Nhà nghiên cứu Đồng
Ngọc vừa ra mắt tiểu thuyết mới:
LÃO HÓI: Tiểu thuyết / Đồng Ngọc Hoa ; Trần Mỹ
Giống giới thiệu. – H. : Hội Nhà văn, 2018. – 223 tr. ; 20 cm.
Trang chủ trân
trọng giới thiệu với bạn đọc chương đầu của tiểu thuyết này:
LÃO HÓI
Chương I
Lúc
mẹ đẻ ra, đầu lão chẳng có tí tóc nào, người bé tí khoảng hai cân. Người ta cứ
bảo hay mẹ lão đẻ non nhưng không, lão khóc to như xé vải, không trách sau này
lão là gã lắm mồm. Rồi sáu bảy tháng sau tóc lão cũng mọc, nhưng thưa hơn những
bé bình thường. Khi mới ngoài bốn mươi tuổi lão đã hói. Người ta thường hói từ
trán trở lên, lão lại hói từ đỉnh đầu trở xuống. Có người nói: “Hói như hắn thì
không bị chết đột tử bao giờ”. Hôm lão say rượu ngã gục xuống bờ ruộng, vợ hắn
phải vắt ngang qua yên xe để đèo về nhà, không chết thật.
Bỏ
cái tã nồi đen ra, đầu lão nhẵn thín như cái đít nồi đồng. Lão hay cắt tóc, lại
cắt rất cầu kì. Lão nhớ định kỳ cắt tóc như nhớ ngày lĩnh lương hàng tháng. Hồi
còn đóng quân ở Hà Nội, một lần chủ nhật được nghỉ, đi ăn sáng, tôi gặp lão
cũng vào quán phở. Lão gọi:
- Này
bà chủ quán.
- Dạ.
- Tôi đặt bà bát phở ba đồng, không có mỳ
chính. (Hồi ấy có tin đồn mỳ chính là để dùng ướp xác người chết) - nói rồi lão
rút trong túi ra cái lọ Penexinin đựng đầy mỳ chính để cạch trên bàn, ngồi đợi.
Lúc sau, một cháu bé lom khom bưng bát phở nghi ngút hương thơm ra đặt trước
mặt lão. Lão nhìn cháu bé rồi gọi to:
- Này bà chủ quán.
- Dạ.
- Tôi đặt bà làm phở chứ có đặt con bé này
đâu mà nó bưng bát phở ra, hai ngón tay cái nhúng cả vào nước phở thế này thì
ai ăn?
Nghe
thượng đế nói có lý, bà chủ quán chiều khách sai cháu bé bê bát phở vào. Bà
trực tiếp bê ngay cái khay đựng bát phở lúc nãy ra cho lão. Ừ, lão hạch sách
cũng có lý, nhưng cũng có thể là lão hâm. Tôi ăn xong, liền đi cắt tóc còn về
tắm giặt cho hết sáng chủ nhật.
Tại
hiệu cắt tóc, tôi lại gặp lão. Vừa vào lão đã rút trong túi ra tờ giấy vẽ một
cái đầu tóc mẫu, ghi chú kích thước chằng chịt. Nào là từ chân tóc ở cổ trở lên
mấy phân thì nhẵn rồi xanh dần với góc độ vuốt lên tới đỉnh là bao nhiêu. Nào
là bấm gáy vuông rộng bao nhiêu, vát lên hai mang tai góc độ bao nhiêu… Chìa
bản vẽ cho thợ, lão hất hàm hỏi:
-
Ông có cắt được không?
Ông
thợ cắt tóc xem đi xem lại bản vẽ, xong lại ngó trước ngó sau cái đầu lão rồi
trả lời:
-
Tôi cắt được.
Lão ngồi vào ghế để thợ thi công đầu tóc
lão theo bản thiết kế. Phải công nhận cái đầu lão sau khi cắt xong theo bản vẽ
trông cũng được. Có bản vẽ như người ta xây cái nhà cũng có khác. Thợ đòi lão
trả công gấp đôi bình thường. Lão không nói không rằng, soi gương trước, ngắm
gương sau, nhìn bản vẽ một lúc lâu. Chừng như vừa lòng với công trình, lão gật
đầu quyết định nghiệm thu… Lão móc ví đếm đủ tiền công, lại xòe ra thêm ba đồng
thưởng cho thợ:
- Đãi ông bát phở.
Về già, đi cắt tóc không thấy lão đưa bản
vẽ đi nữa, nhưng cái thú cắt tóc vẫn còn. Lão cắt tóc để chứng minh rằng lão
không hói. Ai chê lão hói là lão chửi, chửi thậm tệ, chửi để chứng tỏ lão vẫn còn
nhiều tóc chứ không phải hói, chửi để quên đi cái chuyện đẻ ra lão không có
tóc. Lão chê mấy cha nhà quê cắt tóc đểu, không bằng thợ tỉnh ngày xưa cắt cho
lão. Lão quyết tập đi xe đạp để còn định kỳ đạp xe lên tỉnh cắt tóc… Tôi về quê
sang thăm bố lão, thấy lão đang nằm cong queo ở giữa sân, cái xe đạp đè lên
người. Thấy lão bất động, tôi tưởng lão chết. Nhưng khi thấy tôi, lão gọi to:
“Bác ơi! Bác đã về, bác giúp em một tay”. Tôi dựng cái xe đạp lên cho lão bò
dậy, nhưng không được, cái xe đạp đã dính chặt vào lão. Thì ra cái giải rút
quần ngố của lão cuốn chặt vào líp xích xe. Tôi lấy dao cắt dây rút quần ra lão
mới dậy được. Lão hổn hển nói không ra hơi:
- Bác biết không, em tập xe gần đi được
rồi, nhưng hôm nay đạp sao nó nặng thế, không bon tí nào, thì ra là tại cái rút
quần quấn vào xích líp. Em càng đạp nó càng kéo ghì em xuống, em cũng cứ đạp
xem đứa nào thắng, đạp cho đến lúc nó kéo người em xuống lăn kềnh ra sân chân
dưới chân trên em quặp chặt lấy cái xe đạp mà bánh của nó vẫn cứ quay. Em không
biết làm sao mà gỡ ra được, Cuối cùng thì như bác biết. Cũng may mà ngã sân,
chứ ngã trên phố tỉnh thì bán bêu bác nhẩy. Đã đến kỳ cắt tóc, lần này thì lão
quyết không cắt mấy cái ông thợ đểu nhà quê. Lão đi xe ô tô ra tỉnh để cắt tóc.
Lão xuống bến xe được xe ôm dẫn đường vào hiệu cắt tóc. Nhìn một lúc hắn thốt
lên: chà, hiệu cắt tóc phải thế này chứ. Cắt cho lão là một phụ nữ khoảng ngoài
ba mươi tuổi, trẻ đẹp, thỉnh thoảng làn tóc mây cứ xõa xuống mặt hắn. Lúc cạo
mặt, mùi thơm nước hoa từ tóc mụ làm lão ngây ngất. Cái bụng đầy mỡ của mụ cứ
cọ cọ vào tay, vào người lão làm lão tê mê. Lão nghĩ bụng: “Hơn đứt gái nhà
quê…” Đến lúc lấy ráy tai, lão cũng không quên tỏ ra thành thạo bảo thợ lấy bên
trái trước, bên phải sau nó mới không bị ho. Ho là nguy hiểm lắm. Nhưng lão có
biết đâu cái nguy hiểm sắp đến với lão mà lão không biết. Lão nhắm mắt nằm im
nghe cái dao lá lúa cạo xồn xột trong tai, lão tê mê người khi dụng cụ cứ làm
buồn trong tai, chả biết có lấy được cái ráy nào không nhưng cũng thích ơi là thích.
Lấy xong bên trái lẽ ra phải xoay ghế để lấy bên phải thì cô thợ lại chồm người
qua mặt lão, dí cái ngực đẫy đà vào mặt lão, quờ tay sang lấy ráy tai bên phải.
Lão cố mở mắt nhìn bộ ngực trắng nõn là cứ day đi day lại vào mồm, vào mũi lão.
Lão không dám thở, bụng bảo dạ cứ nằm im xem sao. Lão cũng định mở mồm bảo nhấc
lên một tý cho lão thở, nhưng lão lại nghĩ bây giờ mà mở mồm ra nói thì cái núm
cương cứng bần bật nóng hổi kia đang quét đi quét lại trên môi hắn biết đâu sẽ
nhảy tọt ngay vào mồm lão. Nếu vậy thì không biết chuyện gì sẽ sảy ra, chỉ còn
nước bán áo đi mà trả tiền. Ví của lão không đủ tiền thật, tuy lão đã chuẩn bị
đến vài trăm lên tỉnh để còn mua cái này cái khác nhưng chắc mụ vợ đã nắn mất
một 100 đồng rồi. Thật là mất cảnh giác. Đã một lần lão đi ăn phở móc ví ra trả
tiền thì chẳng có đồng nào, mụ vợ đã móc hết từ khi nào. Hắn phải bán cái áo
com lê thật, mặc áo len về nhà cũng được rồi. Hắn cầm cái áo ra cửa, lũ con phe
xúm lại đứa xem, đứa kéo, đứa giằng, đứa lộn áo ra kiểm tra, đứa trả cao, đứa
trả thấp, lão bảo không được 200đ không bán. Bọn con phe cười ầm lên gọi nhau:
“Chúng mày ơi lại đây xem lão hói bán cái áo 200đ này”. Lũ phe chạy lại càng
đông túm vào ve vuốt lão nhà quê làm mặt lão đỏ tím ngượng như thằng ăn trộm bị
bắt. Lão nghĩ lúc này mà gặp người làng thì không có lỗ mà chui…
Người
ta bảo lão hâm, mà có lẽ hâm to thật. Hồi lão mới về hưu, vợ lão đã chuẩn bị
vật liệu để đổ cái hiên tây, bảo lão đi xem ngày nào tốt để còn làm, lão quắc
mắt nhìn vợ quát:
- Làm cái gì? Để tao còn phải đi báo cáo
tổ chức đã chứ. (Lão quen như hồi còn ở đơn vị nhất cử nhất động là phải báo
cáo tổ chức) vợ lão lại còn quát lại to hơn:
- Tổ chức, tổ chức ngay cái... Tao có tiền
có của tao làm chứ việc gì tao phải báo cáo đứa nào. Lại một cuộc ẩu đả giữa vợ
chồng lão sảy ra làm inh ỏi xóm làng khi mụ vợ giám động đến cái tổ chức cao
sang của lão. Lần đánh nhau này lão thua nên sáng mai lão lại phải chịu sự phân
công của vợ đi tát nước cho ruộng lúa. Lão vác chiếc gầu kéo lên vai ra đồng
kéo suốt từ sáng đến 11 giờ trưa. Không thấy lão về, vợ lão tưởng lão đi chơi,
ra đồng kiểm tra thì thấy lão vẫn hí húi kéo nước xì xòm, nước ngập hết ruộng
nhà hắn tràn bờ ngập ráo cả những thửa ruộng bên cạnh. Vợ hắn kêu làng kêu nước
rồi lội xuống máng tát vứt gầu lên bờ, rút hai que tre trượt máng, lão tưởng
đánh lão nên vác gầu chạy miệng lẩm bẩm: “Ngày nào cũng gây sự với ông, ông mà
chết thì bòi cũng chẳng có mà ăn”. Lão cũng mua một con bò, hàng ngày đi chăn
gọi là “trâu chăn bò dắt” cho nó có đẳng cấp. Hôm ấy, lão vừa dắt bò ra ngõ thì
gặp đoàn cán bộ của xã và hợp tác xã đi thăm đồng đông lắm, có cả bí thư đội
trưởng các đội, lão hô to:
- Ơ! Hai con trâu nó cỡi nhau các ông kìa.
Mọi người nhìn sang bên kia cầu đá thì thấy hai con trâu đang phủ nhau thật.
Lão bảo: Trâu hợp tác xã đấy các ông ạ. Mẹ cha nó chẳng giữ đạo đức gì cả, rõ
người làm sao của tào hao làm vậy. Tay chủ
nhiệm hợp tác xã giờ lên chủ tịch biết mình bị chọc quay lại:
- Này
lão Hói chiều lên ủy ban nộp phạt nhá.
- Phạt cái gì?
- Phạt tội lão đùa với nhà chức trách hôm
làm giấy chứng minh thư ấy. Lão nghĩ hôm công an huyện về xã làm chứng minh thư
nhân dân, đến lượt lão đồng chí công an hỏi:
- Họ tên?
- Hòi
Văn Búi.
Công
an tìm mãi trong danh sách bảo:
- Không
có Hòi Van Búi.
- Hòi Văn búi là Bùi văn Hói mà.
- Ông đùa với nhà chức trách hả?
- Xin lỗi nhà chức trách. Chuyện có vậy
rồi họ cũng cho qua, hôm nay chủ tịch lại bắt lên ủy ban nộp phạt là thế nào.
Lão dắt ngay bò về thay quần áo chỉnh tề lên ủy ban. Đã mười giờ trưa, cỗ bàn
phục vụ cho cán bộ đi thăm đồng đã xong. Ngoài đường bà con đi chợ về cũng
đông, lão chạy ra ngăn bà con lại mời tất cả vào ăn cỗ. Mọi người đang đói thấy
lão hói bảo vào ăn cỗ vào ngay, cứ hai, ba, bốn người ngồi một mâm ai vào trước
ăn trước, vào sau ăn sau, còn bao nhiêu lấy phần hết sạch chục mâm cỗ. Cánh cán
bộ đi thăm đồng về thì chỉ còn bát rếch. Từ đó dẹp được cái nạn ăn uống trên
xã.
Lão
làm thơ đọc cũng vần đáo để. Mọi người nghe cứ bảo lão gửi cho báo tỉnh. Lão
gửi thật, gửi đến năm sáu bài liền không thấy báo đăng, rồi lão cũng nhận được
cái giấy báo của tòa soạn là: “Chúng tôi đã nhận được bài của bạn, mong bạn
tiếp tục cộng tác với tòa soạn”. Thế là lão mang cái giấy ấy đi khoe khắp làng.
Khi người ta bảo: “Vậy là những bài lão gửi người ta không đăng rồi”. Lão tức
đe bỏ tù tay tổng biên tập báo tỉnh vì lão viết về đề tài thương binh liệt sĩ
mà thằng này phản động hay sao lại không đăng cho lão.
Hồi lão học cấp 3 trường huyện lão cũng
được vào tổ bồi dưỡng học sinh giỏi văn để đi thi miền bắc cơ mà. Lão học giỏi
thật, chả vậy mà lão được mua cung cấp chiếc xe đạp thiếu nhi liên xô. Nhưng
những bài văn của lão thầy cho về nhà làm chả mấy khi được điểm 4, cao nhất là
điểm 4- (bốn trừ). Mặc dù bài lão làm cho bạn trọ cùng nhà để thay không phải
thổi cơm thì được những 5 điểm. Quên cái điểm bốn điểm năm đi, lão tự hào nhất
là hôm thi tốt nghiệp thầy hiệu trưởng dặn lão là: “ Em phải bảo bài cho Quang
Hy ngồi bên cạnh” rồi Quang Hy cũng đỗ tốt nghiệp vào tổng hợp văn, ra trường
về làm phóng viên báo nhân dân.
Còn lão được chọn làm hồ sơ đi học ở Liên
Xô. Chưa hết hè các bạn lão đã có giấy gọi đi học nước ngoài. Còn lão thì học
đại học trong nước cũng không, mặc dù hồi ấy cứ tốt nghiệp phổ thông là vào
ngay đại học, không phải thi cho đến mấy năm sau nữa. Lão chạy đôn chạy đáo hỏi
ban tuyển sinh huyện tỉnh rồi về sau lão cũng được một người thịnh tình tiếc
cho cái sự học của lão cho biết: “Hồ sơ của lão bị giữ tại công an huyện”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét