Đó là bài thơ “Giữ mực thanh liêm” và “vui thú nhà nông” rút
trong 10 bài thơ hay của cụ Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng: Cảm hứng, Đề động Bích Đào Nga Sơn, Đề núi Dục Thúy, Đề núi Hàm Rồng,
Đề núi Phật Huỳnh, Đêm nghỉ ở Thanh Hóa, Giữ mực thanh liêm, Ngẫu hứng, Vui thú
nhà nông và Tợ Vịnh.
Bài thơ Giữ mực thanh liêm nói về việc làm quan ở thời phong
kiến.
Vốn là người đã từng “Quan trong năm bẩy bận, quan ngoài tám
chín phen”. Như khi thì làm Giám sát Ngự sử ở trong triều đình Nguyễn, khi thì
làm quan Bố chính ở tỉnh Tuyên Quang, làm Tuần phủ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương
nên cụ hiểu việc làm quan từ chân tơ kẽ tóc. Làm quan cũng có năm bảy loại, có
người giữ được đạo đức, thương dân thì là quan thanh liêm, có người là quan
tham thì cậy quyền làm điều thất đức vơ vét của dân để vinh thân phì gia.
Chớ nghĩ là quan đã bảnh bao
Yêu nhau một giống nghĩa đồng bào
Bới lông tìm vết lòng không nỡ
Giục bị xui nguyên tộ biết bao
Cụ đã vạch ra lũ sai nha lòe dân, lũ cường hào nịnh hót theo
đóm ăn tàn, dựa thế quan trên để sách nhiễu dân:
Dấu đỏ lòe dân trò lính lệ
Môi thâm hót nhảm lũ cường hào
Viết đến đây tôi bỗng nhớ lại trong sách giáo khoa tiểu học
thời trước Cách mạng tháng Tám có bài tập đọc nói về một ông quan thanh liêm
khi về chí sĩ nhà vẫn nghèo. Bà vợ thường phàn nàn về nỗi nhà nghèo, ông cười
mà nói rằng: “Bà không nhớ khi xưa ta phải đi cắt cỏ trâu, cơm không có mà ăn,
áo không có mà mặc hay sao. Nay được như thế này bà còn đòi gì nữa. Lại còn
muốn lấy của phi nghĩa để làm giàu ư?”…
Bao nhiêu năm làm quan dưới chế độ phong kiến, cụ hiểu rõ
quan lại đồng liêu với cụ, người thanh liêm thì ít, người chuyên mánh lới vơ
vét của dân thì không phải ít. Cái mánh khóe lòe bịp dân để kiếm tiền (ở đây cụ
gọi là xu) của họ không phải cụ không biết, nhưng nghĩ thương dân mà không nỡ
lấy của dân, như hai câu thơ ở trên. Còn hai câu kết của bài thơ lại khẳng định
lại một lần nữa:
Kiếm xu không phải mình không thạo
Bắt nạt dân đen có thế nào
Cụ Đặng Xuân Bảng là người có tuổi thọ cao (1828 – 1910), 83
tuổi, ở cái thời “Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm” mà thọ đến như cụ đã là cao
lắm. Vì thế cụ có thời gian làm quan khá lâu, thời gian về chí sĩ cũng nhiều.
Vốn xuất thân trong một gia đình nông thôn làng Hành Thiện Nam Định, cụ hiểu
nhiều về nông dân, những người trồng dâu nuôi tằm, cấy lúa ngoài đồng, trồng
cây trong vườn. Bài thơ “Vui thú nhà nông” đã thể hiện rõ điều đó.
Cụ nhận rõ ở thời cụ đã có nhiều nông dân giầu lên về sự chăm
làm cày sâu cuốc bẫm, cấy lúa ngoài đồng và chăm lo vườn cây ao cá.
Kể chi ao cá với vườn rau
Cầy cấy siêng năng cũng đã giầu
Cụ ca ngợi cảnh đẹp ở nông thôn: Đỏ rỡ bên đê hàng lúa bắp/
Xanh rì bãi cát mấy ngàn dâu. Cụ ca ngời tiềm năng của đất đai đồng ruộng “tấc
đất tấc vàng”. Cụ còn vận dụng ca dao tục ngữ, ngạn ngữ viết lên hai câu thơ
nối tiếp của bài thơ:
Ơn trời đổ xuống mưa như mỡ
Lộc đất đùn lên ruộng cũng mầu
Hai câu kết của bài thơ ca ngợi thú vui của nhà nông, đặc
biệt là thú vui làm vườn, trồng cây ăn quả, trồng rau để mùa nào thức ấy cung
cấp nguồn thực phẩm cho cuộc sống:
Phong vị điền gia coi cũng thú
Mùa nào thức ấy chuối cam rau.
Hai bài thơ “Giữ mực thanh liêm” và “Vui thú nhà nông” là hai
bài thơ thất ngôn bát cú, rất chuẩn xác trong Luật thơ Đường về nội dung là
tính hiện thực có tầm khái quát rộng lớn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Lê Văn Hy
Lê Xá, thị trấn Mỹ Lộc, huyện
Mỹ Lộc, tỉnh Nam
Định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét