thanh: Nhan đề bài viết này rút từ hai câu cuối trong bài thơ Gấp sách lại của Nguyễn Mạnh Chính:
        Trái tim biết mấy nguồn cơn
Mảnh tình khép lại
Nghe hồn nhẹ tênh.)

                                      Nguyễn Mộng Nhưng 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét