Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

VỀ VIỆC CHÚ VÀ GIẢI THÍCH THÀNH NGỮ CHỈ LỐI NÓI KHOA TRƯƠNG TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT CỦA HOÀNG PHÊ / Nguyễn Ngọc Kiên


TS Nguyễn Ngọc Kiên


KỈ NIỆM 30 NĂM LẦN ĐẦU XUẤT BẢN TỪ ĐIỂN HOÀNG PHÊ
KỈ NIỆM 50 NĂM VIỆN NGÔN NGỮ HỌC VIỆT NAM
KỈ NIỆM 10 NĂN VIỆN TỪ ĐIỂN HỌC & BÁCH KHOA THƯ
KỈ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ KHOA HỌC, GS – TS HOÀNG PHÊ (1919 – 2019)

1. Mở đầu
Trong “Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt”, tác giả Cù Đình Tú cho rằng, “khoa trương là cách tu từ dùng sự cường điệu qui mô của đối tượng được miêu tả so với những biểu hiện bình thường nhằm mục đích nhấn mạnh vào một bản chất nào đó của đối tượng được miêu tả.” [4, tr. 204]
Theo Từ điển tiếng Việt nghĩa 2 thì khoa trươngtr. là “cường điệu hoặc phóng đại quá sự thật để đạt hiệu  quả nghệ thuật cần thiết.” [5, 503]


Theo Đào Thản thì “Cơ sở của phóng đại là tâm lí của người nói muốn rằng điều mình nói ra gây được sự chú ý và tác động cao nhất, làm người nhận hiểu được nội dung và ý nghĩa đến mức tối đa.” [3, tr.2]
Theo chúng tôi, khoa trương là cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng miêu tả. Tuy nói quá nhưng vẫn phản ánh được và đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. 
Khoa trương là cách nói có thể  tìm thấy ở các cấp độ từ, cụm từ, thành ngữ, câu, tục ngữ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu việc chú  và giải thích các đơn vị từ của Từ điển  tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên và nhóm cộng sự (Từ  đây gọi tắt là Từ điển Hoàng Phê).
         2. Cách chú và giải thích chỉ lối nói khoa trương trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê
2.1. Phân loại khoa trương theo ý nghĩa
                                               
Căn cứ vào ý nghĩa, lối nói khoa trương của người Việt được chia thành ba loại chính sau:
(1)      Khoa trương phóng to
Khoa trương phóng to là cố ý làm cho sự vật to ra, đem đặc trưng, số lượng, trạng thái, tính chất, đặc trưng của sự vật làm cho nhiều lên, nhanh hơn, cao lên, dài ra, mạnh hơn. Ví dụ (Các ví dụ sau được  trích dẫn từ “Chuyện Làng Cuội” của Lê Lựu, sau mỗi ví dụ chúng tôi đều liên hệ với mục từ hay cụm từ trong Từ điển Hoàng Phê để các bạn tiện liên hệ):
(1) Đi Tây “đường thẳng” cũng phải chạy vạy mửa mật, chui cửa trước, luồn cửa sau, huống hồ “chen ngang”.                                                
Theo Từ điển Hoàng Phê mục mửa mật đgt (kng) thường dùng sau đt). Mửa cả ra nước đắng, thường để  nói sự vất vả, nặng nhọc quá sức chịu đựng. Làm mửa mật. Đánh cho mửa mật. [tr.625 ]
(2) Người các nơi đổ về cứ là đông như khiến cỏ. [tr.489]
Từ điển Hoàng Phê mục kiến cỏ d. Kiến nhỏ, thường sống trong cỏ, rác. Đông như kiến cỏ.
(3) Dạ, không ạ. Khi đi anh ấy có dặn cháu là có ở chân trời góc biển nào thì cũng cứ mà yên trí, anh sẽ tìm đến.
       Từ điển Hoàng Phê  mục chân trời góc bể, không chú mà chỉ giải thích: chỉ nơi xa ăm, xa cách. [tr. 142 ]
(4) Mà ông còn đứng đây? Coi trời bằng vung thật!
Từ điển Hoàng  Phê mục coi trời bằng vung không chú từ loại mà chỉ giảỉ thích: Ví thái độ chủ quan liều lĩnh, coi thường tất cả. [tr. 197]
(2)      Khoa trương thu nhỏ
Khoa trương thu nhỏ là thu nhỏ sự vật; tức là cố ý đem số lượng, đặc trưng, tác dụng, mức độ của sự vật làm cho nhỏ đi, ít đi, chậm lại, thấp đi, ngắn lại hoặc yếu đi. Ví dụ:
(5) Làng nào xã nào cũng nhơn nhơn tuyên bố: “Bọn Tây bốt Thiệt có biến thành những con chuột nhắt cũng không chui lọt hàng rào để vào đây”.
(6) Hai ngôi nhà của vợ chồng anh và của mẹ vợ trông như hai cái lều, cách nhau một vườn chuối rộng hơn một sào mà anh vẫn tưởng cái gãi tai bên này tiếng thì thầm của vợ chồng anh ở bên này bên kia đội vẫn nghe, vẫn biết.
(7) Mong ngày mong đêm cái giây phút dắt đứa con đi cạnh chồng giữa thanh thiên bạch nhật, rốt cuộc cứ phải trốn lủi cả người quen lẫn người lạ, cả ánh mặt trời và giật mình với cả tiếng lá rơi. Để rồi sau khi ông tổng lên thăm bà Nhớn, mấy chữ của ông như những lưỡi dao chém vào niềm hi vọng của cô về một đứa con có bố.
Trong Từ điển Hoàng Phê đều không có các ví dụ về khoa trương thu nhỏ như “bé bằng mắt muỗi”, “gầy trơ xương”, “người gió thổi bay”.
(3)      Phân loại khoa trương theo thời gian
Trong tiếng Việt, khoa trương thời gian hay khoa trương theo trật tự nghịch là đem sự việc xuất hiện sau nói thành việc xuất hiện trước hoặc đồng thời xuất hiện. Ý nghĩa của câu là “chưa thế này thì đã thế kia” hoặc “vừa mới thế này đã thế kia”, chẳng  hạn “ chưa ăn đã hết” “rượu chưa uống đã say”, “chưa đến chợ đã hết tiền”. Tuy nhiên trong “Từ điển Hoàng Phê”, chúng tôi chỉ thấy mục nghè d. Dùng trong dân gian để gọi người đỗ tiến sĩ thời phong kiến. Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng (tng). [tr. 675]
Ngoài ra, chúng tôi không thấy lối nói này, mà chỉ thấy lối nói khoa trương thời gian: “trong chớp mắt” “trong nháy mắt”, “thoắt cái”. Chẳng hạn, người Việt nói:
(8) Đến bao giờ bà mới thoát được nỗi canh cánh lo sợ hơn cả giặc giã. Chỉ chớp mắt một cái là nó đã gây ra cái tai họa tầy đình, chứ lâu la gì.
(9) Luật pháp và những chuẩn mực nghìn đời cũng có thể thay đổi mười lăm lần trong một ngày. Chỉ cần mình muốn. Con người đã muốn gì thì cái gì cũng có thể làm được trong nháy mắt.
(10) Bằng cách đối xử của con vợ mình đêm hai vợ chồng đứng cạnh thằng Lăng ở miếu ông Cuội và sau đấy anh biết những con đàn bà dù nhà quê nó cũng có khả năng biến hóa như con yêu tinh, thoắt cái đã hiện ra nanh vuốt của quỉ dữ, thoắt cái lại dịu hiền ngây dại như trẻ thơ.
Từ điển Hoàng Phê mục nháy mắt d. (kn). Khoảng thời gian rất ngắn (tựa như chỉ kịp nháy mắt. Chỉ nháy mắt là làm xong. Trong nháy mắt. [tr. 707]
(11) Nó cũng có khả năng biến hái hóa như con yêu tinh, thắt cái hiện ra nanh vuốt của quỷ dữ, thoắt cái lại dịu hiền, ngây dại như trẻ thơ. [tr.328]
Từ điển Hoàng Phê mục thoắt t. Rất nhanh chóng, đột ngột. Thoắt hiện ra. Thoắt cái đã làm xong. Thoắt ẩn thoắt hiện. [tr. 947]
2.2. Phân loại khoa trương theo hình thức
Căn cứ vào hình thức có thể chia khoa trương thành hai loại: khoa trương trực tiếp và khoa trương gián tiếp.
(1) Khoa trương trực tiếp:
Khoa trương trực tiếp là khoa trương không sử dụng bất cứ biện pháp tu từ nào, vì vậy nó còn được gọi là khoa trương thuần túy. Ví dụ:
(12) Mả mẹ thằng chó dái câm mồm đi bà còn đỡ lộn ruột.
Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên và các cộng sự biên soạn (từ đây gọi tắt là Từ điển Hoàng Phê) mục lộn ruột, không ghi từ loại và giải thích: Tức giận đến mức cảm thấy không thể chịu được. Tức lộn ruột. Nghe mà lộn cả ruột. [tr. 583]
(13) Đ. Mẹ nó. Định ngoan cố. chúng ông cắt họng.
Từ điển Hoàng Phê mục cắt họng t (id) như cắt cổ t (dùng sau d  hoặc đ trong một số  hợp). (Giá cả hoặc mức lãi ) cao một cách đáng sợ. Bán với giá cắt cổ. Cho vay laĩ cắt cổ. [tr.120 ]
(14) Tiếng ồn ã của dân chúng nói rằng: “Các quan trên như quan huyện ta đây, dâm đãng, tham lam, vu oan giá hoạ, hà hiếp dân chúng làm cho hàng ngàn dân làng điêu đứng, sống dở, chết dở, còn bẩn hơn thằng ăn mày chứ”.
Theo Từ điển Hoàng Phê, mục sống dở chết dở (kng). Lâm vào tình cảnh khó khăn đến mức điêu đứng. [tr. 868]
(15) Không tìm thấy con Việt Minh cái, ông tùng xẻo mày!
Theo Từ điển Hoàng Phê, mục tùng xẻo đt (khng). Lăng tri. [tr.1065 ]
(16) Trong lúc cả làng sôi sục chạy đuổi “nhét cứt vào mồm con Xuyến”, làm con bé xanh xám mặt mũi, cắt không còn hột máu, thằng Hiếu đứng ra chặn mọi người ôm lấy vợ bảo: - Em cứ bình tĩnh, đừng sợ.
Theo Từ điển Hoàng Phê, mục mặt cắt không còn hạt máu, không chú, mà chỉ giải thích: Mặt trắng bệch hoặc tái nhợt hẳn ra vì quá khiếp sợ. [tr. 620]
Khoa trương gián tiếp
Là khoa trương phải sử dụng các biện pháp tu từ khác để thực hiện, còn được gọi là khoa trương dung hợp. Chẳng hạn:
+ so sánh có từ so sánh. Ví dụ:
(17) Ông hứa chắc như đinh đóng vào cột gỗ lim rằng sẽ thu xếp để lấy cô làm vợ.
Trong Từ điển Hoàng Phê mục đinh chú là d (danh từ), và đưa ví dụ giải thích: Chắc như đinh đóng cột (rất chắc chắn, dứt khoát) [tr.323 ]
(18) Đêm đêm nhìn quầng lửa đỏ cháy rực góc trời làng mình, nước mắt chảy ra như máu ứa từ ruột trào lên, hai hàm răng cắn lại nuốt nước mắt như nuốt máu mình chảy vào miệng mình.
Từ điển Hoàng Phê mục cắn răng, không chú từ loại. Cắn hai hàm răng lại cố chịu nỗi đau đớn; cố chịu đựng nỗi đau không nói ra.. Cắn răng chịu đựng. Khổ đến mấy cũng cắn răng mà chịu. [tr. 118]
 Từ điển Hoàng Phê mục nuốt đt. Tác giả nêu ví dụ: Nuốt hận. Nuốt giận làm lành. Nuốt nước mắt (b.; cam chịu đau đớn trong lòng) [tr. 743]
 (19) Tao nói cho thằng lưu manh kia biết nhé. Nếu tao là con đĩ, mày là cái gì. Ở đại hội nó phê bình chỉ như gãi ghẻ cho mày.
 Từ điển Hoàng Phê không có mục gãi ghẻ.
+ so sánh không có từ so sánh
 (20) Cô bám vào cột quằn người kêu la tưởng là đứt ruột chết ngay.
Từ điển Hoàng Phê mục đứt ruột. Đau đến mức như đứt từng khúc ruột. Tiếc đứt ruột. Thương đứt ruột. [tr. 360 ]
(21) Chó cắn và người kêu. Tóc gáy thằng Hiếu dựng lên, nó lo thon thót không hiểu mẹ nó làm sao.
Ở đây, ta phải hiểu rằng, “tóc gáy thằng Hiếu như bị dựng lên”.
Từ điển Hoàng Phê mục dựng tóc gáy, không chú từ loại. Sợ quá trước việc rùng rợn khủng khiếp đến mức cảm thấy như tóc gáy dựng đứng cả lên. Chuyện  rùng rợn nghe dựng tóc gáy. [tr. 271]
+ So sánh có hệ từ
(22) Có rượu vào mà rủ nhau lẳng bà lão đi rồi. Đúng họ đóng đinh vào đầu mình.
Từ điển Hoàng Phê cũng không có cụm từ này.
+ Sử dụng hoán dụ để khoa trương
Tác giả Trần Vọng Đạo trong  Tu từ học phát phàm lần đầu tiên đã đưa ra định nghĩa về phép hoán dụ: “Sự vật được nói tới tuy rằng không có điểm tương tự với sự vật khác, giả sử khi giữa chúng còn có quan hệ không thể tách rời, tác giả có thể mượn tên của sự vật có quan hệ đó thay cho sự vật được nói tới. Cách mượn như vậy gọi là phép hoán dụ tu từ” [93]. Nghĩa là, không nói thẳng ra tên người hoặc sự vật mà mượn tên của sự vật có quan hệ mật thiết với nó thực hiện phép thay thế.
Phép hoán dụ tu từ được chia thành nhiều loại khác nhau. Theo quan sát của chúng tôi, lời nói khoa trương trong “Chuyện Làng Cuội”, tác giả thường dùng cái toàn thể để thay cho từng vật chứa trong đó. Ví dụ:
(23) Sao bà lại sinh ra vào cái thời buổi lạ lùng. Thoắt cái cả làng cả tổng xô lại ai cũng như xé ruột xé gan cho bà.
Ở ví dụ trên, “cả làng cả tổng”  vật chứa đựng đại diện cho những người trong đó.
(24) Dù được đi đây đi đó nhưng lần nào đến ga Hàng Cỏ trông thấy con “phe” đã thấy đẹp hơn vợ mình, huống hồ gặp lại Nho, con người có cái cười “toàn dân”. Chị ta vừa mở quán nữa tháng trời, cả huyện đã biết “lai lịch, có riêng gì anh.
(25) Tên bác cả nước người ta còn biết. Chúng em ở xã bên chả lẽ bác lại không cho vinh hạnh biết bác hay sao?
Từ điển Hoàng Phê không có các cụm từ “cả làng” “cả tổng” “ cả huyện” hay “cả nước”.
2.3. Phân  loại khoa trương theo mức độ
Căn cứ vào mức độ khoa trương (đã đến mức phi lí hay chưa đến mức phi lí), khoa trương của người Việt có thể chia thành mấy loại:
(1)              Khoa tương ở mức độ thấp
Khoa trương ở mức độ thấp là cách nói quá đi so với cái có thật trong thực tế; tuy có thể nhân lên tới hàng trăm hàng nghìn lần, thậm chí hàng vạn lần, nhưng vẫn chưa đến mức phi lí, vẫn có thể chấp nhận được. Sở dĩ như vậy là vì, nghe mãi thành quen tai, cả người nói và người nghe không ai nghĩ rằng mình đang khoa trương. Chẳng hạn, trong khẩu ngữ người Việt vẫn hay sử dụng các cụm từ sau để khoa trương: vô cùng vĩ đại, cực kì khó khăn, trăm công nghìn việc, phục sát đất. Ví dụ:
 (26) Anh buồn bã bảo bà: - Thì đúng thế còn gì nữa. người ta phổ biến, tôi ngồi, mặt dầy như cái mặt mo ở trên huyện ấy.
Từ điển Hoàng Phê mục mặt mo d. (thgt) chỉ kẻ không biết xấu hổ, trơ trẽn. Họa có là kẻ mặt mo mới dám làm như thế. [tr. 620]
(27) Đến khi cháu ra về chú đứng lặng, hai mắt như muốn nuốt chửng lấy cháu.
Từ điển Hoàng Phê mục nuốt chửng đt. Nuốt gọn cả miếng một lần không nhai. Cho vào mồm nuốt chửng. Sóng chồm lên như muốn nuốt chửng con thuyền. Nuốt chửng lời hứa. [tr. 744 ]
(28)  Nghe cháu nói bà quặn ruột lại .
Từ điển Hoàng Phê mục quặn t (hoặc đgt) và giải thích: Lòng quặn đau. [tr.804 ]
 (29) Ông thấy giận em gái. Nó không xui con nó làm cái việc khốn nạn ấy, nhưng ông vẫn tím gan khi nhìn thấy em.
Từ điển Hoàng Phê mục tím gan t. (kng). Tức giận lắm mà phải nén chịu. [tr.  993].
(30) Tiếng ồn ã của dân chúng nói rằng: “Các quan trên như quan huyện ta đây, dâm đãng, tham lam, vu oan giá hoạ, hà hiếp dân chúng làm cho hàng ngàn dân làng điêu đứng, sống dở, chết dở, còn bẩn hơn thằng ăn mày chứ”. “Mỗi quan có hàng bồ đơn từ kêu oan ức, kiện tụng, có chứng cứ hai năm rõ mười cứ rành rành ra đấy cũng chả đụng đến một cái lông chân các quan, huống hồ cái chuyện bông phèng của thằng ăn mày có gì phải cuống lên”.
Từ điển Hoàng  Phê mục hai năm rõ mười, không chú. Rành rành, không ai không thấy. Sự thật đã rành rành, hai năm rõ mười, chối cãi thế nào được.
[tr. 416]
(31) Tôi không thể mẹ con với cái người vu oan giá họa, gắp lửa bỏ tay người khác được.
Từ điển Hoàng  Phê mục gắp lửa bỏ tay người, không chú từ loại. Ví hành động vu khống để gieo vạ cho người một cách độc ác. [tr. 374]
(32)  Ông hứa chắc như đinh đóng vào cột gỗ lim rằng sẽ thu xếp để lấy cô làm vợ.
Trong Từ điển Hoàng Phê mục đinh chú là d (danh từ), và đưa ví dụ giải thích: Chắc  như đinh đóng cột (rất chắc chắn, dứt khoát) [tr. 323]
(33) Một kẻ bị khinh bỉ, một kẻ sống thêm ở đời này chỉ như một cái ống nhổ cho người ta nhổ vào mặt thì sống làm gì.
Trong Từ điển Hoàng Phê, mục nhổ đt, có đưa ví dụ: nhổ vào mặt (tỏ thái độ hết  sức khinh bỉ) [tr. 723]
(2)              Khoa trương ở mức độ cao
Khoa trương ở mức độ cao là cách nói nói quá sự thật một cách quá đáng, đến độ phi lí không thể tin được. Trong giao tiếp, người ta hay sử dụng các cụm từ và các thành ngữ khoa trương sau:  không cánh mà bay, một bước lên giời, một chữ bẻ đôi cũng không biết, một ngày dài hơn thế kỉ, ngàn cân treo sợi tóc, ba đầu sáu tay.
Từ điển Hoàng Phê mục không cánh mà bay (kng). Ví trường hợp tự dưng mất đi lúc nào, không biết ai lấy. [tr. 510]
Từ điển Hoàng Phê mục ba đầu sáu tay (dùng trong câu phủ định hoặc có ý châm biếm. Ví sức lực tài năng gấp mấy người thường. Chúng nó có ba đầu sáu tay cũng không làm gì nổi. [tr. 21]
 (34) Khai được chuyện này ra, bao nhiêu chuyện khác sẽ gỡ ra được, chồng mụ không phải bị buộc oan, không phải “ngàn cân treo sợi tóc” như bây giờ.
Từ điển Hoàng Phê mục ngàn cân treo sợi tóc, không chú từ loại. Chỉ tình thế, tình trạng cực kì nguy hiểm, đe dọa đến số phận vận mệnh. Tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. [tr. 668]
(35) Từ thiếu nhi lan tới các ông, các  bà đi làm cỏ, gánh phân, đào ao xây chuồng lợn, cũng nhẩm thuộc vè có khí thế đấu tranh “long trời lở đất” nay mai.
Từ điển Hoàng Phê mục long trời lở đất không chú từ loại. Ví hiện tượng, sự kiện có tác động vang dội khắp nơi, làm đảo lộn trật tự cũ. Cuộc cách mạng long trời lở đất. [tr. 578 ]
 (36)  Kẻ khác đụng đến là thấy đứt ruột ra làm năm, làm bảy.
Từ điển Hoàng  Phê mục đứt ruột không chú từ loại, đau xót như đứt từng khúc ruột. Tiếc đứt ruột. Thương đứt ruột. [tr. 360 ]
(37) Mả mẹ thằng chó dái câm mồm đi bà còn đỡ lộn ruột.
Từ điển Hoàng Phê mục lộn ruột, giải thích: Tức giận đến mức cảm thấy không thể chịu được. Tức lộn ruột. Nghe mà lộn cả ruột. [tr. 583]
(38) Vì con mà mẹ phải lên thác xuống ghềnh, mẹ đâu có quản ngại.
Từ điển Hoàng  Phê mục lên thác xuống ghềnh (vch). Ví cảnh gian truân vất vả gian nan. [tr. 563]
(39) Cứ mỗi lần hình dung đến cái mắt chột của mày máu trong người tao lại sôi lên.
Từ điển Hoàng  Phê mục sôi máu đt (thgt) như sôi gan. Sôi gan đt (khng) Giận đến tột độ. Gi ận sôi gan. Nghĩ tới lại sôi gan. [tr.867 ]
(40) Đêm ấy cô lại thức trắng, nhớ lại lúc ngồi với bà Nhớn, bà mắng cô: “Ăn nói độc mồm, độc miệng, hổ báo nó bắt mày đi”.
 Từ điển Hoàng Phê mục độc mồm độc miệng, không chú. Hay nói những điều gở, không lành. [tr. 336]
(3) Khoa trương ở mức độ cực cấp
Là khoa trương ở mức độ cao nhất.
Khái niệm “cực cấp” chúng tôi dùng ở đây là khoa trương được xếp vào mức độ cao nhất. Loại này thường dùng cho những tính từ “thang độ”. Ví dụ:
(41) Bao nhiêu vất vả gian truân, bao nhiêu đau đớn tủi nhục người mẹ nuốt hết vào trong lòng cốt để trở thành bất tử, thành người hạnh phúc nhất trần gian lúc đứa con bập bẹ tập nói.
Từ điển Hoàng Phê mục trần gian d. Cõi đời, thế giới của con người trên mặt đất (thường đối lập với tiên giới hoặc âm phủ). Kiếp trần gian. Còn nặng nợ trần gian. Địa ngục trần gian. Nhưng Từ điển không có mục nhất trần gian.
(4) Khoa trương về điều phi thực tế
Kiểu khoa trương  này là khoa trương về những điều không có thực hoặc trái với thực tế. Ví dụ:
(42) Tưởng đã lìa cõi trần gian, dương thế về nơi thiên thu an nhàn, thong dong cõi Niết Bàn, nào ngờ vẫn hồn xiêu phách lạc.
Từ điển Hoàng Phê mục hồn xiêu phách lạc không chú từ loại. Sợ đến mức hoàn toàn mất tinh thần, sợ hết hồn hết vía. [tr. 462]
(43) Keo kiệt bủn xỉn cho lắm vào. Đúng là giời có mắt.
Từ điển Hoàng Phê mục trời có mắt, không chú từ loại. Trời  bao giờ cũng sáng suốt, công bằng, theo tôn giáo, tín ngương dân gian (cho nên ở hiền gặp lành, ở ác thì gặp dữ). Thật là trời có mắt. [tr. 1045]
(44) Đã chắc gì ông thiết. nhưng chúng bay cũng không được phép quên ông, bắt ông nằm suông bẹp dí ở đây mãi gần trưa mới được bát ngô bung thì vẫn trợn trạo rắn như cái đầu lâu con mẹ mày, ai nhai được. Chúng mày ác với ông thì trời đánh thánh vật chúng bay.
Từ điển Hoàng Phê mục trời đánh thánh vật (kng) đáng tội chết một cách khổ sở nhục nhã (thường dùng để rủa kẻ độc ác) [tr. 1045]
(45) Bà vu oan giá họa cho tôi, bà không sợ trời tru đất diệt nốt cái giống nòi nhà bà sao bà Đất ơi...
Từ điển Hoàng Phê mục trời tru đất diệt không chú từ loại. Trời đất trừng phạt, trời đất không dung được (dùng làm tiếng chửi rủa) [tr. 1046]
3.  Kết luận
Trong một bài viết trước chúng tôi đã nói về cách ứng xử của Từ điển
Hoàng Phê đối với thành ngữ tiếng Hán. Qua tra cứu Từ điển Hoàng Phê chúng tôi lại thấy có mấy vấn đề  cần trao đổi lại như sau:
Các tập hợp từ hồn xiêu phách lạc, trời có mắt, trời tru đất diệt, trời đánh thánh vật, lên thác xuống ghềnh, long trời lở đất, chân trời góc bể, coi trời bằng vung, ngàn cân treo sợi tóc, sống dở chết dở, đều là những thành ngữ. 
Trước hết  cần hiểu rõ thành ngữ là gì?  Thành ngữ là “tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng các từ tạo nên nó” [4,tr. 915]
Nhóm tác  giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến thì cho rằng “thành ngữ là cụm từ cố định, hoàn chỉnh về cấu trúc và ý nghĩa. Nghĩa của của chúng có tính hình tượng hoặc / và gợi cảm”. [1, tr. 157]
Còn tục ngữ “câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân” [4,tr. 1062]
Từ  những định nghĩa trên, chúng tôi nhận thấy, đối với các thành ngữ, Từ điển Hoàng Phê đều không chú từ loại. Mục Không cánh mà bay, Trời đánh thánh vật, Dở sống dở chết lại chỉ chú là khẩu ngữ. Riêng Chưa đỗ ông nghè đã đe  hàng tổng chú là tục ngữ thì không có lí gì mà không chú đó là những thành ngữ. Như vậy Từ điển Hoàng Phê thiếu tính nhất quán.
Thiết nghĩ một cuốn Từ điển ngoài việc chú và giải thích từ nó còn  chức năng định hướng cách sử dụng cho độc giả. Các cụm từ đứt ruột, sôi máu, sôi gan, đứt ruột, lộn ruột, nhổ vào mặt, là những cụm động từ có tính chất như thành ngữ, chứ chú là động từ e không ổn. Hơn nữa chúng vốn là những thành ngữ, người Việt vẫn nói: tiếc đứt ruột, giận sôi máu / sôi gan, tiếc đứt ruột, tức lộn ruột, (khinh bỉ) nhổ vào mặt. Nói tắt lộn ruột, sôi máu ai cũng hiểu là tức lộn ruột, giận sôi máu chứ không thể buồn lộn ruột, rầu sôi máu được.  Những thành ngữ này khi đi vào hoạt động chúng đã bị rút ngắn thành từ (hiện tượng từ hóa) theo quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ. Riêng mục cắt họng chú là tính từ  và như cắt cổ là không thỏa đáng. Bởi trong thực tế sử dụng ngôn  ngữ không phải lúc nào chúng cũng thay thế cho  nhau được. Chẳng hạn ta chỉ có thể nói lãi suất cắt cổ, bán với giá cắt cổ mà không thể nói lãi suất cắt họng, bán với giá cắt họng được. Ở đây cắt cổ đúng là tính từ khi nó mang nghĩa biểu trưng tức nghĩa thành ngữ. Lại nữa, ví dụ (13 ) Đ. Mẹ nó. Định ngoan cố. Chúng ông cắt họng, thì cắt họng khi nó mang nghĩa gốc tức nghĩa ban đầu, phải là cụm động từ chứ  không thể là tính từ như Từ điển đã chú.
Như đã nói Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê là cuốn Từ điển có uy tín. Nó đã được tái bản rất nhiều lần; trong đó có bút tích của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Vài hạt sạn nhỏ, hi vọng các nhà ngôn ngữ học có trách nhiệm quan tâm chỉnh lí cho những lần xuất bản sau.

             (Viết tại Hải Đường, 4/ 2018)
                    Nguyễn Ngọc Kiên

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mai Ngọc Chừ. Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến (2005), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Giáo dục
2.     Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Đào Thản (1990), Lối nói phó óng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
4. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
5. Viện Ngôn ngữ học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
Lê Lựu (2003), Chuyện Làng Cuội, NXB Văn học.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét