NGẪM CHIỀU
1- tơ nhện thả mành
nà nuột
mưa rớt giọt
lộp độp hè cánh đỏ phượng rơi.
lòng rối bời
dạ rối bời
lắng lo nỗi bòng bong rối
liêu xiêu bước vội
bàn chân ai lối về.
canh hẹ cuộc đời hắt bến mê
bông lau tóc xoã vạt chiều héo úa
bàn tay thõng rớt niềm tin vụn vỡ
hạt đất buồn xa xót ngọn cỏ côi.
...
2 - Bỏ lại muộn sầu đi nhặt niềm vui
hít hà hương lá
vói rẻ quạt ráng hồng quạt gió
xoe búp trời thiên thanh
Bỏ lại bộn bề về tĩnh tại mình
tiếng mõ cá quyện chiều lam khói
chuông đồng vọng thinh không vòi vọi
Thơ.
3 - đời - mơ
trong vắt.
Hà Nội,
02.03.2018
BÙI CỬU TRƯỜNG
LỜI BÌNH CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN:
Ngẫm Chiều là bài thơ của nhà thơ,
bác sĩ Bùi Cửu Trường, được sáng tác vào ngày 02 tháng 03 năm 2018 nhưng mãi
tận chiều qua, 16 tháng 06 năm 2018 tôi mới có cơ duyên được đọc Ngẫm Chiều trên
trang facebook của bà.
Ngay từ những câu đầu
của khổ đầu bài thơ, Ngẫm Chiều đã
gây ấn tượng đặc biệt với người đọc qua những chấm phá khá độc đáo:
“tơ nhện thả mành
nà nuột
mưa rớt giọt
lộp độp hè cánh đỏ phượng rơi.”
Thơ tự do, phóng bút,
không chú trọng vần điệu, không gò bó hình thức. Hình ảnh đẹp, lạ, gợi những
nét huyền bí, liêu trai.
Tiếp theo, là: “Lòng rối bời/ Dạ rối bời”,
chủ ý ngắt ra từ “lòng dạ rối bời” thành 2 câu riêng biệt, đồng nghĩa, để nhấn
nhá, đẩy lên cao tâm trạng bồn chồn, sốt ruột, với ngổn ngang những lo lắng
chồng chéo, đan xen, khó tháo gỡ, khiến bàn chân “liêu xiêu bước vội”. Nhịp thơ thật
riết róng, dồn nén, ngắc ngứ, rưng rức xót lòng trong “chiều bời rối”, và những phảng phất nét
cô liêu với đau đáu nỗi niềm “bàn chân ai lối về”,
khiến người đọc cũng nghẹn lòng, thảng thốt:
“lòng rối bời
dạ rối bời
lắng lo nỗi bòng bong rối
liêu xiêu bước vội
bàn chân ai lối về.”
Tâm trạng hụt hẫng, xa
xót được đẩy xa, sâu hơn, bởi những hình ảnh: “tóc xõa vạt chiều”, “bàn tay thõng”, “ngọn cỏ côi”... mang
mang gam trầm buồn, của tâm trạng xáo trộn bất ổn, muốn thõng tay buông bỏ tất
cả, quên đi tất cả, đã tạo nên một bức tranh sống động mà trầm mặc, u uẩn mà da
diết.
Không chú trọng vào gieo
vần, cứ thả cho mạch thơ tự nhiên trôi theo dòng cảm xúc nhưng nhà thơ Bùi Cửu
Trường lại thật cẩn trọng khi chọn lựa, sắp xếp câu chữ, với những động từ: “hắt”, “xõa”, “rớt”, “vỡ”... được đặt đúng
tâm trạng, đúng ngữ cảnh, khiến nỗi đời, nỗi người của cõi người đã đau càng
đau se sắt, và đẩy câu thơ bay lên, thấm nhẹ nhàng vào trái tim người đọc:
“bàn tay thõng rớt niềm
tin vụn vỡ
hạt đất buồn xa xót ngọn cỏ côi.”
Hai câu thơ thật hay, mà
buồn, xót xa lắm.
Rồi, nhà thơ “Bỏ lại muộn sầu đi nhặt
niềm vui/ hít hà hương lá”, để tĩnh tâm trước cõi người nơi trần tục còn
lắm khổ lụy, phiền não, để buông bỏ nhẹ nhàng nhưng dứt khoát những tham - sân
- si - ái - ố của chúng sinh mà gửi hồn vào “tiếng mõ cá quyện chiều
lam khói/ chuông đồng vọng thinh không vòi vọi”, mà mong được an lạc nơi
cõi Thiền.
Sắc - Sắc - Không -
Không, đời người là bể khổ trầm luân, đạt tới “đời - mơ/ trong vắt”
là đạt tới cảnh giới. Ước mơ
đó đâu phải chỉ là của riêng nhà thơ Bùi Cửu Trường?!
Ngẫm Chiều là bài thơ với thi tứ
hay và lạ, cách sử dụng từ ngữ khá độc đáo, nhất là cách nói ngược: nà nuột / cánh đỏ phượng
/ lắng lo / vụn vỡ / xa xót / muộn sầu / bộn bề / chiều lam khói... được dùng
như là thủ pháp chính đã tạo ấn tượng thật đặc biệt với người đọc. Hay hay không
hay là tùy thuộc vào cảm nhận của riêng mỗi người nhưng với người viết, thì NGẪM
CHIỀU là một bài thơ hay, rất đáng đọc.
*
Hà Nội, 17 tháng 06 năm
2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét