Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

CHUYỆN LẠ Ở THÁI BÌNH: Miếu nhà ông thành nhà thờ Tổ họ Trần - Ấn trên đồ cổ thời Chu thành ấn vua Trần / Tiến Trần - Trung Nguyên



Tiến Trần

          Tháng 10/2018

          Thái bình từ lâu được người dân cả nước biết đến không chỉ là quê hương năm tấn với những người nông dân cần cù lao động sản xuất làm giàu cho quê hương, đất nước, nơi đây còn là mảnh đất địa linh nhân kiệt- nơi phát tích nhà Trần, gắn liền với những chiến công hiển hách đánh đuổi giặc Nguyên –Mông thế kỷ thứ XIII, được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Còn bây giờ Thái Bình đang nổi lên bởi các chuyện lạ có thật mà như đùa.


  TỪ MIẾU NHÀ ÔNG BIẾN THÀNH ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM

           Miếu Nhà Ông bỗng dưng biến thành cái gọi là “Đền thờ Tổ họ Trần VN”
           Từ trước đến nay, ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình chỉ có duy nhất một đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam tồn tại ngót 800 năm nay ở xã Tiến Đức, là Di tích lịch sử cấp Quốc gia - nơi thờ các vị vua và danh nhân nhà Trần có nhiều công lao với nước. Đây cũng là niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân tỉnh Thái Bình nói riêng, là địa chỉ tin cậy cho các du khách thập phương và con cháu họ Trần hàng năm về đây dâng hương, lễ Tổ. Thế nhưng, năm 2011 tại làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà bỗng xuất hiện thêm một ngôi đền thờ mới được xây dựng quy mô, hoành tráng với những pho tượng đồng dát vàng có trọng lượng từ 350 đến trên 5000kg, có đầy đủ câu đối, đại tự, bài vị và cũng được gọi là “đền thờ Tổ họ Trần Việt nam”. Sự xuất hiện của ngôi đền thờ mới này khiến cho nhiều người dân địa phương, đặc biệt là con cháu hậu duệ họ Trần không khỏi ngỡ ngàng, bức xúc. Vậy cái gọi là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” này bắt nguồn từ đâu và đang thờ ai trong ngôi đền này? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều năm trước, nơi đây chỉ có một cái miếu nhỏ nằm cạnh cánh đồng thôn Phương La, xã Thái Phương, được người dân địa phương gọi là miếu Nhà Ông (còn gọi là miếu gốc Đa). Năm 2002, Hội đồng gia tộc họ Trần xã Thái Phương làm đơn xin phép chính quyền phục dựng lại ngôi đền ở thôn Phương La để lấy nơi thờ tự tổ tiên của dòng họ. Ngày 13-5-2002, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản số 618/UB-VX gửi Sở VH-TT, UBND huyện Hưng Hà, UBND xã Thái Phương nêu rõ: Cho phép Hội đồng gia tộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà được phục hồi ngôi đền Nhà Ông trên nền móng cũ (có bản vẽ kèm theo). Kinh phí xây dựng do dòng họ đóng góp. Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh giao cho các cơ quan chức năng của tỉnh theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình trùng tu, phục dựng đền Nhà Ông, kịp thời uốn nắn, xử lý sai sót (nếu có). Có một điều lạ là, nếu theo văn bản cho phép của tỉnh chỉ được phục hồi ngôi đền Nhà Ông trên nền móng cũ, tức là chỉ trong phạm vi khuôn viên đất nền và ngôi mộ có sẵn từ trước với tổng diện tích khoảng hơn 100m2. Thế nhưng, ngôi đền này sau khi xây dựng đã có diện tích vượt trội lên đến hơn 200m2 trên tổng diện tích hơn 50.000 m2, nhưng không có bất cứ một cơ quan chức năng nào từ xã đến huyện, tỉnh nhắc nhở, xử lý vi phạm. Một sự lạ nữa khiến rất nhiều người quan tâm, đó là nhân vật được tôn thờ tại đây có tên là Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị đại vương), một nhân vật không hề có trong sử sách, cũng không rõ gốc tích và cũng chẳng có công lao gì trong thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần nhưng lại được gán ghép là em trai cụ Trần Lý, là thân sinh Thái sư Trần Thủ Độ. Chính vì thế, có người đặt câu hỏi: Thái sư Trần Thủ Độ là một người cương nghị, sống có nguyên tắc và có đạo hiếu, tại sao khi bố đẻ chết vẫn để một ngôi mộ hoang như thế suốt nhiều thế kỷ qua để chờ hậu thế xây dựng? Các vua Trần làm sao có thể để thân phụ của một Thái sư đầu triều nằm quạnh hiu dưới ba tấc đất hàng trăm năm như thế? Được biết, chủ nhân của ngôi đền thờ mới xây dựng này là Tổng Giám đốc (TGĐ) Tập đoàn Hương Sen, là một đại gia có tiếng của tỉnh Thái Bình, . Dư luận cho rằng: Nếu ông TGĐ thực sự là con cháu hậu duệ họ Trần có tâm đức với tổ tiên, dòng tộc, sao không dành tiền bạc để tu bổ, tôn tạo khu Di tích lịch sử nhà Trần tồn tại 800 năm ở xã Tiến Đức cách đó không xa mà lại đầu tư xây dựng cái gọi là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” mới để làm đối trọng với đền thờ Tổ họ Trần ở xã Tiến Đức? Năm 2007, UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hoằng Nghị đại vương và việc tôn tạo khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La”, tại cuộc hội thảo, do có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến nhân vật Trần Hoằng Nghị thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, GS Vũ Khiêu kết luận nêu rõ : Thân phụ của Thống quốc Thái sư Trung vũ đại vương Trần Thủ Độ là ai vẫn còn là một tồn nghi. Cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa, không chỉ nghiên cứu ở trong nước mà còn phải nghiên cứu cả ở nước ngoài mới mong giải đáp được câu hỏi này”.Điều đó cho thấy, nhân vật Trần Hoằng Nghị chưa đủ cơ sở khoa học và lịch sử để khẳng định có hay không có. Nhiều giả thuyết cho rằng, nếu có nhân vật Trần Hoằng Nghị được tôn thờ tại đây chắc chắn không phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, mà đây chỉ là tổ tiên một chi cành trong dòng họ Trần ở xã Thái Phương, (đúng như trong giấy phép xây dựng của Hội đồng gia tộc họ Trần xã Thái Phương), càng không thể là ông Tổ họ Trần Việt Nam. Thế nhưng, người tài trợ cho cuộc hội thảo đã phớt lờ dư luận, làm những việc tày đình, ít ai có thể làm được, đó là biến một nhà thờ của một chi cành trong dòng họ Trần ở xã Thái Phương thành đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam (?). Thêm một điều lạ gây phản cảm với bất cứ ai khi đến thăm ngôi đền, đó là tượng các vị vua và danh nhân nhà Trần có nhiều công lao với nước có trọng lượng chỉ bằng 1/10 -1/15 nằm lọt thỏm trước bức tượng đồng dát vàng Trần Hoằng Nghị ngồi chễm chệ ở trung tâm điện thờ, chẳng khác nào một thứ trang trí, làm nền cho “nhân vật lịch sử” hư cấu này. Câu chuyện Thái Bình có 2 đền thờ Tổ họ Trần cho đến nay vẫn đang là một dấu hỏi lớn đối với các nhà chức trách địa phương và ngành văn hóa. Kể từ sau cuộc hội thảo khoa học do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức năm 2007, đến nay vẫn chưa có cơ quan hữu quan nào đứng ra thẩm định, kết luận cụ thể. Nguy hiểm hơn, một số nhà sử học dựa vào các tư liệu điền dã và một chiếc bài vị mới làm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có nội dung :”Phụng đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị đồng tứ vị phu nhân”(nghĩa là phụng thờ vị đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị cùng bốn bà vợ - sau này đổi tên lót thành Trần Hoằng Nghị), rồi gọi nhân vật hư cấu, không rõ gốc tích này là em trai cụ Trần Lý và là thân phụ của danh nhân lịch sử Trần Thủ Độ, rồi tự ý đưa vào Quốc sử, bất chấp sự phản đối quyết liệt của dư luận và con cháu hậu duệ họ Trần.

  CHIẾC ẤN CỔ CỦA VUA TRẦN Ở THÁI BÌNH

           Đây là chuyện có thật 100%, cho đến bây giờ người dân Thái Bình và con cháu hậu duệ họ Trần vẫn chưa thể quên cái ngày 13 tháng Giêng, năm Canh Dần (2010), đó là ngày “khai ấn” đầu tiên ở đền Trần Thái Bình do tỉnh Thái Bình tổ chức, có sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng đông đảo người dân Thái Bình và con cháu họ Trần khắp nơi về đây hồi hộp chờ đợi để được tận mắt chứng kiến “sự kiện lịch sử trọng đại có một không hai ở trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này”, sau đó được cầm trên tay một tấm lụa hồng mang dấu của chiếc ấn vua Trần - một sản phẩm văn hóa đặc sắc của một triều đại vô cùng hiển hách đã đi vào lịch sử dân tộc. Nhưng ít ai ngờ được rằng, đây chỉ là một sản phẩm mỹ nghệ có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, không liên quan gì tới triều đại nhà Trần và văn hóa Việt Nam. Câu chuyện bắt nguồn từ một người buôn bán đồ cổ…
             Theo lời kể của ông Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã huyện Hưng Hà, là người tổ chức lễ khai ấn đền Trần ở Thái Bình, chủ nhân của chiếc ấn cổ này là một tư nhân làm nghề buôn bán đồ cổ, qua giới thiệu của một nghệ nhân gốm sứ ở Bát Tràng (Gia Lâm), Hà Nội, một nữ doanh nhân quê Thái Bình sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh đã chuộc lại và cung tiến cho đền Trần ở Thái Bình. Chiếc ấn cổ có hình khối hộp, mỗi chiều hơn 10 cm, bên ngoài bọc đồng, trọng lượng khoảng 5-6 kg. Điều đáng lưu ý ở đây là, nhìn vào chiếc ấn cổ ta có thể dễ dàng phát hiện nó đã được cải biên một số chi tiết, chẳng hạn như: phía trên cùng là 3 chữ “Trần đế miếu”; giữa ấn là hàng chữ “ Việt Nam quốc,Thái Bình tỉnh, Hưng Hà huyện, Tiến Đức xã, Tam đường hương”; dọc bên phải ấn có 4 chữ “kim ngọc mãn đường” (vàng ngọc đầy nhà); dọc bên trái ấn có 4 chữ “An khang thịnh vượng”. Tất cả các câu chữ về địa danh, lời cầu sặc mùi vật chất (vàng ngọc đầy nhà) chỉ thời nay mới có. Còn 4 chữ Hán trong lòng ấn mới là điều đáng quan tâm hơn cả, vì nó khẳng định giá trị khoa học và lịch sử của một triều đại vô cùng hiển vinh đối với lịch sử Đại Việt. Thế nhưng, 4 chữ Hán trong lòng ấn được các dịch giả đưa ra lại không đồng nhất về nội dung ngữ nghĩa. Có người dịch là “Thiên Nhân Hộ Quốc”; có người dịch là “Quốc Vương Thiên Nhân”. Riêng nhà nghiên cứu Hán nôm Nguyễn Tiến Đoàn, sau khi tra cứu rất nhiều sách Hán cổ như Khang Hy tự điển, Vương Đạt thư pháp, Tam diệu thiếp…, cụ đưa ra kết luận 4 chữ đó không phải là “Thiên Nhân Hộ Quốc”, cũng không phải là “Quốc Vương Thiên Nhân”. Chữ khắc trên mặt ấn đó là kiểu chữ triện cổ từ đời Tần Thủy Hoàng, rất cách điệu. Chữ trong lòng ấn lại khắc ngược, muốn đọc nó phải nhìn chiều trái phía sau tấm lụa đóng ấn. Theo dịch giả Nguyễn Tiến Đoàn, nếu nhìn từ chiều trái phía sau, 4 chữ Hán trong lòng ấn được đọc là “Chu Thị Thượng Nguyên”, nhìn chiều phải đọc là “Thượng Nguyên Chu Thị” (nghĩa là “tiết thượng nguyên nhà họ Chu”). Cụ giải thích thêm, chiếc ấn “Chu Thị Thượng Nguyên” do một nhà khắc ấn nổi tiếng người Trung Quốc sống ở cuối triều Thanh tên là Từ Tam Canh (1826-1890) khắc theo đơn đặt hàng của một người ở huyện Thượng Nguyên, và đây chỉ là ấn danh của người họ Chu ở huyện Thượng Nguyên. Còn ấn “Chu Thị Thượng Nguyên” ở đền Trần Thái Bình là một sản phẩm “nhái” theo ấn “Chu Thị Thượng Nguyên” của họ Từ nhưng bị khắc ngược, nó không có liên quan gì đến các vua Trần. Qua phân tích khá tỉ mỉ, chi tiết của nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Đoàn đã khiến dư luận thêm một phen “dậy sóng”, bởi vì họ cho rằng đã bị mắc quả lừa do Ban tổ chức khai ấn đền Trần Thái Bình gây ra đúng vào dịp đầu xuân năm mới nên “tiền mất còn bị xui”. Đã có không ít người dọa sẽ phát đơn kiện Ban tổ chức. Trước tình hình nói trên, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã khẩn trương vào cuộc, giao cho Cục Di sản tổ chức một Hội đồng giám định về tận Thái Bình để giám định chiếc ấn cổ nói trên. Sau khi giám định, Cục Di sản đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao - Du lịch, khẳng định chiếc ấn ở đền Trần Thái Bình chỉ là một sản phẩm mỹ nghệ, có xuất xứ từ Trung Quốc không có liên quan gì đến triều đại nhà Trần và văn hóa Việt Nam. Cục Di sản còn kiến nghị cho thu hồi toàn bộ số sản phẩm đã được đóng ấn và đã phát ra (theo cụ Trần Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội đồng Trần tộc Việt Nam, số lượng in ra khoảng gần 10 vạn chiếc, mỗi chiếc giá 30.000đ). Tính ra, tổng số tiền thu được gần 3 tỷ VNĐ nhưng không phải tốn một giọt mồ hôi, công sức nào. Câu chuyện có thật xẩy ra giữa thanh thiên bạch nhật ngay trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Thái Bình cuối cùng cũng “huề cả làng”, không có ai bị xử lý. Nhưng nó đã để lại một dư âm, một khoảng trống không dễ xóa nhòa, đó là lòng tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền địa phương, bởi sự kém cỏi, nóng vội, thiếu hiểu biết và tắc trách của một số quan chức nên mới xảy ra nông nỗi.

Tiến Trần - Trung Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét