Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

GIẢI THƯỞNG “LÀM BÁO CÙNG TUỔI TRẺ”: ĐẤU TRANH CHO SỰ THẬT / TRẦN HUY THUẬN



         “Tôi không hề minh họa. Tôi kể lại sự thật”
                                   (PHÙNG QUÁN)

Nhà văn Trần Huy Thuận

         Tranmygiong.blogspot.com :  Nhân 5 năm ngày mất (8/9/2013 – 8/9/2018)  của nhà văn Trần Huy Thuận, chúng tôi đăng lại một bài viết của ông…

        Ngày 15/6/2013, tôi và 5 đồng nghiệp khác đã được báo Tuổi Trẻ, cơ quan trung ương của Thành đòan TNCSHCM Thành phố HCM trao tặng giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ năm 2013”. Ngày 16/6/2013, báo Tuổi Trẻ (báo in) đăng bài “ĐẤU TRANH CHO SỰ THẬT”, kể về việc này, có nhắc đến trường hợp của tôi. 

    


       Vâng! Đấu tranh cho sự thật vốn là chức năng quan trọng nhất của đời sống xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của báo chí. Với một xã hội mà quyền lực tiền và quyền lực đen đang chi phối mọi hoạt động, thì việc đấu tranh cho sự thật trở nên bức bách, khó khăn và còn có phần nguy hiểm biết chừng nào? Như vậy, đoạt được giải vì đã thực hiện được tiêu chí đấu tranh cho sự thật, là vinh dự chứ ạ?
        Lâu nay, những bài viết của tôi đăng trên các báo điện tử như http://dantri.com/, http://vietnamnet.vn/, http://tamnhin.net/, http://nhavantphcm.com.vn/, http://vanvn.net/, cùng một số trang cá nhân của những nhà văn nhà thơ nổi tiếng như http://nguyentrongtao.info/, http://trannhuong.com/, http://nguyennguyenbay.blogspot.com/, http://tranmygiong.blogtiengviet.net/, … và được xuất bản thành tập sách có tiêu đề NGANG QUA CUỘC CHƠI (NXB Văn học và Cty TNHH Văn hóa Sài Gòn ấn hành), được một lương độc giả nhất định để tâm đọc và khen. Trong đó hầu hết đều là các cụ cao niên. Đáng kể ra đây là nhiều trường hợp các cụ đồng hương Nam Định đã hỏi thăm tìm đến tận nhà để mua sách hoặc ngỏ lời khích lệ tác giả: “Ông đã nói trúng những điều chúng tôi trăn trở bấy nay”. Có cụ đã ngoài 80 tuổi, từng là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Nam Ninh – cụ Nguyễn Khắc Đình, cũng đến gặp tôi tại nhà. Sau khi tỏ ý khen ngợi tôi đã dám viết thẳng, nói thẳng, cụ đã chất vấn tôi một câu liên quan đến chuyện ngoài đời của một nhân vật đương chức trong tập sách, một chuyện rất “bí mật” chỉ ít người trong cơ quan Tỉnh thời ấy biết, sao tôi lại biết? Tôi đã thưa rõ với cụ nguyên nhân tôi biết và cụ đã buông một câu: “À ra thế!”. Ngày mùng một Tết năm ấy, Cụ còn đến chúc Tết mừng tuổi tôi từ rất sớm nữa! Lại có độc giả đã ngoài 80 tuổi, quê Năng Tĩnh nhưng vào sinh sống tại Tp. HCM, khi có người tặng cụ cuốn NQCC của tôi, cụ đã đọc không bỏ qua trang nào, bằng chứng là trang nào cụ cũng ghi lại nhận xét và lời bình. Rồi khi cụ về quê hương, cụ đã mang tập sách đó cho tác giả xem, với ý để tác giả thấy cụ đã quan tâm tới từng bài viết trong đó như thế nào. Đó chính là cụ Trần Đăng Bút. Cụ nói: “Tôi đọc là nhận ra ngay những con người và sự việc quen thuộc mà dân thành Nam ta ai ũng biết ”. Lại có ông Công nhân già, hàng ngày vẫn còn lặn lội kiếm sống bằng nghề cơ khí, cũng dành thời gian đọc sách của tôi do cậu cháu tôi đưa. Một lần thấy tôi ngồi trước cửa hóng mát, ông đang vác trên vai một bó ống thép, đã vội dừng xe. Ông kể: “Tôi đã phải đem phô-tô quyển của bác thành bốn năm tập rồi đấy, nhiều người thích lắm”. Tôi ân hận vô cùng vì không còn sách để biếu người bạn đọc quý giá ấy! Độc giả của tôi còn có cả các cụ nguyên là phó trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, nguyên phó chủ tịch tỉnh , nguyên phó bí thư thường trực tỉnh ủy, nguyên chánh phó giám đốc nhiều cơ quan doanh nghiệp… Độc giả của tôi còn là các nhà văn nhà thơ, nhà báo tên tuổi ở địa phương và từ họ, tôi lại có thêm nhiều bạn mới trong giới viết văn của tỉnh – thảy đều là những người đã có tuổi… Như vậy, tôi được các cụ cao niên quan tâm đọc, khen chính là vì tôi viết đúng sự thật, viết đúng tâm trạng cũng như suy nghĩ của các cụ!
        Cụ Hải Như, lại là một trường hợp đặc biệt khác. Cụ là Nhà thơ nổi tiếng từ rất lâu, với hàng trăm bài đã đăng trên báo Nhân Dân, trong đó hầu hết là những bài viết về hình tượng Hồ Chí Minh. Cách viết khác, quan niệm về văn học khác với nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng khác…  Nhưng dấu ấn để lại trong dư luận là rất rộng lớn. Cho đến năm 2013 này, cụ đã 90 tuổi dương, nhưng nhiều địa phương vẫn ghi nhớ công lao và các sáng tác của Cụ viết về quê hương họ, điển hình như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang… Một con người như thế, làm sao tôi dám tự tiện làm quen?
        Nhưng là sự sắp đặt của số phận.
        Tết Quý Tị vợ chồng cụ Hải Như về Nam Định, sống tại nhà Họa sĩ Hồ Y – em trai cụ. Tình cờ nhà thơ Phạm Trọng Thanh đã đến thăm cụ, đưa cụ xem tập NGANG QUA CUỘC CHƠI của tôi. Cụ đọc qua và đề nghị nhà thơ Phạm Trọng Thanh cho số điện thoại của tôi… Sau khi Cụ Hải Như trở về Tp HCM, cụ có gọi điện cho ông Trần Mỹ Giống, đọc cho ông nghe bài thơ sổ tay khai bút mà Cụ viết về tôi. Ông Giống đưa lên Blog, tôi đỏ mặt về những lời quá khen của cụ và chỉ dám xin cụ mấy chục chữ sau, nhưng trong lòng vẫn còn sợ mình làm như thế có quá tự tin không:
        “… Tôi thật sự bất ngờ khi được gặp Thuận – Trần Huy
        Cái tên THUẬN là do nguyện vọng của các cụ đặt cho Anh
        Anh đã đi vào văn chương bằng cái đầu “không thuận”
        Với bút pháp đọc lên là thấy ngay chất Tú Xương tiếp nối
        “Narguer le monde” –
        Nhạo báng cái nhố nhăng, thói rởm đời của quan và dân đang lộng hành thời cận đại
        Anh đã đánh động cuộc đời và định nghĩa cái cần đóng góp với đương thời của người cầm bút hôm nay…

                        Sài Gòn, 10 tháng Giêng 2013
                                        HẢI NHƯ ”.

                                        ***

        Trong thâm tâm, tôi vẫn cho độc giả của mình chỉ là các cụ cao niên. Vậy mà bỗng nhiên báo Tuổi Trẻ lại chọn tôi để trao giải thưởng năm 2013. Tôi mừng lắm, nên mặc dù đang điều trị căn bệnh hiểm nghèo, tôi vẫn nhận lời mời, vào thành phố HCM nhận giải. Các ông lãnh đạo báo Tuổi Trẻ, các cháu biên tập viên, các bạn trong ban Bạn đọc của tòa báo đều niềm nở đón tiếp tôi như người thân, mặc dù lần đầu tiên tôi có vinh dự gặp họ. Tôi mừng lắm, vui lắm! Từ hội nghị này, tôi ngộ ra rằng, thì ra tôi cũng có chút chỗ đứng trong lòng các độc giả Trẻ đấy chứ, chỗ đứng ấy lại là chỗ đứng “đấu tranh cho sự thật”! Như thế làm sao tôi không thấy vinh hạnh?
        Viết về sự thật diễn ra quanh ta, những sự thật mà xã hội đang nhức nhối, nhân dân đang phê phán, lên án… là một việc làm khó khăn. Khi cầm bút tập làm người viết văn, tôi hòan tòan không có chủ định chọn đề tài nguy hiểm này – nhưng cuộc sống mà tôi gắn bó, đã chọn tôi. Nói như vậy cũng có phần hơi to tát, thực sự là những chuyện diễn ra quanh tôi, quanh chúng ta hành ngày, nhưng điều trái với đạo lý, với lương tâm, đã thôi thúc tôi viết. Thần tượng của tôi là Phùng Quán, ông dạy tôi: “Tôi không hề minh họa. Tôi kể lại sự thật”. Tôi chọn cách viết này cũng còn vì mình không có khả năng hư cấu, kém trí tưởng tượng – một yếu tố quan trọng của nghề viết văn. Viết về sự thật, nhưng tôi không nhắm vào cá nhân ai, nếu thấp thoáng đâu đó ai có nhận ra mình, thì nên hiểu đó là nhân vật điển hình của xã hội. Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh đã nói: “Không biết Trần Huy Thuận ngang qua cuộc chơi nào, chứ ngang qua cuộc chơi “nói thật mất lòng” này, hẳn sẽ là …Mệt lắm!”.
        Vâng! Quả là “mệt lắm”! Mệt, nhưng trong lòng tôi thanh thản…

        THT (đợt nhập viên thứ 12, tháng 7/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét